Bóng ma trên đê, Xuân Võ |
Bóng ma trên đê, Xuân Võ |
Mar 8 2016, 09:41 AM
Post
#1
|
|
Bảo vệ Tổ Quốc Group: Năng Động Posts: 6,737 Joined: 12-November 08 Member No.: 702 Country |
Bóng ma trên đê Cũng như sáng nay, ông già sắp nổi trận lôi đình với con bé cũng chỉ vì ổng không thể nói. Nói mần răng được, cái chuyện của con ma. Lần này nữa là lần thứ ba hắn cảm nhận được một cách rõ ràng có bàn tay vô hình nào đó lạnh như băng chạy dọc khắp thân thể. Mất chừng mươi lăm giây và hắn nằm cứng đơ như pho tượng. Tấm màng chắn ngang bực cửa lay nhẹ rồi tiếng chiếc băng dài keo lên kin kít trong đêm. Hắn cố lấy lại bình tĩnh, với tay bật bóng đèn chính cho gian phòng sáng choang. Ngoài kia, từng cơn gió bấc vẫn thổi thông thốc, mấy ngọn tre oằn oại chừng muốn đổ nhào xuống mặt sông trắng bạc. Bất giác, con Mốc vẫn co ro bên xó bếp giật thót mình sủa lên inh ỏi. Nó sủa rượt ra tận mé đê lâu thật lâu mới chịu nín. Đêm đó, hắn chong điện, trùm mền ngồi gật gù trên giường cho đến tận khi gà gáy te te khắp xóm mới dám ngả lưng. Sáng hôm sau tỉnh dậy, hắn chắc mẩm là tối qua mình đã gặp ma. Hắn ra ngoài bến đợi cho ông Bảy Chúc đáp cái ghe lưới con con vào lùm dừa nước là hỏi luôn: - Cha ơi! Ngoài đê nhà mình có ma hả cha? Ông Bảy cột cái ghe vô bẹ dừa rồi bước từng bước chắc nịch trên cái cầu khỉ làm bằng mấy cây tre gốc. Ông vừa đi vừa cộc cằn đáp lời con nhỏ: - Ma cái con c...đời thằng Bảy Chúc ni chưa từng thấy ma, nhà tau càng không có ma. Hắn há hốc miệng như muốn nói gì đó nữa nhưng nhìn điệu bộ ông Bảy chừng sắp nổi trận lôi đình nên đành thôi. Lần nào cũng thế, hắn chả bao giờ dám động đến cơn giận của cha. Mà chẳng riêng gì hắn, cả cái xóm này không mấy người kham nổi cơn giận của Bảy Chúc. Bảy Chúc mà giận lên trông như con hổ đói mất mồi hay thiên lôi lâm trận gì đó. Thực tình thì thường ngày ông Bảy rất ít nói, lầm lì có mình hết trên bến pha tre, vót nan lại ra sông thả lưới, cắm nò. Đến mùa thì vác cuốc ra đồng làm hì hụi từ sáng đến tối mịt mới ló đầu về nhà. Được cái, chịu khó phải biết, cũng chẳng chè chén gì tất, ăn uống thế nào cũng được, không đòi hỏi hay chê bai mặn nhạt gì cả. Khắp làng trên xóm dưới, ai thuê đâu Bảy Chúc làm đó, chưa từng nề hà công sá hay việc nặng nhẹ. Vậy nên, chẳng mấy khi làm mếch lòng ai. Bà con vì thế quay ra kiêng nệ cơn giận của Bảy Chúc như kiêng nệ ngày rằm. Mà cũng phải nói, con nhỏ đúng giỏi chịu đựng. Cho dù Bảy Chúc có nằm không ở nhà cả ngày hay quần quật với mớ tre, vạt khoai trước ngõ thì cũng chả mấy khi mở miệng nói với con gái một câu cho nên hồn. Hai cha con như hai người câm điếc. Nhưng hắn hiểu ông già có khi còn hơn cả ông hiểu bản thân mình nữa. Chỉ cần nhìn là hắn biết ông già muốn gì, đói no ra làm sao, thích ăn gì, và đặc biệt khi nào thì sắp lên cơn giận dữ. Nên mặc kệ ai nói gì, hắn khăng khăng ông Bảy là người cha tuyệt vời nhất trên đời ni. Ông già ngó bộ cũng thương con nhỏ không kém, có miếng ngon là coi như kiêng quyết không ăn, bộ mặt nhăn nhó "con cá to như ri mà mi nấu kiểu chi mặn chát, ai mà ăn cho nổi!" Nói rồi thò đũa gắp một tẹo chỗ đầu, còn chừa tất cho con nhỏ. Người ngoài nhìn vô tưởng ông già khó khăn quá chừng. Nhưng ông già mô có khó, chỉ là không biết nói mần răng cho khỏi ngượng nên mới đâm ra kiếm cớ quạu chay vậy mà. Quạu mà có quạu đâu. Cái này cũng chỉ có con nhỏ mới hiểu được. Cũng như sáng nay, ông già sắp nổi trận lôi đình với con bé cũng chỉ vì ổng không thể nói. Nói mần răng được, cái chuyện của con ma. Tối hôm đó, ông không ngủ nò đêm nữa. Mới năm giờ chiều, ông Bảy Chúc đã bơi ghe đi cắm nò, xong đâu đấy, ông quay ghe về bến ngồi hút thuốc. Trời mới nhá nhem và con nhỏ thấy rõ hình như ông già đang lo lắng lắm, buồn lắm, mệt mỏi lắm nhưng hắn không dám lại gần. Hắn ngồi trong bếp, nhìn ra cái điệu bộ của cha mình mà chỉ muốn chảy nước mắt. Hắn biết, cứ mỗi lần ông Bảy ngồi như thế tức đêm đó ổng sẽ không ngủ được và hắn cũng biết chắc lòng ổng đang ngổn ngang như tơ vò những thứ mà hắn không bao giờ được biết đến, động đến. Gió bấc vẫn thổi từng cơn khô rốc, lạnh te tái. Thi thoảng, vài bóng đèn đi soi đêm lướt qua trước bến rồi bỗng chốc dừng lại, tấp vô mấy lùm ô rô khẽ nhấc cây vượt úp xuống dòng nước lạnh hay múc lên kiên nhẫn, chịu đựng. Đóm thuốc trên miệng ông già chốc chốc bùng lên soi rõ những nếp nhăn với hốc mắt thô lố. Nhưng cũng chỉ vài giây để sau đó trở lại nguyên vẹn một tia lửa nhỏ lẻ loi trong đêm tối vô cùng. Những chiếc ghe đi soi đêm thưa dần, trên sông chỉ còn lại vài ngọn đèn nò hiu hắt như những con mắt ngầu đỏ của loài thủy tộc chuyên ăn đêm. Ông Bảy vẫn ngồi đó. Trong chái bếp, con nhỏ co ro. Bao giờ cũng vậy, mỗi khi ông Bảy Chúc ngồi đốt thuốc dưới bến, là hắn co ro trong bếp nhìn ra như thể đang ngồi canh cho một mong mõi mỏng manh nào đó. Đôi lúc, con bé chừng muốn khơi thêm ngọn lửa cho ấm nhưng lại thôi, nó sợ động đến sự yên lặng đáng sợ của cha mình hay cũng có thể hắn sợ động đến bao xáo trộn đang giày vò trong lòng cha. Con Mốc, vẫn nằm bên chân hắn nãy giờ, ngóc cái mỏ đen ngoàm lên khịt khịt, ngửi ngửi hay nghếch cái đầu sang một bên, vểnh tai nghe ngóng. Nó vùng dậy, chạy xộc ra ngõ, cong đuôi, ngóng mõm lên đê sủa dồn. Con nhỏ khẽ rùng mình quay nhìn cha, vẫn điệu bộ tĩnh lặng không đổi, duy có đốm lửa nhỏ kẹp giữa hai ngón tay là đưa lên đưa xuống liên hồi. Hắn muốn kêu lên, kêu thật to: "cha ơi! Con ma lại về cha kìa!" nhưng hắn tuyệt nhiên không thể mở miệng. Ngoài triền đê, thoát ẩn thoát hiện cái bóng đen lờ mờ. Đôi lúc, cái bóng đen ấy như bị mấy ngọn tre oằn xuống nhấc bổng lên không. Cái bóng mỗi ngày một gần hơn. Hắn bắt đầu nghe rõ tiếng bước chân khe khẽ, rón rén, ngập ngừng nơi bậc thềm, rồi tấm liếp cửa phát ra thứ âm thanh của sự già cỗi mệt nhoài. Hắn cảm nhận thấy rõ ràng đôi bàn tay lạnh băng của ngày hôm qua đang trượt dài trên thân thể hắn từ mái tóc dài chấm lưng, đôi gò má bầu bĩnh đến những ngón tay mềm mại đang cứng đờ ra vì sợ hãi. Một luồng khí lạnh buốt chạy dọc khắp sống lưng hắn và hắn ngồi đó trong gian bếp tối đen ngước ánh nhìn cầu cứu, vô vọng về phía cha. Một lần nữa, tấm liếp lại rền rĩ thứ âm thanh nhọc nhằn để hơi thở lạnh toát của cõi hư vô vụt nhanh ra khỏi gian bếp. Và tiếng kêu khóc ai oán bắt đầu vọng đều từ bến nước. Cái đóm thuốc làm tiêu điểm để hắn nhìn thấy cha giờ cũng không còn nữa. Hắn nhận ra nước mắt nóng hổi đang lăn dài trên má nhưng hắn không thể khóc thành tiếng hay mở miệng gọi "cha ơi!" Tiếng ông Bảy yếu ớt cất lên "Tôi xin cô! cô làm ơn tha cho tôi, tha cho con nhỏ đi mà. Chuyện đã qua hai mươi mấy năm rồi còn chi, cô còn giày vò cha con tôi chi ri, tôi chưa có một ngày mô yên ổn hết. Thôi thì chuyện tôi làm tôi chịu, nhưng con nhỏ có tội chi mô. Tôi biết tội của mình, tôi đã ở ri nuôi hắn đến chừng ni tuổi đầu coi như để chuộc lỗi với cô còn chưa đủ hay răng!" Tiếng ông Bảy yếu dần, yếu dần. Hắn vụt đứng dậy, mọi sợ hãi như tan biến theo tiếng sủa của con Mốc, lao nhanh xuống bến "Cha! Cha ơi! Tỉnh lại đi cha! Con nè cha, tỉnh lại đi cha ơi!" Hắn thò tay móc cái đèn pin dưới khoang ghe, ánh đèn xanh tròn tròn rọi rõ khuôn mặt trắng bệch của ông già. Bảy Chúc gượng nhìn con nhỏ, mấp máy trong hởi thở đứt đoạn "Con ở lại ráng mà sống cho ra hồn, từ bữa ni chắc không còn bóng ma mô đến tìm con nữa mô, đừng có sợ nữa, cứ ngủ cho ngon. Ban đêm nhớ đóng cửa cho chặt, coi chừng bọn mất dạy, nhớ chưa!" Hai hôm sau, người ta đưa ma ra đồng. Gió bấc vẫn thổi từng cơn rác rạt trên đê. Đứa con gái mới ngoài đôi mươi đội vầng khăn trắng lếch thếch lê từng bước rũ rượi theo sau quan tài. Người ta lại bắt đầu bàn tán, bàn tán cái chuyện có khi đã hơn hai chục năm rồi họ chưa được bàn tán nhưng có vẻ như không ai là không nhớ rõ mòn một từng chi tiết nhỏ. Từ cái thằng con trai mồ côi, suốt ngày dầm mình trên sông đến không lấy được vợ. Cái thằng tội nghiệp như rứa tự nhiên bị ai "bắt" mà đi uống rượu cho say mèm rồi hiếp cái mụ ăn xin đến chết ngay trên đê. Thằng chả tỉnh ra ân hận muốn chết nhưng sợ bị tội nên ném luôn xác con mụ ăn xin xuống sông rồi ôm đứa con gái mới chưa được tuổi của mụ về nuôi như con đẻ. Được cái thằng chả thương con nhỏ quá chừng, sợ con nhỏ hận mình nên cứ hễ nghe ai nhắc đến chuyện cũ là chả nổi trận như thiên lôi giáng sấm sét ấy. Thằng chả đang khỏe rứa mà chết chắc cũng tại do con mẹ ăn xin năm xưa bắt chớ chi. Nghĩ cũng tội nghiệp quá. Tội nghiệp cái gã Bảy Chúc mồ côi. Tội nghiệp cái con nhỏ nhận kẻ giết mẹ làm cha bấy lâu. Xuân Võ -------------------- ***Bình yên một thoáng***
|
|
|
Lo-Fi Version | Time is now: 16th November 2024 - 02:00 PM |