Welcome Guest ( Log In | Register )

 
Reply to this topicStart new topic
> Giao thông đường thủy qua ca dao, Vương Thị Nguyệt Quế
VanAnh
post Feb 19 2014, 08:59 AM
Post #1


Hạnh ngộ
***

Group: Năng Động
Posts: 5,776
Joined: 25-October 08
Member No.: 480
Country







Giao thông đường thủy qua ca dao


Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất tương đối bằng phẳng được bồi đắp do phù sa sông Cửu Long và sông Đồng Nai. Nếu như ngày nay vùng này có ba loại đường giao thông chính là đường bộ, đường thủy và đường hàng không thì ngày xưa giao thông chính của vùng đất này lại là đường thủy và một phần đường bộ. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long ngoài hệ thống kênh rạch chằng chịt do đặc điểm của địa lý tự nhiên, nơi đây còn có các đường biển ven bờ. Chính vì lẽ đó, đường thủy từ bao đời nay đã đóng vai trò huyết mạch trong cuộc sống của người dân nơi đây. Từ những ngày đầu tiên mới đặt chân đến vùng này, cái thuở:

“Chèo ghe sợ sấu cắn chân
Xuống sông sợ đỉa, lên rừng sợ ma”

Chính vì có hệ thống sông rạch chằng chịt như thế, nên gần như mọi sinh hoạt của con người nơi đây đều ít nhiều có liên quan đến sông nước. Ngay cả tình yêu đôi lứa cũng nảy nở nơi bến sông, mé bờ:

“Gặp em Ngã Bảy hò ơi!
Dòng sông bảy ngả tìm em ngả nào”

Như đã trình bày, phần lớn cuộc sống của người dân nơi đây đều gắn liền với cảnh sông nước, cho nên chúng ta cũng không ngạc nhiên khi chàng trai nào đó tỏ tình với cô gái không bắt đầu bằng những lời tỏ tình vu vơ, mang tính bóng bẩy, mà lại bắt đầu bằng hình ảnh phương tiện giao thông đường thủy:

“Tàu Cầu Kè chạy ngang Bến Cát
Xuồng câu tôm chạy sát đống chà
Thấy em còn chút mẹ giàMuốn vô hoạn dưỡng biết là được chăng?”

Lời cô gái đợi chờ chàng trai cũng bắt đầu bằng những phương tiện giao thông thủy:

“Tàu số 1 chạy lên Vàm Tấn
Tàu số 2 chạy xuống Cần Thơ
Tuổi ba mươi em cũng ở vậy mà chờ
Lỡ duyên chịu lỡ, cũng chờ cho được anh”

Chàng trai chờ đợi cô gái trên chiếc ghe sau cũng nói rất ân tình:

“Bớ chiếc ghe sau, chèo mau anh đợi
Kẻo khuất bóng bần, anh Bắc, em Nam”

Còn cô gái lại gọi chàng trai:

“Ghe anh mỏng ván, bóng láng nhẹ chèo
Xin anh bớt ngọn, xả lèo chờ em”

Cũng như vậy, khi quá thương nhớ người yêu, người ta không cần nói xa nói gần, mà nói thẳng vào vấn đề và vấn đề đó lại liên quan đến cuộc sống hàng ngày của họ. Đó là hình ảnh chiếc ghe, con đò, dòng sông:

“Ghe lui khỏi bến còn dầm
Người thương đâu vắng, chỗ nằm còn đây?”

Hay lời của một cô gái:

“Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Xà NoAnh có thương em thì sắm một chiếc đòĐể em qua lại mua cò gởi thơ”
Và nếu những lời tỏ tình không gắn với chiếc ghe, con đò thì cũng gắn với dòng sông. Bằng cách mượn dòng sông chuyển tải lòng mình:

“Giấy Tây bán mấy?
Mua lấy một tờ
Anh về làm thơ Quốc ngữ
Dán vô trái bưởi mà thả sông giang hà
Cả tiếng kêu người nghĩa nọ trên nhà
Xuống vớt trái bưởi, đặng mà xem thơ”

Người Nam bộ thường chuộng cách nói thẳng, không thích vòng vo, ít thấy cách nói bóng bẩy, ngay cả chuyện tình yêu trai gái, họ cũng thường đi thẳng vào vấn đề. Tuy nhiên, cũng có một vài chàng trai cô gái có phần e dè, mắc cỡ, ngại nói thẳng nên đã mượn các hình ảnh khác để nói hộ lòng mình. Nhưng dù nói thẳng hay nói tránh thì hình ảnh các phương tiện giao thông đường thủy cũng thường xuất hiện trong cách tỏ tình của họ:

“Trồng tre chẳng dám ăn măng
Để cho tre lớn kết bè rước dâu”

Cô gái nghe chàng trai nói vậy, không chịu, trả lời rằng:

“Rước dâu thì rước bằng ghe
Đừng rước bằng bè, ướt áo nàng dâu”

Ngày xưa, người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long không có điều kiện khoan giếng sâu như ngày nay. Do đó, đời sống người dân ở vùng nước mặn gặp rất nhiều khó khăn, họ phải chèo ghe ngược dòng để đổi nước hoặc đến khúc sông không bị nhiễm mặn lấy nước ngọt đổ vô khạp chở trên ghe về. Nên có anh chàng khi chèo ghe đi đổi nước về thì vợ đã bỏ theo trai:

“Đất Sóc Trăng quê mùa nước mặn
Tôi ra Vàm Tấn chở nước về xài
Về nhà sau trước không ai
Hỏi ra em đã theo trai mất rồi”

Có thể nói, giao thông đường thủy đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long thuở xưa. Vì vùng đất này có độ dốc nhỏ, nên khi nước lớn ở ngoài biển, dòng nước đã bị đẩy ngược lên tận Nam Vang:

“Nước rằm chảy thấu Nam Vang
Mù u chín rụng sao chàng biệt ly?”

Đường thủy từ lâu đã giữ vai trò huyết mạch đối với cư dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đi đường thủy tuy chậm, nhưng có thể đi đến tận những vùng xa xôi nhất của mọi nẻo đường trên vùng châu thổ phì nhiêu này.


VƯƠNG THỊ NGUYỆT QUẾ


--------------------

Cõi mơ
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
2 User(s) are reading this topic (2 Guests and 0 Anonymous Users)
0 Members:

 



Lo-Fi Version Time is now: 30th May 2024 - 02:39 PM