An Lộc - Kỷ niệm tuổi thơ tôi, duongtiden |
An Lộc - Kỷ niệm tuổi thơ tôi, duongtiden |
Jan 2 2019, 01:26 PM
Post
#1
|
|
Bảo vệ tổ quốc Group: Năng Động Posts: 7,735 Joined: 8-August 09 Member No.: 4,377 Country |
An Lộc - Kỷ niệm tuổi thơ tôi (Trích "Trận Đánh An Lộc") An Lộc và tôi, hay tôi và An Lộc. Chắc An Lộc chẳng biết tôi là ai, vì khi tôi rời trường tiểu học An Lộc về SG học lớp đệ thất, niên khóa 1963 tại trường trung học Nguyễn bá Tòng. Tôi còn quá nhỏ, mới hơn 10 tuổi. Chuyện của một đứa bé 10 tuổi và An Lộc. Mấy chục năm sau được viết lại phần lớn theo trí nhớ. Đó là quyết định của mẹ tôi, cho tôi về Saigon: – Thôi, đến lúc nó phải về học ở Saigon rồi! Ba tôi thì không thắc mắc hay quan tâm mấy về chuyện này. – Cứ để nó học ở đây, chỉ cần làm giấy xin miễn tuổi, ở đây khỏi phải thi tuyển vào đệ thất của trường Công Lập. Tôi học sớm một tuổi, nên về Saigon sẽ phải học trường Tư Thục, còn ở lại An Lộc thì học trường Công, Trung Học Bình Long. Trường Trung Học tỉnh Bình Long còn gần nhà tôi hơn là trường Tiểu Học nữa, bước ra sau nhà đi vài thước là nhìn thấy nó rồi. Dẫy nhà nằm sâu thụt lùi phía sau đồi, cách xa đường chính phía trước, khi mới thành lập chỉ có một dẫy nhà nằm theo hướng Tây Đông, cách xa mặt đường chính rất xa, thấp xuống dưới đồi, sân trước trường có mấy cây mít, mà tôi hay để ý những khi nó ra trái non, và những trái mít non này khó mà lớn thêm được nữa vì tôi và mấy đứa bạn trong cư xá xéo góc đối diện, thường hay mò qua vặt ăn non những trái mít nhỏ, chấm muối, có vị chát và mặn, chẳng ngon lành gì. Nhưng có lẽ cái thú tham lam được chiếm hữu nó cao hơn là đợi trái mít lớn lên và ai đó lớn hơn sẽ hái chúng mất trước khi lũ con nít đụng tới được. Kể ra, tôí mà về Saigon rồi thì ba tôi ở lại một mình chắc buồn hơn. Mẹ tôi sẽ đưa thằng em út đang ở Saigon về ở với ba tôi thay thế tôi, giống như tôi đã sống ở đây suốt hai năm học lớp Nhì và lớp Nhất với lớp Ba. Hai cha con sống với nhau trong căn nhà của cư xá công chức, gồm hai dẫy, có năm khối nhà liên kế, mỗi khối gồm 4 căn, ngay bên hông Tòa Hành Chánh Tỉnh, hay là chi khu, sau này là Tiểu Khu (bộ chỉ huy quân sự cấp Tỉnh) Bình Long. Khu cư xá đầu tiên này theo tôi dự đoán là được xây vào năm 57 hay 58, nằm đối diện ngay đằng trước bệnh viện Tỉnh Bình Long, Bệnh Viện là nơi rất ư hấp dẩn, và kinh hoàng đối với một đứa nhỏ nhiều tò mò như tôi. Nhất là cái nhà xác nằm bên hông bệnh viện, quay về phía bên con đường Ngô Quyền chung với Ty Công Chánh Bình Long, đó là nơi ba tôi làm việc. Ty Công Chánh tỉnh Bình Long nằm ở góc đường đi Phú Lố, đối diện với Bệnh Viện Bình Long. Ba tôi đi làm hàng ngày còn gần hơn tôi đi học nữa. Ông chỉ nhẩy lên xe đạp, theo đường nhựa chính, hay đi tắt qua phía sau nhà. Còn tôi thì phải đi ra con đường bên hông khu Toà Hành Chính Tỉnh, là một khu rộng lớn, đường bao bốn mặt. Tôi đi bộ ra góc Bệnh Viện và trường Trung Học, đi tắt từ nhà tới gốc cây Xoài nằm bên khu cư xá, bước qua con mương có mấy miếng cây để bước qua, bên kia đường (đường Cách Mạng 1 tháng 11) này là hàng rào của khu tòa Tỉnh Trưởng, đi đường Phan bội Châu tới góc đường quốc lộ 13, có trường Tiểu Học Thượng, dành cho con nít người Thượng, học nội trú trong đó, nằm xéo góc bắt đầu ở góc đường đổ dốc theo quốc lộ vào chợ. Còn trường Tiểu Học An Lộc thì nằm đối diện, quẹo phải đi dọc theo đường, (đường Nguyễn Huệ) cũng là quốc lộ 13, bên này là Tòa Hành Chánh, thì bên kia đường là trường Tiểu Học. Cái cổng đầu tiên, nằm gần cuối trường, có cây phượng già bên trong. Trường có sân đất rất rộng, nằm dọc theo quốc lộ 13, đối diện Tòa Hành Chánh, có bề mặt đường Nguyễn Huệ khá dài, và sâu. Cái cổng thứ nhì nằm phiá trên đầu, gần dẫy phòng học thẳng góc với đường chính, đây là khu lớp Nhì và lớp Nhất. Còn khu các lớp thấp hơn thi nằm tuốt dẫy nhà bên dưới, cách một cái sân rộng ơi là rộng. Có mấy lớp phòng học nằm ngang, và dĩ nhiên là có treo một cái trống trường ở khu nhà giữa, để đánh vang lên tùng tùng những lúc giờ bắt đầu vào học và ra chơi, rồi ra về. Tôi còn nhớ, ngày học hai buổi: sáng, hình như tới 9 giờ mới học, tới 11:30 là nghỉ trưa, về nhà ăn cơm, rồi tới chiều hình như 2 giờ hay 2:30 mới học lại, học tới 4:30 hay 5 giờ chiều. Lúc tôi học lớp Nhì và lớp Nhất thì giờ học là như vậy, còn lớp nhỏ hơn thì không còn nhớ có học hai buổi không. Mấy đứa lớp lớn có nhà ở xa, như trong Xa Cam, hay dưới chợ, dưới xa cuối tỉnh, thì ở lại buổi trưa, mang theo cơm ăn. Sau này, tỉnh lấy cái nhà giam cũ, chỉ là nhà một phòng bằng đá của Pháp làm ra hồi xưa, cách trường một khoảng đường, sửa lại, làm nơi cho học sinh ở xa, buổi trưa tới đó ăn cơm, và có chỗ nằm nghỉ. Tôi còn nhớ, lúc làm lễ khánh thành, có bà Phó Tỉnh Trưởng hay đến nhà tôi chơi, đến cắt băng khánh thành, còn tôi thì lúc đó lọc lớp Nhì, cũng mặc quần xanh, áo trắng, đi giầy vải Bata, đánh bôi kem trắng lên trên mặt vải của giầy, đứng hai hàng làm hàng rào danh dự cho lễ khánh thành. Ngày xưa, Bình Long là Hớn Quản thuộc về tỉnh Thủ Dầu Một, tới năm 1957, VNCH mới thành lập tỉnh Bình Long. Trong thời chiến, Sư Đoàn Không Kỵ 101 của Mỹ hoạt động chính ở vùng này, Quản Lợi, 5 km Đông An Lộc là căn cứ lớn của Hoa Kỳ yểm trợ cho toàn vùng này và qua tới Cam Bốt. Lúc đó, có Phượng và một hai cô bạn, nhà ở trong Xa Cam, cách đó ba cây số, Xa Cam là đồn điền cao su gần thị xã nhất (trường Xa Cam không có lớp Nhì hay lớp Nhất). Tôi nhớ rõ Phượng, lớn hơn tôi nhiều, khá xinh đẹp, hay mặc thêm cái áo bà ba nâu nhạt, hai vai áo bạc mầu vì nắng, khi đạp xe cho khỏi dơ cái áo trắng bên trong, vào lớp mới cởi áo ra, chỉ còn áo trắng, và dĩ nhiên là có thêm cái nón lá nữa. Lúc đó, tôi nhìn Phượng, phục lắm vì có xe đạp riêng, còn tôi thì chỉ đi bộ đi học hàng ngày, vì nhà rất gần. Còn cái xe đạp của ba tôi, thì hình như, cái yên xe cao lắm. Lúc đó tôi chỉ mới có 9, 10 tuổi gì đó. Còn thấp với cái xe đạp người lớn. Hình như cái xe đạp của Phượng, nó là một cỡ xe nhỏ, nhỏ hơn xe của người lớn một chút. Cứ thế mà ngày tháng đi qua, mỗi ngày ba tôi đi làm, tôi đi học, buổi trưa, cơm tháng được người ta mang tới nhà, treo bằng cái gà mên nhôm trên cao với cái móc sắt bên cửa sổ cho chó đừng nhẩy lên tới. Mỗi sáng gần trưa, tôi về trước ba tôi, lấy gà mên xuống, mở cửa nhà và hai cái cửa sổ to ra, mở hết cửa bên trong nhà cho mát, rồi chơi ngoài vườn một chút, thì ba tôi cũng về, hâm cơm lên rồi hai cha con ăn với nhau. Sau đó ngủ trưa, ba tôi đi làm lại trước, tôi đi học sau. Chiều tôi về trước, gọi mấy thằng bạn cùng khu dẫy nhà Công Chức, mang banh ra sân vận động, phía trước Tòa Tỉnh Trưởng đá banh, ngó chéo qua lại là trường tiểu học của tôi. Cứ như vậy, rồi tắm mưa, đá banh dính đầy bùn sình đất đỏ. Kéo nhau về, bên hông khu nhà liên kế 4 căn của tôi là bãi đất trống, phía trước nhà cũng trống, chỉ mới có đường đất. Phía trước đường quay về hướng Bắc đã có ba khối nhà liên kế đối diện với bệnh viện. Phía sau khu tôi chỉ có hai dẫy nhà, mặt tiền quay về hướng Nam, nhìn về rừng cao su Xa Cam. Bên miếng đất trống sát đường với Tòa Tỉnh Trưởng là cái bơm nước bằng tay, đặt chính giữa mảng sân xi măng nhỏ. Chúng tôi đùa giỡn lăn lộn ra miếng xi măng, bơm nước cho nhau tắm cho sạch đất bùn đỏ, mang theo cả xà bông, tắm kỳ cọ cho đã, chỉ việc thay nhau gạt cần, bơm nước lên xuống. Khỏi về nhà tắm lại, đỡ phải xài nước trong bể nước ở nhà, Mà mỗi tuần có xe bồn nước của đồn điền cao su bên trong Quản Lợi chạy ra, đi vào con đường phục vụ phía sau nhà, đút đầu vòi nước to đen vào cái lỗ trên tường, xả nước xuống cho đầy bể nước của mỗi nhà, qua cái lỗ hổng trên tường phía sau nhà bếp. Nhà nào cũng vậy, có cái bể nước, có caí lỗ vuông trên cao cho xe bồn thò vòi nước to vào xả xuống. Cái xe bồn nước của đồn điền cao su Pháp, có tài xế, và một người phụ, đi phía sau, cầm vòi nước, xả vào bồn, sau đó ló đầu nhìn vào cái lỗ coi đầy hồ chưa, rồi khóa nước, đi tới nhà kế tiếp. Với năm khối nhà, hai mươi căn nhà, xe bồn nước phải đi tới mấy chuyến, cung cấp nước xài cho cư xá công chức, hoàn tòan miễn phí, như một thỏa thuận của đồn điền cao su và phía chính quyền Tỉnh Bình Long. Còn họ lấy nước ở đâu thì tôi không biết vì còn nhỏ quá. *** Lúc đó là năm 1960 rồi, cuộc sống còn thái bình thạnh trị lắm. Mỗi chủ nhật là xe vận tải trong các đồn điền Cao Su ở quanh tỉnh chở đầy công nhân vô chợ Bình Long hay cũng gọi là chợ An Lộc, đoàn xe đậu dài những con đường chung quanh lối vào trung tâm Tỉnh và trên QL 13. Họ, công nhân làm cao Su túa xuống đi mua bán, phần đông đi đôi dép cao su trắng, dây quai cũng trắng rất đẹp. Tôi hỏi ra thì đó là dép riêng của đồn điền làm ra cho nhân viên xài, dùng đợt mủ cao su đầu tiên nguyên chất, nguyên thủy chưa pha trộn, nên dẻo dai, quai rất bền khó đứt. Tôi hỏi ba tôi chuyện đó, không biết ba tôi nói với ai, sau đó có người trong đồn điền gửi ra cho tôi một đôi. Cái chất cao su trắng, mềm dẻo, y như cái cao su trắng mà tôi và mấy đứa bạn hay vào rừng vét mủ dưới chén đặt gốc cây, và gỡ sợi mủ khô còn quấn quanh ở thân cây, sợi mủ mầu trắng, hơi hôi hôi và khai khai, quấn sợi lại thành những trái banh nhỏ, mềm và tưng lên rất là cao khi ném xuống, và nhẹ nữa. Còn loại quai dép cao su đã chế biến rồi pha đủ mầu sắc bán ở chợ thì cứng, không mềm dai mà lại khô, rất mau đứt, chắc họ pha chế thêm nhiều chất khác vào để sản xuất nhiều hơn và để tiết kiệm mủ cao su nguyên chất. Rồi chiến tranh bắt đầu len lén đến từ hồi nào. Đầu tiên là tôi thấy, ba coi mấy người thợ ty công chánh đắp cái lô cốt góc đường ngay sau tiểu khu, là khu vực tòa hành chánh bên hông nhà tôi. Cái lô cốt nằm ngay đầu đường, đối diện xéo qua bệnh viện Bình Long, đối diện qua trường trung học, đối diện qua khu cư xá nhà tôi ở. Lô cốt hình tròn vòng cung để quan sát ra bên ngoài từ các lỗ châu mai dưới thấp, một góc cắt khuyết áp vô tường Tiểu Khu cũng là lối vào ra bên trong rào phòng thủ, đắp đất, có khung cây tròn bên trong, rồi tưới nước trồng cỏ lên trên đó. Tôi hỏi ba tôi tại sao không xây cái lô cốt bằng bê tông, như cái của Pháp cuối dốc phố chợ cũ, trên đường đi vô Quản Lợi, qua khúc cua, qua cái cầu nhỏ. Cái lô cốt bê tông hai từng, mầu xám, xây từ thời Pháp, bỏ trống, là điểm thích thú khác lạ cho tôi ngắm nhìn mỗi lần ra vô Quản Lợi, khi đi về tới BL từ QL thấy nó là biết đã vô tới tỉnh. Cái lô cốt nổi bật ra vì chung quanh toàn là những hàng cây cao su trùng trùng điệp điệp nhìn buồn rũ rượi, nhất là vào mùa thu. Ba tôi nói, lô cốt làm bằng đất vững bền hơn làm bằng bê tông, đạn bắn vào nằm chìm trong đó, hơn là gây rung chuyển làm rạn nứt bê tông vì vang động, với lại lô cốt bê tông nổi lên lộ liễu quá rõ ràng, còn đắp đất tròn, trồng cỏ thì dễ ngụy trang hơn. Quả thật nhìn riết thì quen như cái cục cỏ xanh nổi u lên, trông không ghê rợn như cái mầu xám và cao của khối bê tông. Ba tôi làm ở Ty Công Chánh, nên coi thợ làm hết một vòng nhiều lô cốt phòng thủ cho Tòa Tỉnh Trưởng, là khu vực có 4 góc đường, trong đó có nhiều nhà, chiếm một khu đất lớn, 4 đường bao chung quanh, ngay trước trường Tiểu Học và trước nhà tôi ở. Khu vực quan trọng này thường được dân trong Tỉnh gọi là Tiểu Khu Bình Long, nơi có Tòa hành Chánh Tỉnh, sau xây thêm cái Hội Trường Tỉnh, kho gạo và nhiều khối nhà làm việc, có sân đánh tennis bên trong, ngay phía sau Tòa Hành Chánh hai từng mái cao là nơi quan trọng nhất trong trận chiến An Lộc, đó là khu hầm bê tông ngầm có từ lâu, sau đắp chồng thêm bao đất và các thùng phuy sắt đựng cát bên trong, Tướng Hưng chọn hầm này đặt BCH SĐ5 tiền phương cùng với BCH của Trung Đoàn7/SĐ5. Có nhiều bài viết nói đây là khu thành cổ do quân đội Nhật xây từ lâu. Thực ra ngoài tường rào nhìn từ bên ngoài vào thì chẳng thấy có thành quách gì như khi tôi ở đó, khi vào trong nhìn quanh thấy trống trải, lúc đó có sân Tennis, một khối nhà làm kho gạo. Vài cái nhà, lúc đó làm nhà cho Quận Đường An Lộc ở chung, một khối nhà Câu lạc Bộ là nhà ăn gần ra phía đường Phan Bội Châu, sau thấy có kéo pháo 105 ly về để trong khu đó. Sau trận chiến An Lộc năm 72, vì chỉ cách tiểu khu con đường trước mặt, cách hầm tử thủ của Tướng Hưng hơn 100m về hướng bắc, nên khu trung học vẫn còn đủ những khối nhà lớp học vì không bị đánh bom, chỉ bị hư hại trên khung mái thôi. Nay thì bị san bằng hết, không còn vết tích gì trước 75. Đối diện bên trường Trung Học, đối diện khu nhà tôi, về phía bên toà Tỉnh là Câu lạc Bộ của khu Tòa Hành Chánh hay Tiểu Khu. Sáng, ba dẫn qua ăn sáng, rồi đi làm, tôi về nhà đi học. Cái cảnh tôi và ba tôi vô ăn sáng, hay cuối tuần đi qua, gọi đĩa thịt heo ngâm dấm giò thủ gì đó ăn với đĩa đồ chua sà lát. Ba uống bia, tôi ngồi ăn phá mồi. Sau này, thì mấy người sĩ quan đi đóng quân xa nhà còn qua lại xoa đầu tôi hỏi han, có lẽ họ nhớ gia đình nhớ con của họ cùng tuổi với tôi. Con nít hình như không thấy có nhiều trong Câu Lạc Bộ của tòa tỉnh, của Chi Khu hay Tiểu Khu, trong đó chỉ có Sĩ Quan, nhân viên Hành Chánh và ba con tôi. Có người sĩ quan xoa đầu tôi buổi sáng, qua hôm sau, trong câu lạc bộ buồn tênh, mọi người giữ im lặng, không muốn nói chuyện, anh sĩ quan đó xoa đầu tôi đã tử trận ngay chiều hôm đó. Phía sau hàng cây mít, trong trận đánh An Lộc tháng 4, 5, 6 năm 72, bị bao vây, số người chết trong Bệnh Viện phía sau quá đông, miếng đất bên hông trường đối diện với BV được xe ủi đất của Ty Công Chánh đào lên, chôn cả ngàn người xuống đó vì xác xình thúi bên ngoài mất vệ sinh, có người trong khi đang chôn người chết bị pháo kích lại cũng chết theo chỉ cần đạp ngay xuống hố đang đào… Ngày nay có một biểu tượng kỷ niệm tại đây, nhưng rất tiếc trên đó vẫn còn ghi những hàng chữ tuyên truyền chính trị, ghi ngày tháng sai sự thực, đổ lỗi cho một bên, cho dù ai cũng biết nếu không có cuộc tấn công bao vây mùa hè năm 72, thi không có tới bao nhiêu trăm người đến trên vài ngàn phải bị vùi xuống trong ngôi mộ tập thể đó… chẳng hay ho hay hãnh diện gì khi người VN giết nhau tàn bạo tới mức độ tàn nhẫn như vậy vì chủ nghĩa chính trị !!! Tới thời gian này thì tấm bảng ghi đại khái là ngày nào đó vào tháng 10/72 (tới tháng 7, 8/72 dân Bình Long còn sống sót, hầu hết đều tản cư về trại tị nạn Phú Văn ở Bình Dương) máy bay B52 của Mỹ dội bom vào An Lộc giết trên 3000 người, tấm bảng ngớ ngẩn này đã được dẹp bỏ, không thấy nữa. Chiến tranh đang lan nhanh về tới thị xã của tỉnh, tôi mơ hồ nhận thấy điều đó, khi những chiếc xe jeep cứu thương chạy tải thương, với phần mái vải chỉ nhô ra che chỗ có băng ca, lòi ra phía cuối xe. Tôi tìm ra được điều bí mật là khi đứng trên hành lang lớp học, nhìn ra quốc lộ, thấy xe cứu thương chạy qua, quẹo trái vô phía trường Trung Học để đến Bệnh Viện, hay nhà Xác, là tôi biết người đó đã chết hay đang bị thương, không phải là do xe cứu thương chạy nhanh vội vã, hay chạy chậm bình thường. Cái bí mật này được kể cho mấy đứa bạn cùng lớp, tụi nó nể phục tôi lắm. Có lúc xe cứu thương chạy về ngay lúc tan học, mấy đứa vội vã chạy theo vào bệnh viện coi lời tôi nói có đúng hay không. Sau vài lần quan sát, tôi nhận ra khi hai đôi chân lòi ra sau băng ca, bên hông chỗ xe Jeep cứu thương làm dài ra. Đôi chân nào còn đi giầy trận đầy đủ là coi như người đó chết rồi, họ không cần tháo giầy ra. Còn thấy đôi chân vẫn còn mang vớ, hay để trần, là người đo bị thương, cởi giầy ra cho máu lưu thông. Bây giờ nghĩ lại cái bi thảm của chiến tranh, đứa con nít chín mười tuổi đầu đâu cần nhận ra cái sự chết chóc đó làm gì, nhưng thôi, chiến tranh chọn con nít như tôi lúc đó mà.. chứ con nít nào đi chọn chiến tranh!!! Cái Bệnh Viện Bình Long là nơi hấp dẫn nhất của mấy đứa nhỏ chúng tôi, như đã nói ở trên. Nhà tôi ở khối nhà thứ nhì quay mặt về hướng Nam, mênh mông đất trống trước mặt, lúc đó trống trơn chưa xây tiếp cư xá khác, không nhìn sang phía bệnh viện, mấy đứa ở khối nhà trước quay thẳng mặt vô bệnh viện, chỉ cách con đường. Bệnh Viện lúc đó chỉ có một dẫy nhà, cái nhà Xác, chỉ có một phòng, nằm lùi bên tay phải về phía con đường chung với ty Công Chánh đó là đường Ngô Quyền. Bên đó, xe hơi chạy tới ngay nhà xác, khi có xe cứu thương hay xe jeep hay người lao xao, là mấy đứa ở cư xá bên này ngó qua cửa sổ thấy, liền chạy qua coi gì xẩy ra, rồi đi báo cho tụi tôi ở dẫy phía sau, cửa nhà tôi quay về hướng Tòa Tỉnh Trưởng. Nào là thất tình uống thuốc độc tự tử, được đưa vô cấp cứu. Bác Triệu, ở ngay cư xá trước mặt BV là Y Tá trưởng, lúc đó bệnh viện không có bác sĩ gì hết, những ca nặng chỉ cấp cứu rồi chở về Bình Dương, nơi đó có bác sĩ Thọ làm Trưởng Ty Y Tế tinh, bác BS già này quen với gia đình tôi từ ngoài Bắc. sau này bác về làm Trưởng Bệnh Viện Biên Hòa, có lần lên BH chơi được ăn bê thui bác đãi hồi còn nhỏ, bác biểu mày cứ ăn nhiều thịt bò thui quấn lá lốt gì đó cho mau lớn. Người tự tử là cô gái trẻ uống thuốc nhức đầu gì đó, tin loan ra nhanh lắm, mấy đứa nhóc tụi tôi chừng mười tuổi đều có mặt, mấy anh lớn không dám tới coi vì sợ bị đuổi đi, mấy đứa còn nhỏ quá hay nhát thì không dám vô bệnh viện, chi có chừng ba hay bốn đứa chúng tôi, thường thì quần áo sạch sẽ đàng hoàng vì là con công chức. Phóng qua nhà thương, bên đó họ nhớ mặt từng đứa chúng tôi, bác Triệu nhớ từng đứa vì ông ta từng đè từng đứa ra chích tê-ta-nốt chống phong đòn gánh hay khâu vá gì đó vì tụi nhỏ hay nghịch hay bị đứt tay chân chẩy máu. Mấy đứa tụi tôi toàn con trai tò mò lắm, thằng gì nói, mình sẽ được nhìn thấy con gái lớn ở truồng, vì người ra phải rửa ruột bằng cách cởi quần thông lỗ đít. Trời!! đứa nào cũng đỏ mặt, ngực đập mạnh, phen này chắc được nhìn chị gái tự tử bị ở truồng để cấp cứu. Thường thì BV có một hai y tá trực, cần gì nặng chạy qua gọi bác Triệu, cấp cứu sơ sơ, nặng quá thì chuẩn bị xe cứu thương chở về Bình Dương hay SG, hay nhanh hơn, chở vào Quản Lợi có nhà thương của đồn điền Tây và ít nhất là 2 bác sĩ Tây trong đó. Mỗi năm tôi cũng vào đây vài lần, sẽ kể sau. Bác Triệu cũng chẳng phiền gì khi có chúng tôi quan sát loanh quanh hai ba đứa, toàn là con cháu, có khi còn sai biều tụi tôi chạy về nhà kiếm cái này cái kia, hay nhờ đi kêu thêm ai đó. Tưởng được coi đàn bà ở truồng vì tò mò, ai dè hổng phải vậy. Người con gái vẫn nằm nguyên quần áo, chỉ có được nới lỏng dây quần hay cổ áo ngực cho dễ thở, rồi phủ cái khăn lên ngực. Bác Triệu kê cái phễu to vô miệng, đổ nước gì vô, sau đó thòng cái sợi giây cao su đỏ vô họng, vô tới bao tử, rồi bóp trái banh cao su tròn dính với sợi dây, bóp trái banh bơm nước trong bao tử ra chẩy vô cái xô bên cạnh, làm đi làm lại vài lần, đó gọi là rửa ruột vì uống thuốc độc. Hoài công, mấy đứa tiếc hùi hụi, tưởng rửa ruột là thông lỗ đít, sẽ được nhìn chỗ kín của phụ nữ. Thôi đợi lần khác vậy. đúng là lũ quỷ con nít với tư tưởng không được trong sạch. Không lâu, ban đêm lại có ồn ào lu bu trước nhà thương, đèn sáng, được chạy máy điện riêng, vì ban đêm nhà máy điện chung của Tỉnh hình như tắt vào lúc 10 hay 11 giờ đêm. Một cô gái bị chồng đâm chém mấy nhát vì ghen tuông, rồi anh ta đâm dao vô cổ họng để tự tử. Xe lôi chở mấy người này vô BV. Xe lôi là xe mô tô khá bự, hình như của Đức, BMW, hay của Áo Puich gì đó, đằng sau kéo cái dàn khung ngồi bằng sắt với hai bánh xe. Người đàn bà bị đâm hay chém hai ba nhát vào ngực, chỗ đôi vú, tuy nhiên không có thủng qua ngực vào phổi. Máu cầm được vì không đứt mạch máu, Bác Triệu cầm cái kềm inox bong loáng, bấm mấy cái kẹp nhôm, kẹp vết thương lại thôi cho đừng rỉ máu, về bệnh viện lớn, họ gỡ nẹp nhôm ra, khâu vết thương lại. Lần này thì mấy đứa được nhìn hai cái ngực bầu bĩnh, trắng với hai nắm vú nhỏ của người chưa có con, tha hồ mà tò mò, nhưng thấy máu, thịt rách đỏ rồi móc nhôm bóp thịt nhúm lại. Thiệt ra còn thua khi đi ra chợ BL, mấy đứa thấy mấy cô, mấy bà móc vú ra đưa cho con nhỏ bú, nhìn mấy bầu sữa đó, vú còn hấp dẫn hơn cả trăm lần. Còn anh chồng đâm chém vợ, chắc chỉ giả bộ cứa cổ một chút, mấy đứa thấy ghét, hổng thèm dòm kẻ đâm đờn bà. Bác Triệu làm giấy tờ cho mai sớm để xe cứu thương chở thẳng về bệnh viện Chợ Rẫy ở SG. Tụi tôi phụ thu xếp mùng mền cho hai nạn nhân để họ ngủ qua đêm trong bệnh viện, vì rành quá. Bác Triệu bỏ đó cho tụi tôi giúp đỡ gia đình hai người này. Bác ngoắc mấy đứa vào: – Mấy đứa về nói ba má, ai muốn mua bánh mì đồ ăn gì nho nhỏ, viết giấy, đưa tiền, mai sáng sớm mang qua cho bác, sẽ đưa tài xế về SG mua cho, xe sẽ lên không, chỉ có đi lãnh số thuốc men nên xe nhẹ hổng có phải chở về bao nhiêu. Mỗi lần xe cứu thương đi một chiều về SG, là khi lên, chở theo ít đồ nhận lãnh, ít đồ mua dùm cho cư xá công chức trước bệnh viện, xe cứu thương chỉ đi hai vòng đưa đồ xong ngay trước cư xá, đồ thường chỉ là bánh mì, vịt quay heo quay, nem Lái Thiêu, còn mấy thứ khác, thì mấy chuyến xe đò, đều mang đồ lên hàng ngày rất đầy đủ tới mấy chuyến lận.Sau đó thì bệnh viện xây thêm vài căn nhà nhỏ, nằm riêng biệt về bên hướng Đông, bên con đường dốc đổ xuống công viên Tao Phùng đối diện trường Trung Học, mà hồi nhỏ tôi thấy cái dốc này thiệt sâu, hay thiệt cao, sau này, mấy năm trước về thấy nó cũng bình thường dốc thôi, có lẽ hồi nhỏ, cái tỉ lệ con nít dưới 10 tuổi, cái gì nhìn cũng lớn cũng vĩ đại. Sau này nhìn hình thì BV có thêm mấy khối nhà ở giữa nhìn rất to lớn, con đường dốc nên hông được mở cổng ra thêm lối vào BV, hình như là lối vào chính. Tôi hỏi ba tôi: – Mấy cái nhà đó làm gì mà xây không dính với nhà chính của bệnh viện, lại rời tuốt ra ngoài. Biết tôi rất là tò mò và hay đi lung tung chơi trong bệnh viện, hồi đó chẳng có hàng rào, chẳng có ai canh gác gì hết, ra khỏi mỗi phòng, thi khoá cửa lại thôi. Ba chậm rãi nói: – Mày đừng có la cà tới đó nhe, đó là nhà bệnh của người bị bệnh nhiễm trùng, bị cách ly, chỗ ở cho mấy người bị bệnh lao, quay qua hướng Đông cho ngập nắng buổi sang giết vi trùng Lao, họ được biệt lập cho đửng lây bệnh. Làm tôi sợ, mỗi lần chạy xuống dốc thả diều, thấy mấy người bệnh ngồi ngoài hành lang vẫy tay chào, tôi giả bộ như không thấy, sợ lây bệnh lao, cứ chăm chú lo thả diều chạy thẳng luôn. Không biết lúc nào thì bệnh viện mới có bác sĩ, không có cả bác sĩ quân y. Lúc đó số lính đóng trong tỉnh chỉ có đại đội Bảo An, hay hơn, đóng trại phía sau sân vận động, sau có thêm đại đội hay trung đội biệt kích giống như Biệt động Quân, toàn người Nùng, thấy mấy đứa con nít nghe tuyên truyền nói họ giết VC rồi mổ bụng lấy mật gan phơi hàng rào làm thuốc, tôi nghe sợ hổng dám đi qua khu này, với lại nó nằm biệt lập phía sau cư xá, ra vô bằng đường riêng. Sau thì có thêm chi đội xe thiết giáp đến lập trại bên cạnh. Mấy xe bọc sắt này hay đến cái giếng nước bơm bên cạnh cư xá để rửa xe. Tụi tôi đi đá banh về, cũng hay ra bơm nước phụ rửa xe thiết giáp, để leo vô chơi hay phá phách, lúc đó là xe bọc sắt, bánh xe cao su bự, như xe commando V100, nghe nói đạn bắn hổng lủng. Rồi được trả công bằng đạn, đủ loại đại liên 50, 30, garant … tụi tôi kẹp viên đạn vô khe cửa đóng cửa lại giữ viên đạn rồi nậy đầu đạn ra lấy thuốc đốt, vác búa đóng đinh vô ngòi nổ cho vui, rồi chơi chán, thu đồng đi bán ve chai. Có anh lính còn hỏi có dám lấy lựu đạn không. Lúc đầu không dám lấy, sau thì khi đá banh ở sân vận động, thấy mấy lớp dậy Thanh Niên Cộng Hòa trong tỉnh phòng thủ chống VC tấn công, có dậy ném lựu đạn, nhìn thấy không khó nên có nhận một trái, sau này mang đi ra đường rầy xe lửa phía suối, khi đi vô rẫy ăn trái cây, ra suối tắm, rồi ném lựu đạn giết cá, đúng là con nít phá hoại môi trường xanh. Lúc đó có mấy thằng học cùng lớp là con của lính Bảo An ở trại gia binh gần đó, tụi nó đi học, mang theo lưỡi lê và lựu đạn theo khoe, nên tụi tôi dân khu cư xá công chức, cũng hổng chịu thua, cũng mang theo lựu đạn hẹn ngày cùng đi rẫy chơi, ném lựu đạn xuống suối cho biết mùi. Một ngày chủ nhật, tụi học sinh hai lớp, lớp Nhất và lớp Nhì, trường Tiểu Học được theo thầy cô đi động viên mấy người dân đang đào hào cho Ấp Chiến Lược, là cái vòng rào, bên ngoài đắp cao, đất từ đào hào quăng lên, giữa có hào sâu cắm chông tre, bắt đầu từ phía sau chợ Mới, vòng ra giáp phi trường rồi đi vòng qua phía Tây, kéo dài qua phía sau nhà Lao là Trung Tâm Cải Huấn là trại giam, vòng tuốt trở về phía trại Bảo An sau Sân Vận Động vòng tới rừng cao su Xa Cam. Mỗi gia đình trong Tỉnh được chia cho mấy thước hào sâu để chung góp phần đào. Gia đình nào không muốn tự đào thì thuê người làm chuyện đó, bao luôn chuyện cắm chông tre. Dịp này, mang theo đồ ăn và nước uống, tôi mới có dịp đi một vòng lớn bằng đôi chân, biết thêm về chu vi của thị xã An Lộc tỉnh Bình Long. Khoảng thởi gian này, có một đại đội lính Công Binh mang theo cơ giới lên làm phi trường An Lộc, ở đầu phía Bắc cuối thị xã, ngay đường quốc lộ 13 cũ đi lên Lộc Ninh (sau này quốc lộ 13 đi đến đường Hùng Vương thì rẽ trái đi ngang bến xe bên chợ Mới, đến đường Ngô Quyền rồi quẹo phải đi thoát ra khỏi thị xã, QL13 men theo con đường bên ngoài phi trường rồi nhập lại vào đường QL13 đã có từ xưa để đi lên Lộc Ninh, vì khi làm phi trường mới có phi đạo băng qua QL13 cũ), mấy người lính Công Binh này hay cạo trọc đầu, hay nhậu nhẹt, đôi khi úynh lộn với lính Bảo An địa phương, hay đại đội lính Biệt Động Quân người Nùng qua những chuyện nhậu nhẹt hay chọc gái. Sau rồi khi phi trường làm xong thì đại đội công binh rút đi. Có một hôm ba tôi cho biết, có cái máy bay thám thính L19 gì đó đáp xuống phi trường bị gẫy bánh xe. Tôi hỏi vậy thì người ta sửa máy bay chưa, làm sao bay về SG được. Ba tôi hổng nói gì. Một hôm ông kêu tôi, chở mô tô ra coi họ gỡ máy bay ra, gỡ cánh, gỡ bụng máy bay rời ra, xếp lên xe tải lô bồi có trục, kéo về SG. Phi trường với đường bay bằng đất đỏ nện, chỗ đậu máy bay thì có lót vỉ sắt. Ba có cái mô tô Peugeot, chừng 225 cc, ông ta khoái lắm, có chuyện đi chơi mới dùng đến, còn hàng ngày thì đi xe đạp đi làm, đi làm hổng tới 200 thước, còn gần hơn tôi đi học nữa. Mỗi lần được đi mô tô, ngồi đằng sau là tôi khoái lắm, gió mát thổi lồng lộng, kèm theo tiếng máy nổ bình bịch. Ba hay chở đi Quản Lợi, chừng hơn 4 cây số về hướng Đông, qua khúc dốc cuối chợ Cũ. Cái dốc này cao lắm, đi xuống thì cũng còn sợ vì tuột dốc nhanh, đi lên thì vòng qua đường vòng Chu văn An dốc thoai thoải thấp hơn. Đường đi QL đi qua cái lô cốt bê tông, lúc đó bỏ trống. Đi giữa hai hàng cây cao su, trồng ra sát ven đường, có hai con rãnh hay mương hai bên đường để thoát nước, đường nhỏ chỉ rộng đủ chừng hai xe lách nhau. Đi không thấy gì ngoài cao su và cao su. Đến Quản Lợi, thì toàn là đường xá riêng của đồn điền cao su của người Pháp, đường nhựa riêng của họ, có cây cản chặn ngang chỉ cho xe của đồn điền dùng thôi, còn nơi người Việt cư ngụ buôn bán, thì nằm phía dưới con đường đất, là cái xóm nhỏ của dân vậy thôi. Còn công nhân làm trong đồn điền có cư xá chung cho thợ, có nhà riêng, cư xá riêng cho nhân viên cao hơn. Ba tôi vẫy cái thẻ công chức gì đó, thì họ nhấc cây ngang cho tự do chạy vô đồn điền chơì. Đồn điền như một thành phố nhỏ riêng biệt, biệt thự Pháp và những bãi cỏ xanh, có nhà Thờ, nhà Nguyện nhỏ bằng đá, Ba mang tập giấy bút chì theo, dừng xe, dậy tôi vẽ phác họa ngoài trời. Bên trong có bệnh viện lớn mấy lần hơn BV tỉnh Bình Long, và có hai bác sĩ Pháp trông coi. Hai người này đều là bạn thân của má tôi. Sau này sẽ nói chuyện má tôi và hai ông bác sĩ Pháp này làm việc với nhà thương tỉnh Bình Long. Mỗi lần đi xa bên ngoài thị xã, khi trở về, ba tôi thường phóng về vội vã, làm tôi nhớ chuyện má tôi kể ngày xưa ba tôi đi mô tô ở Hà Nội, làm rớt mất anh Hai tôi ngồi phía sau xuống đường mà không hay. Tôi sợ lắm, bám thật chặt, thiếu điều tôi còn nghĩ, lần sau mang theo sợi dây cột người vô bụng Ba hay xe cho chắc ăn. Tôi hỏi: – Sao ba chạy dữ vậy ba? – Chiều rồi, về lẹ không thôi sợ VC ra chận đường! Tôi len lén nhìn qua những hàng cây cao su cao um tùm chung quanh, và tưởng tượng là sau mỗi gốc cây, đang có một VC núp sau đó, tôi nhắm mắt lại, vẫn còn thấy VC nhẩy chuyền từ gốc cây này qua gốc cây khác theo phía sau. Tôi nhắm mắt, áp chặt người vào lưng ba, chỉ hé nhìn ra coi khi thấy cái lô cốt đầu tỉnh dưới dốc chợ cũ nếu từ Quản Lợi về, hay cái mái nhà hai từng, với mái chống hình chữ V cũa Toà Tỉnh Trưởng nếu từ phía Xa Cam đổ về, như vậy là đã an toàn trở về nhà vào được bên trong Thị Xã rồi. Vì nguy cơ bị VC tập kích vào Tỉnh bất cứ lúc nào, chuyện này cũng có thể xẩy ra, vì từ bờ rào Thị Xã vào, vào không tới 300 mét là tới trường học, tới Chi Khu, tới Cư Xá. Nhà nào cũng có súng, Ba có khẩu shotgun với mấy chục viên đạn chùm, bắn ra bi vỏ đạn mầu đỏ. Sau ba còn mang về một khuẩu tiểu liên nhỏ, báng bằng cây sắt gập, bắn đạn tròn đạn súng colt 45, nạp thành cái băng đạn dài. Thân súng tròn tròn, nòng ngắn, có cái nắp bên hông mở cho vỏ đạn văng ra, tôi nhớ hình như là tiểu liên Matt 36, 39 gì đó, bắn rất dễ, nạp đạn cũng dễ. Ba chỉ dẫn cách bắn, chỉ dẫn nếu VC vào tới cửa trước vườn, ở nhà một mình thì lấy hết súng chạy ra nhà bếp, vứt khẩu shotgun dài vô bồn nước, mang theo khẩu tiểu liên, máng dây vô người, leo lên thành hồ nước, leo qua tường rào sân sau, tụt xuống con đường phục vụ sau của cư xá, chạy qua Bệnh Viện, rồi dọt qua Ty Công Chánh nơi ba tôi làm việc, đó là cách đào thoát của tôi khi cần thiết. Hai khẩu súng và đạn nằm trong cái tủ đứng đựng quần áo. Và nhất là tôi không được chơi giỡn với súng khi ở nhà một mình. Có điều là nhà nào trong cư xá hầu như cũng có súng, và đã thấy những người chết trận vì súng đạn, nên tụi nhỏ như tụi tôi trong cư xá, không có lạ gì hay tò mò với mấy khẩu súng giết người này, mà chỉ thích thú với mấy khầu đại liên 30, 50 và đại bác gắn trên chiến xa, mà khi kéo bơm nước rửa xe, được đùa dỡn với mấy thứ này thỏai mái, và dĩ nhiên, mấy anh lính, đã tháo đạn ra khỏi súng rất cẩn thận, tháo hẳn thùng đạn ra, và còn khóa súng lại, rờ mó, ngắm chơi thì được. Chiến tranh cũng còn đến chầm chậm, lâu lắm mới có người lính bị tử trận mang về nhà xác trong bệnh viện Tỉnh, còn thường khi đụng trận ở xa, thì họ di tản người bị thương có lẽ về thẳng SG luôn hay đi đâu đó. Có lần, có người lính bị đại bác bắn trực xạ nghe nói đứt đầu, họ mang về nhà xác bệnh viện. Mấy đứa nhỏ bàn nhau tào lao là người ta phải khâu đầu lại vô thân rồi mới mang chôn chứ, mấy đứa khích nhau kéo vô nhà xác coi họ may đầu, mà chằng đứa nào dám đi hết. Nhà xác chỉ là cái nhà một phòng, thông với đường bên hông, để ma chay lấy xác đưa đám cho dễ, không cần phải vào chung cổng bệnh viện, mà BV cũng chẳng có hàng rào, từ bên đường, bước thẳng đến đâu cũng được. Nên khi có xác, là nhà xác mở cửa cho thân nhân ra vào giờ nào cũng được. Ít khi có hai người chết chung một lúc, thường thì họ mang xác về nhà, khi nào có người chết mà thân nhân ở xa, thì nhiều khi họ để quan tài ngay nhà xác làm lễ rồi chở đi chôn luôn. Chuyện người lính chết cụt đầu, tụi tôi phải đợi xác cho vô hòm rồi mơí dám kéo nhau qua coi. Lúc đó đã đóng kín quan tài, nhang đèn đầy đủ cho đỡ sợ. Khi đó mỗi lần có người lính địa phương chết trận, chôn trong nghĩa trang tỉnh hay mang đi đâu, thì tụi học sinh chúng tôi, một tiểu đội đại diện 12 đứa lớp Nhì lớp Nhất phải dành ra một tiếng đi dự lễ đưa đám ma. Được báo trước, đội học sinh danh dự, là tụi tôi, con nhà khá giả, chọn toàn đứa người cao lớn, quần áo đàng hoàng đẹp đẽ, quần sọc xanh dương đậm, áo sơ mi trắng, giầy Bata vải, vớ trắng, giặt giầy trước phơi nắng hơi ráo nước, rồi bôi kem trắng vô chờ khô, giầy Có khi có hành quân về, Sân Vận Động trở thành nơi đổ quân, chiến xa, trọng pháo mang về để đó, máy bay trực thăng củ chuối loại tròn, đầu cao có bánh xe, ào ào đến, hay máy bay trực thăng hai đầu, thân mình cong ở giữa, rồi những người lính Mỹ, green beret, lính lực lượng đặc biệt đổ tới, họ chỉ là nhóm nhỏ vài người đi chung với những toán hay đơn vị Biệt Kích của người Việt Nam. Lúc đó những tiếng phành phạch thường xuyên của trực thăng cánh cánh quạt vang lên giữa những buổi trưa hè trở thành quen thuộc. Khi máy bay đáp xuống bên sân vận động, bụi đất đỏ có thể bị quạt bay tới tận trường Tiểu Học. Tiếng phành phạch đó hấp dẫn lắm, nó thúc hối tôi leo ra khỏi cái cửa sổ căn gác lửng, leo lên mái nhà bếp, dựa cái ống khói nhìn lên trời, hay là leo tiếp lên trên mái nhà chính cao nhất, nhìn về phía Sân Vận Động, đất đang bị bốc lên những lằn bụi đỏ lòm. Cái không khí, đầy âm thanh đầy mầu sắc đầy mùi vị nó kích thích cái tuổi ấu thơ của tôi đến cùng cực, như là sống trong mơ. Đêm bắt đầu nghe tiếng đại bác bên Tòa Tỉnh, hay thành Chi Khu Bình Long bắn depart đi, rồi cố lắng nghe những tiếng nổ nhỏ khi đầu đạn đi đến đích, nổ từ xa vang về, hay khi nghe tiếng depart của đại bác từ xa là đại bác VC bắn vô Tỉnh, chờ đợi tiếng nổ lớn hơn đoán coi nó rơi chỗ nào trong Tỉnh.trắng toát, như vậy được một ngày rồi mới bị bụi đất đỏ làm dơ. Thường đám tang bắt đầu trong sân giữa Tòa Hành Chánh, đọc chút diễn văn chia buồn, rồi dẫn ra quốc lộ 13, đi từ đầu toà Tỉnh tới cuối đường là xong, qua hết trường tiểu học là xong, quan tài lên xe chở đi chôn, học sinh tụi tôi đi về trường, công chức quân nhân cũng đi về sở về trại gần đó. Sau này chiến tranh tăng lên cao, số người chết nhiều hơn, thì không còn có đủ thời gian để làm lễ đưa đám hay tưởng niệm có ban nhạc cử quân hành cho từng người như xưa nữa. Đến sáng, nhìn về phiá chợ, phía đồi Đồng Long cao trên 100m (128m), ráng nheo mắt coi vị trí phòng thủ trên đó có còn lá cờ vàng và mấy cọng ăng ten cao lên nhỏ xíu. Ba nói phải dùng ống nhòm quan sát thì mới thấy lá cờ. Đỉnh đồi Đồng Long cao 128m trên mực nước biển trung bình ở Hà Tiên là vị trí chiến lược quan sát mọi chuyển quân từ phía Bắc xuống hay từ phía Tây vào tỉnh, trong chiến tranh mùa hè đỏ lửa 72, đồi này thay đổi quân làm chủ nhiều lần, bao người lính hai bên đã nằm xuống ở đó. *** Cái thị xã An Lộc, tỉnh lẻ buồn hiu hắt này và vài năm ấu thơ của tôi, thật nó là cái thiên đường, đậm chút thiên nhiên đầy khoảng khoát mở rộng, nhìn quanh toàn là mây trời bao la, đồi và rừng cao su, đậm chút núi rừng, đứng lên ta cao bằng trời, hay là trong rừng cao su ngút ngàn, nhìn chung quanh ta sợ muốn chết, bốn bề giống y hệt nhau, phải biết nhìn hướng nắng mặt trời mới biết đường đi ra, hay những cơn mưa rừng dai dẳng buồn hiu hắt, đắp chăn mỏng trên gác lửng mà đọc Tam quốc Chí, Bá Tước Kích Tôn Sơn, ba có mua trọn bộ. Vài năm nơi tỉnh nhỏ đó, cái gì cũng rộng rãi, cũng từ từ không vội vã, thời gian qua chậm chạp, là lúc mà tôi học được nhiều thứ nhất, nhiều hơn mấy năm ở thành phố SG sau này. Học được những nỗi lo sợ, thấy cái chết, cũng thấy ra được chuyện con người ai rồi phải chết vào một lúc nào đó thôi, tôi chưa nhìn thấy ai chết già ở Bình Long, nhưng chết trẻ thì có, nhiều lắm! Tôi học được chuyện làm đường nhựa như thế nào. Con đường trước mặt nhà khi đến là con đường đất đỏ, sau đó ty Công Chánh bắt đầu làm đường nhựa. Dĩ nhiên, ba làm Ty Công Chánh, nên những người làm đường đều biết và chào hỏi Ba. Và ngày nào tôi cũng nấu nước cho họ uống. He he, chẻ củi chụm được bếp lửa không phải là dễ nhe, hồi nhỏ tôi không biết đã biết chụm bếp củi từ lúc nào. Con đường đất đỏ được xe ủi đất đến cào thấp xuống một chút, hớt đất ra. Rồi xe kéo cái khối ống sắt tròn to khổng lồ, đinh sắt to lòi ra như những ống lon sắt nhỏ để nén chặt đất xuống. Đất lại được đổ lên, tưới nưóc cho khỏi bụi, rồi lại cán ru lô trơn với đinh sắt nhô ra lên trên nhiều lần. Xe hủ lô chạy bằng hơi nước, chạy qua lại lúc đất khô không mưa. Rồi đá xanh tảng to bằng bàn tay được trải lên, xe hủ lô cán xuống, lại trải đá lên cán xuống nhiều lần, rồi đến đá xanh nhỏ, đá vụn. Trước đó thì mấy người mang máy nhắm tới, đo – cắm cờ đỏ bằng vải đỏ nhỏ, theo đó mà làm ranh đường, làm nền đường. Rồi thùng nhựa đường được mang tới, họ chụm củi nấu chẩy lỏng nhựa đường, múc nhựa tạt lên đá, rồi lại phủ đá nhỏ lên, rồi phủ nhựa, nhiều lớp. Cuối cùng lớp đá vụn mỏng được trải lên xanh che mặt đường. Vậy là xong. Tôi hỏi ba, vậy đâu thấy nhựa đường khô đen láng mịn đâu. Ba nói: phải chờ năm sau, xe chạy riết, rồi trời nóng cháy, nhựa đường đen từ dưới mới lồi lên hay nổi lên. Con đường nhỏ ít xe lớn chạy qua, vài năm sau, nhựa đường mới lòi lên, mặt đường mới mịn. Khi mà nóng quá, nắng gắt, đi dép cao su trên nhựa đường coi chừng bị dính dép xuống mặt đường, lúc nóng thì tôi lại đi dép trên cỏ hay duới đất tránh đi trên mặt đường. Còn tối trời mát thì chạy chơi trên đường nhựa vui lắm, đánh vũ cầu trên đó, kẻ phấn lên mặt đường chơi lò cò. Tối ra đường đứng dưới cột đèn nê ông, chờ dế cơm bay, lấy cái vợt đánh vũ cầu ra, đập bắt dế cơm, cũng đầy hộp sắt, mấy đứa mang dế cơm về vặt lông chiên, nhồi đậu phọng, tôi thì bắt chơi cho vui, chứ không ham ăn dế cho lắm, cũng có ăn thử vài con cho biết. Tiếp đến là coi biết cách người ta đắp lô cốt đất, đào hào cắm chông ấp chiến lược. Biết cách làm đường nhựa. Ba chở đi coi đại đội Công Binh làm phi trường An Lộc, ba chỉ cách họ phải chọn hướng gió mạnh và nhiều nhất trong năm để làm hướng lên xuống. Công Binh đến, họ mang theo máy móc mới, xe loại nặng, ngon lành hơn những xe cơ giới làm đường của Ty Công Chánh Bình Long nhiều, dân chuyên môn mà. Những người lính làm phi trường còn mang theo nhiều súng hạng nặng, như đại bác không giật 57 gắn trên xe jeep, làm hàng rào trại phòng thủ khi làm phi trường. Rồi phi trường làm xong, bằng đất nén, xong rồi đại đội Công Binh rời thị xá, hết có màn đánh lộn, đúng ra là họ đánh với lính Bảo An ở địa phương, những khi ăn nhậu dành gái. Tỉnh nhỏ mà, ăn nhậu rồi đánh lộn, đánh cho le một chút. Còn khi mới dọn tới đây, thì đã nhất là làm bạn với người Thượng, Má thuê họ làm hàng rào tre phía trước nhà từ cửa ra cho ra tới mặt đường, cũng tới gần 7, 8 thước dài, năm thước ngang. Hai người Thượng đến nhận việc, dưới đít chỉ quấn cái khố, lòi cả hai cái mông đen ra, họ đi chân đất, đầu trần, chỉ có vậy thôi, hai người đến bằng xe bò, hai con bò kéo xe. Má cho tôi đi theo, khoái lắm, chắc tôi cũng giống thằng mọi con, có điều quần áo đàng hoàng, đi giầy nữa, má bắt đi giầy, sợ vô rừng đạp trúng cái gì đó. Hai người Thượng và tôi đánh xe bò đi vào rừng hướng Phú Lố sát bên sau Ty Công Chánh không xa, là đầy rừng tre. Họ làm đầy xe, chặt bằng cây rựa sắc bén đeo trên vai lơ lửng chẳng có dây gì hết, chỉ máng vô vai. Vớt hai phát là xong cây tre bằng cổ tay. Chỉ chút là đầy xe bò tre, kéo về nhà. Hai người này hút thuốc vấn nhồi tẩu tre, và nhấm rượu đế với tôm khô, má đã mua sẵn cho họ để trả công, họ không chịu lấy tiền. Chân đất, hai bàn tay trần, họ chặt tre, chẻ tre ra, hai tay kéo toạc thân tre ra làm đôi, làm tư dễ dàng. Đóng chôn cột cây đứng, cột tre đòn ngang cách chừng nửa thước xong là họ bắt đầu đan tre hàng rào, uốn qua uốn lại. Hai ngày là xong hàng rào ba mặt trước nhà. Chỉ có hai cái rựa, dao tay, kềm cắt dây kẽm, họ làm xong cái hàng rào tre rất đẹp mắt, như là đan một cái rổ tre thiệt lớn. Cổng ra vào cũng bằng thân tre, lấy hai cái vỏ chai, đổ đất vào, chôn úp ngược xuống đất, lòi đít chai lên, với đáy chai hủng lõm xuống, làm điểm tựa cho cây cột cửa tựa vào đó mà quay bản lề đóng mở cửa, mấy vòng dây kẽm bện lại, cột cánh cửa vào cột cổng và vẫn quay hai cánh cổng được. Hai người Thượng này chỉ nhận chút tiền, ngoài ra là lấy rượu đế, khô cá hay tôm khô, má phải mua cho họ, người Thượng lúc đó không thích tiền hay mua bán, chỉ thích trao đổi, vì họ nhìn thấy đồ để trao đổi có gía trị hơn để dễ so sánh hơn nhìn mớ bạc giấy. Má nhờ họ đi chặt tre, nếu thấy măng tre thì mang về cho Má. Sau thì Má nói họ đi chặt măng to, mang về để chẻ nhỏ ra phơi làm măng khô, Má mang về SG cho bạn bè. Sau khi làm xong hàng rào rồi, thỉnh thoảng họ ghé qua đeo đầy gùi măng to đến gõ cửa vườn bán cho Má. Đó là kỷ niệm hấp dẫn của tôi, được ngồi xe bò đi theo hai người Thượng đi chặt tre, đi chơi thôi, thật là thú vị vô cùng, tôi khám phá ra đủ thứ lạ lùng, nhất là mới từ thành phố Bà Rịa đi lên vùng núi rừng đất đỏ, đầy cỏ Lau, cao tới đầu người, lá sắc cứa đứt da, và những rừng tre. Hai người thượng cũng dậy tôi bứt lá cỏ lau, bẻ gập lại, kéo tước lá thật mạnh, bắn cái thân cỏ ra phía trước như bắn tên, giờ thì quên rồi. Họ dậy hái bông ngọn cỏ lau, đi tìm ổ kiến Bù Chích, đen bóng loáng, nếu bị chích một cái là sưng một cục to như đốt ngón tay, rất đau nhức. Rồi kiếm lỗ dế cơm, lấy ngọn bông cỏ lau, nhúng kiến bám đầy, mang tới ổ dế, vuốt bông cỏ thiệt nhanh cho kiến rớt xuống lỗ, kiến cắn dế cơm chạy ra, con dế cơm to và dài như ngón tay. Có khi thả lộn ổ rắn, thì rắn sẽ phóng ra. Sau này thì tôi có trúng số một ổ rắn một lần, sẽ kể sau. An Lộc có trường tiểu học nội trú cho người Thượng, bên cạnh Tiểu Học An Lộc, đất rất là rộng mênh mông, tụi nó học nội trú sống trong trường, và trồng rau bắp chung quanh xanh um lấy đồ ăn, thấy rất thèm. Chương trình học của tụi nó nghiêng mạnh về trồng trọt chăn nuôi hơn là học chữ. Mỗi lần thi đá banh, thi đi diễn hành dịp lễ Quốc Khánh, thì tụi nó bao giờ cũng về nhất. Học tiểu học mà tụi nó to con, lớn tới 13, 14 tuổi vì đi học trễ là thường, đá banh làm sao lại tụi nó, chạy theo hông nổi. Đi diễn hành thì quần áo, giầy dép tụi nó được chính phủ phát không, nên đồng kiểu, đồng mầu, coi đẹp mắt hơn đồng phục tự mua, tự chọn kiểu của trường tiểu học tụi tôi, mỗi đứa một kiểu khác nhau, cùng mầu là may lắm rồi. Còn ngoài ra tụi Thượng hổng có lo thi cử chuyện học hành, nên khỏi thắc mắc tại sao Tiểu Học Kinh thua tụi Thượng về đá banh và đi diễn hành. Chắc bên trường Thượng, tụi nó bị đánh đập dữ hay sao mà đi diễn hành tay chân thẳng băng, đánh nhịp y như lính người lớn đi, đi rất kỷ luật, chứng tỏ tụi nó tập mỗi ngày như tập thể dục. Còn tụi tôi tập đi diễn hành cho có, đâu có ai dám nói nặng câu nào, toàn là con cưng, cục cưng hông à. Mấy thầy cứ nói, chấp chi tụi Thượng cho mệt, to lớn đầu, thiếu điều có đứa làm cha có con mà còn đi học Tiểu Học. Thời gian đầu tiên của tôi ở An Lộc, không có mấy điều quan trọng bây giờ còn nhớ lại được ngoại trừ có lần được phần thưởng cuối năm và bị ba má cho là tôi đi ăn cắp. Chuyện thứ hai là tôi bị sưng quai bị, má và hàm phồng lên, má đưa vào nhà thương của đồn điền Tây trong Quản Lợi, bác sĩ Tây khám và cho Pô Mát gì mầu vàng đục hơi nâu nhạt trong cái hũ nhỏ, lấy miếng cây như que cà rem quệt bôi vào má, mùi hôi hăng hăng. Sau đó mang về nhà bôi tiếp và nhờ bác Y Tá Triệu coi sóc tiếp dùm. Má nói tiếng Pháp giỏi lắm, phải nói là nói nhanh đúng giọng y như người Pháp Pa ri sien vi khi nhỏ má học ở Hà Nội. Mỗi lần đến Bệnh viện QL, má ngồi trong phòng ông bác sĩ Pháp coi Bệnh viện nói chuyện khá lâu, còn tôi sau khi bị khám, bị đưa đi chụp hình phổi, thì tôi đi lang thang trong Bệnh viện này chơi. Bệnh viện Quản Lợi nằm sâu trong đồn điền riêng của người Pháp, đi vào khu riêng của đồn điền mà người thường không được lái xe vào, đường xá tráng nhựa đẹp còn hơn ngoài thị xã An Lộc với những bãi cỏ xanh cắt đều đẹp mút mắt. Bệnh viện này to hơn BV Bình Long rất nhiều, có nhiều dẫy nhà, nối vào nhau bằng hành lang, qua nhiều ô sân trong, có từng khu riêng, có phòng nhổ răng. Sau này tôi cũng có để lại hai cái răng sâu ở đó. Lần nhổ răng đó cũng rất là đáng nhớ, sẽ kể sau. Do sự thu xếp của Má, bác sĩ Pháp ra Bệnh viện BL (BV BL lúc đó chưa hề có bác Sĩ) khám ngày Thứ Ba, hay Thứ Tư gì đó vào buổi sáng, má là người thông dịch giữa bệnh nhân và bác sĩ. Từ An Lộc vào tới nhà thương Quản Lợi chừng 4 cây số. Ông Bác Sĩ được tài xế lái xe ra An Lộc, tôi nhớ có hai ông khác nhau, theo nhiệm kỳ mà làm việc, chỉ nhớ tên có một ông là Bernard, hai ông này đứng tuổi, tóc hoa râm. Văn phòng họ rất bự và có nhiều thứ trong đó, tôi lân la tò mò đi coi chung quanh trong khi đợi hai người lớn nói chuyện với nhau, và dĩ nhiên là tôi chắp tay sau lưng, chỉ đi coi chứ không đụng hay phá phách cái gì trong phòng ông bác sĩ Pháp đó. Thường thì những cơ sở của đồn điền Pháp rất đẹp và to lớn hơn ngoài thị xã An Lộc. Quản Lợi là một thành phố tư nhân riêng, đồn điền Pháp, có trước khi An Lộc được xây dựng. Khi quân đội Mỹ đến, họ dùng Quản Lợi làm căn cứ phi trường rất lớn. Mỗi lần đi vào nhà thương Quản Lợi là ba xin cái công xa riêng của Ty công chánh và tài xế đưa chúng tôi vào. mấy anh chị lớn của tôi, thường là về chơi từ Saigon vào mùa hè, cũng được đi vào cho hai ông bác sĩ Pháp này khám tổng quát. Khi tôi về lại Bình Long sau hơn một năm học ở Saigon, lúc này bắt đầu năm thứ nhì, thì tôi nhớ rõ, và chú ý chuyện khám bệnh của hai ông bác sĩ Pháp ngoài Bệnh viện tỉnh BL hơn. BV tỉnh lúc đó không có bác sĩ, chỉ có bác y tá già, bác Triệu là người chuyên môn cao nhất. Bác sĩ Pháp chỉ ra khám miễn phí cho bệnh nhân Việt khi có má tôi làm thông dịch. Thành ra khi Má không ở Bình Long, thi bênh nhân Việt có phương tiện hay thế lực sẽ xin vào khám trực tiếp tại BV Pháp ở Quản Lợi. Thường thì tối trước khi ngày mai bác sĩ Pháp ra BV BL, mấy ông bà công chức lớn trong Tỉnh hay qua nhà tôi nói chuyện với Má trước. Tôi hay ngồi gần đó nghe ké chuyện, sau khi được sai bảo rót nước cho mấy người này. Thường thì mấy ông bà công chức hay đòi ưu tiên được khám trước, vì muốn cho trong buổi sáng Bác Sĩ Pháp khám được nhiều bệnh nhân VN hơn nữa, họ cần đến nhà khai bệnh với Má tôi trước để Má chọn chữ khi thông dịch ra tiếng Pháp cho nhanh và chính xác, có cuốn tự điển La Rousse gì đó dầy to tướng (tôi hay lật ra coi tranh vẽ ở phần phụ bản và hình ở truồng được chụp lại vì tò mò) để không mất thì giờ kể lể, lỡ Bác Sĩ Pháp phải hỏi qua hỏi lại nhiều lần mới hiểu đúng, để không mất thời giờ của Bác Sĩ và Má, vì sau đó còn cần khám cho dân thường đang chờ đợi nữa, càng khám được nhiều người bệnh càng tốt. Má tóm tắt chuyện bệnh tật của từng người đã biết trước khi kể cho bác sĩ nghe bệnh tật của mấy gia đình công chức bự này, và sau đó thông dịch những câu hỏi tiếp của ông bác sĩ Pháp với bệnh nhân. Như vậy nên trong Tỉnh nể Má tôi lắm, chưa thấy ai làm cái công việc nói chuyện với bác sĩ Pháp giúp thông dịch khi khám bệnh cho người Việt ngoài Má. Tôi nhớ chị gì cũng mười mấy tuổi, nhà ở phía sau nhà tôi, căn cư xá đầu tiên sát góc đường với trường trung học là hay đi khám nhiều vì chị này mắc bệnh tim. Còn ngoài ra thì mấy ông bà công chức khác cũng hay đi khám bệnh vì miễn phí, lại được Bác Sĩ Pháp khám nữa. Có lần, qua Bệnh viện nhìn ông Phó Tỉnh Trưởng bị gẫy chân, vì ngồi bên tài xế xe Lam ba bánh bị lật nên gẫy chân. Có người kiếm má tôi thông dịch vì ông Phó TT này không nói được tiếng Pháp. thấy chỉ bó nẹp cây cho ông ta chiều đêm hôm đó, qua ngày sau, chắc ông ta đi về Saigon chiếu điện và bó chân tiếp. Mấy người Công Chức làm chung với Ba tôi, gọi Ba Má là Ông Bà Tư, họ đặt Ba tôi tên thứ Tư chứ không gọi bằng tên tục. Ngoài ra Má còn dậy kèm tiếng Pháp miễn phí cho mấy Cô Giáo Trung Học, mấy anh chị con công chức quen theo học sinh ngữ Pháp, má dậy mấy Cô Giáo bị đi chân hai hàng, tập sửa lại đi một hàng bằng cách đi theo một lằn gạch bông trong nhà. Cái phòng khách nhà tôi mỗi đêm là như vậy, chuyện học hành, rồi nói chuyện chung quanh cái bàn phòng khách dưới ngọn đèn nê-ông đôi hai bóng cao trên tường. Sau này, má mua cái tủ sách cao bằng kiếng, ngăn phòng khách và bàn ăn bên trong cho riêng biệt một chút, và có cớ đuổi tôi vô trong không nên nghe ké chuyện người lớn. Nhà Thờ QL lúc đó lớn hơn nhà thờ An Lộc, năm 1963, nhà thờ AL còn nằm dưới dốc đi Quản Lợi, phía đường vào ga xe lửa. Sau này nhà thờ AL nằm xéo góc cuối ĐL Hoàng Hôn. Nhà cư xá trong Quản Lợi, tường nhà quét vôi nâu phía dưới sát đất, hàng rào đan bằng tre chẻ ra.. Viết xong tuần đầu tháng tám năm 2010, tại một nơi xa hơn An Lộc nửa vòng trái đất. duongtiden Courtese of https://kientruc…an-loc-tran-danh (Trích Biên Khảo Tỉnh Bình Long) -------------------- “Vì Danh Dự Dân Tộc: Chống giặc Tàu.
Vì tương lai Dân Tộc: khai tử tập đoàn bán nước Việt Cộng” |
|
|
Lo-Fi Version | Time is now: 13th November 2024 - 10:39 PM |