Welcome Guest ( Log In | Register )

 
Reply to this topicStart new topic
> Đoàn lực sĩ tỵ nạn tại Thế vận hội Rio, HV
VanAnh
post Aug 11 2016, 02:08 PM
Post #1


Hạnh ngộ
***

Group: Năng Động
Posts: 5,776
Joined: 25-October 08
Member No.: 480
Country




Đoàn lực sĩ tỵ nạn tại Thế vận hội Rio


Buổi Lễ khai mạc diễn ra tối hôm Thứ Sáu 5/8 chính thức mở màn cho Thế vận hội Rio 2016 với tất cả sự hoành tráng, lộng lẫy mà một chương trình bao gồm đầy đủ những nét văn hoá, lịch sử và nghệ thuật của một dân tộc có thể mang lại.

Thế vận hội Rio được ước tính quy tụ khoảng hơn 11,000 lực sĩ thuộc 207 quốc gia về tham dự – là một con số kỷ lục. Nhưng đặc biệt hơn nữa, ngay trong buổi Lễ khai mạc, ở phần diễn hành của các phái đoàn quốc gia, một phái đoàn nhỏ nhoi chỉ gồm 10 lực sĩ, đi phía trước phái đoàn của nước chủ nhà Brazil, đã được khán giả chú ý và dành cho nhiều cảm tình nhất. Họ không đại diện cho riêng một quốc gia nào hết, họ đi dưới lá cờ của Thế vận hội: họ là Ðoàn Lực sĩ tỵ nạn Thế vận hội (Refugee Olympic Team) – đại diện cho những con người đáng thương nhất của thời đại hôm nay, đang lang thang nay đây mai đó, không quê hương, không nhà cửa, không tương lai và gần như bị xua đuổi ở bất cứ nơi đâu họ đến.


Từ trái hàng trên: Paulo Amotun Lokoro, Yonas Kinde, Anjelina Nadai Lohalith, Yusra Mardini – hàng giữa: Yolande Mabika, Rose Nathike Lokonyen – hàng dưới: Yiech Pur Biel, Popole Misenga, James Nyang Chiengjiek, Rami Anis- nguồn unrefugees.org

Theo cơ quan tỵ nạn Liên Hiệp Quốc, trên thế giới hiện nay có khoảng hơn 65 triệu người bị xua đuổi ra khỏi nơi họ sinh sống do hoàn cảnh chiến tranh hoặc bị ngược đãi vì lý do chính trị, tôn giáo hay chủng tộc, hoặc vì nạn đói và những thảm họa do thiên tai hay do con người tạo ra. Trong số đó có ít nhất 21 triệu người tỵ nạn đã phải rời bỏ quê hương của họ để đến tạm dung ở những quốc gia khác.

Ðây là lần đầu tiên trong lịch sử của Thế vận hội, một đoàn lực sĩ đặc biệt có một không hai này sẽ cùng tranh tài với lực sĩ của các quốc gia khác tại Thế vận hội Rio 2016. Mục đích của Ủy ban Thế vận hội Quốc tế (IOC) là gây sự chú ý của thế giới về tầm nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng tỵ nạn ở khắp nơi trên thế giới hiện nay.

Minky Worden thuộc tổ chức Human Rights Watch đã viết như sau: “Trong một năm khi mà những người tỵ nạn hiểu ra rằng những đường biên giới, những trại tỵ nạn và tấm lòng của nhân loại đã đóng lại thì Ủy ban Thế vận hội Quốc tế đã làm điều khác thường là mở rộng vòng tay. Sự thành lập một đoàn lực sĩ tỵ nạn đã đưa vấn đề thời sự này trở lại bàn thảo luận, để làm nổi bật lên không phải nỗi sợ hãi và sự xua đuổi mà là sự bảo bọc và tán dương ý chí kiên cường và tiềm năng mà tất cả những người tỵ nạn đại diện.”


Đoàn lực sĩ tỵ nạn tại lễ Khai Mạc Thế vận Hội Rio – nguồn foxsports.com

Chủ tịch IOC Thomas Bach cho biết: “Chúng tôi muốn gửi đi một tín hiệu hy vọng tới tất cả người tỵ nạn trên thế giới. Những lực sĩ đầy tiềm năng này sẽ chứng tỏ cho mọi người thấy là, mặc dù với những thảm kịch ngoài sức tưởng tượng mà họ đã gặp phải, bất cứ ai cũng có thể đóng góp cho xã hội qua tài năng của họ, và điều quan trọng nhất, qua sức mạnh của tinh thần nhân bản.”

Sự hỗ trợ người tỵ nạn của IOC đã có ít nhất từ hai thập niên trước, trong đó có một số dự án về thể thao tại 46 quốc gia. Nhiều dự án trong số đó nhằm mang đến những môn chơi thể thao tại những trại tỵ nạn trên thế giới.

Vào lúc cao điểm của cuộc khủng hoảng người tỵ nạn tại Âu châu vào mùa hè năm ngoái, IOC đã cho thành lập Quỹ Khẩn cấp Tỵ nạn để giúp các Ủy ban Thế vận hội Quốc gia (NOCs) trong việc hỗ trợ và kết hợp người tỵ nạn. Có ít nhất 17 NOCs, phần lớn ở Âu châu, đã tham gia vào chương trình này.

Sự tham gia của các lực sĩ tỵ nạn tại Thế vận hội Rio 2016 là kết quả của một tiến trình bắt đầu vào Tháng 10, 2015 khi Chủ tịch IOC Thomas Bach tuyên bố trong một bài diễn văn đọc tại Ðại hội đồng Liên Hiệp Quốc rằng lực sĩ tỵ nạn sẽ được phép tranh tài dưới lá cờ Thế vận hội. Lời tuyên bố này đã đưa đến tiến trình hợp tác bao gồm IOC, NOCs, các Liên đoàn Thể thao Quốc tế và Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc để nhận diện những lực sĩ với thân phận tỵ nạn và có đủ tài năng để tranh tài ở tầm cỡ Thế vận hội.

Khởi đầu, có tổng cộng 43 lực sĩ có tiềm năng và hội đủ tiêu chuẩn, và sau đó IOC bắt đầu tài trợ cho họ bằng cách trích ra một ngân khoản từ quỹ Liên kết Thế vận hội để hỗ trợ các chi phí liên quan đến việc huấn luyện và tiến trình tuyển chọn.


5 lực sĩ tỵ nạn được luyện tập tại Kenya nhằm hướng tới Thế vận Hội Rio 2016 – nguồn lifegate.com

Bốn mươi ba lực sĩ đó cuối cùng còn lại 10 lực sĩ được tuyển lựa dựa trên khả năng thể thao, hồ sơ cá nhân và phải được Liên Hiệp Quốc chính thức công nhận là người tỵ nạn.

Mười lực sĩ tỵ nạn tại Thế vận hội Rio 2016 là:


– Rami Anis – nguyên quán: Syria; định cư: Bỉ; môn bơi

– Yiech Pur Biel – nguyên quán: Nam Sudan; định cư: Kenya; môn điền kinh 800m

– James Nyang Chiengjiek – nguyên quán: Nam Sudan; định cư: Kenya; môn điền kinh 400m

– Yonas Kinde – nguyên quán: Ethiopia; định cư: Luxembourg; môn việt dã

– Angelina Nadai Lohalith – nguyên quán: Nam Sudan; định cư: Kenya; môn điền kinh 1500m

– Rose Nathike Lokonyen – nguyên quán: Nam Sudan; định cư: Kenya; môn điền kinh 800m

– Paulo Amotun Lokoro – nguyên quán: Nam Sudan; định cư: Kenya; môn điền kinh 1500m

– Yolande Bukasa Mabika – nguyên quán: Congo; định cư: Brazil; môn nhu đạo 70kg

– Yusra Mardini – nguyên quán: Syria; định cư: Ðức; môn bơi

– Popole Misenga – nguyên quán: Congo; định cư: Brazil; môn nhu đạo 90kg

Mười lực sĩ trên là mười câu chuyện tỵ nạn khác nhau, tất cả đều thương tâm và cảm động. Ðiển hình là câu chuyện của cô Yusra Mardini. Tháng 8 năm ngoái, Yusra và cô chị, Sarah Mardini, đã phải trốn khỏi Syria do hoàn cảnh quá sức bạo động của cuộc chiến đang diễn ra nơi đó. Yusra mới chỉ 17 tuổi. Cô và Sarah đã phải đi bộ băng ngang Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, một số quốc gia thuộc bán đảo Balkan và Trung Âu trước khi được an toàn định cư tại Ðức. Cuộc hành trình kéo dài một tháng và họ nằm trong số những người may mắn vượt thoát khỏi sự bắt bớ và chết chóc ở mỗi đoạn đường. Nhất là khi chiếc xuồng nhỏ chở hai chị em và những người tỵ nạn khác sắp sửa chìm. Chính tại nơi đó, trên vùng biển giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, hai chị em Yusra và Sarah đã phải tự nhảy xuống vùng nước sâu đó bơi để cứu lấy mạng sống, không chỉ của chính họ mà hai chị em (được phụ thêm bởi hai người nữa) còn ráng kéo theo chiếc xuồng và mọi người trên đó đến được bến bờ an toàn.


Theo tờ New York Times, Yusra nay đã 18 tuổi và hiện đang sống hạnh phúc cùng gia đình của cô tại Ðức. Cô cho biết điều may mắn là cả cô và Sarah đều là những lực sĩ bơi giỏi ở quê nhà Syria, và nhờ vậy mới có khả năng cứu được mọi người trong cái ngày định mệnh trên chiếc xuồng mỏng manh đó. Nhưng nay, cô còn là khuôn mặt đại diện của Ðoàn Lực sĩ tỵ nạn Thế vận hội vừa được thành lập – và là câu chuyện của lòng can đảm vô bờ bến.

Hay như câu chuyện của lực sĩ nhu đạo 24 tuổi, Popole Misenga. Nguyên quán của anh ở thành phố Bukavu, nơi chiến tranh diễn ra ác liệt nhất tại nước Cộng hòa Dân chủ Congo. Khi cuộc nội chiến nổ ra Misenga mới 9 tuổi và đã cùng gia đình bỏ trốn, nhưng sau đó họ bị lạc nhau và chính anh đã phải trốn tránh trong rừng mất tám ngày. Sau đó được cứu thoát, và cuối cùng tới được Brazil cùng với một đồng đội nhu đạo khác là Yolande Bukasa Mabika. Tại cuộc họp báo của IOC, Misenga đã rơi nước mắt khi kể lại câu chuyện tỵ nạn đời anh: “Tôi có hai người anh em mà tôi đã không gặp trong nhiều năm. Tôi không nhớ khuôn mặt họ ra sao nữa… Nay tôi đang có mặt tại Brazil tham gia [tranh tài tại Thế vận hội] để một ngày nào đó tôi có thể mang họ đến sống với tôi ở Brazil.”


Những đôi giày luyện tập của các lực sĩ tại Trung tâm Đào tạo Tegla Loroupe, Kenya – nguồn nbcnews.com

Có thể không một lực sĩ tỵ nạn nào chiếm được huy chương tại Thế vận hội Rio. Nhưng họ còn sống đến ngày nay sau khi đã chịu đựng biết bao nỗi thống khổ thì đó chính là phần thưởng còn cao quý hơn cả tấm huy chương vàng.

Và khi những bước chân của họ tiến vào vận động trường Maracana hôm tối Thứ Sáu dưới lá cờ Thế vận hội, họ đã chứng minh cho mọi người thấy rằng người tỵ nạn cũng giống như mọi con người bình thường khác, cũng có khả năng làm được những điều vĩ đại và hơn thế, còn có tấm lòng quả cảm.

Ðiều người ta thường hay dễ quên rằng ý nghĩa của Thế vận hội là phô bày cái cao quý nhất của tinh thần nhân bản. Ðoàn Lực sĩ tỵ nạn không chỉ là sự nhắc nhở của ý nghĩa đó mà còn là sự thử thách để tất cả mọi người hãy cố gắng đối xử với nhau sao tốt đẹp hơn, nhân ái hơn, tìm đến sự đoàn kết thay vì chia rẽ.

HV


--------------------

Cõi mơ
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
1 User(s) are reading this topic (1 Guests and 0 Anonymous Users)
0 Members:

 



Lo-Fi Version Time is now: 14th November 2024 - 06:40 AM