Welcome Guest ( Log In | Register )

 
Reply to this topicStart new topic
> Người Chàm & những cánh đồng khô, Thanh Tú
lalan
post Jun 24 2016, 02:11 PM
Post #1


Phố Cũ
***

Group: Năng Động
Posts: 2,691
Joined: 21-April 08
Member No.: 43
Country




Người Chàm & những cánh đồng khô


Lễ tảo mộ của người Chăm Bani

Bất chấp cái hạn hán thế kỷ, người Chàm ở vùng Ninh Thuận vẫn đón một mùa lễ hội Ramưwan. Tuy nhiên, Ramưwan năm nay chẳng thể có được cái không khí vui nhộn như những năm trước đây, khi mà trên những cánh đồng không được phủ một màu xanh của lúa. Thay vào đó là hình ảnh bạc trắng của cánh đồng bỏ hoang.

Thuật ngữ Ramưwan là được nói chệch đi từ Ramadan, tháng chay tịnh của người theo đạo Islam. Người Chàm ở vùng Palei Ram (thôn Văn Lâm, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) thừa kế đạo Islam nhưng đã được cải biên cho đúng với tập tục truyền thống của tổ tiên, vốn là những người theo tín ngưỡng Balamon.


Trên cánh đồng khô cằn, cả trăm con bò, cừu phải cố gặm những cọng rơm khô.

Vũ – một cử nhân trường Ðại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Trường Ðại học Văn khoa cũ) như rất nhiều thanh niên tốt nghiệp đại học khác – thất nghiệp, trở về làng để phụ giúp gia đình. Trên chiếc xe máy, Vũ chở tôi đi thăm cánh đồng ruộng cả ngàn hecta bỏ hoang tại huyện Thuận Nam do thiếu nước.

Vũ nói:

– Ở xứ này lạ lắm, chỉ cách nhau có một đoạn thôi, nhưng phía bên kia cầu Phú Quý (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước-NV) người dân có nước đầy đủ để thoải mái làm ruộng. Trong khi bên này đồng ruộng bỏ hoang.


Có cả ngàn hecta đồng ruộng bị bỏ hoang như thế này tại Thuận Nam.

Trên cánh đồng bạc trắng mà Vũ chỉ cho tôi, vài con cừu đang cố gặm những cọng rơm để lót dạ. Cánh đồng bỏ hoang dài tận tít chân trời. Ðiều đó có thể thấy được phần nào sự khốc liệt do thiên tai mang đến.

Theo những gì báo chí trong nước nói, đợt hạn hán thế kỷ này là do thiên tai. Hiện tượng El Nino đã làm cho nhiều tỉnh thành trên cả nước điêu đứng. Ngay cả vùng Tây-Nam phần cũng bị ngập mặn xâm thực, phải cầu cứu Trung Cộng xả nước cứu nguy.

Báo chí, truyền thông nhà nước CSVN không hề cho dân chúng biết rằng, các nước như Thái Lan họ đã lường trước được thiên tai nên đã cho đào kênh, xây dựng những trạm chứa nước để phòng khi hạn hán. Ngay tại thôn Văn Lâm, nhìn mỏi mắt cũng không thấy được một con kênh nào chảy qua. Không có kênh, không có mương thủy lợi, người dân trồng trọt phần lớn dựa vào nước trời. Mà thời tiết ở vùng Ninh Thuận cực kỳ khắc nghiệt, mỗi năm số ngày mưa chưa đến một tháng.


Các thầy Chang (Achar) đang thực hiện nghi lễ tại mộ

Những làng Chàm khác, như: Mỹ Nghiệp, Hữu Ðức… nhờ vào con Mương Nhật nên người dân ở đó thoải mái trồng lúa, hoa màu. Riêng tại Văn Lâm, dù đã hơn 40 năm cầm quyền, chính quyền vẫn chẳng thể nào dẫn nước từ núi về đồng bằng để người dân tưới tiêu.

Mà, con Mương Nhật cũng không phải do chính quyền CSVN xây dựng. Nó được xây dựng là nhờ vào tiền đền bù chiến tranh mà người Nhật trả cho Việt Nam sau Thế chiến thứ Hai. Nó được xây vào khoảng thập niên 60s của thế kỷ XX. Ðặc biệt thay, tất cả những ngôi làng có con Mương Nhật chảy qua, đời sống của người dân đều no ấm, không phải lo hạn hán, mất mùa.

– Có lẽ do làng em chống chính quyền dữ quá nên họ mới trả thù dân làng, không cho làm hệ thống thủy lợi kéo về làng. Vũ nói với tôi.

Làng Văn Lâm là một trong những làng lớn của người Chàm. Tại đây, vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo cũng rất đa dạng. Người Chàm Bani và Islam sống hòa thuận với nhau. Ðôi lúc cũng có xảy ra những tranh cãi, nhưng đó chỉ là những xích mích mà bất cứ làng xóm nào cũng có. Bên cạnh đó, ở cuối làng còn có người Chàm theo tín ngưỡng Balamon và một số ít khác theo Tin Lành. Tuy nhiên, nơi này lại nổi tiếng về việc chống lại áp bức. Nó bắt nguồn từ sau thời Minh Mạng, khi mà vị vua này đã xóa bỏ sự tự trị của người Chàm, đồng thời cấm tiệt người Chàm sống gần biển, đi biển. Ðến thời Cộng sản, làng Văn Lâm có rất nhiều người gia nhập Fulro, chống lại chính quyền.


Nghĩa trang Islam được xây dựng nhờ sự tài trợ của ông Từ Công Phụng

Tôn giáo Islam tại Văn Lâm được du nhập từ khoảng thập niên 60s. Người đầu tiên cho xây dựng Thánh đường Islam là ông Từ Công Xuân, cha của nhạc sỹ Từ Công Phụng. Ông Xuân là người làng Văn Lâm. Tuy nhiên, ông Xuân không phải là người đầu tiên đưa Islam về với Ninh Thuận, mà người đầu tiên là ông Mã Thành Lâm ở thôn Phước Nhơn (xã Ninh Hải, huyện Ninh Hải). Nối tiếp cha mình, ông Từ Công Phụng cũng đã tài trợ cho bà con Văn Lâm xây dựng cổng vào nghĩa trang của người Islam cho thêm phần khang trang.

– Nhà em trước đây có hơn hai trăm rưỡi con cừu. Từ năm ngoái đến nay chết hơn năm chục con cừu rồi đó, anh. Không có nước, cỏ chết cháy, đồng khô hạn, chẳng biết lùa đàn cừu đi đâu. Ðôi mắt Vũ sụp xuống và ngân ngấn nước mắt khi nói điều này với tôi.

Rất nhiều người ở làng Văn Lâm sống là nhờ việc chăn nuôi. Cả làng rất nhiều cơ sở giết mổ gia súc. Thiệt hại của người dân là không thể thống kê. Những gia đình có cừu, dê, bò chết đến báo cho chính quyền xã. Vậy nhưng, những người có cừu thì không được hỗ trợ. Trong khi những hộ gia đình không có chăn nuôi gia súc thì lại được. Câu chuyện ngược đời trên đã được báo chí trong nước phản ảnh khá nhiều. Ðó là do một số lãnh đạo ở xã, thôn đã ưu ái cho gia đình, bà con, hàng xóm. Những người không quen biết dù nằm trong diện hỗ trợ cũng chẳng được đồng nào.

Không có lương thảo cho cừu, rất nhiều người đã phải bỏ tiền ra mua cỏ. Nhà của Vũ có hai trăm rưỡi con cừu, cứ mỗi lần mua cỏ phải tốn từ hai trăm ngàn đến ba trăm ngàn. Nhưng cũng chỉ dám cho cừu ăn dặm, nghĩa là ăn để cầm hơi. Tuy vậy, từ đầu năm đến nay cũng đã tốn hơn mười triệu tiền cỏ cho cừu.

Mười triệu, đó là số tiền rất lớn đối với người dân nghèo, lại là làng Chàm nghèo như Văn Lâm. Nhà Vũ không phải nghèo như những gia đình khác. Trong nhà vẫn có xe máy, các tiện nghi khác. Ðó là nhờ gia đình có máy xay lúa ở đầu làng. Hơn nữa, các thành viên trong gia đình cũng tham gia vào những việc thu mua khác nên cuộc sống trong đợt hạn hán không đến nỗi khó khăn. Song, với những gia đình khác thì đành chịu.

Bà Kiều Thị Thẩm, một người dân trong làng cho biết, nhà bà có gần một mẫu ruộng để làm lúa. Cùng với đó là vài con cừu. Nhưng đợt hạn hán từ năm ngoái đến nay làm cừu nhà bà chết gần hết. Hoảng quá bà phải bán rẻ đàn cừu của mình cho thương lái.

– Cả ba năm nay hơn mẫu ruộng nhà tôi chỉ làm được hai vụ. Ðói lắm, đâu có gì mà ăn. Phải sống nhờ vào gạo cứu đói của nhà nước.

Cái lu đựng gạo của bà Thẩm chẳng còn được bao nhiêu, giỏi lắm là cầm cự được thêm hai ngày. Chồng và cùng với con cái đã tha phương để mưu sinh. Cái hạn hán kinh hoàng đã không thể giữ chân họ ở lại với bà. Thui thủi một mình trong căn nhà tồi tàn, mỗi tối nước mắt bà lại rơm rớm khi nghĩ về chồng con.

Không phải riêng bà Thẩm mà rất nhiều gia đình khác cũng chịu cảnh ly tán trong đợt hạn hán này. Chính quyền dù biết nhưng vẫn bỏ mặc. Chưa bao giờ chính quyền Cộng sản muốn những người sắc tộc giàu lên, vì cái nghèo bao giờ cũng đi kèm với dốt. Cai trị một dân tộc dốt dễ dàng hơn cai trị một dân tộc giỏi.

Thanh Tú


--------------------
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
2 User(s) are reading this topic (2 Guests and 0 Anonymous Users)
0 Members:

 



Lo-Fi Version Time is now: 16th November 2024 - 12:24 PM