Welcome Guest ( Log In | Register )

 
Reply to this topicStart new topic
> Bo Bo Hoàng - nâng niu từng khoảnh khắc, Thanh Hiệp
VanAnh
post Nov 24 2014, 10:11 AM
Post #1


Hạnh ngộ
***

Group: Năng Động
Posts: 5,776
Joined: 25-October 08
Member No.: 480
Country







Bo Bo Hoàng - nâng niu từng khoảnh khắc


KỲ 1: HUYỀN THOẠI BÉ “BO BO”

Nhiều khán giả còn thuộc bài ca Khổng Minh tọa lầu của NS Bo Bo Hoàng –“ Tía thua rồi hỡi tía con ơi” – một trong những tiểu phẩm soạn giả Thu An, giúp Bo Bo Hoàng nổi tiếng trên 40 năm qua. Một đời theo sân khấu Cải lương, đóng đủ loại vai từ đào thương, đào lẳng, đào độc con nít, đến kép….vai diễn nào chị cũng gieo vào lòng người xem những ấn tượng khó quên. Công chúng biết đến chị còn khâm phục với tài viết tuồng, làm đạo diễn và chị rất khéo tay khi thiết kế mũ mão, cái tóc cho nghệ sĩ.

* Hầu hết những vở của chị thực hiện đều rất hấp dẫn, diễn viên và khán giả yêu thích. Nghệ danh Bo Bo hoàng được minh chứng là một nghệ sĩ tài năng, cống hiến cả cuộc đời cho sân khấu, dẫu rất âm thầm, lặng lẽ, nhưng đáng nể nang, trân trọng. Vì sao chị ít xuất hiện trên sân khấu?

Về chiều tôi chọn nghề làm mũ mão, làm đẹp cho nghệ sĩ. Đó cũng là một cách để tôi đỡ nhớ nghề. Về chiều, sức khỏe không cho phép bôn ba nữa, nên tôi cứ phải giam mình trong không gian của một ngôi nhà quen thuộc, để qua từng cái mão, từng cay trâm cài tóc mà thôi thiết kế để đỡ nhớ nghề.

* Nhìn lại quá trình theo nghề, chị muốn nói điều gì, với khán giả hâm mộ mình?

Nghệ danh Bo Bo Hoàng ( tên thật là Lê Thị Hoàng, sinh năm 1949, tại quận 1 Sài Gòn) đã được bà con thương là nhờ nghề hát, thì tôi nguyện cả đời vẫn gắn bó với nghề hát. Ba má tôi chỉ có hai người con, anh trai và tôi thuộc dòng dõi con nhà nòi. Ông nội là Lê Thành Lư làm bầu đoàn hát Cải lương, ông ngoại là Bầu Đẩu, bầu đoàn hát bội, mẹ là cô đào Ngọc Tín, một trong những nghệ sĩ Cải lương nổi tiếng một thời. Đặc biệt, ba tôi một nghệ sĩ Cải lương kiêm luôn quản lý (ngày nay gọi là ngoại vụ, người chuyên lo trang điểm, xin phép biểu diễn cho đoàn hát) và là tay đua xe đạp nổi tiếng cả Đông Dương với biệt danh “Phượng Hoàng” Lê Thành Cát. Thập niên 50-60 của thế kỷ XX, phương tiện xe cộ còn ít, đường sá chật hẹp khó đi, ông vừa là kép, vừa là quản lý đoàn hát, vốn có máu thể thao, ông di chuyển trên chiếc xe đạp đua đi tìm điểm diễn, xin phép chính quyền cho đoàn diễn….Không ngờ lúc đó chiếc xe đạp đua là phương tiện nhanh nhất giúp rất nhiều cho ông, nhanh hơn những quản lý khác trong việc lèo lái đoàn. Giúp đoàn hát hoạt động mạnh mẽ, đều đặn. Những bận đi về đó bằng chiếc xe đạp như những cữ tập cho tay đua chuyên nghiệp. Nhờ đó mà sau khi đăng kí dự thi vòng đua xe đạp toàn quốc, vòng đua vòng quanh Đông Dương ông trở thành tay đua xe đạp lừng danh, từng vô địch toàn quốc, vô địch toàn Đông Dương, là tay đua leo núi, đổ đèo hay nhất, được mệnh danh là Phượng Hoàng. Sau lần đổ đèo Hải Vân, ngọn đèo cao nhất và nguy hiểm nhất trên cuộc đua xuyên Việt lúc bấy giờ bởi sự gan dạ, tốc độ nhanh như chim Phượng Hoàng. Có lẽ, từ trước tới nay chưa có nghệ sĩ Cải lương nào qua thi đấu thể thao tài ba và nổi tiếng như “Phượng Hoàng” Lê Thành Cát. Sau này ông lấy tên Phượng đặt cho con trai đầu lòng là Lê Thành Phượng, tên Hoàng đặt cho con gái thứ đó là tôi.

* Nhớ về cha chị, chắc chắn có nhiều kí ức đẹp?

Đời người có nhiều kí ức để giúp mình lớn khôn hơn. Tôi đã trải qua nhiều thăng trầm, lòng vẫn ghi nhớ những điều cha tôi dạy. Đó là sống minh bạch, có trước, có sau. Không tham lam và hèn yếu. Có lẽ sự mạnh mẽ của cha tôi đã truyền cho tôi nghị lực sống, để tôi vượt qua nhiều nỗi buồn của nghề.

* Bắt đầu lên sân khấu năm 4 tuổi, đến nay chị nhìn lại chặng đường đã qua, khái niệm được mất với chị như thế nào?

Bắt đầu lên khấu khi vừa tròn bốn tuổi, lấy nghệ danh là bé Thanh Hoàng theo cậu mợ và vợ chồng danh hề Tấn Lập- Lệ Út về đoàn hát hoa sen. Vai diễn đầu tiên của tôi trên sân khấu là hát tân nhạc trong lớp hoa sen nở của vở tuồng Đoàn chim sắt. Vậy chứ hình ảnh đó đến nay tôi vẫn còn nhớ mãi trong lòng. Đến năm bảy tuổi về đoàn nhà là đoàn Tinh Hoa, lúc này được dạy học, bắt đầu làm quen với vở diễn. Một năm sau tôi về đoàn Đồng Ấu Minh Tơ và khán giả giả đã biết đến bé Thanh Hoàng hát vai Điêu Thuyền cùng với bé Thanh Tòng vai Lữ Bố. Lúc đó NSND Thanh Tòng đã là một đồng ấu tài năng. Anh tôi, Lê Thanh Phượng đóng vai Đổng Trác, chị Xuân Yến vai hề Cai Hưỡn. bốn diễn viên nhí đầu tiên khai trương đoàn Đồng Ấu Minh Tơ, ban đầu chỉ hát những trích đoạn, sau đó vì khán giả yêu thích, nên cậu ba Minh Tơ quyết định lập đoàn Đồng Ấu bao gồm có: Bạch Lệ, Bửu Truyện, Thanh thế, Trường Sơn….Khoảng một năm sau tôi được mời về đoàn Thủ Đô của ông Ba Bản. MỘt bước ngoặt quan trọng trong quá trình hoạt động nghệ thuật của tôi và từ đó nghệ danh Bo Bo Hoàng ra đời và tồn tại cho tới hôm nay.

* Chị có thể kể về huyền thoại cái tên Bo Bo cho khán giả biết?

Trong vở “Tiếng Trống Sang Canh” của soạn giả Thu An, có vai em bé Bo Bo con gái thầy Chàm, tôi được phân vai ấy. Sau đêm công diễn khán gải ngạc nhiên có một cô bé đóng chung với quái kiệt NSND Ba Vân dễ thương quá, nên gọi luôn tên nhân vật, từ đó mỗi khi cô xuất hiện khán giả cứ gọi “em bé Bo Bo kìa…”. Thấy vậy ông Thu An mới khuyến khích tôi đổi nghệ danh, thật ra khán giả đã đặt tên cho cô rồi. Từ đó tôi được nhiều hãng dĩa mời thu thanh, một giọng ca lạ được mọi người mến mộ. Được một thời gian, giữa lúc sự nghiệp đang phát triển tốt thì tôi lớn nhanh, lỡ cỡ, con nít không ra con nít, đào trẻ thì còn quá non, nên tôi phải nghỉ ở nhà để tiếp tục đi học. Nhưng nhớ sân kháu quá tôi trốn về đoàn Minh Tơ hát lại tuồng Lương Sơn Bá- Chúc Anh Đài, đóng Chúc Anh Đài, nghệ sĩ Đức Phú đóng vai Lương Sơn Bá. Năm 1964 tôi được soạn giả Thu An mời về đoàn Hương Mùa Thu do ông mới thành lập. Một năm sau, năm 1965 tôi được Ban tuyển chuyển giải Thanh Tâm chấm trao giải HCV qua vai đào trong vở “Tiếng súng một giờ khuya”, nghệ sĩ ưu tú Thanh Nguyệt là người cùng được trao giải Thanh Tâm với tôi. Năm Mậu Thân tình hình sân khấu khó khăn, tôi lại lui về Châu Đốc mở quán cơm sinh sống qua ngày…Đoàn Tấn Tài – Thành Được thành lập, nghệ sĩ Thành Được mời tôi về cộng tác, rồi tôi gắn bó qua các đoàn: Thái Dương 2 (Dũng Thanh Lâm – Mỹ Châu)

KỲ 2: HÃY DÀNH CƠ HỘI CHO LỚP TRẺ

NS Bo Bo Hoàng mỗi khi nhắc đến những vai diễn ấn tượng đối với mình, chị vẫn thường kể về nhân vật, đó là bà tổng hậu trong vở Gánh hát trên sông. Vai diễn này đã cho chị những bài học sâu sắc về cuộc sống. Đó là sống giản dị, chân thành và san sẻ lòng tốt cho những người xung quanh.

* Là một nghệ sĩ xuất thân từ sàn diễn tuồng cổ nhưng lại nhớ một vai diễn xã hội. Chắc vai này có nhiều nỗi niềm trong lòng chị?

Bối cảnh vở Gánh hát trên sông man mác một tình quê. Ở đó mối hiềm khích giữa những con người lớn lên trên ghe hát, có cả những tình yêu ngang trái, nhưng trên hết vẫn là lòng yêu nghề. Lời nguyền tuyệt giao với nghề hát của hai gia đình đã được hóa giải trong một đêm khuya, khi hai ông bà than thở trước chiếc ghe hát. Nỗi khổ tâm của nhau đã được giải bày, cuối cùng họ vẫn sum vầy hạnh phúc bên cạnh tình yêu nghệ thuật. Chủ đề kịch không mới: “ Khi những hiềm khích được gạn đục khơi trong, tình yêu nghề sẽ kết nối những tâm hồn đồng điệu”. Tuy nhiên vẫn không cũ, vì bất cứ thời đại nào câu nói “tình đồng nghiệp phải như đũa có đôi” vẫn cần được nhắc nhỡ để thế hệ diễn viên trẻ ngày nay cần sống chan hòa với tình yêu nghệ thuật. Bài học mà tôi đúc kết được qua vai diễn này chính là ý nghĩa nâng niu tình cảm dành cho thánh đường một cách đúng nghĩa. Trong đời sống văn hóa của người Việt, yếu tố cộng đồng quan trọng lắm. Ông bà xưa có câu: “Bán bà con xa mua láng giềng gần” là vậy. Và với nghề hát, tình đồng nghiệp nâng đỡ nhau rất quan trọng. Trên ghe hát, đời gạo chợ nước sông, khi tối lửa tắt đèn vẫn còn có nhau mà. Kịch bản vở diễn này có quá nhiều chi tiết thú vị về nghề hát. Tôi còn là một đạo diễn, nên rất thích cắt gọn, thay vào những tình huống gây cười đúng tâm lý và rất duyên dáng. Dù xuất thân từ sân khấu tuổng cổ nhưng vai này tôi thích vì nó rất đời, rất khái quát về nghề nghiệp của chúng tôi

* Phải thừa nhận một điều đây là vở diễn cải lương hài nghiêm túc. Vở không có những chỗ để diễn viên cười cợt, đùa giởn với nhân vật, mà lần theo câu chuyện mỗi vai diễn đều có đất để tung hứng, làm nỗ vang những tiếng cười. Nhiểu năm đứng dựng vở cho nhiều đoàn, chị có nghĩ sau này sẽ đem chính cuộc đời mình lên sàn diễn?

Vở hài mà dựng thành vở cải lương không để hở những mối kịch dù tuyến nhân vật phụ hay chính, đối với tôi đó là nguyên tắc. Tôi đem nhiều lát cắt cuộc đời mình vào các bản dựng đó chứ. Nó được đặc tả một màu sắc thôi, đó là sự dung dị, chất phác. Nhân vật bà tổng hậu suốt ngày càm ràm con cháu là diễn viên, cái tật nói nhiều của bà làm các diễn viên trẻ sợ. Hơn 50 tuổi đời, khi bà nghe lời dạy cảu ông bầu, vẫn cuối đầu vâng dạ. Những tiếng cười cứ rộ lên theo hành động, lời thoại và cá tính của vai mà tôi diễn. Bởi cái chất mộc mạc, dung dị của vở diễn này đã thắm vào các vai diễn, theo chân khán giả đến tận nhà. Đối với tôi, không đòi hỏi nhân vật phải tầm cỡ, nhưng chỉ với một vai phụ nhưng có tâm lý, có đất diễn đã đủ để tôi tự tin vung xới vốn sống của mình mà bù đắp vào nhân vật.

* Trước đây chị diễn, có nhiều vai phụ nhưng chị đã nhào nặn để có đất tung hoành. Để có được bí quyết đó, có phải chị đã vận dụng nhiều những bài quý về nhân cách người nghệ sĩ trong cuộc sống hôm nay?

Đứng ở góc độ một đạo diễn, tôi nhìn về diễn xuất tuyến nhân vật phụ được đẩy mạnh với bản lĩnh diễn xuất đồng đều trong một vai diễn. Tôi không có khái niệm cứ vai phụ thì sẽ dở. Nét diễn tỉnh queo đầy tinh tế của vai phụ đã làm chỗ vựa thật vững chắc cho các diễn viên đóng vai chính. Cũng như một số lớp diễn nếu vai phụ biết cách nhấn nhá, tạo ấn tượng thì sự lắng đọng khá chắc cho tuyến nhân vật chính. Tôi nghĩ mỗi vở diễn không chỉ cho tôi các bài học từ nhân vật, mà cho cả thế hệ diễn viên trẻ về sự vận dụng tài năng để hưởng ứng những lời cảnh tỉnh từ bài học thiên ác của cuộc sống.

* Đời sống sân khấu hôm nay rất cần sự phản ảnh rõ nét những góc tối của xã hội, qua đó cảnh tỉnh ngưởi xem và giáo dục thẩm mỹ trong nhận thức của họ. Với ngòi bút sắc bén, sáng tác nhiều kịch bản cải lương, chị có tâm nguyện gì?

Dưới sự chỉ đạo nghệ thuật của nhiều nhà chuyên môn thông qua các hội đồng phúc khảo, tôi nghĩ một dấu ấn nổi trội trong dàn dựng ngày nay, là bằng mọi cách tạo đất diễn để các diễn viên trẻ phát huy và cọ xát với nghề. Chính vì vậy tôi tâm nguyện khi làm đạo diễn thì phải hết sức gia công, củng cố thường xuyên cho diễn viên trẻ. Họ thất thế hơn teh61 hệ chúng tôi ngày xưa, vì ngày nay ít sàn diễn để cọ xát với nghề. Tôi tin cách làm đó qu mỗi suất diễn, tính cách nhân vật, tình huống tâm lý của các bạn trẻ khi tham gia vở sẽ đầy đặn hơn. Bây giờ lui lại vị trí dàn bao tôi thấy mình có trách nhiệm nâng đỡ các diễn viên trẻ. Theo tôi khaong3 cách giữa các em với lớp diễn viên trưởng thành sau 1975 chính là thiếu dịp thử sức trong một vở diễn. Tôi rất hoan nghinh NSND Hồng Nga, NSUT Hữu Châu, Thành Lộc…đã mạnh dạn đầu tư cho diễn viên trẻ để nghề nghiệp các em ngày càng chắc tay hơn. Cũng như bên sân khấu cải lương đã có Hoàng Song Việt, Hữu Quốc, Thanh Hiệp, Nguyên Đạt, Quốc Kiệt luôn dành cơ hội cho diễn viên trẻ.

* Ngày nay truyền thống xã hội đã trở thành một xu thế toàn cầu. vỚi sự hỗ trợ của mạng xã hội, của những trang web chia sẽ bài viết, hình ảnh và video, đã đưa truyền thông xã hội trở thành một chiến lược marketing phải có đối với nghệ sĩ. Thế nhưng chị dường như xa lạ với công nghệ này?

Để có thể sử dụng truyền thông một cách hiệu quả, chúng ta cần phải tìm hiểu về nó, cả về những điểm tích cực cũng như tiêu cực nhằm khai thác tối đa tiềm năng cũng như giúp chúng ta tránh đi những sai lầm không cần thiết. Tôi thông qua đứa cháu để biết thêm về công nghệ này, ví dụ như qua đó nhận được hình ảnh mũ mão mà nghệ sĩ hải ngoại muốn tôi thiết kế, tham khảo mẫu của nước ngoài, để chế tạo cái riêng của mình.

* Đọc nhiều kịch bản sân khấu, chị dung nạp cho đời sống chính mình những nguyên tắc nào?

“Đừng bao giờ đùa giỡn với cảm xúc của người khác, bởi vì bạn có thể giành chiến thắng, nhưng hậu quả là bạn chắc chắn sẽ mất đi người đó trong cuộc sống của bạn.” Đó là câu nói hay nhất mà tôi đọc được trong tác phẩm của Sha-kespeare. Hoặc khi đọc những kịch bản nước ngoài, được nhiều chuyên gia ngôn ngữ Việt dịch, tôi thích câu nói: “Thế giới phải chìm đắm trong đau khổ không phải vì tội ác của những kẻ xấu, mà là sự im lặng của những người tốt”. Cuâ nói đó của Napoleon không bao giờ mòn dù ở thời đại nào đi nữa. Nguyên tắc sống của người nghệ sĩ, đó chính là rất biết ơn tất cả những người đã nói KHÔNG. Nhờ vậy mà nghệ sĩ biết cách tự mình giải quyết sự việc sáng tạo, vì có bị chê, bị từ chối mới mong khẳng định được tài nghệ của mình. Theo tôi, nếu tình bạn là điểm yếu lớn nhất của bạn, thì bạn chính là người mạnh mẽ nhất thế giới. Câu nói này của Abraham Lincoln, khẳng định một điều rất tốt đẹp, đó là phải chọn bạn tốt để học hỏi trong nghề, nhận lấy những lời khuyên chân thành, trong đó có cả lời phê bình để mình tiến bộ hơn.

* Shakespeare cũng có viết: “Một người tươi cười không có nghĩa là họ không có nỗi buồn. Điều đó có nghĩa là họ có khả năng đối phó với nỗi buồn đó”. Chị nghĩ sao về điều này?

Nghệ sĩ chúng ta có nhiều nỗi buồn được tiêu hóa để cười cho thỏa thích, nhất là sáng tạo không ngừng để thỏa mãn kỳ vọng của công chúng. Theo tôi, cơ hội giống như bình mình, nếu bạn chờ đợi quá lâu, bạn có thể bỏ lỡ nó. Nghệ sĩ chúng tôi biết nâng niu cơ hội đến với mình và biến nỗi buồn cá nhân thành những bài học quý cho nghề, đem nó ra vận dụng cho vai diễn, để khán giả khóc cười cho chính nhân vật của ta. Khi bạn ở ngoài sáng, tất cả mọi thứ đều theo bạn, nhưng khi bạn bước vào bóng tối, ngay cả cái bóng của bạn cũng không đi theo bạn nữa. Đó là những điều mà người nghệ sĩ phải nhận biết để quên nỗi buồn riêng, lo cho sự nghiệp chung của mình.

* “Đồng tiền luôn phát ra âm thanh. Nhưng tờ tiền tiền thì luôn im lặng. Vì vậy, khi giá trị bạn tăng lên, thì hãy luôn luôn giữ im lặng” Chị nghĩ sao về điều này?

Có 2 loại người: Loại một là càng trải qua áp lực và khó khăn thì càng giỏi hơn sắc bén hơn; loại 2 là càng trải qua áp lực khó khăn thì càng dở hơi và xoay vòng theo chính nó. Nghệ sĩ dễ bị đồng tiền chi phối, làm cho mình sống khác đi, giả dối nhiều hơn và xem đồng tiền là thước đo tài năng, thì xem như thua. Tôi không thích đều này, chỉ muốn nói đến cụm “hữu xã tự nhiên hương”. Công chúng đo được tất cả những bậc than tài nghệ của người nghệ sĩ.

NS Bo Bo Hoàng nói, bạn có bao giờ ngắm kĩ một con hạc trắng chưa? Nó trông thật mảnh mai; chân dài, người mỏng, trong một bộ lông trắng muốt. Trong nó thanh cao như một người luống tuổi mà vẫn giữ được phong cách ung dung… con hạc được coi là một con vật sống lâu cho nên người ta gọi tuổi của các cụ là tuổi hạc. Người người sĩ đến thời tuổi hạc, đức cao, nhân cách tỏa sáng, là tấm gương cho thế hệ trẻ noi theo phải kể đến: NSND Phùng Há, NSND Bảy Nam. NSND Năm Châu… đó là những hiện thân tổ nghiệp để nhiều nghệ sĩ sân khấu cải lương học hỏi.

Kỳ 3: “Tôi kính trọng tuổi Hạc Trắng”

* Chị có nghĩ, thông thường bất cứ người nào sinh sống đâu và trong hoàn cảnh nào thì khi về già hay ngồi gậm nhấm lại quá khứ?

- Đúng. Ở tuổi già, không có phương tiện di chuyển, bị trở ngại trong giao tiếp đã làm một số người sống một cuộc sống tẻ nhạt, từ tẻ nhạt đưa tới trầm cảm, khép kín. Từ đó sinh ra bao nhiêu bệnh, và khi có bệnh, sự chạy chữa xem chừng không có hiệu quả lắm cho những người này. Với nghệ sĩ, tuổi già là môt chuỗi dài ký ức để nhớ về hào quang một đời. Tuy nhiên, tách lìa tình thân gia đình và bạn bè là đầu mối cho mọi thứ bệnh từ ung thư, bệnh tim đến ung nhọt và nhiễm độc. Tình thương và tinh thần lạc quan là gốc rễ làm cho chúng ta bệnh hay khỏe. Bất cứ đó là nghệ sĩ hay người làm công việc bình thường khác.

* Ba mươi năm trước mà nghe ai nói cô đơn sinh ra các chứng bệnh thì người ta sẽ chỉ cười nhẹ. Nhưng điều này đã được các bác sĩ công nhận là đúng. Theo chị nghệ sĩ ở tuổi về chiều làm gì để thoát khỏi sự cô đơn?

- Những buổi tĩnh tâm chung, có cầu nguyện, có tịnh niệm tùy theo tôn giáo của mỗi người để chia sẽ những buồn vui, lo lắng của mình cùng người khác cũng giúp khai thông được những tắc nghẽn của tim mạch như là ăn những thức ăn rau, đậu lành mành vậy. Đó là điều mà tại sao nghệ sĩ về chiều thích làm từ thiện, thích đi chùa và có nhiều bạn bè. Đến thăm Khu dưỡng lão nghệ sĩ TP.HCM, tôi bắt gặp nhiều đồng nghiệp có vợ con, có gia đình, nhưng vẫn thích vào sống chung với bạn bè đồng nghiệp một thời. Chính vì mái nhà chung này mang lại nhiều niềm vui cho tuổi già.

* Có phải khi không nói ra được những gì dồn nén bên trong thì chính là tự mình làm khổ mình. Khi nói ra, hay viết ra được những khổ tâm của mình thì hệ thống đề kháng được tăng cường, ít phải uống thuốc?

- Theo các bác sĩ, khi bị căng thẳng cơ thể sẽ tiết ra một hóa chất làm cho mọi sinh hoạt ứ đọng, ăn không ngon, đầu không suy nghĩ, mạch máu trì trệ, mất sức đề kháng, dễ cảm cúm. Chú ba Văn Ngà hồi đó thích kể chuyện vui ở hậu trường, gặp chú thì nghe chú kể và lồng trong mỗi câu chuyện là những trải nghiệm vui buồn của đời nghệ sĩ.

Như vậy sự cô đơn cũng là chất độc như cholesterol trong những thức ăn dầu mỡ, mà chỉ có sống lạc quan mới cứu rỗi được. nếu bạn không mở tâm ra cho người khác thì bác sĩ bắt buộc phải mở tim bạn ra thôi! Mà tuổi về chiều vào bệnh viện rất khổ.

* Theo chị tuổi như thế nào thì gọi là già?

- Chúng ta biết khi một người qua đời ở tuổi 60 thì được gọi là “hưởng thọ”. Vậy sau tuổi 60 mỗi ngày ta sống một “bonus”, phần thưởng của trời cho. Chúng ta nên sống thế nào với những này “phần thưởng” này. Lấy thí dụ một người lớn tuổi sống cô đơn, biệt lập, không đi ra ngoài, không giao tiếp với bạn hữu, thế nào cũng đi đến chỗ tự than thân trách phận, bất an, lo âu, ủ dột và tuyệt vọng. Từ đó bắt nguồn của bao nhiêu căn bệnh. Do vậy hãy sống vui khỏe. Tôi vẫn nhận show diễn đều đều, khi hát chầu, khi hát từ thiện, để gặp bạn bè đồng nghiệp và tận hưởng những niềm vui từ nghề nghiệp. Trong những lời Phật dạy có câu: “Sai lầm lớn nhất của đời người là đánh mất mình”.

Phá sản lớn nhất của đời người là tuyệt vọng. Chắc trong chúng ta không ai muốn rơi vào hoàn cảnh này. Gặp gỡ bè bạn đồng nghiệp nghệ sĩ thường xuyên trong những sinh hoạt nghề là điều tốt nhất cho thể lý. Đi tập thể thao như nhảy nhẹ theo nhạc, đi bộ…sẽ giúp cho người lớn tuổi giữ được thăng bằng, ít ngã, và nếu có bệnh, uống thuốc sẽ công hiệu hơn. Hay tin bác bảy Viễn Châu bị té ngã phải vào BV Nguyễn Trãi may mấy mũi, thấy thương hết sức, hoặc chú Năm Triều (Mai Quân) bị khối u trong gan, đạo diễn Huỳnh Nga bị máu cao…tuần qua ba ông vào BV nằm chung một khoa, nghe mà đứt ruột.

*Phải chăng gặp bạn, nói được ra những điều phiền muộn cho nhau nghe, ngồi tĩnh tâm, đến chùa cầu nguyện giúp cho ta làm chậm lại sự phát triển của bệnh?

- Qua nghiên cứu của nhiều nhà y khoa họ khám phá ra từ hàng trăm bệnh nhân, nếu người nào thường xuyền đến chùa cầu nguyện. Họ đã bỏ ra hàng đêm và nhiều cuối tuần để theo dõi, tìm hiểu những kết quả cụ thể của hiệu quả “Tín ngưỡng và sức khỏe”.

Trong đó họ cho biết những người có tín ngưỡng khỏe mạnh hơn, lành bệnh chóng hơn, ít bị nhồi máu cơ tim, gặp sự thăng trầm trong đời sống họ biết cách đối diện, họ luôn lạc quan.

* Theo chị lạc quan mang một ý nghĩa nào đối với nghệ sĩ?

- Lạc quan là một cẩm nang mà người nghệ sĩ nên luôn luôn mang theo bên mình. Đừng bao giờ nói, hay nghĩ là tôi già rồi, tôi không giúp ích được cho nghề nữa hoặc tôi vụng về, già rồi, chẳng làm gì được. Tôi lại khác, cứ làm những việc liên quan đến nghệ thuật, làm đẹp cho nghề hát, thì sẽ giúp mình có được tinh thần lạc quan. Nhiều đồng nghiệp khác như chị Hồng Sáp thì làm đồ hội, chị Xuân Yến vẫn đi lãnh chầu làm bầu, chị Thanh Loan thì dạy cho các con cháu diễn xuất…tất cả đều là những niềm vui, sự lạc quan của tuổi già nghệ sĩ. Và lạc quan còn đồng nghĩa với sự hiện diện của tình bạn. Bạn hiền trong nghề phải là bạn tốt, nhìn thấy khuyết điểm, ưu điểm của ta mà nói thẳng. Không phải lúc nào ta cũng nhìn thấy bạn hiền, nhưng họ thì luôn hiện diện đâu đó trong nghề. Hãy lắng nghe tiếng chuông lạc quan của nhau. Hãy tử tế hết sức mình, bởi vì có một người mà bạn gặp trên đời, biết đâu cũng đang ở trong một hoàn cảnh khó khăn nào đó họ phải phấn đấu để vượt qua. Không gì hơn là tuổi già nghệ sĩ nương dựa vào nhau trong tình bạn. Luôn luôn nghĩ bao giờ mình cũng có cái cho đi vào huyền thoại “nghệ sĩ sống chung thì không thể đến lúc thác mà đơn lẻ”, do đó có Khu dưỡng lão nghệ sĩ TP.HCM, có chùa nghệ sĩ, có nghĩa trang nghệ sĩ TP.HCM – Những điều đó có giá trị vô cùng với đời, với nghề và duy nhất có ở VN.



*Diễn hài nhiều, tính hài hước theo chị có làm cho người nghệ sĩ sống khỏe, nhưng hầu hết số phận của nghệ sĩ hài đều rất khổ?

- Cười cùng với mình cũng là những liều thuốc bổ. Hôm xem Hoài Linh diễn hài, cảnh tập thể dục, “hai tay đặt ngang ngực”, mà để xuống tới gần eo. Lúc đó tôi nhớ đến chuyện phím rất duyên của một nữ nghệ sĩ Opera lững lẫy. Khi bà ở tuổi 77, truyền hình phỏng vấn bà về một ngày thường nhật của tuổi hạc, bà cười duyên dáng nói: “Có vô số chuyện xảy ra từng ngày …Cứ nhìn vào bộ ngực của tôi xem. Có vẻ như hai chị em nó đang tranh đua xem đứa nào chạy xuống eo trước”. Khán giả nghe bà, cười chảy nước mắt. Những vấn đề chính ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn qua tinh thần là: Sự cảm thông giữa cha mẹ và con cái, giữa ông bà với các cháu. Tinh thần chấp nhận và lạc quan: Nghĩ đến những điều vui nhỏ mỗi ngày; Tham gia những sinh hoạt nào phù hợp với sức khỏe; Làm việc thiện nguyện: Sinh, lão, bệnh, tử. Con đường đó ai cũng phải đi qua. Nhưng đi như thế nào thì hầu như 80% chính mình là lựa chọn. Tôi thích một câu ngạn ngữ: “Một nét mặt vui vẻ mang hạnh phúc đến cho trái tim và một tin vui mang sức khỏe cho xương cốt”.

*Tất cả những trải nghiệm mà chị chia sẻ có phải đúc kết từ những tháng ngày chị sống vất vã với nghề và vững niềm tin vào nghiệp Tổ?

- Những đóng góp của tôi với nghề còn quá ít, điều đó đã tạo nên nhiều cảm xúc để tôi tiếp tục phấn đấu, cống hiến, làm những điều gì có thể cho nghề, cho sự nghiệp chung. Vì nghệ sĩ đã cùng chung một mục đích là thể hiện tình yêu với nghề thì đó là cơ hội cho những em cháu tiếp nối sau này, để các em có những bài học sáng tạo, những kinh nghiệm biểu diễn. Tôi mong rằng có nhiều cuộc thi như giải thưởng HCV Trần Hữu Trang, Giải thưởng Nguyễn Thành Châu, Giải Chuông vàng vọng cổ, giải Bông lúa vàng…và những sự đóng góp của mỗi màu giải sẽ cho tất cả mọi người nhận ra những nét của nghệ thuật cổ truyền dân tộc, trong đó có bài ca cổ và nghệ thuật cải lương. Cuộc sống với bao nhiêu bộn bề đôi khi đã làm cho chúng ta được chứng kiến những hành động nghệ thuật vì mục đích chung cao cả, sẽ làm cho thế hệ trẻ cảm nhận được thành quả đạt được từ tiền nhân đi trước đã khai phá. Điều đó đã làm chúng ta tin rằng cái đẹp vẫn hiện diện chung quanh ta, và chính cái đẹp của nghệ sĩ, của tuổi hạc trắng với biết bao tấm gương dáng luôn làm cho tâm hồn chúng ta đẹp hơn lên để chúng ta quên đi những bon chen, những tị hiềm của đời thường và cùng nhau nhìn về phía cao hơn.

* Xin cảm ơn chị, chúc chị luôn hạnh phúc, mạnh khỏe và góp phần làm đẹp cho sân khấu với bàn tay khéo léo của chị.


Thanh Hiệp


--------------------

Cõi mơ
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
1 User(s) are reading this topic (1 Guests and 0 Anonymous Users)
0 Members:

 



Lo-Fi Version Time is now: 18th November 2024 - 11:36 PM