Welcome Guest ( Log In | Register )

 
Reply to this topicStart new topic
> Hùng Cường (1936 – 1996), Tổng Hợp
VanAnh
post Oct 4 2015, 01:58 PM
Post #1


Hạnh ngộ
***

Group: Năng Động
Posts: 5,776
Joined: 25-October 08
Member No.: 480
Country




Hùng Cường (1936 – 1996)




Trần Kim Cường là tên thật của Hùng Cường, người nghệ sĩ đã lăn lộn trong nghề từ trên bốn thập niên trong các lãnh vực Tân nhạc, Cổ nhạc, Kịch nghệ cũng như Điện Ảnh. Người nghệ sĩ tuổi Tý, sinh ngày 21 tháng 12 này cho biết là anh trong bước đầu đã không may mắn nhưng cũng chẳng trở ngại gì!. Anh đã bước lên sân khấu lần đầu tiên khi còn đang theo học tiểu học tại trường Trần Hưng Đạo với nhạc phẩm “Con Chim Hòa Bình Đang Đau Nặng” của Lê Thương và đã được toàn thể thầy cô, phụ huynh và học sinh cả trường hoan nghênh.

Ngay từ những năm 54, 55 Hùng Cường đã nổi tiếng qua các nhạc phẩm: Ông Lái Đò, Vọng Ngày Xanh, Sơn Nữ Ca, Đường Xưa Lối Cũ, Chàng Đi Theo Nước, vv…Tất cả những nhạc phẩm này đã được thu diã và đạt được một số bán kỷ lục. Hùng Cường là một ca sĩ tân nhạc sở hữu giọng hát tenor cao vút một thời tung hoành ở các vũ trường Kim Sơn, Baccara v.v…
Qua đến thập niên 60, Hùng Cường được biết đến nhiều hơn nữa khi gửi đến người nghe những nhạc phẩm được gọi là kích động nhạc vào thời đó, nhằm vào những sinh hoạt trong cuộc sống quân ngũ như : Dù Hoa Lạc Lối, Đám Cưới Nhà Binh, Một Trăm Phần Trăm, Kim, Say, vv…Sau đó hợp với Mai Lệ Huyền thành cặp “Sóng Thần”, nổi tiếng với những ca khúc tươi vui và kích động như : Hai Trái Tim Vàng, Vì Chưa Ngỏ Ý, Hờn Trách, Túp lều Lý Tưởng, Bắt Đền, vv… Tất cả những nhạc phẩm này đã được thu dĩa và đạt được một số bán kỷ lục… ở Sài Gòn thập niên 60.

Nhưng Hùng Cường lại say mê cổ nhạc, anh gia nhập đoàn cải lương Ngọc Kiều năm 1959 và nhanh chóng trở thành kép chánh rất thành công, mà không phải trải qua một vai phụ nào. Vai diễn đầu tiên của Hùng Cường trên sân khấu nầy là Roméo, tuồng “Mộng đẹp đêm trăng” của soạn giả Việt Bằng Nguyễn Thanh Hiệp, khai trương tại rạp Nguyễn Văn Hảo, với các diễn viên gạo cội thời đó: Ngọc Đán, Ngọc Giàu, Kim Nên, Hoàng Kinh, Thanh Sang, Kim Nguyên, Thanh Kỳ…


Sau khi được ban giám đốc đoàn xác nhận sẽ duy trì Hùng Cường hát vai chánh trong kịch bản “Tuyết Phủ Chiều Đông”, sẽ khai trương tại rạp Viễn Trường Mỹ Tho sau một tháng tập dượt. Anh kép này đã mướn riêng một nhạc sĩ cổ nhạc, đến nhà anh tại hẻm Phát Diệm luyện tập ngày đêm, sau những giờ tập tuồng. Ngoài ra anh nhờ các diễn viên của đoàn, có tay nghề vững chắc, hướng dẫn từng bộ điệu, nhứt là nữ nghệ sĩ Ngọc Đáng, người đóng cặp với anh, dìu dắt phối hợp theo từng tình huống vui buồn trong kịch bản.

Sau thành công vang dội nhờ giọng ca lạ của Hùng Cường từ tân nhạc sang, đoàn Ngọc Kiều dựng tiếp vở cải lương hương xa “Màu tím đèn hoa giấy”, khai trương từng bừng tại rạp hát Nguyễn Văn Hảo năm 1960. Rồi tiếp tục đem lưu diễn nhiều tỉnh, thị xã lớn ở miền Tây. Đặc biệt, vở Màu tím đèn hoa giấy và Hùng Cường được khán giả hoan nghinh nhiệt liệt tại rạp hát Viễn Trường, thị xã Mỹ Tho. Lúc đoàn Ngọc Kiều diễn tại Châu Đốc, anh đóng vai Kha Phong, một kiếm sĩ Phù Tang thật điêu luyện, bên cạnh 2 tài danh Ngọc Đáng, Kim Nên.
“Tuyết Phủ Chiều Đông” của soạn giả Bạch Yến Lan, khán giả Mỹ Tho từ khắp nơi đổ về, đông đảo ngoài sức tưởng tượng trong rạp Viễn Trường bít kín từ chỗ ngồi đến chỗ đứng, bên ngoài còn dư khán giả gần nửa rạp, tạo một khung cảnh thật ồn ào náo nhiệt. Ngôi sao cải lương của Hùng Cường lấp lánh từ dạo đó. Anh được yêu mến và là “ngôi sao” trong cả ba lĩnh vực Sân khấu – Ca nhạc – Điện Ảnh. Các phim có anh đóng được người xem chú ý thời bấy giờ như: “Chân Trời Tím”, “Mãnh Lực Đồng Tiền”, “Còn Gì Cho Nhau”, “Nắng Chiều”, “Ly Rượu Mừng”, “Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang”…

Lúc mới bước sang lãnh vực điện ảnh, kép cải lương Hùng Cường bị những người trong giới này châm chích quá mạng, họ đã dùng từ “cải lương” để chê bai. Thế nhưng, sau khi thành công với phim đầu tiên “Chân Trời Tím” thì Hùng Cường mạnh dạn đứng trên sàn quay, nhiều hãng phim đã mời Hùng Cường cộng tác và phim nào có tên anh cũng ăn khách.

Tiếp theo, Hùng Cường đầu quân cho các đoàn Kim Chung, Dạ Lý Hương. Tuy vậy, tên tuổi Hùng Cường vượt lên tột đỉnh là lúc về đoàn Dạ Lý Hương của ông Bầu Xuân vào năm 1966, cùng với nữ nghệ sĩ Bạch Tuyết tạo thành một cặp sóng thần sân khấu cải lương, rất được ái mộ qua nhiều vở tuồng chủ lực của đoàn.
Đầu năm 1971, cặp Hùng Cường-Bạch Tuyết tách ra lập đoàn cải lương Hùng Cường – Bạch Tuyết, đã có những kịch bản khá ăn khách là “Trăng thề vườn Thúy”, “Má hồng phận bạc,” “Cung thương sầu nguyệt hạ.” Được khoảng 1 năm thì đoàn hát rã.

Về phần Hùng Cường, có những tuồng hát đến nay vẫn được người thưởng ngoạn yêu thích như: “Cho trọn cuộc tình” (với các nghệ sĩ Hùng Cường, Minh Phụng, Bạch Tuyết, Kim Ngọc, Hữu Phước, Văn Chung); “Hai nụ cười Xuân” (với Hùng Cường, Tấn Tài, Phượng Liên, Ngọc Giàu, Mai Lan, Thanh Việt, Văn Chung); “Lệnh của bà” (với Hùng Cường, Bạch Tuyết, Út Hiền, Phượng Liên, Văn Chung), “Má hồng phận bạc” (với Hùng Cường, Bạch Tuyết…), “Tình chú Thoòng” (Hùng Cường, Bạch Tuyết, Ngọc Giàu…).
Những vai để đời của Hùng Cường có lẽ là vai tướng cướp Bạch Hải Đường, vở hát cùng tên, hay vai công tử Vân Châu, vở “Yêu người điên,” là một trong số tuồng khán giả đánh giá cao tài năng của Hùng Cường. Anh hóa thân xuất sắc vai 1 người điên vì mất của, mất tình yêu, và hết sức ngọt ngào trong từng lời ca tiếng hát, làm nổi lên cá tính nhân vật diễn viên muốn thể hiện.


Có thể nói, Hùng Cường là một nghệ sĩ đa tài, anh đứng trên sân khấu sau nhiều nghệ sĩ thành danh lúc đó, nhưng đã thành công nhanh chóng, được hàng triệu khán thính giả ngưỡng mộ. Ngoài là một ca sĩ tân nhạc, một nghệ sĩ cải lương, Hùng Cường còn là tài tử điện ảnh, đã đóng nhiều phim rất đạt, bên cạnh các ngôi sao Thẩm Thúy Hằng, Thanh Nga; là nhạc sĩ đấu tranh và người làm thơ với những dòng thơ yêu nước dạt dào: “Trọn tim trót gửi non sông. Trọn hồn trót nặng mộ ông, miếu bà. Trọn xương đập lũ man tà. Trọn đây da thịt làm “quà tự do…” Hùng Cường (Nhất Quốc Tâm.)

Tuy trong quá khứ, dư luận có đề cập tới một số khuyết điểm của Hùng Cường, chẳng có gì to tát so với đóng góp của anh cho nghệ thuật, như chuyện tát tai hề Thiện Mỹ hay đập đàn của nhạc sĩ Văn Vĩ, chỉ vì nóng giận, sợ hỏng vai diễn của mình trên sân khấu. Có người cũng nói tới những cuộc tình thật lãng mạn của Hùng Cường…

Khi hỏi về sự “liên lệ tình cảm” mà dư luận thường đề cập đến mỗi khi nhắc đến cặp diễn này, chị Mai Lệ Huyền cười nói: Tôi xem anh Cường như một người anh cả, và anh cũng xem tôi như một đứa em gái. Trên sân khấu, chúng tôi phải đóng vai người yêu của nhau, nhưng ngoài đời mãi mãi là tình anh em. Tôi cũng cần nói thêm là năm 1965, tôi lập gia đình với nhạc sĩ Trần Trịnh, chính anh đã sáng tác nhiều nhạc phẩm rất hay để tôi và anh Hùng Cường song ca. Trong thành công của tôi bên cạnh đại ngôi sao Hùng Cường, đã có phần đóng góp của anh Trần Trịnh, dù 6 năm sau đó chúng tôi đã chia tay…”
Nói về chuyện nghệ sĩ Hùng Cường chuyển sang sân khấu cải lương, Mai Lệ Huyền cho biết anh Cường có giọng ca rất mùi và lối diễn rất lôi cuốn. Chị đã từng xem nghệ sĩ Hùng Cường diễn chung với Bạch Tuyết trên sân khấu của đoàn Dạ Lý Hương, chị nói: Anh Hùng Cường đã diễn rất tuyệt trong các vở nổi tiếng như Tướng Cướp Bạch Hải Đường, Tình Chú Thoòng, Ông Cò Quận 9…

Hùng Cường, người nghệ sĩ đã lăn lộn trong nghề từ trên bốn thập niên trong các lãnh vực Tân nhạc, Cổ nhạc, Kịch nghệ cũng như Điện Ảnh. Có thể nói tiền đồ của Hùng Cường rất được tổ đãi. Bởi từ ca nhạc sang cải lương và bước vào điện ảnh ông đều thành công rực rỡ.

Hầu hết những diễn viên sân khấu cải lương muốn trở thành đào kép chánh, phải trải qua một thời gian tập luyện cực khổ công phu và phải có cơ hội may mắn. Ngoài ra còn kể những yêu cầu cần thiết như ca hay, sắc vóc đẹp, diễn xuất linh động duyên dáng duyên dàng, bài bản nhịp nhàng vững vàng, ngoài ra còn nhiều chi tiết khác nữa. Tóm lại, những diễn viên có đầy đủ điều kiện cần thiết, cũng phải tiến thân từng bước một, từ những vai diễn nhỏ, dần dần mới đảm nhận được vai chánh.

Hùng Cường là một hiện tượng lạ lùng từ trước đến nay, anh một sớm một chiều anh đã trở thành kép chánh của đoàn Ngọc Kiều. Phải xác nhận một điều dù ca sĩ đang nổi tiếng bên tân nhạc, nhưng Hùng Cường rất đam mê sân khấu cải lương, anh có một niềm tin ghê gớm, anh nghĩ rằng có thể bước sang lĩnh vực ấy một cách tốt đẹp. Cơ hội ngàn vàng đã đến với Hùng Cường, dù trước mặt đầy khó khăn, nhưng anh tự tin, với thời gian, với sự kiên trì và cố gắng, anh sẽ làm tròn được vai trò của mình trên sân khấu cải lương.

Có rất nhiều ký giả kịch trường cho đây là một hiện tượng lạ, một ca sĩ tân nhạc xâm nhập vào lĩnh vực cải lương. Sau đó trên các trang báo như Kịch Ảnh, Sân Khấu Mới với một loạt bài viết về Hùng Cường, nói chung đều khuyến khích anh cố gắng trên con đường nghệ thuật mới.
Hùng Cường tiến bộ thấy rõ, anh đã nhập vào vai diễn một cách nhanh chóng, ca vọng cổ ngọt ngào hơn, các bài bản khác cũng tương đối khá hơn trước nhiều. Đây là một nỗ lực phi thường, một năng khiếu trời cho, Hùng Cường đã chứng minh khả năng ở lĩnh vực cổ nhạc. Ngoài ra anh rất nhạy bén, biết được sở đoản sở trường của mình, anh đã phối hợp với soạn giả lồng vào kịch bản khá nhiều đoạn tân nhạc, khai thác đúng tài năng đặc biệt của anh là ca sĩ.

Hãng phim Kim Thân đã trả tiền thù lao khá cao để mời Hùng Cường và Mai Lệ Huyền đóng cặp trong phim “Mãnh Lực Ðồng Tiền”. Ðào Thanh Nga cũng có mặt trong phim với vai trò “đào thương” kể như vai chánh (phim này Thanh Nga chỉ thu hình, tiếng nói do người khác thu tiếng).

Lúc đầu thì các nữ tài tử điện ảnh rất ngại đóng cặp với kép hát cải lương, nghe nói thì hình như Liên Ảnh công ty trước khi mời Kim Vui đã có ngỏ ý mời Thẩm Thúy Hằng đóng cặp với Hùng Cường, nhưng cô từ chối (có lẽ do vấn đề trên). Rồi sau đó thấy Kim Vui nổi bật trong phim Chân Trời Tím và phim lại được giải của tổng thống, nên người đẹp Bình Dương mới tiếc rẻ

Càng về sau thấy Hùng Cường tiếp tục thành công, trở thành tài tử “gạo cội” thì các nữ tài tử điện ảnh tên tuổi đã không còn e ngại đóng phim với Hùng cường, và trong đó có nữ tài tử Kiều Chinh.

Tháng 9, 1971 hãng Trùng Dương Film, đạo diễn Lưu Bạch Ðàn đưa nhóm tài tử ra Nha Trang khởi sự quay phim “Bảo Tình” và người ta thấy Kiều Chinh-Hùng Cường có mặt cùng đóng phim, Bão Tình đã ra mắt khán giả khoảng cuối năm 1971.

Chỉ tính riêng trong năm 1971 có tất cả 17 cuốn phim được đem ra trình chiếu thì người ta thấy 4 cuốn phim có mặt của Hùng Cường, và 4 phim đều có số thu vững vàng. Yếu tố ăn khách của Hùng Cường trên màn bạc là do sự hâm mộ của một số đông đảo khán giả dành cho tên tuổi này hơn là về diễn xuất.

Có thể nói lúc có phong trào đào kép cải lương nhảy qua điện ảnh, thì Liên Ảnh công ty là nhạy bén hơn hết khi biết tận dụng Hùng Cường. Cứ nhìn thời điểm Hùng Cường sang đóng phim cũng rõ, bởi ông là thần tượng của cải lương lẫn tân nhạc. Có người nói rằng “mấy cha Liên Ảnh khôn tổ mẹ”, từng thực hiện cuốn phim “Từ Sài Gòn đến Ðiện Biên Phủ” đưa rất nhiều người bên cải lương vào, là những Lê Khanh, Thanh Cao, Tư Hề, Ngọc Ðiệp… Ðó là không phải họ không tìm ra người, mà là vì những người thực hiện phim họ muốn thế, để ít lắm cũng lôi cuốn được phần nào khán giả cải lương. Cũng như với trường hợp cuốn phim “Chân Trời Tím” phỏng theo cuốn tiểu thuyết của nhà văn Văn Quang. Nghe rằng tác giả quyển tiểu thuyết lúc đầu đã không đồng ý đầu với công ty trong việc chọn Hùng Cường thủ vai chánh, nhưng rốt cuộc rồi cũng phải thuận tình cho công việc được xuôi chèo mát mái.

Từ địa hạt cải lương, Hùng Cường nhảy qua lãnh vực mới là điện ảnh thật, nhưng không phải vì thế mà anh cần đến Liên Ảnh hơn là Liên Ảnh cần đến Hùng Cường. Bởi vì Hùng Cường ngoài thần tượng cải lương, lại còn là thần tượng của giới nhạc trẻ nữa. Ấy vậy nên dụng Hùng Cường chắc chắn rằng mấy ông Liên Ảnh nhắm vào thị trường thương mại rộng lớn.
Quả đúng như vậy khi phim Chân Trời Tím được trình chiếu chẳng những thành công về tài chánh, mà còn đoạt giải Văn Học Nghệ Thuật năm 1971. Chưa dừng lại ở đó, Chân Trời Tím lại còn cái hân hạnh là lần đầu tiên một cuốn phim Việt Nam phụ đề Pháp ngữ mang tên Lhorizon Pourpre được gởi đi trình chiếu tại Ðại Hội Ðiện Ảnh tổ chức ở Dianard, Anh Quốc.

Hùng Cường rời Việt Nam vào ngày 28 tháng 02 năm 1980 và cư ngụ tại Garden Grove, California cho đến cuối đờị Anh cho biết chỉ nội trong tháng 6 của những năm 86-87, lẫn bố và mẹ của anh đã qua đời, và đó là kỷ niệm khó quên nhất trong đời anh. Ngoài lãnh vực nghệ thuật, anh “tham gia yểm trợ hầu hết các phong trào, tổ chức sinh hoạt trong cộng đồng. Bây giờ thì người nghệ sĩ tài hoa đó đã “Xiêm y trả lại cho sân khấu, cả những niềm vui lẫn ngậm ngùi” vào năm 1996 sau một thời gian nằm trên giường bệnh. Anh mất đi nhưng vẫn còn mãi mãi tiếng hát nồng ấm, một giọng ca vàng sân khấu cải lương. Hùng Cường đã ra đi vĩnh viễn để lại đàng sau người con nam ca sĩ cũng nổi tiếng trong nhiều năm qua là Quang Bình và một đạo diễn nổi tiếng không kém đó là Quang Đại. Rất nhiều nghệ sĩ đã đến thăm hỏi anh lần cuối và hình ảnh 1 người nam ca sĩ nổi tiếng ngày nào có lẽ vẫn ghi sâu trong lòng của những người mến mộ anh.

NSƯT Bạch Tuyết tâm sự

Hơn 10 năm trước, sau thành công của những công trình nghệ thuật thể nghiệm – độc diễn như Diễn kịch một mình, Hoàng hậu của hai vua, Độc thoại đêm… một ký giả kịch trường đã hỏi tôi: “Vì sao Bạch Tuyết chọn cuộc chơi độc diễn này?”.
Câu hỏi không lời đáp; một dấu hỏi vô hình đeo đẳng từ hơn 20 năm khiến tôi nao lòng. Khán giả vẫn dành tình yêu cho tôi cùng Tấn Tài, Thanh Sang, Minh Vương, Thanh Tuấn… nhưng cất giữ một góc trong lòng họ, và trong chính tôi, không thể bù đắp, không ai thay thế – là Anh: nghệ sĩ Hùng Cường.

Trước khi là nghệ sĩ cải lương, Hùng Cường đã sở hữu giọng Tenor xuất sắc của làng tân nhạc Việt Nam. Chỉ riêng đĩa hát Ông lái đò với con số phát hành đạt kỷ lục đương thời, anh đã khuấy động thị trường âm nhạc lúc bấy giờ. Với chất giọng mạnh mẽ, nhiệt thành như cuốn người nghe vào một dòng thác, khi bước sang sàn diễn ca kịch – anh cuốn tôi theo, tạo nên những đợt “sóng thần” – cũng là “ngôi vị” mà công chúng trao tặng cho tôi và anh trong lâu đài cải lương.

Nếu so anh với NSƯT Ngọc Giàu vốn rất hạp khẩu, thì tôi và anh lại luôn khắc khẩu. Anh tài hoa, vừa lãng tử, kiêu bạc, vừa tinh tế, ân cần; còn tôi, cái chất trẻ con lấn át lúc đó khiến tôi thích khiêu khích và thách thức anh. Những buổi tập tuồng tranh cãi có, thăng hoa có; cứ vài suất hát, vừa quay vào hậu trường là y như rằng, anh trách móc, giận hờn tôi vì cái tật… lơ đễnh, không theo đúng ý đồ diễn xuất đã sắp xếp. Đáp lại sự khắt khe của anh, tôi nửa biết lỗi, nửa cằn nhằn: “Trời ơi, thì em biết rồi mà. Nhưng, khán giả đâu có để ý tỉ mỉ như anh…”. Đến một ngày, đi ngang qua chiếc bàn hóa trang, lẫn giữa mớ phấn son là cuốn sổ ghi chép tập tuồng của anh, tôi lướt thấy những dòng chữ “…Chỗ này tay mặt đặt lên vai Bạch Tuyết, tay trái vuốt tóc nhưng mắt không nhìn thẳng vào mắt BT mà chỉ nhìn lướt qua trán”. Ở cảnh khác, anh ghi “…Chỗ này quay hẳn người đi, quỳ xuống nhưng tay trái vẫn nắm chặt cái khăn choàng đã rớt xuống phân nửa vai BT…Từ giữa câu vọng cổ đứng lên, đi xa hẳn BT chừng ba thước rồi bất thần chạy thật nhanh, đối mặt với BT, nắm hai vai BT lắc mạnh, không rời cho đến khi dứt câu…”.

Khỏi phải nói, trong tôi dậy lên một niềm kính phục xen lẫn chút xấu hổ, ân hận, ray rứt. Anh chi tiết và cẩn trọng bao nhiêu, tôi lơ đễnh và hời hợt bấy nhiêu. Không trách cho những cơn giận của anh khi một nhạc công đàn trật dây, một diễn viên ca rớt nhịp. Ngày ấy, dàn đờn cải lương còn phong phú và giàu có lắm, đủ cả bộ gõ, bộ kéo, bộ dây. Đang giờ tập tuồng, ca diễn say sưa, bất chợt anh dừng lại, chỉ thẳng luôn vào anh chàng đang ôm cây đờn nguyệt “Sợi dây trên lên còn thiếu nửa cung… nghe sống nhăn, kỳ cục lắm…”. Ai nấy lắc đầu bởi sự tinh nhạy trong thẩm âm của người nghệ sĩ biểu diễn như anh.

Vào những thập niên sáu mươi của thế kỷ trước, với Vân Hùng, La Thoại Tân, Hùng Cường hợp cùng Kỳ nữ Kim Cương, “Người đẹp Bình Dương” Thẩm Thúy Hằng và ca sĩ Túy Hồng đã tạo nên một “đặc chủng” nghệ thuật mang tên kịch nghệ Sài Gòn: trung hậu, nghĩa tình, hào sảng, phong lưu.

Có lẽ, trên cái nền kiến thức nhạc lý tân – cổ vững chắc, kinh qua những kinh nghiệm trên phim trường, sàn diễn ca nhạc… mà NS Hùng Cường đã dành hết cho sân khấu cải lương những gì anh say mê, những gì anh tâm huyết. Những “bộ sưu tập” của anh và tôi trên sân khấu nghệ thuật ca kịch đương thời như Yêu người điên, Yêu người say, Tiền rừng bạc biển, Tuyệt tình ca, Trăng thề vườn thúy, Má hồng phận bạc, Cho trọn cuộc tình… đã định vị danh xưng “Cặp sóng thần”.

Khán giả thỉnh thoảng vẫn tò mò: “Ai cũng mê Hùng Cường. Bạch Tuyết đóng chung với Hùng Cường đẹp và hợp nhau đến vậy, Bạch Tuyết có mê Hùng Cường không?”. Tôi hỏi lại: “Thế mọi người thấy tôi có mê Hùng Cường không?”. Khán giả hồn nhiên bảo: “Mê quá chớ sao không. Vì không mê thì làm sao ca diễn tình tứ, hòa quyện vào nhau như thế được…”. Vậy là, khán giả trả lời hộ tôi rồi còn gì. Chỉ có điều, sự tình tứ, độ nồng nàn, sức cuốn hút vào nhau trên sàn diễn chỉ còn lại cái dè chừng, nghi hoặc ở ngoài đời. Đêm – nhân vật của anh và tôi bay bổng cùng nhau. Ngày – hai con người, hai cá thể cứ chực sẵn vẻ lạnh lùng, thách thức cố ý. Tôi ẩn náu trong sự kiêu hãnh mà kỳ thực, luôn yếu đuối, trẻ con, khờ khạo trước anh lẫn cuộc đời…

Đã hơn 30 năm rồi, kể từ cái ngày cuối cùng anh gọi cho tôi, qua điện thoại là những giọt nước mắt nửa mừng nửa tủi khi anh nghe tin tôi trở lại sàn diễn với vai Thái hậu Dương Vân Nga: “Em xuất hiện trở lại đi. Anh mừng cho em lắm…”. Những giọt nước mắt đã âm thầm căn dặn và gửi gắm hết cho tôi…”Em phải diễn luôn cả phần của anh nữa đấy…”.

Nguồn: Tổng Hợp


--------------------

Cõi mơ
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
2 User(s) are reading this topic (2 Guests and 0 Anonymous Users)
0 Members:

 



Lo-Fi Version Time is now: 28th March 2024 - 05:50 AM