Welcome Guest ( Log In | Register )

 
Reply to this topicStart new topic
> Gặp tai nạn xe hơi ... cần làm gì? - Phạm Ðình
philao
post Apr 18 2008, 01:52 PM
Post #1


Bảo vệ tổ quốc
***

Group: Members
Posts: 383
Joined: 11-April 08
Member No.: 17
Country



Gặp tai nạn xe hơi ... cần làm gì?

- Phạm Ðình


Tai nạn, đó là điều ít ai trong chúng ta muốn nói tới, nhưng thế nào cũng phải đối phó ít nhất một lần nếu may mắn, bằng không sẽ nhiều lần, trong đời sống. Nhất là vào những ngày Hè, với nắng thủy tinh rực rỡ và cây lá óng ả xanh tươi, trời đất Bắc Mỹ quả thực hấp dẫn, khó ai có thể ngồi yên tọa thủ trong nhà. Mùa Hè trở thành mùa du lịch, mùa nghỉ mát, mùa của những chuyến đi chơi dài ngày thật vui và thật nhiều kỷ niệm. Ðường phố đông đúc hơn và tai nạn vì thế cũng nhiều hơn.

Tai nạn, từ định nghĩa, là một chuyện không may xảy ra ngoài ý muốn. Trừ những trường hợp tai nạn được cố tình dàn dựng để lấy tiền bồi thường của các công ty bảo hiểm - một việc làm bất hợp pháp, có thể bị trừng trị nặng - đại đa số chúng ta không ai muốn vướng mắc vào tai nạn. Mặc dầu trên nguyên tắc, tai nạn nào cũng có người trái và người phải, người gây ra biến cố và người là nạn nhân của biến cố ấy, nhưng về phương diện tâm lý và tình cảm thì cả hai bên đều là nạn nhân. Câu nói đầu tiên của những người bị tai nạn là: “Tui quýnh quá, nói không ra lời, tay chân chảy máu không thấy đau, không kịp ghi nhận gì hết trơn...” Nếu tai nạn xảy ra trên đường chúng ta đi nghỉ mát, hoặc đến thăm người yêu, thì thực là “toi” hết những giờ khắc vui vẻ sau đó.

Sau đây là một vài hướng dẫn cần thiết, phần nào giúp bạn bình tĩnh đối phó trong cái tình huống đầy căng thẳng và khó khăn ấy.


Giữ tâm lý bình tĩnh


Gặp tai nạn, đa số chúng ta đều hoảng. Càng là những tài xế vốn dĩ cẩn thận và kỹ càng lại càng hay hoảng. Sự hoảng sợ này làm hại chúng ta còn hơn mức độ thiệt hại do tai nạn thực sự gây ra. Trước tiên, hãy nghĩ rằng, dù hậu quả có thế nào, dù lỗi về phần mình chăng nữa, đã có hãng bảo hiểm chịu trách nhiệm. Ðây là chỗ chúng ta dùng bảo hiểm. Ðóng tiền mua bảo hiểm bao nhiêu năm qua cũng là vì lúc này mà thôi. Nghĩ được như thế, chúng ta sẽ cảm thấy bình tĩnh hơn, nhờ đó ngăn được những thương tổn tâm lý có nguy cơ tiếp diễn sau đó. Những thương tổn này, nếu xảy ra, mới thực sự là bất hạnh, làm ta ăn không ngon, ngủ không yên. Chúng gây ra nhiều thiệt hại hơn bất cứ một thương tổn thể xác hoặc mất mát vật chất nào khác. Một lần nữa, hãy nghĩ rằng trong bất cứ một tình huống nào, dù tồi tệ đến đâu, cũng đã có hãng bảo hiểm gánh chịu.

Ngoài ra, tâm lý ổn định còn giúp chúng ta sáng suốt để có thể làm ngay những gì cần thiết tại hiện trường. Trong đa số các trường hợp tai nạn xảy ra trên đất Mỹ, người không nói rành tiếng Anh vẫn thường là người bị thiệt thòi nhiều hơn. Thậm chí còn có thể chịu cảnh “đổi trắng thay đen”, người phải hóa ra kẻ trái. Sau đây là một trường hợp có thật: Xe A từ trong lề muốn rẽ trái sang chiều bên kia, được nửa đường thì phải dừng lại vì dòng xe ngược chiều quá đông đúc. Xe dừng đã lâu mà vẫn chưa thể nhập được vào dòng xe phía bên kia. Trong khi đó, ở bên này đường, một xe B khác phóng tới từ xa, hất tung chiếc xe A vẫn còn đứng chờ tại đó, rồi bỏ chạy. Tài xế xe A quay mũi xe dí theo một quãng đường dài. Tài xế xe B, một cô gái 18 tuổi, đành phải ngừng lại. Tài xế xe A, một phụ nữ trung niên gốc Việt, nghĩ lại sự việc đã qua, bấy giờ mới hoảng sợ và ngồi phịch xuống lề cỏ, ôm mặt khóc. Cô B thấy chị khóc cũng hoảng nên phải gọi cảnh sát. Cảnh sát đến rồi, chị A vẫn khóc, không nói được câu nào. Chỉ có cô B đứng nói chuyện với nhân viên công lực. Kết quả: Chị A được một tíc-kẹt vì băng ngang đường một cách không an toàn!!! Cảnh sát không bao giờ biết được rằng cô B đã đụng chị A trong lúc xe chị đậu, và tính tẩu thoát nhưng bị chị A dí theo ngăn lại.


Cần làm gì tại hiện trường tai nạn?


Ðiều trước hết và hiển nhiên hơn hết mà chúng ta cần phải làm ngay tại hiện trường tai nạn là dừng lại và ghi nhận những gì vừa xảy ra. Bỏ chạy là một việc không bao giờ được phép làm. Vì tiểu bang nào tại Hoa Kỳ cũng có những hình phạt nghiêm khắc dành cho người bỏ chạy sau khi đã gây ra tai nạn.

Ðể xe ngay tại hiện trường, mở đèn cứu cấp (emergency light) và tức thời ra khỏi xe, nhất là khi tai nạn xảy ra trên xa lộ, nơi mà dòng xe cộ đang lao đi như tên bắn với vận tốc 70, 80 dặm một giờ hoặc hơn nữa. Tuyệt đối không nên đứng giữa xa lộ hỏi thăm thương tật hoặc trao đổi thông tin.

Ghi ngay tên và số điện thoại của người làm chứng, nếu có. Người làm chứng (witness) phải là một người độc lập, không liên quan gì tới những người bị tai nạn, vô tình đi ngang qua và chứng kiến tai nạn ngay lúc nó xảy ra. Bởi vậy, không thể dùng hành khách đi trên xe, hoặc bạn bè, thân nhân đứng ra làm chứng. Trong đa số các trường hợp, chúng ta khó có thể kiếm được một người chứng độc lập. Bởi vì, khách vãng lai dù có nhìn thấy tai nạn cũng ít khi chịu đứng ra làm chứng nhân. Nếu may mắn gặp được một người sẵn sàng như vậy, chúng ta phải nhanh nhẹn ghi tên và số điện thoại của họ, và khi khai báo, chỉ cần nói đây là người làm chứng, chứ đừng nói thêm rằng, “Ðây là người làm chứng về bên tôi”, dù rằng đó có thể là người chúng ta đã quen trước. Bởi vì, theo định nghĩa, nhân chứng độc lập không thể thiên về bên nào cả.

Ghi lại chi tiết về người đụng xe với mình, ít nhất là bảng số xe của đương sự. Ðừng luôn luôn tin rằng họ sẽ đến nói chuyện với mình. Ngay cả khi đã dừng lại, hoặc còn đang ở sau xe của bạn, đối phương cũng có thể quay đầu hoặc đổi lane và bỏ chạy. Thế nên, nếu có thể tự ghi được bất cứ một thông tin gì về phía bên kia, thì cần phải làm ngay.

Gọi cảnh sát, dù cho tai nạn có nhẹ cách mấy chăng nữa. Trong một số trường hợp, cảnh sát có đến cũng chỉ giúp các bên liên quan trao đổi lý lịch và thông tin bảo hiểm. Trong một số trường hợp khác, nhất là khi có người bị thương tích, cảnh sát sẽ làm biên bản (police report). Cái biên bản này là một văn kiện quan trọng. Chính ở nơi đây, những tài xế di dân không nói rành tiếng Anh, trong đó có khá nhiều người gốc Việt, thường chịu thiệt thòi. Cảnh sát xuất hiện sau khi tai nạn đã xảy ra. Không chứng kiến được biến cố, họ chỉ lập biên bản dựa vào lời khai của các bên liên hệ mà thôi. Trừ trường hợp lỗi phải đã rõ ràng không thể tranh cãi, hoặc có một nhân chứng độc lập, ai có cơ hội nói thì lẽ phải thường về phía người đó trong biên bản cảnh sát.

Dù tiếng Anh không lưu loát, chúng ta cũng phải cố diễn tả cho được những điểm chính. Chẳng hạn như trong tai nạn giữa chị A và cô B nói trên, thay vì ngồi khóc, chị A cần phải cho cảnh sát biết ít nhất 2 ý này: a - I crossed the road when it was all clear and came to a complete stop for 1 (2,3...) minutes (seconds) before I got hit, nghĩa là “Tôi băng ngang qua đường khi hoàn toàn trống xe và đã hoàn toàn dừng hẳn được 1, 2 phút trước khi bị đụng. b- She ran away from the scene after hitting me (cô kia bỏ chạy khỏi hiện trường).

Tốt hơn cả, ngay khi gọi cảnh sát, hãy cho họ biết mình là “Vietnamese” và yêu cầu có “Vietnamese police”. Ðừng nghĩ rằng xin như vậy sẽ phải chờ đợi lâu. Trước hết, dù có hay không có cảnh sát nói tiếng Việt, chúng ta vẫn phải chờ khá lâu tại hiện trường. Họ có đến sớm chăng nữa, cũng là sau khi tai nạn đã xảy ra. Chính vì thế, khi không có ai bị thương tích, cảnh sát thường để chúng ta chờ đợi rất lâu, 1 hoặc 2 tiếng đồng hồ chờ đợi không phải là trường hợp hiếm khi xảy ra.

Phạm Ðình


--------------------
Go to the top of the page
 
+Quote Post
philao
post Apr 18 2008, 01:53 PM
Post #2


Bảo vệ tổ quốc
***

Group: Members
Posts: 383
Joined: 11-April 08
Member No.: 17
Country



Khi gặp tai nạn: Làm việc với hãng bảo hiểm


Như tai nạn là một điều không may xảy đến với
chúng ta, dù đối với người gây ra tai nạn hay người bị tai nạn. Vì thế, phải làm mọi cách để tránh nó. Dù có quyền ưu tiên (right of way) đi nữa, chúng ta vẫn nên nhường đường cho đối phương, nếu có thể được, hầu tránh tai nạn. Ðây không những là một sự đòi hỏi của lương tâm, mà còn là một nghĩa vụ pháp lý. Nghĩa vụ này thường được truy cứu, khi các hãng bảo hiểm đặt ra câu hỏi sau đây với người bị tai nạn rằng, “Bạn có cố gắng để tránh cho tai nạn khỏi xảy ra hay không?” Nghĩa là, bạn có bóp còi, đạp thắng hay lái chệch ra hướng khác hay không? Nếu có thể làm được điều gì đó để tránh tai nạn mà lại không làm, thì dù có quyền ưu tiên, tài xế vẫn có thể bị coi là người có lỗi. Chẳng hạn, khi bạn đã dừng lại ngang đường - hoặc do trục trặc máy móc, hoặc đang chờ để nhập vào dòng xe bên kia đường, như trường hợp của chị A nêu lên trong bài lần trước - mà một xe khác vẫn cố tình chạy tới để gây ra tai nạn, thì đó có thể không là lỗi của bạn. Tuy nhiên, cần phải có nhân chứng, xác nhận xe bạn đã đứng lại chờ đợi khá lâu trên đường, và đối phương không hề có một nỗ lực nào để tránh tai nạn. Ðáng tiếc, trong trường hợp của chị A, chị đã không có nhân chứng mà lại chỉ ngồi khóc, chẳng nói được lời nào ngay khi nhân viên công lực đến làm biên bản, dành hết thời gian cho đối phương “mồm năm miệng mười” đổ hết lỗi cho mình. Thực ra, không phải cứ người nào nói nhiều là có lý, nhưng trong những trường hợp tế nhị như vậy, nếu bạn không nói được một lời nào thì chắc chắn là phải chịu hết mọi thiệt thòi. Tuy nhiên, như bài trước có đề cập, biên bản cảnh sát không phải là một văn kiện tuyệt đối đúng. Trong rất nhiều trường hợp, họ làm một biên bản hoàn toàn sai sự thực, thậm chí còn lầm lẫn tai hại, đổi bên đúng thành sai, bên sai thành đúng. Chúng tôi chỉ nêu lên sự kiện này như một thực tế, chứ không có ý kết luận theo kiểu “vơ đũa cả nắm” rằng “cảnh sát họ kỳ thị”. Gần như mọi hãng bảo hiểm đều biết thế. Nên khi báo cáo tai nạn với bảo hiểm, chúng ta nên vững dạ nói rõ ngọn ngành và chi tiết sự việc với nhân viên phụ trách, nhất là khi bị cảnh sát cho một cái biên bản không đúng sự thật.


Báo cáo bảo hiểm

Chúng ta thường được khuyên là, cần phải báo ngay cho hãng bảo hiểm của mình sau khi tai nạn xảy ra, dù mình là có lỗi hay không có lỗi. Thực ra, còn có những trường hợp chúng ta không nên vội báo cáo, nhất là khi mình là... người có lỗi trong một tai nạn nhỏ. Tại sao? Trong ngôn ngữ chuyên môn của bảo hiểm có 2 chữ rất khác nhau, nhưng lại khó phân biệt trong tiếng Việt. Ðó là: “Report an accident” và “file a claim”. Nhiều người đã mau mắn báo cáo với bảo hiểm của mình về một tai nạn nhỏ, dù mình là người có lỗi, với ý nghĩ “đón đầu đối phương, ngăn chặn đối phương phóng đại thiệt hại để làm tiền bảo hiểm.” Làm như vậy, chúng ta nghĩ rằng mình chỉ báo cáo (report an accident) trước cho họ biết mà thôi. Thế nhưng, nhân viên bảo hiểm không thể chỉ nhận báo cáo xuông, họ phải làm một hồ sơ, tức là “file a claim”. Một khi “file a claim”, thì họ phải điều tra xem “ai lỗi, ai phải” (liability). Trong tiến trình điều tra, họ cần nghe chuyện của tất cả các bên liên hệ. Hoặc nếu bạn đã nhận lỗi về phía mình, họ sẽ phải gọi cho đối phương để đề nghị sửa chữa. Có thể ngạc nhiên về sự “sốt sắng” xem ra quá đáng của hãng bảo hiểm, bạn nêu thắc mắc, “Không, tôi chỉ muốn báo cáo thôi mà. Gọi cho đối phương làm gì! Hãy để cho họ gọi lên trước.” Nhưng, hãng bảo hiểm trả lời rằng, họ không thể dừng lại ở đó, bổn phận của họ là phải tiếp tục cuộc điều tra, và phải tiếp xúc với bên kia để giải quyết chuyện bồi thường. Ðến đây, bạn muốn rút lại báo cáo vì thấy quá lôi thôi. Nhưng hãng bảo hiểm cho biết, họ phải tiến hành điều tra để giải quyết, không thể rút lại được. Bạn có thể nghĩ rằng hãng bảo hiểm làm chuyện “rách việc” khi tai nạn chỉ là một vụ việc không đáng, nhưng đối với họ, dù lớn hay nhỏ, họ vẫn phải giải quyết theo đúng thủ tục.

Tóm lại, nếu bạn là người có lỗi trong một tai nạn nhỏ, hãy để cho đối phương ra tay trước, nghĩa là, hãy để cho họ tự ý gọi đến hãng bảo hiểm của bạn xin bồi thường. Sớm muộn gì hãng bảo hiểm cũng sẽ gọi lại cho bạn, để tìm hiểu vụ việc từ quan điểm của bạn, trước khi họ tiến hành bồi thường cho bên kia.

Miễn là bạn đã thông tri cho đối phương đầy đủ chi tiết về bạn và bảo hiểm của mình sau khi tai nạn xảy ra, thì như vậy là xong. Trách nhiệm đòi bồi thường, nếu bạn có lỗi, là của người bên kia. Nếu nhận thấy mức thiệt hại không đáng kể, họ có thể bỏ qua, hoặc gọi lại cho bạn để thương lượng trực tiếp. Nếu không thương lượng được, họ sẽ là người có bổn phận tiếp xúc với bảo hiểm để lập hồ sơ xin bồi thường.


Tiếp xúc với hãng bảo hiểm đối phương


Vậy nếu không phải là người có lỗi trong tai nạn, trách nhiệm của bạn là phải tiếp xúc với hãng bảo hiểm đối phương để đòi bồi thường. Chúng ta thường ngại ngần khi gọi cho bảo hiểm đối phương, vì sợ rằng họ sẽ bênh khách hàng của họ và làm khó dễ mình. Sự thực không phải thế. Các hãng bảo hiểm có uy tín tự biết trách nhiệm phải bồi thường nếu sau khi nói chuyện với hai bên, họ nhận thấy khách hàng của mình có lỗi. Nói chuyện với các bên liên quan trước khi xác định trách nhiệm, đó là bổn phận của hãng bảo hiểm, hãng nào cũng vậy, chứ không phải họ cố tình làm khó dễ bạn đâu. Một khi đã xác định rõ là trách nhiệm thuộc về khách hàng của mình, hãng bảo hiểm ấy phải lo cho bạn từ A tới Z, nghĩa là sửa xe, và thuê xe cho bạn chạy trong thời gian xe của bạn không sử dụng được. Tuy nhiên, điều bất tiện là trước khi nhận trách nhiệm, hãng bảo hiểm đó cần phải nói chuyện với khách hàng của họ. Ðiều này cần thời gian. Có thể vì giờ giấc hai bên - giữa hãng bảo hiểm và khách hàng - không phù hợp, cũng có thể vì người tài xế kia muốn tránh, nên thời gian chờ đợi có thể kéo dài nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng. Mặc dầu không phải do lỗi của hãng bảo hiểm, hoặc do hãng bảo hiểm cố tình gây khó, điều này vẫn gây khá nhiều bất tiện và phiền phức cho bên phía nạn nhân.


Phạm Ðình


--------------------
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
1 User(s) are reading this topic (1 Guests and 0 Anonymous Users)
0 Members:

 



Lo-Fi Version Time is now: 25th May 2024 - 12:37 AM