Welcome Guest ( Log In | Register )

 
Reply to this topicStart new topic
> Những hình thức để lại tài sản cho người thân, Luật sư Đỗ Hiếu Liêm
AnAn
post Oct 9 2019, 10:32 AM
Post #1


Bảo vệ Tổ Quốc
***

Group: Năng Động
Posts: 6,737
Joined: 12-November 08
Member No.: 702
Country




Những hình thức để lại tài sản cho người thân


A- NHỮNG HÌNH THỨC ĐỂ TÀI SẢN LẠI CHO NGƯỜI THÂN:

Sau bao nhiêu năm làm việc không nghỉ trên đất Mỹ, đa số chúng ta có tạo dựng một tài sản hầu ngày nào mất đi, con cháu chúng ta được thừa hưởng. Nhưng rất ít người chịu ngồi xuống để hoạch định rõ ràng việc chuyển nhượng cũng như phân chia tài sản cho những người thân sau khi mình qua đời. Việc thiếu sót Tờ Di Chúc hay những hoạch định chuyển nhượng di sản có thể gây ra những tranh tụng, xích mích không cần thiết trong gia đình hay giữa những người được thừa hưởng gia tài.

Câu hỏi đầu tiên là muốn tránh những thiệt hại hay xích mích đó, chúng ta có thể làm được gì? Trong việc để của lại cho con cháu hay người thân, chúng ta có thể làm một Tờ Di Chúc (Will) hay thành lập một Tín Quỹ mà người lập ra nó có toàn quyền hủy bỏ khi còn sống, thường được gọi là "Revocable Living Trust". Đây là hai hình thức hoạch định việc để tài sản lại cho người thân thông thường nhất ở Mỹ.

B- NHỮNG ĐIỂM LỢI VÀ BẤT LỢI CỦA TỜ DI CHÚC

Vậy thì sự lợi hại của hai phương cách nầy ra sao? Việc lập ra Tờ Di Chúc có lợi điểm lớn nhất là thủ tục vô cùng đơn giản và dễ dàng. Cho dù có mướn luật sư thảo, lệ phí cũng thường cũng rất thấp. Khi muốn sửa lỗi Tờ Di Chúc hay hủy bỏ nó đi thì cũng dễ dàng. Vì vậy việc lập Di Chúc rất thích hợp cho đa số những người có di sản nhỏ dưới một trăm ngàn ($100,000.00). Cái bất lợi của Tờ Di Chúc là khi chúng ta qua đời, Tờ Di Chúc phải nạp cho Tòa để quyết định nó có hợp pháp và có giá trị hay không. Quý vị nên nhớ là cho dù có Tờ Di Chúc, nhưng nếu khi được thành lập nó mà không theo đúng những thủ tục luật định thì cũng xem như là vô giá trị. Một khi Tòa quyết định là vô giá trị thì tài sản được phân chia như trường hợp người chết không có di chúc. Sau khi Tờ Di Chúc được nộp ở Tòa, Tòa sẽ bổ nhiệm những người mà tên đã được nêu ra trong di chúc phải thi hành và giám sát việc thi hành di chúc. Nếu có ai khiếu nại thì Tòa sẽ phải quyết định xem người đó có thể được hưởng một phần nào của tài sản để lại hay không. Thủ tục phân định tài sản nầy gọi là "Probate". Nó có thể kéo dài nhiều năm và tốn kém vô cùng nếu tài sản của người quá cố rải rác ở nhiều nơi trên thế giới hay phải truy tầm tung tích sống hay chết của những người được thừa hưởng gia tài. Thí dụ là ông chủ hãng DHL, khi chết, vì có quá nhiều con rơi rớt tại nhiều nước, trong đó có cả Việt Nam, Tòa phải quyết định những người con đó có phải là con thật hay không. Nếu là con thật thì phải cho họ được hưởng một phần gia tài. Ở California thủ tục Probate thường kéo dài và tốn kém. Phí tổn thường lên đến 3 hay 4 phần trăm của giá trị tài sản. Lệ phí nầy thường là dùng để trả cho luật sư của Tòa bổ nhiệm.

C-NHỮNG ĐIỂM LỢI VÀ BẤT LỢI CỦA TÍN QUỸ

Để tránh bất lợi trên, quý vị có thể để tài sản lại bằng phương cách thiết lập Tín Quỹ (Revocable Living Trust). Phương cách nầy có ba lợi điểm chính. Thứ nhất là quý vị sẽ không phải qua thủ tục "Probate" vừa tốn kém vừa mất thời gian. Thứ đến là đối với những di sản (estate) mà trị giá trên một triệu ($1,000,000.00) nó sẽ giúp rất nhiều cho việc giảm Thuế Thừa Kế của Liên Bang và Tiểu Bang (Estate and Inheritance Taxes). Với luật Thuế Thừa Kế hiện hành thì những di sản để lại nếu giá trị từ 1 triệu trở xuống thì không phải chịu thuế. Nhưng nếu quá một triệu thì Thuế Thừa Kế sẽ rất cao. Mức thuế tối thiểu là 37% và tối đa là 50%. Nếu thiết lập một tín Quỹ đúng cách cho hai vợ chồng thì người thân chúng ta chỉ phải đóng Thuế Thừa Kế nếu di sản để lại trên hai triệu đô la.

Vì trị giá những di sản được miễn thuế thừa kế mỗi năm được tăng dần lên từ $1,000,000.00 cho năm 2002 và 2003, 1 triệu 500 ngàn cho năm 2004 và 2005, 2 triệu cho năm 2006, 2007 và 2008 và 3 triệu 500 ngàn cho 2009 và Quốc Hội có thể quyết định bỏ Thuế Thừa Kế vào năm 2010. Do đó cái lợi về Thuế cũng không có ảnh hưởng nhiều cho đa số người Mỹ gốc Việt chúng ta mà tài sản thường dưới một triệu. Cuối cùng một cái lợi lớn mà Tín Quỹ còn mang đến là chúng ta có nhiều quyền hạn định đoạt trong việc tiếp tục quản trị di sản sau khi chúng ta đã qua đời, cũng như quyết định khi nào thì con, cháu chúng ta mới được hưởng. Thí dụ di sản để lại là một cơ sở thương mại đang hoạt động. Với Di Chúc (Will) thì chúng ta chỉ có thể quyết định là khi mất đi, cơ sở đó phải được bán đi và tiền bán được chia ra cho những người được thừa hưởng hay là cho đứt một người con nào cái cơ sở thương mại đó. Tuy nhiên với Tín Quỹ (Revocable Living Trust) thì chúng ta có thể bổ nhiệm một người nào đó tiếp tục quản trị cơ sở thương mại đó và lấy tiền lời ra để phân chi cho những người được thừa hưởng.

Thí dụ kế là với Di Chúc thì khi chúng ta mất đi, nếu con cháu được thừa kế gia tài đều trên 18 tuổi thì di sản phải được phân chia ra. Cái lo ngại không tránh được của các bậc cha mẹ là liệu đứa con mới 18 tuổi có đủ khôn ngoan và hiểu biết để được hưởng và toàn quyền sử dụng tiêu xài một số tiền lớn hay không. Chỉ sợ là sau một thời gian ngắn các em sẽ làm tiêu tán hết. Đối với Tín Quỹ chúng ta có thể quyết định là tài sản để lại được phân chia nhiều lần. Thí dụ khi em được 18 tuổi thì được chia 1/4 và đến khi 35 tuổi thì đủ chín chắn để nhận nốt 2/4 gia tài còn lại.

Cái bất lợi của Tín Quỹ là việc thiết lập nó rất là phức tạp và tốn kém. Ngoài ra, muốn được hưởng cái lợi giảm Thuế Thừa Kế, nó phải có những điều khoản theo đúng sự đòi hỏi của luật thuế. Vì vậy mà quý vị nên nhờ đến một luật sư chuyên môn về luật Thừa Kế. Ngoài ra lệ phí luật sư cũng cao hơn lệ phí làm một di chúc nhiều. Lý do là làm một Di Chúc thì thường luật sư chỉ phải thảo một văn kiện duy nhất. Còn khi thiết lập một Tín Quỹ, thì ngoài văn kiện chính, luật sư còn phải thảo những văn kiện khác để chuyển nhượng tài sản vào Tín Quỹ. Lý do là Tín Quỹ chỉ có hiệu lực cho những tài sản được chuyển vào đó. Thí dụ ông Nguyễn Văn A có một căn nhà đứng tên là "Nguyen Van A, a single man". Nay khi lập Tín Quỹ thì việc đứng tên cho căn nhà phải được đổi là "nguyen Van A, Trustee of Nguyen Van A Revocable Living Trust". Việc thay đổi này phải được thông báo và được sự chấp thuận của nhà băng. Vì sẽ có những tài sản được tậu sau khi Tín Quỹ được thành lập, vì vậy mà bó buộc chúng ta phải có một các "Pour Over Will". Đó là một cái Di Chúc. Mục đích là để vét những tài sản nào mà khi mất mình chưa kịp chuyển vào Tín Quỹ. Thường một khi làm Tín Quỹ, chúng ta cũng cần có thêm hai văn kiện nữa là Durable Power of Attorney for Health Care Decisions và Uniform Statutory Form Power of Attorney.

Durable Power of Attorney for Health Care Decisions thường còn được gọi là "Living Will" là một văn kiện giúp cho chúng ta khi bị "coma" hay chỉ sống được bằng máy trợ sinh và có hai bác sĩ chứng nhận là chúng ta không thể bình phục được. Khi còn khỏe mạnh chúng ta có thể làm văn kiện nầy để người thân của chúng ta có thể cho phép bác sĩ ngưng máy trợ sinh. Việc nầy làm đỡ gánh nặng cho gia đình và tránh việc phải mang nợ nhà thương, bác sĩ.

Ngoài ra với văn kiện nầy chúng ta còn có thể quyết định là khi mất đi, thân xác chúng ta sẽ được chôn cất, hỏa thiêu hay tặng cho khoa học hay người bệnh khác.

Uniform Statutory Form Power of Attorney là một văn kiện cần đến khi chúng ta còn sáng suốt về tinh thần nhưng sức khỏe không cho phép chúng ta làm những việc khách như ký giấy tờ, gặp luật sư, kế toán, giao dịch với người khác. Với điều kiện nầy người được ủy nhiệm (Attorney in Fact) sẽ thay thế chúng ta để làm những việc đó.

Vì tính cách chuyên môn và phức tạp của Tín Quỹ, tôi sẽ không đi sâu vào chi tiết mà dành nhiều giờ hơn vào việc Lập Di Chúc.

Để có một Di Chúc có hiệu lực khi chúng ta mất đi, quý vị cần để ý đến những điểm sau:

D- NHỮNG ĐIỀU KHOẢN NÊN CÓ TRONG DI CHÚC:

Tuy là không nhất thiết phải có tất cả những điều khản sau đây, nhưng quý vị cần để ý đến quyết định có nên dùng trong di chúc của mình hay không:

1- Di Chúc Này Là Di Chúc Cuối Cùng Của Quý Vị (Last Will):

Ngay từ trang đầu của Tờ Di Chúc, quý vị phải nói rõ là (1) đây là Di Chúc cuối cùng của quý vị (2) và Di Chúc này sẽ có hiệu lực hủy bỏ mọi Di Chúc làm trước đó. Lý do là sau khi lập xong Di Chúc, quý vị có thể hủy bỏ hay thay đổi lúc nào cũng được cho đến khi chết. Tờ Di Chúc chỉ không được thay đổi và có hiệu lực khi người lập nó qua đời mà thôi. Vì một người có thể làm nhiều Di Chúc ở nhiều thời điểm khác nhau, do đó, nếu không có điều khoản này sẽ đưa đến việc tranh tụng để biết giữa những Di Chúc đó, cái nào mới thực là cái cuối cùng và là cái có giá trị.

2- Ai Là Người Thừa Kế (Benificiary):

Quý vị có thể chọn bất cứ ai để thừa kế di sản của mình. Người thừa kế có thể là vợ, con, bạn, tổ chức từ thiện hay cả con chó hoặc con mèo của mình. Tuy nhiêu nếu có gia đình thì theo luật Cộng Đồng Tài Sản ở California, quý vị chỉ có quyền để của trên 50% của tài sản hai vợ chồng tạo ra trong cuộc hôn nhân. Ngoài ra nên nhớ người thừa kế không được là người chứng (Witness) cho di chúc của quý vị. Nếu có nhiều hơn một người thừa kế thì quý vị có thể chia đồng đều hay với bất cứ một tỷ lệ nào cũng được. Quý vị cũng có thể cho một đồ vật nhất định cho một người thừa kế nhất định. Ví dụ, ông bố để lại của cho 4 người con. Ông để tất cả những chứng khoán của hãng McDonnell Douglas cho anh Cả, cái nhà để lại cho anh Hai, tiền trong trương mục cho cô Ba và cô Út vì quá ngổ nghịch nên được một đô la ($1.00). Hay ông bố cũng có thể để lại cho 4 người con đồng đều, mỗi người được ¼ và nếu người thừa kế pháp định của người con đó sẽ được hưởng (by represntation).

3- Tài Sản Để Lại:

Tài sản để lại có thể là động sản như nữ trang, xe cộ, đồ dùng, tiền bạc, trương mục ngân hàng, chứng khoán, cổ phần, phần hùn trong một thương vụ. Tài sản để lại cũng có thể là bất động sản như nhà cửa, đất đai. Những tài sản quan trọng hay bất động sản thì quý vị nên mô tả rõ ràng để dễ bề kiểm tra sau khi mình qua đời. Tuy nhiên nên nhớ là không phải tài sản nào cũng để lại bằng di chúc được. Tôi sẽ trình bày rõ hơn về những tài sản nào không chịu ảnh hưởng của tờ di chúc trong phần kế tiếp.

4- Người Giám Hộ:

Quý vị cần chỉ định ai là người Giám Hộ khi một trong những người Thừa Kế dưới 18 tuổi. Có hai loại người Giám Hộ trong Tờ Di Chúc. Đó là người Giám Hộ Trẻ Thơ (Guardian of the Person) và người Giám Hộ Tài Sản (Guardian of the Property). Người Giám Hộ Trẻ Thơ sẽ có nhiệm vụ thay quý vị trông nom, nuôi nấng, dưỡng dục đứa trẻ cho đến khi nó trưởng thành. Quý vị có thể nhờ một người làm cả hai chức vụ là Giám Hộ Trẻ Thơ và Tài Sản. Ví dụ như người phối ngẫu của mình. Hoặc quý vị có quyền chỉ định hai người khác nhau nếu không tìm được người có tài năng đảm nhiệm cả hai chúc vụ này; họ có thể hợp tác với nhau để lo cho con của quý vị.

5- Người Thi Hành Tờ Di Chúc (Executor):

Trong Tờ Di Chúc, quý vị phải chọn một người thi hành Di Chúc của mình. Người này cũng có thể làm người Giám Hộ cùng một lúc. Người này có rất nhiều quyền hạn trên tài sản của quý vị. Để thừa hành nhiệm vụ trên, họ có quyền mướn luật sư, kế toán viên v.v... Để tránh việc người Thừa Hành Di Chúc và người mua bảo hiểm (Bond) để khi di sản bị mất cắp do người Giám Hộ hay người Thừa Hành Di Chúc, hãng bảo hiểm (Bonding Company) sẽ bồi thường cho người được thừa kế. Tuy nhiên, bảo phí sẽ phải trả từ trong di sản. Vì vậy trong phần lớn trường hợp, nhiều người khi lập Di Chúc thường miễn điều khoản đòi hỏi là người Thi Hành Di Chúc phải mua bảo hiểm.

6- Điều Khoản Bảo Vệ Ước Nguyện Của Quý Vị:

Điều thông thường xảy ra là khi quý vị mất đi, con cháu có thể sẽ tranh nhau để phân chia gia tài. Để tránh trường hợp đau lòng này, quý vị có thể thêm vào trong Tờ Di Chúc những điều sau. Thứ Nhất, nếu người mà bạn không yêu thương và không muốn để tài sản lại, lại là người theo pháp luật có thể thừa kế, thì quý vị cũng phải đề cập đến tên của người đó. Tuy nhiên, quý vị phải nói rõ ý định không cho hay là cho, nhưng chỉ một đô la ($1.00) như thí dụ ở trên. Thứ đến, trong Di Chúc phải đề là nếu người được thừa kế nào mà không bằng lòng, phản đối phần chia của mình mà kiện tụng rắc rối, thì người thừa kế đó sẽ bị coi là chết trước quý vị và không có người nối dõi.

7-Người Chứng (Witness):

Để một Di Chúc có giá trị, một thủ tục vô cùng quan trọng là khi quý vị ký nhận Tờ Di Chúc của mình, phải có sự hiện diện và trông thấy bởi hai (2) người chứng. Hai người chúng này phải trên 18 tuổi và đủ khả năng về lý trí và tâm thần để làm chứng. Hai người cũng phải vô tư và sẽ không nhận được bất cứ phút lợi trực tiếp hay gián tiếp nào từ việc chuyển nhượng di sản này.

Hai người chứng sẽ tuyên thệ trước pháp luật là họ có làm chứng việc ký nhận Tờ Di Chúc và người để Di Chúc có đủ sức khỏe về tâm thần, và không bị bất cứ sự lừa gạt hay áp lực nào để ký Tờ Di Chúc này.

E- HẬU QUẢ KHI QUA ĐỜI KHÔNG DI CHÚC

Nếu quý vị qua đời không để lại Di Chúc và không có người thừa kế thì tài sản sẽ thuộc vào chính phủ Tiểu Bang (escheat). Nếu không có Di Chúc nhưng có người thừa kế thì di sản sẽ được phân chia theo luật chết không Di Chúc (Intestate Law). Theo luật này ở California, nếu quý vị bị mất đi mà có gia đình thì người phối ngẫu sẽ hưởng trọn phần của quý vị là 50% của cộng đồng tài sản (Community Property). Nếu quý vị có tài sản riêng (Separate Property) thì người phối ngẫu sẽ hưởng một phần ba (1/3) tùy theo số con còn sống. Nếu không có con cái, cha mẹ, anh em thì người phối ngẫu sẽ được hưởng hết. Nếu quý vị mất đi mà con độc thân, thì cha mẹ bạn được hưởng. Nếu cha mẹ mất sớm thì anh em quý vị được hưởng. Nếu cha mẹ, anh em đều qua đời hay không có thì ông bà sẽ được hưởng nến họ còn sống. Nếu quả không có ai nối dõi, thì di sản sẽ thuộc về chính phủ Tiểu bang California. Điều sáng ghi nhận là vợ chồng đã ly dị hoặc vợ chồng không hôn thú đều không được hưởng theo luật chết không Di Chúc. Con ruột của quý vị nếu đã chính thức là con nuôi của người khác thì cũng sẽ không được hưởng gì theo luật này.

F- NHỮNG TÀI SẢN KHÔNG BỊ ẢNH HƯỞNG BỞI TỜ DI CHÚC

Những tài sản sau đây sẽ không chịu sự chi phối của Di Chúc của quý vị cho dù quý vị có đề cập đến những tài sản đó trong Di Chúc:

1- Bảo Hiểm Nhân Thọ (Life Insurance Proceeds):

Số tiền bảo hiểm này khi quý vị mất, hãng Bảo Hiểm sẽ chỉ dựa theo mẫu chỉ định người thừa hưởng (Benificiary Designation Form) mà quý vị nộp cho hãng khi còn sống. Mẫu đơn này thường đòi hỏi quý vị phải chỉ định ai là người thừa hưởng chính (Primary Benificary) và ai là người thừa hưởng thứ (Contingent Benificiary) nếu người thừa hưởng chính vì lý do gì đó không hưởng được.

2- Tiền Hưu Trí:

Tiền này sẽ thuộc vào người nào có tên được quý vị báo cho chủ là người được thừa hưởng. Tuy nhiên nếu quý vị có gia đình, việc chỉ định một người khác được thừa hưởng, thường đòi hỏi phải có sự ưng thuận của người phối ngẫu của quý vị. Lý do là một phần hay có thể tất cả tiền hưu trí đều là cộng đồng tài sản.

3- Tài Sản Đứng Chung Với Người Khác:


Nếu quý vị có một trương mục ngân hàng chung (Joint Account) với một người khác hay là chủ một bất động sản chung (Joint Tenancy) với một người khác thi khi quý vị mất đi, người đó sẽ được hưởng phần của quý vị (Right of Survivorship).

4- Tài Sản Đã Chuyển Vào Tín Quỹ (Revocable Living Trust):

Những tài sản này sẽ không còn chịu sự chi phối bởi Di Chúc của quý vị nữa.

5- Cộng Đồng Tài Sản:

Nên nhớ là quý vị chỉ có quyền sở hữu trên 50% của cộng đồng tài sản là những tài sản tạo dựng trong thời kỳ hôn nhân. Trong cuộc hôn nhân cho dù chỉ một người tạo ra tài sản này nhưng theo luật California, cả hai đều có quyền ngang nhau trên những tài sản này. Do đó khi lập Di Chúc, bạn chỉ được để lại trong Di Chúc 50% của cộng đồng tài sản. Lý do là bạn chỉ làm chủ có 50% mà thôi

G- VIỆC SỬA ĐỔI TỜ DI CHÚC:

Tờ Di Chúc sau khi lập ra có thể được sửa đổi hay hủy bỏ bất cứ lúc nào bạn muốn. Chỉ khi nào bạn qua đời thì mới hết sửa đổi. Thủ tục sửa đổi cũng giống như thủ tục lập Di Chúc. Khi sửa đổi thì nên làm qua giấy tờ thay đổi gọi là (Codicil). Vẫn phải có sự chúng giám của hai người chứng. Không nên sửa đổi bằng cách cạo sửa trên Di Chúc cũ. Sau khi lập ra Di Chúc thì bạn nên sửa đổi lại tờ Di Chúc của mình khi những trường hợp sau đây xảy ra:

a. Ly dị.

b. Người phối ngẫu qua đời.

c. Sinh thêm hay mất con.

d. Tạo thêm hay bán đi những tài sản lớn hay những bất động sản.

e. Dọn nhà sang Tiểu bang khác.

Trong bài nầy chúng tôi chỉ mong đề cập đến những phương cách để lại tài sản có tính cách đại cương. Quý vị nên liên lạc với Luật sư của mình để được hướng dẫn tường tận hơn.

Luật sư Đỗ Hiếu Liêm


--------------------
***Bình yên một thoáng***
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
1 User(s) are reading this topic (1 Guests and 0 Anonymous Users)
0 Members:

 



Lo-Fi Version Time is now: 8th November 2024 - 04:06 PM