Welcome Guest ( Log In | Register )

 
Reply to this topicStart new topic
> Những người yêu thích nhạc vàng ở Hà Nội xưa và nay, Thanh Trúc
AnAn
post Nov 30 2016, 11:09 AM
Post #1


Bảo vệ Tổ Quốc
***

Group: Năng Động
Posts: 6,737
Joined: 12-November 08
Member No.: 702
Country





Những người yêu thích nhạc vàng ở Hà Nội xưa và nay



Ông Nguyễn Văn Lộc hát tình ca tại quán Cà Phê Lộc Vàng.
Hình do Ông Lộc Vàng cung cấp



Nguyễn Văn Lộc hay Lộc Vàng, người một đời đam mê gắn bó với nhạc vàng từng bị cấm bị liệt vào dạng văn hóa đồi trụy ở miền Bắc và suốt hai thập niên sau 1975 ở miền Nam:

Tôi sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, bạn bè gọi tôi là Lộc Vàng vì ngày xưa tôi mê nhạc vàng, tôi hay hát nhạc vàng.

Nhạc vàng là dòng nhạc từ trước 1954, khi đất nước Việt Nam là một nước, thì những nhạc sĩ sáng tác những nốt nhạc những lời văn quí như vàng cho nên người ta gọi đó là nhạc vàng . Đấy là dòng nhạc trữ tình của Việt Nam, thí dụ như những tác phẩm của Văn Cao, Đoàn Chuẩn Từ Linh, Nguyễn Văn Khánh, Nguyễn Văn Tý, Đặng Thế Phong, Châu Kỳ, và cả Phạm Duy nữa... mà người ta gọi là nền tân nhạc cũng là đúng.
Tù tội vì trót yêu nhạc vàng

Năm 1965, ba cậu thanh niên cùng mê nhạc vàng là Thành, Toán Xồm và Lộc Vàng gặp nhau:

Anh Toán nhiều tuổi hơn tôi, sinh năm 1932, còn anh Thành sinh năm 1944, hơn tôi một tuổi. Ba anh em đều thích đàn thích hát, tập trung với nhau thành một tốp 3 người đóng cửa hát ở trong nhà. Toàn hát nhạc tiền chiến ngày xưa thôi, bạn bè ai thích nghe thì đến. Cứ đóng của hát với bnhau, hát dấm hát dúi, hát không cho hàng xóm nghe. Bọn tôi thậm chí một bao thuốc lá một ấm trà có thể ngồi hát thâu đêm suốt sáng được.

Họ bảo bọn tôi phản động, tuyên truyền văn hóa trụy lạc của chủ nghĩa đế quốc, chống lại chính sách của nhà nước, phá hoại nền văn hóa của chủ nghĩa xã hội.
-Nghệ sĩ Lộc Vàng

Bởi duyên nợ ba sinh với nhạc vàng, ông Lộc Vàng kể tiếp, năm 1968 cả 3 anh em Toán Xồm, Thành, Lộc Vàng bị bắt và bị nhốt tại Hòa Lò. Cho đến năm 1971 mới được mang ra xét xử tại tòa án thành phố Hà Nội:

Họ bảo bọn tôi phản động, tuyên truyền văn hóa trụy lạc của chủ nghĩa đế quốc, chống lại chính sách của nhà nước, phá hoại nền văn hóa của chủ nghĩa xã hội.

Ngưởi ta cũng nghi là bọn tôi ăn lương ở trong miền Nam, tung tiền cho bọn tôi ăn chơi.

Kết quả, ông Toán Xồm bị kêu án 15 năm tù cộng 5 năm mất quyền công dân, ông Lộc Vàng 10 năm tù cộng 4 năm mất quyền công dân, ông Thành 5 năm tù và 3 năm mất quyền công dân. Năm 1973, sau khi Hà Nội ký kết Hiệp Định Paris thì cả 3 được giảm án:

Người ta giảm cho anh Toán Xồm 3 năm, tôi thì họ giảm 2 năm, anh Thành được giảm một năm rưỡi. Tức là trong văn bản Hiệp Định Paris 73 là Ủy Ban Quốc Tế có trách nhiệm giám sát đáp ứng tù nhân giữa hài miền nhưng miền Nam họ làm mà miền Bắc họ không làm, họ giảm án cho bọn tôi thôi chứ không cho Ủy Ban Quốc Tế giám sát. Cuối cùng tôi ở 8 năm tôi về, anh Toán Xồm 12 năm còn anh Thành ở 3 năm 6 tháng.

Buồn nhất và đau nhất không chỉ là những năm dài tù tội đối với những thanh niên trót yêu nhạc vàng mà còn là cái chết thương tâm của ông Toán Xồm, tên thật là Phan Thắng Toán

Anh Toán Xồm thì cuộc đời bi thảm nhất, sau khi về thì mất hết nhà cửa thề là anh ngủ vĩa hè và cuối cùng chết ở vĩa hè. Tấm ảnh chụp tôi châm thuốc lá cho anh tôi treo ở quán cà phê của tôi được nhiều người chụp đưa lên mạng. Sáng 30 tháng Tư 1994 anh Toán Xồm chết còng queo ở vĩa hè ngoài đường, anh được 62 tuổi.

Từ Paris, nhà văn Vũ Thư Hiên, tác giả tập truyện Đêm Giữa Ban Ngày, cho Thanh Trúc biết ông Lộc Vàng là bạn tù của ông ở trại Phong Quang ngày trước.

Cái này thì nó buồn cười, nó phải xuất phát từ những cái đầu cực kỳ ngu xuẩn thì mới làm như vậy. Những người như anh Toán Xồm hay anh Lộc Vàng mà bị bắt lên và ở tù cùng với chúng tôi thì chúng tôi chỉ lấy làm lạ tại sao họ có thể làm một việc phi lý đến như vậy được mà lại có cả tòa án xử. Chứ còn như chúng tôi thì không có tòa án xử nà người ta cứ bỏ vào tù và khi nào hỏi là các anh đinh giam chúng tôi đến bao giờ thì họ chỉ tay lên trời nếu lúc đó đứng ở ngoài trời, còn nếu ở trong nhà thì họ chỉ tay lên trần, họ nói cái này là ở trên chứ chúng tôi không biết.
nguyen-van-loc-phan-thang-toan-400.jpg


Nghệ sĩ Lộc Vàng và người bạn cùng hát nhạc vàng Phan Thắng Toán ( đã chết).

Chuyện yêu và hát nhạc vàng đến phải đi tù như những người mang trọng án đã gây chấn động một thời ở Hà Nội. Nhạc sĩ tài danh Tô Hải, hiện đang sống ở Pháp, từng ghi lại chuyện này trong tác phẩm Hồi Ký Một Thàng Hèn của ông. Một nhà báo độc lập là ông Trần Ngọc Quang, từ Hà Nội vào sống ở Nha Trang, cho biết:

Nhạc vàng nó đi vào lòng người Việt Nam. Bọn tôi lúc trẻ bắt đầu vào đại học thì vụ của anh Lộc Vàng đã ầm ĩ cả lên rồi. Suy ra thì một chế độ mà cứ theo cái quan niệm tuyên truyền rằng những bài hát đi vào lòng người như vậy thì nó ảnh hưởng đến ý chí chiến đấu của những người cộng sản thì đấy là quan điểm phiến diện của họ, không thể nào hội nhập với ý thức của nhân loại.

Cuốn Hồi Ký Một Thằng Hèn của anh Tô Hải nhắc lại vụ án như vậy bởi nó hằn sâu trong ký ức của mỗi người Việt. Cho nên lịch sử Việt Nam hiện đại là một lịch sử đau thương nhục nhã bởi cái lề thói nắm quyền của một chế độ mà người ta coi đấy là quyền năng vô hạn.

Cà phê Lộc Vàng ra đời

Thế rồi, từ những qui định ngặt nghèo và những cấm đoán khắc khe như tận diệt văn hóa đồi trụy, tiêu hủy tàn du đế quốc, giữa thập niên 90 trở về sau nhạc vàng gần như được cởi trói, và giữa lòng Hà Nội, bên cạnh một số quán cà phê hiếm hoi mang dư vị nhạc tiền chiến, quán Lộc Vàng ven Hồ Tây cũng góp mặt một cách khiêm tốn nhưng bền bỉ.

Tại đây, mỗi tối thứ Ba, thứ Năm và thứ Bảy, người từng bị tù 46 năm xưa, nay là nghệ sĩ Lộc Vàng với mái tóc ngã màu năm tháng, đêm đêm say đắm mà trang trọng thả hồn và trải từng lời ca đẹp như thơ như mơ vào lòng người thưởng ngoạn. Những bài ca ngày xưa, những tiếng hát bây giờ ở Cà Phê Lộc Vàng gợi nhớ một thời thanh xuân lãng mạn trước chiến tranh, khiến người thưởng thức suy gẫm về giá trị của dòng nhạc mà ông Lộc Vàng cho là đã ngấm vào máu của ông và bằng hữu:

Sau 75 thì tất cả những băng đĩa miền Nam tràn ngập ra ngoài Bắc và mãi đến năm 97 nhà nước Việt Nam này mới khôi phục, ca ngợi, tôn vinh dòng nhạc đó. Cho đến ngày hôm nay chính bản thân dòng nhạc vàng đó nhà nước người ta gọi là nhạc tiền chiến và người ta còn bảo là di sản văn hóa của dân tộc.

Tất cả những thứ đó nuôi dưỡng tâm hồn, nuôi dưỡng tình cảm, nuôi dưỡng trí tuệ, nuôi dưỡng tình người của bọn tôi mà tôi có được như ngày hôm nay.

Nhưng đó là sau nhiều lần mở quán cà phê hát nhạc vàng mà bị cấm cản thì cuối cùng Cà Phê Lộc Vàng mới ra đời và trụ được tám năm ở một Hà Nội đang phát triển một cách hối hả. Nghệ sĩ Lộc Vàng chia sẻ:

Sau 75 thì tất cả những băng đĩa miền Nam tràn ngập ra ngoài Bắc và mãi đến năm 97 nhà nước Việt Nam này mới khôi phục, ca ngợi, tôn vinh dòng nhạc đó. Cho đến ngày hôm nay chính bản thân dòng nhạc vàng đó nhà nước người ta gọi là nhạc tiền chiến và người ta còn bảo là di sản văn hóa của dân tộc.
-Nghệ sĩ Lộc Vàng

Tôi mở quán cà phê không phải lần thứ nhất mà lần này là lần thứ tư. Năm 91 tôi mở một quán, 94 mở một quán, 97 mở một quán, ba lần đều mất trắng hết, không có giấy phép của nhà nước. Cuối cùng, đến 2008, tôi quyết tâm gây dựng lên một quán cà phê đẹp ở Hồ Tây. Thời điểm này nhà nước bung ra, nhạc tiền chiến được ca ngợi, tôi mới tồn tại được 8 năm trời.

Nhưng trong 8 năm này tôi lỗ vốn hàng mấy tỷ đồng, tôi bán sạch hết nhà cửa, tôi chấp nhận bù lỗ để mở một quán cà phê. Tôi gây dựng lại nền tân nhạc Việt Nam cũng chỉ vì mê hát, tôi mở quán ra để tôi được hát cho những người yêu thích dòng nhạc xưa đến quán tôi thưởng thức. Tôi hát và tôi bảo vệ đúng gốc của những bản nhạc đó.

Sức cuốn hút của quán Cà Phê Lộc Vàng như thế nào được chủ nhân của nó trình bày như sau:

Dòng nhạc này là dòng nhạc trí thức của người Việt Nam. Người già bản thân đã có tâm hồn và trí tuệ và yêu thích dòng nhạc này thì không nói làm gì thì không nói làm gì. Còn lớp trẻ, tôi bảo những người trẻ đã đến quan tôi, đã tìm và đã hiểu được những lời văn sâu sắc, những nét nhạc mượt mà và những tình cảm chứa đọng của con người... Những lớp trẻ đó tôi đánh giá là có trí thức,có ý thức, có tâm hồn. Bây giờ các cháu đến tìm hiểu nhiều lắm.

Còn trẻ mà thấm thía và say mê nhạc vàng để rồi trở thành người chuyên hát nhạc vàng thì không ai hơn được Hồng Hải, hiện là ca sĩ thường trực của Cà Phê Lộc Vàng:

Hồng Hải sinh năm 78, sinh ra thì đã hết chiến tranh rồi. Hồng Hải đi hát từ lúc nhỏ, sinh hoạt ở Khu Văn Hóa. Năm 17 tuổi thì hình như nghe và hát dòng nhạc vàng trữ tình này thì tự nhiên nghe thấm thía lắm, nó cứ ngấm vào trong máu của mình thôi, và cứ thế là theo đuổi là hát dòng nhạc này thôi. Cộng theo với cả biết chú Lộc, biết về cuộc đời của chú, cùng hát với chú ở trên quán thì cũng ảnh hưởng những ca khúc mà ở lứa tuổi Hồng Hải thì không thể biết được.

Tất cả những ca khúc mà ngày xưa bị cấm thì bây giờ đang hát trên truyền hình. Những ca khúc này đi vào tình yêu đời sống của từng người một. đời sống, Theo như cá nhân Hồng Hải nghĩ thì chắc là do thời cuộc, do vì đất nước hai miền chia cách rồi là chiến tranh cho nên có thể hát những ca khúc này thì nó làm chùng lòng xuống. Thời bây giờ thì không đúng rồi, đấy là theo như những người trẻ như Hồng Hải cảm nhận như thế.

Theo nhận xét của Hồng Hải, khách đến Cà Phê Lộc Vàng khá là đa dạng, người lớn tuổi đương nhiên là đông mà người trẻ cũng không thiếu, đặc biệt có cả những người xa xứ về thăm quê hương và kể cả người ngoại quốc. Điều này được ông Lộc Vàng xác nhận:

Có những người khách quốc tế tôi hỏi người ta thì người ta bảo người ta không biết tiếng nhưng mà nghe giai điệu người ta thích. Thì cũng giống như tôi nghe nhạc Mỹ, tôi có biết tiếng Mỹ đâu, thế nhưng nghe giai điệu, nghe ca sĩ hát hay là tôi vẫn mê.

Ông Lê Đắc Long, khách quen thuộc của quàn Cà Phê Lộc Vàng, nói rằng ông thích không khí văn nghệ đầm ấm và thân mật của quán cà phê cũng như đồng cảm với tình yêu mà ông Lộc Vàng dành cho nhạc vàng:

Dòng nhạc này tôi thích từ xưa chứ không phải vì tôi là người Hà Nội mà tôi thích. Cùng một ý cùng sở thích là thích chứ không phải cứ người Hà Nội mới thích đâu.

Quán của anh Lộc là môt quán bình thường ở Hà Nội, chúng tôi đến quán vì chúng tôi thích nghe lời những bài hát. Bọn tôi trong xã hội chủ nghĩa thì được đào tạo như nhau nhưng mà con người vẫn là con người. Tôi may mắn là vợ cũng thích nghe những dòng nhạc này, mình cảm tưởng có mình trong đó, có vợ mình ngày xưa yêu đương như thế nào. Chứ còn nói xin lỗi nhạc cộng sản tôi không bao giờ nghe. Chúng tôi thích những cái về tâm hồn, về những vui buồn sướng khổ đúng tâm hồn của mình. Cứ rỗi tối nào thì vợ chồng tôi lên đây, uống cà phê là phụ nhưng gặp bạn bè, gặp anh em rồi nghe nhạc là chính.

Quí vị có đồng ý với Thanh Trúc là có những người, dẫu ít ỏi như ông Lộc Vàng hôm nay, không chỉ nhờ giọng ca để có thể say sưa hát ngày nay qua ngày khác những nhạc phẩm lừng danh của những Đoàn Chuẩn Từ Linh, Văn Cao, Nguyễn Thế Phong, Nguyễn Văn Khánh, Phạm Duy, mà còn làm cho những ca từ tuyệt vời của các nhạc sĩ lừng danh đó bay cao, bay xa và thăng hoa trong cảm xúc rất đổi chân thật và rất đời.

Thanh Trúc


--------------------
***Bình yên một thoáng***
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
2 User(s) are reading this topic (2 Guests and 0 Anonymous Users)
0 Members:

 



Lo-Fi Version Time is now: 15th November 2024 - 09:05 PM