Welcome Guest ( Log In | Register )

> Bờ vai nghiêng nắng, Từ Kế Tường
Đông Nhi
post Jan 3 2016, 05:39 PM
Post #1


Bảo vệ tổ quốc
***

Group: Năng Động
Posts: 2,835
Joined: 9-October 09
Member No.: 5,482
Country




Bờ vai nghiêng nắng


CHƯƠNG 1:

Buổi chiều thả những giọt nắng yếu bên ngoài cửa sổ, một khoảng trời nhỏ, với vài đám mây trắng lờ đờ bay ngang qua đỉnh cây nhạc ngựa. Tôi thức giấc giữa tiếng reo nhỏ, mơ hồ, của hàng nhạc ngựa say gió bên ngoài con đường im vắng chạy ngang trước nhà. Ngôi nhà nằm cách lề đường một con ngõ, khuất trong vườn cây thấp có nhiều hoa. Nằm ở đây, tôi có thể nhìn thấy một khoảng lối đi trải sỏi vụn dẫn ra cánh cổng có dây leo um tùm trổ một thứ hoa màu tím lấm tấm.

Ngày xưa khi mới tới đây, tôi đã sung sướng vô cùng vì không ngờ mình lại được ở trong một ngôi nhà đẹp đẽ và yên tĩnh như vậy. Dì Hạnh mở cổng cho tôi với đôi mắt mở lớn tròn xoe, đầy ngạc nhiên. Lúc đó tôi hoàn toàn rơi vào một trạng thái sững sờ và ngượng, vì tôi không biết gọi dì Hạnh bằng gì và ngược lại, hình như chính dì Hạnh cũng rơi vào một trạng thái như thế. Dì Hạnh nhỏ hơn tôi hai tuổi, học dưới tôi hai lớp, nhưng lại được tôi gọi bằng dì, vì giữa tôi và dì Hạnh có liên hệ bà con sao đó. Tiếng "dì" ngượng nghịu đó làm sao tôi thốt ra được khi tôi đang đứng trước một người con gái nhỏ hơn mình, xinh đẹp và có lẽ rất thông minh. Lúc đó tôi cũng nhận ra trên gương mặt dì Hạnh một nét u buồn vừa nhìn thấy trong đôi mắt ngạc nhiên của dì. Nhưng sau một tuần, tôi cũng quen dần và tôi cũng bỏ được lối xưng hô trống không khi nói chuyện với dì Hạnh. Đó cũng là ngày đầu tiên tôi vào trường, chọn lớp, làm quen với bộ mặt mới của tỉnh lẻ.

Tôi yêu cái vẻ êm đềm đến dễ thương của tỉnh lỵ. Những con đường trơn bóng, rộng lớn với hai hàng me chạy dài thả lá bay trong gió suốt mùa. Gió của tỉnh lỵ không ào ạt, lạ lùng như gió biển ở quê hương tôi. Ở đây gió nhẹ và có lẫn hương thơm hòa vào tiếng chim ríu ran gọi nhau trên các mái ngói. Thành phố không lớn, nhưng lại được vây quanh bằng dòng sông tươi mát êm đềm, được che mát bởi cây lá, được xông bởi hương hoa, được tô điểm bởi những ngôi nhà mái ngói cổ xưa. Sau một năm tôi đã quen thuộc với tỉnh lỵ, quen thuộc cả đến những viên sỏi vô tâm trong khu vườn nhỏ nhà dì Hạnh. Mùa hè, được báo trước bằng những ngày học thi bù đầu. Ở những con đường tỉnh lỵ đã thấy lác đác bông phượng nở. Và mưa. Mùa hè và mùa mưa, làm xao xuyến tỉnh lỵ, xao xuyến những người học trò ở vào tuổi mới lớn, một tuổi đời mơ hồ sương khói nhất. Nỗi xao xuyến cũng thả dài theo hàng nhạc ngựa trước nhà, mà tôi nghe được tiếng reo của nó trong gió vào những buổi chiều tuyệt đẹp.

Dì Hạnh ở một góc phòng dưới nhà, với một người giúp việc, tôi ở một phòng trên lầu. Ba má của dì Hạnh. (Tôi vẫn còn bối rối không biết gọi bằng gì) có cơ sở làm ăn ở Sài-gòn. Nửa tháng hoặc đầu tháng ông bà mới về một lần, đưa cho dì Hạnh một khoản tiền tiêu trong tháng, trả lương người giúp việc, tiền học phí và chi tiêu, linh tinh đủ mọi chuyện. Tôi vẫn như một người ở trọ, nhưng không phải đóng tiền nhà, tiền cơm, chỉ lo tiền sách vở. Đôi khi những thứ này dì Hạnh cũng mua luôn cho tôi. Nhà tôi ở một quận hẻo lánh, trường trung học chỉ dạy đến lớp đệ tứ. Hết lớp đệ tứ tôi phải lên tỉnh để học đệ tam. Ba tôi hy sinh trong thời kháng chiến không để lại được gì. Mọi thứ má tôi đều xoay xở lấy. Nhà tôi nghèo, chỉ có một thửa vườn nhỏ. Đó là nguồn lợi tức hàng năm mà má tôi cho tôi theo đuổi việc học. Năm tôi lên tỉnh dì Hạnh mới học đệ ngũ, bây giờ dì đã lên đệ tứ và cũng đang sửa soạn cho ngày thi sắp tới như tôi. Năm nay tôi thi tú tài một, những ngày học thi tôi thức rất khuya, cũng như dì Hạnh thức rất khuya dưới nhà. Và trong căn nhà vắng vẻ này dì Hạnh và tôi như hai chiếc bóng loanh quanh đến hết ngày tháng. Dì thường kêu buồn trong những ngày mưa, hay khi nghe tiếng ve kêu ran trên đường đi học về. Nhưng đôi khi dì bảo rằng dì chỉ thích thú khi ở trong một ngôi nhà vắng vẻ như thế này. Tôi và dì hợp nhau ở điểm đó. Tôi yêu hàng cây nhạc ngựa reo say trong gió, khi con sông lồng lộng nước sau nhà. Bên kia là vườn cây ăn trái, tôi vẫn thường bơi qua sông ăn cắp trái cây đầu mùa mang về chia cho dì Hạnh, cả hai vừa ăn vừa cười thích thú. Dì cũng thích được bơi qua sông. Con sông không lớn lắm, tôi hứa hôm nào sẽ dạy dì bơi. Nhưng chắc chắn một điều là dì sẽ không bao giờ biết bơi vì có một ông thầy huấn luyện như tôi.

Phía sau nhà dì Hạnh, trước khi tới bờ sông phải băng ngang qua con đường sắt. Tôi vẫn thường ra đó đứng ngóng suốt con đường chạy ngoằn ngoèo vào trong những ngôi nhà thuộc một khu phố mang cái vẻ buồn bã mơ hồ. Những buổi sáng sớm, khi nghe tiếng còi xe hú dài trong sương, hay nhìn ánh sáng đèn nơi đầu máy xe lửa quét sáng một vùng cây cỏ im ngủ, tự nhiên tôi thấy yêu quí tỉnh lỵ hơn bao giờ, đồng thời cũng nhớ rười rượi một hình ảnh nào đó rất mơ hồ ở quê nhà tôi. Phải chăng từ lúc đặt chân lên con đường thứ nhất trong tỉnh lỵ, nhìn thấy chiếc lá đầu tiên long lanh trong nắng, nhìn thấy đôi mắt mở lớn, tròn xoe như mắt chim khuyên của dì Hạnh, những gì đến với tôi đều trở thành kỷ niệm, trở thành một thứ mùi hương không phai nhạt. Ngôi nhà này có những âm thanh thật lạ lùng của nó, gần như sự rung động, và ngào ngạt hương thơm. Không ngớt ngân lên với những ngày những tháng cùng với một tuổi đời nào đó vừa tới với dì Hạnh, với tôi. Hôm qua, trong lúc ra vườn, tôi bắt gặp đôi mắt dì Hạnh thật buồn. Lúc đó dì ôm con mèo nhỏ trong tay, còn tay kia thì dì cầm một cái hoa xoay xoay. Khi tôi hỏi, dì cố tạo một nụ cười. Dì đã là một thiếu nữ, một người con gái. Tôi hiểu điều đó. Và có gì khó hiểu trong đôi mắt của một người con gái mười lăm mười sáu tuổi đó?

Tôi nghe tiếng chân ai đi về phía phòng mình. Tiếng chân chỉ có thể là dì Hạnh, hoặc người giúp việc. Tôi nằm yên lắng nghe. Và rồi có tiếng gõ cửa phòng tôi, và giọng của dì Hạnh, giọng nói quen thuộc trong suốt như tiếng chim gọi mỗi buổi sáng ngoài vườn. Tôi đợi dì gọi hai ba tiếng, để lắng nghe cho đầy cái âm thanh mà tôi thương mến ấy, mới lên tiếng đáp lại.

Dì Hạnh hỏi:

- Đông vừa ngủ dậy phải không?

Tôi trả lời từ bên trong:

- Không ngủ được, chỉ nằm thiếp một lúc thôi.

- Như thế là ngủ rồi đấy.

- Dì vào không? - Tôi vụt hỏi lớn.

Dì Hạnh cười khúc khích:

- Mở cửa đi, vào nói cái này nghe hay lắm.

Tôi bước xuống giường và mở cửa. Dì Hạnh bước vào với cuốn sách cầm ở tay, tay kia dì cầm một nhúm chùm ruột. Tóc dì Hạnh cột thành hai bím, đường ngôi rẽ ở giửa. Tôi ngồi lọt thỏm trong ghế ngắm dì. Tôi khen:

- Chà, dì Hạnh chiều nay xinh như một con búp bê.

Dì ngượng, mặt đỏ lên, vội đưa nhúm chùm ruột về phía tôi cười, bảo:

- Ăn không, ngọt lắm Đông ạ.

- Chưa chi đã quảng cáo.

- Ngon thật chứ không quảng cáo. Của thằng nhỏ ở nhà bên cạnh mới hái cho đó.

Tôi trêu dì:

- Thằng đó mà còn nhỏ, nó lớn hơn dì ít nhất là bốn tuổi. Nó cho dì chùm ruột với một dụng ý, dì đừng có mắc mưu nó.

- Dụng ý gì, Đông cứ hay bịa chuyện này chuyện nọ không hà.

Tôi cãi ngay:

- Chứ nếu không thì nó đâu có tử tế gì mà cho.

- Nó trèo lên cây hái, sẵn thấy dì đứng trong sân, nó thẩy luôn qua cho, chứ bộ.

Tôi cười dòn:

- Đó, thấy không, đã bảo mà, cái thằng đầy dụng ý.

- Dụng ý gì, Đông nói đi?

- Ai biết, Đông chỉ đoán thôi. Chắc hỏi nó thì biết.

Dì Hạnh lườm tôi bằng hai đuôi mắt dài. Dì hỏi:

- Có ăn không người ta chia cho, tử tế thế còn bày đặt bịa chuyện. Đông nhiều chuyện như con gái vậy.

Tôi cười, ngắt mấy trái chùm ruột bỏ vào miệng nhai lốp bốp. Dì Hạnh đi qua đi lại trước mặt tôi, nhìn mấy cuốn sách để bừa bãi trên bàn học. Tôi biết dì sắp sửa trách tôi vì cái tật bừa bãi của con trai không bỏ được. Rồi sau đó dì đuổi tôi ra khỏi phòng mười lăm phút khi tôi trở vô sẽ thấy một thiên đường mới. Đó là căn phòng được dọn dẹp sạch sẽ, tươm tất, sách vở ngay ngắn đâu vào đó.

- Đông thật…

Tôi cười.

- Thôi, biết rồi, khổ lắm nói mãi…

- Biết rồi mà vẫn bê bối. Con trai bộ ở sạch sẽ ngăn nắp một ngày không được sao?

- Được chứ.

- Ngày nào đâu, bao giờ? Dì chỉ toàn thấy phòng Đông đầy sách vở với báo chí, giấy vụn. Đủ thứ hết. Nhìn bắt mệt.

Và dì sắp sửa đuổi tôi ra khỏi phòng cho dì dọn dẹp. Tôi biết thế nên cười:

- Ngày mai sẽ xong tất cả, đâu vào đó.

- Đông nói rồi để đó như nước chảy lá môn thì lúc nào mới xong được?

- Ngày mai nghỉ học Đông sẽ tổng vệ sinh, xin hứa.

- Đông chỉ toàn hứa cuội. Tại sao lúc trước Đông không là chú cuội ngồi canh gốc đa nhỉ?

- Tại vì Đông không có mơ lớn lên sẽ cưới chị Hằng.

Dì Hạnh bỗng reo lên:

- À nhớ rồi, có chuyện này hay lắm muốn nói với Đông lúc nãy cơ.

- Chuyện thằng nhỏ bên nhà cho dì chùm ruột và cười mím chi cọp hoài chứ gì?

- Lại vẽ chuyện, lần này dì nói chuyện của Đông mà.

- Chuyện của Đông?

- Ừ.

- Chuyện gì thế, có "gay go" lắm không?

- Gay go lắm, nhỏ bạn của dì thấy Đông tới trường sáng hôm qua, đứng dưới gốc me trước cổng trường để đón cô nào đó. Phải không?

- Bạn của dì là ai thế?

- Biết là nhỏ bạn được rồi cần gì phải khai tên. Nhưng quan trọng là chuyện Đông có đến trường Lê Ngọc Hân không?

- Bạn của dì là chúa ba xạo, tương lai sẽ làm thầy bói. Sáng hôm qua người ta ở nhà, vả lại Đông không có quen với ai đằng Lê Ngọc Hân hết.

- Không tin, nhỏ bạn dì thấy rõ ràng. Chẳng lẽ nó đi nói dối.

- Nhỏ bạn dì là ai, dì có nhiều bạn thấy mồ, ai mà biết được.

- Nó yêu cầu giấu tên.

Tôi điều tra:

- Có đến đây lần nào chưa?

- Chưa.

- Dì bảo cô bé ấy nghỉ học đi, về ra chợ trải chiếc chiếu, mua một bộ bài tây rồi làm thầy bói kiếm ăn.

Dì cười:

- Con gái ai đi làm thầy bói. Đông định lảng chuyện hả?

- Chứ biết làm gì bây giờ, Đông có nói gì dì cũng không tin.

- Đông giấu.

- Có nói ngay, không giấu.

- Hôm qua Đông ở nhà thật hả - Dì Hạnh nghi ngờ.

- Thật, lúc dì về gặp Đông trước cổng, bộ không nhớ sao?

- Đông về nhà trước chứ bộ.

Tôi ngó dì Hạnh cười nói:

- Dì đa nghi như Tào Tháo. Đã bảo không là không, Đông có quen với ai đằng Lê Ngọc Hân đâu mà nói đón với đưa.

Dì Hạnh nhìn ra đỉnh cây còn tôi nhìn những sợi tóc của dì, những sợi tóc mai non nớt kỳ diệu đó đã làm hồn tôi lâng lâng trong một nỗi xúc động. Đôi mắt dì trong đen như hai hạt huyền. Tôi tưởng đâu hàng nhạc ngựa bên ngoài cùng ngả nghiêng theo mắt dì nhìn, tiếng reo của nó ngưng bặt vì tóc dì thơm ngất trong gió, và màu hoa của nó nở rực rỡ trong đôi mắt dì. Bỗng dì Hạnh bật cười:

- Chiều nay nhỏ bạn dì tới chơi, Đông có muốn đối chứng không?

- Sẵn sàng.

- Nhỏ bạn dì dữ lắm à, cái miệng của nó lanh lắm, Đông cãi không lại đâu.

- Ăn nhằm gì, Đông chả sợ con gái. Bạn của dì lại càng dễ bắt nạt hơn.

- Nói ngon lắm, chừng gặp Đông sẽ lánh mặt giả vờ bận học bài này nọ rồi chuồn ra phố ở mãi đến tối mới chịu về. Cái quán cà phê gì ngoài bờ sông đang chờ Đông với một chiếc ghế trống đó.

Tôi đỏ mặt cãi:

- Rồi dì xem. Bạn dì có lớn hơn dì không?

- Nó bằng tuổi dì, xinh nhất lớp.

- Nhưng không xinh hơn dì đâu. Dì xinh nhất lớp, nhất trường, nhất tỉnh lỵ.

- Dì Hạnh ngượng ngùng trước câu nịnh nọt hoa hoè của tôi. Nhưng quả thật, tôi không nịnh dì chút nào hết. Dì cười nói:

- Dì không có tiền đâu nhé, nịnh dì chỉ uổng công thôi.

- Ai thèm nịnh.

- Như vậy có nghĩa là Đông nói thật à?

- Sự thật.

- Dì xấu như con nhỏ Lọ Lem.

- Con nhỏ Lọ Lem về sau đội lốt thành một nàng công chúa đẹp mê hồn.

- Dì mang cái lốt xấu xí suốt đời.

- Mai mốt Đông mua tặng dì một chiếc gương soi. Dì sẽ tin lời Đông nói. Bạn Đông đứa nào cũng nói như thế. Có đứa còn "mê" dì nữa đấy.

- Bạn của Đông là những ai?

Hầu hết, nói tên dì cũng không biết đâu.

Dì Hạnh đỏ mặt, chớp mắt mấy cái. Bây giờ tôi biết dì đang cố ý hướng mắt ra đỉnh cây nhạc ngựa. Tôi càng trêu dì:

- Trong đám bạn của Đông có một đứa đang hấp hối.

- Bệnh nặng hả?

- Ừ, nó bệnh sắp chết, nhưng lại không chịu vào bệnh viện.

- Sao kỳ vậy, bệnh nặng phải vào bệnh viện cho người ta chữa chứ.

- Nhưng bệnh này lại không trị được, thế mới khổ.

Dì Hạnh ngây thơ:

- Bệnh nan y à?

- Hơn thế nữa.

- Rồi ở nhà đành bó tay sao?

- Bó tay là cái chắc .

Dì Hạnh lo lắng hỏi:

- Người bạn của Đông tên gì, nhà ở đường nào?

- Nó ở bên kia sông. Mỗi ngày đi học phải qua một chuyến bắc. Nó nghỉ học rồi, chờ ngày mặc áo mới.

- Nghỉ học chờ ngày mặc áo mới. Gì kỳ vậy?

- Dì không biếtt áo mới à?

- Nếu đã biết dì không hỏi.

Đông cười phá lên:

- Đó là chiếc quan tài đấy. Áo sơmi gỗ. Hay là sơmi Tobia. Nó sẽ chết.

Dì Hạnh lườm Đông:

- Người ta bệnh nặng sắp chết mà Đông nỡ đùa.

- Tại nó chứ bộ.

- Bệnh là một điều bất hạnh, không ai muốn thế bao giờ cả. Đông đừng nói như vậy. Nếu trường hợp Đông bệnh, Đông có muốn như thế không?

- Muốn, bệnh này “đã đời” lắm. Không đau nhức, không ho hen, chỉ buồn thôi, buồn nhè nhẹ, nhớ bâng khuâng, nghe mùa thu chết, rơi theo lá vàng…

Dì Hạnh ngẩn ngơ không hiểu gì cả. Đông càng cười, càng cố ý trêu dì. Một lúc dì có vẻ giận:

- Đông hôm nay làm tàng quá.

- Dì có muốn biết bệnh của thằng bạn bất hạnh đó không.

- Một chứng bệnh ghê gớm lắm phải không.

- Nói ra dì sẽ đầy lòng thương cảm mà té xỉu mất. Và dĩ nhiên, đó phải là một chứng bệnh ghê gớm.

- Nói dì nghe.

- Đó là bệnh tương tư, nó tương tư dì rồi đó.

Dì Hạnh đỏ mặt. Tôi đoán dì vừa giận, vừa ngạc nhiên và ngượng ngùng. Tôi ngó dì, tỉnh bơ:

- Chỉ có dì mới cứu nó nổi, không thì nó đi đứt cuộc đợi

- Đông còn đùa nữa à?

Dì trừng mắt nhìn tôi, chưa bao giờ dì tỏ vẻ giận dữ với tôi như thế. Đôi mắt dì trong lúc giận càng làm cho tôi điêu đứng. Tôi muốn mềm nhũn ra như một cọng bún, và tôi ngồi bất động. Dì Hạnh cũng im lặng không nói gì. Bây giờ cánh cửa sổ, những đỉnh cây bên ngoài được cả tôi và dì chú ý hơn lúc nào hết. Tôi muốn xin lỗi dì Hạnh, nhưng tôi ngượng ngùng đỏ mặt, không làm sao nói được. Một lúc lâu dì bỗng nói:

- Trời chiều nay đẹp quá Đông nhỉ?

Tôi sung sướng thầm. Dì Hạnh hỏi thế tức là dì đã hết giận tôi, hay ít ra dì cũng không muốn nhớ câu chuyện tôi trêu đùa dì lúc nảy. Nhưng tôi lại cứ hay thắc mắc:

- Dì hết giận rồi ha??

Câu hỏi của tôi chắc vô duyên nên làm cho dì Hạnh buồn cười. Dì bảo:

- Dì ít khi giận ai được lâu, nhưng Đông cũng không nên đùa dai như thế nữa.

- Tại sao dì không nghĩ đó là sự thât.

- Dì không tin có chuyện đó. Đông chỉ phịa ra thôi.

- Chính vì dì không tin nên mới là sự thật. Không phải chỉ lớp Đông thôi, còn những lớp khác nữa, tụi nó chỉ chờ giờ tan học, giờ ra chơi là kéo sang dàn chào Lê Ngọc Hân để được nhìn dì.

- Sao dì không thấy ai hết?

- Hay thấy mà dì không để ý – Tôi cười.

Dì Hạnh cũng cười:

- Tưởng họ đứng chơi thôi, ai ngờ…

- Tại dì không để ý nên dì tưởng thế chứ ai cũng biết hết. Không chừng những cô bạn của dì cũng biết.

- Sao dì chả nghe tụi nó nói bao giờ?

- Hôm nào dì hỏi bạn dì xem, nhất là cô bạn gì mà dì vừa quảng cáo đó. Cô bạn này chắc biết rành.

Dì Hạnh cười:

- Nhỏ Thục hả?

- Đông có biết tên bạn của dì đâu.

- Nhỏ Thục đó, chiều nay nó đến đây này.

Thế là tôi đã biết tên người bạn quí của dì Hạnh, chỉ cần vài ba câu hỏi dò, vài tiểu xảo nhỏ nhặt, dì Hạnh đã khai ra hết trơn. Dì Hạnh ngây thơ như em bé. Hình như trong đầu óc dì chả có một tí mưu mẹo nào. Ai nói gì dì cũng tin, chuyện mà dì bảo cố giấu nhưng thật ra hỏi dò vài ba câu dì khai hết, một cách hồn nhiên đến tội tình. Dì Hạnh như một bức tranh quý báu treo trên đầu tường, dì giống như một viên ngọc trong suốt, xanh biếc không gợn một tí bụi.

Thấy tôi ngồi im lặng tủm tỉm cười, dì Hạnh hoảng hốt khám phá ra điều mình vừa tiết lộ thay vì phải giấu kín, dì la lên:

- Thôi chết rồi, dì đã nói tên nhỏ Thục cho Đông biết.

- Ăn nhằm gì, trước sau gì Đông cũng biết thôi.

- Chút nữa nó đến Đông đừng nói dì nói nhé. Nó la dì chết.

- Sao không cho người ta biết tên mình nhỉ? Tên Thục bộ đẹp lắm sao?

- Tại lúc trước chả hiểu sao có mấy người bên trường Đông biết tên dì và Thục, giờ chơi đi uống nước gặp, mấy người đó gọi rối rít làm như quen thuộc lắm. Dì ngượng, Thục ngượng, nên nó dặn dì giữ kín tên đừng cho ai biết.

- Trước sau gì người ta cũng biết. Con gái có tên đẹp người ta mới kêu chứ.

- Tên xấu cũng bị kêu như thường.

Con trai là chúa phá đám con gái, nhất là bên trường Đông đó.

- Nhưng Đông thì hiền lắm, như dì đã biết.

- Thôi đi ông, nói nghe mà tội.

Tôi cười. Dì Hạnh lật mấy trang sách. Nhúm chùm ruột đã hết nãy giờ. Tôi nhớ như in, mấy chiếc răng ngọc ngà của dì cắn khẽ vào trái chùm ruột vàng ửng. Tôi muốn có cả cây chùm ruột cho dì ăn để tôi ngồi nhìn cái miệng xinh xắn của dì với mấy chiếc răng ngọc thạch đó thôi. Cây chùm ruột bên nhà thằng Hùng sữa sai trái, nó có đủ điều kiện để làm thân với dì Hạnh. Và xem chừng nó cũng “mết” dì Hạnh lắm. Thằng đó hình như lúc nào cũng chực sẵn ngoài cây chùm ruột, thấy dì Hạnh ra là cười thật tươi, hỏi mấy câu vớ vẩn rồi ném cho dì một nhúm chùm ruột với cả một sự sung sưóng trên gương mặt đầy thịt, tròn lẳn như hộp sữa Babilắc của nó.

- Dì ăn chùm ruột nữa không?

- Đâu?

- Bên nhà thằng Hùng sữa. Dì gọi nó một tiếng, nó dám đốn cả cây mang sang lắm à.

Dì cười:

- Tự nhiên Đông đặt cho người ta cái tên Hùng sữa, Đông ghét nó lắm hả?

- Dĩ nhiên.

- Nó tốt lắm mà, gặp dì lúc nào cũng cười.

- Chính cái cười của nó mới đáng ghét.

- Đông khó tính quá trời.

Dì Hạnh tiếp tục lật mấy trang sách. Cơn gió lớn thổi đùa trên hàng cây nhạc ngựa mang những tiếng reo vui của chúng vào phòng. Dì Hạnh ngẩng lên nghe ngóng. Dì như một con chim nghiêng chiếc cổ xinh xắn hướng mắt nhìn những đám mây trời bay qua sau một cơn mưa bụi nhỏ.

- Tại sao lại có loài cây reo như tiếng nhạc ngựa nhỉ?

- Có loài cây biết đàn, biết hát, biết hoà tấu, và tân cổ giao duyên nữa.

Dì cười:

- Đông lúc nào cũng đùa được.

- Đùa gì, cây thông này, cây dương liễu chẳng reo chẳng đàn hát là gì

- Nhưng có cây nào… tân cổ giao duyên đâu?

- Cây sóng rắn và cây sầu đâu, dì nghe chúng hoà tấu lần nào chưa?

- Chưa.

Thế thì bất hạnh quá.

- Sao lại bất hạnh.

- Bởi vì đó là một khúc hát thần tiên của tuổi nhỏ ở quê nhà. Ai không nghe được là bất hạnh cả một đời.

- Nhưng dì đâu có quê nhà.

- Lại thêm một cái “vạn bất hạnh” nữa. Nghỉ hè, Đông sẽ mời dì về quê nhà của Đông, dì sẽ mê từng cọng cỏ, viên sỏi, cho tới con lạch nhỏ.

- Dì chỉ thích nghe tiếng chim hót trong vường cây buổi sáng sớm.

- Dì sẽ nghe cả một đời cũng chưa hết.

Dì Hạnh mỉm cười. Đôi mắt dì long lanh ngó tôi. Dì đâu biết rằng mỗi lần dì ngó tôi như thế là tâm hồn tôi muốn chết ngộp, muốn lịm tắt, muốn tan như mưa và muốn vàng như nắng.

- Dì có đôi mắt chết người.

- Là sao?

- Là ai nhìn vào đấy sẽ chết đứng, chết không kịp ngáp, chết không một lời trăn trối.

Biết tôi khen khéo, dì Hạnh đỏ mặt nhìn mấy trang sách. Hàng nhạc ngựa vẫn reo bên ngoài. Tôi di tới cửa sổ nhìn ra một khoảng không bát ngát, những mái nhà ngói cũ lô nhô trong cây lá và chạy dài như những đồi đất đỏ. Dì Hạnh cũng ra đứng bên ngoài hành lang, tôi nhìn thấy những sợi tóc của dì bay lòa xòa và mầu áo của dì làm rộn ràng cả một buổi chiều. Tôi ra theo, và đứng kế bên dì. Từ đây ngó xuống tôi thấy một vuông sân xanh mướt cỏ non và đám dây leo trổ hoa tím ven chân rào.

Tôi cười:

- Căn nhà này nhìn vào như một biết thự bỏ hoang trong những cuốn truyện ma quái.

- Dì thích ở nhừng căn nhà như vậy.

- Nhưng một mình thì không thích chút nào.

- Đông có nghe trong mấy đêm mưa, có tiếng của những tàu lá vẫy mạnh bên ngoài không?

- Có, buồn chết đi được.

- Lúc ấy dì không sợ, cũng không buồn, chỉ có cảm tưởng mình đang ở trong một lâu đài hoang vu xưa cổ.

- Dì nhiều tưởng tượng quá.

- Con gái vốn vẫn thế, có nhiều khi tưởng tượng những điều kinh khủng lắm.

- Gì mà kinh khủng?

Dì Hạnh chỉ trả lời bằng một nụ cười. dì chỉ cho tôi mấy cái hoa vàng rất nhỏ nằm dưới lối đi trong sân.

Tiếng chuông ngoài cổng bỗng reo vang một hồi dài, dì giật mình nói:

- Chết, nhỏ Thục tới.

Tôi nói nhanh:

- Để Đông mở cửa cho, dì giả vờ đi vắng, mình trêu cô ấy một vố chơi, dì đồng ý không?

Dì Hạnh cười:

- Được, nhưng nó chửi Đông ráng mà nghe, dì không biết đâu.

-Đừng lo, Đông sẽ lấy bông gòn nhét lỗ tai lại, tha hồ cho cô ấy chửi.

Dì Hạnh cười, vào trốn trong phòng tôi. Còn tôi thì chạy nhanh xuống mở cổng cho Thục.

- Có Hạnh ở nhà không Đông?

Tôi cười, có ý nhường cho Thục bước vào. Nhưng hình như Thục muốn nghe tôi trả lời tức khắc để quyết định vào hay không. Tôi nói gọn:

- Xui quá, dì Hạnh đi vắng.

-Đi vắng, vô lý?

- Đi vắng thì có gì là vô lý?

- Tụi này có hẹn.

- À, như thế là vô lý thật. Nhưng ít ra "chị" cũng vào nhà viết một mảnh giấy để lại chứ.

- Hạnh có nói đi đâu không?

- Dì ấy đi đâu ít khi cho biết lắm.

- Lạ nhỉ, trong nhà có hai người, đi đâu không nói cho Đông biết rồi làm sao?

- Đi đâu rồi cũng về. Chừng về cho biết cũng không muộn chi.

- Đông đùa hoài.

Tôi cười, Thục đá những viên sỏi đưới chân. Một lúc Thục ngẩng lên nói:

- Thôi tôi về, Hạnh kỳ quá, hẹn rồi không nhớ gì hết.

- Hay là dì ấy sắp sửa về?

- Có thể như thế không? Thục ngó tôi nói.

- Có thể lắm chứ, chị Thục vào nhà chơi đợi một chút đi nhé.

- Mọi khi Hạnh vẫn đúng hẹn.

- Lâu lâu sai hẹn một tí cho vui.

Thục lườm:

- Vui làm sao mà vui.

- Tôi bị cho leo cây hoài. Mấy thằng bạn hẹn ngon lành lắm, nhưng ít khi tụi nó đúng hẹn. Cũng đành cười chứ biết làm sao bây giờ.

- Con trai khác, con gái khác. Con gái hẹn là có chuyện quan trọng. Con trai hẹn nhau để đi chơi. Không đúng hẹn cũng huề, chẳng ăn nhằm gì. Bạn Đông hầu hết đều nghịch phá như gì ấy. Có phải mấy cái ông hôm Thục gặp ngoài xe nước đá.

- Tụi nó hiền lắm.

- Hiền mà gặp người ta kêu ầm lên.

- Kêu để trở thành người quen ấy mà.

- Ai thích làm quen bao giờ.

- Nhưng rồi sẽ quen, kêu riết người lạ cũng thành quen, đồng ý không?

Thục lắc đầu quầy quậy. Tôi cười:

- Có một thằng nó vác ở đâu được cái máy chụp hình. Hôm chị Thục với dì Hạnh đi uống nước đá chanh muối nó lén chụp được. Nó bảo hôm nào mang đến đòi tiền chuộc.

Thục tròn xoe mắt:

- Trời ơi, có thật sao?

- Chuyện chụp hình là chuyện nghiêm chỉnh ai nói dối nó làm gì?

- Ông bạn của Đông tên gì mà gan cùng mình vậy?

- Xin giấu tên, hôm nào nó vác hình đến chị sẽ biết. Vui lắm, trong hình chị và dì Hạnh đang… dành nhau ly chanh muối.

Thục đỏ mặt và có vẻ bứt rứt chuyện tôi phịa ra. Con gái ai nói gì cũng tin. Tôi cười thầm. Thục có vẻ như muốn ở lại chứ không đòi về nữa. Thục nói:

- Bạn của Đông chơi ác quá, chụp lén hình của người ta chi thế.

- Nó sang ra nhiều tấm, đòi tiền chuộc, kiếm khá bộn tiền.

- Như thế thì mắc cỡ chết.

Tôi nhìn thấy đôi gò má Thục đỏ ửng vì ngượng. Hình như Thục cũng biết bị tôi nhìn, nên ngượng ngùng tìm cách hỏi chuyện:

- Chiều nay Đông ở nhà?

Tôi gật đầu. Thục cười:

- Không có chỗ nào đi chơi hết sao?

- Có chứ, thiếu gì chỗ để đi.

- Vậy mà ở nhà được cũng hay ghê. À, Đông gạo bài thi hả, siêng dữ.

- Tôi lười học lắm, tôi không ở nhà để gạo bài như Thục tưởng đâu.

- Bị "dì Hạnh" bắt coi nhà:

- Không phải như thế, chỉ vì tôi thích ở nhà.

- Buồn chết.

- Nhưng tôi hết buồn rồi.

- Từ bao giờ?

- Từ lúc có tiếng chuông reo ngoài cổng.

- Ai đến chơi với Đông thế, một ông bạn nào đó của Đông vừa mới tới đây chăng?

Tôi cười dòn:

- Không phải ông bạn mà là cô bạn. Thục biết ai không?

- Dĩ nhiên là không biết.

- Người đó đứng bên cạnh tôi đây.

- Thục?

- Dĩ nhiên.

Thục tròn mắt:

- Thục là bạn của Đông.

- Bạn nãy giờ, mình quen nhau từ lúc tiếng chuông reo ngoài cổng. Tiếng chuông báo hiệu cho hai người sắp sửa quen nhau vì một người thứ ba đi vắng.

- Khỏi đi, Thục đáng là "chị" của Đông.

- Mấy tuổi?

- Bằng tuổi với bà Hạnh. À, nếu theo phép lịch sự tối thiểu đây cũng là "dì" của "cậu".

Tôi đỏ mặt:

- Dì Hạnh còn nhỏ hơn tôi hai tuổi. Thục vai em tôi chứ chưa đáng gọi là bạn, còn bắt tôi kêu "dì" thì còn khuya…

Thục mỉm cười:

- Nhưng tôi chơi với dì Hạnh, tôi phải vai lớn. Đông nên ngoan ngoãn kẻo bị đòn.

- Tôi rất ghét ai nói giọng đó

- Tôi không dễ thương, nên luôn luôn phải có cái giọng đáng ghét chứ sao.

- Thục, nên nhớ rằng tôi học trên Thục hai lớp.

- Mười lớp cũng chả ăn nhằm gì.

Thục trả lời tôi bằng cái hỉnh mũi, rồi đá mấy viên sỏi văng vào bãi cỏ. Tôi biết Thục đang dỗi. Thục dỗi cũng như dì Hạnh hay dỗi. Và có phải con gái hầu hết đều hay dỗi. Tôi nghe tiếng chân của Thục bước nhè nhẹ. Những viên sỏi hình như cũng không thấy đau dưới đôi bàn chân son đỏ ấy. Tôi nhìn xuống hai chân Thục. Nhưng Thục lại đi giầy. Tôi chỉ được nhìn một khoảng gót chân trắng hồng của Thục dưới hai ống quần đen rộng.

- Tôi về - Thục nói.

Tôi quay lại:

- Dì Hạnh sắp về rồi, đợi thêm một tí nữa không được sao "chị" Thục. Mời Thục vào nhà.

- Tôi chỉ thích đứng ngoài thềm.

Cả tôi và Thục đều bước lên thềm. Thục bất ngờ nhắc lại:

- Rồi vụ hình đó ra sao?

- Thằng bạn tôi giữ, nó đang rửa.

- Nhờ Đông một chuyện, bằng lòng không?

- Chuyện gì mới được chứ? - Tôi nói.

- Nhưng có bằng lòng không tôi mới nói được.

Tôi gật đầu, Thục cười:

- Xin lại cuộn phim của người bạn Đông chụp.

- Khó.

- Đông cố gắng chắc được.

- Nó giữ như giữ của gia bảo, tôi không dám hứa gì cả.

- Nhưng Đông ráng thì chắc được. Mấy người bạn của Đông ác quá, năm nay coi chừng rớt cả đấy.

- Tụi nó học giỏi lắm, Thục đừng lo.

Thục bặm môi. Tôi nghĩ là không nên chọc cho Thục giận nữa. Tôi nói:

- Chỉ có cách này thì may ra…

- Cách nào?

- Tôi sẽ lén làm cho cuộn phim bị hư, không rửa ra hình được. Cách này chắc không khó lắm đâu.

Thục sáng mắt:

- Phải đó, Đông làm nhanh lên nhé.

- Ngày mai tôi lại nhà nó và thi hành mưu kế.

- Cám ơn Đông trước.

Tôi cười. Dĩ nhiên tôi sẽ chẳng bao giờ có cái công việc kỳ cục đó để lạm Nhưng từ đây tới chiều mai Thục sẽ sống trong lo lắng bồn chồn và luôn luôn nhớ về tôi. Có thể nhớ tôi trên những trang sách mà Thục phải học ngấu nghiến cho kỳ thi sắp tới. Tôi nhìn Thục đang tin tưởng rạng rỡ trên nét mặt:

- Chiều mai tôi ghé nhà Thục, đưa luôn cho Thục cuộn phim hư đó nhé

Thục mừng rỡ gật đầu.

- Phải đó, Đông ghé nhà đi. Chiều mai, mấy giờ?

- Giờ nào Thục rảnh?

- 6 giờ còn học bài, 7 giờ ăn cơm tối, 7 giờ rưỡi Đông lại thì rảnh.

- Nói chuyện tới mấy giờ.

- 8 giờ.

- Ít quá.

Thục cười:

- 8 giờ phải học bài để mười giờ đi ngủ.

- Thức khuya một đêm không được sao?

- Được chứ, nhưng ngồi nói chuyện chi nhiều vậy?

- Thiếu gì chuyện để nói.

- Để xem lại nhé.

Tôi cười cười. Đúng lúc đó dì Hạnh tới đứng sau lưng Thục. Thục, dì hù một tiếng lớn làm Thục gần như rũ người ra sau một tiếng thét kinh hoàng. Dì Hạnh cười ngặt nghẻo Thục mặt tái mét vì sợ hãi, đôi mắt nguýt dài:

- Hẹn như thế đó hả? - Thục giận dỗi hỏi.

- Thục chờ có lâu không? - Dì Hạnh cười.

Tôi cười nói:

- Chờ dì sơ sơ khoảng hai tiếng đồng hồ thôi.

- Hạnh hù như thế có ngày Thục chết giấc, Thục yếu tim, Hạnh không biết sao?

- Biết, nhưng không phải Thục yếu tim mà tim của Thục lớn.

Tôi ngó Thục, cười:

- Tim lớn, cũng là một thứ yếu tim. Vì trái tim như thế phải chứa nhiều hình ảnh quá.

- Đông nói cái gì ẩu tả vẩy - Thục cự.

- Nói theo kinh nghiệm.

- Đông mà kinh nghiệm gì, xạo thì có.

Dì Hạnh lườm tôi, kèm theo với một cái háy mắt. Tôi biết, nên ngồi im. Dì Hạnh nói với Thục:

- Bây giờ mình đi chứ Thục?

Giận quá đi làm sao được.

- Tôi… vuốt giận, cho trái tim nhỏ lớn thêm.

Dì Hạnh choàng tay qua vai Thục. Và hai người con gái nhìn nhau cười. Dì Hạnh quay lại dặn tôi:

- Đông trông nhà nhé. Có đi đâu nhớ khóa cửa, đừng đãng trí như hôm nọ.

- Hai người đi chơi hả? - Tôi cao giọng hỏi.

Thục quay nhìn tôi, gật đầu. Tôi cười:

- Nhớ để ý coi chừng bị chụp hình. Tôi không có giúp làm cho hư phim nữa đâu đấy nhé.

Thục đỏ mặt:

- Chuyện lúc nãy như thế nào hả Đông?

- Coi như xong.

- Bảy giờ chờ ở nhà rồi Đông tới hả?

Tôi gật đầu. Dì Hạnh ngạc nhiên ngó tôi và Thục. Tôi cười thật tươi, nheo mắt. Dì Hạnh ngẩn ngơ và bị Thục kéo đi. Tiếng chân hai người con gái rơi dài trên lối sỏi. Họ đi ra cổng. Buổi chiều đã tắt hết những vạt nắng trên cao.

Từ Kế Tường


--------------------
Mùa nào cũng buồn ...
Go to the top of the page
 
+Quote Post
 
Start new topic
Replies
Đông Nhi
post Jan 3 2016, 05:48 PM
Post #2


Bảo vệ tổ quốc
***

Group: Năng Động
Posts: 2,835
Joined: 9-October 09
Member No.: 5,482
Country




Bờ vai nghiêng nắng


CHƯƠNG 10:

Cơn mưa kéo dài từ lúc sáng sớm, Khôi đội áo mưa đến tìm tôi. Hai đứa đi uống cà phê. Hôm nay cũng là ngày có kết quả của dì Hạnh và Thục.

Khôi nhìn ra ngoài mưa bảo tôi:

- Hạnh và Thục bao giờ lên nhỉ?

- Chưa biết.

- Cũng phải lên để biết kết quả chứ.

Tôi im lặng nhìn ra một khoảng sông trắng xóa. Mưa giăng mờ những ngọn cây bên sông, dì Hạnh và Thục về quê đã hơn một tuần. Quê ngoại của Thục cách tỉnh hai trăm cây số đường xe đò. Hôm đi tôi quên hỏi bao giờ hai người lên. Tuy nhiên chắc chắn có lẽ phải lên nội trong tuần này vì kết quả đã có. Tôi mong cho cả hai đều đỗ. Chuyện gia đình của dì Hạnh tôi tưởng đùa thế mà quan trọng. Mấy hôm tôi nhận được bức thư của ba dì Hạnh gửi về. Tôi đã xem bức thư đó và biết rõ mọi chuyện mà dì Hạnh chưa nói hết. Sau khi có kết quả đậu hay rớt, dì Hạnh cũng phải lên Sài Gòn làm lễ hỏi. Đọc bức thư tôi đờ người. Chuyện tôi nói chơi với dì Hạnh hôm nay tự nhiên thành sự thật. Tôi không hiểu dì Hạnh sẽ phản ứng ra sao khi đọc bức thư đó. Tôi không mong dì Hạnh trở lên. Tôi muốn kéo dài thời gian còn lại với một sự tiếc nuối nào đó khó hiểu. Hình như tôi không muốn mất dì Hạnh.

Khôi nói:

- Tao vừa biết tin của thằng Ẩn. Nó đã đi xa thật sự. Nó vừa biên thư cho Phiến.

- Mày gặp Phiến?

- Một dịp rất tình cờ.

- Rồi sao?

- Phiến sắp sửa đi về quê với Thủy ngay sau khi biết kết quả thi.

Tôi cười :

- Rồi chỉ còn tao với mày ở lại tỉnh lỵ buồn tẻ này. Mọi người đều bỏ nó mà đi.

- Rồi cũng đến lượt mình. Tao và mày.

- Hình như đã hết mùa hè. Phải không?

Khôi nhìn tôi:

- Hôm qua tao còn nghe tiếng ve kêu.

- Những con ve cuối cùng đã chết trong cơn mưa sáng hôm nay rồi.

Khôi chép miệng:

- Mưa to nhỉ.

Tôi dụi mẩu thuốc vào cái gạt tàn. Cơn mưa nào hình như cũng đều báo hiệu cho một thứ thời tiết chờ thay đổi. Hết mùa hè, mùa thu sẽ tới, nhưng mưa vẫn không ngớt trong từng buổi sáng, buổi chiều và trong những đêm khuya bất ngờ tỉnh giấc. Tôi mơ hồ nhớ lại những trang nhật ký của dì Hạnh. Tại sao tôi không đọc được nó sớm hơn. Tôi nghĩ rằng dì Hạnh là một người buồn nhất nếu nỗi buồn đó có giữa tôi và Thục. Dì như một chiếc tàu khép kín cuộc đời của mình chờ mùa thu tới. Khi tôi biết thương màu lá hơi thu đã bàng bạc thổi về. Giữa tôi và dì Hạnh là một khoảng thời gian không gian im lặng còn lại những ngày tháng tới, dì Hạnh không nói, nhưng nụ cười của dì tôi thấy lồng lộng từng giọt nước mắt. Những ngày sau này dì thức dậy sớm không phải để học bài mà để nhìn con tàu lướt chầm chậm qua khoảng đường ngang nhà. Tiếng còi rú trong sương lạnh của buổi sáng tỉnh lỵ êm đềm cũng đánh thức tôi dậy để nằm nghe cho đến khi nó mất hút. Tôi buồn muốn khóc, bên cạnh tình yêu của Thục. Tôi sợ hai đôi mắt của dì Hạnh. Tôi đi qua phòng dì mà không dám nhìn vào đôi mắt mở lớn ra một khoảng trời của dì. Tôi yếu đuối hơn tôi nghĩ.

Khôi bỗng nói:

- Tao với mày đi tìm Ẩn.

- Biết nó ở đâu mà tìm?

- Nó vào làm trong một xí nghiệp.

- Vào đó thăm nó à?

- Nếu tìm ở nhà nó không gặp.

- Như thế cũng là một cách giải quyết. Thằng Ẩn can đảm hơn tụi mình nhiều.

- Tao sợ nó hiểu lầm.

- Rồi sẽ tính.

Tôi và Khôi ngồi nhấp từng ngụm cà phê im lặng nhìn ra ngoài mưa. Những ngày dì Hạnh và Thục về quê tôi không biết làm gì. Bà giúp việc lo lấy tất cả mọi công việc. Tôi chỉ đi chơi rồi về ăn, hai bữa cơm tôi còn nhớ dì Hạnh từng nụ cười, từng câu nói đùa. Nhớ đôi mắt dì thắp sáng, làm nồng ấm căn nhà. Rồi những bản nhạc trong máy nghe chung với nhau. Tôi tưởng dì Hạnh đã rời khỏi hẳn căn nhà này. Và không bao giờ trở về nữa. Những lúc ấy tôi muốn khóc.

- Tại sao mình không đi về quê nhỉ?

Tôi cười:

- Về làm gì?

- Nghỉ hè.

- Tụi mình ở đâu cũng thế thôi.

- Nhưng đi xa chắc phải khác hơn là ở mãi trong tỉnh lỵ này với những con đường nhuộm vàng quá khứ, buồn chán và vô vọng.

Tôi tưởng rằng Khôi khóc, nhưng không, nó vân tỉnh bơ, mắt mở lớn nhìn tôi. Trời mưa giăng mù mịt bên ngoài và nước sông dâng trắng xóa với sóng lớn gió mạnh. Tôi cũng ngạc nhiên với giọng nói của Khôi. Tôi nghĩ nếu có một lúc nào đó Khôi chán nản, chính là lúc này. Chúng tôi đã thấy đời sống mở một cánh cửa lớn, không còn nhỏ hẹp và mơ hồ như ngày xưa nữa. Chúng tôi đã lớn và không vui như hồi còn nhỏ. Những đứa học trò năm đệ nhị là những đứa học trò nhìn xuống cuộc đời với một đôi mắt buồn rồi sao?

- Về quê tao không?

- Đi đâu cũng được, tao đang cần đi.

- Nhưng phải đợi xem kết quả đã chứ.

Khôi nhả khói thuốc. Nó thở dài:

- Nhìn quanh lại chỉ còn có hai đứa. Buồn quá.

- Làm cái gì cho bớt buồn đi bạn, than hoài sao?

- Chui vào cine, mày à.

- Phim gì?

- Tao không biết.

Tôi và Khôi đội áo mưa ra rạp cine gần đó. Nhận ra một phim đã cũ. Tôi không thích xem phim cũ nhưng để giết thì giờ tôi và Khôi chui vào mua vé ngồi cho đến tận trưa. Hình như trong rạp cine tôi ngủ lơ mơ một lúc cho đến khi đèn bật sáng Khôi lay tôi dậy. Ra đường, cơn mưa đã tạnh từ bao giờ. Nhưng bầu trời vẫn ẩm ướt mù đục, đầy hơi nước. Hai đứa hai chiếc xe đạp đến trường xem kết quả giùm dì Hạnh và Thục. Tôi gọi Kim và Uyển. Hai cô bé nhìn thấy, đi tới. Tôi nói:

- Xem được chưa?

Kim lắc đầu cười:

- Đông quá không chen vào được.

- Tới đây bao giờ?

- Trời ủ dột quá. Có lẽ không đẹp trời cho những người đi xem kết quả thi.

Uyển giọng buồn buồn:

- Chắc Uyển rớt quá.

- Đợi xem đã rồi hãy thất vọng, cô bé.

Khôi nói:

- Mình chen vào đi Đông.

Tôi và Khôi biên số ký danh của Kim và Uyển rồi chen vào đám đông. Chen mãi gần vào tới nơi thì có một trận đánh vì chen lấn sau đó. Tiếng la hét, tiếng cãi vã vang cả sân trường. Tôi trở ra, không thấy Khôi đậu Tôi lắc đầu nói với Kim:

- Ngày mai mới xem được. Bây giờ tụi nó đánh lộn.

- Khôi đâu Đông?

- Không thấy, chắc nó chen vào được rồi.

Phiến và Thủy cũng tới nói chuyện. Tôi ngồi trên yên xe đạp nhìn lơ ngơ, đám đánh lộn tan dần. Mấy giọt nước từ trên cây bị gió đùa rớt xuống lạnh buốt.

Tôi hỏi Thủy:

- Bao giờ về quê, Thủy?

- Khi xem được kết quả.

- Phiến nữa, phải không?

Phiến cười:

- Cần đi xa.

- Ai cũng cần đi xa hết.

- Thủy nhìn tôi:

- Tưởng anh Đông là người vui nhất trong bọn.

- Người vui nhất đôi khi là người buồn nhất mà không ai hay.

Mấy người con gái cùng cười. Kim đùa.

- Đông nói cứ như thật không bằng. Anh buồn tụi này chết hết rồi còn gì.

Phiến bỗng nói, đầy ngạc nhiên:

- Ừ nhỉ, tại sao hôm nay không hẹn mà gặp đông đủ cả.

- Thiếu Thục và Hạnh.

- Hai bà ấy đi về quê lâu rồi.

- Thích nhỉ?

- Hai bà ấy chắc đậu.

Tôi nói:

- Đậu, các cô khao lớn đấy nhé. Phải tổ chức tiệc đàng hoàng cho tụi này ké với.

- Còn anh Đông thì sao, đậu cũng khao lớn nữa chứ?

- Hạ hồi phân giải.

- Khôn.

- Người ta sửa soạn làm ông tú rồi mà.

Thủy cười lớn:

- Đậu, Thủy khao ngay rồi về quê ở luôn.

- Giận ai vậy bồ?

Thủy im lặng trước những cái nhìn của bạn bè. Tôi thấy Thủy tội nghiệp như một con chim gãy cánh, Phiến đứng ủ rũ nhìn lên những chiếc lá trên đầu. Uyển lo lắng nhìn vào đám đông. Chỉ có Kim là vô tư, lúc nào cũng ồn ào và cười đùa được. Lâu tôi cũng mới gặp lại Kim. Tôi nghĩ tới một cuộc đi chơi xa với Ẩn hôm nào. Sau những cuộc vui là một nỗi buồn, điều đó đúng.

Khôi từ trong đám đông đi ra. Mọi cặp mắt đều đổ dồn về phía Khôi. Tuy không ai hỏi câu nào. Khôi có vẻ bất ngờ khi gặp Phiến. Tôi nhận thấy mặt Khôi bối rối hẳn.

- Thế nào, xem được bảng chứ?

- Được, vất vả lắm.

- Dì Hạnh và Thục đậu hay rớt?

- Cả hai cùng đậu, Thục đậu bình thứ lận.

Kim hỏi:

- Còn tụi này. Kim, Thủy, Uyển, Phiến.

- Không thấy. Đông quá chưa coi hết được, mới coi được mình Hạnh và Thục thôi.

Kim thở dài:

- Không lẽ lại đi cả tàu mấy đứa một lúc.

- Chưa xem mà, ngày mai đi.

- Chắc Uyển rớt rồi, khỏi xem cũng biết.

Tôi cười:

- Hy vọng lên chứ cô bé, chưa chi đã vội than.

- Bây giờ Khôi trở vào xem giúp một lần nữa đi, tụi này sốt ruột rồi. Hạnh và Thục đậu, gồ ghề quá, Thục bình thứ lận sao?

Khôi gật đầu, nói luôn:

- Bây giờ Đông vào xem đi, chen mệt phờ cả người.

Thủy lo lắng hơn cả:

- Thủy chắc gần với Thục. Vần T cả đấy. Đông nhớ nhé.

- Nhớ chứ.

Tôi chen vào đám đông. Một lúc lâu mới nhìn vào tấm bảng. Tôi dò theo số ký danh từng người một. Chỉ có mình Thủy đậu. Ba người kia không thấy tên. Tôi trở ra nói:

- Thủy đậu, ba người kia không thấy tên.

Tôi thấy sự thất vọng hiện rõ trên gương mặt Uyển. Kim thẫn thờ, còn Phiến im lặng như sắp khóc. Thủy nở một nụ cười:

- Trời ơi may quá.

Khôi an ủi Phiến. Tôi dỗ dành Kim và Uyển. Những giọt mưa không ngớt rơi xuống từ cây lá trên đầu. Tôi thấy ba cô gái như sắp khóc. Mặt người nào cũng thẫn thờ méo xệch. Tôi không biết khi có kết quả kỳ thi tôi và Khôi sẽ như thế nào. Tôi buông thõng:

- Yên chí, kỳ tới thi lại. Lo gì.

Nhưng Uyển đã khóc. Những giọt nước mắt lăn dài. Kim dỗ dành bạn. Tôi và Khôi bối rối nhìn nhau. Kim nói:

- Thôi để Kim đưa Uyển về.

Hai người dắt xe đạp chậm trên đường, những giọt mưa rơi theo lá phía sau lưng. Chưa bao giờ tôi thấy hình ảnh của hai người con gái đẹp như thế. Cái dáng buồn rầu của họ như làm chùng cảnh vật, màu sắc bị che lấp bởi hai cái bóng lướt chậm trên đường. Hai người con gái thi rớt lần đầu tiên. Họ khóc.

Tôi nói:

- Bây giờ người thi đậu tính cái gì đi chứ. Bao giờ khao tụi này?

Thủy cười:

- Để xem.

- Nhanh lên không tụi này đi mất.

Thủy chớp mắt:

- Bây giờ khao kem trước, được không?

- Gì mà chả được.

Khôi chở Phiến còn tôi chở Thủy tới quán kem. Quán ở bên bờ sông. Lúc chúng tôi tới không có ai trong quán ngoài mấy người hầu bàn thảnh thơi ngồi nhìn ra ngoài đường, và tiếng nhạc trong quán buồn buồn. Bốn người ngồi quanh cái bàn vuông kê sát lan can nhìn xuống mặt sông. Mặt bàn lạnh băng như nước sông lờ đờ ngầu đục bên dưới. Trời lạnh đi ăn kem. Tôi thấy một nỗi kinh ngạc với chính mình. Nhưng tôi thích con sông trưa này. Và một bầu trời nặng nề hơi nước. Khôi ngồi bên Phiến. Tôi nghĩ rồi hai người phải yêu nhau. Còn tôi làm sao yêu được Thủy. Tình cảm lạ lùng, buồn cười không thể giải thích được.

Tôi nghe Khôi hỏi Phiến:

- Thi rớt buồn không?

Phiến mỉm cười. Tôi đùa:

- Cười sao mà như khóc vậy?

- Đang khóc đấy.

Khôi nói:

- Sang năm thi lại. Lo gì. Con gái không bao giờ mất dịp may nhìn ra mặt sông trắng xóa ngàn trùng.

Những ly kem ngó thấy lạnh băng. Tôi nhìn Thủy đưa chiếc muỗng nhỏ vào miệng với chút kem màu hồng. Thủy cắn muỗng giữa hai hàm răng nhìn tôi.

- Anh Đông và Thục ra sao?

Tôi đáp không vui không buồn:

- Bình thường.

- Vui vẻ chứ, Thủy nghĩ như vậy.

- Tại sao lại nghĩ như vậy?

- Vì Thủy mong như thế.

Tôi thấy Thủy nhỏ bé và tội nghiệp quá trong câu nói. Tôi không muốn nhắc chuyện đó, tôi không muốn gợi lại ở

Thủy một điều gì làm Thủy tủi thân. Thủy thi đậu, cô bé đang vui. Tôi muốn Thủy giữ mãi niềm vui đó như là một liều thuốc hồi sinh tình cảm của mình. Và tôi hy vọng sau mùa hè, ngày tựu trường mới Thủy sẽ dễ dàng, nhanh chóng quên tôi.

- Bao giờ Thủy về quê?

- Đã có kết quả, chắc vài hôm Thủy về.

Khôi cười:

- Nhưng phải ăn khao mới được. Đừng về quê rồi quên luôn.

- Thủy nhớ chứ. Thủy đi với Phiếm mà.

- Bao giờ Thủy lên?

- Tựu trường mới lên lại, cũng có thể là không bao giờ lên tỉnh này.

Tôi nói:

- Mong sau mùa hè nhiều chuyện sẽ đổi khác, Thủy cũng sẽ đổi khác.

- Nghĩa là sao anh?

- Thủy sẽ lên lớp mới, Thủy sẽ lớn, và chắc chắn Thủy sẽ vui hơn bây giờ.

Thủy buông chiếc muỗng trong ly, mắt hướng ra sông. Gió từ sông thổi lên lạnh bạc và buồn lòng như mùa đông đã tới. Khôi và Phiến nói nhỏ với nhau những gì tôi không nghe được. Có lẽ từ chuyện Phiến thi rớt mà mọi điều sẽ thay đổi chăng. Tôi mong như thế. Tôi mong họ thân thiết hơn. Ẩn là một người vắng mặt. Tôi cũng thấy là một điều hợp lý. Dĩ nhiên, đó là một nỗi buồn. Tôi ăn những muỗng kem chậm chạp nghe hơi lạnh thấm vào đầu lưỡi. Tiếng nhạc trong quán phủ xuống, như tràn ra cả mặt sông mênh mông dưới kia.

Phiến bảo:

- Có ai nghe thấy tiếng sóng?

- Buồn quá.

- Phiến thích ngồi đây vào buổi tối thật khuya. Lúc ấy tiếng sóng nghe như tiếng đàn.

Phiến cười:

- Nhiều lần như thế.

Tôi đùa:

- Lúc đó Phiến thương ai nhất và nhớ ai nhất?

- Thương mình nhất và nhớ mình nhất.

- Hay.

Những ly kem rồi lần lượt cũng hết. Tôi uống một ngụm nước lạnh trong chiếc ly nhỏ có pha chút bạc hà xanh. Trời mù mù phía bên kia sông như thế sẽ có một cơn mưa nữa từ bên đó sang. Tôi nói với Khôi:

Mình chưa qua đó bao giờ Khôi nhỉ?

- Hôm nào qua.

- Phải mướn một chiếc xuồng.

- Mùa trái cây đã hết. Qua bên ấy chắc buồn lắm, toàn cây và bãi cát vàng ánh.

Khôi trả tiền. Thủy dằng lại:

- Thủy bao mà.

Tôi nói:

- Đùa chứ ai mà bắt Thủy trả. Hôm khác tha hồ bao, bây giờ để Khôi trả.

- Kỳ quá.

- Thủy trả mới kỳ, nghe không?

Thủy đành để Khôi trả. Tôi đưa Thủy về. Khôi đưa Phiến về. Hai đứa đi hai đường khác nhau. Tôi nói với Thủy:

- Mong hai ông bà ấy yêu nhau cho rồi.

- Như anh Đông và Thúc?

- Tôi biết Thủy buồn nhiều. Và tôi cũng hiểu Thủy ra sao. Nhưng tình cảm không thể giải thích được.

Thủy ngăn tôi:

- Đừng anh Đông, Thủy thích im lặng hơn.

- Bây giờ trở đi chúng ta im lặng.

- Nỗi im lặng tuyệt vời, phải không?

Tôi dừng xe cho Thủy xuống trước nhà. Tôi nhìn Thủy, gật đầu. Thủy bỗng vui vẻ như một con chim:

- Mai mốt mời anh Đông tới dự tiệc nhé.

- Khao lớn?

Thủy cười:

- Phải khao lớn chứ, để rồi mai mốt bắt anh cũng phải khao lớn như vậy.

- Nếu có về quê bất ngờ thì đừng quên mang quà lên đấy nhé.

- Yên chí. Không về bất ngờ đâu. Không khao tụi nó chửi chết.

Tôi quay xe về. Con đường chạy ngang nhà Thục lạnh băng với hai hàng cây đứng im phắc. Những con chim. Hót ríu rít trên cao. Cây phượng già đã chết. Suốt con đường nhiều hoa như đã tàn tạ từ bao giờ tôi không hay. Dấu tích của trận bão để lại là những cái cây gãy ngang. Cánh cổng nhà Thục đã mất tăm hai cây bông giấy đỏ. Tôi chạy ngang qua nhìn vào, thoáng thấy bóng đứa em Thục đứng trước thềm nhìn ra. Không biết Hiền có thấy tôi? Chạy được một quãng tôi mới nhớ là Thục thi đậu. Chắc nhà chưa xem bảng. Tôi quay trở lại gọi Hiền. Con bé chạy ra. Tôi cười với nó.

- Anh Đông đi đâu đó?

- Gặp Hiền nói cái này.

- Chứ không phải nói với chị Thục sao?

- Thục về quê, tôi biết mà.

Hiền tinh ranh ngó tôi:

- Vậy nhờ nhắn lại chuyện gì?

- Nói với Thục rằng tôi có xem bảng giùm. Thục đậu bình thứ lận.

Hiền reo lên:

- Thật không anh Đông?

- Thật chứ, tôi vừa xem bảng về ngang đây gặp Hiền đấy.

- Vậy mà ba Hiền đi nãy giờ chưa về. Chị Thục đậu bình thứ, gồ ghề quá ta.

- Thôi, chào nhé.

- Cám ơn anh Đông nghe, mai mốt chị Thục lên anh Đông ghé nhà chơi nhé.

Tôi cười dắt xe quanh lại và đạp về. Dọc đường tôi thấy ba Thục đạp xe đi ngược chiều với tôi. Ông đội cái mũ cối trắng đi dưới những chiếc lá bay. Tôi nghĩ hoài về người đàn ông đó suốt cả quãng đường về nhà.

Bà giúp việc ra mở cổng cho tôi, bà nhìn tôi e ngại:

- Tưởng trưa nay cậu không về ăn cơm.

- Thế nào cũng về chứ, nếu không về tôi đã nói trước.

- Cậu đói bụng chưa?

Tôi cười, dắt xe vào. Bà giúp việc đã dọn sẵn bữa cơm. Tôi đói, nhưng tự nhiên lười biếng không muốn ăn. Lại thêm một bữa ăn nữa thiếu dì Hạnh. Tôi thấy căn nhà hoàn toàn vắng lặng, mất mát một hơi ấm, và những bữa cơm chả thú vị như ngày nào.

- Tôi không muốn ăn nữa.

Bà giúp việc e dè:

- Không đói cậu cũng phải ăn một chén. Cậu bị mưa à:

Tôi lắc đầu. Tuy nói thế nhưng tôi cũng ngồi vào bàn ăn. Bà giúp việc bới cơm cho tôi. Nhìn bàn tay bà tự nhiên tôi nhớ mẹ tôi, nhớ muốn khóc. Nếu qua kỳ thi này tôi rớt chắc mẹ tôi buồn lắm. Bà giúp việc chắc cũng khoảng tuổi với mẹ tôi. Bà lui tới trong căn nhà với chiếc bóng của một quá khứ nào đó. Tôi nghĩ thế.

- Cô Hạnh bao giờ lên, hả cậu?

- Khoảng vài hôm nữa. Không chừng sáng ngày mai, hay chiều nay cũng nên.

- Cô ấy đậu hay rớt?

- Đậu, tôi mới xem bảng.

Một thoáng mừng rỡ trên nét mặt của bà:

- Chà, may quá. Vậy chắc cô Hạnh lên sớm để ăn mừng chứ.

- Mai mốt cô ấy lấy chồng rồi.

Bà giúp việc ngạc nhiên nhìn tôi. Tự nhiên tôi thấy nghẹn ứ ở cổ. Tôi buông đũa và thẩn thờ về phòng mình. Căn phòng cũng vắng lạnh như thời tiết của ngày hôm nay. Chuyến xe lửa về trong buổi trưa hú còi vượt qua những khoảng cây tôi ngó thấy được. Tiếng máy nổ buồn bã mất hút. Tôi không biết làm gì hơn là đi ra đi vào nhìn bầu trời nặng nề hơi nước. Tôi đoán trong buổi chiều trời sẽ mưa nữa. Tôi thấy nhớ mẹ tôi và quê nhà. Bây giờ ở lại trong căn nhà vắng thiếu dì Hạnh tôi cũng mới nhận ra là tôi quá nhớ dì. Rồi tôi sẽ mất dì Hạnh. Mai mốt lên đọc thư, chắc chắn dì sẽ phải có quyết định. Tôi thoáng một ý nghĩ nếu dì Hạnh có chồng thật chắc tôi cũng phải bỏ trường, bỏ tỉnh lỵ mà đi. Buổi chiều lúc tôi thức dậy, dì Hạnh cũng vừa về trong một cơn mưa lớn. Chiếc xích lô ngừng lại trước cổng và bà giúp việc ra mở cổng cho dì vào. Lúc ấy tôi đứng trên bao lơn nhìn xuống thấy dì chạy lốc xốc trên lối đi vào nhà, mưa đan kín màu áo của dì. Tôi không ngờ dì Hạnh về sớm như vậy. Như thế Thục cũng đã về sớm với dì Hạnh. Bây giờ Thục đã biết tin mình đậu rồi. Thục sẽ vui mừng?

Tiếng chân dì Hạnh lên cầu thang, và dì tới gần tôi. Nụ cười của dì làm tôi xúc động. Dì hỏi:

- Có kết quả rồi hả Đông?

Tôi gật và hỏi dì:

- Sao dì lên sớm thế.

- Nhớ tỉnh lỵ quá, hai đứa gần sắp khóc nên về thôi.

- Hai người đậu cả, Thục đậu bình thứ.

Dì Hạnh đã biết tin do bà giúp việc nói lại. Dì vui tươi kể chuyện quê Thục. Một lúc dì hỏi tôi:

- Trên này Đông thế nảo

- Nhớ dì quá đi thôi.

- Xạo, nhớ nàng thì có.

- Có thư của dì.

Tôi vào lấy cho dì bức thư. Dì hốt hoảng khi nhận ra nét chữ của ba dì. Đọc xong bức thư dì muốn khóc, dì nhìn tôi:

- Đông biết rồi, chuyện đùa mà hóa ra thật.

- Làm sao Đông?

- Dì phải có quyết định, và dì lên trên đó gấp.

- Dì sợ quá, dì không biết gì về chuyện này.

Và dì Hạnh đã khóc. Tôi để yên cho dì khóc. Tôi không hiểu ba dì nghĩ sao khi có quyết định gả dì quá sớm. Người con gái chưa sống hết một thời học trò đã có những ràng buộc lớn lao. Tôi vẫn nghĩ dì hãy còn bé. Dì có thể là một con búp bê chứ không thể làm một người vợ. Tôi đoán ba dì chắc cũng dính dáng gì tới chuyện làm ăn sao đó. Gả dì dĩ nhiên phải có một chủ định.

- Dì không đi đâu hết.

- Không đi cũng không được. Nếu dì đi mà cương quyết không chấp nhận còn hơn.

- Lên với ba dì sợ rồi dì không về được. Nếu dì cương quyết không chấp nhận chuyện đó thì ông bắt dì học luôn ở Sài Gòn.

- Dù sao, dì cũng nên đi.

Tôi nói luôn với dì trong lúc tôi xuống cầu thang:

- Đông đã đọc được những trang nhật ký của dì trong mấy cuốn sác.h Và tôi đi không quay lại. Hình như dì Hạnh có gọi tôi. Cơn mưa tầm tã ngoài vườn. Tôi nói bà giúp việc dọn cơm cho dì Hạnh và ra đứng ngoài thềm nhìn những chiếc bóng mưa nối đuôi nhau. Một thoáng chúng vỡ tan dưới chân tôi. Trời hơi lạnh gây gây da thịt. Tôi thấy mình hơi tàn nhẫn cho dì Hạnh biết như thế. Thà tôi giữ kín còn hơn. Tôi có tàn nhẫn với chính tôi không? Hình như một lúc nào đó tôi sợ phải nghĩ tới dì Hạnh. Bây giờ có lẽ đã tan vỡ cả. Tôi có Thục. Dì Hạnh sắp có chồng. Một thời sương đã bay qua. Tôi vào nhà lấy áo mưa và đi ra đường. Trời mưa lộp bộp trên áo, tóc tôi ướt đẫm nước. Tôi đi bộ dưới cây và đi dài theo con đường có nhiều cỏ xanh trong chân rào. Tôi đi mãi, đi loanh quanh không định hướng, nhưng tình cờ tôi thấy cánh cổng nhà Thục hiện ra trước mặt. Tôi thấy Thục đứng trên thềm.

Thục chạy ra, ngạc nhiên hỏi tôi:

- Đi đâu thế này, anh?

Tôi nói:

- Anh vào được không?

- Ông già ở trong nhà.

- Anh cần gặp em.

- Có gì quan trọng không?

- Không, chỉ nhớ em thôi.

Thục lo sợ nhìn vào trong. Mái tóc Thục đã ướt nước. Nàng đứng dưới một chòm lá không đủ kín để che những giọt mưa nhiễu xuống, Thục không mở cổng cho tôi vào. Nàng bảo:

- Mai em tới, anh về đi, ông già ngó thấy thì chết.

- Em mới thi đậu ổng chả nỡ la đâu.

- Ăn nhằm gì, ổng vẫn la như thường.

Tôi hỏi:

- Anh vào không được sao?

- Không, anh, đừng làm em sợ.

- Anh về.

Tôi thấy Thục muốn khóc. Thục chạy vội đi với những giọt mưa đan kín tóc nàng. Tôi theo con đường nhà Thục đi thẳng ra bờ sông. Không có ai ngoài tôi đi trên đường. Đến một lúc tôi bắt đầu thấy lạnh cóng tay chân mới bước vào một quán nước. Tôi ngồi cho đến hết cơn mưa mới quay về nhà. Dì Hạnh ngồi thẫn thờ trên ghế. Tôi ngồi xuống chiếc ghế đối diện với dì.

- Đông đi đâu trong cơn mưa vậy?

- Ra phố.

- Đông điên rồi hả, lạnh chết.

Tự nhiên tôi cười:

- Còn sống nhăn răng đây.

- Đông có ghé Thục?

Tôi gật đầu:

- Nhưng Thục không cho vào.

- Rồi Đông đi đâu?

- Đi ngồi quán Hết cơn mưa mới về.

Mắt dì Hạnh đỏ ửng. Tôi biết ở nhà dì Hạnh đã khóc nhiều. Bữa cơm dì vẫn chưa ăn còn nguyên thức ăn trên bàn. Cơn mưa làm người ta quên buổi chiều, lúc tôi nhìn đồng hồ thì đã sáu giờ hơn. Bên ngoài chỉ thấy mưa chứ không thấy dáng trời nữa. Tôi ngồi với cái lạnh chưa tan dứt trong da thịt mình. Gió lạnh lùa vào cửa, tôi cảm thấy khó chịu như người đau. Tôi bỏ về phòng. Tôi nằm dã dượi đến khi trời tối hẳn để nhận ra cơn đau từ đâu kéo tới đè nghiến lấy thân thể mình. Đầu tôi hấp nóng và hơi rét đi lạnh buốt trong đường xương sống. Tôi không bật đèn lên nổi. Mọi vật đã chìm vào trong bóng tối lờ mờ và quay cuồng trước mặt tôi.

Bà giúp việc gọi tôi ngoài cửa. Tôi cố gắng lắm mới đáp được lời bà, tôi nói:

- Không ăn cơm.

Rồi hình như tôi lịm trong cơn mê. Đến khi đèn trong phòng đột nhiên bật sáng, tôi mở mắt ra thấy dì Hạnh ngồi bên giường nhìn tôi.

Đông bị đau rồi, tại Đông dầm hết cơn mưa lớn.

Tôi gật đầu, nghe hơi thở mình nóng như có lữa. Dì Hạnh thoa dầu lên trán tôi, dì lo ngại nói:

- Một chút Đông phải uống thuốc, cảm mưa nguy lắm. Dì bảo bà giúp việc cạo gió cho.

Tôi lắc đầu. Bàn tay dì Hạnh để trên trán tôi, êm ấm và nồng nàn khiến cho tôi phải nhắm mắt lại. Nhưng tôi hình dung ngay được dì Hạnh với gương mặt, đôi mắt, nụ cười, mái tóc. Tôi cố xua đuổi những hình ảnh lởn vởn trong óc. Tôi nghĩ tới Thục. Tôi yêu Thục.

- Dì sẽ nhờ Thục tới đây ngày mai săn sóc cho Đông nhé?

Tôi ngạc nhiên:

- Dì đi đâu?

- Dì lên Sài Gòn.

Tôi thấy người như rơi vào trong một khoảng không mênh mông lạnh giá. Tôi mở mắt nhìn dì Hạnh, mắt dì tối hẳn lại, buồn bã như sắp khóc. Dì đứng một góc phòng ngước nhìn ngọn đèn. Một lúc dì nói:

- Sáng dì đi sớm, xe lửa.

- Đi về không?

- Chưa biết được. Mọi việc bà giúp việc lo cho Đông. Nếu có gì quan trọng dì sẽ đánh điện tín.

Tôi ngồi bật dậy làm dì Hạnh hoảng hốt. Nhưng tôi phải dựa đầu vào tường mà thở ra. Tôi thấy chóng mặt như sắp ngất đi. Dì Hạnh nói:

- Dì tới Thục ngay bây giờ, Đông có nhắn gì không?

Tôi lắc đầu, hỏi dì:

- Mưa tạnh chưa dì?

- Chưa, vẫn còn lớn.

Dì ra đứng ngoài cửa nói:

- Để dì kêu bà giúp việc mang thuốc lên cho Đông uống nhé.

Tôi nhìn dì Hạnh loáng thoáng qua khỏi cánh cửa. Tự nhiên tôi chơi vơi như rơi vào một khúc sông chảy xiết. Tôi không muốn nghe con tàu hỏa đi trên đường rầy với tiếng máy nổ dập dình trong buổi sớm ngày mai. Rồi ánh đèn pha của nó quét sáng một vùng cây lá sương mù, và tiếng còi hú dài kéo theo tiếng chim rơi mất trước một ngày có mặt trời lên.

Từ Kế Tường


--------------------
Mùa nào cũng buồn ...
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Posts in this topic


Reply to this topicStart new topic
2 User(s) are reading this topic (2 Guests and 0 Anonymous Users)
0 Members:

 



Lo-Fi Version Time is now: 20th May 2024 - 07:29 AM