Welcome Guest ( Log In | Register )

 
Reply to this topicStart new topic
> Tổng Thống Ngô Đình Diệm (1901-1963), Nguyễn Hùng Kiệt
KhoaNam
post Jun 6 2019, 10:24 AM
Post #1


Bảo vệ tổ quốc
***

Group: Năng Động
Posts: 7,735
Joined: 8-August 09
Member No.: 4,377
Country




Tổng Thống Ngô Đình Diệm (1901-1963)




Tiểu Sử

Ngô Đình Diệm (Hán tự:吳廷琰) sinh ngày 3 tháng 1 năm 1901 tại Huế trong một gia đình quyền quý theo Công giáo ở Việt Nam, tên thánh của ông là Jean Baptiste (Gioan Baotixita).

Gia Đình

Theo các tài liệu lịch sử đã được công bố, Tổng Thống Ngô Đình Diệm sinh ngày 3 tháng 1 năm 1901 tại Huế trong một gia đình công giáo danh vọng bậc nhất miền Trung thời đó. Thân phụ là cụ ông Ngô Đình Khả và thân mẫu là cụ bà Phạm Thị Thân, nguyên quán làng Đại Phong, Huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, Trung Phần Việt Nam. Cụ Ngô Đình Khả là Thượng Thư triều đình Huế kiêm Phụ Đạo Đại Thần và cũng là Cố Vấn của vua Thành Thái.

Gia đình ông bà cụ cố Ngô Đình Khả có tất cả 9 người con: 6 người con trai và 3 người con gái. Trưởng nam là Tổng Đốc Ngô Đình Khôi đã bị cộng sản giết năm 1945 cùng với người con trai là Ngô Đình Huân; Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục; Tổng Thống Ngô Đình Diệm là người con trai thứ ba; ba người con gái là bà Ngô Đình Thị Giao, tức bà Thừa Tùng; bà Ngô Đình Thị Hiệp, tức bà Cả Âm, thân mẫu Hồng Y Nguyễn Văn Thuận và bà Ngô Đình Thị Hoàng, tức bà Cả Lễ, nhạc mẫu nghị sĩ Trần Trung Dung, tiếp theo là ba người con trai: Cố vấn Ngô Đình Nhu, Cố vấn Ngô Đình Cẩn và đại sứ Ngô Đình Luyện, người con út trong gia đình.

Cụ Cố Ngô Đình Khả nổi danh là một vị khoa bảng xuất chúng. Thời đó, tại Việt Nam rất hiếm có người được hấp thụ cả hai nền giáo dục Đông và Tây như Cụ. Lúc thiếu thời, Cụ theo Nho học, sau đó vào chủng viện học chương trình Pháp, rồi được gửi sang đại chủng viện Penang để học Triết học và Thần học Tây Phương bằng tiếng Pháp và tiếng La Tinh. Cụ là một chủng sinh rất xuất sắc, nhưng vì không có ơn gọi để trở thành linh mục, Cụ đã xin trở về cuộc sống thế tục.

Cụ Cố Ngô Đình Khả còn nổi tiếng là một vị quan thanh liêm, cương trực, đức độ, một nhà ái quốc chân chính, là bạn thân của các nhà cách mạng nổi danh thời đó như cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Kỳ Ngoại Hầu Cường Để. Thành tích đáng kể nhất của cụ cố Ngô Đình Khả là nỗ lực thành lập Trường Quốc Học tại Huế, một trường công lập đầu tiên giảng dạy theo chương trình học thuật Đông Tây tại Việt Nam. Và chính Cụ là vị đại thần duy nhất đã can đảm công khai chống lại thực dân Pháp phế bỏ và đầy vua Thành Thái sang Phi Châu sống lưu vong, sau đó Cụ đã xin rũ áo từ quan về quê làm ruộng.

Lúc thiếu thời, ông Diệm còn đuợc theo học dưới sự dạy dỗ của một vị cha tinh thần khác, cũng nổi tiếng về kiến thức quảng bác, đức độ và lòng yêu nước: Đó là Quận Công Nguyễn Hữu Bài, Thượng Thư dưới triều vua Duy Tân. Ngài là vị đại thần duy nhất chống lại việc người Pháp tham lam muốn đào ngôi mộ vua Tự Đức để lấy vàng bạc châu báu. Vì thế dân chúng miền Trung thời đó vô cùng cảm kích ngưỡng mộ nên đã có phương ngôn: “Đày vua không Khả. Đào mả không Bài”.

Ngoài việc hấp thụ những đức tính cao đẹp và lòng yêu nước nồng nàn của thân phụ và nghĩa phụ, ông Diệm còn chịu ảnh hưởng sâu đậm của nền giáo dục Nho Giáo và Thiên Chúa Giáo. Thực vậy, nếu Nho Giáo đã hun đúc ông Diệm thành một con người thanh liêm, tiết tháo và cương trực thì nền giáo dục Thiên Chúa Giáo đã đào tạo ông Diệm thành một con người đầy lòng bác ái, vị tha và công chính.

Thời trẻ

Từ lúc còn nhỏ, ông được Nguyễn Hữu Bài – quan phụ chính trong triều dạy dỗ và coi như con đẻ, từ năm 15 tuổi ông vào học trường dòng với dự định sau này làm tu sĩ, nhưng không chịu nỗi kỷ luật khắt khe trong trường dòng, ông đã bỏ trường dòng ra xin học vào trường quốc học Huế
Từ năm 1919 ông ra Hà Nội học trường Hậu Bổ (trường hành chính) và tốt nghiệp 2 năm sau đó năm 1921.

Giai đoạn làm quan triều Nguyễn

Năm 1923, ông được bổ nhiệm làm Tri huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên, rồi Tri phủ Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
Năm 1929, ông được bổ nhiệm làm Tuần vũ tỉnh Bình Thuận.
Năm 1932, ông được bổ nhiệm Thượng thư Bộ Lại trong triều đình vua Bảo Đại. Trong thời gian này ông được bầu làm Tổng thư ký uỷ ban cải cách, ông đề xướng hai điều với chính quyền bảo bộ Pháp: một là thống nhất Trung và Bắc Kỳ theo Hòa ước Giáp Thân 1884 và hai là cho Viện Nhân dân Đại biểu Trung Kỳ được quyền tự do thảo luận các vấn đề. Việc thống nhất cốt sẽ buộc chính quyền Bảo hộ Pháp bãi bỏ khâm sứ Trung Kỳ và thống sứ Bắc Kỳ và thu về thành một viên tổng trú sứ (résident général) ở Huế mà thôi. Việc thứ hai là để canh tân lối cai trị cũ. Vì thấy không được chấp nhận, ông từ chức ngày 12.07.1933..

Hoạt động chính trị chống Pháp :1933-1945


Năm 1933, ông vào Sài Gòn cùng với Nguyễn Phan Long, Lê Văn Kim,… tổ chức phong trào của trí thức Nam và Trung Kỳ vận động chính giới Pháp tại Paris để đòi truất phế quan Toàn Quyền Đông Dương Pierre Pasquier. Việc không thành, ông bị Pasquier trục xuất khỏi Huế và chỉ định cư trú tại Quảng Bình.

Tuy nhiên, sau cái chết của Pasquier năm 1934, viên toàn quyền mới Eugene René Robin đã phục hồi tước vị hàm cho ông và ông về dạy tại trường Thiên Hựu do anh trai Ngô Đình Thục làm Giám học
Thời kỳ 1934-1944, Ngô Đình Diệm tham gia thành lập và lãnh đạo đảng Đại Việt Phục Hưng chống Pháp với thành phần đảng viên nòng cốt là quan lại, linh mục, cảnh sát, và lính khố xanh bản xứ tại Trung Kỳ. Tháng 7 năm 1944, mật thám Pháp phá vỡ tổ chức này, Ông Ngô Đình Diệm trốn vào Sài Gòn với sự giúp đỡ của hiến binh Nhật.

Tại Sài Gòn, ông đã tham gia thành lập Uỷ Ban Kiến Quốc với mục tiêu phò tá hoàng thân Cường Để, tuy nhiên Nhật không cho Cường Để về nước để lập làm vua mà vẫn tiếp tục sử dụng Bảo Đại để lập nên một chính quyền thân Nhật với quốc hiệu mới là Đế quốc Việt Nam. Bảo Đại đã từng mời ông làm thủ tướng trong chính quyền mới nhưng không thành mà thay vào đó là Trần Trọng Kim.

Trong thời kỳ Chiến tranh Đông Dương 1945-1954.


Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Bộ Tư Lệnh Nhật ở Đông Dương tổ chức đảo chánh lật đổ nhà cầm quyền Pháp. Đại sứ Nhật Yokohama yêu cầu vua Bảo Đại tuyên cáo Việt Nam Độc Lập trong khối Đông Nam Á. Đối phó với tình hình mới, nhà vua lại mời ông Ngô Đình Diệm về làm Thủ Tướng nhưng vì không muốn làm vật hy sinh, ông đã từ chối và nhà vua đã mời cụ Trần Trọng Kim lúc đó 62 tuổi thành lập nội các.

Ngày 15 tháng 8 năm 1945, khi Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng, Việt Minh khai thác sự đột biến hoang mang của quần chúng, đã tổ chức cướp chính quyền trong một cuộc biểu tình ngày 18 tháng 8 năm 1945 tại Hà Nội. Sau đó, Cựu Hoàng cũng tuyên bố thoái vị. Còn ông Diệm trên đường từ Sàigòn về Huế đã bị Việt Minh bắt tại Tuy Hoà và biệt giam tại Quảng Ngãi. Để củng cố địa vị, HCM đã mời ông Diệm hợp tác với chính phủ nhưng ông đã cương quyết từ chối. Khi bị giam tại Tuyên Quang, ông bị bệnh nặng được đưa về điều trị tại bệnh viện Saint Paul Hà Nội do áp lực của đảng phái quốc gia và Phó chủ tịch Huỳnh Thúc Kháng, nhưng ông đã được ông Nhu lúc đó đang làm việc tại Thư Viện Trung ương Hà Nội tìm cách cứu thoát.

Đến năm 1948, một lần nữa ông Ngô Đình Diệm từ chối lời mời của Cựu Hoàng thành lập chính phủ trong Liên Hiệp Pháp. Từ đó ông xuất ngoại, đi vận động ngoại giao tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Thụy Sĩ, Pháp, Bỉ và được Đức Giáo Hoàng Piô XII tiếp kiến tại La Mã.

Năm 1950, ông theo người anh trai là giám mục Ngô Đình Thục đi Vatican, sau đó sang Nhật gặp hoàng thân Cường Để đang sống ở đây, và sau đó ông sang Mỹ sống tại đây trong hai năm, phần lớn thời gian lưu trú tại các trường dòng Lakewood ở New Jersey và trường dòng Ossining ở New York, đây cũng là thời kỳ ông gặp hồng y Spellman, người đã đóng một vai trò rất quan trọng trong việc tạo nên sự nghiệp chính trị của ông sau này.

Vì tình hình chiến sự suy sụp mau chóng sau khi thất thủ tại Điện Biên Phủ 7.5.1954, Chính Quyền Pháp muốn rút lui trong danh dự nên đồng ý trao trả độc lập thực sự cho Việt Nam. Trước tình thế rất bi đát, đất nước có thể bị cắt làm đôi, Cựu Hoàng Bảo Đại đã kêu gọi lòng ái quốc và trách nhiệm trước sự tồn vong của dân tộc, đã yêu cầu ông Diệm nhận lãnh sứ mạng. Vì nghĩ rằng đây là cơ hội cuối cùng, ông có thể đứng ra lập chính phủ để cứu nước nên ông đã nhận lời, bất chấp sự can ngăn của các chính khách thân hữu. Sự kiện lịch sử này xảy ra ngày 19. 06. 1954, trước khi Hiệp Định Genève chia cắt hai miền Nam Bắc đất nước theo sông Bến Hải ngày 20. 07. 1954 đúng sau 31 ngày. Ngày 24 tháng 06 năm 1954 Thủ Tướng Diệm về nước thành lập chính phủ.

Thủ tướng Quốc Gia Việt Nam 19.6.1954-26.10.1955

Trong thời kỳ đầu làm Thủ tướng quốc gia Việt Nam, thực tế ông không có quyền lực đối với các lực lượng quân đội, cảnh sát với những người đứng đầu là Trung tướng Nguyễn Văn Hinh (gốc sĩ quan Trung tá Không quân Pháp, vợ Pháp) và Thiếu tướng Lê Văn Viễn (Bình Xuyên). Hai lực lượng này liên minh với nhau nhằm chống lại ông, ông cũng không kiểm soát được bộ máy quan chức dân sự vì các viên chức Pháp đang còn nhiều, nắm giữ các vị trí then chốt. Nền tài chính vẫn do ngân hàng Đông Dương mà phía sau là chính phủ Pháp quản lý. Thực tế trong gia đoạn đầu cầm quyền thủ tướng ông không có quyền hành.

Sự kiện quan trọng trong giai đoạn này là việc Tổng thống Hoa Kỳ Eisenhower gửi công hàm chính thức cho Thủ tướng Ngô Đình Diệm cho biết từ đây chính phủ Việt Nam nhận viện trợ trực tiếp của chính phủ Hoa Kỳ chứ không qua nhà đương cục Pháp như trước.

Ngô Đình Diệm cho rằng cơ hội duy nhất cho quốc gia Việt Nam đứng vững được là phải giành được độc lập thực sự, và ông nhất định thực hiện mục tiêu đó một cách dũng cảm và kiên trì hiếm có. Chỉ sau vài tháng nắm quyền thủ tướng, tháng 12 năm 1954 ông bãi bỏ quyền phát hành giấy bạc của ngân hàng Đông Dương, từ nay giấy bạc lưu hành trên lãnh thổ miền Nam sẽ do ngân hàng Việt Nam mới thành lập phát hành và cục hối đoái giao cho chính phủ Việt Nam quản lý, tiếp đó ông yêu cầu chính phủ Pháp giao lại cho Việt Nam trong thời hạn năm tháng việc kiểm soát quân đội quốc gia lâu nay vẫn thuộc bộ chỉ huy Pháp.

Thu phục Dũng Tướng Trịnh Minh Thế:


Trình Minh Thế (1922 – 3 tháng 5 năm 1955) (một số tài liệu viết là Trịnh Minh Thế) là một người theo chủ nghĩa quốc gia và là một Tướng lãnh quân sự tài ba trong thời gian cuối của cuộc kháng chiến tranh chống thực dân pháp, đầu cuộc chiến tranh Quốc-Cộng Việt Nam.

Gia thế

Trịnh Minh Thế sinh ở tỉnh Tây Ninh trong một gia đình theo đạo Cao Đài. Theo Phòng Nhì Pháp thì cha ông tên là Trình Trung Vinh, tuy nhiên nguồn khác lại cho biết cha ông là Trịnh Thành Quới một giáo chức Cao Đài, đồng thời là một thương gia phát đạt.

Gia đình họ Trịnh chuyển từ Bình Định vào miền Nam từ đầu thế kỷ 19 và đổi họ từ Trịnh sang Trình, theo gia đình ông là để tránh sự trả đũa của nhà Nguyễn với những người theo Tây Sơn (Hoàng Đế Quang Trung Nguyễn Huệ).

Do sinh trưởng trong một gia đình có thế lực, Trịnh Minh Thế được hưởng sự giáo dục tốt hơn rất nhiều người Việt Nam đương thời nói chung. Ông tốt nghiệp tiểu học (Certificate of Primary Education),
Hoạt động

Thời kỳ 1940-1954


Khi Thế chiến thứ hai bùng nổ, Nhật tiến vào Đông Dương. Phản ứng trước tình hình phong trào chống Pháp càng ngày càng gia tăng, toàn quyền Đông Dương là Đô đốc Decoux hành động quyết liệt. Ông ta cho đóng cửa một số nơi thờ tự của Cao Đài, rồi tới ngày 26 tháng 8 năm 1940 cho đóng cửa Tòa thánh Tây Ninh. Tới ngày 27 tháng 7 năm 1941, nhiều lãnh đạo của Cao Đài, kể cả Hộ Pháp Phạm Công Tắc bị bắt giữ.

Để giành được sự ủng hộ của các tổ chức Việt Nam theo chủ nghĩa quốc gia, Nhật tiến hành bắt liên lạc và hỗ trợ cho họ, trong đó có Cao Đài. Tới tháng 2 năm 1943, Nhật giúp vị Phối Sư Cao Đài là Trần Quang Vinh mở lại thánh thất Cao Đài tại Sài Gòn. Để đáp lại, Cao Đài hợp tác tích cực với Nhật, Phối Sư Trần Quang Vinh kêu gọi giáo dân Cao Đài xung phong đăng lính cho quân Nhật, 10.000 giáo dân Cao Đài làm việc cho Nhật, đáng kể nhất là tại xưởng đóng tàu Nitian. Số người này sau giờ làm việc được huấn luyện quân sự. Nhờ vậy mà Trịnh Minh Thế được huấn luyện quân sự trong trường Sĩ Quan của Hiến binh Nhật (Kempetai), khi Nhật bắt đầu sử dụng lực lượng vũ trang Cao Đài. Tới năm 1945, ông trở thành một Sĩ Quan của lực lượng quân sự Cao Đài.

Được sự bảo trợ của Nhật, Phối Sư Trần Quang Vinh tổ chức lực lượng vũ trang gồm 3.000 người, tiếng là theo chỉ thị của Hoàng thân Cường Để. Ngày 9 tháng 3 năm 1945, lực lượng Cao Đài mặc đồng phục trắng, đội mũ bê-rê, vũ trang bằng gậy tre vọt nhọn tham gia hỗ trợ Nhật đảo chính Pháp. Thủ lĩnh quân sự của Cao Đài là Trần Văn Thành tuyên bố Hoàng thân Cường Để chỉ thị thành lập lực lượng vũ trang Cao Đài liên minh với Nhật Bản để chống Pháp. Thời kỳ này Trịnh Minh Thế đã gia nhập lực lượng vũ trang Cao Đài.

Ông thành lập đội quân xung kích Hắc Y, mặc quần áo bà ba đen, sau trở thành đồng phục cho tất cả dân quân Liên Minh. Đầu năm 1949, Trịnh Minh Thế đưa lực lượng của mình từ các tỉnh miền Đông về Tây Ninh để ủng hộ Đức Hộ pháp Phạm Công Tắc, rồi sau đó được phong Thiếu tá.

Lực lượng của Trịnh Minh Thế có quân số trên 3 ngàn người, bảo vệ cho Tòa Thánh Tây Ninh tránh được các cuộc tấn công của lực lượng Việt Minh.

Tháng 6 năm 1951, Trịnh Minh Thế chính thức rời khỏi hàng ngũ giáo phẩm Cao Đài với chừng 2.000 người của mình và thành lập lực lượng riêng, lấy tên là Liên Minh, chủ trương chống cả Việt Minh và Pháp. Cha và anh của ông cũng thành lập lực lượng vũ trang trong Liên Minh, về sau hai người bị giết khi đụng độ với lực lượng Việt Minh.

Lực lượng Liên quân của Trình Minh Thế được cho là đã thực hiện một loạt các vụ Ám sát tại Sài Gòn từ năm 1951 tới năm 1953, chiến công lẫy lừng ám sát Thiếu tướng Chanson tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp Nam bộ Việt Nam tại Sa Đéc năm 1951.

Tháng 8 năm 1953, quân Pháp mở cuộc tấn công vào căn cứ của Trình Minh Thế, sử dụng một tiểu đoàn sơn cước Nùng tinh nhuệ. Quân Liên Minh phải tránh vào các hang động ở núi Bà Đen. Về sau Trình Minh Thế phải dời sở chỉ huy về núi Heo. Tới năm 1954, Liên Minh đã mở rộng địa bàn hoạt động về phía tây-nam, tới tận sông Cửu Long. Lực lượng của họ được chia làm nhiều tiểu đoàn, quân số có lẽ vào khoảng 4.500 người.

Thời kỳ 1954-1955.


Tháng 9 năm 1954, Đại tá Lansdale (Phái bộ Mỹ) và Cố vấn Ngô Đình Nhu phát hiện ra tướng Nguyễn Văn Hinh, Tổng tham mưu trưởng quân đội Quốc gia, đang tiến hành âm mưu lật đổ TT Diệm. Cùng lúc, quân Pháp phong tỏa các lực lượng Cao Đài định tiến vào Sài Gòn giải nguy cho Ngô Đình Diệm. Lực lượng Liên Minh của Tướng Thế đã tiến vào Sài Gòn, đáp lại lời kêu gọi ủng hộ TT Diệm.

Cuộc đảo chính bị thất bại một phần các Sĩ Quan cấp dưới của tướng Hinh lấy lí do đi nghỉ mát, (vì ủng hộ Thủ tướng Diệm) thiếu những thuộc hạ cốt cán này, cuộc đảo chính không thể tiến hành được. Lí do Quan trọng 3.500 quân Hắc y của Tướng Thế đã có mặt tại Sài gòn để bảo vệ TT.

Ngày 13 tháng hai năm 1955, quân lính của Trình Minh Thế chính thức sát nhập vào quân đội Nam Việt Nam, còn Trình Minh Thế được Thủ tướng Diệm gắn lon Thiếu tướng, (TT Diệm chỉ có 2 Thiếu tướng: Lê văn Ty, Trịnh Minh Thế) quân Liên Minh Hắc y diễu hành vào Sài Gòn. Tân Thiếu tướng Trình Minh Thế điều động 15.000 quân Cao Đài về Tòa Thánh Tây Ninh như lực lượng dự bị, còn mình dẫn phần lớn lực lượng của mình gồm 3.500 người về gia nhập quân đội quốc gia như thỏa thuận với TT Ngô Đình Diệm.

Trong khoảng thời gian từ tháng 3 tới tháng 5 năm 1955, tình hình tại Sài Gòn trở nên rất căng thẳng. Mâu thuẫn gay gắt về cả quyền lực chính trị lẫn kinh tế khiến đụng độ vũ trang giữa phe chính phủ và liên minh lực lượng vũ trang giáo phái cùng Bình Xuyên là khó tránh khỏi. Thủ tướng Diệm kiên quyết tiêu diệt lực lượng vũ trang đối lập, còn lực lượng giáo phái nhờ vào sự hậu thuẫn của Pháp cũng quyết không chịu nhượng bộ. Thủ tướng Ngô Đình Diệm đưa vào Sài Gòn các đơn vị trung thành gồm 3 tiểu đoàn Nùng, rồi 2 tiểu đoàn dù dưới quyền đại tá Đỗ Cao Trí. Các đơn vị này cộng vào số binh sĩ của tướng Trình Minh Thế (Cao Đài), đại tá Nguyễn Văn Huê (Hòa Hảo) và thiếu tá Nguyễn Văn Đày (Hòa Hảo) làm cho cán quân lực lượng nghiêng về phía quân chính phủ, so độ 4.000-5.000 quân Bình Xuyên tại vùng Sài Gòn-Chợ Lớn.

Ngày 8 tháng 3 năm 1955, 7 tiểu đoàn quân Chính phủ bắt đầu hành quân tiêu diệt lực lượng đối lập là đảng Đại Việt tại Quảng Trị (Trung tá Nguyễn Bôn tự xưng Đại tá lập chiến khu Ba Lòng gần Khe Sanh), và tới ngày 25 tháng 3, quân dù mở cuộc tấn công vào phe đối lập tại Sài Gòn, nhưng Cao ủy Pháp là tướng Paul Ely cùng tướng Lawton Collins (Mỹ) gây sức ép buộc quân chính phủ phải ngưng chiến. Tuy nhiên, thế lực của quân chính phủ được củng cố lên nhiều khi ngày 29 tháng 3, tướng Nguyễn Thanh Phương, tư lệnh các lực lượng Cao Đài tuyên bố ủng hộ chính phủ. Tình hình căng thẳng giữa hai bên kéo dài, các thỏa hiệp do Pháp và Mỹ làm trung gian đưa ra đều bị hai bên bác bỏ, tới ngày 26 tháng 4, xung đột quân sự bùng nổ trở lại. Quân đội chính phủ nhanh chóng đánh tan sức kháng cự của quân Bình Xuyên, tới cuối tháng 4, quân Bình Xuyên hoàn toàn bị đánh bại, bị đẩy khỏi thành phố, bị quân chính phủ truy kích.

Ngày 3 tháng 5 năm 1955, khi đang ngồi trên xe Jeep chỉ huy tiến quân qua cầu Tân Thuận, tướng Trình Minh Thế bị một viên đạn carbin bắn tỉa bắn vào sau gáy. Vụ giết người này suốt một thời gian không được làm sảng tỏ được, một số người đổ lỗi cho phía Pháp (vì họ đã thề giết cho bằng được Trình Minh Thế trong suốt nhiều năm, lúc này các Giang thuyền Pháp tuần tiểu trên Sông Sài gòn, lấy lí do bảo vệ kiều bào Pháp), trong khi một số người khác đổ lỗi cho chính quyền Đệ nhất Cộng Hoà. Hoàn cảnh cái chết của ông cũng gây nhiều tranh cãi, khi có nhiều Tin tức khác nhau, thậm chí đối lập nhau về thời gian, địa điểm, vết thương gây nên cái chết của ông…. Khi nghe tin Tướng Thế tử trận, TT Diệm bật khóc, TT truy thăng Trung tuớng, tang lễ cữ hành nghi thức trọng thể: Tướng Lãnh Vị quốc vong thân. Ông được chôn cất tại núi Bà đen, gần toà thánh Tây ninh, nơi những năm tháng ông kháng chiến chống Pháp và Cộng sản .

Sau khi chết, tên ông được đặt cho con đường dọc suốt Quận 4 Sài Gòn đến cầu Tân Thuận cho tới năm 1975.

Dù Tình báo Pháp đã thú nhận sau này (1977) chính họ đã bắn tỉa từ một giang thuyền trên Sông Sài gòn dưới cầu Tân thuận, do nhận được tin từ một sĩ quan VN tại Bộ Tồng tham Mưu (sĩ quan này ủng hộ Tướng Hinh; Tướng Viễn, Bình Xuyên, vốn sĩ quan tình báo của Pháp trước đây).

Học giả Nguyễn Hiến Lê trước 1975 cho rằng TT Diệm giết, nhưng thực tế Nguyễn Hiến Lê không đưa bằng chứng thuyết phục. Sau 1975 ông vỡ mộng Chủ Nghĩa Cọng Sản, ông yêu thích tôn sùng. Trong Hồi ký Cuối đời 1980 ông thú nhận trước 1975, ông từng yêu thích lý tưởng CS. Điều này cho thấy những sách viết về chính trị của ông trước 1975 không được khách quan cho lắm. Không phủ nhận những tác phẩm khác là có giá trị: Đắc nhân tâm, Quẳng gánh lo đi.

Dẹp loạn Hiện tượng Sứ quân cát cứ:


Bình Xuyên:Tướng Lê văn Viễn (Bảy Viễn)
Bảy Viễn (1904-1970) là tên của một tướng cướp lừng danh trước năm 1945, về sau tham gia tổ chức lực lượng vũ trang chống Pháp, sau ly khai trở về hợp tác với chính quyền Bảo Đại. Bảy Viễn cũng là thủ lĩnh của lực lượng Bình Xuyên chống đối và bị Ngô Đình Diệm dẹp tan vào năm 1955.

Tung hoành ngang dọc

Bảy Viễn tên thật là Lê Văn Viễn, sinh năm Giáp Thìn (1904) tại Phong Đước, quận Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn (nay là Quận 8, Sài Gòn). Cha là Lê Văn Dậu, người Hoa gốc Triều Châu.
Năm 1921, Bảy Viễn vào tù lần đầu với bản án 20 ngày tù giam khi mới 17 tuổi do phạm tội trộm xe đạp.

Năm 1927, Bảy Viễn phạm tội hành hung người khác và bị phạt giam 2 tháng tù.
Năm 1936, Bảy Viễn bị chính quyền Nam Kỳ tuyên án 12 năm khổ sai đày đi Côn Đảo do tội cướp có vũ trang (súng). Tuy nhiên, đến năm 1940, Bảy Viễn vượt ngục thành công về đất liền sau 4 lần thất bại.
Năm 1942, Bảy Viễn bị bắt trong vụ tổ chức cướp xưởng mộc Bình Triệu. Tòa án tuyên phạt 12 năm khổ sai cộng thêm 8 năm còn thiếu trước đây là 20 năm.

Tham gia kháng chiến

Năm 1945 tham gia kháng chiến chống Pháp và trở thành Chi đội trưởng Chi đội 9 thuộc Liên khu Bình Xuyên, do Ba Dương (tức Dương Văn Dương) làm Tổng chỉ huy.

Ngày 20 tháng 2 năm 1946 Ba Dương hy sinh trong một trận chống càn của Pháp ở Bến Tre khi chỉ huy một bộ phận quân Bình Xuyên vượt sông Soài Rạp từ Rừng Sát về cứu nguy cho mặt trận An Hóa – Giao Hòa. Sau khi Ba Dương hy sinh, Bảy Viễn vận động để nắm chức Tư lệnh Bình Xuyên nhưng một số cán bộ chỉ huy trưởng các chi đội Bình Xuyên đã không tán thành.

Tháng 5 năm 1946 Tướng Nguyễn Bình tư lệnh Viêt Minh tại Nam bộ ký quyết định phong cho Bảy Viễn làm Khu Bộ phó chiến khu 7 với ý định tách Bảy Viễn ra khỏi vị trí trực tiếp chỉ huy lực lượng Bình Xuyên và để Bảy Viễn không bất mãn bỏ kháng chiến về với Pháp.

Tháng 12 năm 1947, Trung tá Savani (Phòng Nhì Pháp) cho người bí mật tiếp xúc với Bảy Viễn để chuẩn bị lập Chiến khu Quốc gia Rừng Sát.

Cuối tháng 5 năm 1948 Bảy Viễn mang hai đại đội võ trang mạnh, thân tín nhất, có cả trung liên và đại liên, từ Rừng Sát, vượt sông Soài Rạp, băng qua lộ 4, xuôi theo dòng kênh Dương Văn Dương (Lagrange) đến căn cứ địa của Nam Bộ, tại làng Nhơn Hòa Lập để họp và nhận chức Khu bộ trưởng Chiến khu 7.

Tại cuộc họp Trung Tướng Nguyễn Bình quyết định giải tán tổ chức Bình Xuyên phiên chế thành các Trung đoàn Vệ Quốc Đoàn để phá tan âm mưu chia rẽ quốc gia và Việt Minh của Phòng nhì Pháp. Bảy Viễn phản đối quyết liệt.

Về thành

Rạng sáng ngày 27 tháng 5 năm 1948, Bảy Viễn đã âm thầm rút quân Bình Xuyên rời chiến khu Đồng Tháp đến Đông Thành nơi Chi đội 4 của Mười Trí (bạn thân Bảy Viễn) đóng quân và cho bạn biết ý định về hợp tác với Pháp. Mười Trí không ngăn cản nhưng âm thầm phân tán lực lượng võ trang của Bảy Viễn. Cho nên khi rút về tới xã Hưng Long, huyện Bình Chánh, Bảy Viễn chỉ còn có hai trung đội.
Sau khi về hợp tác với Pháp, Bảy Viễn được Tướng De la Tour gắn lon Đại tá.

Năm 1952, Bảo Đại phong cho Bảy Viễn cấp bậc Thiếu tướng 2 sao (Général de Brigade).
Từ năm 1948, lực lượng Bình Xuyên ly khai là một lực lượng quân sự bổ sung nằm trong khối Liên hiệp Pháp, địa bàn hoạt động ở xung quanh Sài Gòn. Dưới sự đồng thuận của Pháp, Bình Xuyên kiểm soát nhiều sòng bài, nhà thổ (gái mãi dâm), cùng những thương cuộc lớn nhỏ khắp vùng Sài Gòn-Chợ Lớn trong đó phải kể Casino Grande Monde (Đại Thế Giới), Casino Cloche d’Or (Kim Chung), Bách hóa Noveautes Catinat[1].. Sau Hiệp định Genève, Bình Xuyên trở thành một bộ phận Sứ Quân cát cứ trong Quân đội Quốc gia Việt Nam.

Bị trấn áp và lưu vong

Tháng 7 năm 1954 Thủ tướng Ngô Đình Diệm chấp chính thành lập chính phủ trung ương và nộp danh sách nội các. Lê Văn Viễn, vị chỉ huy Bình Xuyên đòi được tham chính và đưa ra yêu sách lập chính phủ mới. Lực lượng Bình Xuyên cùng với quân đội Cao Đài và Hòa Hảo còn lập Mặt trận Thống nhất Toàn lực Quốc gia và gửi tối hậu thư buộc chính phủ phải có danh sách mới trước ngày 26 tháng 3 năm 1955. TT Ngô Đình Diệm không chịu nhượng bộ nên Bình Xuyên mở cuộc tấn công Bộ tổng tham mưu rồi pháo kích vào Dinh Độc Lập. Sang tháng 4 năm 1955 thì quân Bình Xuyên đánh thành Cộng Hòa. Quân đội Quốc gia phản công, phá được căn cứ chính của Bình Xuyên ở khu vực cầu Chữ Y khiến lực lượng Bình Xuyên phải triệt thoái khỏi Sài Gòn, Chợ Lớn và rút về Rừng Sát.

Tháng 9 năm 1955 TT Ngô Đình Diệm cử đại tá Dương Văn Minh thay Tướng Thế mở Chiến dịch Hoàng Diệu truy nã Bình Xuyên ở Rừng Sát. Quân Bình Xuyên bị hoàn toàn tiêu diệt. Lê Văn Viễn đào tẩu sang Campuchia rồi lưu vong sang Pháp, chấm dứt thực lực của Bình Xuyên.

Một lực lượng Bình Xuyên ly khai khác do Võ Văn Môn (tức Bảy Môn) chỉ huy đào thoát về miền Đông Nam Bộ, lập căn cứ rồi theo Việt cộng Sau 1975 la Đại tá CS hồi hưu sống tại Sài gòn.

Năm 1970 Bảy viễn qua đời tại Paris.
Ba Cụt ( ? – 1956) tên thật Lê Quang Vinh là chỉ huy quân đội của giáo phái Hòa Hảo chống lại Quân đội Quốc gia Việt Nam, Việt Minh, vào những năm cuối thập niên 1940 và đầu thâp niên 1950.
Lực lượng quân sự của giáo phái Hòa Hảo được thành lập dưới sự hậu thuẫn của quân đội Pháp như là Lực lượng bổ sung (Suppletif Forces) để chống Việt Minh. Và Ba Cụt là một trong những chỉ huy của lực lượng này, được Pháp gắn lon Đại tá

Sau năm 1954, TT Ngô Đình Diệm cho tiến hành thương thuyết với các giáo phái để thống nhất lực lượng quốc gia, tiến tới thành lập Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng dưới sự hỗ trợ và khuyến khích của Pháp, Ba Cụt không những không hợp tác mà còn liên minh với quân Bình Xuyên để chống lại chính phủ. Tự phong Thiếu tướng .

Thủ tướng Ngô Đình Diệm cho tiến hành các chiến dịch Đinh Tiên Hoàng (mở ngày 23 tháng 5 năm 1955) và chiến dịch Nguyễn Huệ (mở ngày 1 tháng 1 năm 1956) để tiêu diệt quân Ba Cụt nhưng vẫn không thanh toán được. Sau đó TT Ngô Đình Diệm chỉ đạo cho PTT Nguyễn Ngọc Thơ thương thuyết, chấp nhận cho Ba Cụt về hợp tác với chính quyền, phong thiếu tướng, Ba cut giả vờ thương thuyết để rút vảo Đồng tháp Mười kháng chiến, nhận viện trợ của Pháp rồi vào phút cuối trở mặt.

Ngày 2.6.1956 QLVNCH tiến quân vào nơi trú ẩn Ba cụt, bắt sống ông ta trên chiếc thuyền nhỏ. Ông ta tuyên bố trên đường ra hợp tác với chính quyền?

Cả hai phiên tòa sơ thẩm (ngày 11 tháng 6 năm 1956) và thượng thẩm (ngày 26 tháng 6 năm 1956) của Tòa Đại Hình và phiên tòa ngày 4 tháng 7 năm 1956 của Tòa Án Quân Sự đều tuyên án tử hình Đai tá Lê Quang Vinh với tội danh mưu phản. (Khi bắt đầu thương thuyết lần đầu 1-1-1956, đến khi bị bắt 2.6.1956, hơn 5 tháng sau vì vậy lý do ông tuyên bố khi bị bắt là trên đường ra hợp tác không thể chấp nhận!)

Vào lúc 5 giờ 45 phút sáng ngày 13 tháng 7 năm 1956, Ba Cụt đã bị hành quyết bằng cách lên máy chém tại Cần Thơ.

Tổng thống Việt Nam Cộng Hoà: 26.10.1955-2.11.1963

Tại miền Nam, từ 1954-1955, với cương vị thủ tướng, ông đã dẹp yên và thu phục các lực lượng Bình Xuyên, Hoà Hảo, Cao Đài vốn là các tổ chức do Pháp đứng sau hỗ trợ nhằm chống lại ông, tiếp đó là cuộc trưng cầu dân ý miền Nam Việt Nam, 1955 đã chấm dứt chính thể quốc gia Việt Nam – quốc trưởng Bảo Đại bị truất phế. Chính thể mới Việt Nam Cộng Hoà được thành lập vào ngày 26 tháng 10 năm 1955 và ông được bầu làm Tổng thống vào ngày 23 tháng 10 năm 1955. Hai năm sau, 1957 ông có chuyến viếng thăm chính thức Hoa Kỳ lần đầu tiên với cương vị tổng thống của Việt Nam Cộng Hoà.

TT Dwight Eisenhower đích thân ra tận phi cơ đón chà 24 phát súng đại bác đón chào TT Việt Nam Cộng Hoà. TT Eisenhower ca ngợi TT Diệm là Churchill Châu Á. TT Việt Nam Cộng hoà đọc diễn văn trước Quốc hội Hoa Kỳ tất cả Nghị Sĩ đứng dậy vỗ tay rầm trời trước câu nói bất hủ của TT VNCH:

“Nếu Hồng quân Trung Hoa vuợt vĩ tuyến 17 muốn nhuộm đỏ Miền Nam, biên giới của Mỹ Quốc và Thế giới tự do sẽ kéo dài đến vĩ tuyến 17″.

Vị Quốc Vong Thân: 2.11.1963

Sự kiện Phật Đản, 1963 tại Huế do Thượng toạ Trí Quang xách động xảy ra là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới chính phủ TT Kennedy bỏ rơi TT Ngô Đình Diệm và khuyến khích đảo chính để lật đổ nền đệ nhất Cộng hoà, đã đưa Miền Nam đến tình trạng hỗn loạn. Cuộc đảo chính diễn ra vào lúc 11h30 ngày 01 tháng 11 năm 1963, lực lượng đảo chính đã chiếm dinh tổng thống, ông và Ngô Đình Nhu ra khỏi dinh và về lánh nạn tại nhà thờ Cha Tam – Chợ Lớn.

Sau khi bị lật đổ bởi các Tướng Lãnh dưới quyền (mà TT Diệm từng gắn sao trên cổ áo cho họ) ngày 1 tháng 11 năm 1963, ông cùng em trai – cố vấn Ngô Đình Nhu lánh nạn tại nhà thờ Cha Tam, ông cùng với ông Nhu gọi điện chấp nhận bàn giao chính quyền cho các Tướng Đảo chánh để tránh tình trạng chia rẽ quân đội trong công cuộc chống cộng. (Tôi hoàn toàn có chứng cớ là TT Diệm có thể lật ngược thế cờ tiêu diệt các Tướng phản loạn, nhưng Ông không làm. Cố vấn Nhu đành thúc thủ. Nên nhớ Lữ đoàn phòng vệ Phủ TT thiện chiến trung thành có thể đánh tan cả sư đoàn bộ binh. Các binh sĩ trang bị tiểu liên M.2, súng diệt chiến xa, súng phòng không hạ chiến đấu cơ, oanh tạc cơ, một chi đoàn thiết giáp M.113. Tư lệnh Lư đoàn đã từng vị Trung đoàn trưởng trẻ nhất QLVNCH khi 25 tuổi (1961) nhưng nhận lệnh bàn giao, họ đã bật khóc uất hận. Đây là một sai lầm của TT vì quá nhân đức!)

Trên đường bị chở về Bộ Tổng tham mưu, ông và Ngô Đình Nhu bị một thiếu tá trong lực lượng đảo chính hạ sát dã man.

Trong khoảng thập niên 1980, CS ra lệnh dời. Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi được di dời về nghĩa trang Lái Thiêu ngày nay. Mộ hai ông nằm hai bên mộ thân mẫu, bà Phạm Thị Thân, ngoài ra, mộ ông Ngô Đình Cẩn cũng được dời về gần đó. Mộ hai ông ban đầu không có tên mà chỉ ghi tên thánh và “Huynh” (chỉ ông Diệm) hoặc “Đệ” (ông Nhu), sau đó, theo đề nghị của một số người, mộ đã được đề đích danh.

Bài học Lịch Sử:

“Bài học lịch sử quan trọng và thiết thật nhất mà Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã để lại cho chúng ta: Đó là lập trường cương quyết Bảo Vệ Chủ Quyền Quốc Gia. Tổng Thống Diệm là con người đã hy sinh cả cuộc đời để tranh đấu cho độc lập và chủ quyền quốc gia. Đối với ông, đó là những thứ thiêng liêng nhất, không thể bị hy sinh, không thể dùng để đổi chác với cứ điều gì. Với ông, nếu để người Mỹ can thiệp vào nội bộ Việt Nam, thì chủ quyền quốc gia sẽ bị xâm phạm, chính nghĩa cuộc tranh đấu chống cộng cũng mất.

Trong cuộc viếng thăm chính thức Việt Nam ngày 9 tháng 5 năm 1961, Phó Tổng Thống Mỹ Johnson đã đề nghị việc gửi Quân Đội Mỹ sang tham chiến tại Việt Nam. Tổng Thống Diệm đã bày tỏ quan điểm chính phủ Việt Nam rất biết ơn sự viện trợ quân sự và cố vấn Mỹ. Nhưng với việc gửi Quân Đội Mỹ đến Việt Nam ông đã cương quyết từ chối và nói:

- “Nếu Qúy Vị mang Quân Đội Mỹ vào Việt Nam, tôi phải giải thích thế nào đây với dân tộc tôi? Với người dân Việt, hình ảnh hãi hùng của Quân Đội Viễn Chinh Pháp còn hằn sâu trong tâm trí họ. Sự hiện diện của Quân Đội Mỹ sẽ làm cho dân chúng dễ dàng tin theo những lời tuyên truyền của cộng sản. Sự can thiệp của bất cứ quân đội ngoại quốc nào vào Việt Nam cũng đem lại sự bất lợi cho Việt Nam, vì làm cho cuộc chiến đấu của chúng ta mất chính nghiã”.

Và như chúng ta đã biết thái độ cương quyết từ chối này đã là nguyên nhân chính dẫn đến cuộc chính biến ngày 1 tháng 11 năm 1963 của một nhóm tướng lãnh phản loạn và cái chết thê thảm của chính Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Cố vấn Ngô Đình Nhu. Bài học lịch sử thật đắt giá, dã man và tàn bạo!!

Sự vĩnh viễn ra đi của Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã gây xúc động sâu xa và niềm thương cảm lớn lao nơi các lãnh tụ Á Châu thời đó. Tổng Thống Trung Hoa Dân Quốc Tưởng Giới Thạch đã than thở:

- “Người Mỹ có trách nhiệm nặng nề vụ ám sát xấu xa này. Trung Hoa Dân Quốc mất đi một đồng chí tâm đầu ý hợp. Tôi khâm phục ông Diệm. Ông xứng đáng là một lãnh tụ lớn của Á Châu. Việt Nam có lẽ phải mất 100 năm nữa mới tìm được một nhà lãnh tụ cao qúy như vậy”.

Hơn nữa, cái chết của Cố Tổng Thống Diệm cũng đã làm cho các lãnh tụ Á Châu, đồng minh của Mỹ phải giật mình và đặt vấn đề. Chính Tổng Thống Hồi Quốc, Ayub Khan, đã nói thẳng với Tổng Thống Nixon:

- “Cuộc thảm sát Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã khiến các lãnh tụ Á Châu chúng tôi rút ra được một bài học khá chua chát: Đồng Minh với Mỹ thật nguy hiểm! Có lợi hơn nên đứng thế trung lập. Và có lẽ hữu ích hơn nữa khi là kẻ thù của Hoa Kỳ”.

Tổng Thống Ngô Đình Diệm có thể đã phạm một số sai lầm khi cầm quyền. Nhưng bất cứ người nào, dù là đồng minh như Hoa Kỳ hoặc đối thủ như CS, cũng phải công nhận rằng Tổng Thống Diệm là một nhà lãnh tụ nhiệt tình yêu nước, thương dân, trong sạch, khí phách và không làm cho người dân Việt phải hổ thẹn, vì ông đã cố bảo vệ đến cùng thể diện và uy quyền quốc gia. Không một gia đình Việt Nam nào đã phải hy sinh quá nặng nề như thế cho Dân Tộc, mất một lần bốn người con ưu tú: một vì tay cộng sản và ba vì tay quốc gia!! Trên 46 năm qua, hai nấm mồ khiêm tốn của Tổng Thống và ông Cố Vấn nằm quạnh hiu nơi nghĩa trang Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương là một bài học lịch sử qúy giá cho thân phận nước nhược tiểu đứng lên chống đế quốc, chống CS. Nhưng chắc chắn mãi mãi vẫn là của lễ vô giá dâng trên Tổ Quốc.

Tài Liệu Tham Khảo Mỹ – Việt – Hà Nội


- Người Mỹ trầm lặng – The Quiet American (1955)

- Cao Đài

Tài liệu tham khảo

- F Hill, Millenarian Machines in Vietnam, Comparative Studies in Society and History, 13, July 1971, trang 325-350.

- Nhị Lang, Phong trào kháng chiến Trình Minh Thế/The resistant movement of Trình Minh Thế, Virginia, USA, Alpha, 1989

- Sergei Blagov, Honest Mistakes: The Life and Death of Trình Minh Thế, Nova Science Publishers, Inc, Huntington, New York, 2001 .

- Chân dung Ngô TT: Linh mục Trần Quí Thiện.

- John Cooney, The American Pope: The Life and Times of Francis Cardinal Spellman, A Dell Book, New York.

Dennis Bloodworth (1970), An Eye For The Dragon, Farrar Publisher, Straus & Giroux, New York, p. 209.
Cố tổng thống Ngô Đình Diệm với những bài học lịch sử

- They Shoot Allies, Don’t They? When 25 Years Ago, Ngo Dinh Diem Was Assassinated. His Supporters Blamed the United States. They Were Right, Assassin in our Time; (kẻ sát nhân trong thời đại chúng ta). Sandy Lesberg

- A death in November (Cái chết vào tháng 11) Ellen J . Hammer.
Tài liệu Lục quân Hoa Kỳ:

- Cuốn băng ghi âm của TT Lyndon B. Johnson.

- Quân sử Hà Nội .

- Hồi ký: Đại tá Nguyễn Hữu Duệ Tư lệnh phó, Quyền tư lệnh Lữ đoàn phòng vệ phủ TT :1.11.1963







--------------------
“Vì Danh Dự Dân Tộc: Chống giặc Tàu.
Vì tương lai Dân Tộc: khai tử tập đoàn bán nước Việt Cộng”


Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
1 User(s) are reading this topic (1 Guests and 0 Anonymous Users)
0 Members:

 



Lo-Fi Version Time is now: 10th November 2024 - 11:43 AM