Mơ ước của nhạc sĩ Lam Phương ở tuổi 80: ‘Có một người bạn để hủ hỉ’, Ngọc Lan |
Mơ ước của nhạc sĩ Lam Phương ở tuổi 80: ‘Có một người bạn để hủ hỉ’, Ngọc Lan |
Jun 29 2017, 09:43 AM
Post
#1
|
|
Phố Cũ Group: Năng Động Posts: 2,691 Joined: 21-April 08 Member No.: 43 Country |
Mơ ước của nhạc sĩ Lam Phương ở tuổi 80: ‘Có một người bạn để hủ hỉ’ Nhạc sĩ Lam Phương trong đêm nhạc "Lam Phương - 80 năm cuộc đời, 65 năm âm nhạc" tại tòa soạn báo Người Việt (Hình: Ngọc Lan/Người Việt) WESTMINSTER, California – Tối Thứ Bảy, 24 Tháng Sáu, tại Hội trường Nhật báo Người Việt diễn ra chương trình văn nghệ “Lam Phương- 80 cuộc đời, 65 năm âm nhạc” thu hút đông đảo khán giả thuộc nhiều thế hệ đến xem. Nhân dịp này, phóng viên Người Việt đã có cuộc phỏng vấn “chớp nhoáng” với nhạc sĩ Lam Phương để nghe ông chia sẻ những buồn vui trong cuộc đời của người nhạc sĩ tài hoa. Đặc biệt là niềm mơ ước rất thú vị của ông ở tuổi 80. *** Ngọc Lan (NV): Khi nãy nhìn thấy chú Lam Phương vừa ngồi vừa coi những video clip, có lẽ là những bài hát của chú. Mỗi lần ngồi xem ca sĩ trình diễn các ca khúc của mình như thế thì cảm xúc của chú như thế nào? Nhạc sĩ Lam Phương: Chắc chắn là rất cảm động, nhất là những bài hát mình viết, nghe để nhớ lại lúc mình sáng tác nó như thế nào. NV: Chương trình ca nhạc tổ chức ngay tại báo Người Việt hôm nay, những ca sĩ hầu hết không phải chuyên nghiệp hay trên một sân khấu lớn, mà chú vẫn có mặt để tham dự. Chú nghĩ gì về việc có mặt ở đây để tham dự một chương trình đơn giản như vậy? Nhạc sĩ Lam Phương: Đối với tôi, việc đi dự những buổi nhạc chuyên nghiệp quen rồi. Nhưng tôi vẫn muốn làm điều gì để nâng đỡ đàn em sau này. Cho nên hy vọng sự hiện diện của tôi sẽ giúp cho các cháu ngày sau sẽ tiến lên. NV: Chú bắt đầu sự nghiệp sáng tác của mình như thế nào? Giống như là năng khiếu bẩm sinh hay xuất phát từ điều gì để đi đến sáng tác đầu tiên của chú? Nhạc sĩ Lam Phương: Tôi sáng tác rất sớm, khi mới có 15 tuổi. Đây này là năng khiếu tự nhiên của mình. Lúc đó tôi còn đi học, thức đêm thay vì học bài mình lại có đầu óc sáng tác. Lúc trời khuya dễ có cảm hứng lắm. NV: Khi sáng tác ra bài nhạc đầu tiên, chú đưa cho ai hát? Làm sao để người ta biết đến tên của nhạc sĩ Lam Phương? Nhạc sĩ Lam Phương: Khổ lắm cháu ơi! Cái gì khi bắt đầu cũng khó. Khi viết bài đầu tiên đâu có ai biết mình là ai, thành ra mình phải đi đến gặp họ, trình bày bài của mình cho họ biết, rồi họ kêu mình hát, dù hát không được cũng cố gắng hát cho họ nghe, nghe được rồi họ mới chịu hát bài của mình, chứ không có dễ đâu. NV: Khoảng bao nhiêu lâu sao bài hát đầu tiên của chú thì người ta bắt đầu biết đến tên nhạc sĩ Lam Phương? Nhạc sĩ Lam Phương: Bài đầu tiên là bài Chiều Thu Ấy, tôi làm lúc 13 tuổi. Đến năm 15 tuổi mới tung ra mà đâu ai mua, trong khi không có tiền, phải đi mượn tiền để in bài đó. Phải bán cả năm sau mới lấy vốn được. Cũng gian nan lắm! NV: Phải mấy năm sau sự gian nan đó thì tên tuổi Lam Phương mới được người ta chú ý đến? Nhạc sĩ Lam Phương: Hai năm sau. Bài đầu ít người biết lắm, sau này đến bài thứ nhì thì người ta mới biết nhiều, là bài “Nhạc Rừng Khuya,” giai đoạn tôi viết nhạc về quê hương đó, thì lúc đó phong trào mới nổi lên, và người ta mới biết đến tên tôi. NV: Và khi tên tuổi nhạc sĩ Lam Phương được người ta biết đến nhiều, thì chuyện sáng tác của chú làm ra để đưa đến ca sĩ hay làm ra băng đĩa bán trở nên dễ dàng hơn rất nhiều phải không ạ? Nhạc sĩ Lam Phương: Đúng rồi, dễ dàng hơn lúc đầu nhiều lắm, vì người ta đã biết tên mình thì người ta tin tưởng bài mình. Lúc đó mình không cần năn nỉ nữa mà người ta tìm đến mình xem có bài mới không là họ hát. Khán giả thuộc nhiều thế hệ chật kín hội trường báo Người Việt trong đêm nhạc “Lam Phương-80 năm cuộc đời, 65 năm âm nhạc” (Hình: Ngọc Lan/Người Việt) NV: Trong số những ca sĩ đã trình diễn các sáng tác của chú, chú cảm thấy ưng ý nhất là ca sĩ nào? Nhạc sĩ Lam Phương: Cũng khó so sánh, vì tôi viết nhiều loại nhạc lắm, mỗi một loại nhạc có một số ca sĩ riêng, như nhạc quê hương thì có Hương Lan, Mai Thiên Vân, nhạc tình thì có Khánh Hà, Ý Lan, thành ra mình không so sánh được, mỗi ca sĩ chuyên về một loại nhạc, mình không đem ca sĩ hát loại nhạc này với ca sĩ hát loại nhạc khác. NV: Về bài hát “Chiều Tây Đô,” chú Lam Phương có thể cho biết là chú sáng tác bài đó trong hoàn cảnh như thế nào để có thể nói lên nỗi niềm tâm sự của nhiều người như vậy? Nhạc sĩ Lam Phương: Trước tiên, tôi không phải là người sanh dưỡng tại Cần Thơ, mà tôi sanh ở Rạch Giá. Nhưng tôi có một người bạn, người bạn đó nói “Sao anh viết cho mọi người được mà anh không viết cho em được? Em ở Tây Đô.” Chính vì vậy mà tôi viết bài “Chiều Tây Đô.” NV: Còn bài hát “Một Mình” thì sao ạ? Nhạc sĩ Lam Phương: Thường những bài hát tôi sáng tác là tôi có một hoàn cảnh riêng của mình. Tôi viết bài đó lúc thôi bà vợ thứ hai, thứ ba, sống một mình. Sống một mình thì tình cảm cô đơn lắm. Tối tôi nằm một mình thấy tình cảnh mình cô độc quá mới viết bài “Một Mình,” đó là hoàn cảnh thật. NV: Chú viết từ năm 13 tuổi, đến 15 tuổi thì tung sáng tác đầu tiên ra, cho đến bài cuối cùng là lúc chú bao nhiêu tuổi? Nhạc sĩ Lam Phương: Tôi bệnh là năm 62 tuổi, tức năm 1999. Bốn năm sau, tức 2003, tôi viết bài cuối cùng là “Hạnh Phúc Mang Theo” lúc đó tôi nghĩ mình sắp chết rồi. Tôi nghĩ khi mình chết thì tất cả những kỷ niệm mình mang theo mình, để cho người sống ở lại không nhớ tới để mà buồn, tôi mang theo tất cả. NV: Mặc dù trải qua một cơn bạo bệnh như vậy và có lúc đã nghĩ là mình không còn sống được lâu, nhưng đến bây giờ đã là 19 năm rồi, mà mỗi lần chú xuất hiện đều trong một thần thái rất là lạc quan, rất là vui. Làm sao chú có được điều đó? Nhạc sĩ Lam Phương: Nhờ vậy mà sống lâu đó cháu. Giờ 80 rồi. Tôi nghĩ giờ mình có buồn cũng vậy thôi, tại sao mình không vui để hưởng những ngày cuối cùng của mình cho nó êm đẹp. NV: Người ta thường nói, người nhạc sĩ, hay thi sĩ cũng vậy, khi họ sáng tác, thường có những tâm sự buồn hay khi xung quanh có những tác động mang tính buồn, tiêu cực thì sáng tác của họ hay hơn. Thì điều đó có đúng không? Nhạc sĩ Lam Phương: Phần đông là như vậy. Nhưng riêng tôi thì tôi viết trong mọi hoàn cảnh. Lúc vui tôi viết nhạc vui, lúc buồn tôi viết nhạc buồn, lúc giận viết nhạc giận, không có so sánh được. NV: Một bài thường từ lúc hình thành ý tưởng đến lúc chú hoàn thành sáng tác mất bao lâu? Nhạc sĩ Lam Phương: Cũng tùy, nhưng thường tôi viết mau lắm. Một bài chậm lắm là một tuần thôi. Một bài mà tôi viết 3-4 ngày mà nghe không được là bỏ liền để viết bài khác. NV: Vậy bài nhanh nhất chú viết trong bao lâu? Nhạc sĩ Lam Phương: Trong vài tiếng đồng hồ, trong một đêm. NV: Chú có thường nghe lại nhạc của chính mình mỗi ngày hay mỗi tuần không? Nhạc sĩ Lam Phương: Nghe mỗi ngày (cười). Nghe để coi có chỗ nào yếu, không hay mình sửa lại để sau này tránh đi, để viết hoàn hảo hơn. NV: Có bao giờ chú nghe lại sáng tác của mình và nghĩ “Ồ tại sao lúc đó mình viết hay như vậy!” Hay có lúc nào lại nghĩ “Trời, sao lúc đó mình viết tệ quá!”? Nhạc sĩ Lam Phương: Như tôi đã nói khi viết tôi thấy được mới tiếp tục, còn không được thì thôi bỏ, để khỏi mất thì giờ. NV: Ngay trong lúc này, khi mà bên hội trường báo Người Việt có rất nhiều ca sĩ đang trình diễn những ca khúc của chú, thì chú cảm thấy như thế nào? Nhạc sĩ Lam Phương: Đó là niềm sung sướng của người sáng tác. Mình hát không được thì mình nghe người ta hát nhạc của mình. Đó là niềm vui sướng của người sáng tác. NV: Hiện giờ điều chú lấy làm niềm vui trong đời sống hằng ngày của mình là gì? Nhạc sĩ Lam Phương: Bây giờ tôi sống một mình, với gia đình người em. Cuộc sống rất giản dị. Tối ngủ, không thức khuya. Sáng thức sớm, rồi ăn uống, ngủ trưa. Cuộc đời có vậy thôi. NV: Nếu bây giờ, có một điều ước thật đặc biệt thì chú nghĩ chú ước điều gì? Nhạc sĩ Lam Phương (suy nghĩ thật nhanh): Có một người bạn để mình hủ hỉ những lúc buồn. Thế thôi. Bạn thôi. (Cười) NV: Một người bạn, nhưng là nam hay nữ? Nhạc sĩ Lam Phương (cười lớn): Nữ càng tốt! Ngọc Lan -------------------- |
|
|
Jun 29 2017, 09:51 AM
Post
#2
|
|
Phố Cũ Group: Năng Động Posts: 2,691 Joined: 21-April 08 Member No.: 43 Country |
-------------------- |
|
|
Jun 29 2017, 10:06 AM
Post
#3
|
|
Phố Cũ Group: Năng Động Posts: 2,691 Joined: 21-April 08 Member No.: 43 Country |
‘Lam Phương-80 năm cuộc đời, 65 năm âm nhạc’ thành công mỹ mãn Nhạc sĩ Lam Phương (ngồi xe lăn) xuất hiện trong chương trình “Lam Phương-80 năm cuộc đời, 65 năm âm nhạc” (Hình: Văn Lan/Người Việt) WESTMINSTER, California – Đêm nhạc “Lam Phương-80 năm cuộc đời, 65 năm âm nhạc” do ca sĩ Kim Yến và nhiếp ảnh gia Kiệt Trần tổ chức, diễn ra tại hội trường nhật báo Người Việt, Westminster, lúc 6 giờ chiều Thứ Bảy, 24 Tháng Sáu. Đêm nhạc mang lại một không khí vui tươi, và hoài niệm về thời gian miền Nam tràn ngập trong ánh sáng của đêm trăng thanh bình giã gạo, cả làng cùng nhịp nhàng trong tiếng chày khua, hoặc khắc khoải trong “sáng trưa khuya tối nhìn quanh một mình, chỉ vì đời chưa có bình minh,” trong dòng nhạc sáng tác tại hải ngoại sau này của nhạc sĩ Lam Phương. Với 27 bài nhạc được trình diễn, các ca sĩ cùng dàn nhạc gồm Quốc Võ (keyboard), Lê Thăng, Phương Thảo (guitar), Linh Trần (percussion), cùng dàn ca sĩ trẻ hùng hậu đã làm nên một đêm diễn tràn ngập những giai điệu đẹp và ca từ mộc mạc chân thành, trong giai điệu bolero một thời ngự trị. Nói với Người Việt, ca sĩ Kim Yến cùng chồng là nhiếp ảnh gia Kiệt Trần cho biết: “Với sự mến mộ dòng nhạc Lam Phương, sau khi được ông cho phép, Kim Yến hết sức cố gắng trong vòng 2 tháng để có đêm nhạc này, cũng là để nhân dịp mừng sinh nhật 80 năm của ông. Tôi cũng mong muốn được chia sẻ với khán thính giả Little Saigon, tình yêu nhạc Lam Phương sau 65 năm đến với công chúng, nhưng không ngờ khán thính giả đông như thế này. Đây là niềm hạnh phúc không thể diễn tả được cho vợ chồng Kim Yến, nhất là chú Lam Phương. Hôm nay thấy chú vui hẳn lên, tươi tỉnh lắm!” Kim Yến và Phạm Hà trong nhạc phẩm “Duyên Kiếp” của Lam Phương (Hình: Văn Lan/Người Việt) “Tôi thấy có lỗi khi không đáp ứng được số lượng người tham dự, và trong hơn 200 ca khúc của nhạc sĩ Lam Phương, chỉ tuyển lựa bấy nhiêu bài cho một đêm nhạc, hẳn là một sự cân nhắc và luyện tập nhiều lắm, nhưng vẫn còn những sai sót. Xin mọi người vì tình yêu âm nhạc của chú Lam Phương mà tha thứ cho,” ca sĩ Kim Yến bộc bạch. Cô Trúc Mai và bạn đến từ Virginia cho biết, “Không thể tưởng nổi một đêm nhạc có quá đông người nghe như thế này. Mọi người đến từ rất sớm, vẫn không có chỗ ngồi, một số người vẫn vui vẻ đứng dựa tường thưởng thức vỗ tay khen thưởng. Nhạc, âm thanh, ca sĩ, đã quyện làm một, để rồi tan chảy vào cùng nhịp đập.” “Hai MC Bùi Đường và Mai Dung rất xuất sắc trong vai trò dẫn dắt thính giả vào tâm hồn của bản nhạc, đó cũng chính là tâm tồn của nhạc sĩ Lam Phương. Chưa nghe mà đã thấy ‘phê’ rồi, qua lời giới thiệu của MC. Đã vậy mà chỗ đậu xe cũng không có, bọn này phải đậu xe tận bên Phước Lộc Thọ!”, cô Mai nói tiếp. Nếu khi sáng tác, Lam Phương đã viết bằng chính rung cảm của trái tim, những kỷ niệm của chính mình, thì người thưởng thức cũng nghe bằng những kỷ niệm, hoài niệm của riêng mình. Người nghe đâu biết gì về nhạc lý, kỹ thuật hòa âm phối khí, vậy tại sao bao nhiêu người ở đây đều nghe im lặng nghe say đắm. “Đó chính là sự đồng điệu của tâm hồn!” bà Ngọc Cầm, cư dân Westminster, đi cùng chồng hết lời khen ngợi. Bà Cầm cho rằng những lần tới nếu Kim Yến tổ chức được những chương trình hay như thế này thì có bán vé người nghe cũng hoan hỉ ủng hộ. Cô Kim Cúc Bartley, trước đó ở Strasbourg, Pháp, mới về Virgina cho biết: “Tôi rất thương mến nhạc sĩ Lam Phương, yêu hết tất cả những bản nhạc của ông, đến nỗi hàng ngày hàng tuần đều hát nhạc của ông. Khi vui thì niềm vui cũng theo nhạc toát ra, khi buồn thì tự nhiên trong đầu ca từ cũng tuôn ra, bởi vì nhạc Lam Phương được tôi yêu chuộng nhất trong kho tàng nhạc Việt Nam. Mặc dù mới 12 tuổi, hồi đó tôi thấy ông rất đẹp trai, và rất thích những bài hát về tình yêu của ông!” Nhiếp ảnh gia Kiệt Trần (thứ ba từ phải) và Kim Yến (thứ tư từ phải), cùng ban tổ chức nói lời tri ân nhạc sĩ Lam Phương và thính giả. (Hình: Văn Lan/Người Việt) “Khúc Ca Ngày Mùa”, với giai điệu vui tươi nói lên không khí thanh bình của miền Nam ngày trước: “Này anh em ơi! Giã cho thật đều, giã cho thật nhanh. Giã cho khéo kẻo trăng phai rồi. Khoan hò khoan, tiếng chày khua vang mãi trong đêm dài…” được đôi song ca trẻ Huy Bảo, Lan Anh mở màn đêm nhạc. “Thành Phố Buồn” với giọng ca trẻ Thái Uy tiếp theo, mang lại cho người nghe nỗi niềm xúc động khi ngồi trên đồi thông mà mộng mơ khi nhìn xuống thành phố mù sương. Đà Lạt, một thành phố thân quen, với phố núi mây ngàn mịt mù sương giăng lối, nhưng tuyệt nhiên không có một chữ nào nói đến tên địa danh của mình. Sau Hiệp Định Geneve 1954 chia đôi đất nước, hàng triệu người miền Bắc di cư vào Nam. Nơi miền đất mới, họ ít giao tiếp với mọi người vì sợ những hiểu lầm nghi kỵ. Trong tâm sự của MC Bùi Đường, chính cha của ông khi nghe “Chuyến Đò Vĩ Tuyến” lại thấy rất xúc động khi hiểu được tấm lòng của người miền Nam, lúc nào cũng mở rộng bàn tay đón nhận những người anh em di cư từ phương Bắc. Trong nhạc phẩm “Chuyến Đò Vĩ Tuyến”, Kim Yến với giọng hát cao vút, đã đẩy lên tới đỉnh điểm của giai điệu buồn man mác nhưng trong ca từ lại chứa đựng những ước mơ sum họp với người yêu khi trở lại nơi chôn nhau cắt rốn của mình trong quê hương vàng nắng thanh bình. Với các ca sĩ Ngọc Hằng, Nguyễn Hoan, Quang Ngọc, Hà Thanh Vân, Huy Hoàng, Nga Mi, Phạm Hà, Lê Hoàng Hiệp, Huệ Quyên, Phương Mỹ Hạnh, Thụy Ân, Trịnh Hoàng Hải, đêm nhạc miên man theo đuổi với những âm thanh lúc vui tươi, khi ưu tư phiền muộn, lúc dồn dập trong điệu Tango rộn ràng, lúc sôi động trong điệu Samba cuồng nhiệt, những giai điệu đẹp và ca từ sang trọng, hoặc hồn nhiên, thân mật, vỗ về, lôi cuốn cả thính phòng vẫn còn đầy những trái tim yêu nhạc Lam Phương. Chương trình kết thúc bằng nhạc phẩm “Phút Cuối” khi tất cả các ca sĩ vây quanh bên nhạc sĩ Lam Phương, để rồi sau đó cùng thính giả hát bài “Happy Birthday” mừng 80 năm cuộc đời của người nghệ sĩ tài hoa. Văn Lan -------------------- |
|
|
Lo-Fi Version | Time is now: 15th November 2024 - 06:21 PM |