Welcome Guest ( Log In | Register )

 
Reply to this topicStart new topic
> Vẻ đẹp của Bản Vọng Cổ miền Nam, Băng Huyền
Tulip
post Jul 14 2012, 07:12 AM
Post #1


Hoa cô đơn
***

Group: Năng Động
Posts: 5,417
Joined: 28-October 08
Member No.: 516
Country






Soạn giả Yên Lang


Vẻ đẹp của Bản Vọng Cổ miền Nam


Trong chuyến viếng thăm cùng với ông Nguyễn Minh Chiêu (hội trưởng Hội Ái Hữu Nghệ Sĩ Hải Ngoại), soạn giả Yên Lang và và giáo sư Nguyễn Thanh Giàu đã có những chia sẻ gửi đến độc giả vài nét tiêu biểu của bài bản âm nhạc cải lương. Lần này, kính gửi đến quý độc giả nét độc đáo của bản vọng cổ, mà theo như lời của soạn giả Yên Lang, thì “Bản vọng cổ được tôn vinh là ‘bà chúa của cải lương’ quả thật không sai”.

Thành phần quan trọng nhất tạo thành điệu nhạc căn bản của cải lương chính là bản vọng cổ. Tiếng ghi-ta phím lõm, cùng đàn nguyệt, đàn bầu, đàn cò… những cung đàn lúc réo rắt, khi khoan lơi, lúc lại trải dài mênh mang hòa quyện với lời ca của người hát để dẫn dắt vào lòng người. Nghệ thuật nắn nót cung đàn, với nhiều cách lên dây đàn như dây Rạch Giá, dây Bạc Liêu, dây Sài Gòn, dây Hò đậy, dây Tố Loan, dây Tứ Nguyệt, dây Ngân Giang hạ, v.v., tạo cho người đờn, người ca nhiều điều kiện sáng tạo rất phong phú. Ngoài chất giọng thiên phú, nghệ sĩ còn cần phải khổ công luyện tập nghệ thuật nhả chữ, luyến láy, nghệ thuật ngân giọng, nghệ thuật xếp chữ khi ca... Soạn giả Yên Lang cho rằng vọng cổ, hay vọng cổ Bạc Liêu, là một điệu nhạc rất thịnh hành ở các tỉnh miền Tây.

Rất nhiều đào kép nổi tiếng trên sân khấu cải lương cũng nhờ từ bản vọng cổ. Nổi bật nhất chính là ông vua vọng cổ - cố nghệ sĩ Út Trà Ôn. Nhiều nghệ sĩ đương thời nhận xét nghệ sĩ Út Trà Ôn là một nghệ sĩ tài danh toàn diện trong nghệ thuật ca ngâm. Ông có làn hơi phong phú, độc đáo, âm vực rất rộng, được xếp vào giọng kim. Ông có thể ca nhiều loại, từ dây hò đến dây xề hay dây đào, mà chất giọng không thay đổi, vẫn hùng hồn, ngọt ngào, âm vang sang sảng.

Sự ra đời của bản vọng cổ

Bản vọng cổ được bắt nguồn từ bài Dạ Cổ Hoài Lang (nghe tiếng trống đêm, nhớ chồng) của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu (tức Sáu Lầu) sáng tác năm 1919. Dạ Cổ Hoài Lang nguyên thủy vốn có 20 câu, hai nhóm đầu mỗi nhóm 6 câu, hai nhóm sau mỗi nhóm 4 câu. Mỗi câu trong bài có 2 nhịp, gọi là nhịp đôi, mang hơi nam và hơi oán. Bản Dạ Cổ Hoài Lang được giới nghệ sĩ đương thời yêu thích và mau chóng đi vào lòng người. Chính từ bản Dạ Cổ Hoài Lang, về sau, cùng với việc tăng số nhịp trong mỗi câu, bản vọng cổ ngày càng đa dạng thêm nhờ tài năng của các soạn giả, các nghệ sĩ.

Bắt đầu từ năm 1927, tại Bạc Liêu, bản Dạ Cổ Hoài Lang đã được mở nhịp, mỗi câu 4 nhịp và mang tên “Vọng Cổ Hoài Lang”. Đến năm 1940, bản Vọng Cổ Hoài Lang được mở nhịp 8 mỗi câu, mang tên là Vọng Cổ Bạc Liêu. Từ khoảng 1955, tại Sài Gòn, bản Vọng Cổ Bạc Liêu được tiếp tục mở nhịp 16, rồi nhịp 32. Khoảng năm 1964, có nơi mở nhịp 64. Và hiện nay thông dụng nhất là bản Vọng Cổ nhịp 32, đã tạo nên một bước ngoặt cho bản vọng cổ.

Vọng cổ - “Bà chúa của cải lương”

Bản vọng cổ đã trở thành loại nhạc kể chuyện, phần lớn là chuyện tâm tình. Giai điệu được tự do thay đổi theo nhịp đàn đã quy định. Giọng ca vừa “theo” vừa “thoát” vừa quyện vào giai điệu của nhạc cụ được biến tấu tùy hứng.

Bài vọng cổ có ưu điểm khá tự do, không bị gò bó vào một công thức nhất định. Nhưng phải là tự do trong cấu trúc, tức là bản vọng cổ vẫn phải phục tùng một số quy tắc nhất định về nhịp điệu, bằng trắc của thơ để giữ được cái “chất” riêng. Như vậy, bản vọng cổ mới không bị lẫn với tân nhạc, hay bài chòi, dân ca, chèo, tuồng, mà lại còn phân biệt được với các bài bản khác của cải lương. Tự do ở đây được hiểu là tính linh hoạt trong làn điệu để bày tỏ tình cảm, nội dung, chứ không phải là tự do phá vỡ hoàn toàn cấu trúc về phong cách của nó để không còn là nó nữa.

Vì vậy, ngôn ngữ âm nhạc của bản vọng cổ có tính tổng hợp cao, đa dạng, thích ứng được nhiều màu sắc tình cảm. Đó là cái độc đáo mà các bài bản cải lương khác không có được. Do đó, bản vọng cổ được mọi người ở mọi tầng lớp, mọi miền trong cả nước Việt Nam cảm nhận được.
Mặt khác do tính uyển chuyển ấy mà tất cả những người ca cũng như những người đờn đều có mảnh đất sáng tạo khá rộng, thể hiện tình cảm của mình vào lời ca tiếng đờn, làm cho nó thêm phong phú, sinh động.

Nhờ vậy, mà có bao nhiêu người ca, người đờn thì có bấy nhiêu phong cách ca và đờn khác nhau khi thể hiện bản vọng cổ. Các nghệ sĩ tài danh đều có cách ca khác hẳn nhau, tùy thuộc vào từng vai mà diễn viên thể hiện tình cảm. Tùy theo hơi dài, hơi ngắn, giọng cao, giọng thấp của bản thân từng người mà làm tăng thêm ưu điểm và che bớt nhược điểm của mình.
Vọng cổ là mảnh đất màu mỡ cho người hát thể hiện cái riêng của mình (cái riêng của nhân vật kịch, nếu là vào vở diễn), chỉ phải tuân theo một số quy tắc nhất định về nhịp và cấu trúc, còn thì tự do sáng tạo. Nhưng người hát có tài phải là người làm chủ được nhịp, phát triển được làn điệu, bắt nhịp và làn điệu làm công việc bộc lộ tình cảm và tính cách nhân vật. Nhịp chỉ là để tạo nên tiết tấu tình cảm mà thôi.

Người nghệ sĩ có giọng tốt chưa phải là phương tiện để giúp cho người đó hát hay. Hát hay là phải có kỹ thuật, mà kỹ thuật phải đáp ứng cho được yêu cầu của nội dung. Muốn thế người nghệ sĩ cần phải hát đúng tính cách nhân vật cũng như tính chất hành động của nhân vật. Như thế, có thể kết luận rằng, do tác động của nghệ thuật biểu diễn, bài vọng cổ đã mang tính hình thức trình diễn rõ rệt.

Đó vừa là ưu điểm mà cũng là nhược điểm của bài vọng cổ, vì khi người hát bắt chước người khác một cách máy móc, không có sự nghiên cứu, sáng tạo của mình thì cũng dễ sai lệch với nội dung của lời hát. Đây chính là khuyết điểm của người hát, vì đã không biết vận dụng hình thức trình diễn độc đáo của bản vọng cổ.

Cách ca vọng cổ

Khi ca vọng cổ, người ca phải luyện hơi, luyện giọng để xuống âm Hò (tức Vọng cổ đầu) và âm Hò cuối lái (bắt buộc).
Ca vọng cổ theo phong cách tài tử thì đờn vô trước 4 nhịp, rồi người ca vô sau.
Ca vọng cổ theo phong cách cải lương, người ca nói lối hoặc ca bài bản gối đầu, rồi vô vọng cổ Hò.

Soạn giả Yên Lang cho biết khi sử dụng bản vọng cổ, dù soạn giả hay nghệ sĩ đều phải sử dụng cho đúng với mục đích, với nội dung. Nội dung quyết định sự tồn tại của bản vọng cổ: vị trí, cách phân bố, chuyển tiếp, tiết tấu sân khấu cho đến kỹ thuật hát, cách biểu hiện tình cảm, thái độ, v.v..
Ông cũng cho rằng khi sáng tác, các soạn giả, tùy tình cảnh, tâm trạng nhân vật của vở cải lương mà chọn trích bất cứ số câu nào trong số 20 câu vọng cổ. Thường chỉ dùng đôi ba câu, hoặc 4 câu (1-2-5-6) hoặc 5 câu (1-2-3-4-6 hay 5-6), hoặc 6 câu (1-2-3-4-5-6). Các bản vọng cổ lưu hành hiện nay cũng chỉ soạn số câu như vừa nêu.

Thông thường để khởi đầu cuộc trình diễn, các nhạc sĩ sẽ đàn "Rao" (rao điệu Oán). Rao một lúc thì người hát bắt đầu "nói lối" trong lúc nhạc sĩ vẫn rao; khi nói lối gần xong thì nhạc sĩ ngừng rao, chờ cho ca sĩ xuống giọng để vô nhịp Hò đầu (của câu 1), sau đó nhạc sĩ vào bản nhạc và tiếp tục đàn luôn. Nếu người hát xuống giọng để "vào nhịp Hò" mà nghe êm tai, mùi mẫn lại ăn khớp với tiếng đàn thì khán giả sẽ vỗ tay tán thưởng.
Ca đến hết câu 1 thì "xuống nhịp Cống", cho nên bài ca vọng cổ nào chữ cuối cùng của câu 1 cũng là một chữ có dấu sắc, hoặc có khi dấu hỏi hay dấu ngã, mới "ăn" với nốt “Cống”.

Cuối câu 2 thì "xuống nhịp Xang", cho nên bài ca vọng cổ nào chữ cuối cùng của câu 2 cũng là một chữ không dấu mới "ăn" với nốt Xàãang. (Hoặc đôi khi mới dùng chữ có dấu huyền thì phải đọc lờ đờ như là không dấu).
Cuối câu 3 và cuối câu 4 đều "xuống nhịp Hò" thì lời ca thường thường cuối câu là một chữ có dấu huyền mới "ăn" với nốt Hò (hoặc dùng một chữ không dấu).
Cuối câu 5 thì "xuống nhịp Xề" nên trong lời ca, chữ cuối của câu 5 nhất định phải là một chữ có dấu huyền, mà đọc phải gằn giọng và kéo dài để cho "ăn" với nốt "Xề".
Cuối câu 6 thì xuống nhịp Hò (như 3 và 4) mà phải đọc nhẹ để chấm dứt bài ca cho êm tai.
Đó chỉ là vài nét chính để quý độc giả hiểu thêm một chút về nét độc đáo của bản vọng cổ, của khối tình quê mộc mạc, chân chất, phóng khoáng và rất đỗi nên thơ của tiếng lòng người dân miền Nam, khiến người nghe quyến luyến không nỡ rời xa.
Thật khó chuyển tải được hết chất men say ngọt ngào trong những câu vọng cổ chứa đựng biết bao nghĩa tình sâu nặng của hồn quê chỉ bằng con chữ. Chỉ có ai được “mắt thấy tai nghe”, mới có thể cảm hết được điệu ca sâu nặng này.

Thay cho lời kết, người viết xin được mượn lời chia sẻ chân thành của soạn giả Yên Lang: “Nhiều người nói rằng cổ nhạc nói chung, hay vọng cổ nói riêng, nó bình dân quá. Nhưng theo tôi, chất bình dân lại có giá trị tuyệt vời, chứ không phải kiểu lá cải ba xu. Tôi còn nhớ trước đây, có người từng đả kích soạn giả Viễn Châu, cho rằng soạn giả Viễn Châu viết vọng cổ hay, nghe êm đềm, rất thơ, nhưng đôi khi quá bình dân. Soạn giả Hoa Phượng đã từng chỉnh lại ý kiến này, ông cho rằng ‘Cải lương nếu tách rời bình dân, là cải lương tự đào hố chôn mình’. Bởi vì hết 80 phần trăm khán giả của cải lương là khán giả bình dân. Nếu soạn giả viết tuồng cải lương, viết vọng cổ mà tách rời khỏi khán giả bình dân, thì có khác nào ta tự đào mồ chôn ta. Hiện nay, cải lương trong nước đã mất đi những người soạn giả tài hoa ngày xưa, một số soạn giả mới sau này đã làm mới cải lương, đã tách rời điều cơ bản cải lương. Mặc vào những chiếc áo ngoại lai, xa lạ vào hình ảnh cải lương. Khi soạn giả không còn lấy khán giả cải lương bình dân làm căn bản, khiến những tuồng cải lương, những bản vọng cổ trở nên nhạt nhòa, mất đi những tình cảm dân tộc, mất đi tình cảm của khán giả đối với bộ môn cải lương, nếu khán giả quay lưng, thì cải lương sẽ chết thôi”. - (BH)

Băng Huyền


--------------------

*******
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
2 User(s) are reading this topic (2 Guests and 0 Anonymous Users)
0 Members:

 



Lo-Fi Version Time is now: 28th April 2024 - 05:39 AM