Welcome Guest ( Log In | Register )

 
Reply to this topicStart new topic
> Vài hình ảnh Thế Vận Hội buồn, Trần Trí Dũng
VanAnh
post May 11 2016, 02:14 PM
Post #1


Hạnh ngộ
***

Group: Năng Động
Posts: 5,776
Joined: 25-October 08
Member No.: 480
Country




Vài hình ảnh Thế Vận Hội buồn


Nỗi ám ảnh TVH Athens 2004: vận động trường Olympic Beach Volleyball Stadium ngày nay. Ảnh REUTERS/Yiorgos Karahalis

Ngày 5/8/2016 tới đây, ngọn đuốc Olympic sẽ lại được thắp lên trên vận động trường huyền thoại Maracana của Rio de Janeiro (Brazil)-thành phố được chọn làm nhà tổ chức Olympic 2016. Sự kiện này kéo dài thêm hành trình của phong trào Thế Vận Hội quốc tế. Các Olympic thời hiện đại đã đi qua nhiều thành phố, từ những chỗ kỳ vĩ như Los Angeles (Hoa Kỳ), London (Anh Quốc), Sydney (Úc Châu)… đến những đô thị khiêm nhường hơn như Seoul (Nam Hàn), Helsinki (Phần Lan-Finland), Antwerp (Bỉ quốc)…

Đã có những kỳ Thế Vận Hội (TVH) rất thành công, được nhiều khen ngợi như Barcelona 1992, Los Angeles 1984, Sydney 2000, hay London 2012. Trường hợp London, nhà tổ chức đã bắt chước một khuôn mẫu thành công khác cũng trên đất Hoa Kỳ là Thế Vận Hội Atlanta 1996. Cả London lẫn Atlanta đều chú trọng đặc biệt sứ mạng tái thiết những khu bần hàn nhếch nhác trong chiến dịch vận động tranh cử của mình. Riêng Atlanta có điểm son riêng là kỳ TVH dựa hoàn toàn vào nguồn ngân sách tư nhân, trong đó dĩ nhiên có yểm trợ lớn từ anh khổng lồ Coca-Cola đặt tổng hành dinh tại thành phố này. Nhờ vậy, sau khi Olympic hạ màn, dân chúng tiểu bang Georgia không phải oằn lưng gánh nợ. Như một phần của kế hoạch tổ chức Olympic, chánh quyền thành phố Atlanta dành ngân khoản $30 triệu xây chung cư vừa túi tiền cho người bình dân. Song song họ cũng mở cửa các chung cư sang trọng quanh làng TVH nhắm thu hút giới trung và thượng lưu. Kết quả là ngày nay sổ thuế địa phương tăng trưởng 20%. Ngay cả nơi đã xảy ra một kỷ niệm không vui của TVH Atlanta 1996, vụ nổ bom tại Centennial Olympic Park, xây dựng trên phần đất một khu vực xập xệ nghèo nàn trước kia, nhưng ngày nay là địa điểm có các hồ phun nước thu hút tấp nập trẻ con lẫn người lớn.


Khách bộ hành đi ngang một trong vài biểu tượng còn sót lại của Olympic Mùa Đông 2010 tổ chức tại Vancouver, Canada. Ảnh REUTERS/Andy Clark

Để có được một kỳ Olympic thành công, nhà tổ chức cần có viễn kiến, vừa tạo dựng các công trình phục vụ riêng cho TVH, lại vừa hữu ích cho thành phố trong tương lai, phải điều hành giỏi và thu hút nhiều tài trợ để không lạm dụng ngân sách công, và bớt gánh nặng tài chánh cho người thọ thuế. Những kỳ TVH thành công có thể giúp tái sinh một vùng đất, đánh thức niềm kiêu hãnh của dân chúng, khích lệ thế hệ trẻ trau dồi trí dục lẫn thể dục, và để lại cho thành phố các vận động trường tối tân nhất thế giới. Nhưng chuyện xây dựng nhiều vận động trường, cơ sở thể thao, lắp đặt dụng cụ máy móc cần thiết cho các lực sĩ tranh tài cũng là tốn kém quá lớn đến nỗi ngày nay có nhiều thành phố hồ nghi tính khả thi lẫn hữu ích của việc tổ chức Olympic. Ngay cả việc vận động giành quyền tổ chức Olympic cũng chẳng rẻ. Thành phố Chicago (tiểu bang Illinois) của Hoa Kỳ đã tốn kém đến $100 triệu để tranh cử Olympic 2016 với Rio de Janeiro-chỉ để làm kẻ chiến bại. Và khi đã được “chọn mặt gởi vàng”, thì hầu hết các thành phố tổ chức không sẵn sàng cơ sở hạ tầng để tiếp nhận, chăm sóc giới lực sĩ, huấn luyện viên, du khách lẫn ký giả thể thao trong 2 tuần lễ, nên phải xây dựng mọi thứ từ đầu rất tốn kém. Trong trường hợp tệ hại nhất, các vận động trường, cơ sở thể thao lẫn các công trình dịch vụ liên đới khác sau khi Olympic hạ màn trở thành những thứ mà mà Anh ngữ gọi là “White Elephant”- 100% lãng phí về tài chánh lẫn không gian. Sau khi tiệc đã tàn, hằng ngàn lực sĩ lẫn khán giả đã ra về, TVH có thể để lại cho thành phố món nợ tài chánh khổng lồ. Người ta đã thấy thực tế này diễn ra tại nhiều nơi quanh thế giới. Hai bài học thất bại lớn là Montreal của Canada và Athens của Hy Lạp.


Mặt tiền ngày nay của một sân banh chuyền trên bãi biển thời Beijing Olympic 2008 nằm cách trung tâm Bắc Kinh không xa. Ảnh REUTERS/David Gray


Nơi này từng là một khách sạn cho TVH Mùa Đông Sarajevo 1984 (Bosnia and Herzegovina). Ảnh Confidentielle

Thành phố Montreal của Canada tổ chức Olympic 1976, nhưng cũng là kỳ Olympic duy nhất xưa nay mà chủ nhà không giành nổi chiếc huy chương vàng nào. Đau hơn, phải mất thêm 30 năm, thành phố mới trả dứt cả nợ lẫn tiền lời $2.7 tỉ. Gần cùng thời gian Montreal xóa nợ, lại có thảm họa Athens 2004. Sau khi hạ màn TVH, nhiều vận động trường không bao giờ được dùng trở lại, ghế ngồi rỉ sét, cỏ dại lan tràn, hình ảnh vẽ bậy khắp nơi, hoàn toàn vô dụng… Các sân điền kinh thỉnh thoảng còn mở cửa nhưng phẩm chất giảm sút trông thấy. Những hồ bơi không cạn nước thì cũng dơ bẩn, ô nhiễm, làm nhà cho muỗi mòng ếch nhái. Thành phố Athens đã dự trù chuyển Làng TVH thành khu chung cư công cộng. Đã có hằng ngàn gia đình ghi danh xin tá túc, nhưng cả chương trình phá sản. Thậm chí, có cả một nhà hàng siêu sang trọng được thiết kế đặc biệt cho giới lực sĩ và khách mời danh dự, nhưng chỉ mở cửa phục vụ đúng một tiếng đồng hồ để tiếp đón Thủ Tướng Hy Lạp lúc đó. Nhiều năm về sau, vẫn còn nhiều bàn ghế, dụng cụ nhà bếp còn nguyên xi, chưa tháo nhãn, nằm la liệt bên trong nhà hàng. Tốn kém $16 tỉ tổ chức Olympic 2004 của thành phố Athens chất nặng thêm món nợ quốc gia khổng lồ của Hy Lạp, để không lâu sau đó đã góp phần đẩy xứ này vào cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng đến nỗi cả Âu Châu phải hợp lực giải cứu. Tưởng đâu TVH trở về nơi khai sanh sẽ là kỷ niệm sinh nhật 100 tuổi hoàn hảo cho phong trào Olympic, nhưng trên thực tế Athens 2004 bị liệt vào danh sách những kỳ Olympic đáng quên nhất.


Vận động trường Atlanta-Fulton County Stadium từng là nơi tranh hùng banh chày Baseball kỳ Summer Olympics 1996 do thành phố Atlanta, tiểu bang Georgia tổ chức, nhưng đến 1997 thì bị giật sập, và hiện là bãi đậu xe. Ảnh REUTERS


Trẻ con chơi đùa bên trong sân ‘Bird’s Nest’ tai tiếng của Bắc Kinh, nơi diễn ra lễ khai mạc và bế mạc Olympic 2008. Ảnh REUTERS/David Gray

Trong sổ đoạn trường Olympic, còn phải kể thêm các kỳ Thế Vận Hội Mùa Đông (TVH-MĐ). Kỳ TVH-MĐ Albertville 1992, chánh phủ Pháp Quốc chi trên $1 tỉ cho riêng việc tu sửa đường sá cho Albertville và các thị trấn heo hút quanh vùng Rhône-Alpes miền đông-nam nước này. Cũng có vài thị trấn nhỏ về sau thu hút thêm du khách hằng năm nhờ giao thông cải thiện, nhưng chính Albertville đã không được lợi gì, mà phải gánh thêm món nợ $67 triệu chắc phải vài thập niên nữa mới trả hết. Kỳ TVH-MĐ Nagano 1998 ở Nhật Bổn, thành phố thì nhỏ với chỉ 378,000 cư dân (khoảng bằng dân số quận 1 và quận 3 Sài Gòn ngày nay gộp lại), nhưng mở hầu bao chi đến $10.5 tỉ chuẩn bị cho Olympic. Một chương trình tốn kém lớn lao là mở đường xe điện siêu tốc, cắt ngắn đường đi từ Nagano tới đô thành Tokyo chỉ còn 90 phút. Nhưng kế hoạch này phá sản hoàn toàn vì du khách thể thao thuê phòng ở lại Tokyo gần hết, khiến các khách sạn Nagano vắng như chùa bà đanh. Đến ngày nay, bên cạnh Tokyo, Nagano vẫn chỉ là… một thị trấn bên đường, không nhờ Olympic mà phát triển hơn. Kỳ TVH-MĐ Turin 2006 bên Ý Quốc suốt giai đoạn chuẩn bị triền miên thiếu hụt ngân sách có lúc lên đến $167 triệu, tưởng đã phải ra tòa khai phá sản. Và khi hạ màn thì Olympic để lại cho Turin món nợ $49 triệu. Lâu nay, thẩm quyền thành phố đã rao bán dần các công trình Olympic với hy vọng đủ trang trải nợ nần. Đến kỳ TVH-MĐ Vancouver 2010 bên Canada gánh nợ xấp xỉ $1 tỉ. Thành phố ra sức quảng bá Olympic Village tân tiến khang trang hòng chiêu dụ cư dân mới dọn về ở. Nhưng không có mấy phản hồi, và rất nhiều căn condo ở đây vẫn còn vắng chủ. Cả chánh quyền thành phố lẫn giới chủ nợ ngân hàng đều bi quan trước viễn cảnh khó lòng hồi phục trọn vẹn từ các phí tổn ngất ngưởng của kỳ Olympic 2010.


Một khu trượt tuyết bỏ hoang trên núi Mount Igman, nơi từng diễn ra Olympic Mùa Đông Sarajevo 1984 (Bosnia and Herzegovina). Ảnh REUTERS/Dado Ruvic

Trần Trí Dũng


--------------------

Cõi mơ
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
1 User(s) are reading this topic (1 Guests and 0 Anonymous Users)
0 Members:

 



Lo-Fi Version Time is now: 14th November 2024 - 01:17 PM