Welcome Guest ( Log In | Register )

 
Reply to this topicStart new topic
> Cha mẹ, những mẫu mực đầu tiên, Đinh Yên Thảo
PhuDung
post Oct 11 2016, 01:13 PM
Post #1


Bảo vệ tổ quốc
***

Group: Năng Động
Posts: 2,169
Joined: 17-December 08
Member No.: 1,269
Country




Cha mẹ, những mẫu mực đầu tiên


Trẻ nhỏ cần sự yêu thương chăm sóc, cần được vun bồi những giá trị đạo đức, cần được hướng dẫn về những giới hạn cùng những trách nhiệm và hậu quả việc làm của mình, để từ đó trở thành những thanh thiếu niên phát triển một cách toàn diện và tích cực cả về mặt tinh thần lẫn thể chất. Đó là trách nhiệm và mục tiêu quan trọng của những người làm cha làm mẹ. Để làm tốt vai trò của mình trong mức tốt nhất có thể, mỗi chúng ta cũng cần ý thức rằng, cha mẹ là một khuôn mẫu, là tấm gương soi đầu tiên để con cái nhìn vào và làm theo. Những điều tốt lẫn xấu. Một cách vô thức hay ý thức.

Trung tâm giáo dục nơi các con tôi học tiếng Việt thuộc một cơ sở tôn giáo khang trang và bề thế tại địa phương, mỗi cuối tuần lại đón hàng ngàn con em người Việt trong vùng theo học. Ðó là công sức của những vị chức sắc tôn giáo đứng đầu, là sự tận tâm của hàng trăm thầy cô giáo thiện nguyện và một ý thức giữ gìn văn hóa và tiếng Việt cho con cái mình của nhiều bậc phụ huynh. Ðây là một sự hãnh diện và niềm vui chung cho tất cả mọi người. Nhưng tôi biết, để duy trì niềm vui và hoạt động của một trung tâm có hàng ngàn học sinh cùng phụ huynh các em như vậy không phải là điều dễ dàng. Nếu đây không phải là cơ sở tôn giáo cùng những người có đức tin bền bỉ và kiên nhẫn, biết hy sinh cho lợi ích chung, ắt có thể đã không ít người đã phải bỏ cuộc khi đối diện với quá nhiều phiền toái, thất vọng về một số học sinh và phụ huynh kém ý thức, thiếu sự hợp tác nào đó.

Mỗi một cuộc họp đầu niên học hay các cuộc họp phụ huynh trong năm là mỗi lần người tham dự được hay bị nghe những người có trách nhiệm nhắc nhở, than phiền về vô số hành động và thái độ của các em lẫn phụ huynh. Từ việc vô trật tự, thiếu kỷ luật, mất vệ sinh cho đến thái độ thiếu hợp tác, kém ý thức trong vô số chuyện. Thú thật là, cũng có khi tôi đã không mấy hào hứng khi phải nghe những điều như vậy nhiều lần, phần vì nghĩ rằng những người cần nghe, nên nghe thì có thể đã không hiện diện trong các buổi họp như vậy. Nhưng tôi hiểu và thông cảm những khó khăn của các thầy cô, của ban điều hành vì từng chứng kiến không biết bao nhiêu lần những hành xử thiếu đẹp mắt đó.

Chúng ta có thể hiểu và kiên nhẫn với trẻ nhỏ còn đang tuổi hiếu động và học hỏi để hình thành ý thức hành xử nơi công cộng, nhưng khó lòng chấp nhận về thái độ và hành xử kém cỏi của một số người trưởng thành. Nhất là khi chúng ta đang sống tại một xã hội văn minh, luôn đề cao ý thức cùng lòng tự trọng của mỗi người. Cho dù chỉ một số nhỏ, những hành động thiếu ý thức bắt gặp đó đây không chỉ tạo nên một hình ảnh xấu cho chính người thực hiện, mà cả cho một cộng đồng nói chung. Chúng có thể gây nên những hiệu ứng đáp trả dây chuyền tương tự. Anh lấn thì tôi phải chen. Chị ăn gian tôi thì tôi phải gạt lại người khác.


Ðó là điều dễ dàng nhận thấy tại xã hội Việt Nam hiện nay mà chúng ta mong mỏi nó sẽ không có cơ hội lây lan trên xứ người. Và nguy hiểm hơn, chúng tiêm nhiễm vào các em nhỏ để hình thành nên những người trưởng thành thiếu ý thức. Bởi thông thường, thói hư tật xấu thường dễ đến, dễ làm còn điều tốt thì cần một tấm lòng, một ý thức và tinh thần kỷ luật cao hơn. Há không phải việc đậu chiếc xe giữa lối hay nơi không được phép đậu để chờ con vẫn tiện lợi, nhanh chóng hơn là việc nhường cho chiếc xe phía trước đang mở đèn tín hiệu xin ra? Hay chuyện vứt cái rác xuống ngay chân mình vẫn dễ làm hơn là khi cúi xuống nhặt cái rác ai đó đã xả bừa bãi ngay giữa hành lang? Và việc chúng ta chen ngang, lấn ngược quả có ít tốn thời gian hơn việc tôn trọng sự công bằng và văn minh nơi công cộng?

Chúng ta vẫn biết rằng, trẻ nhỏ sinh ra không có sẵn kiến thức và kỹ năng xã hội, mà nó hình thành từ sự bắt chước và quá trình học hỏi từ cha mẹ và những người chung quanh. Những lời nói và hành động nhỏ nhất đều có thể đi vào tiềm thức và tạo ảnh hưởng đến các em từ rất sớm. Tôi còn nhớ một câu nói trong bộ phim hoạt hình Disney nào đó đại ý rằng, nếu chúng ta không nói được những lời lẽ tử tế hay đẹp đẽ thì tốt hơn hết là nên giữ im lặng. Trong việc làm cũng vậy, nếu chưa có dịp để đóng góp vào việc tốt đẹp chung thì riêng mình cũng đừng làm điều sai quấy. Ắt chẳng cha mẹ nào muốn con cái phải xấu hổ hay bắt chước lời nói lẫn hành động không đúng của mình. Bởi thoạt đầu, được thừa hưởng nền giáo dục tốt đẹp nơi học đường, các em sẽ phản ứng hay xấu hổ trước các hành động sai quấy của cha mẹ mình. Dần dà theo thời gian, một số em có xu hướng quen dần với những sự sai trái đó để rồi bị ảnh hưởng và làm theo như một sự tất nhiên. Do đó, bất luận chúng ta làm những điều tử tế một cách chân thành và tự nhiên theo bản tính hay chúng ta cố gắng làm và nói những điều tốt đẹp để con cái học và làm theo, là điều hết sức cần thiết. Vì cần nhớ là chúng ta đang ở vai trò và khuôn mẫu của một người cha, người mẹ và người thầy đầy ảnh hưởng với các em.

Nhận thức đúng-sai, tốt-xấu, hay-dở là một tiến trình biến đổi theo thời gian và mỗi người cố gắng hình thành những suy nghĩ và thói quen tích cực để có thể dẫn đến những kết quả tích cực. Ðiều này áp dụng không riêng với trẻ nhỏ mà cả với những người làm cha làm mẹ, những người mong muốn có sự tốt đẹp nhất cho con cái mình. Chẳng hạn con cái sẽ nhìn vào cách chúng ta đối xử với cha mẹ mình ra sao để bày tỏ thái độ tôn kính, yêu thương hoặc thất lễ với ông bà như thế đó. Cũng không ai chắc được các em sẽ không quay lại đối xử với chính mình theo cách chúng ta đang đối xử với cha mẹ mình hiện nay. Chúng ta mong muốn con cái sẽ trở thành những người vui vẻ, hạnh phúc trong tương lai nhưng chúng ta thường hay chỉ trích, cay đắng và thiếu tinh thần tạ ơn thì quả đó là cả một sự khó khăn cho các em tiếp nhận và hình thành tính cách từ những tín hiệu trái ngược. Chúng ta hy vọng các em trở thành những người can đảm biết nhận lãnh trách nhiệm, biết phục thiện thì chúng ta cũng cần học và bày tỏ sự xin lỗi mỗi khi phạm lỗi lầm. Xin lỗi người khác và cả với chính con cái mình. Chúng ta mong các em lịch sự, lễ phép thì chúng ta cũng biết tự kiềm chế, chẳng quá nóng giận với con cái, vợ chồng và biết thể hiện sự tôn trọng người khác. Chúng ta hồi hộp, lo lắng và dặn dò nhiều chuyện khi con cái chuẩn bị đến tuổi lái xe, trong khi chúng ta bấm tin nhắn đương khi lái xe, giành đường với người khác, nhấn ga khi đèn chuyển vàng từ xa… thì quả chúng ta đang vô tình dạy các em một thói quen lái xe khác với những bài học “an toàn” trước đó, nếu có. Chúng ta có thể kể thêm hàng chục, hàng trăm những điều tương tự như vậy. Những lời giáo huấn, những bài học giáo dục dẫu có cần thiết nhưng phần lớn thì hành động của cha mẹ có tác dụng và ảnh hưởng rất nhiều khi các em thu nhận trực tiếp, liên tục và vô thức từ mọi việc thông thường của đời sống hàng ngày. Không kể dăm trường hợp biệt lệ, tính cách và hành xử của con cái nhiều phần sẽ thừa hưởng và mang đậm dấu vết của cha mẹ. “Cây xanh thì lá cũng xanh”, rất nhiều bậc cha mẹ dù lam lũ, học vấn khiêm nhường nhưng bằng chính đời sống mẫu mực của đức độ, của lòng công chính và sự nhẫn nại của mình đã là tấm gương sáng cho con cái noi theo, để trở thành những người tử tế và thành đạt. Ðó là những bậc đáng kính và là tấm gương chung cho xã hội.

Mỗi chúng ta đều có những khiếm khuyết của riêng mình và còn không ít điều cần tự sửa đổi, hoàn thiện. Nhưng thông thường, đánh giá và phán xét người khác thì lại dễ dàng, còn nếu phải tự xét chính mình là điều khó khăn hơn. Nó đòi hỏi một sự tự vấn công tâm và can đảm khi nhìn nhận về chính mình, về những điều còn thiếu sót hay sai trái của mình. Khi biết nhìn nhận và thay đổi những suy nghĩ, hành động chưa hay, chưa đúng của mình thì chúng ta không chỉ đang sống một đời sống tốt đẹp và ý nghĩa hơn, mà chúng ta còn để lại một gia tài tinh thần đầy giá trị và xứng đáng nhất cho con cái trong suốt cuộc đời các em.

ÐYT


--------------------
-------------
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
2 User(s) are reading this topic (2 Guests and 0 Anonymous Users)
0 Members:

 



Lo-Fi Version Time is now: 26th April 2024 - 04:53 AM