Profile
Personal Photo
Options
Personal Statement
PHOBOM doesn't have a personal statement currently.
Personal Info
PHOBOM
Bảo vệ tổ quốc
Age Unknown
Gender Not Set
Location Unknown
Birthday Unknown
Interests
No Information
Other Information
Country: Afghanistan
Statistics
Joined: 6-June 09
Profile Views: 1,789*
Last Seen: 4th April 2012 - 05:50 PM
Local Time: Nov 16 2024, 07:29 AM
123 posts (0 per day)
Contact Information
No Information
No Information
No Information
No Information
* Profile views updated each hour
|
Topics
Posts
Recent wiki edits
ibProBattle
Arcade
Blog
Shared Photos
Comments
Friends
My Content
9 Jan 2010
Ngày ấy PB rất thích đọc truyện ngắn của Hoàng Ngọc Tuấn. PB thường mua những sách nhỏ của HNT gởi tặng bạn bè.
Hôm nay tình cờ đọc được 1 truyện ngắn của HNT trên mạng. Xia chia sẻ đến các bạn. Hy vọng các bạn thích lối hành văn của nhà văn quá cố Hoàng Ngọc Tuấn. PB Không Còn Ai Trả Lời Hoàng Ngọc Tuấn Sau một buổi sáng ngồi trong lớp học với sách vở, bút mực, và tiếng giảng bài của thầy giáo, buổi chiều đến với nàng thật thảnh thơi, hình như là quá dài. Ngày nào cũng thế, nàng thức dậy sau giấc ngủ trưa, chiếc khăn ướt làm nàng tỉnh táo. Nếu nàng là con trai, có lẽ nàng sẽ hút một điếu thuốc lá cho đỡ buồn miệng, nhưng vì trái lại, nên nàng chỉ ăn một cây kẹo ngọt của mấy đứa em bỏ rơi trên sàn nhà. Ở nhà dưới, có tiếng chân chạy rầm rầm và nói cười ồn ào của lũ em đang đuổi bắt nhau, mẹ nàng la rầy một câu gì đó không nghe rõ. Trên lầu bây giờ chỉ có mình nàng, vài tập báo trẻ con, cái tủ áo với những chiếc áo dài trắng dành cho ngày đi học, vài áo lụa màu vàng, bàn học, chồng sách, một chiếc máy magnétophone, khi nàng bấm chiếc nút nhỏ, bài tình ca quen thuộc vang lên. Nàng nghe lơ đãng, nhìn bóng mình trong gương; mình đã được 19 tuổi rồi, tháng tới sẽ đến ngày sinh nhật, dầu bận rộn công việc đến đâu ba cũng sẽ đem đến một chiếc bánh ngọt có cắm 19 ngọn nến. Chiếc áo cánh ngắn tay của nàng màu vàng nhạt, da nàng trắng vì ít khi nàng dạo chơi ngoài đường phố. Phố phường không biết bây giờ có gì lạ, rạp chiếu bóng đã đổi phim mới chưa… Chiếc máy điện thoại đặt gần giường ngủ, nàng có thể vừa nằm ôm gối vừa nói chuyện được. Ngón tay nàng lướt trên những con số quen thuộc: 4..0..0..3..8. - A lô, xin lỗi có phải số 40038 không ạ, cho tôi nói chuyện với ông … - Tôi đây, sao chiều nay Thư gọi muộn thế. - Ông…đấy hả? Nàng giật mình vì giọng nói của chàng thanh niên đột ngột vang lên từ bên kia đầu dây. Anh chàng có vẻ suốt ngày ngồi thường trực bên máy điện thoại, chuông vừa reo chỉ một lần là có tiếng nhấc máy, và không bao giờ để nàng nói cho hết câu đầu tiên, đôi khi nàng vừa nói A lô, anh chàng cũng nhận ra nàng liền. Nàng ngập ngừng trước ống nói vì không biết nói gì bây giờ. Tiếng nói của anh chàng chợt vang lên trong ống nghe, kèm theo vài tiếng cười khoái trá: - A lô, này Thư, tôi biết nhà của Thư ở đâu rồi. - Ấy chết, làm sao ông biết được? - Khó gì đâu. Tôi tìm thấy trong một cuốn Niên Giám Điện Thoại. Nàng giật mình lặng yên, nghĩ rằng mình thật dại dột khi cho gã thanh niên này biết số điện thoại của mình trong khi lại muốn giấu địa chỉ. Cái trò đùa điện thoại này có vẻ bắt đầu tiến tới từng bước một. Vào tuần trước, trong một đêm vắng vẻ, ba nàng đi công tác xa, mẹ nàng và mấy đứa em đi ăn giỗ và nàng vừa học thuộc những đoạn sau cùng của bài vạn vật. Nàng cảm thấy trống không như một khoảng trời đêm nhìn thấy bên ngoài cửa sổ. Gia đình nàng mới dọn lên Sài-Gòn, từ khi ba nàng có một chức vụ quan trọng ở đây. Ba má ít khi cho nàng đi chơi đâu, thật ra nàng cũng không thích đi dạo chơi trong một thành phố quá lớn và ồn ào, đầy những người xa lạ đối với nàng. Ở lớp học, nàng chưa có cô bạn nào thân, bạn trai càng ít hơn và việc một anh chàng nào mời nàng đi chơi thật là một chuyện quan trọng và ít khi được phép của gia đình. Nàng ngồi lắng nghe từng tiếng gõ của chiếc đồng hồ treo trên tường, và chợt nhìn thấy ống điện thoại bên cạnh. Nàng nghĩ một trò đùa tinh nghịch. Nàng nhấc ống nói, nhanh chóng quay 5 con số nào đó một cách vô tình, rồi hồi hộp chờ nghe một tiếng nói ở bên kia đầu dây. Lần đầu tiên: “A lô, đây là tiệm đóng hòm Vạn Phước, xin lỗi quý khách cần gì ạ…” Nàng cúp vội máy. Lần thứ hai là tiếng nói của một người Mỹ nào đó nghe léo nhéo nàng không hiểu gì hết, nàng nín thở nói nhanh một tiếng goodbye rồi cúp máy, bậm môi cười khi mường tượng đến khuôn mặt ngây ngô kinh ngạc của gã ngoại quốc. Nàng quay nhanh một hàng số khác, nghĩ rằng trò đùa của mình đến đây là lần cuối cùng, có lẽ nên chấm dứt. Có tiếng chuông reng từng hồi ngắn trong ống nói và tiếng nhấc máy. Một giọng nói đàn ông, hơi nặng và khó nghe, tiếng nói của những người miền Trung. - Alô, tôi nghe đây. Xin lỗi, ai ở đầu dây đó ạ ? Nàng đưa tay giữ ngực mình để nén cơn hồi hộp, nàng định cúp máy nhưng rồi cố gắng nói một câu, nàng nghĩ rằng mình nên nói một câu cho người lạ nào đó đang nói chuyện ngạc nhiên chút chơi. - Xin lỗi ông, tôi… cũng muốn biết ai ở đầu dây ạ… Tiếng nói của gã đàn ông gần như la lớn lên bực bội: - Đây là số 40038. Cô có gọi nhầm số không? - Dạ không, tôi gọi đúng số rồi…nhưng phiền ông cho biết…ông là ai được không ạ? Yên lặng ở trong ống nói, nàng chờ đợi một tiếng cúp máy cộc lốc, nhưng sau một lát có tiếng nói của người lạ chậm chạp: - Alô, được rồi. Tôi không biết cô định đùa nghịch kiểu gì, nhưng cô muốn gì cứ nói đi. Tôi nghe đây. Nàng đã bình tĩnh trở lại. Nàng mỉm cười, dĩ nhiên là người lạ không thấy được nụ cười của nàng. - Nhưng…ông là ai mới được chứ ? Ông tên gì…, cho tôi biết để tôi gọi cho tiện. - Tôi tên là Văn. Nào, nói đi, nếu ở nhà cô có đồng hồ thì cô nên nhìn xem mấy giờ rồi. - Tôi biết, gần mười hai giờ. Giọng người lạ có vẻ thích thú vì được một lời mỉa mai: - À, tốt lắm. Cô biết vào giờ này người ta thường làm gì rồi: Người ta đi ngủ. Dĩ nhiên là ngoại trừ những kẻ quấy rầy người khác và những kẻ bỗng dưng bị người ta quấy rầy như tôi chẳng hạn. Nàng đỏ mặt, giận hờn: - Ông có thể cúp máy đi, tôi xin lỗi đã làm phiền ông. Trong ống nói lại im lặng, chỉ có tiếng vo vo nghe thật khó chịu. Nhưng người lạ không cúp máy. Nàng và người ở bên kia đầu dây cùng yên lặng trước ống nói nhưng không ai nói gì cả, có lẽ cả hai đều cố gắng tưởng tượng đến kẻ đang nói chuyện với mình. Nàng là ai, làm gì … Gã đó là ai, làm nghề ngỗng gì. Một lát sau… - Alô…Cô gì đó, cô còn đấy không? - Còn. Ông chưa ngủ à. Tiếng nói của người lạ có vẻ hơi ngập ngừng. - Tôi không thấy buồn ngủ. Tôi vừa uống một ly cà phê đậm nên hơi khó ngủ. Vả lại… Nàng cười nhỏ. Nếu đêm nay gặp thời tiết tốt, những đường dây điện thoại liên lạc với nhau rõ ràng thì người lạ có thể nghe tiếng cười của nàng. - Vả lại…sao ạ? - Vả lại…cái giọng nói của cô, giọng con gái Bắc kỳ hơi pha lẫn tiếng Nam một chút nghe cũng…dễ chịu, dễ thương lắm. Nàng cảm thấy thích thú. Bất cứ một người đàn ông nào, ngoại trừ ba nàng, khen nàng một điều gì cũng đều làm nàng sung sướng. - Cảm ơn ông Văn. Tôi chỉ sợ làm ông bực mình. Lần đầu tiên nàng nghe thấy tiếng cười của người lạ trong ống nói. Giọng nói của anh chàng bây giờ đã hết khó chịu, và có vẻ đang bắt đầu bày trò làm quen với nàng, gã con trai nào cũng bắt đầu như thế cả. [Phần I cont.] - Xin lỗi cô, tôi chưa biết tên cô… - Ông biết để làm gì ? - Để gọi cho tiện, chẳng lẽ cứ gọi bằng “cô” mãi, nghe cũng hơi xa lạ. Nàng cười, người đối thoại với nàng bây giờ chắc đã hết buồn ngủ và gã có vẻ không muốn cúp máy chút nào. - Thì tôi với ông xa lạ đấy chứ. - Mình mới quen nhau rồi. Nàng đùa nghịch: - Bây giờ nếu muốn hết quen thật dễ dàng, tôi chỉ việc cúp máy và không bao giờ gọi ông nữa. Tiếng nói người đàn ông hấp tấp vang lên: - Ấy, đừng cúp máy… Cô không cho biết tên thì thôi. Không hiểu sao nàng bỗng nói tên thật của nàng: - Tôi tên là Thư. - Chắc cô vừa tưởng tượng cái tên đó chứ gì. Nàng giận dỗi: - Ông bảo tôi nói dóc hả, tôi cúp máy cho mà xem. - Đừng, cô Thư. Cô làm gì vội thế, bây giờ còn sớm mà. Nàng bật cười, liếc nhìn cây kim đồng hồ trên tường, nàng giả giọng ra vẻ thật nghiêm trang: - Hơn mười hai giờ rồi. Ông biết vào giờ này người ta làm gì không? Người ta đi ngủ. Dĩ nhiên là ngoại trừ những kẻ… - Ồ, tôi xin lỗi. Trước khi cô gọi đến, tôi đang mệt, cáu sườn vì không ngủ được. Tôi đã tắt hết đèn và thề rằng sẽ ném chiếc gối vào bất cứ ai gõ cửa phòng tôi. Nàng nhướng mắt, làm bộ sợ sệt, nhưng không ai nhìn thấy cử chỉ của nàng cả. - Ghê thật ! Chắc ông Văn đi chơi khuya dữ lắm nên mới không ngủ được, hay là ông phải suy nghĩ về những vấn đề gì to tát lắm. Đàn ông thì luôn luôn có chuyện quan trọng. - Vâng, kể ra thì cũng có một vài vấn đề làm tôi bận tâm. Chẳng hạn như tôi băn khoăn không biết sáng mai mình nên uống một ly cà phê đen hay cà phê sữa ? Nàng bật cười. Nàng cười hơi lớn nên có lẽ người đàn ông nghe rõ. Giọng anh chàng khoan khoái: - Cô Thư, tôi cam đoan 100% là cô đang cười. - Cam đoan gì nữa, thì tôi đang cười đây. - Giọng cười nghe như tiếng kim cương vỡ… - Trời ơi! Ông đừng nhái theo tiểu thuyết chứ, hay ông là một văn sĩ ? Nàng ngạc nhiên khi nghe giọng nói trịnh trọng xác nhận nghề nghiệp của người đàn ông: - Cô đoán đúng. Tôi là một.. nhà văn đã viết nhiều cuốn truyện. - Ồ ! Rất hân hạnh được quen với một văn sĩ. Hèn gì cái tên của ông giống như nghề của ông, ông là cái gì .. Văn? Người đàn ông có vẻ lưỡng lự khi nghe nàng hỏi, bỗng nhiên anh chàng buột miệng nói: - Hoàng Văn, tác giả của cuốn tiểu thuyết đang bày bán khắp các hiệu sách: ” Tình Yêu Hai Mươi”. Nàng xuýt xoa khen ngợi: - Chà ! Nghe cái nhan đề cũng thấy hay rồi. Chắc câu chuyện của ông hấp dẫn lắm? - Hôm nào tôi sẽ gởi tặng cho cô một cuốn. Cô có thường vào các nhà sách? - Không. - May thật ! - Ông nói gì? Giọng nói của người đàn ông có vẻ bối rối: - Không… Tôi nói may là cô chưa mua cuốn sách đó, tôi gởi cho cô đọc chắc cô sẽ thích hơn. Tôi chỉ sợ là cô đọc cuốn đó rồi. - Tôi làm biếng đọc sách lắm. Tôi chuyên môn đọc những tờ báo có hình vẽ của mấy đứa em. Tôi thích nhạc hơn ông ạ … Nàng nhìn chiếc máy Magnétophone của nàng đang đều đặn vang lên những câu cuối cùng của một bài hát: - Trước khi gọi ông, tôi đang nghe một cuộn băng nhạc tiền chiến. - Nhạc tiền chiến, thật tuyệt. Chắc là một bài của Đoàn Chuẩn? - Ông đoán tài quá. Bài “ Lá đổ muôn chiều”. - Thật tuyệt. Alô.. Cô Thư, tôi nhắc lại: thật tuyệt. - Alô. Tôi nghe rõ lắm rồi. Nàng nhìn đồng hồ bây giờ đã khuya. Ngoài đường bỗng có tiếng chó sủa nhẹ vài tiếng. Mẹ nàng vừa mới về tới, nàng nghe rõ những bước chân của bà vang lên mồn một như đánh thức nàng, không phải khỏi giấc ngủ mà là khỏi trò vui này. Nàng nói nhanh: - Alô. Ông Văn ơi, giờ tôi phải đi ngủ đây. - Còn sớm quá. - Sớm gì nữa, mai tôi còn phải dậy sớm đi học. - Cô Thư học trường nào? Nàng cười: - Ông Văn bắt đầu tò mò rồi ! Thôi chúc Ông Văn ngủ ngon… - Tôi chưa biết số điện thoại của cô… - Ấy, không được. Nếu ông gọi lại, ông sẽ gặp ba má tôi nhiều hơn là gặp tôi. Hôm nay cả nhà đi vắng nên tôi mới gọi nói chuyện chơi đấy chứ… Alô, Ông Văn, chúc ông đêm nay ngủ ngon nhé. Không hiểu sao nàng có cảm tưởng rằng ở bên kia đầu đây, người đàn ông đang mở mắt tỉnh táo như một con đom đóm. Giọng anh chàng hơi buồn một chút, và điều này làm nàng vui thích. - Cảm ơn Cô Thư, tôi cũng chúc cô được như thế. Nhưng đêm nay tôi không ngủ ngon đâu. Tôi còn phải nghĩ nhiều về cô nữa , một cô gái có tiếng nói êm đềm… Nàng kêu lên: - Này thôi đi ông Văn. Nếu ông thích tán nhảm như thế, tôi sẽ không gọi lại cho ông nữa đâu. Alô… tôi cúp máy nhé. - Alô, khoan đã… Alô… Mẹ nàng đã gọi cửa và gọi tên nàng. Nàng nghe rõ tiếng nói của bà vọng lên, cho biết bà có đem về nhiều bánh và trái cây từ đám giỗ. - Alô, ông Văn. Chào ông nhé, mẹ tôi vừa mới về. Nàng gác ông điện thoại xuống, sau khi nghe loáng thoáng nhưng tiếng nói gì đó của người đàn ông. Cuộn băng nhạc trong chiếc máy thâu băng đã chạy hết. [Phần 2] Gần như tất cả mọi đêm trong tuần lễ sau, nàng và người thanh niên lạ mặt có cái tên là Văn đều nói chuyện qua điện thoại. Mỗi lần khoảng mười phút, khi về khuya, nàng đã học thuộc bài xong. Bài vở, thật dễ sợ, tâm lý học, đạo đức học này, tân đại số này… Trời ơi, vạn vật này… Ối giời ! Sao mà nàng lại chọn đi ban A thế không biết, cuốn sách dày cộm với đầy hình vẽ rối rắm và chữ nghĩa chằng chịt. Cũng một phần tại cái anh chàng này nữa. Hắn bắt đầu làm nàng “chia trí”. Nàng cứ nghĩ ngợi lơ mơ hoài khi cầm cuốn sách, những chữ nhảy múa không nhìn thấy gì hết. Đồng hồ chỉ mười một giờ rưỡi. Nàng mỉm cười chắc anh chàng chưa đi ngủ vội đâu. Hắn còn đợi ngay ngáy bên ống điện thoại chờ nàng chứ, nói vẩn vơ đôi ba chuyện rồi mới thấy “thơ thới hân hoan” đi ngủ được. Nàng thở dài, e mình cũng thế mất. Đêm nào có thằng em chúa tò mò và mách lẻo lên gác ngủ với nàng, nàng ngại không gọi cho anh chàng, cũng thấy băn khoăn như thiếu thốn một cái gì. Nàng viết những chữ và hình vẽ vô nghĩa trên trang giấy. Chuông đồng hồ đánh “bong” một tiếng. Nàng nhấc ống điện thoại, năm con số đã thuộc lòng… - Alô, xin lỗi cho tôi được nói chuyện với… - Văn đây, tôi đây, tôi tưởng điện thoại của nhà Thư hôm nay hư rồi. - Sao ông không nghĩa là tôi sẽ không gọi cho ông nữa, chắc thế nào cũng có ngày đó mà. - Đâu được, cô Thư. Thư đâu làm thế được, phí phạm quá. - Ơ kìa .. Tại sao lại phí phạm? - Thế người ta phát minh ra máy điện thoại làm gì, nếu không phải là để cho thiên hạ nói chuyện với nhau? - Nhưng nói chuyện công việc làm ăn, cần thiết thôi. Có lại cứ nói vẩn vơ dai dẳng như … chúng mình. - A lô … “chúng mình”… cô làm ơn nhắc lại cái chữ dễ thương đó đi. Nàng đỏ mặt lúng túng, phải im lặng một lát. Giọng nói của anh chàng bên kia lại ráo rức: - Alô … Thư nói tiếp đi … “Chúng mình” thế nào ? Nàng giận dỗi nói: - Không thế nào cả, và cũng không phải là chúng mình chúng ta gì hết. Tôi nói nhầm chữ rồi. - Không sao đâu Thư ạ. Đó là cái lầm đáng yêu nhất đời. - Này ông Văn, nếu ông đùa quá đáng thì biết sẽ có chuyện gì không? Nhà tôi chắc sẽ phải nhường máy điện thoại cho một ông hàng xóm. Và tôi sẽ biến mất. - Đừng … Thư. Thôi, tôi xin lỗi. Tôi hứa từ bây giờ sẽ nói chuyện rất đứng đắn. Nàng cười nhỏ cho anh chàng nghe thấy. - Rồi, nếu thế thì ông có thể bắt đầu được rồi. - Biết bắt đầu nói chuyện gì bây giờ? Nói về tôi thì khó mà có chuyện đứng đắn. Hỏi về Thư thì có vẻ tò mò quá rồi Thư lại giận. Thôi, tôi sẽ nói chuyện bên… Tây, bên Mỹ là bảo đảm đứng đắn. - Ông Văn đi ngoại quốc rồi sao ? - Chưa bao giờ cả. Nơi mà tôi có thể đi xa nhất, giới hạn ở … Cầu Kiệu. - Sao thế ? - Thôi, không có gì cả. Tôi không nói về cầu cống gì nữa. Bây giờ tôi nói chuyện bên Mỹ đây. Ở Mỹ có một cô đào tên là Faye Dunaway… - Tên nghe lạ quá. Có đẹp bằng Liz Taylor không? - Ồ, Liz xưa rồi. Bây giờ Faye Dunaway là số một, nàng mới nổi nhưng thật tuyệt vời … Làm sao tôi có thể diễn tả được. Tóm lại nàng có vẻ đẹp vừa thánh thiện vừa lẳng lơ, vừa già dặn vừa ngây thơ … và vừa đủ thứ cả. - Nghe ông ca tụng tôi cũng thấy mê nàng rồi. Nhưng cô đào ấy làm sao nữa … - Mới có một phim do Dunaway đóng vừa chiếu ở Sài Gòn, một phim vĩ đại nhất trong năm, một chuyện tình tuyệt đẹp : Bonnie và Clyde, không thua gì Romeo và Juliette … - Thế hả, nghe ông kể mê lắm, nhưng mà rồi sao nữa ông? - À, bây giờ đến đoạn này mới thật là quan trọng … Cô Thư, chiều thứ bảy tới tôi mời Thư đi xem phim này nhé. Nàng cắn môi bật cười. Gờm, cái anh chàng này vô đề dài dòng văn tự quá. - Chà, bây giờ mới biết tài của ông Văn. Ông nói chuyện bên Tây bên Mỹ xa tít rồi khi không lại kéo về Sài Gòn. - Thì rốt cuộc cũng phải trở về với “quê hương dân tộc” chứ. Thư đừng từ chối nhé. - Ông đừng nói tôi là khách sáo ông Văn ạ. Nhưng nếu có phim hay như thế, thế nào con bạn của tôi nó cũng lại kéo tôi đi cho bằng được. Tôi với nó trót hứa sẽ đi xem chớp bóng chung với nhau hoài rồi. Giọng nói của anh chàng có vẻ hơi buồn rầu và nản chí: - Đi xem xi nê với bạn gái hoài, chán lắm Thư à. - Có gì mà chán. Mình xem màn ảnh chứ có xem người bên cạnh đâu. Vả lại từ trước đến nay tôi chưa bao giờ đi xem chớp bóng với một người đàn ông nào khác, ngoại trừ ba tôi mỗi đầu tháng khi tôi được xếp hạng cao trong lớp. - Xin lỗi, tôi tò mò một chút. Thư được mấy tuổi rồi ? Nàng ngạc nhiên, ngần ngại một lát nhưng rồi cũng trả lời: - 19. Mà ông hỏi làm gì thế ? Giọng nói của anh chàng như bực tức hờn giận: - Làm ơn nhắn với ba Thư rằng ông giữ độc quyền Thư trong 19 năm như thế là đủ rồi. Nhường cho người khác với chứ. - Ông Văn lại nói đùa rồi. Thôi, ông đi xem một mình đi rồi thứ bảy tới kể lại cho tôi nghe cũng được. Anh chàng gần như hét lớn: - Xem cái gì nữa ? Tôi xem phim đó đã hai ba lần rồi, gần như thuộc lòng rồi. - Trời ơi. Thế mà ông còn định rủ tôi đi xem nữa. - Thì đi xem chớp bóng có phải chỉ là để xem không thôi đâu. Anh chàng đột ngột ngừng lại, như biết mình lỡ lời. Nàng cũng im lặng bối rối … Bỗng có tiếng ba nàng gọi từ nhà dưới vẳng lên: - Thư à, con gọi điện thoại cho chú Tư nhờ chú sáng mai lấy cho ba cái giấy máy bay đi Đà Lạt… - Dạ. Nàng vội vã nói nhỏ: - Thôi ông Văn à, tôi phải cúp máy đi ngủ đây. Ba tôi sắp lên đây gọi điện thoại. - Chết cha ! Gọi cho tôi hả ? - Không phải đâu, chuyện công việc của ba tôi mà. Thôi chúc ông Văn ngủ ngon nhé. Đêm mai nhớ kể chuyện phim cho tôi nghe. Nàng tần ngần nghe lời chúc ngủ ngon tương tự của anh chàng rồi khẽ ấn nút nhỏ cúp máy. Nàng không còn nghe chuông đồng hồ vừa đánh thêm một tiếng ngân dài buồn tênh. [Phần 3] Tối hôm sau, lần này đến phiên anh chàng lại đề nghị thêm một chuyện mới lạ, sau vụ rủ đi xem chớp bóng bị thất bại. - Thư à, chiều mai Thư có ở nhà không? Tôi đến nhà thăm Thư nhé. - Ồ, không. Nói chuyện qua điện thoại là đủ rồi ông Văn ạ. - Nhưng tôi muốn … biết mặt Thư. Đừng bắt tôi mỗi đêm cứ nằm nặn óc tưởng tượng chứ. - Ai bảo ông tưởng tượng làm gì ? Biết mặt mà làm gì ông Văn? - Thì … ít ra là mình cũng biết đã quen với một ai, người đó như thế nào chứ? - Thư là thế .. đấy ấy . Nhưng thôi, nếu ông cứ đòi mãi chắc Thư phải xiêu lòng mất, nhưng sợ khi thấy mặt rồi, ông chê Thư “xí” mà không thèm nói chuyện nữa thôi. - Đời nào có chuyện đó. Chiều mai tôi lại nhà Thư nhé. - Không được đâu. Ông cho Thư biết địa chỉ đi. Nàng ghi vội cái địa chỉ trên giấy rồi ngạc nhiên nói: - Ủa. Thế là nhà ông nằm trên đường Thư đi đến trường đấy. Chiều mai 5 giờ Thư đi học về, ông cứ ra đứng đợi trước nhà là biết. - Trời ơi. Làm sao biết ai là Thư được. Mỗi chiều có cả ngàn cô gái đi qua trên đường. Nàng bật cười, mình ngốc thật, làm sao anh chàng nhận ra mình được. Nàng cắn môi suy nghĩ một chút rồi mỉm cười nói: - Thôi được rồi. Chiều mai Thư sẽ đi bằng một chiếc Cady mầu nâu. Thư mặc áo tím dễ nhận ra lắm. Ông nhớ đấy nhé, một lần thôi đó. Ông có cận thị thì ráng chịu. - Nhớ kỹ lắm rồi. Áo tím đẹp lắm. - Thôi đi. Vì ông mà Thư phải mặc áo tím đó. Chứ trời Sài Gòn nóng như thế này, ai mà mặc màu đó bao giờ, quê quá. Nhưng … làm sao mà nhận ra ông ? - Tôi sẽ ra đứng trước nhà. Thư biết nhà tôi rồi. - Ông mặc một cái áo gì đặc biệt một chút đi. - Tôi làm sao có áo tím. Thôi, tôi sẽ cầm một cuốn sách to tướng như cuốn tự điển. Buổi chiều xe cộ đầy đường mà Thư thấy ai đứng cầm sách chứ không đọc, mắt lại lò dò quan sát từng người đi qua. Chắc chắn là tôi đó. - Chiều mai nhớ từ 5 giờ ông Văn nhé. Thôi bây giờ Thư phải cúp máy đây. - Trời ơi, sao bữa nay nói chuyện ít vậy? - Để bắt đền ông đó. Vì ông mà mai Thư phải lục cái áo tím ra này, phải đi học về đúng giờ kẻo ông chờ này, phải đi xe chầm chậm để ông nhìn cho kịp này … phải … đủ thứ cả. - Phải … đánh một chút phấn hồng cho đẹp này. - Thôi đi ông. Đi học mà phấn sáp gì. Thư cũng làm biếng sửa soạn lắm, có xấu cấm ông không được phê bình nha. - Đâu dám. Nhưng mà … - Thôi, bữa nay ngủ sớm đi ông Văn. Ông ngủ ngon nhé, và đừng uống cà phê ban đêm nữa. Giọng anh chàng hối hả kêu lên ơi ới nhưng nàng vội cúp máy cho bỏ ghét, mình mới bằng lòng anh chàng một chuyện rồi, không nên để anh chàng khoái chí thấy thắng thế mà vòi vĩnh mãi. ************************** Buổi chiều, khi tan học, nàng phải rủ thêm một con bạn cùng về. Nàng ngại đi một mình qua nhà anh chàng Văn, không hiểu sao nàng vừa thấy thích thú hồi hộp vừa sợ. Nàng bắt con bạn phải lái chiếc xe Cady đèo nàng, còn nàng ôm cặp ngồi sau cho yên bụng. Con đường vẫn còn nhiều nắng, đầy những xe cộ chen chúc, và không hiểu tránh lách thế nào mà con bạn lại cho xe chạy sát trong lề, gần trước cổng nhà anh chàng. Ngay lúc đó tim nàng đập thình thịch. Nàng vừa thấy một lũ đàn ông tụ năm tụ bảy trước công nhà khá lớn để đúng con số địa chỉ của anh chàng. Không biết trong đám đó ai là Văn. Nàng không dám nhìn kỹ. Nhưng nàng bỗng giật mình khi nhận ra một người tay cầm sách đứng ngó mông ra đường. Hắn mặc một chiếc sơ-mi ca rô đỏ chói thật khó chịu, đeo kính cận thị to tướng và lại đẫy đà to béo. Nàng thấy thất vọng quá, người cầm sách đúng là Văn rồi, nhưng trái ngược hẳn sự tưởng tượng của nàng. Bọn đàn ông bỗng chú mục đến hai cô gái đi xe Cady, họ chỉ trỏ cười cợt gì đó. Nàng nóng bừng mặt, thúc cùi chỏ vào lưng con bạn: - Phóng nhanh lên mày. - Sao vậy? Con bạn tỏ vẻ ngạc nhiên vì nó không biết chuyện kết bạn “tâm giao điện thoại” này. Nhưng rồi chiếc xe cũng vọt đi bỏ mặc cổng nhà xa dần sau lưng. Tự nhiên nàng thấy hơi hối hận trong vụ gặp mặt chớp nhoáng này. Anh chàng Văn có giọng nói nghịch ngợm dễ thương, lại có thể béo phục phịch thế kia ư ? Áo đỏ cao bồi nữa, “quê” chết được. Đêm đó nàng gọi điện thoại trễ hơn thường lệ. Khi giọng nói của Văn vang lên trong ống nghe, nàng lại thấy cái cảm giác ấm áp vui vẻ như mọi đêm, nỗi bực dọc vô cớ tiêu tan mất. - Cô Thư, thế là tôi biết mặt cô rồi. Không hiểu tại sao nàng vẫn không tin giọng nói thân thiết này là của người đàn ông áo đỏ hồi chiều. - Thư cũng biết mặt ông rồi. Ông Văn có cái áo đỏ nổi quá nhỉ, lại đeo kính cận thị trong oai ra phết. Giọng anh chàng ngạc nhiên: - Thư nói sao? Tôi mặc áo đỏ bao giờ đâu? Tôi cũng đâu đeo kính cận thị. Nàng ngạc nhiên không kém: - Thì ban chiều trước cổng nhà ông đó. Cái ông mặc áo đỏ cầm sách chẳng phải là ông là gì ? Anh chàng la lên một tiếng rồi hấp tấp nói: - A lô, cô Thư. Thư nhìn lầm rồi, cũng vì lỗi tại tôi cả. Đang đứng chờ Thư thì lũ bạn kéo đến tán gẫu, cái thằng mặc áo đỏ ấy là bạn trên trường với tôi. Hắn thấy tay tôi đang cầm cuốn sách là giật ngay lấy, hắn là một thằng mọt sách… Nàng à lên một tiếng, hiểu hết đầu đuôi. Tự dưng nàng thấy nhẹ người, anh chàng là ai cũng được nhưng ít nhứt không phải là gã có bộ mặt khờ khờ đó. Nàng trách móc: - Trời ơi. Đã dặn kỹ mà, thì Thư cứ đúng theo ám hiệu của ông, tìm người nào cầm sách thôi. - Xui thật. Cái thằng quỷ quái ấy không hiểu sao lại giật cuốn sách đúng lúc Thư đi qua, tôi không kịp giải thích. Thế Thư có nhìn thấy tôi không, tôi đứng bên cạnh hắn đó. Nàng nhíu mày cố tưởng tượng lại nhưng không tài nào nhớ được mặt mày của một bọn người đó. Lúc ấy nàng chỉ bối rối nhìn anh chàng cầm sách thoáng nhanh rồi quay mặt đi. - Ông Văn ơi, làm sao Thư thấy ông được. Bạn ông đông quá làm Thư thấy khớp, đâu dám nhìn ai nữa. - Thế thì uổng thật. Nhưng tôi hên hơn Thư rồi. Tôi thấy rõ mặt Thư rồi, cô gái lái xe Cady mặc áo tím. Nàng bỗng phá ra cười ròn tan, tay nàng che lại ống nghe nhưng anh chàng vẫn nghe thấy. Nàng cố nín cười nhưng không được. Giọng của Văn vang lên, ngạc nhiên lẫn bực tức: - Có gì mà Thư cười dữ vậy? Nàng vẫn ôm bụng cười đến chảy nước mắt. Giọng anh chàng ngạc nhiên hỏi mãi. Một lát sau, nàng cắn môi cố nén cười, nói chậm rãi: - Ông Văn, Thư nói này ông hứa đừng giận Thư mới dám nói. - Thư nói đi. Có gì mà rào đón thế, tôi không giận đâu. Khi nghĩ đến chuyện hồi chiều nàng lại muốn bật cười nữa. Nhưng nàng cố nghiêm giọng, nói sự thật, và sự tinh nghịch của nàng. - Cô mặc áo tím ban chiều không phải là Thư đâu, bạn của Thư đấy. Thư phải xúi mãi nó mới lấy áo tím của Thư mặc, còn Thư mặc áo trắng ngồi đằng yên sau đó. Ông Văn không nhận ra được Thư sao? Anh chàng lặng yên một lát, có vẻ ngạc nhiên và chắc là cũng như nàng đang cố nhớ lại buổi chiều gặp gỡ rắc rối đó. Nàng nói tiếp: - Tự dưng Thư thấy sợ. Thư muốn ông Văn khoan biết mặt Thư đã, nên mới bày trò đổi áo “Lê Lai cứu chúa” ấy. Anh chàng vẫn yên lặng giây lâu rồi giọng nói nhỏ vang lên có vẻ trầm ngâm và buồn: - Tôi thì vô tình, nhưng Thư đúng là cố ý gạt tôi. Thư à, tự dưng tôi có cảm tưởng rằng Thư .. không phải là người thành thật. Tôi … hơi buồn. TIếng nói buồn bã giận dỗi ấy bỗng như làm nàng nhói đau nhè nhẹ, cảm giác mà nàng chưa hề có bao giờ, ngay cả khi giận lẫy với bạn bè. Nàng hối hận, vội vàng nói nhanh: - Cho Thư xin lỗi. Ông Văn đừng giận Thư nữa, ông đã hứa trước là không giận rồi mà. Bên kia đầu dây lặng thinh, chỉ có tiếng vo vo buồn tẻ trong ống nói. Nàng băn khoăn đợi một lúc lâu mới nghe có tiếng của anh chàng nặng nề vang lên: - Thư không muốn cho biết mặt thì thôi, không muốn nói chuyện nữa cũng được. Tôi sẽ không đòi gì nữa. Nàng cắn môi muốn bật khóc. Nàng cầm ống điện thoại đi về phía giường, và nàng ngã xuống, má tựa êm ái lên chiếc gối. Giọng nàng chợt mềm đi: - Đừng giận Thư, anh … Nàng vô tình thốt ra từ “anh” thật dễ dàng và không hối hận chút nào, dầu chưa hề biết mặt nhưng nàng nghĩ rằng chàng là một điều gì thân yêu nhất của nàng. Mặt nàng bỗng đỏ hồng sung sướng khi vừa nghĩ đến ngày sinh nhật sắp tới của nàng, thông thường vào ngày đó ba má cho phép nàng tha hồ mời bạn bè lại nhà. Nàng mừng rỡ nói: - Thôi để Thư nói cái này, anh sẽ không còn giận Thư nữa. Thứ ba tới là ngày sinh nhật của Thư. Thư có mời vài đứa bạn thân lại thôi. Mời anh Văn đến cho vui nhé. Giọng anh chàng có vẻ tươi ngay: - Trời ơi, tôi bay cả hai cánh đến liền ngay chứ. Nàng bĩu môi chế giễu, nhưng ở VN chưa có điện thoại truyền hình nên dĩ nhiên anh chàng làm sao thấy được. Nàng nói bằng giọng tinh nghịch: - Rồi anh sẽ hết tưởng tượng về Thư nữa. Anh tha hồ mà quan sát. Thư sẽ giới thiệu cô áo tím cho anh nữa. - Sinh nhật… Tôi cảm ơn nhưng ngày sinh nhật. Thứ ba sinh nhật của Thư … Thế mà thứ tư đúng là ngày sinh nhật của tôi rồi. Tôi đến mừng Thư rồi Thư cũng phải đến nhà chia vui với tôi nhé. - Thôi đi. Sao mà Thư nghi ngờ cái ngày sinh nhật của anh thế. Chuyện đó tính sau, bây giờ anh phải lo kiếm quà cho Thư là vừa. - Dĩ nhiên rồi. Một món quà vĩ đại … Một con búp bê biết đánh đàn dương cầm và hát. - Thôi. Thư có nhiều búp bê rồi, Thư cũng không thích đâu. Hay là anh đem cho Thư cuốn sách gì gì của anh viết đó. - Trời ơi ! - Sao thế ? Anh Văn? - Không … không có gì cả. Chỉ sợ tôi không còn cuốn nào, in lâu rồi … và nhà xuất bản đem đi phát hành hết. - Thôi thế để Thư vào tiệm sách tìm cũng được. Cái nhan đề gì Thư quên rồi … Tình yêu … đôi mươi … hả anh ? - “Hai mươi” nhưng đôi mươi hay hai mươi gì cũng được. Nhưng Thư đừng đi tìm mất công, để tôi đem đến cho. - Anh nhớ đừng quên đấy nhé, và cũng đừng quên tối thứ ba tới, khoảng 8 giờ. Thư để dành bánh ngọt chờ anh đến mới ăn đó. - Chắc chán tôi sẽ đến chứ. Dầu bất cứ điều gì xảy ra, ngoại trừ … Nàng lo sợ hỏi: - Ngoại trừ điều gì thế anh? - Không … tôi nói đùa. - Anh Văn? Anh có cái gì giấu Thư phải không? Anh chàng trả lời nàng. Giọng anh chàng hấp tấp nói trong máy: “Đêm thứ ba, tôi sẽ đến”, và lần đầu tiên từ đêm hai người nói chuyện với nhau, anh chàng chúc nàng ngủ ngon trước và cúp máy. Nàng cảm thấy thoáng buồn bâng khuâng. Trời đổ mưa giông lớn, giọt nước và gió bập bùng ngoài cửa kính. [Phần 4] Đêm nay sinh nhật, nàng buồn giận chết được. Đồng hồ đã chỉ 9 giờ vẫn không thấy Văn đâu cả. Địa chỉ nhà nàng đâu có khó mà tìm và anh chàng có lần nói là đã đi qua đi lại trước nhà nàng rồi mà. Nàng không nghe gì hết tiếng cười đùa nói chuyện của lũ bạn đang xúm xít ngồi quanh bàn. Băng nhạc mới mua vang lên những âm thanh làm nàng nôn nao thêm. Nàng chạy vội lên gác, gọi đến chàng nhưng giọng nói của một người lạ nào đó cho biết Văn đã đi đâu từ hồi gần 8 giờ rồi. Nàng cắn môi muốn khóc, thế mà dám hứa chắc với mình, chắc là anh chàng vô tâm ấy quên khuấy mất đêm này và đã đi chơi với bạn bè, hay là với một “cô” nào rồi. Nàng nói thầm trong đầu, mình ngu quá. Người ta là đàn ông, đàn ông thì quen nhiều người, có ai hơi đâu để ý đến một kẻ xa lạ không hề thấy mặt trong ống điện thoại này đâu. Người ta đời nào xem cái vụ chuyện trò lẩm cẩm này ra gì đâu. Có tiếng kêu của con bạn nàng: - Thư ơi, mau xuống thổi tắt nến rồi khai mạc đi. Thiên hạ đang ngồi chờ chia bánh đây. Nàng lau vội giọt nước mắt, thẫn thờ bước xuống. Cảnh tượng như mơ hồ. Màu đèn đỏ và hoa giấy, những bộ mặt tươi cười, vui vẻ, ngọn nến lung linh cắm trên chiếc bánh có đề tên nàng. Nàng gượng cười tiến lại. Khi nàng thổi tắt phụt những ánh nến trong tiếng vỗ tay reo mừng, nàng bỗng sợ hãi, có cảm giác như những ngọn lửa tắt đi là tắt luôn một hạnh phúc mới lạ êm đềm nào, là tan biến niềm vui, là một kẻ thân yêu biến mất trong bóng tối. Một cái gì đã mất đi ánh sáng, đêm nay đổ vỡ tan tành trong tâm hồn nàng. ************************ Nàng tự hứa sẽ không bao giờ nhớ đến những con số điện thoại của chàng nữa. Nhưng một tuần lễ đi qua, nàng bỗng thấy mình cầm lấy ống điện thoại. Nhưng bên kia đầu dây, chỉ có tiếng nổ lốp bốp đều đều, dấu hiệu cho biết điện thoại nhà chàng bị hỏng hoặc khu phố đó bị đứt đường dây điện rồi. Nàng bỏ mạnh ống nói xuống, cơn giận lâu ngày đã nguội phần nào và bây giờ chỉ thấy buồn bã. Những chiều đi học về, nàng liếc vội vào nhà chàng. Một cư xá đông người ở, lố nhố bọn đàn ông đứng trước cổng nhưng biết ai là Văn hay chàng biết có đó không. Vào tháng sau, trước khi theo ba má lên Đà Lạt nghỉ hè, nàng quyết định gọi cho chàng lần chót. Lần này có tiếng trả lời, nhưng là tiếng nói có vẻ của một lão già. - Ông vui lòng cho tôi nói với ông Văn. - Ông Văn hả … ông ấy không ở đây cả tháng nay rồi. Nàng giật mình suýt kêu lên thành tiếng. Giọng lão già nặng nhọc cất lên: - Alô… Cô gì đó … Cô còn đấy không? - Dạ… còn, nhưng thôi cảm ơn bác. Ông Văn đã hết ở đó rồi thì thôi… - Alô…cô khoan cúp máy đã. Tôi là quản lý cư xá này đây. Hôm qua tôi mới nhận được một lá thư của ông Văn không biết nhờ gởi cho ai đây … cô chờ một chút nhé. - Dạ. Tim nàng đập mạnh, nàng áp sát tai vào ống nghe, thầm mong đường dây điện thoại đừng bị đột ngột cắt đi. Giọng lão già vang lên: - Alô. Thư của ông Văn nhờ gởi… không phải … nhờ đọc dùm cho … sao kỳ cục thế này … cho “Cô Thư, người sẽ gọi tôi mỗi đêm từ 11 giờ”. Nàng kêu lên: - Đúng rồi. Cháu tên Thư, nhờ bác đọc cho nghe một chút… có dài lắm không. - Không, cũng ngắn. Cô chờ chút nhé … gớm, chữ gì khó đọc thế này … Alô, cô chờ chút nhé. Nhỏ ơi, lấy cho tao cặp kính. - Sao bác? - Không… Tôi không nói với cô … xong rồi, tôi bắt đầu đọc đây “Ngày…tháng…năm…Thư mến. Tôi đã nói dối với Thư nhiều điều. Tha lỗi cho tôi nhé vì dù sao thì tôi cũng chẳng bao giờ gặp Thư nữa…” - Sao thế? - Trời ơi, cô đừng ngắt lời. Làm sao tôi biết được. Alô…tôi không có nhiều thời giờ đâu, cô cứ yên mà nghe. - Dạ… xin lỗi bác. Bác cứ đọc đi ạ. - Được rồi, lúc nãy là “Chẳng bao giờ gặp Thư nữa …Bây giờ đến “ giờ đây tôi phải nói thật với Thư một lần cuối, tôi chẳng phải là một văn sĩ gì ráo. Thư có tìm khắp các tiệm sách cũng chẳng thấy được cuốn nào gọi là Tình Yêu Hai Mươi của tác giả Hoàng Văn cả. Trước đây tôi là một sinh viên, nhưng thi rớt vài lần, người ta gọi đi lính, tôi không đi và trở thành một kẻ trốn tránh. Cứ ở mãi trong nhà, chỉ có một công việc là chờ Thư gọi điện thoại mỗi tối. Tóm lại, tôi là một kẻ học hành dang dở, một văn sĩ quèn dang dở và từ khi biết Thư lại có thêm một tình cảm dang dở nữa … Nàng bắt đầu cảm thấy mình khóc, những giọt nước mắt chảy dài trên mặt. Giọng của lão già vẫn đều đều: - Tôi là một người không ra gì, cả mấy tháng nay không dám đi đâu xa. Tôi sợ mọi người, tưởng chừng ai cũng có thể là một gã cảnh sát hỏi giấy hợp lệ quân dịch… Đêm tôi đi xa nhất là đêm sinh nhật của Thư, phải qua một cây cầu quái ác, và thế là tôi bị ốp nơi đó. Giờ thì chắc Thư đã hiểu tại sao đêm đó tôi không đến được, phải không? - Em đã hiểu… Em xin lỗi anh. Lão già bực bội cằn nhằn: - Cái cô này, đã bảo đừng ngắt lời… Người ta nói với cô chứ phải là tôi đâu mà trả lời. - Dạ… xin lỗi bác, cháu sẽ không nói gì nữa. - Nghe tiếp đây. “phải không” rồi gì nữa… À… đây này: Tôi cũng không dám hẹn Thư một ngày nào nữa. Bây giờ tôi đã ở một nơi xa lắm rồi, một nơi không có sinh nhật, không có quà tặng, không có tiếng cười, không có áo tím hay sách vở gì hết. Có lẽ khi ra trường, tôi sẽ bị đưa đến một đồn trại nào xa hơn nữa. Thư hãy quên tôi đi như tôi đã cố quên Thư rồi. Và hãy tìm một con số điện thoại khác, biết đâu… Ký tên, chấm hết. Hết rồi đó cô. Nàng nói nghẹn ngào: - Anh ấy có cho địa chỉ lại không? - Không, cũng không có dấu bưu điện. Thơ nhờ người nào đưa tay mà. À… còn nữa… may không tôi quen cái tái bút này. Cô nghe nhé. - Dạ. - Tôi không sống nổi. Thế giới này có quá nhiều cơ hội cho bọn phè phỡn ngồi trên đầu thiên hạ nhưng không có chỗ cho người chỉ muốn có một đời bình yên tâm thường, chỉ muốn làm những điều nhỏ mà hắn ao ước. Tôi đã chết trong đám người ngợm ấy. Không còn dịp nào để cho tôi nói với Thư điều mà tôi ôm ấp, tưởng chừng hư ảo quá, nhưng càng ngày tôi càng biết điều đó có thật. Nàng khóc: - Anh nói đi, em nghe … Lão già thở dài: - Hết rồi, thơ viết ngang đó là chấm hết. Thôi, cô còn cần gì nữa không? - Dạ… không. Cám ơn bác nhiều … chúc bác ngủ ngon… cháu cúp máy đây ạ. - Chúc cô ngủ ngon, và đừng có khóc. Nãy giờ tuy không hiểu gì cả nhưng cũng đoán là chuyện buồn… Thôi chào cô nhỏ. ********************** Từ đó nàng bỗng sợ hãi chiếc máy điện thoại, nó làm nàng đau đớn. Trong một đêm hoang vắng nào, nàng thẫn thờ nhấc ống nghe và tay quay một cách máy móc hàng số quen thuộc. Nhưng bên kia đầu dây, không còn ai trả lời. (1971). Hoàng Ngọc Tuấn
5 Jan 2010
Ngôi sao mới trên YouTube là cô gái người Ukraina - Kseniya Simonova, 24 tuổi, vừa giành giải nhất cuộc thi Ukraine's Got Talent. Nước mắt hàng triệu khán giả đã rơi khi cô thể hiện câu chuyện của mình bằng… cát.
Kseniya Simonova đã trở thành một hiện tượng trên YouTube khi kể lại những câu chuyện qua tranh cát. Tờ Guardian của Anh đã không tiếc lời khen có ý rằng có Simonova rồi thì ai còn cần Susan Boyle (“giọng ca thiên thần” giành vị trí thứ hai trong cuộc thi Britain’s Got Talent 2009) nữa? Kseniya Simonova với cuộc chơi ấn tượng cùng cát Sử dụng một hộp ánh sáng, âm nhạc đầy cảm xúc, trí tưởng tượng và tài năng vẽ tranh trên cát, Simonova kể lại câu chuyện bi tráng thời chiến tranh vệ quốc Thế chiến II. Câu chuyện bắt đầu bằng cảnh một cặp đôi ngồi nắm tay nhau trên chiếc ghế dài dưới bầu trời đầy sao. Rồi chiếc máy bay chiến đấu xuất hiện và cảnh tượng hạnh phúc không còn nữa. Thay vào đó là khuôn mặt một phụ nữ đang khóc, và rồi một em bé xuất hiện và người phụ nữ lại mỉm cười. Một lần nữa chiến tranh lại trở lại với những cảnh tượng hỗn loạn. Khuôn mặt trẻ trung của người phụ nữ nhanh chóng trở thành một khuôn mặt người góa phụ già nua đầy những nếp nhăn và vẻ buồn bã. Sau đó hình ảnh ấy lại biến thành đài tưởng niệm của một người lính vô danh. Cảnh tượng này được đóng khung trong một chiếc cửa sổ như thể người xem đang ngồi trong nhà nhìn ra đài tưởng niệm. Cảnh cuối cùng là hình ảnh một bà mẹ và em bé ngồi bên trong, bên ngoài là người đàn ông ấn tay vào tấm kính nói lời tạm biệt để ra trận. Với câu chuyện được kể lại bằng cát của mình, cô gái sinh năm 1985 đã chiếm giữ con trái tim khán giả. Màn trình diễn dài 8 phút rưỡi của Simonova như thể một tác phẩm bậc thầy làm lay động sâu sắc những người dân Ukraina. Khán giả không kìm được những tiếng thổn thức khi theo dõi cát biến ảo dưới bàn tay tuyệt vời của cô.. Gần như hầu hết trong số 13 triệu người xem Simonova trình diễn trực tiếp qua truyền hình trong cuộc thi Ukraine's Got Talent đều khóc thổn thức. Ban giám khảo cũng như những khán giả tại studio cũng không thể ngăn những dòng nước mắt tuôn rơi. Và không chỉ người Ukraina mới yêu thích những câu chuyện của Simonova. Đến nay, video trình diễn của Simonova thu hút hơn 4 triệu lượt xem trên YouTube.. Con số này là một hiện tượng khác thường cho một clip của một nghệ sĩ ở một nước ngoài Anh và Mỹ, đặc biệt là khi rất ít người xem có thể hiểu được những dòng thông điệp được viết bằng tiếng Ukraina. Những bức tranh cát của Simonova mang đến sự bình lặng, rồi những xung đột. Một cặp đôi ngồi bên nhau trên chiếc ghế tựa bỗng chốc hóa thành một khuôn mặt phụ nữ. Một cuộc đi dạo êm ả bỗng trở thành một thảm họa. Một góa phụ đang khóc thổn thức bỗng chuyển thành chiếc đài tưởng niệm một người lính vô danh... Simonova đã giữ cho câu chuyện kể của mình liền mạch bằng bàn tay khéo léo "làm phù thủy" với cát... Thành công ùa đến khiến Simonova vô cùng ngạc nhiên. Người mẹ trẻ này cho biết cô hạnh phúc được sống với chồng và cậu con trai nhỏ ở Evpatoria (một thành phố nhỏ ở Ukraina) và sẽ không đi đến các nước khác để kiếm lợi từ lượng fan khổng lồ khắp toàn cầu của mình. “Tôi tham gia cuộc thi bởi vì tôi muốn giúp một em bé đang cần làm phẫu thuật. Tôi không định làm cả nước tôi phải khóc", Simonova tâm sự về quyết định tham dự cuộc thi Ukraine's Got Talent. Simonova đã dùng khoản tiền thưởng gần 120.000USD để mua một căn nhà nhỏ và lập một quỹ từ thiện cho trẻ em.. Mời độc giả cùng thưởng thức video trình diễn của Kseniya Simonova trong cuộc thi Ukraine's Got đã gây sửng sốt với người hâm mộ: Click vao duong link sau de xem. http://www.youtube.com/watch?v=518XP8prwZo |
Last Visitors
Guest
12 Nov 2010 - 14:10
Comments
|
Lo-Fi Version | Time is now: 16th November 2024 - 06:29 AM |