Welcome Guest ( Log In | Register )

 
Reply to this topicStart new topic
> Sầu nữ Út Bạch Lan, Mặc Lâm
PhuDung
post Nov 29 2016, 03:20 PM
Post #1


Bảo vệ tổ quốc
***

Group: Năng Động
Posts: 2,169
Joined: 17-December 08
Member No.: 1,269
Country




Sầu nữ Út Bạch Lan


Út Bạch Lan qua đời vào ngày 4 tháng 11 năm 2016



Giới yêu chuộng cải lương miền Nam vừa mất đi một giọng hát nữ thân thương với nghệ danh Út Bạch Lan người nổi tiếng không những từ giọng ca thiên phú mà còn là một nhân cách đáng kính trọng trong cuộc sống đời thường.

Út Bạch Lan gia nhập làng cải lương không phải từ một gia đình truyền thống mà bà bước ra sân khấu khi đôi chân chưa rửa sạch bụi đời bám sâu trên từng kẻ chân của một bé gái chưa trưởng thành. Nói đến cải lương miền Nam thì cái tên Văn Vĩ không ai không biết, chính người danh cầm bậc thầy này đã rèn luyện, kềm cặp cho cô bé chân đất ấy trở thành ngôi sao sáng trên sân khấu miền Nam, bắt đầu bằng bài hát “Trọng Thủy Mỹ Châu” cho đài phát thanh Pháp Á.

Từ buổi thu âm ấy, Út Bạch Lan nổi lên bằng giọng ca sầu muộn thiên bẩm của mình. Giọng ca bà được khán giả yêu mến đặt cho cái tên “sầu nữ” bởi tính chất u buồn ảm đạm trong từng câu chữ bà cất lên. Sầu nữ Út Bạch Lan đã làm không biết bao cô gái nhỏ lệ như chính bà đã đi vào cuộc sống của họ. Những mối tình ngang trái, những mảnh đời nghèo hàn vất vả, những số phận của người đàn bà trong thời đại nam trọng nữ khinh….Út Bạch Lan hát mà như than thở thay cho người nghe và vì vậy tên tuổi của bà dính liền với nỗi niềm xã hội.

Út Bạch Lan được gọi là sầu nữ vì bà ấy có hai vấn đề, cái thứ nhất vì bà hát nhiều bài rất là buồn coi như là sầu muộn ấy mà. Thứ hai nữa là bà buồn vì tình cảm của bà.
-Ngành Mai

Nhà nghiên cứu cải lương Ngành Mai nhận xét về hai từ “Sầu nữ” của bà như sau:

“Út Bạch Lan được gọi là sầu nữ vì bà ấy có hai vấn đề, cái thứ nhất vì bà hát nhiều bài rất là buồn coi như là sầu muộn ấy mà. Thứ hai nữa là bà buồn vì tình cảm của bà, hai cái đó nhập lại tôi không biết cái nào lớn hơn. Báo chí nói về tình cảm của Út Bạch Lan Thành Được có rất nhiều chuyện mà nếu nói ra phải một cuốn sách mới hết.

Út Bạch Lan nổi tiếng thật ra không phải do diễn xuất nhưng mà nhờ ca hay. Làn hơi của Út Bạch Lan từ xưa trong đài phát thanh Pháp Á thì giọng của Út Bạch Lan đã đưa lên rồi. Giọng ca của bà tới giờ chót cũng vẫn còn buồn mà! Đối với cải lương dù anh diễn dở nhưng mà ca hay thì cũng thành hay nữa. Trong cải lương đặt nặng vấn đề ca vọng cổ nhiều hơn mà Út Bạch Lan được cái ưu điểm đó. Tính tình của Út Bạch Lan thì cũng bình thường thôi không khó mà cũng không dễ mấy. Có thời gian lập gánh với Thành Được thì do chuyện riêng nên bà gắt gỏng với bao nhiêu người làm chung quanh chứ thật ra bà là người tốt.

Út Bạch Lan từ khi hát cho tới lúc nghỉ lúc nào cũng giữ vai trò đào thương hết thành ra được người xem yêu mến chứ nếu đóng vai khác thì có lẽ không hay bằng. Nhờ vai đào thương mà có được cảm tình của khán giả. Tôi coi rất nhiều tuồng hát của Út Bạch Lan và thấy cái tên sầu nữ đi đôi với vai đào thương của Út Bạch Lan. Hơn nữa thời gian mà Út Bạch Lan nổi tiếng nhất không phải chỉ hát không mà do thời gian gặp với Thành Được, mà gặp Thành Được lại càng hay nữa hai giọng hát như hai dòng sông nhỏ hợp lưu lại thành dòng sông lớn, nó là vậy đó.”

Được đờn cho Út Bạch Lan hát trong các hãng đĩa nổi tiếng từ thập niên 60, danh cầm Văn Giỏi kể lại:

“Tôi đờn cho chị Út Bạch Lan ca cũng nhiều. Trước đó chú Văn Vĩ đờn cho chị Út Bạch Lan sau khi tôi nổi lên thì có dịp đờn cho chị Út ca nhiều lắm. Tôi đờn cho chỉ ca trong các hãng đĩa chứ không đờn trong đoàn hát, tôi chỉ đờn cho chỉ các bài lẻ thôi.

Mỗi giọng ca, mỗi người có một nét riêng nhưng hồi đó người ta phong cho chỉ là sầu nữ Út Bạch Lan, chỉ ca buồn lắm thê thảm lắm thành ra cái nét của chị ấy cũng độc đáo nếu so với những người khác.

Chị Út thì hồi nào đã ca hay rồi nhưng khi đã lớn tuổi thì chỉ làm từ thiện, ca cho chùa để gây quỹ từ thiện chứ còn chỉ nghỉ hát cải lương lâu rồi có thời gian chị bị ung thư vào nằm điều trị trong nhà thương Chợ Rẫy rồi qua đời em ơi…”
Nổi tiếng với vai đào thương

Út Bạch Lan nổi tiếng trong vai đào thương qua nhiều vở cải lương mà điển hình nhất là “Con gái chị Hằng” của Hà Triều Hoa Phượng và “Thuyền ra cửa biển” trên sân khấu đoàn cải lương Kim Chưởng đóng chung với Thành Được. Bà nhanh chóng chiếm cảm tình của khán giả bởi giọng ca điêu luyện đầy nước mắt. Có lẽ trong giai đoạn trình diễn chung với người chồng đào hoa là lúc bà gặp nhiều oan trái nhất. Yêu và bị phụ tình đã khiến Út Bạch Lan chìm trong nước mắt. Nước mắt ấy tạo cho bà một cõi riêng chỉ một mình bà gậm nhấm và biến nỗi buồn thành tên tuổi.

Giai đoạn hạnh phúc nhất của bà có lẽ khi cùng chồng là nghệ sĩ Thành Được thành lập đoàn Thanh Minh Thanh Nga với những vở diễn được giới soạn giả lúc ấy cho là lột xác cải lương biến sân khấu của người miền Nam trở nên sống động chạy theo nhịp thở của xã hội thời bấy giờ.

Nhưng cũng chính sân khấu này bà và Thành Được đã ê chề trong cuộc sống hôn nhân kết quả của những cuộc tình ngoài giá thú của chồng bà đã buộc bụng nuôi nấng cùng lúc 4 đứa con ngoài giá thú của kép đẹp trai Thành Được.

Vì có con cho nên khi đi hát ở đâu thì các người con tinh thần của má đều tôn xưng bà là mẹ, ngoại trừ những người trang lứa thì gọi bằng chị còn mấy thế hệ đáng con cháu thì gọi má Út bằng má hay mẹ.
-Nghệ sĩ Chí Tâm

Nghệ sĩ Chí Tâm từng có dịp đóng chung với bà kể lại:

“Ngày xưa khi còn ở Việt Nam thì mình có lúc làm việc với má Út Bạch Lan lúc mình đi với đoàn Kim Chung thì má Út Bạch Lan ở bên cánh Thanh Minh Thanh Nga với đoàn của má. Thật ra thì Út Bạch Lan ở bên nhánh của Hữu Phước, Thành Được và Út Bạch Lan xem như rất thân nhau từ đó có quan hệ với nhau. Kỷ niệm thì sau năm 1975 các đoàn hát đều ngưng hoạt động, chỉ có đoàn hát ở tỉnh tên là Hậu Giang 2 thì má Út Bạch Lan làm trưởng đoàn, má nhớ tới Chí Tâm nên giới thiệu Chí Tâm về hát cho đoàn Hậu Giang 2. Đoàn này trước đó ông Tấn Tài làm kép chánh nhưng lúc đó Tấn Tài bất đồng ý kiến với đoàn nên bỏ đi cho nên thiếu người diễn viên chính nên má Út Bạch Lan mời Chí Tâm về hát. Nhiều năm tháng Chí Tâm hát với các đoàn khác và có dịp má con hát chung với nhau.

Mình nhớ có những vở như “Đứa con mang họ mẹ” thì mình hát chung với Út Bạch Lan trong vở đó, cũng như vở “Bình Tây đại nguyên soái” nhắc nhở về ông Trương Công Định. Khi Út Bạch Lan có dịp qua Mỹ thì có đi San Jose và Texas diễn được khoản 10 suất và rất thành công.

Về đời sống tình cảm vợ chồng thì má không được may mắn với ba Thành Được trong nhiều năm tháng vì khi lập đoàn hát cũng như thực tế thì ai cũng biết đó là nghệ sĩ Thành Được là một kép rất đẹp trai, rất nhiều cô theo đuổi vì thế cho nên ông cũng nghiêng ngã với nhiều người, nhiều mối tình nên tạo nhiều đứa con rơi và má Út Bạch Lan đều nhận làm con nuôi. Đây là điểm tốt, một cái tâm Bồ tát của má Út Bạch Lan đã nuôi dưỡng những đứa con này.

Vì có con cho nên khi đi hát ở đâu thì các người con tinh thần của má đều tôn xưng bà là mẹ, ngoại trừ những người trang lứa thì gọi bằng chị còn mấy thế hệ đáng con cháu thì gọi má Út bằng má hay mẹ. Những lứa con cháu sau nữa thì gọi là ngoại, mà thế hệ này rất là đông.”

Út Bạch Lan qua đời vào ngày 4 tháng 11 năm 2016 và tang lễ của bà tuy đơn sơ nhưng đậm tình sân khấu. Chung quanh bàn thờ bà người ta thấy hàng trăm nghệ sĩ của sân khấu cải lương cùng với những người con nuôi mà suốt đời bà che chở. Khán giả của Út Bạch Lan tuy không còn nhiều như xưa nhưng cũng đủ cho người ta thấy rằng tài năng và đức độ là hai mặt của người nghệ sĩ vẫn luôn được mọi người yêu mến, trân trọng như lúc bà bước chân ra sân khấu khóc cười với họ…

Mặc Lâm


--------------------
-------------
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
1 User(s) are reading this topic (1 Guests and 0 Anonymous Users)
0 Members:

 



Lo-Fi Version Time is now: 5th November 2024 - 10:31 AM