Cuộc khổ nạn của Lưu Hiểu Ba, Perry Link |
Cuộc khổ nạn của Lưu Hiểu Ba, Perry Link |
Jul 19 2017, 01:11 PM
Post
#1
|
|
Phố Cũ Group: Năng Động Posts: 2,691 Joined: 21-April 08 Member No.: 43 Country |
Cuộc khổ nạn của Lưu Hiểu Ba Cuối những năm 1960, Mao Trạch Đông, người cầm lái vĩ đại của Trung Quốc, đã khuyến khích trẻ em và thanh thiếu niên đấu tố thầy cô và bố mẹ mình, đả đảo “ngưu quỷ xà thần,” và “làm cách mạng.” Trên thực tế, điều này đồng nghĩa với việc đóng cửa trường học ở Trung Quốc. Trong những thập niên sau đó, nhiều người đã lên án việc tước bỏ giáo dục của cả một thế hệ. Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo), chủ nhân giải Nobel Hòa bình năm 2010, người bị kết án 11 năm tù vì “kích động lật đổ” chính phủ Trung Quốc vừa qua đời hôm thứ Năm (13/07/2017), đã thể hiện một con đường khác. Ông Lưu, sinh năm 1955, mới 11 tuổi khi các trường học đóng cửa, nhưng ông vẫn tiếp tục đọc sách, ở bất cứ đâu ông tìm được. Không có giáo viên dạy ông về việc chính phủ muốn ông nghĩ về cái mình đọc như thế nào, ông bắt đầu tự mình suy nghĩ—và ông thích điều đó. Mao vô tình đã dạy cho ông một bài học đi ngược lại chính mục đích của Mao là biến trẻ em thành “hồng tiểu binh.” Nhưng trải nghiệm này chỉ giải thích một phần tính độc lập kiên cường của ông Lưu. Nó có vẻ còn là một phẩm chất bẩm sinh. Nếu có gien nào quyết định tính thẳng thắn thì rất có thể ông Lưu đã mang gien ấy. Trong những năm 1980, khi đang học thạc sĩ ngành văn học Trung Quốc, ông đã có tiếng là một “con ngựa ô” vì bài bác gần như mọi nhà văn Trung Quốc đương thời: ngôi sao văn học Vương Mông thì ba phải chính trị; các nhà văn “tìm về nguồn cội” như Hàn Thiếu Công thì quá lãng mạn về giá trị của truyền thống Trung Hoa; ngay cả những anh hùng lên tiếng vì nhân dân như Lưu Tân Nhạn cũng vẫn sẵn lòng đặt niềm tin vào các nhà lãnh đạo Cộng sản “tự do” như Hồ Diệu Bang. Không có ai đủ độc lập. “Tôi có thể tóm gọn vấn đề của các nhà văn Trung Quốc trong một câu,” Lưu Hiểu Ba viết năm 1986. “Họ không thể tự mình sáng tác—đơn giản là họ không có khả năng—vì chính cuộc đời họ cũng không thuộc về họ.” Ông mang tính thẳng thắn theo mình ra cả nước ngoài. Tại một cuộc hội thảo về điện ảnh Trung Quốc tại Đại học Oslo năm 1988, ông đã ngạc nhiên khi biết các nhà Hán học châu Âu không nói được tiếng Trung (mà chỉ đọc được) và còn quá ngây thơ khi chấp nhận ý nghĩa đãi bôi trong những tuyên bố của chính phủ Trung Quốc. “Chín mươi tám phần trăm [bọn họ] là vô dụng,” ông nhận xét (còn cuộc hội thảo thì “nhàm chán tột cùng.”) Từ Oslo ông đến New York, đến Đại học Columbia, nơi ông phát cáu khi nghe các nhà lý thuyết hậu thực dân dạy bảo ông về cảm giác của việc là “kẻ khác” nhược tiểu. Không phải ông mới là người nên nói cho họ biết sao? Mùa xuân năm 1989, hai trải nghiệm, đầu tiên ở New York và sau đó ở Bắc Kinh, đã thay đổi sâu sắc dòng chảy tư duy và cuộc đời ông. Ông vừa viết xong cuốn Chính trị Trung Quốc đương đại và phần tử trí thức Trung Quốc, khám phá một số cách thức mà nền văn minh phương Tây có thể là “một công cụ để phê phán Trung Quốc.” Nhưng khi sang phương Tây, ông nhận ra mô hình ấy không rõ ràng đến thế. Các vấn đề như khủng hoảng năng lượng, bảo vệ môi trường, vũ khí hạt nhân, và cái mà ông gọi là “thói nghiện lạc thú và thương mại hóa” là các vấn đề của con người, không chỉ riêng phương Đông hay phương Tây. Hơn nữa, chuyến thăm Bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan ở New York đã làm ông tỉnh ngộ: chưa ai giải quyết vấn đề tinh thần của “sự bất toàn của cá nhân.” Ngay cả nhà văn vĩ đại của Trung Quốc hiện đại là Lỗ Tấn, với các tác phẩm phơi bày rất rõ sự chai cứng tinh thần, đạo đức giả, mê tín dị đoan, và sự bạo tàn, cũng không thể, theo ông Lưu, đi bước tiếp theo và “đấu tranh với bóng tối.” Lỗ Tấn đã cố, trong những bài thơ văn xuôi của ông, nhưng cuối cùng phải chùn bước; ông “không thể đối đầu với nỗi sợ hãi đơn độc của nấm mộ” và “không tìm được giá trị siêu việt nào để giúp mình đi tiếp.” Cuốn Chính trị Trung Quốc đã được gửi đến nhà xuất bản, nhưng ông Lưu vẫn quyết định viết thêm một “Lời bạt,” và, với sự trung thực đặc trưng, ông dùng nó để làm suy yếu chủ đề chính của cuốn sách. Để làm “một người chân thực,” ông viết, giờ đây ông sẽ phải “tiến hành đồng thời hai phê bình”: một phê bình về Trung Quốc, vẫn dùng phương Tây như một thước đo, và một phê bình về chính phương Tây, và ở đây ông sẽ phải bắt đầu lại, từ đầu, nghĩ lại mọi thứ. Ông hoàn thành tiểu luận này vào tháng 3 năm 1989 với lời kết, “lời bạt này đã làm tôi kiệt sức.” Tháng 4, ông lên máy bay từ New York về Bắc Kinh, không phải vì kiệt sức mà vì ông đã đọc được tin tức về các cuộc biểu tình đòi dân chủ của sinh viên ở Quảng trường Thiên An Môn và cảm thấy có trách nhiệm phải hỗ trợ họ. “Tôi hy vọng,” ông viết, “mình không phải kiểu người làm tư thế anh hùng rồi bắt đầu chau mày do dự khi đứng trước cửa địa ngục.” Ở Bắc Kinh, lý tưởng của các bạn sinh viên đã làm ông cảm động. Ông giúp lên kế hoạch một cuộc tuyệt thực và tự mình tham gia. Cách tiếp cận của ông là không đối đầu, gần giống Gandhi. Trong “Tuyên bố tuyệt thực ngày mùng 2 tháng 6” ông viết rằng “xã hội dân chủ không được xây dựng trên thù hận và đối địch, mà được xây dựng trên sự tham vấn, tranh luận, và bỏ phiếu… [và trên] sự tôn trọng lẫn nhau, khoan dung, và sẵn sàng thỏa hiệp.” Chưa đầy hai ngày sau ông Lưu đã có cơ hội đưa lời nói của mình vào thực tiễn. Khi xe tăng bắt đầu lăn bánh về Quảng trường Thiên An Môn và chắc chắn những người cản đường sẽ bị sát hại, ông Lưu cùng bạn là Chu Đà và Hầu Đức Kiện đã thương lượng với quân đội nhằm cho phép sinh viên ở Quảng trường Thiên An Môn rời khỏi đó một cách an toàn. Không thể biết có bao nhiêu mạng sống đã được cứu nhờ thỏa hiệp này, nhưng chắc chắn phải đến hàng chục và có lẽ hàng trăm người. Nhưng sau đó, ông Lưu làm một chuyện mà sau này ông coi là “sai lầm” làm ông ăn năn cả đời. Ông đã tìm kiếm nơi trú ẩn tạm thời ở nhà một nhà ngoại giao nước ngoài. Sau đó ông nghe nói những người khác—chủ yếu là dân thường—đã ở lại đường phố để giúp đỡ những người bị thương hoặc vẫn đang bị bắn. Họ đã mạo hiểm mạng sống để giúp đỡ, và khi chính phủ tuyên phạt những người tham gia “bạo loạn phản cách mạng,” những người dân thường ấy đã bị đối xử hà khắc hơn cả các sinh viên biểu tình. Nhiều người nhận án tù từ 18 đến 20 năm, một số bị tử hình. Bản thân ông Lưu bị đưa đến nhà tù Tần Thành, một cơ sở cao cấp giam giữ đối thủ chính trị của các nhà lãnh đạo cấp cao, và ở đó chỉ trong 19 tháng—“chán chết, nhưng chỉ thế thôi.” Ông Lưu cảm thấy bị ám ảnh bởi những “hồn ma chưa siêu thoát” của Thiên An Môn, bóng ma phiền muộn của các sinh viên cũng như công nhân mà tuổi đời của họ mãi mãi dừng lại vào đêm họ ra đi. Ông viết rằng mình có thể nghe thấy tiếng khóc oán thán của họ—“yếu đuối, bất lực, đau lòng”—vọng lên từ lòng đất. Năm nào vào ngày kỷ niệm cuộc thảm sát ông cũng làm một bài thơ tưởng nhớ họ. “Lời sau cùng” của ông tại phiên tòa tháng 12 năm 2009 mở đầu: “Tháng 6 năm 1989 là bước ngoặt lớn trong cuộc đời tôi.” Tháng 10 năm 2010, khi bà Lưu Hà vợ ông báo tin ông được trao giải Nobel Hòa bình, ông nói, “Giải thường này là dành cho những bóng ma phiền muộn.” Sau khi được thả khỏi nhà tù Tần Thành năm 1991, ông bị cấm xuất bản ở Trung Quốc và bị đuổi việc ở Đại học Sư phạm Bắc Kinh—dù sinh viên ở đó vẫn luôn yêu mến các bài giảng của ông. Ông bắt đầu kiếm sống bằng cách viết bài cho các tạp chí ở Hồng Kông, Đài Loan, và nước ngoài. Sự trỗi dậy của mạng Internet ở Trung Quốc đầu những năm 2000 đã làm gia tăng đáng kể lượt người đọc các tiểu luận của ông, không chỉ ở ngoài Trung Quốc mà còn ở trong nước, khi các người bạn nước ngoài tìm cách vượt qua “Phòng hỏa Trường thành” của chính phủ và đưa các bài viết trở về Trung Quốc. Trước năm 1989, tiểu luận của ông chủ yếu viết về văn chương Trung Quốc đương đại, nhưng giờ đây ông nói về các chủ đề trong lĩnh vực lịch sử, chính trị, và xã hội, cho thấy một nền tảng kiến thức phong phú. Ông còn bắt đầu làm thơ. Sự rộng lớn của các chủ đề trong thơ và tiểu luận của ông có thể gây sửng sốt: Khổng tử, Kant, Thánh Augustine, nông dân ở Giang Tô, vận động viên Olympic, sự hài hước ở Trung Quốc và Tiệp Khắc, khiêu dâm và chính trị, cuộc cách mạng Internet, việc Obama đắc cử, một con chó con bị giết, quan hệ quốc tế, Đức Dalai Lama, “phép lạ kinh tế” của Trung Quốc, và nhiều chủ đề khác nữa. Nhất quán với triết lý “không có kẻ thù” mà ông theo đuổi sau năm 1989, giọng điệu mạnh mẽ trong các bài viết trước đây giờ đã dịu xuống. Nhưng sự thẳng thắn tuyệt đối—khả năng không thẳng thắn không được của ông—vẫn không thay đổi. Đến giữa những năm 2000, Lưu Hiểu Ba thường được xem là nhà bất đồng chính kiến hàng đầu của Trung Quốc. Mùa xuân năm 2008, một số người bạn của ông bắt đầu ấp ủ ý tưởng soạn thảo một bản tuyên ngôn công dân, kêu gọi bầu cử tự do và chính phủ hợp hiến ở Trung Quốc. Họ gọi nó là “Hiến chương 08,” nhằm ca ngợi “Hiến chương 77” của Václav Havel và Tiệp Khắc. Ban đầu Lưu Hiểu Ba không tham gia, nhưng đến mùa thu, khi bản dự thảo đang được tiến hành và động lực đang lên, ông đã góp sức mình vào dự án. Ông biên tập bản thảo và cố gắng loại bỏ những từ ngữ khiêu khích không cần thiết mà có thể khiến người ta từ chối ký. Sau đó ông đã nỗ lực xin chữ ký—không chỉ từ các nhà bất đồng có tiếng mà từ cả giới công nhân, nông dân, quan chức nhà nước, và những người khác sẵn sàng tập hợp dưới một mái nhà chung để đòi hỏi một xã hội cởi mở và tự do hơn. Bản Hiến chương dùng ngôn ngữ ôn hòa. Phần lớn nó đã xuất hiện trong các văn kiện của Trung Quốc và Liên Hợp Quốc. Nhưng một số dòng, như “chúng ta phải bãi bỏ đặc quyền độc quyền hóa quyền lực của một đảng,” rõ ràng đã vượt quá những gì mà các nhà cai trị Trung Quốc có thể tiêu hóa. Rõ ràng công sức của ông Lưu trong bản Hiến chương 08 đã dẫn đến bản án 11 năm tù của ông vào năm sau, và giải Nobel Hòa bình vào năm sau nữa. Trong buổi tiệc Nobel tháng 12 năm 2010, một thành viên của ủy ban Nobel nói với tôi rằng ủy ban của bà nhiều năm nay đã muốn tìm một người Trung Quốc nhận giải và những sự kiện trong năm ngoái “cuối cùng đã khiến đây trở thành thời điểm thích hợp.” Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Bộ Chính trị của ông rất có thể sẽ phải khó chịu khi nhận ra giam ông Lưu là giúp mở đường cho giải thưởng này. Có vẻ khó hiểu khi một người chủ trương “không có kẻ thù” đã thực sự bỏ công làm mềm ngôn ngữ trong bản Hiến chương lại bị chọn ra để chịu hình phạt trong cuộc đàn áp của chính phủ. Một số đồng nghiệp của ông Lưu đã bị câu lưu và thẩm vấn, và bị tịch thu máy tính, nhưng chỉ có ông Lưu bị đưa vào tù. Dù “giết gà dọa khỉ” là phương thức thường thấy trong kỹ thuật chính trị của Trung Quốc cộng sản, vẫn còn câu hỏi là vì sao họ lại chọn một con gà yêu hòa bình. Câu trả lời có lẽ là phong trào Hiến chương bị xem là một “tổ chức” trái phép mà ông Lưu là người lãnh đạo. Những người cai trị Trung Quốc trong thời gian gần đây đã cho thấy họ có thể dung thứ những chỉ trích bằng lời nói từ quần chúng miễn là nó đến từ những cá nhân bị cô lập. Một tổ chức trái phép, dù ôn hòa đi chăng nữa, thì phải bị nghiền nát. Năm 2005 Hồ Cẩm Đào ban hành một báo cáo mật tên là “Chiến đấu một cuộc chiến không khói: Giữ các cuộc ‘cách mạng màu’ nằm ngoài Trung Quốc.” Bản báo cáo nói những người như Nelson Mandela, Lech Wałęsa, và Aung San Suu Kyi là những người nguy hiểm. Nếu các phong trào tương tự xuất hiện ở Trung Quốc, Hồ Cẩm Đào chỉ đạo, thì bắt “cá lớn” mà tha “cá bé.” Năm 2008, khi cảnh sát Trung Quốc biết người ta đang ký bản Hiến chương 08, nó chính thức bị xem là một nỗ lực nhằm kích động một cuộc “cách mạng màu.” Điều đó biến Lưu Hiểu Ba thành con “cá lớn” cần phải loại trừ. Có những dấu hiệu cho thấy ông Lưu hiểu rõ cơ chế này. Khi tham gia vào nỗ lực Hiến chương ông đã nói với các bạn mình rằng, ngoài biên tập và thu thập chữ ký, ông sẽ “chịu trách nhiệm” cho bản Hiến chương—về cơ bản là chấp nhận nguy cơ là con “cá lớn.” Vì sao Hồ Cẩm Đào và người của ông lại quyết định đưa ra một bản án 11 năm—mà không phải là 10, 12, hay một con số khác—là một bí ẩn lúc đó và đến nay vẫn vậy. Trong nhiều phỏng đoán được đưa ra thì có một phỏng đoán là 11 năm tương đương với 4.018 ngày và có 4.024 chữ Hán trong bản Hiến chương 08. Do đó: mỗi chữ ông viết là một ngày tù, ông Lưu, và chúng tôi sẽ bỏ qua sáu chữ cuối cùng. (Đây chỉ là phỏng đoán, nhưng không phải trò đùa. Kiểu suy nghĩ nhỏ nhen và rất cá nhân này vẫn luôn phổ biến trong nền chính trị chóp bu của Trung Quốc.) Hiến chương 08 và giải Nobel sau đó kết hợp lại dường như trong một thời gian đã mở ra một hướng đi mới cho Trung Quốc. Người Trung Quốc từ lâu đã quen với những thay đổi định kỳ giữa các khuynh hướng “tự do hơn” và “bảo thủ hơn” trong chế độ cộng sản, và thường đặt niềm tin vào quan chức cao cấp này hay quan chức cao cấp khác, nhưng bản Hiến chương 08 dường như đã nói có thể có một con đường khác để làm người Trung Quốc hiện đại. Một khi người ta đã đọc thì khó mà tìm được người nào không đồng ý với bản Hiến chương, và chính tiềm năng lây lan này là cái làm các nhà lãnh đạo của chế độ lo lắng nhất. Đó là lý do (không phải lý do họ đưa ra nhưng là lý do thực sự) khiến họ bác bỏ bản Hiến chương, cầm tù Lưu Hiểu Ba, và lên án giải Nobel Hòa bình được trao cho ông. Nỗ lực của họ đã có hiệu quả: hầu hết người trẻ Trung Quốc ngày nay đều không biết Lưu Hiểu Ba là ai, còn những người lớn tuổi hơn biết đến ông thì lại hiểu rất rõ cái giá của việc nhắc đến ông trước công chúng. Các biện pháp kiểm soát xã hội Trung Quốc đã được thắt chặt trong những năm gần đây, dưới sự cai trị của Tập Cận Bình—hướng đi ngược lại với những gì mà Hiến chương 08 kêu gọi. Điều này làm dấy lên câu hỏi, “Có phải bản Hiến chương đã chết? Nỗ lực ấy hóa ra công cốc sao?” Rất khó, nhưng câu trả lời của tôi là không. Tổ chức đã bị nghiền nát nhưng những tư tưởng của nó thì vẫn còn. Những nỗ lực liên tục của chính phủ—tốn công tốn sức, ăn sâu, rộng khắp đất nước, và rất tốn kém—nhằm đàn áp bất cứ thứ gì giống như những tư tưởng của Hiến chương 08 là đủ để thấy những người cai trị nhận thức khá rõ về sức mạnh liên tục của bản Hiến chương. Nếu được nghe đích thân Lưu Hiểu Ba trả lời câu hỏi này thì thật tuyệt vời. Thế giới đã không được nghe một lời nào từ ông sau “Lời sau cùng” của ông trong phiên tòa năm 2009. Tháng 6 năm nay, ông được đưa đến một khu giam giữ ở bệnh viện Thẩm Dương với căn bệnh ung thư gan giai đoạn cuối trong mình. Ông đã đề nghị cho ông, vợ, và em trai vợ được sang Đức hoặc Hoa Kỳ để điều trị. Chính phủ Trung Quốc từ chối, nói ông Lưu đã nhận được sự chăm sóc y tế tốt nhất có thể và ông quá yếu để di chuyển. Ông qua đời hôm 13 tháng 7. Không rõ vì sao, trong những tuần cuối đời, ông Lưu đã đồng ý từ bỏ mong muốn ở lại Trung Quốc mặc dù ông vẫn luôn không ngừng từ chối cuộc đời bên lề mà việc lưu vong tất yếu sẽ mang lại; có lẽ ông muốn dùng sức lực cuối cùng để giúp người vợ phải chịu khổ từ lâu là bà Lưu Hà và em trai bà, ông Lưu Huy, ra khỏi Trung Quốc. Nhưng suy nghĩ của những kẻ bắt giam ông thì không thể rõ ràng hơn: nó chẳng hề liên quan đến việc chăm sóc y tế mà là ngăn Lưu Hiểu Ba nói lên suy nghĩ của mình một lần cuối. Ông suy nghĩ gì trong tám năm tù? Ông đã thấy trước điều gì cho một thế giới mà nền độc tài cộng sản của Trung Quốc vẫn tiếp tục lớn mạnh? Lưu Hiểu Ba đã được so sánh với Nelson Mandela, Václav Havel, và Aung San Suu Kyi, mỗi người trong số họ đều chấp nhận nhà tù như cái giá để theo đuổi một nền quản trị nhân đạo hơn cho tổ quốc mình. Nhưng Mandela, Havel, và Suu Kyi đều được sống để chứng kiến mình thoát khỏi các chế độ dã man đã đàn áp họ, còn Lưu Hiểu Ba thì không. Có phải điều này có nghĩa là vị thế của ông trong lịch sử sẽ không bằng của họ? Thành công của một phong trào có phải là điều cần thiết để nhà lãnh đạo của nó được xem là anh hùng? Có lẽ. Nhưng so sánh Lưu Hiểu Ba với Tập Cận Bình có lẽ cũng sẽ hữu ích. Hai người chỉ chênh nhau hai tuổi. Trong Cách mạng Văn hóa của Mao cả hai đều không được đi học và bị đưa đến những vùng xa xôi. Ông Tập dùng thời gian để bắt đầu xây dựng một bản lý lịch sẽ cho phép ông, dựa hơi người cha cộng sản ưu tú của mình, một ngày giành lấy đỉnh cao quyền lực; ông Lưu dùng thời gian để tự đọc sách và học cách tự mình suy nghĩ. Một người thành thạo những mánh khóe và xu nịnh cần thiết để leo cao trong một bộ máy quan liêu khép kín; người còn lại học cách thách thức mọi kiểu nhận thức thông thường, chỉ giữ lại bên mình những tư tưởng có thể vượt qua phép thử của việc suy xét độc lập nghiêm ngặt. Với một người, giá trị được đo bằng quyền lực và vị thế; với người còn lại, bằng giá trị đạo đức. Trong cuộc đối đầu cuối cùng của họ, một người “thắng,” một người “thua.” Nhưng hai trăm năm nữa, ai còn nhớ tên của những kẻ bạo chúa đã giam Mandela, Havel, và Suu Kyi vào tù? Ánh sáng trong trí tuệ sắc bén của Lưu Hiểu Ba sẽ được nhớ đến, hay là sự tầm thường nông cạn trong đầu óc của Tập? Perry Link là giáo sư ngành văn học so sánh tại Đại học California, Riverside, và giáo sư hưu trí ngành nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại học Princeton. Cuốn sách gần đây nhất của ông là An Anatomy of Chinese: Rhythm, Metaphor, Politics (Harvard University Press, 2013). Nguồn: Perry Link, “The Passion of Liu Xiaobo,” The New York Review of Books, July 13, 2017. Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng & Tram Nguyen -------------------- |
|
|
Jul 19 2017, 01:22 PM
Post
#2
|
|
Phố Cũ Group: Năng Động Posts: 2,691 Joined: 21-April 08 Member No.: 43 Country |
Lưu Hiểu Ba viết về công cuộc tìm kiếm dân chủ của Trung Quốc Nguồn: Liu Xiaobo (2006). “Liu Xiaobo on China’s Quest for Democracy”, Journal of Democracy, Volume 22, Number 1, January 2011, pp. 152-166.>>PDF Biên dịch & Hiệu đính: Lý Song Anh Giới thiệu Ngày 8-10, Ủy ban Nobel của Na Uy thông báo Giải Nobel Hòa bình 2010 sẽ được trao cho Lưu Hiểu Ba – nhà văn và nhà bất đồng chính kiến người Trung Quốc đang bị giam giữ “vì cuộc đấu tranh lâu dài và bất bạo động của ông vì quyền con người cơ bản ở Trung Quốc.” Ông Lưu – tác giả của 11 cuốn sách và hàng trăm bài luận – là một nhân vật chủ chốt trong phong trào dân chủ Trung Quốc từ thời những sự kiện dẫn tới cuộc thảm sát Quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Ông bị bỏ tù trong thời gian 1989-91 và 1996-99. Các hoạt động của ông trong thập niên vừa qua bao gồm việc làm chủ tịch Trung tâm Independent Chinese PEN Center và là biên tập viên của tạp chí Trung Hoa Dân chủ [Democratic China]. Ông là người soạn thảo chính và là người ký tên quan trọng trong Hiến chương 08, một văn kiện mô phỏng theo Hiến chương 77 của Tiệp Khắc, nhằm kêu gọi dân chủ và tôn trọng nhân quyền ở Trung Quốc. Không lâu trước khi bản Hiến chương này được chính thức công bố vào tháng 12-2008, ông Lưu bị Sở Công an Bắc Kinh tạm giữ. Ngày 23-6-2009, ông chính thức bị bắt vì các cáo buộc “kích động lật đổ chính quyền.” Tại phiên tòa vào tháng 12 năm đó, ông bị kết tội và kết án 11 năm tù. Hiện nay ông đang thụ án ở Trại giam Cẩm Châu, tỉnh Liêu Ninh, nơi vợ ông – bà Lưu Hà – đã đến thăm chồng và báo tin ông đã đoạt giải Nobel. Tuy vậy, từ đó đến nay, chính phủ Trung Quốc – vốn lên án mạnh mẽ giải thưởng dành cho ông – đã áp dụng chế độ quản thúc tại gia với bà Lưu Hà và tìm cách ngăn cản bà hay bất cứ họ hàng, bạn bè nào của ông Lưu rời Trung Quốc để dự lễ trao giải được dự kiến diễn ra ngày 10 tháng 12 ở Oslo, Na Uy. Hiện vẫn chưa rõ liệu ông Lưu có thể đưa ra tuyên bố nhận giải hay không. Trong các trang tiếp theo, chúng tôi giới thiệu các bài tham luận hùng hồn nhất của ông Lưu. Cả hai đều được viết năm 2006 và đưa lên bằng tiếng Trung ở website www.observechina.net Cả hai bài đều được tổ chức Trung Quốc Nhân quyền dịch sang tiếng Anh và xuất bản trong Diễn đàn về các Quyền của Trung Quốc, tạp chí hàng quý số 1 năm 2010, kèm các bài viết và tuyên bố khác của Lưu cùng rất nhiều thông tin về bản thân và sự nghiệp của ông. Độc giả quan tâm có thể tìm số tạp chí này với tên gọi “Quyền tự do ngôn luận đang bị xét xử ở Trung Quốc,” theo đường dẫn www.hrichina.org/public/contents/category?cid=173549. Chúng tôi xin cảm ơn tổ chức Trung Quốc Nhân quyền đã cho phép in lại các bài luận được xuất hiện ở đây với những thay đổi tối thiểu về hình thức. Bài luận đầu tiên, tựa đề “Liệu có phải là người dân Trung Quốc xứng đáng với mỗi nền ‘dân chủ do Đảng dẫn dắt’?” được viết để phản bác lại ấn phẩm “Xây dựng nền chính trị dân chủ ở Trung Quốc” của Phòng Thông tin thuộc Quốc Vụ Viện ngày 19-10-2005 – sách trắng đầu tiên về việc xây dựng dân chủ do chính phủ cộng sản Trung Quốc ấn hành. Ông Lưu chỉ ra văn bản này “không phải là tuyên bố về ‘việc xây dựng nền chính trị dân chủ ở Trung Quốc’ mà là sự công khai biện hộ cho việc ‘bảo vệ chế độ độc tài của sự tối cao của quyền lực Đảng.’” Ông bày tỏ sự đau buồn về lịch sử cai trị đế quốc và độc tài lâu dài của Trung Quốc, đổ lỗi cho “sự thờ ơ của quần chúng” hơn là cho chính quyền. Ông kết thúc bằng việc nói rằng “sự xuất hiện của một nước Trung Quốc tự do” sẽ không đến từ chính sách mới của những người đang cầm quyền mà từ “sự mở rộng liên tục” của quyền lực trong nhân dân. Bài luận thứ hai được xuất bản ở đây – “Thay đổi Chế độ bằng cách Thay đổi Xã hội” – bàn luận cụ thể hơn chủ đề đưa ra ở kết luận của bài thứ nhất. Ông Lưu nhận ra rằng xã hội dân sự ở Trung Quốc vẫn còn yếu và họ thiếu cả năng lực lẫn sự sẵn sàng thay đổi hệ thống chính trị của đất nước. Nhưng ông vẫn hy vọng vào tương lai và lưu ý rằng sự áp đặt quyền lực độc đoán lên xã hội của Đảng Cộng sản đã nới lỏng từ thời Mao. “Sự chuyển đổi mạnh mẽ theo hướng đa nguyên trong xã hội đã và đang xảy ra,” ông lập luận, “và chính quyền chính thức không còn có thể kiểm soát đầy đủ toàn bộ xã hội.” Ông kêu gọi cần dựa vào “cải thiện dần dần từ dưới lên” thay vì thay đổi mang tính cách mạng hay từ trên xuống, và đặt ra một số yếu tố cơ bản của chiến lược đó: phong trào bất bạo động để bảo vệ quyền con người; tập trung “đưa tự do vào thực tiễn trong cuộc sống hàng ngày”, nỗ lực của từng cá nhân trong việc sống trung thực và có phẩm hạnh; cam kết không ngừng nghỉ đối với những giá trị tự do và lòng khoan dung; nhưng không được “sa lầy vào vũng bùn của chủ nghĩa tương đối thuần tuý”. Khi viết những dòng này, chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra tại buổi lễ ngày 10 tháng 12, càng không biết số phận của ông Lưu sẽ ra sao trong những tháng, năm tới. Có lẽ chính phủ Trung Quốc sẽ quyết định rằng phương thức ít tổn hại nhất là để ông ra nước ngoài lưu vong – một chiến lược dành cho các nhà bất đồng chính kiến mà Lưu đã phân tích trong một bài luận khác (cũng đã được Trung Quốc Nhân quyền dịch) mang tên “Những khía cạnh khác nhau của nền độc tài của Đảng Cộng sản Trung Quốc”: Khi chế độ đàn áp những người nổi tiếng có quan điểm chính trị khác biệt, nó đang nỗ lực tránh việc tạo ra những anh hùng nhân dân – những người gây cảm hứng cho người khác noi theo để đạt được thẩm quyền đạo đức và danh tiếng quốc tế. Họ biết rằng thông qua việc đẩy những người bất đồng chính kiến nổi tiếng đi lưu vong, họ sẽ dùng một mũi tên bắn trúng hai đích: cho người bất đồng chính kiến một đường lùi và dành sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế; đồng thời gạt bỏ được các đối thủ chính trị trực tiếp và hạ thấp hình ảnh đạo đức của người bất đồng chính kiến ở trong nước, từ đó làm suy yếu sức mạnh huy động và sự đoàn kết tập thể của các lực lượng đối lập dân sự. Trừ những quyết định chính sách điên rồ đưa ra trong những trường hợp bất thường hoặc đưa ra bởi sự sợ hãi quyền lực vượt mức thì chế độ sẽ luôn ít có khuynh hướng dựa vào các phong trào chính trị mở; thay vào đó, họ sẽ ngày càng huy động những biện pháp tinh vi, được che đậy và thậm chí có thể rất khó phát hiện, để thanh trừng các đối thủ. Nó sử dụng mọi mưu mẹo bí mật, mang tính hủy diệt hòng hy vọng loại bỏ bất cứ thách thức nào trong nhân dân từ trứng nước, và nó kỳ công tìm cách giảm tác động tiêu cực từ sự đàn áp bằng cách ngăn chặn tiếp cận thông tin. Kết quả là rất nhiều nhà bất đồng chính kiến ở đại lục Trung Quốc rơi vào tình cảnh nghịch lý “áo gấm đi đêm” – danh tiếng quốc tế thì rất nhiều nhưng trong nước công chúng lại không biết đến hay chỉ có một nhóm nhỏ hay biết mà thôi. Có tin nói rằng chính phủ Trung Quốc đã đề nghị để ông Lưu lưu vong nhưng ông đã từ chối. Và trong lúc Trung Quốc gắng hết sức để ngăn ngừa tin tức trong nước về ông Lưu lan ra thì việc ông được giải Nobel khiến cho đồng bào của ông khó mà không nhận thấy cuộc đời và sự nghiệp của ông sẽ tiếp tục nở rộ. —Các Biên tập viên, ngày 8-12-2010 *** Liệu có phải người Trung Quốc chỉ đáng có “nền dân chủ do Đảng dẫn dắt”? Ngày 19-12-2005, Phòng Thông tin của Quốc Vụ Viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã ra sách trắng “Xây dựng nền chính trị dân chủ ở Trung Quốc”. Mặc dù đây là sách trắng đầu tiên về việc xây dựng dân chủ do chính phủ Cộng sản ban hành kể từ khi lên nắm quyền nhưng trừ việc xuất bản ra thì nó không mang lại điều gì mới mẻ về mặt nội dung. Trọng tâm của sách trắng là lập luận liên quan đến “lý thuyết về điều kiện quốc gia,” “lý thuyết quyền lực Đảng [Cộng sản Trung Quốc] [(ĐCS)],” và “lý thuyết về sự sáng suốt [của ĐCS].” “Lý thuyết về điệu kiện quốc gia” trong sách trắng không còn nhấn mạnh sự tụt hậu kinh tế và chất lượng dân số dưới chuẩn của Trung Quốc nữa, mà nhấn mạnh rằng vai trò lãnh đạo trung tâm của ĐCS vừa là sự lựa chọn lịch sử, vừa là sự lựa chọn tự nguyện của người Trung Quốc; có nghĩa là điều đó do lịch sử tạo ra chứ không phải do ý chí áp đặt của ĐCS với người dân. Rõ ràng, mục đích của “lý thuyết về điều kiện quốc gia” là bác lại bản chất phổ quát của dân chủ và hé lộ các vấn đề về tính chính danh của chế độ ĐCS hiện nay bằng cách viện dẫn những điều kiện đặc biệt của quốc gia. “Lý thuyết lãnh đạo của Đảng” công khai khẳng định hệ thống lãnh đạo tối cao của Đảng hiện nay ở Trung Quốc. Cho dù đó là ý tưởng trừu tường về việc xây dựng mang tính dân chủ nền chủ quyền nhân dân hay là việc bảo vệ nhân quyền và các quyền con người cụ thể được ghi trong Hiến pháp; cho dù đó là thể chế Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Quốc hội) và hệ thống tham vấn chính trị hay cái được gọi là chế độ tập trung dân chủ mang màu sắc Trung Quốc cộng sản; cho dù đó là quá trình dân chủ cơ cở hay pháp quyền, thì tất cả những điều trên phải tuân theo sự lãnh đạo của ĐCS và chẳng liên quan gì đến chủ quyền nhân dân. Mục đích của “lý thuyết về sự sáng suốt của ĐCS” là nhằm tuyên bố rằng công lao của mọi thành tựu hiện nay của Trung Quốc là nhờ ĐCS và bao biện đến mức coi hàng loạt thất bại là thành tựu vĩ đại. Tương tự như vậy, bất cứ thành tựu dân chủ nhỏ nhoi nào từng có từ khi cải cách đều được coi là nhờ có sự lãnh đạo sáng suốt của ĐCS và tất nhiên không phải là kết quả của nỗ lực tự phát từ nhân dân. Vậy là sách trắng tương đương với một lời tuyên bố ra toàn thế giới rằng trên cả dân chủ của chủ quyền nhân dân, thẩm quyền của ĐCS là thẩm quyền cao hơn, và thẩm quyền đó của Đảng là tối cao, có nghĩa là “Đảng chịu trách nhiệm đối với người dân” và “Đảng chịu trách nhiệm về dân chủ”, và có nghĩa rằng Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc là con rối của quyền lực của Đảng, Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Toàn quốc là vật trang trí, hệ thống tư pháp là công cụ, và ngữ vựng về quyền con người, dân chủ, vv…chỉ là để làm đẹp. Cũng như sách trắng về nhân quyền do các nhà cầm quyền ĐCS phát hành, sách trắng về dân chủ chứa đầy dối trá. Ví dụ, sách trắng viết: “Mọi quyền lực ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thuộc về người dân”. Nhưng 1,3 tỷ người dân của Trung Quốc là một đàn cừu do chính quyền ĐCS chăn dắt và không có cơ hội tham gia bầu cử chủ tịch nước. Một ví dụ khác là sách trắng tuyên bố “có sự phát triển của dân chủ trong Đảng”. Thế nhưng đa số trong 68 triệu đảng viên không khác gì nô lệ của Đảng và tất nhiên là không có cơ hội bầu cử lãnh đạo Đảng. Đây chính là “Xây dựng nền chính trị dân chủ ở Trung Quốc” mà sách trắng tung hô! Do đó sách trắng này không phải là tuyên bố về ‘việc xây dựng nền chính trị dân chủ ở Trung Quốc’ mà là sự công khai biện hộ việc ‘bảo vệ chế độ độc tài của sự tối cao của quyền lực Đảng.” Ngày 01-10-1949, Mao Trạch Đông tiến tới Cổng Thiên An Môn, điệp khúc “Người là cứu tinh của nhân dân” vang lên trên toàn quốc – một bài hát giàu sức sống mà mãi tới ngày nay vẫn là công cụ hoài cổ của những ai muốn thể hiện sự bất mãn của mình. Ngày 01-10-1984, sau khi Đặng Tiểu Bình xuống Thiên An Môn để duyệt binh và nhận được sự ủng hộ nhiệt thành [thể hiện qua lời chào đơn giản] “Xin chào Tiểu Bình”, “vị kiến trúc sư trưởng”, bằng một cái vẫy tay, đã ban cho nhân dân thấp hèn cơ hội nhanh chóng có chút tiện nghi trong cuộc sống thường ngày, “cho một số người làm giàu trước” và giành được chút tự do kinh tế ít ỏi. Ngày 01-10-1999, sau khi Giang Trạch Dân duyệt binh, bất chấp tấn công diện rộng từ mọi phía, ông vẫn an toàn trên vị trí “nhân vật lãnh đạo thừa kế sự nghiệp cách mạng và đưa sự nghiệp đó tiến vào tương lai.” Ông lại bắt tay vào một cải cách mang tính lý thuyết khác đối với kho của bố thí to lớn đầy quyền uy của hoàng đế, cho các nhà tư bản – những người đã tích lũy hàng đống của cải – tham gia ĐCS và được tự do về chính trị bằng những chiếu chỉ của hoàng đế, để họ không chỉ là đối tác của Mặt trận Thống nhất và vật trang trí chính trị của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc mà còn trở thành thành viên của đảng cầm quyền. Tôi không biết liệu khi nào Hồ Cẩm Đào – ông sếp mới của Đảng – định xuống Thiên An Môn để duyệt binh và xây dựng hình ảnh trước “nhân dân yêu quý” của ông. Tôi không phủ nhận là trong bộ máy ĐCS đang cầm quyền có thể có những quan chức cấp cao, kiểu như Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương, những người đối xử tử tế với nhân dân và có hiểu biết về chính trị học hiện đại. Khi còn đương chức, họ đã ra một số quyết định chính sách khá tốt và chấp nhận rủi ro để đẩy mạnh cải cách chính trị. Nhưng kể cả khi đó, người dân vẫn phải chờ đợi quyền và lợi ích của mình như thể họ được nhận từ thiện do trên ban ra, chưa kể là những quan chức tốt như thế không mấy khi tồn tại được lâu trong hệ thống ĐCS. Chúng ta hãy lùi lại hẳn phía sau để thấy: Nếu đồng bào của chúng ta vẫn thường xuyên có được một nhà lãnh đạo sáng suốt, hay việc hoàng đế ban ơn không còn là hành vi ngẫu nhiên mà vẫn thi thoảng xảy ra, thì quả thực có thể tha thứ được cho thực tế là cả nước ỳ ra chờ đợi được ban ơn bởi đó là những lợi ích hữu hình có được, cho dù điều ấy là một sự xúc phạm nhân phẩm. Rất tiếc là đồng bào của chúng ta chịu đựng và chờ đợi mỏi mòn mới may mắn có được một lãnh đạo sáng suốt một cách tình cờ hoặc được chút ơn huệ bủn xỉn. Những gì họ nhận được luôn là những bồi thường sơ sài và an ủi bố thí đến muộn, thế thì tại sao họ vẫn chỉ có thể ngước nhìn vương miện? Hơn nữa, xuyên suốt lịch sử các triều đại lặp đi lặp lại của Trung Quốc, mọi hành vi rộng lượng của đế quyền hùng mạnh và bao la chỉ xảy ra ở khúc đầu của mỗi triều đại mới – khi tiếp quản mọi thứ dang dở từ chế độ trước đó, hoặc trong thời kỳ cuối khủng hoảng của một triều đại, và không bao giờ xảy ra vì lợi ích của người dân mà là vì mưu cầu chính trị nhằm củng cố hay duy trì quyền lực chính trị hoặc để cứu vãn chế độ. Đồng bào của chúng ta vẫn như trẻ sơ sinh, phụ thuộc hoàn toàn vào sự chăm sóc của người lớn và chỉ biết chờ đợi một đấng minh vương xuất hiện. Liệu có phải người Trung Quốc sẽ không bao giờ lớn lên, liệu có phải đặc điểm của họ là mãi mãi yếu ớt và khuyết tật, liệu có phải số mệnh của họ là ngồi đó cầu xin và chấp nhận quỳ gối trước ơn huệ từ đế vương? Chắc chắn không còn nghi ngờ là trên đại lục sau thời Mao, so với thời đại của Mao, đồng bào của chúng ta đã có được lợi ích hữu hình về chuyện ăn ở và một vài lựa chọn cá nhân vô cùng hạn hẹp. “Thuyết con mèo” thực dụng của Đặng Tiểu Bình,1 so với hệ tư tưởng của Mao thiên về chú trọng đấu tranh giai cấp, có độ linh hoạt mềm dẻo và nhanh nhạy. Tuy vậy, không một biến chuyển nào thay đổi được hiện trạng cơ bản của đồng bào chúng ta; quan hệ giữa kẻ trị vì và người bị trị ở đất nước này vẫn như cũ qua bao thời đại, và cho đến nay vẫn được tiếp nối. Cụ thể, quyền lực để khởi đầu và ra quyết định về những quyền và lợi ích cơ bản của nhân dân, vận mệnh của đất nước, bất cứ tiến bộ nào trong xã hội và cải thiện nào trong cuộc sống dân thường đều được các nhà độc tài nắm chắc trong tay. [Mọi sự cải thiện] đều là của từ thiện do trên ban ra, đòi hỏi người được nhận phải hô ba lần khẩu hiệu “Vạn tuế” để chứng tỏ lòng trung thành và biết ơn với người cai trị, đòi hỏi các nhân vật nổi tiếng của công chúng phải đóng vai người phản biện nhưng có chung mục đích [với giới cầm quyền – ND], và đòi hỏi các bồi bút với ngòi bút điêu luyện phải bảo vệ và ngợi ca họ, để minh chứng cho sự sáng suốt và đức độ của giới cầm quyền. Cho dù đã có một số cải thiện trong các phong trào bảo vệ quyền dân sự vài năm qua, chúng ta phải nhìn vào thực tế u ám mà sự nghiệp bảo vệ quyền dân sự đang đối mặt. Nếu không phải do các nhà độc tài xảo trá sử dụng làm công cụ nắm quyền lực và thiết lập triều đại mới thì phong trào từ dưới lên nhằm giành nhân phẩm, quyền và lợi ích cá nhân sẽ bị bộ máy chuyên quyền độc ác xóa sạch, và không có cách nào mà một chuỗi các phong trào phản kháng dân túy quy mô lớn có thể đạt đến mức làm lung lay nền tảng của hệ thống độc đoán và văn hóa nô lệ, cho dù đó là những cuộc nổi dậy bạo lực kiểu truyền thống để thay đổi triều đại hay các phong trào đối lập chính trị hiện đại kiểu phản kháng hòa bình. Lý do của chuyện này là gì? Phải thừa nhận rằng một trong các lý do là sự đàn áp từ chính quyền độc tài, nhưng lý do lớn hơn chính là sự thờ ơ của dân chúng. Trong tâm trí của người dân khờ dại, hèn nhát và mù quáng thì bị lợi dụng cũng không khác gì so với được giải phóng và được trao cuộc sống mới. Còn với những kẻ hoài nghi hèn nhát nhưng khôn ngoan, bị đàn áp đồng nghĩa với bị khuất phục, và do đó có nghĩa là trở thành kẻ đồng lõa, tay sai hay ít nhất sẽ thành một thần dân im lặng, dễ bảo. Có khi nào đồng bào của chúng ta được nếm thử tự do thực sự đi kèm việc trở thành người chủ vận sự của chính mình? Có khi nào Trung Quốc phá vỡ chu trình lịch sử luẩn quẩn giữa ổn định và hỗn mang dưới sự cai trị của các triều đại độc đoán? Trong hàng thế hệ, tới tận ngày trị vì hôm nay của ĐCS, những cụm từ như “sau khi giải phóng”, “kể từ khi lập quốc”, và “sau khi Trung Quốc mới ra đời”, và những lời ngụy biện như “nếu không có Đảng Cộng sản, sẽ không có nước Trung Quốc mới”, đã trở thành kiến thức lịch sử thông thường cơ bản nhất và thành thói quen ngôn ngữ bám sâu vào trí nhớ tập thể của đất nước, được sử dụng một cách phổ quát trong các bài phát biểu và văn kiện của mọi người. Kể cả những trí thức và giới theo chủ nghĩa tự do trong Đảng biết rõ lịch sử ĐCS như lòng bàn tay cũng quen dùng các thuật ngữ này để nói tới lịch sử trong lúc trình bày vô số tội ác mà ĐCS phạm phải sau khi lên nắm quyền. Tương tự như vậy, khi dân thường đề cập đến Phong trào 1989 và Cuộc Thảm sát [Thiên An Môn] ngày 4-6, đa số vẫn thường dùng các từ như “rối loạn” và “nổi loạn”. Kể cả người dân Bắc Kinh trực tiếp trải nghiệm những cuộc diễu hành hòa bình và cuộc thảm sát đẫm máu nhìn chung vẫn sử dụng những ngôn từ do chính phủ đưa ra. Và mặc dù chính quyền đã lặng lẽ đổi từ “rối loạn” và “nổi loạn” thành “nhiễu loạn chính trị” trong truyền thông đại chúng thì ngôn từ của người dân vẫn không thay đổi mấy. Từ khi chế độ Giang Trạch Dân đàn áp Pháp Luân Công năm 1999, từ “giáo phái” cũng được bổ sung vào tiếng bản xứ và nhanh chóng phổ biến trong các sinh viên đại học, trung học và tiểu học. Cách đây vài năm, mỗi khi tôi nghe người quen dùng từ “rối loạn” để nói về Phong trào 1989, tôi lại muốn bắt bẻ và sửa lại. Những lần chỉnh sửa ấy đầu tiên diễn ra một cách đầy phẫn nộ, sau đó là nghiêm túc và cuối cùng là trong cam chịu. Dần dần, tôi chấp nhận buông xuôi. Việc nhồi sọ tư tưởng mạnh mẽ với những bộ óc đã bị nô dịch suốt một thời kỳ dài chắc chắn khiến cho trí nhớ và ngôn ngữ bị khô cứng. Bậc thầy về triết học ngôn ngữ Ludwig Wittgenstein cho rằng ngôn ngữ không phải là công cụ thể hiện suy nghĩ theo nghĩa thông thường mà bản thân nó chính là hành động; và rằng cách người ta lựa chọn để thể hiện bản thân bằng ngôn ngữ là cách họ lựa chọn tư duy, [mà] cách người ta lựa chọn tư duy là cách người ta lựa chọn cách sống. Bởi vậy, theo nghĩa rộng, nếu ai đó quen dùng các cụm từ thể hiện lòng biết ơn sâu sắc thì họ chắc chắn tạo ra tư duy đấng cứu thế; tư duy đấng cứu thế chắc chắn dẫn tới cách sống nô lệ, chờ đợi từ thiện từ trên ban xuống và nỗi lo sợ rằng nếu không có đấng cứu thế, người ta sẽ rơi vào cảnh tuyệt vọng hơn và đáng thương hơn cả một con chó hoang. Lần này qua lần khác, người dân đã đặt hy vọng của mình về cải cách chính trị từ trên xuống lên những người mới nhậm chức, nhưng lần nào cũng bị thất vọng. Điều kỳ lạ nhất là dù thất vọng lên, thất vọng xuống như vậy mà vẫn không dập tắt được chút hy vọng ít ỏi mà người dân đặt vào các cải cách do ĐCS khởi xướng. Tại sao? Câu trả lời thường thấy là bởi vì điều kiện quốc gia là như vậy. Một số người cho rằng một đất nước rộng lớn chỉ có thể kiểm soát và cai trị được bởi một chế độ độc đoán. Những người khác nói là ĐCS quá mạnh và họ có quá nhiều độc quyền với các nguồn lực nên nếu ĐCS không tự chuyển đổi thì không một lực lượng nào có thể thách thức được họ. Một số người lại cho rằng các nhóm đối lập trong nền chính trị dân túy về nhiều mặt còn xa mới bằng ĐCS, và nếu họ lên nắm quyền thì họ còn tệ hơn cả ĐCS. Lại có những người khác nói là phát triển kinh tế đến trước cải cách chính trị; để đảm bảo tăng trưởng kinh tế nhanh, ta phải duy trì ổn định xã hội, và chỉ khi ĐCS nắm quyền thì mới duy trì được ổn định. Và còn những người khác cho là dân số đại lục quá lớn, quá thấp kém và thiếu hiểu biết nên chỉ có thể tiếp nhận sự dẫn dắt độ lượng từ giới tinh hoa, và chỉ có khả năng thực hiện cải cách từ trên xuống, v.v… Tất cả các lập luận ấy chỉ dẫn đến một điều: Nếu không có ĐCS, hoặc nếu ĐCS từ bỏ quyền lực, ai sẽ là người thay thế để cai quản Trung Quốc một cách hiệu quả? Các nhà hoạt động dân chủ và những người có quan điểm chính trị khác biệt ở Trung Quốc lại không đặt ra câu hỏi này chắc? Và đó là lý do tại sao việc chờ đợi món quà hạnh phúc được trên ban cho là lựa chọn duy nhất của dân thường. Khi mà đồng bào của chúng ta không đấu tranh, thậm chí không chuẩn bị để trở thành người chủ của chính mình, khi mà họ từ bỏ mọi nỗ lực trước cả khi cuộc đấu tranh giành quyền lợi bắt đầu một cách nghiêm chỉnh, thì họ sẽ dựng lên sự mặc định tiềm thức rằng nếu không có những người cai trị hiện hành thì đất nước sẽ rơi vào hỗn loạn. Kiểu mặc định này bắt nguồn từ việc truyền bá tư tưởng lâu dài của ĐCS cũng như bản chất nô lệ của người dân mà đến nay vẫn không thay đổi. Có thể lý giải tại sao các nhà độc tài bất chấp thực tiễn lịch sử và nuôi dưỡng kiểu mặc định này. Đó là vì mỗi một quyết định chính sách họ đưa ra và mỗi điều họ nói chỉ có một mục đích tối cao: duy trì quyền lực tuyệt đối. Nhưng người dân tuyệt nhiên chẳng có lý do gì phải tin vào điều mặc định này, bởi vì hệ thống mà sự mặc định này ủng hộ chính là hệ thống không coi người dân là con người. Chừng nào mà đồng bào còn quên thực tiễn lịch sử và tin tưởng vào điều mặc định ấy thì họ sẽ không ngần ngại gì mà chờ đợi miếng bánh trên trời rơi xuống và sẽ chờ đợi một lãnh đạo khôn ngoan hơn hoặc một ông chủ đức độ hơn cho dù họ phải đợi chín kiếp mới có một người như vậy; họ sẽ coi các phong trào đối lập từ dưới lên và những ai chiến đấu cho quyền lợi cá nhân là lực cản, không phải là sự trợ giúp, khiến cho “đổ dầu vào lửa”, và sẽ bảo vệ những kẻ cầm quyền – những người chỉ làm một điều tốt lặt vặt và 99 điều xấu xa vô cùng, dùng một phần trăm chính sách tốt ấy để bảo vệ 99 phần trăm chính sách xấu. Cho dù bị thảm sát, bị bỏ đói, tù đày, lưu vong, tước bỏ quyền và bị phân biệt đối xử, người dân hèn mọn vẫn cảm thấy mãi mãi mắc nợ và biết ơn và coi các nhà độc tài là “vĩ đại, đáng kính và không thể sai lầm.” Một bài thơ của Bạch Cư Dị2 viết: “Dã hoả thiêu bất tận – Xuân phong xuy hựu sinh” (Lửa đồng thiêu cháy vẫn còn – Gió xuân thổi tới mầm non lại trồi [Bản dịch Tản Đà] – ND). Ở Trung Quốc lục địa, vần thơ mãi được tôn vinh này hẳn nhiên không phải là bản mô tả phù hợp những ai dũng cảm đứng dậy, mà là chân dung tinh tế về những đồng bào vốn quen quỳ gối một cách duyên dáng. Dưới vương quyền phong kiến, các quan văn quan võ ngăn nắp quỳ gối khi hô vang “Vạn tuế! Vạn tuế, vạn vạn tuế!”. Từ trên cao ở Thiên An Môn, kẻ độc tài vẫy tay và quảng trường lớn nhất thế giới trở thành biển người ngợi ca đấng cứu thế của họ. Kể từ khi nhà Thanh sụp đổ (năm 1911) và đặc biệt là từ khi ĐCS lên nắm quyền, cho dù đồng bào ta không còn rập người khấu đầu như thời xưa nhưng trong tâm hồn họ còn quỳ gối sâu hơn cả tổ tiên của mình. Một lời khuyên về cách trở thành người ngay thẳng dạy rằng: “Con người sinh ra đã tự do và bình đẳng.” Sự nô dịch hóa và bất bình đẳng phổ quát không bao giờ do quyền lực quá độ hay sự anh minh của kẻ cai trị tạo ra, mà nó sinh ra bởi chính những kẻ quỳ gối. Liệu có phải là ngày hôm nay, hơn một trăm năm sau khi thời đại hoàng đế dựa trên khấu đầu ba lần và quỳ gối chín lần bị xóa bỏ [tức thời đại của Phổ Nghi, hoàng đế cuối cùng của Trung Hoa – ND], đồng bào ta vẫn đang tự sỉ nhục chính mình và tìm mọi cách biện bạch cho tư thế quỳ gối của mình? Liệu có phải là lợi lộc từ mức sống tốt và cho phép người giàu vào Đảng đã khiến đồng bào ta chỉ còn có thể quỳ gối và khấu đầu tạ ơn lòng hào hiệp và bao dung của những kẻ độc tài? Để một Trung Hoa tự do xuất hiện, việc đặt hy vọng vào “các chính sách mới” của những người cầm quyền còn tệ hơn nhiều so với việc đặt hy vọng vào việc liên tục mở rộng “quyền lực mới” cho người dân. Cái ngày mà phẩm giá của nhân dân được xác lập cả về mặt luật pháp lẫn nhận thức chính là lúc mà quyền con người của đồng bào ta được bảo vệ về mặt thể chế. Ghi chú của người dịch từ bản tiếng Trung sang tiếng Anh: Khi Đặng Tiểu Bình quay lại nắm quyền vào giữa những năm 1970, sau Đại Cách mạng Văn hóa, ông có một tuyên bố nổi tiếng: “Tôi không cần biết là mèo đen hay mèo trắng. Miễn bắt được chuột là con mèo tốt” để nói rằng ông định nhấn mạnh tính thực dụng cao hơn ý thức hệ. Điều này khiến ông gặp rắc rối mới, và một lần nữa ông lại bị Mao Trạch Đông tước mất hết chức vị. Tuy nhiên, sau khi Mao qua đời, vị trí của Đặng được khôi phục và ông khởi động nhiều thập niên cải cách kinh tế, mở cửa ra thế giới bên ngoài của Trung Quốc. Bạch Cư Dị (772-846), một trong các nhà thơ đời Đường được yêu thích nhất, dùng những vần thơ đơn giản một cách tế nhị để phản đối những xấu xa trong xã hội đương thời, kể cả tham nhũng và quân phiệt. *** Thay đổi chế độ bằng cách thay đổi xã hội Chúng ta mới có hơn hai mươi năm cải cách, nhưng do sự chiếm đoạt ích kỷ giành quyền lực chính trị của ĐCS và sự rải rác của các lực lượng dân sự, về ngắn hạn tôi không thấy có lực lượng chính trị nào có khả năng thay đổi chế độ, hay bất cứ lực lượng có tư tưởng tự do nào nổi lên từ giới cầm quyền chính thức, một kiểu Gorbachev1 hoặc Tưởng Kinh Quốc,2 và cũng không thấy xã hội dân sự có cách nào xây dựng được sức mạnh chính trị đủ để làm đối trọng với chính quyền chính thức. Và như vậy, công cuộc chuyển đổi thành một xã hội hiện đại, tự do của Trung Quốc sẽ phải diễn ra từ từ với nhiều ghập ghềnh trước mặt. Thời gian dài ngắn ra sao có lẽ sẽ vượt xa tất cả những dự đoán bảo thủ nhất. Đồng thời, xét về sự đối lập với sức mạnh của chế độ ĐCS thì xã hội dân sự vẫn còn yếu ớt, lòng dũng cảm của nhân dân chưa đủ và tri thức dân sự chưa trưởng thành; xã hội dân sự vẫn ở giai đoạn phát triển ban đầu, và bởi vậy trong một thời gian ngắn không có khả năng phát triển thành một lực lượng chính trị phù hợp với nhiệm vụ thay thế chế độ Cộng sản. Trong tình hình đó, thay đổi trong hệ thống chính trị của Trung Quốc và chế độ hiện thời của nó – với bất kỳ hình thức kế hoạch, chương trình hay hành động tìm kiếm thành công lập tức nào – vẫn chỉ là xây lâu đài trên cát. Nguồn: Liu Xiaobo (2006). “Liu Xiaobo on China’s Quest for Democracy”, Journal of Democracy, Volume 22, Number 1, January 2011, pp. 152-166.>>PDF Biên dịch & Hiệu đính: Lý Song Anh -------------------- |
|
|
Lo-Fi Version | Time is now: 15th November 2024 - 04:12 PM |