Welcome Guest ( Log In | Register )

 
Reply to this topicStart new topic
> Yêu con như thế bằng mười hại con, Thanh Huyền
Tulip
post Mar 8 2017, 02:21 PM
Post #1


Hoa cô đơn
***

Group: Năng Động
Posts: 5,417
Joined: 28-October 08
Member No.: 516
Country




Yêu con như thế bằng mười hại con


Dù đã được trang bị rất đầy đủ về mặt kiến thức, nhưng khi bước vào thực tế nuôi con, nhiều ông bố bà mẹ trẻ đã gặp không ít sai lầm chỉ bởi… quá yêu con.

Lúng túng khi con sốt cao

Trên sáu tháng khi sữa mẹ bắt đầu ít dần kháng sinh và con chuyển sang ăn dặm, đó là lúc trẻ nhỏ có nguy cơ nhiễm bệnh lớn nhất. Đó có thể là sốt do mọc răng, do viêm họng hoặc cảm nắng, cảm lạnh, do thay đổi thời tiết… Khi thấy con sốt cao, sự lo lắng đã khiến không ít cặp vợ chồng trở nên lúng túng và đôi khi chăm con kỹ quá thành ra phản khoa học.

Bình thường bé nhà chị Nhung đi ngủ mùa hè chỉ đóng bỉm và mặc áo ba lỗ, bật điều hòa 28 độ, nhưng khi con sốt cao, vợ chồng chị tắt điều hòa, dùng quạt điện. Đang quen mát mẻ, bị nóng, cộng thêm cơ thể đang sốt hừng hực 39,5 độ, đứa con chị cứ lăn lộn vật vã không tài nào ngủ được, quấy khóc cả đêm. Lúc đó chị cứ nghĩ tại nó sốt cao nên người khó chịu không ngủ được. Mẹ chồng chị còn tư vấn thêm là khi con sốt thì phải mặc quần áo kin kín cho nó, hở chân, hở tay thế này nó ghê người con ạ. Bà còn lấy ví dụ rất cụ thể là mấy hôm trước bà bị sốt cứ phải có cái chăn đắp ngang người đấy thôi. Kinh nghiệm người già chả nhẽ sai, thế là vợ chồng chị lôi con ra mặc thêm cái quần dài, áo lỡ tay cho yên tâm. Khổ thân con bé, đã sốt cao lại còn bị bố mẹ “bó giò”. May mà lần đó con chị không bị lên cơn co giật nếu không bố mẹ có khi hối hận cả đời.

Cũng có nhà con nhỏ sốt lên tới 39,5 độ do viêm họng, nhưng vì quá lo lắng nên bố mẹ giữa đêm hôm mưa gió cũng vội vàng đưa con đi viện. Quá trình đi lại khiến bé bị nhiễm lạnh làm cho việc điều trị kéo dài và bé bị mệt mỏi. Ngược lại, có người tính hay sợ, cho con uống thuốc khi con mới hơi… ấm đầu. Điều này thật sự có hại. Chỉ khi nào trẻ sốt trên 38,5 độ, bạn mới cần dùng thuốc, bởi nếu lạm dụng, trẻ có thể bị nhờn thuốc, và nếu sử dụng thuốc quá liều, con bạn có thể bị sốc thuốc hoặc dị ứng thuốc dẫn tới tiêu chảy kéo dài, cơ thể mất nước, rất nguy hiểm.

Bạn nên nhớ, khi con bị sốt nên để nhiệt độ phòng trong khoảng 25 độ là tốt nhất, mặc quần áo thoáng cho con để mồ hôi dễ dàng thoát ra bên ngoài giúp con hạ nhiệt. Nếu bé nóng quá, đổ mồ hôi liên tục thấm đẫm quần áo, có thể để bé ở trần nhưng phải tránh gió. Với trẻ bị sốt cao tuyệt đối tránh gió nhất là gió thổi thốc thẳng vào mặt, nhưng không cần kiêng nước như dân gian vẫn thường truyền tụng.

Nhiều bậc cha mẹ 3-4 ngày không dám tắm cho con khi con sốt là vô cùng phản khoa học, mồ hôi ra nhiều khiến bé ngứa ngáy khó chịu, không được vệ sinh thường xuyên sẽ khiến trẻ càng cảm thấy mệt mỏi hơn, ốm dai dẳng hơn. Nếu không muốn dùng thuốc trị liệu, bạn có thể hạ sốt cho con bằng cách lau người hoặc cho trẻ tắm nước ấm (ngày tắm vài lần), lưu ý nhớ sử dụng nhiệt kế để đảm bảo độ nóng của nước tắm luôn luôn thấp hơn nhiệt độ cơ thể 2 độ.

Tẩm bổ hay “nhồi” bổ


Hầu hết các bà mẹ là đều ra sức tẩm bổ hết mức để con không bị thua bạn kém bè. Con càng to mẹ càng… thoả mãn. Họ đua nhau mua đủ các loại sữa ngoại, thức ăn dặm, hoa quả xay cho con bổ ăn sung suốt ngày. Một ngày, trẻ phải ăn mười mấy bữa ăn khác nhau, nhiều khi thời gian ăn của trẻ còn nhiều hơn thời gian chơi.

Không chỉ ăn, các bà mẹ còn mua đủ các loại thuốc bổ, thực phẩm chức năng để bồi bổ cho con. Nào bổ sung vitamin D, canxi, vitamin C, A, E… nhưng nguy hiểm ở chỗ là các mẹ thường tự ý bổ sung mà không đưa con đi khám.

Các mẹ lúc nào cũng chỉ lo con thiếu dưỡng chất mà quên mất rằng, thừa chất cũng nguy hiểm không kém: thừa calci dẫn đến táo bón, vôi hóa thận, thừa vitamin A dẫn đến vàng da…

Một số bà mẹ khác thì do cho con ăn không khoa học và đúng cách nên mặc dù ăn rất nhiều nhưng con thì vẫn còi xương, chậm lớn. Khi con suy dinh dưỡng và hay ốm vặt, các mẹ lại càng ra sức tẩm bổ, nào ruốc cóc, cháo lươn, thịt ếch… Các loại thực phẩm này tuy nhiều đạm, nhưng không nhiều calci nên không giúp trẻ cao lớn. Nguồn dưỡng chất nhiều canxi nhất nằm ở nhóm thức ăn hải sản nhưng vì kiêng tanh, sợ con đi ngoài, phân sống, lạnh bụng, không ít mẹ kiêng các loại thức ăn này cho con đến tận một tuổi. Điều này rất không khoa học, bạn cần thay đổi thức ăn thường xuyên để tạo cảm giác ngon miệng cho con. Trong trường hợp con bạn được bác sĩ khám và khẳng định thiếu calci thì những thức ăn này là nguồn dinh dưỡng vô cùng quý giá.

Tuy nhiên, chỉ có một lượng nhỏ vitamin D từ thực phẩm, còn lại phần lớn có được là do da tổng hợp dưới tác động của ánh nắng mặt trời. Song, đa phần các bậc cha mẹ thường giữ con trong nhà cho đỡ bụi bặm hoặc có ra ngoài trời thì thường đứng dưới bóng râm, thậm chí có người cho con tắm nắng nhưng chỉ tắm ánh nắng xuyên qua kẽ lá hoặc nắng hắt, tất cả đều không khoa học và khiến con bạn không hề hấp thụ được vitamin D.

Lạm dụng sữa công thức và ăn dặm quá sớm,

Mặc dù tất cả các cơ quan y tế và các phương tiện truyền thông đại chúng đều đã khuyến cáo trẻ nhỏ nên bú sữa mẹ, nhưng không ít bà mẹ tin tưởng mù quáng vào các quảng cáo về dưỡng chất của sữa công thức đến nỗi không cho con ti nữa. Điều này là vô cùng sai lầm và thiệt thòi cho trẻ.

Thực tế, sữa hộp không bao giờ tốt, bổ bằng sữa mẹ và chỉ nên dùng để thay thế sữa mẹ trong các trường hợp bất khả kháng (mẹ không có sữa, không đủ sữa hoặc đi làm xa không có điều kiện cho con bú thường xuyên). Sữa bột cũng không có kháng sinh để giúp con bạn chống lại được bệnh tật, thế nên những trẻ bú bình sớm thường bị mắc các bệnh về đường ruột nhiều hơn hẳn trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu.

Theo khuyến cáo của WHO thì trẻ trên sáu tháng tuổi mới ăn dặm bổ sung nhưng ở nước ta hiện nay do chỉ được nghỉ bốn tháng đã phải đi làm nên một số mẹ cho bé ăn dặm quá sớm, có bé 3,5 tháng đã bắt đầu tập ăn dặm. Điều này làm cho cơ quan tiêu hóa của trẻ phải làm việc quá sớm và quá tải, khiến trẻ dễ bị mệt mỏi. Việc tiếp xúc với ăn dặm quá sớm cũng khiến cho một số trẻ bị mắc các chứng bệnh về đường tiêu hóa như ỉa chảy, táo bón, một số trẻ sau khi ăn dặm và bú sữa ngoài còn tự bỏ ti mẹ dù mẹ chưa cai sữa.

Những sai lầm trong chăm sóc con dù nhỏ hay lớn đều ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của chính con bạn. Vì thế, cách yêu con nhất là làm đúng chứ không phải cho con những thứ tốt nhất. Và nếu có điều gì chưa rõ các bậc cha mẹ không nên tự ý làm mà nên thăm hỏi ý kiến của bác sĩ.

Thanh Huyền


--------------------

*******
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
2 User(s) are reading this topic (2 Guests and 0 Anonymous Users)
0 Members:

 



Lo-Fi Version Time is now: 28th March 2024 - 12:33 AM