Thanh Thúy tiếng hát liêu trai, Cát Linh |
Thanh Thúy tiếng hát liêu trai, Cát Linh |
Mar 7 2017, 11:29 AM
Post
#1
|
|
Phố Cũ Group: Năng Động Posts: 2,691 Joined: 21-April 08 Member No.: 43 Country |
Thanh Thúy tiếng hát liêu trai Tiếng hát liêu trai Thanh Thuý khi nhắc nhớ lại ngày đầu tiên bà trình diễn cho khán giả của mình trên đất Mỹ, mùa xuân năm 1976. Sau 40 mùa xuân xa quê, kể từ tháng Tư năm 1975, bà chưa một lần quay về quê hương. Cho dù, như lời bà kể, đã rất nhiều lần người ca sĩ rơi nước mắt khi đọc được, hay nghe được một lời nhắn gửi của khán thính giả yêu thương gọi mình quay về đứng hát trên quê nhà. Nữ danh ca nhớ lại ngày đầu tiên hát cho khán giả của mình, ở một nơi không phải là quê hương, và lại là những ngày đầu năm mới, bà kể lại thế mà “lúc đó không có hát Xuân nhiều, chỉ hát bài Tâm sự ngày xuân, Chuyện buồn ngày Xuân. Sau đó là những bài như Vĩnh biệt Sài Gòn, gần như là những bài xa quê thôi.” “Buồn lắm. Những ngày đó bên Seattle cũng có tuyết, lạnh lắm. Không một chút gì giống Việt Nam hết. Ở Việt Nam, những ngày Tết mình đi mua hoa, đi chợ Tết, mua sắm trái cây, mứt bánh để cúng giao thừa. những ngày tết cũng đi hát nhưng gần gũi với gia đình… Buồn lắm, không thể nào là nói giống được hết. Nó quá đau thương, chỉ có khóc. Không thấy mùa xuân là gì hết. Không có gì vui hết.” Anh bỏ em/Để ra đi một mình/ Giữa đêm sương lạnh lùng/ Chim xa bầy còn thương tổ ấm/ Huống chi người tội lắm anh ơi/ Xuân năm nào có nhau/ Mình chung ly rượu đào/ Mùi quê hương ngọt ngào…” (Chuyện buồn ngày xuân) “Năm đó là năm đầu tiên, nên những người nhạc sĩ đặt những bài rất đúng tâm trạng, buồn lắm. Bữa đó hát cũng nhiều bài, mà phần nhiều là những bài xa quê hương, Sài Gòn niềm nhớ không tên, Quê hương bỏ lại…” Có lẽ không phải chỉ riêng nữ danh ca Thanh Thuý, mà tất cả những người phải rời quê hương, đón Tết nơi đất khách năm đó cũng đều có chung một nỗi niềm. Sài Gòn những ngày cận Tết vẫn còn mới nguyên trong tâm trí của họ… nhưng thật ra là đã rất xa. Xa từ tiếng pháo đì đùng khắp phố phường, đến xác pháo rơi vãi trong từng ngõ hẹp. Xa cả hình ảnh những cô thiếu nữ trong tà áo dài khoe sắc trong nắng xuân. Người nghệ sĩ, trong nỗi niềm nhớ cố hương khôn cùng, cố gắng mang lại cho khán giả của mình hơi ấm mùa xuân ngày cũ trên đất khách. “Mùa Xuân mang cho thế gian giấc mơ thần tiên nhất đời Đường xa thăm viếng nhau lời chúc Xuân tha thiết nghe tuyệt vời Giàu sang đón mùa Xuân lâu Nghèo không có mùa Xuân đâu Hai kiếp đời người thì đỉnh núi kẻ thì vực sâu đớn đau…” (Mùa xuân hoa đào) “Sau đó tôi cũng đi hát nhiều lắm. Gần như Xuân nào cũng đi hết. Thành ra mình thấy ra đi là đi vậy thôi. Ở bên này có thấy gì là tết đâu. Vì Tết năm nào cũng phải rời xa gia đình để đi đến nơi khác chỗ mình ở là California. Năm nào cũng vậy, hát cho đồng bào mình nghe, hát cho khán thính giả mình nghe. Khán thính giả cũng cùng một tâm trạng với mình lúc đó. Lúc đó, người nào cũng đau buồn, nhớ nhà, nhớ những ngày xuân ở Sài Gòn, nó vui như thế nào. Tôi rất tiếc những ngày vui đó không còn nữa…” “Nhặt cánh hoa vàng tim ngẩn ngơ Ngoài hiên tin xuân đến bao giờ Lòng thấy bồi hồi trong trí nhớ Nàng Xuân sao vội đến Không chờ không đợi một ai Nào có vui gì để đón xuân Mùa xuân năm nay thiếu ân tình Từng cánh mai vàng trong xác pháo Giờ đây đâu còn nữa Những mùa xuân đẹp ngày xưa…” (Ngày về có tin xuân) “Ngày về có tin xuân”, sáng tác của cố nhạc sĩ Anh Bằng là ca khúc xuân mà nữ danh ca Thanh Thuý đã thực hiện trong album nhạc đầu tiên sau khi đặt chân đến hải ngoại. Rồi cứ từng mùa xuân trôi qua, người nghệ sĩ cùng với khán giả của mình nơi quê người mỗi năm “cùng nhau đón thêm mùa xuân”. Dẫu cho “xuân dù thay đổi biết bao lần” nhưng những hình ảnh yêu thương truyền thống của ngày Tết nơi quê nhà vẫn không phai mờ. Thanh Thuý nói rằng những ngày xuân lưu diễn xa nhà, dù có buồn vì xa gia đình, người thân nhưng bà luôn thấy ấm cúng vì lúc đó, khán giả là tình thân. “Tất cả những mùa xuân đó phải nói buồn thì buồn thật. Nhưng, phải nói là khán giả đến với mình rất dễ thương và đầm ấm. Coi như khán giả là những người trong gia đình của mình. Họ săn sóc từ những giọt nước mắt cho đến những cái bắt tay, những cái ôm, rồi an ủi nhau. Đó là hạnh phúc của mình đó. Tuy là buồn không được gần gia đình nhưng đó là những cái an ủi mình rất lớn.” “Trên đường đi lễ xuân đầu năm Qua một năm ruột rối tơ tằm Năm mới nhiều ước vọng chờ mong May nhiều rủi ít ngóng trông Vui cùng pháo đỏ rượu hồng….” (Câu chuyện đầu năm) Tôi cầu trời Phật, Thượng đế cho Việt Nam mình sống trong thanh bình, không còn những gì bất công, không vui nữa. Thiệt tình mà nói ai lại không muốn về. Nhưng bây giờ thì chưa được. Một ngày nào không còn vấn đề mất tự do như bây giờ thì tôi sẽ về. Nhưng ngày đó không biết mình còn sống hay không để về gặp những người thân thương của mình, khán thính giả của mình. Thế rồi sau bao nhiêu năm tự nhận là đã bôn ba rất nhiều, giờ đây, bà dành trọn những ngày Tết thiêng liêng cho gia đình, tình thân. Bà nói rằng mình đã có thể cúng ông bà và đón giao thừa với gia đình, nhưng điều mà mấy mươi năm qua, bà đã không có được trong những ngày đầu xuân. Nỗi đau buồn làm người ly hương trong mùa xuân đầu tiên đã nguôi ngoai được phần nào, mặc dù không thể nói là hết được. “Khoảng 10 năm nay gần như không có Tết nào tôi nhận lời ở đâu hết. Trước đó, mình còn đi hát nhiều, nên mình phải đi. Bây giờ, sau 10 năm nay, tôi từ chối tất cả những show mời Tết, ngay cả những hội từ thiện, hay chùa, hay nhà thờ, tôi đều từ chối hết. Sau thời gian hết bôn ba, tôi thấy rằng mình phải ở nhà những ngày Tết.” “Thứ nhất là tôi muốn ở nhà để lo sửa soạn đón giao thừa, lo cúng Phật. Đó là điều tôi rất cần. Vì cuộc đời của tôi, tôi nghĩ là Phật đã cho tôi rất nhiều phước lành. Cho nên tôi không đi hát những ngày xuân nữa để 30 là tôi lo cúng Phật, cúng giao thừa, ông bà cha mẹ. Mình phải cúng 3 ngày liền như vậy, từ mùng 1, mùng 2, mùng 3 đến mùng 4 mình mới đưa ông bà đi về trời. Gần 10 năm nay là như vậy rồi.” Với người ca sĩ, âm nhạc là cuộc đời, là hơi thở, là nghiệp dĩ. Cho dù ở hoàn cảnh đau buồn nhất, là khi quê hương đã nghìn trùng xa cách; hay trong khoảnh khắc làm cho người xa quê nhớ về cố hương nhất là khi mùa Xuân về, thì người ca sĩ đã mang những âm thanh kỳ diệu đầy hoài niệm để xoa dịu nỗi niềm nhớ thương. Thanh Thuý đã mang tiếng hát liêu trai ma mị của bà đến với người Việt ly hương khắp nơi trên thế giới trong mấy mươi năm qua. Dù thương nhớ, nhưng chưa một lần bà quay về để tìm lại hơi thở của mùa xuân trên mảnh đất chất chứa rất nhiều kỷ niệm, kỷ niệm của Sài Gòn và tiếng hát liêu trai. “Tôi cầu trời Phật, Thượng đế cho Việt Nam mình sống trong thanh bình, không còn những gì bất công, không vui nữa. Thiệt tình mà nói ai lại không muốn về. Nhưng bây giờ thì chưa được. Một ngày nào không còn vấn đề mất tự do như bây giờ thì tôi sẽ về. Nhưng ngày đó không biết mình còn sống hay không để về gặp những người thân thương của mình, khán thính giả của mình.” 40 năm, một thời gian gần nửa đời người. Nhưng dù thêm 40 năm nữa cũng không thể làm phai nhoà hình ảnh của mùa xuân Sài Gòn trong tâm trí của người Việt Nam. Trong mùa xuân đó, giữa hoa mai, hoa đào, giữa những tiếng pháo mà chỉ còn là hoài niệm, có một tiếng hát liêu trai sẽ mãi vang lên, đưa ký ức người nghe quay về Sài Gòn khi có tin Xuân. “Vật đổi sao dời ai có hay Mùa xuân tha hương đất khách này Nặng trĩu tâm hồn tôi mới nhớ Tình xuân đâu còn ấm Để mà nâng rượu mừng xuân” Cát Linh -------------------- |
|
|
Lo-Fi Version | Time is now: 19th November 2024 - 06:45 AM |