Welcome Guest ( Log In | Register )

> Hoả ngục đỏ, mối tình tôi, Lucien Trọng
caoduy
post Jul 27 2014, 11:28 AM
Post #1


Bảo vệ tổ quốc
***

Group: Năng Động
Posts: 13,947
Joined: 18-November 08
Member No.: 775
Age: 52
Country







Hoả ngục đỏ, mối tình tôi


Chương 1

Cũng như biết bao thanh niên cùng lứa tuổi, tôi sinh ra trong cảnh điêu tàn đổ nát của quê hương. Trận chiến Đông Dương lần thứ nhứt đã nổ ra vài tháng trước, sau trận oanh tạc Hải Phòng và sau cuộc nổi dậy ở Hà Nội của Hồ Chí Minh.

Cha tôi vào lúc đó đang làm việc tại một hãng xe hơi của người Pháp ở Sài Gòn . Mặc dù chỉ là thường dân, nhưng vì có dính líu với người Pháp nên chúng tôi sợ bị Việt Minh trả thù. Mẹ tôi bèn thu xếp về Bến Tre, nơi quê ngoại tôi cùng với chi và anh tôi lúc ấy mới lên năm và ba tuổi. Mẹ tôi đang mang thai tôi gần ngày sanh. Mang chức Huyện, ông ngoại tôi là một đại điền chủ giàu có, nhưng rất quảng đại và rất được tá điền thương mến. Ông có nhiều vợ, và gia quyến rất đông đảo đó sống an nhàn trong một căn nhà rộng rãi và âm u với những cột to chạm trổ rất tinh vi.

Thế nhưng giặc giả cũng tràn lần tới Bến Tre và ngày mà nhà ông ngoại tôi bị đốt cháy, trên đường chạy loạn, mẹ tôi sanh tôi ra trong hầm trú ẩn, một cái hố bên đường giữa tiếng đạn bom và khói lửa ngập trời. Mẹ tôi định tìm cách về Sài Gòn , nhưng lúc đó đường sá bị phá hoại rất nhiều, cầu cống sập đổ, lưu thông bị tắt nghẻn, nên chúng tôi bị kẹt tại Mỹ Tho, với hai bàn tay trắng và mấy bao bố tời để đắp cho đỡ lạnh. Rất may lúc ấy có hai người con gái của tá điền, chị Đồng và chị Cúc, theo má tôi vì hai chị rất thương má tôi đã giúp đỡ nhiều cho gia đình hai chị. Vì sanh non ngày nên tôi là một đứa bé ốm yếu, nhăn nhúm và bịnh hoạn. Hai chị phải đi gánh nước mướn và bán dừa để nuôi chúng tôi vì má tôi cứ ốm đau sau khi sanh ra tôi.

Một tối nọ, tôi làm kinh và nóng sốt liên miên, mẹ tôi lo sợ ẵm tôi đi thầy thuốc cùng với chị Đồng mặc dù đã giới nghiêm. Khi tới trạm kiểm sóat của lính Lê Dương, chúng tôi bị chận lại. Mặc dầu mẹ tôi và chị Đồng đã giả trang cho xấu xí, quần áo xốc xếch và mặt mũi lem luốc bùn sình, bọn lính vẫn đoán thấy vẻ đẹp mặn mà của chị Đồng nên chận giữ chị lại. Mẹ tôi nhờ nét xanh xao và đứa con nhỏ trên tay nên được cho đi thong thả. Tình trạng của tôi rất nguy ngập nên chị Đồng vẫn bình tĩnh khuyên mẹ tôi hãy tiếp tục đi, chị sẽ tùy cơ ứng biến. Mẹ tôi đành để chị lại với bọn lính Lê Dương. Sáng hôm sau chị trở về nhà và liệt giường liệt chiếu, mẹ tôi phải bán chiếc áo dài lụa đen cuối cùng để thuốc thang cho chị.

Sau đó chị sanh ra một đứa con lai. Khi gởi con cho má chị nuôi dưỡng, chị ở lại săn sóc tôi cho đến ngày thời cuộc đưa đẩy, chị lập gia đình nhưng sau khi gẫy đổ, chị đi bán bar và sau đó theo chồng về Mỹ.

Lúc bấy giờ ai cũng tưởng tôi sẽ đi đời nhà ma, nhưng ngược lại, tôi vẫn sống và chính anh tôi bấy giờ lên 3 tuổi, lại mất đi sau một cơn bệnh chỉ vài ngày. Lúc ấy làng xã bị thiêu rụi, ai còn lo tới chuyện làm giấy tờ, nên từ đó tôi mang khai sanh của anh tôi, và tôi được hưởng luôn cái tên ba má đã đặt cho anh là Trọng, có vẽ như quan trọng và quá trang nghiêm không hợp tí nào với bản tánh của tôi. Vì tôi cứ bị đau bệnh luôn, mẹ tôi đặt cho một cái tên xấu xí cho dễ nuôi: “Nhường” hay là nhường nhịn, khiêm nhường. Tôi thấy cái tên này hợp với tôi hơn. Lạ thay sau đó tôi hết bệnh hoạn và lại mập mạp, sổ sữa ra.

Một năm sau đó, tình hình lắng dịu và chúng tôi trở về cuộc sống tương đối nhàn nhã ở Sài Gòn .

Sau trận chiến Điện Biên Phủ vào năm 1954, nước Pháp thua trận nhường chỗ cho người Mỹ và giặc giả vẫn tiếp diễn mà còn ác liệt hơn .Lúc đó tôi được 7 tuổi , và giữa cảnh điêu tàn của quê hương, tôi còn cô đơn hơn nữa. Mặc dầu gia đình tôi theo đạo Phật, nhưng tôi được theo học trường Dòng và từ đó tôi lại mang thêm tên thánh Lucien, biểu tượng của “ánh sáng”: tôi lại chui rút thêm vào bóng tối của cái vỏ ốc mà tôi đã tự tạo ra.

Sau khi thi xong bằng Tú Tài, tôi được sang Pháp tiếp tục học về Thủy Lâm, và sau một thời gian tu nghiệp ở Hoa Kỳ, tôi trở về quê hương để phục vụ; trái với một số bạn bè vẫn muốn ở lại xứ người để lập nghiệp, vì tôi biết rằng không một nơi nào đẹp bằng quê hương tôi.

Tôi được tuyển làm giảng viên tại trường Đại Học Nông Lâm Súc ở Sài Gòn . Song song với chức quản thủ thư viện, tôi giữ luôn chức vụ Trưởng Phòng Sinh Viên Vụ trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng ở Sài Gòn vào năm 1973-1975.

Tôi thấy cần phải nói đôi câu về tư thế chánh trị của tôi, không phải để biện minh điều gì mà chỉ tỏ rằng tôi là một nhân chứng tầm thường như bao nhiêu người Việt Nam khác, sanh ra trong thời loạn, không biết phải theo bên nào, vì bên nào cũng có những cái hay, nhưng cũng có những cái dở. Tôi không phải là một nhà văn, nên lời tôi nói rất giản dị, rất chân thành, tôi chỉ muốn bày tỏ nỗi uất nghẹn của một người dân mất nước .

Tôi không phải là một chánh trị gia, nên nhận xét về phương diện này của tôi kém phần sâu sắc, vả lại bản tánh nghê sĩ của tôi khiến tôi ghét những gì thuộc về chánh trị. Tôi ưa âm nhạc, hội hoạ và điện ảnh hơn.

Sau một thời gian nhập ngũ, tôi được biệt phái trở về dạy học. Tôi không thích chế độ của Nguyễn Văn Thiệu vì sự tham nhũng đầy dẫy và vì có quá nhiều bất công trong xã hội. Với sự hiện diện của lính Mỹ, dĩ nhiên cảnh đĩ điếm lan tràn và các tệ đoan xã hội khác phải hiện lên. Nhưng dầu sao đó cũng là một chế độ tự do, nhưng dân được tư do tư tưởng, tín ngưỡng, đi laị, được tự do buôn bán, tự do sống theo ý mình.

Mặc dầu có những hạn chế do tình trạng chiến tranh, mặc dầu có những phần tử tham nhũng trong thành phần chánh phủ, nhưng người dân vẫn sống tự do và vì vậy nên người dân Miền Nam không bao giờ chấp nhận chế độ Cộng Sản, dầu phải đánh đổi sinh mạng mình để vượt biển tìm tự do.

Khi tôi du học trở về Việt Nam , năm đó tôi vừa 24 tuổi. Tôi rất thích hội hoạ, tôi vẽ rất nhiều tranh sơn dầu và tổ chức nhiều cuộc triển lãm, phần đông để giúp đồng bào chiến nạn. Đó cũng là một cách cho tôi giải toả những ước mơ thầm kính và cố quên đi “nỗi cô độc của con tim và sự vô nghĩa của cuộc sống”.

Khi tôi hồi hương, phản ứng đầu tiên của tôi khi thấy Sài Gòn đầy lính Mỹ và bar, ổ điếm trá hình, cùng nhà tắm hơi, dancing, là sự khó chịu và uất ức. Thế nhưng sau khi biết được sự bành trướng mau lẹ của Việt Cộng và những thủ đoạn của chúng thì tôi đành chấp nhận thế chẳng đặng đừng. Tuy nhiên cái chết của Tổng Thống Ngô Đình Diệm đối với tôi, tôi vẫn cho là một sự mất mát lớn, mặc dầu chính gia đình ông đã đưa đến thảm hoạ cho ông .

Sài Gòn đầy dẫy ngựa xe, lụa là, máy móc, tủ lạnh, ti-vi. Sài Gòn nhộn nhịp xa hoa. Sài Gòn muôn màu muôn mặt. Đằng sau những khu nhà nhiều tầng là những khu bàn cờ, những khu ổ chuột với những căn nhà ọp ẹp bằng lá, bằng tôle, bằng cây, bằng giấy cứng, bằng giẻ rách.

Có ai đã ví Sài Gòn như một cô gái đẹp diêm dúa, sống hưởng thụ vội vàng và không nghĩ đến ngày mai.. Tham nhũng lan tràn, vì đó là một tệ trạng luôn luôn đi đôi với một chế độ độc tài. Thế nhưng người dân vẫn vui sống, dầu cuộc sống có chật vật, dầu ngày mai có bấp bênh, dầu cuộc chiến vẫn tiếp diễn ác liệt sau khi người Mỹ ra đi.

Ngày ở trường Đại Học Nông Nghiệp, lúc bấy giờ được gọi là Trung Tâm Quốc Gia Nông Nghiệp, những cuộc biểu tình của sinh viên tổ chức vẫn thường được diễn ra. Nhờ địa điểm khá thuận tiện, nằm trên đường Cường Để, giữa Đại Học Văn Khoa và Dược Khoa, không xa mấy Trường Luật, nên trong nhiều cuộc biểu tình, tồi đều có mặt, dầu vì lý do gì, tôi vẫn đứng theo hàng ngũ của sinh viên, có lẽ vì tuổi trẻ, có lẽ vì tôi luôn luôn chống lại những gì hiện hữu . Ông Khoa Trưởng bấy giờ rất trẻ và là bạn của tôi, thường rầy rà:

- Trời ơi, anh làm Trưởng ban Sinh Viên Vụ,
lẽ ra anh phải trông chừng cho sinh viên đừng lộn xộn, anh lại theo tụi nó biểu tình thì chết rồi. Anh coi chừng, trong đám sinh viên có tụi VC trá hình trà trộn để gây rối loạn đó.

Và ông rất có lý. Trong các phiên họp Hội đồng Giáo Sư, tôi vẫn tìm mọi cách để xin can thiệp cho sinh viên bị bắt trong những cuộc biểu tình. Hình như Công An có theo dõi tôi, và đã có lần gọi tôi đến để dằn mặt vu vơ, nhưng lúc bấy giờ anh rể tôi có chức vụ quan trọng trong quân đội, có thể là một bảo đảm cho hành vi chánh trị của tôi, nên tôi chưa hề bị bắt.

Ngày 30-4-1975, Miền Nam yêu thương, Miền Nam dịu hiền nào ngờ lại phải rơi vào tay Cộng Sản quá hấp tấp, quá vội vàng, sau cuột “Tổng nổi dậy” hụt của năm 1968. Trong khi Cộng Sản lấn chiếm miền Trung và các thành phố lần lượt rơi vào tay chúng, thì tôi đang dự một cuộc hội thảo về Nông Nghiệp tại Manille với các nước của A.S.E.A.N.

Các đồng nhiệp Phi Luật Tân của tôi đều khuyên tôi nên nán lại chờ đợi thời cuộc và nếu cần thì xin tỵ nạn chánh trị, nhưng tôi một phần vì nóng ruột muốn có mặt bên gia đình khi hữu sự, một mặt nữa tôi lại nghĩ mặc dầu Miền Nam có thể rơi vào tay Cộng Sản, nhưng nếu chịu khó hoà mình, thì cũng có thể sống tại quê hương yêu dấu. Nghĩ vậy nên tôi quyết định về Sài Gòn sau khi cuộc hội thảo chấm dứt.

Ngày 5-4-1975, tôi trở về Sài Gòn trong một bầu không khí ngột ngạt và kinh hoàng. Đồng bào đổ xô tản cư từ Miền Trung vào Sài Gòn có lẻ vì “quá thương” Bác và Đảng nên phải chạy bán sống bán chết để tránh xa. Các tỉnh lần lượt rơi như sung chín và rốt cuộc Sài Gòn bị bao vây tứ phía.

Những ngày cuối cùng của tháng Tư, những quang cảnh hỗn độn khiếp đảm diễn ra tại Sài Gòn với sự hấp tấp ra đi của những người Mỹ còn sót lại, những cảnh hôi của chung quanh các cư xá Mỹ, những cảnh chen lấn tại Tân Sơn Nhất và khu bến tàu. Tiếng súng không ngừng nổ và những đêm sau cùng, Sài Gòn hấp hối trong sự kinh hoàng. Có lẽ nếu tướng Dương Văn Minh không đầu hàng thì Sài Gòn sẽ chỉ còn là đống gạch vụn vì bị pháo kích liên miên.

Sau khi lệnh ngưng bắn được tung ra thì một quang cảnh lạ lùng được tiếp nối: tiếng súng nổ dòn tan để chào mừng sự chấm dứt của một cuộc chiến tương tàn. Người dân Miền Nam thành thật hân hoan đón mừng tin ngừng bắn, nhưng chánh quyền Hà Nội lại tưởng lầm rằng sự vui mừng đó dành riêng cho họ.

Binh sĩ liệng bỏ vũ khí, quân phục Người dân sống trong sự hồi hộp để đó chờ sự chuyển tiếp với sự dè dặt và lo sợ , vì gia đình nào cũng có chồng con đi lính cho chính quyền cũ.

Để mong mỏi chính quyền mới khỏi “để ý” đến gia đình mình, mọi người đua nhau đi mua cờ đỏ về treo và xoá bỏ hấp tấp các cờ vàng ba sọc đỏ sơn trước nhà. Có sống trong quang cảnh khó tả của Sài Gòn trong những ngày đó thì mới thấy được rằng: mặc dù chánh quyền cũ có tham nhũng, có khắt khe đến thế nào cũng không bằng sự khó thở, ngột ngạt của chánh quyền Hà Nội chỉ được đứng vững nhờ sự man trá và khủng bố.

Trong những cuộc biểu tình khổng lồ, chỉ có một thiểu số dân thật tình tham dự một cách tích cực, còn lại một số lớn bị ép buộc có mặt với lòng lo âu và cay đắng. Ta không thể nào trách được một số người Miền Nam vì sự sinh tồn phải tham gia vào chế độ mới, vì sự sống của gia đình và của chính họ. Lính “bộ đội” lan tràn vào Sài Gòn và các tỉnh Miền Nam. Cũng có những cảnh thân mật và cảm động được diễn ra vì “ba mươi năm mới có ngày nầy”. Có những cảnh sum họp đầy nước mắt , nhưng ai có ngờ đâu nước mắt sẽ không ngừng chảy sau ngày hội ngộ.

Sài Gòn không có cảnh máu chảy qúa lộ liễu như ở Nam Vang, và vì dân chúng biểu lộ sự vui mừng bởi “hoà bình” đã được vãn hồi nên quốc tế xem đó là biểu tượng của một sự “nổi dậy” đòi tự do. Những ai còn ảo tưởng sẽ mau lẹ nhận thấy rằng chế độ Cộng Sản đã hoàn toàn làm chủ Miền Nam, và những danh từ “lấy tình thương xoá bỏ hận thù” đều là một sự bịp bợm dối trá. Các cửa tiệm đều hàng loạt bị đóng cửa, bảng hiệu hạ xuống để chỗ trống rổng chơi vơi. Thay vào đó là những biểu ngữ đỏ, những chân dung cụ Hồ to, cụ Hồ nhỏ, cụ đang đưa tay chào, cụ đang mỉm cười, cụ có mặt ở khắp mọi nhà, leo lên luôn cả trên bàn thờ tổ tiên. Biểu ngữ thường là chỉ có mấy câu lập đi lập lại “không có gì quý hơn Độc Lập Tự Do”, màu đỏ ở khắp mọi nơi, màu đỏ khiêu chiến, màu đỏ của máu tươi.

Hàng loạt người bị bắt âm thầm trong đêm tối, hàng loạt sĩ quan và công chức bị gọi đi học tập cải tạo “trong một tháng”. Loa phóng thanh chát chúa giọng đanh đá của các xướng ngôn viên bẻ miệng bẻ mồm chửi rủa Mỹ Ngụy.

Sài Gòn ngộp thở, Sài Gòn bị kềm kẹp lần lần trong hai gọng sắt.

Tất cả các tờ báo đều bị đóng cửa, chỉ còn hai tờ “Sài Gòn Giải Phóng” và tờ “Nhân Dân” từ Bắc mang vào.

Đường xe lửa Xuyên Việt được vội vàng tái lập để đưa các cán bộ từ Bắc vào Nam, và vơ vét của cải Miền Nam chở ngược ra Bắc. Nếu không có lý do hoặc không thuộc “gia đình cách mạng” thì đừng hòng leo lên “đường tàu Thống Nhất” nầy . Các trò chơi xưa, các thú tiêu khiển cũ đều bị cấm đoán, thay vào đó là họp hành để tố cáo lẫn nhau, hoặc những trò tủn mủn như “thiếu nhi đi lượm rác” hoặc “đi vét mương Xã Hội Chủ Nghĩa”.

Người dân phải làm mọi thứ đó với sự câm nín. Một cử chỉ phản đối sẽ bị cho là phản động và đưa thẳng vào nhà giam. Tôi đã quyết định ra đi. Không dám cho gia đình hay vì sợ bị cản trở, tôi âm thầm tìm đường vượt biển. Lúc đó đang có chiến dịch đốt sách báo “nhảm nhí” và nhạc “ru ngủ”, và một cuộc đổi tiền đang rục rịch tiến hành.

Tôi bán chiếc xe Daihatsu nhỏ với giá 3 triệu đồng thời bấy giờ và với số tiền đó, ngày 10-6-1975, một tháng sau khi Cộng Sản đặt nền móng cai trị tại Miền Nam, tôi ra đi với một bộ đồ cũ, bằng một tâm sự lo âu và rã rời.

Chiếc tàu đánh cá nhỏ chưa kịp rời Vàm Láng thì tên tài công đã mật báo với công an. Trong khi chờ đợi các hành khách lần lượt xuống tàu thì công an đã bao vây bằng nhiều tàu Hải Quân cũ. Lúc đó tôi đang ở trong khoang tàu. Tôi nhất quyết không thể sống chung với Cộng Sản, nên đã mang theo bột thạch tín hoà với ít nước trong một chai thuốc nhỏ mắt và hai ống thuốc ngủ. Trời ơi, trong khi di chuyển chai thuốc đã bể . Không còn suy nghĩ nữa, tôi nuốt trọn hai ống thuốc ngủ valium..

Ngoài kia mặt trời lên cao, những hàng dừa rũ ngọn trên mặt nước lấp lánh bạc. Đất nước thân yêu thôi xin vĩnh biệt. Trong thoáng chốc mơ hồ, tôi như rơi vào khoảng không mù mịt…

Ba má ơi, con đi đây …


--------------------
KHAI TỬ ĐẢNG!
Go to the top of the page
 
+Quote Post
 
Start new topic
Replies
caoduy
post Jul 27 2014, 11:33 AM
Post #2


Bảo vệ tổ quốc
***

Group: Năng Động
Posts: 13,947
Joined: 18-November 08
Member No.: 775
Age: 52
Country




Chương 5

Một năm nữa lại trôi qua, tin tức của Lý ngày càng bặt từ khi nông trường thành lập.

Một sáng tinh sương, có tin là một ghe máy chở tù nhân từ nông trường được đưa trở về trại. Tôi vội xin trưởng phòng cho đi gánh nước để biết rõ hơn. Thì ra nông trường cho đưa những can phạm bị bịnh quá nặng trở về trại vì con số chết chóc quá nhiều. Trong số bệnh nhân đó tôi tìm gặp Tí chuột, hiện chỉ còn là bộ xương cách trí. Nó nói vội với tôi:

- Nè, có thư của Lý gởi cho bồ. Nó đau nặng lắm nhưng Đực Râu không cho nó về, bảo nó làm biếng. Tui bị thổ huyết, tụi nó cho về chắc là gần ngày theo ông bà rồi chớ dễ gì.

Nhìn cặp mắt thâm quầng của nó, tôi đâm ra ân hận vì mình thiếu hẳn tình cảm với nó khi nó còn ở chung trại. Tôi nắm bàn tay xương xẩu của nó và nói:

- Mai mầy ghé đội, tao cho đường.

Đọc xong thư Lý, tôi quyết lên thăm nó để an ủi vì nó tuyệt vọng quá.

Từ khi tôi đi hát, tên Năm Sơn trưởng phòng thường pha trò ” Cô đào khả ái bữa nào đi hát xong, để nguyên đồ lại đây nói chuyện coi nào” làm anh em cười rộ lên. Tôi thấy ghét bản mặt của hắn nhưng ngộ biến phải tùng quyền. Tôi quyết định lợi dụng hắn để xin đi thăm Lý ở nông trường.

Và tôi được phép tháp tùng ghe chở gạo lên nông trường. Sau cuộc hành trình qua những đồng hoang hiu quạnh, chúng tôi tới một bãi sinh vừa được đắp cao, trên đó là một dẫy nhà thấp lè tè, nối liền bằng mấy cây cầu khỉ. Một đám muỗi bay vù vù ra đón chúng tôi. Qua lớp dây kẽm gai, các tù nhân đang đào kinh, vét mương. Những con kinh vô nghĩa, những cái mương không xài vào đâu. Tôi bắt gặp những bộ xương khô mang những bao cát rách, và những cặp mắt lờ đờ trên những gương mặt xanh mét. Tôi gặp lại Lý đang nằm bất động trên chiếc chiếu nát, cái đầu cạo trọc, đôi mắt thất thần quá to vì gương mặt đã hóp hẳn lại.

Trời ơi! Chúa ơi! những người này có tội gì mà hành hạ họ như vâỵ. Những kẻ có tội với nhân dân, đã vơ vét của cải nhân dân, họ đã bỏ trốn từ lâu. Nếu các người có giỏi, cứ đi tìm họ về, còng họ lại, nhốt họ lại. Hãy tha cho những người này,. Họ quá nghèo, quá vô tội nên không bỏ trốn. Họ là nạn nhân của tất cả mọi chế độ. Cải tạo họ, bằng cách này chứng tỏ sự yếu kém của chính quyền các người. Hãy tha họ ra, và họ sẽ quên đi hận thù mà cùng nhau xây dựng đất nước.

Lý chảy nước mắt khi tôi mang cho nó hộp sữa và bắt nó hứa phải gượng sống mà còn chờ ngày gặp lại.

Trên con đường trở về trại, tôi cảm thấy mệt mỏi, chán chường, tự hỏi tại sao cùng một màu da, cùng một dòng máu mà họ có thể tàn nhẫn với nhau được như vậy.

Sau đó, được tin Lý bình phục tôi rất mừng và nó có gửi tặng tôi một cặp gà tre nhỏ xíu.

Thời gian lặng lẽ trôi qua cho cới khi một trận lụt lớn nhất từ mười mấy năm qua làm ngập cả mấy vùng miền lục tỉnh. Chúng tôi phải đắp bờ đê quanh trại để chặn nước, vậy mà bên trong vẫn ngập và chúng tôi phải cất sập cao để ngủ.

Chúng tôi không được ăn gạo từ lâu, mà chỉ có bột và bo bo. Ăn bo bo vài thì gà hết đẻ. Ăn bo bo mỗi ngày thì chúng tôi sinh ra kiết lỵ và đau bao tử. Tôi ngã bệnh nặng và liệt giường cả tuần, nằm co quắp trong chiếc mền lính của Lý cho. Lúc đó thì Tí chuột bị thổ huyết cũng chết. Hai con gà của tôi, niềm an ủi cuối cùng của tôi cũng bị bệnh toi mà chết đi.

Từ khi ngập lụt, thăm nuôi cũng bị đình chỉ. Không biết nông trường có sao không . Tôi đã kiệt lực rồi, tôi đã hết sức chịu đựng rồi. Ba năm sáu tháng đã qua. Nghĩ mà tức, sống thoi thóp tới nay thì phải đành buông tay. Tôi chỉ tiếc là mình sẽ ra đi vĩnh viễn mà không gặp lại mẹ cha, không gặp lại Lý.

Thế nhưng, trong hoàn cảnh tuyệt vọng đó thì tôi được tha ra. Lúc ấy vào cuối năm 1978, có chiến dịch cho phép người Hoa được ra đi bán chính thức. Một số người Hoa được tha từ các trại, nếu họ đóng cho chính phủ một số vàng. Gia đình tôi nhờ chạy chọt đúng chỗ nên tôi được tha cùng với một số bạn tù người Việt gốc Hoa.

o O o

Tôi không ngờ tôi lại có thể bước đi trên con đường nhựa, có thể leo lên xe đò: ước mơ bé nhỏ của tôi trong mấy năm qua. Các bạn đỡ tôi lên ghe vì tôi quá yếu. Chợ Cai Lậy bị ngập lấp xấp, xe đò bị ngập nước phân nửa bánh xe. Tôi nhắn lại ít lời cho Lý, rồi xin giã từ nơi chốn tù đầy đã lưu lại một phần của đời tôi.

Bước chân vào nhà sau hơn ba năm cách biệt, tôi thấy như người về từ một cõi xa xăm nào. Căn nhà rộng rãi và xinh xắn trở nên tiêu điều và xơ xác. Người miền Nam tự động biến họ thành những con người xốc xếch, biến nhà của họ thành nghèo nàn dơ dấy, để “phù hợp” với chế độ này.

Thành phố nay chỉ còn có xe đạp. Chợ búa trống trải và “sạch sẽ” vì không còn gì để bán. Tôi bị tước quyền công dân và có thể bị bắt lại để giam giữ mà không cần có lý do, vì giấy tờ của tôi đã bị tịch thu, chỉ còn tờ “giấy tạm tha”.

Dân chúng nghèo xác xơ ra và họ đã mất hẳn tính vui vẻ hồn nhiên. Anh rể tôi đã chết trong trại tù ở Nghệ Tĩnh. Chị tôi mang khăn tang mà làm lễ siêu thoát cho anh. Nghe lời kinh của nhà sư trong buổi lễ tổ chức lén lút tại nhà, tôi muốn rơi nước mắt. Đã có bao nhiêu đồng đội của tôi đã ra đi một cách tức tưởi mà không nghe được câu tụng niệm:”Người đã qua được biển trầm luân, nay hãy đời đời yên nghỉ”.

Sàigòn thay đổi hẳn từ khi mang tên Hồ-chí-minh. Dân chúng sống trong sự kềm kẹp, sự lo âu, sự đói khát và ai cũng muốn ra đi.

Tham nhũng đầy dẫy, bất công lan tràn, có người đã nói: “Nếu cây cột đèn có chân thì nó cũng đã bỏ đi lâu rồi!”

Kế hoạch kinh tế mới bị thất bại một cách thảm hại. Chính quyền mới đi từ thất bại này tới thất bại khác, mà cứ đổ tội cho “đế quốc Mỹ” và “chánh quyền Ngụy”. Thật buồn cười thay. Từ khi chánh quyền tuyên chiến với người anh em “Trung quốc vĩ đại” thì có tin là họ đang tìm bắt lại các anh em binh sĩ và công chức được thả ra từ các trại cải tạo. Không thể ở lại được trong tình trạng này, tôi quyết định ra đi.

Từ Rạch Giá, ra Tắc Cậu nằm chờ ghe một thời gian, một hôm kia chúng tôi được tin sắp ra khơi. Mọi người mang vỏn vẹn ít bộ quần áo mặc chồng vào nhau, hấp tấp xuống ghe. Chiếc ghe cá của tôi đi mang số VNKG.0711 rời khỏi hải phận ngày 5-5-1979. Xin vĩnh biệt Việt Nam, vĩnh biệt mọi người thân yêu, xin vĩnh biệt “Hoả ngục đỏ, mối tình tôi”: Mối tình bạn đậm đà, mối tình yêu câm nín, mối tình gia đình thâm sâu, mối tình người muôn thuở.

Chiếc ghe chở nặng suýt bị đắm trong hai trận bão lớn. Nằm trong khoang chật ních, tôi tự hỏi tại sao mình lại còn đây, và tại sao chiếc ghe nhỏ như quả trứng lại chưa bể ra tan tành dưới giông tố tơi bời. Ghe chúng tôi bị hải tặc Thái Lan cướp và lột hết vòng vàng tiền bạc, lần sau thì vì chúng tôi tỏ vẻ kháng cự nên tụi hải tặc bỏ chạy luôn mà không chận chúng tôi lại.

Ba ngày sau tới hải phận Mã Lai thì bị lính tuần cảnh kéo đem ra bỏ ngoài khơi.

Tầu cạn dầu, hư máy, trôi dạt trên biển cho đến ngày thứ sáu. Chúng tôi đói lả và kiệt sức. Trên tàu đã có người chết.

Trong hoàn cảnh bi đát đo, tàu chúng tô may mắn cập vào một hòn đảo hoang “Pulau Tioman”. Tụi tôi phá tàu để khỏi bị tống ra biển.

Sống đùm bọc nhau trong một thời gian thì hội Hồng Thập Tự và U.N.H.C.R cho trực thăng đi tìm chúng tôi và cho ghe đưa chúng tôi về trại Cherating, trại này lớn thứ nhì sau Pulau Bidong.

Trong suốt cuộc hành trình, tôi vẫn mang theo trong người hình Đức Mẹ, đã che chở cho tôi trong những giây phút tuyệt vọng nhất.

Nhờ tôi nói thông thạo Anh và Pháp ngữ nên được chỉ định làm thông ngôn cho văn phòng trại. Tôi may mắn nhờ một phóng viên RTL cho gia đình bảo đảm của tôi bên Pháp hay nên ngày 1-8-1979, thành phố Paris hiện ra trong tầm mắt tôi. Sau thành phố Sàigòn yêu dấu, thành phố Paris có vẻ đẹp lạ lùng. Có lẽ vỉ đây là vùng đất Tự Do.

Tôi đã bặt tin của Lý. Tôi đã mất hẳn quê hương. Ngày nay tôi còn lại gì ngoài niềm hy vọng sẽ có ngày về thăm lại quê hương, và ngày đó “mối tình tôi” sẽ không còn là “hoả ngục đỏ” mà sẽ là nơi sum họp mọi nhà, nơi trăm hoa đua nở và sẽ không còn trại tập trung, sẽ không còn nghèo đói, sẽ không còn hận thù. Ngày đó, xin hãy đến với dân tộc chúng tôi.

Lucien Trọng


--------------------
KHAI TỬ ĐẢNG!
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Posts in this topic


Reply to this topicStart new topic
1 User(s) are reading this topic (1 Guests and 0 Anonymous Users)
0 Members:

 



Lo-Fi Version Time is now: 28th April 2024 - 10:36 AM