Welcome Guest ( Log In | Register )

 
Reply to this topicStart new topic
> Cây Đại Thụ Đất Võ Tây Sơn- - ST
delta
post Apr 27 2008, 11:14 AM
Post #1


Chốn Xưa
***

Group: Members
Posts: 585
Joined: 7-April 08
Member No.: 7
Country



Cây Đại Thụ Đất Võ Tây Sơn


--Đó là lão võ sư Phan Thọ, ở An Vinh (Tây Sơn). Đất An Vinh với những xóm làng hiền hòa, những mái nhà ngói đỏ tươi nằm ven quốc lộ 19 trông như bao làng quê Việt Nam khác, nhưng "roi Thuận Truyền, quyền An Vinh" đã đi vào tục ngữ, ca dao Bình Định tự thủa nào. An Vinh nổi tiếng với các bậc danh sư: Hương kiểm Mỹ, Hương mục Ngạc, Hứa Nghĩa… hồi đầu thế kỷ XX.

Nhà võ sư Phan Thọ ở sâu trong xóm, giáp đồng lúa, một ngôi nhà nhỏ ba gian đơn sơ, trước mặt hiên có một sân rộng lát gạch để tập võ. Đón chúng tôi là võ sư Phan Thọ - một ông lão ngoại thất thập, người tầm thước, vẻ mặt phúc hậu mà mới nhìn bề ngoài khó ai có thể nghĩ đây lại chính là "nhân vật truyền kỳ" trong nhiều giai thoại của làng võ Bình Định.

Võ sư Phan Thọ học võ từ năm 18 tuổi, bái sư cụ Cai Bảy (tức Bảy Lụt, chính danh Nguyễn An, con cả của võ sư Hương mục Ngạc nổi tiếng thời Pháp thuộc). Với nghiệp võ vào nghề như vậy là hơi muộn, nhưng nhờ tư chất thiên phú và lòng kiên trì, ham học hỏi, ông tiến rất nhanh. Năm 24 tuổi, sau khi đã tinh thông những bài bản cao thâm của võ sư Cai Bảy, dù đã lập gia đình và sinh đứa con trai đầu lòng, được sự ủng hộ của vợ, ông vẫn quyết bán một đôi bò, một tài sản lớn lúc bấy giờ, để lấy tiền chuyên tâm "tầm sư học đạo". Ở An Vinh thì học với thầy Cai Bảy, thầy Sáu Hà… Rồi lại qua An Thái học cụ Tàu Sáu (Diệp Trường Phát), lên Thuận Truyền nhờ cụ Hồ Ngạnh chỉ điểm côn thuận. Cứ như vậy ông học hỏi và luyện tập võ thuật suốt 20 năm ròng. Nhờ kiên tâm khổ luyện, võ sư Phan Thọ là một trong những người hiếm hoi tinh thông thập bát ban binh khí rất phong phú về bài bản cũng như các tuyệt chiêu của môn phái Tây Sơn: quyền pháp Ngọc Trản, Tiên Ông, Thần Đồng, Bát Quái, Ngũ Hành, Lão Mai; đao pháp Siêu xung thiên và Siêu công; côn pháp Bát quái, Thấp bộ Xà đản… Ngoài ra, ông còn áp dụng thông thạo các loại vũ khí hiếm gặp, chỉ lưu truyền ở dân bản địa Tây Sơn mà dân gian gọi nôm na là "võ thế", "võ vườn" như võ đòn sóc (đòn gánh hai đầu nhọn), võ bồ cào (chĩa ba mũi nhọn)…

Những năm 50, 60 ở miền Nam rộ lên phong trào đấu võ đài tự do (một biến tướng của môn kick boxing Thái Lan, có lối đánh gần giống song đấu võ cổ truyền Việt Nam ).Vốn võ cổ truyền phong phú của võ sư Phan Thọ lại được trui rèn trong những trận đấu võ đài nảy lửa. Ông hạ gục nhiều đối thủ lớn, lừng tiếng tăm trên các võ đài miền Trung và miền Nam. Ông là người đã cùng võ sư Hà Trọng Sơn trong trận đấu võ đài lịch sử năm 1958: Đoàn võ sĩ Bình Định đã thắng tuyệt đối các đoàn võ sĩ khác trong trận quyết đấu giành ngôi vô địch miền Nam tổ chức tại Đà Nẵng.

Lại có một chuyện thực nay đã thành huyền thoại về võ sư Phan Thọ, trận đánh với heo rừng khi ông khoảng hơn 40 tuổi, lúc An Vinh đang vào mùa gặt. Khi đó bà con ra đồng phát hiện một con heo rừng ra phá lúa đang nấp trong một lùm cây rậm ven đồng. Mọi người lập tức bủa vây vòng trong vòng ngoài, tay dao tay cuốc xông vào hạ con mãnh thú. Nhưng rồi ba, bốn tráng niên giỏi võ trong làng bị nó húc trọng thương. Đúng lúc đó võ sư Phan Thọ chạy đến nơi, hét thật to, thu hút sự chú ý của con heo về phía mình giải vây cho đồng bạn; ông xông vào cuộc. Người và thú cầm thảo suốt 3 giờ đồng hồ nát cả một khoảng ruộng lớn, cuối cùng ông dùng tuyệt kỹ "hồi đầu yểm nguyệt" đâm xuyên ức con heo rừng.

Một trận đấu "bất đắc dĩ" khác khiến ông càng vang danh diễn ra vào năm 1972. Lúc ấy sư đoàn Mãnh Hổ của Nam Triều Tiên được đưa tới chiến trường nam Bình Định. Nghe tiếng ông, một tên sĩ quan mang đai đen ngũ đẳng taekwondo đến thách đấu. Võ sư lúc này tuổi đã ngũ tuần, nhưng biết mục đích của chúng là hạ nhục làng võ cổ truyền Việt Nam, ông sẵn sàng nhận lời. Trận đấu tổ chức tại trại huấn luyện Phú Tài (Quy Nhơn) trước sự chứng kiến của nhiều sắc lính quân đội Sài Gòn và hàng trăm người dân Bình Định. Lần đầu chạm trán với một thứ võ lạ, võ sư Phan Thọ chỉ nương theo đòn, tránh né đỡ gạt để quan sát thế công địch thủ. Khi đối phương tung một đòn đá vòng cầu ngang mang tai ông để toan kết thúc trận đấu, ông áp dụng bí quyết "Tấn đả tam chiến" của quyền pháp Ngọc Trản, nhập nội một chân gài, một chân "quét ngựa", một tay đỡ đòn đá, một tay xòe hổ trảo tấn công vào đan điền của hắn theo tuyệt kỹ chính xác và linh hoạt "hạ địa tầm châu" của thảo bộ "Thiền sư". Viên sĩ quan "nốc ao" ngay tức khắc trong sự ngạc nhiên, sững sờ của mọi người. Ít lâu sau hắn xin tái đấu để trả thù. Kết quả lại thảm bại lần nữa. lần này hắn mới "tâm phục, khẩu phục" thực sự!

May mắn là hiện nay, Sở Thể dục Thể thao Bình Định và Sở Khoa học - Công nghệ Bình Định đã triển khai đề tài nghiên cứu khoa học "Bước đầu nghiên cứu về nguồn gốc và đặc trưng võ Bình Định", với sự tham gia của nhiều nhà khoa học và các võ sư đầu đàn, trong đó có võ sư Phan Thọ. Mong sao cụ sẽ còn kịp truyền thụ những tinh hoa của võ Bình Định cho đời sau đúng như lời ước nguyện.


--------------------
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
2 User(s) are reading this topic (2 Guests and 0 Anonymous Users)
0 Members:

 



Lo-Fi Version Time is now: 26th September 2024 - 06:10 AM