Welcome Guest ( Log In | Register )

 
Reply to this topicStart new topic
> Trẻ em trong cơn bão công nghệ, Joan Almon
Tulip
post Jul 20 2017, 01:10 PM
Post #1


Hoa cô đơn
***

Group: Năng Động
Posts: 5,417
Joined: 28-October 08
Member No.: 516
Country




Trẻ em trong cơn bão công nghệ


Bức tranh công nghệ trong thế giới hiện đại.

Trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ ngày nay, bước đến đâu có công nghệ đến đó, tivi, máy vi tính, điện thoại thông minh, máy tính bảng với đủ loại chương trình, ứng dụng hấp dẫn … Có lẽ việc dễ dàng nhất là “phơi” trẻ em trước các loại công nghệ này dù bạn có muốn hay không. Và không phải ngẫu nhiên mà một người làm giáo dục ở Hoa Kỳ gọi bọn trẻ teen ây giờ là “screen-ager” thay vì là “teen-ager”.

Công nghệ chen vào đời sống của trẻ em nhiều đến nỗi Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ đã phải khuyến cáo phụ huynh không cho trẻ dưới 2 tuổi tiếp xúc với màn hình công nghệ với những lý do sau: (1) Công nghệ cản trở sự phát triển toàn diện của trẻ và ngăn chúng tìm hiểu thế giới xung quanh là không gian ba chiều vốn rất quan trọng đối với trẻ nhỏ. (2) Công nghệ ngăn trở mối quan hệ giữa người với người, tước mất thời gian chơi của trẻ, cản trở trẻ hòa mình với thiên nhiên. Khi bàn đến công nghệ, cần bàn đến điều gì chúng ta nghĩ là tốt cho trẻ, đồng thời cần lưu tâm đến THÓI QUEN mà chúng ta tập cho trẻ từng ngày.

Nghiện tivi hay công nghệ là thói quen tự chúng ta mang vào người, một cách rất từ từ, giống như nghiện rượu, nghiện thuốc lá hay bất cứ loại nghiện nào khác. Chính văn hóa gia đình góp phần rất lớn trong việc hình thành thói quen đó, khi mà cứ xong cơm tối thì cha một màn hình, mẹ một màn hình và bỏ con với một màn hình khác hoặc ngay cả khi chơi với con cũng lôi màn hình ra “dạy” cho con chơi, “dạy” cho con tiếp xúc với công nghệ từ sớm để sau này không kém chị kém em.

Dần dần, mưa dầm thấm lâu để đến một ngày bạn nhận ra mình không chịu được khi thiếu màn hình điện thoại hay Ipad và cũng đồng thời nhận ra rằng con mình không chịu được nếu thiếu cái tivi, đó là lúc thói quen đã hình thành và khi nó đã hình thành thì rất khó bỏ, đặc biệt là ở trẻ em. Lúc này, trẻ sẽ chỉ thích dán mắt vào màn hình, bất kể là tivi, điện thoại hay máy tính bảng…và không thích tham gia các hoạt động khác quan trọng đối với sự phát triển cả thể chất và tinh thần của chúng.

Trẻ cần thời gian và không gian để phát triển, để thành con người khỏe mạnh toàn diện, một khi thời gian thơ ấu xây dựng nền tảng cho cả đời người ấy bị mất đi, không thể nào lấy lại được, trong khi việc mang công nghệ đến cho trẻ còn rất nhiều thời gian sau này, trẻ hoàn toàn có thể chờ được, vậy
tại sao chúng ta lại nóng lòng?

Nhiều phụ huynh ý thức được vấn đề đã rất băn khoăn về việc khi nào cho trẻ tiếp xúc với công nghệ và bao nhiêu là hợp lý vì thực tế là các trường học đua nhau trang bị công nghệ vào việc giảng dạy, đua nhau dạy vi tính cho trẻ sớm, hơn nữa, khi nhìn vào các nền giáo dục công tại nhiều nước phát triển trên thế giới, chẳng hạn như Hoa Kỳ, bạn sẽ tự rút ra kết luận: cần phải cho trẻ tiếp xúc với công nghệ càng sớm càng tốt, và nếu bạn không cho con bạn bắt đầu từ sớm, bạn là một ông bố bà mẹ đang phá hoại tương lai của con mình vì khi lớn lên nó sẽ không thể nào theo kịp với đời sống công nghệ hiện đại của ngày nay!

Nhưng nếu bạn chịu dừng lại, chịu tìm hiểu kỹ hơn, bạn sẽ thấy rằng HOÀN TOÀN KHÔNG có một dữ liệu nào chứng minh điều này cả. Cả một xu hướng, trào lưu của thời đại không dựa trên một nghiên cứu xác thực, một minh chứng cụ thể nào, có chăng là hàng loại các quảng cáo rầm rộ, quy mô, bài bản, lâu dài của ngành công nghiệp với lợi nhuận khổng lồ thu được từ những chương trình, ứng dụng và thiết bị công nghệ dành cho trẻ nhỏ. Những quảng cáo chỉ nhắm vào mục đích lợi nhuận và đưa ra những kết luận không hề có minh chứng chỉ để phục vụ vào lợi ích riêng của họ, còn lợi ích thực của trẻ không hề được màng tới.

Vài năm trước Disney mua lại công ty Baby Einstein và quảng bá rất mạnh đây là chương trình giáo dục. Đã có nhiều phụ huynh tin tưởng và đặt mua. Sau đó tổ chức Campaign for Commercial-free childhood (tạm dịch Chiến dịch vì Tuổi thơ phi thương mại), để mắt tới chương trình Baby Einstein của Disney, nghiên cứu và tuyên bố chương trình này không được chứng minh là chương trình giáo dục. Sau đó Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ (Federal Trade Commission) đã quyết định không cho phép Disney tiếp tục quảng cáo chương trình này. Nhiều cuộc nghiên cứu tại Hoa Kỳ về tác động công nghệ đối với phương pháp giáo dục trẻ, đặc biệt là trẻ nhỏ đều kết luận công nghệ KHÔNG PHẢI là phương pháp tối ưu, như ở giáo dục mầm non, việc cô kể chuyện cho trẻ nghe bằng giọng truyền cảm sẽ giúp trẻ học được từ vựng hơn nhiều so với cho trẻ nghe một cái máy kể chuyện điện tử. Một nghiên cứu khác cũng ở Hoa Kỳ được thực hiện trong lớp học cho thấy việc học sinh thường làm khi ngồi trước máy vi tính là nhảy từ trang web này đến trang web khác, và rất ít thấy có sự đào sâu nghiêm túc vào một đề tài nào.

Tuy nhiên, mặc những nghiên cứu, những khuyến cáo, khuyến nghị, người ta vẫn cứ đổ xô chạy theo công nghệ, chạy theo tư tưởng số đông, đem nó về nhà cho con em mình càng sớm càng tốt. Các nền giáo dục công tại những nước phát triển đều tiêu tốn rất nhiều tiền để trang bị công nghệ vào trường học, như tại Hoa Kỳ, hàng tỉ đô la đã được bỏ ra mỗi năm cho mục đích này.

Đời sống trẻ em trong thế giới hiện đại

Song song với sự phát triển vượt bậc của công nghệ và sự có mặt của nó trong trường học ngày càng sớm thì ở trẻ em lại có những thứ bị sụt giảm nghiêm trọng.

Trẻ ngày càng ít sáng tạo. Tính sáng tạo là khả năng thiên phú nhưng nó phải được rèn dũa, và cơ hội tuyệt vời để rèn dũa sức sáng tạo chính là CHƠI TỰ DO. Cho đến năm 1997, 99,7% trẻ em từ độ tuổi 6 đến 12 thời gian chơi chỉ còn 16%, và đến năm 2003 là 8%. Một điều đáng tiếc vì chơi là hoạt động rất bình thường của trẻ mà ngày nay thời gian chơi của trẻ bị thu hẹp nghiêm trọng đến mức các chuyên gia phải thực hiện những cuộc nghiên cứu nghiêm túc.

Trẻ em ngày nay không giỏi vận động thể chất, những vận động thô như chạy nhảy, leo trèo…, những vận động tinh như cài nút áo, cột dây giày, cầm viết…Ngày càng nhiều trẻ gặp khó khăn trong vận động phải đến gặp chuyên gia trị liệu chỉ để được dạy những kỹ năng của bàn tay, ngón tay vì chúng không cầm được viết. Ngược lại, một số trường cho rằng không cần quá lo lắng, trong tương lai học sinh sẽ không cần viết nữa vì chúng sẽ học và làm việc toàn bộ trên máy tính.

Tuy nhiên, mọi việc có đơn giản như vậy không? Nhà thần kinh học Frank R. Wilson trong tác phẩm “The Hand” đã chỉ ra phần lớn sự phát triển của não bộ liên quan đến hoạt động của bàn tay; khi trẻ học cách sử dụng bàn tay, các dây thần kinh được kích thích phát triển, không chỉ có não mà các giác quan cũng được kích thích, và ông chỉ ra rằng dùng bàn phím, con chuột hay cần điều khiển là những cử động rất ít có sự tham gia của bàn tay.

Trẻ học chủ yếu qua các giác quan, nhìn, nghe, ngửi, xúc chạm... bạn cho trẻ vào một khu vườn, tất cả các giác quan của trẻ được kích thích, bao gồm cả giác quan cân bằng. Khi chúng chơi trò chơi xây dựng, giác quan cân bằng được kích thích, chúng phải học cách để những miếng gỗ hay món đồ lên nhau và đảm bảo chúng được cân bằng. Một số trò chơi xếp hình, lego chẳng hạn, không kích thích được giác quan cân bằng vì việc gắn những mảnh rời với nhau rất dễ dàng, nếu nó không khớp tức là không khớp, còn khi tìm đúng mảnh ghép, nó lập tức sẽ khớp vào nhau, mặc dù không phủ nhận rằng lego có tác dụng trong một vài phương diện phát triển sự sáng tạo, đặc biệt là ở trẻ trai.

Không có nghiên cứu nào chứng minh cụ thể và chi tiết công nghệ chính là lý do cho hàng loạt những vấn đề của trẻ ngày nay nhưng trước thực tế sự phát triển của công nghệ tỷ lệ nghịch với sự suy giảm của những yếu tố phát triển ở trẻ em như tính tò mò, sự sáng tạo, thời gian chơi đồng thời tỷ lệ thuận với những vấn đề như hội chứng khó đọc, khó tập trung, kỹ năng vận động… cho chúng ta một bức tranh tổng thể về đời sống của trẻ trong thế giới hiện đại ngày nay. Liệu rằng có mối liên quan mật thiết giữa sự gia tăng khủng khiếp của công nghệ và những khả năng cơ bản của con người ở trẻ em không? Đó là câu hỏi còn để ngỏ cho tất cả chúng ta, những người quan tâm thật sự đến nhu cầu thực của trẻ.

Nếu bạn chú ý, danh sách những kỹ năng yêu cầu cho công việc trong mẫu tuyển dụng của các công ty từ lớn đến nhỏ, kỹ năng chuyên môn hay còn gọi là kỹ năng cứng đứng cuối trong khi kỹ năng con người hay còn gọi là kỹ năng mềm như tính sáng tạo, khả năng giải quyết vấn đề…đứng đầu vì họ biết có thể dạy kỹ năng chuyên môn cho nhân viên một cách nhanh chóng nhưng rất khó dạy sự sáng tạo cho những người trưởng thành 22, 25 tuổi khi mà mầm sáng tạo trong họ đã không được phát triển ngay từ khi còn nhỏ.
Trong tác phẩm “Play” của nhà thần kinh học Stuart Brown, ông kể một câu chuyện rất thú vị ở phòng thí nghiệm đứng đầu ngành công nghiệp không gian vũ trụ tại trung tâm Sandiago, Hoa Kỳ. Vào cuối thập niên 1900 khi những kỹ sư kỳ cựu về hưu, phòng thí nghiệm phải tuyển hàng loạt những kỹ sư trẻ tuổi từ các Đại học danh tiếng như Stanford, MIT và lập tức đối mặt với một vấn đề lớn: những kỹ sư trẻ này rất thông minh, nhiều ý tưởng và biết cách thực hiện những ý tưởng đó, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nảy sinh những vấn đề và họ không có khả năng giải quyết. Trưởng phòng thí nghiệm vô cùng thất vọng vì ông nhận thấy chất lượng công việc của phòng thí nghiệm tụt dốc đáng kể với những người trẻ này, và ông thực sự không biết phải làm gì. Một hôm ông đọc một bài báo về một ngành liên quan đối mặt với cùng vấn đề và ông phát hiện cần phải tuyển dụng những người khi còn nhỏ hay "nghịch" với thiết bị đồ dùng vì đó sẽ là những người có khả năng giải quyết vấn đề. Khi bạn nghịch với thiết bị đồ dùng, bạn đang sử dụng đôi tay và đó là một hình thức CAO hơn của hoạt động chơi. Bạn đâu chỉ đơn giản là phá bỏ tòa nhà vừa mới xây hay tháo rời máy phát thanh, tivi, xe hơi để rồi khi lắp lại thấy thừa vài con ốc! Bạn phải suy nghĩ cách gắn chúng lại như ban đầu, đó là bài thực hành bằng tay để giải quyết vấn đề dùng những hình ảnh tưởng tượng trong đầu.

Trưởng phòng thí nghiệm quyết định thêm một câu hỏi vào danh sách câu hỏi tuyển dụng: “Lúc còn nhỏ, bạn có nghịch với thiết bị đồ dùng trong nhà không?” Ông tuyển được những kỹ sư vẫn từ trường Đại học Stanford, MIT nhưng lần này là những người có đôi tay khéo léo và có khả năng giải quyết vấn đề. Phòng thí nghiệm của ông vượt qua được khó khăn.
Đó chỉ là một khía cạnh của trẻ nhỏ bị tước mất trong thời hiện đại này. Chúng ta bảo chúng ta cho chúng thứ đặc biệt hơn đấy chứ, phải, thứ chúng ta cho đôi khi cũng có ích đối với trẻ, còn lại hầu như là không giúp được gì và để đổi lấy những công dụng ít ỏi ấy thì lại quá nhiều thứ lại bị lấy mất.

Điều gì quan trọng nên làm trước. Điều quan trọng là bạn cần đem đến cho trẻ những điều cơ bản của một CON NGƯỜI: đó là cách sử dụng cơ thể, sử dụng con tim, sử dụng khối óc, sử dụng các giác quan, hòa nhập vào thế giới xung quanh, thế giới con người, thế giới thiên nhiên…Cho chúng những điều đó trước khi đem công nghệ đến với chúng, vì để trẻ sử dụng được công nghệ là một điều không hề khó.

Hãy xem những con người công nghệ nổi tiếng sử dụng máy tính lúc năm bao nhiêu tuổi: Steve Jobs: 14 tuổi, Bill Gates: 12 tuổi.

Có một nguyên tắc tuyệt vời trong ngành y đã tồn tại hàng nghìn năm: không gây hại. Mỗi khi có thứ gì mới được đưa ra, cần phải đặt câu hỏi: liệu nó có giúp ích được gì hay có hại gì? Chúng ta không làm động thái đó với giáo dục, chúng ta không làm động thái đó với việc đưa công nghệ vào đời sống của trẻ. Chúng ta yêu công nghệ nhưng công nghệ KHÔNG yêu con em chúng ta. Công nghệ thực ra đang gây tổn hại đến trẻ nhỏ, thậm chí đối với lứa tuổi tiểu học, hơn là giúp ích chúng.

Hãy giữ con bạn tránh xa các màn hình công nghệ ít nhất là SAU 3 TUỔI vì trước 3 tuổi, trẻ không phân biệt được đâu là thế giới thật, đâu là thế giới ảo. Những gì diễn ra trong màn hình công nghệ chỉ làm trẻ rối trí. Sau 3 tuổi, trẻ trở nên phân biệt rõ hơn giữa thế giới thật và ảo. Nếu bạn đưa cái bánh làm bằng cát cho trẻ dưới 3 tuổi và bảo đây là bánh sinh nhật, nó sẽ bỏ vào miệng, nếu là trẻ trên 3 tuổi, nó sẽ nhìn bạn và hỏi “bánh giả bộ phải không cô?”, còn trẻ 4 tuổi sẽ ngay lập tức tìm những nhánh cây nhỏ bỏ lên trên làm nến và gọi bạn bè xung quanh lại tổ chức bữa tiệc sinh nhật. Rõ ràng trẻ 4 tuổi biết chắc đây là bánh giả và chúng sống trọn vẹn trong trí tưởng tượng của riêng mình với trò chơi bánh sinh nhật. Bây giờ bạn đặt một màn hình trước mặt đứa trẻ dưới 3 tuổi và nghĩ rằng nó phân biệt được đâu là thật, đâu là giả? Chỉ làm nó bị rối trí mà thôi.

Từ 3 đến 6 tuổi, khó có thể giữ cho trẻ không tiếp xúc với màn hình công nghệ trừ khi bạn nuôi chúng trong hộp hoặc nhốt trong tủ nhưng không có nghĩa bạn thả bừa chúng ngay cả tại nhà. Nhà là nơi duy nhất bạn có thể sắp đặt lối sống, thói quen sinh hoạt để bảo vệ con mình. Bạn phải tỉnh táo đặt ra những ranh giới cho bọn trẻ. Điều này không có nghĩa những thứ này không được có mặt trong nhà bạn, nhưng đối với trẻ thì khác, những gì không có lợi cho chúng, là cha mẹ, chúng ta cần phải biết kiên quyết hạn chế. Đó có lẽ là cách duy nhất để chúng ta có thể làm được cho con mình trong cơn bão công nghệ như ngày nay!

Lucita International Preschool
(Lược dịch từ bài nói chuyện của tác giả Joan Almon, chuyên gia giáo dục Steiner)
________________________________

Joan Almon là một giáo viên mầm non với hơn hai mươi năm giảng dạy, một nhà giáo dục, tác giả của nhiều cuốn sách về giáo dục trẻ trong độ tuổi mầm non, tiểu học. Bà thường xuyên tổ chức nhiều hội thảo ở khắp nơi trên thế giới để chia sẻ các kiến thức về giáo dục trẻ em.


--------------------

*******
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
2 User(s) are reading this topic (2 Guests and 0 Anonymous Users)
0 Members:

 



Lo-Fi Version Time is now: 28th March 2024 - 01:56 AM