Welcome Guest ( Log In | Register )

 
Reply to this topicStart new topic
> Nắng cuối vườn xưa, Nguyễn Xuân Hoàng
PhuDung
post Jul 10 2017, 01:55 PM
Post #1


Bảo vệ tổ quốc
***

Group: Năng Động
Posts: 2,169
Joined: 17-December 08
Member No.: 1,269
Country




Nắng cuối vườn xưa


Độ này, trời Huế đã có nắng đầu mùa. Nắng mỏng như lụa mềm dát lên phố xá màu vàng chanh ưng ửng. Suốt một mùa đông dài lê thê mưa gió, nắng sau đông về sưởi ấm từng chiếc lá non vừa có mặt với cuộc đời chung. Khắp những con đường thênh thang, nắng thắp lửa trên hàng cây cổ thụ, ánh lửa ấm áp tỏa xuống bờ cỏ xanh non trong tiết thanh minh.

Những khu vườn Huế sau đông đã trở mình thức dậy. Ánh nắng đầu mùa xuyên qua ngàn nách lá, rơi như những giọt mật ong vàng sậm xuống chân cây. Lá rụng từ cuối đông vẫn còn đan thành một tấm thảm dày nâu nâu. Bước chân dè dặt lên thảm lá, lòng cơ hồ nghe một giai điệu xa xôi của đất trời trong ngày vĩnh cửu. Vườn Huế có lẽ là không gian đặc trưng nhất của tâm hồn nơi trú ngụ của những giấc mơ và một cuộc sống thanh thản không ưu phiền. Ở đó trẻ con học bài, người già dưỡng bệnh và đám thanh niên âm thầm chờ những cuộc hẹn hò.

Tôi thích cái cách mà những người Huế đã cư xử với khu vườn của mình. Nó không nhất thiết phải được quy hoạch với những lối đi thoáng rộng, mà chật chội pha tạp trong một không gian ngẫu hứng như vô tình ai đó tay cầm một nắm hạt nhiều loại, rồi vung ra khắp khu vườn. Cây cau nhỏ dáng thanh thanh có thể nép mình bên cây măng cụt xanh um tán rộng. Dưới hàng mít nài và bồ kết, lúc thúc một bờ chè tàu mọc bề bộn đang đợi chủ nhân cắt tỉa. Bám vào thân cau, giò mặc lan hiền dịu nở nụ hoa đầu tiên. Màu hoa phớt hồng dưới nắng như chiếc áo cưới lộng lẫy của cô dâu ngày lên xe hoa. Với triết lý sinh tồn đặt trên nền tảng cơ bản của đời sống cộng sinh vạn vật hữu linh, người Huế đã bỏ qua cái lợi cụ thể về vật chất, để vươn đến cái hạnh khái quát của tinh thần. Khu vườn tạp kia không phải để có mặt trong những phiên chợ đầy cây trái mà là có mặt suốt đời, trở thành nơi cư ngụ của đời sống tâm linh. Bằng chứng là khi có người thân qua đời, cả khu vườn được mang băng tang. Cây đang sống cầm nỗi biết ơn người đã trồng mình. Mỗi dáng cây trong khu vườn đều có một lịch sử gắn liền với biên niên sử khu vườn và rộng lớn hơn là thời cuộc. Nhiều cây sứt sẹo vì đạn lửa khốc liệt của chiến tranh. Vượt qua thời gian và tao loạn, khu vườn vẫn rụng lá khi mùa đông về và nảy những chồi xanh khi gió xuân ngấp nghé nội thành.

Những ngày rảnh rỗi, lòng khát thèm một chút nắng gió thiên nhiên, chân lại muốn lang thang những khu vườn nhiều gió và chim ở Kim Long, Hương Hồ... Ở đây, màu xanh mát dịu và trải dài hun hút tầm mắt. Ghé thăm người bạn cũ làng Lựu Bảo, cùng nhau kéo ghế ra ngồi trước hiên nhà, ngắm đám lá rụng cuối đông đang dậy một mùi hương khôn tả. Và chim, chim cơ man từ dãy núi Chằm bay về từng đàn hót líu lo như người say dưới nắng. Vườn Huế nhiều cây cho chim về làm tổ. Nghe con chim chòe than lảnh lót trên cây măng cụt với giọng tenor điêu luyện của một nghệ sĩ bẩm sinh, bỗng thấy cuộc đời đáng yêu quá đỗi. Những muộn phiền được rũ sạch, tâm hồn trống rỗng như bầu rượu muốn chứa hết cả đất trời. Muốn gói chút nắng, chút gió mang theo làm của nả, muốn gói cả tiếng chim vang vọng kia về phố với chút nuối tiếc của người tri âm...

Dấu vết chiêm nghiệm của những khu vườn Huế, sự từng trải và vị tha, nỗi khổ hạnh và sự ban phước, cuộc sống chung ưu hiền... là bài học lớn để con người làm vốn hành xử với đời. Không bon chen, tư lợi, sống như là góp một chút màu xanh cho thế gian. Không cả ưu phiền, hồn nhiên như trẻ thơ, nói cười qua bao tháng năm cùng với mưa gió, vô ưu như giọt nắng mới đầu mùa ở cuối mảnh vườn xưa.


Nguyễn Xuân Hoàng


--------------------
-------------
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
1 User(s) are reading this topic (1 Guests and 0 Anonymous Users)
0 Members:

 



Lo-Fi Version Time is now: 28th March 2024 - 10:14 AM