Welcome Guest ( Log In | Register )

 
Reply to this topicStart new topic
> Điều cần tìm biết khi con em bị khuyết tật trí tuệ, H. TỊNH
Tulip
post Nov 24 2014, 04:11 PM
Post #1


Hoa cô đơn
***

Group: Năng Động
Posts: 5,417
Joined: 28-October 08
Member No.: 516
Country







Điều cần tìm biết khi con em bị khuyết tật trí tuệ


(phụ huynh)

Ở Hoa Kỳ, Công Luật Rosa (Rosas Law or Public Law 111-256) được Tổng Thống Obama ký kết vào ngày 5 tháng 10 năm 2010, đã chính thức thay thế các cụm từ lỗi thời và có tính miệt thị như chậm trí, thiểu trí, thiểu năng trí tuệ, thiểu năng tâm thần (mentally retarded, mentally handicapped, mentally impaired) bằng cụm từ khuyết tật trí tuệ (intellectual disability) trong các đạo luật liên bang về y tế, giáo dục và lao động nhằm đề cao sự tôn trọng, bình đẳng giữa người và người trong xã hội.

Khuyết tật trí tuệ (intellectual disability):

Khuyết tật trí tuệ, thường bắt đầu trước tuổi 18, là sự giới hạn về khả năng nhận thức, lý luận, giải quyết vấn đề, có ảnh hưởng nghiêm trọng lên khả năng sinh hoạt hằng ngày, khả năng thích ứng với môi trường, khả năng khác về sinh hoạt xã hội, cách dùng ngôn ngữ trong giao tiếp, về học tập, tự chăm sóc, về sức khỏe và an toàn, về cách thức giải trí và làm việc…
Hiện tại, mỗi tiểu bang đều có những chủ trương và phương pháp chẩn đoán khác nhau về khuyết tật trí tuệ. Để hội đủ điều kiện khuyết tật thuộc dạng nầy, trẻ phải có thương số thông minh (IQ scores) dưới mức bình thường, và phải có bằng chứng bị khiếm khuyết nghiêm trọng về khả năng thích ứng (adaptive functioning deficits) với đời sống.

Điểm số thông minh và mức độ khuyết tật trí tuệ:

Nói về trắc nghiệm trí tuệ, mức trung bình là 100 điểm và 1 số lệch (standard deviation) là 15 điểm. Một cá nhân bị khuyết tật về trí tuệ phải có điểm số thông minh chừng 70 điểm (2 số lệch) hoặc thấp hơn. Tuy nhiên, vì sự sai biệt khi đo lường trong các bài trắc nghiệm trí tuệ (the standard error of measurement) thường là +/- 5 điểm, nên các chuyên gia tâm lý có thể nâng hoặc hạ mức trần chẩn đoán (diagnosis ceiling) lên 75 điểm (70 + 5), hoặc xuống 65 điểm (70 – 5) nếu thấy cần thiết và hợp lý.
Theo Hiệp Hội Người Hoa Kỳ Bị Khuyết Tật Trí Tuệ và Chậm Phát Triển (the American Association on Intellectual and Developmental Disabilities or AAIDD), điểm số thông minh và mức độ khuyết tật trí tuệ được qui định như sau:

Điểm số thông minh/ Mức độ khuyết tật trí tuệ

Từ 50/55 đến 70 điểm: Nhẹ (mild)
Từ 35/40 đến 50/55 điểm: Hơi nặng (moderate)
Từ 20/25 đến 35/40 điểm: Nặng (severe)
Dưới 20/25 điểm: Nghiêm trọng (profound)

Chẩn đoán khuyết tật trí tuệ:


AAIDD liệt kê 3 tiêu chuẩn chẩn đoán chính về sự giới hạn của khả năng trí tuệ (1), về hành vi thích ứng (2), và bệnh phải bắt đầu trước khi vào chặng tuổi trưởng thành (3). Nói cách khác, trong quá trình chẩn đoán khuyết tật, các chuyên viên tâm lý phải sử dụng những bài trắc nghiệm trí tuệ được tiêu chuẩn hóa (standardized IQ assessments) và những bài trắc nghiệm có thang bậc để đo lường khả năng di động (motor skill), khả năng sinh hoạt cá nhân (personal living skill), sinh hoạt hằng ngày (everyday living skill), sinh hoạt trong cộng đồng (community living skill), và những hành vi thích hợp trong giao tiếp xã hội của trẻ/học sinh có nghi ngờ bị khuyết tật trí tuệ.
Khuyết tật trí tuệ có thể đi kèm với rối loạn tự kỷ và những chứng bệnh khác: Trong tiếng Anh, các chuyên gia tâm lý, giáo dục đặc biệt thường sử dụng cụm từ đi kèm (double whammy, comorbidity, comorbid condition)) để ám chỉ trẻ/học sinh vừa bị khuyết tật trí tuệ, vừa bị rối loạn tự kỷ, hoặc hội chứng Down đi kèm với khuyết tật trí tuệ.
Ở Hoa Kỳ, từ năm 2006 đến 2008, theo thống kê mới nhất của Trung Tâm Phòng Chống Bệnh (CDC, 28 tháng 3 năm 2014), có 1 trong 6 trẻ em bị chậm phát triển, bao gồm khiếm khuyết về nói/ngôn ngữ, khuyết tật trí tuệ, động kinh, và bị rối loạn tự kỷ. Ngoài ra, CDC ước lượng chừng 46% trẻ tự kỷ (8 tuổi) không bị khuyết tật trí tuệ vì có thương số thông minh ở mức trung bình hoặc cao hơn (85 điểm trở lên) so với các dạng khuyết tật khác.

Chương trình giáo dục trẻ/học sinh bị khuyết tật trí tuệ hiện nay:

Ở nhà trường, nhóm soạn thảo chương trình giáo dục đặc biệt thường dựa vào điểm số thông minh tổng quát (a full scale IQ scores) từ các bài trắc nghiệm để phân biệt mức độ nhẹ, hơi nặng, nặng, hoặc nghiêm trọng của trẻ/học sinh bị khuyết tật trí tuệ nhằm cung cấp chương trình giáo dục đặc biệt và những dịch vụ hỗ trợ khác nhau. Ví dụ:
-Trẻ/học sinh khuyết tật trí tuệ dạng nhẹ (mild) được cung cấp chương trình giảng dạy có kèm theo sự huấn luyện về những kỹ năng sinh hoạt trong đời sống.
-Trẻ/học sinh khuyết tật trí tuệ dạng hơi nặng (moderate) được cung cấp chương trình giảng dạy không đặt nặng về học vấn và chỉ chú trọng đến kỹ năng sinh hoạt, thích nghi với môi trường.
-Trẻ/học sinh khuyết tật trí tuệ thuộc dạng nặng (severe) hay nghiêm trọng (profound) được cung cấp chương trình giảng dạy với trọng tâm giáo dục về mặt sinh hoạt, thích nghi, kỹ năng tự giúp, và giao tiếp xã hội.

Những người bênh vực nghĩ gì về trẻ/học sinh khuyết tật trí tuệ trong chương trình giáo dục đặc biệt ở Hoa Kỳ:

Khuynh hướng dựa vào điểm số thông minh để xếp trẻ/học sinh vào mức độ khuyết tật nặng, nhẹ về trí tuệ ở nhà trường có rất nhiều khuyết điểm, bởi vì những bài trắc nghiệm tâm lý thường thiếu sự chính xác, mang nặng tính giai cấp và phân biệt chủng tộc. Ở California, từ sau vụ kiện tập thể Larry P. v. Wilson Riles (1979), tất cả các học khu trong tiểu bang không được quyền áp dụng những bài trắc nghiệm tâm lý để nhận dạng khuyết tật và xếp lớp học “chậm trí nhưng giáo dục được” (educably mentally retarded or EMR) cho học sinh người Mỹ Da Đen hay người Mỹ gốc Châu Phi.
Kết quả của những bài trắc nghiệm bị ảnh hưởng rất nhiều bởi khả năng ngôn ngữ, sự chú tâm, cũng như kinh nghiệm học tập đã được giảng dạy (academic instruction), nhất là kinh nghiệm trong đời sống (life experience) của trẻ/học sinh, chứ chưa hẳn vì khả năng trí tuệ của các em thật sự bị hạn chế. Thêm vào đó, sự chẩn đoán và gán mác khuyết tật trí tuệ cho những trẻ còn nhỏ tuổi, đang vào giai đoạn phát triển thể xác và trí thông minh, là điều không công bằng và hết sức bất lợi cho con đường học vấn của các em sau nầy.
Nhiều cơ quan giáo dục công lập (public agencies) có chủ trương đưa trẻ/học sinh bị khuyết tật trí tuệ vào các lớp học bị cách ly nghiêm trọng (substantially separate classroom), và chỉ cho phép các em hội nhập vào những hoạt động không có văn hóa hay ngoại khóa (nonacademic activities) như chơi chung trong giờ nghỉ (recess), ăn trưa chung, sinh hoạt chung trong giờ thể dục (gym) với những trẻ không bị khuyết tật khác (nondisabled peers).
Những điều nêu trên không chỉ đi ngược lại với điều khoản về sự bình đẳng trong Tu Chính Án thứ 14 của Hoa Kỳ (the Equal Protection Clause of the 14th Amendment of the U.S. Constitution) mà còn là sự vi phạm nghiêm trọng đối với những qui định của Đạo Luật Giáo Dục Cá Nhân Khuyết Tật (IDEA) và Đoạn 504 (Section 504) về môi trường giáo dục ít bị hạn chế nhất (the least restrictive environment) cho trẻ/học sinh ở nhà trường.

Q. Cam, California. Ngày 3 tháng 11, 2014. H. Tịnh.

Nguồn:

Linda Wilmshurst, Ph.D. & Alan W. Brue, Ph.D. (2010). The Complete Guide to Special Education.
Wrightslaw (2014). All About Tests & Assessments.
Larry P. v. Wilson Riles (California, 1979).
Diane v. State Board of Education (1970).
The American Association on Intellectual and Developmental Disabilities or AAIDD). Http://www.aaidd.org/publications/journals.
Center for Disease Control and Prevention. Http://www.cdc.gov/ncbddd/autism/data.hml


--------------------

*******
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
2 User(s) are reading this topic (2 Guests and 0 Anonymous Users)
0 Members:

 



Lo-Fi Version Time is now: 24th April 2024 - 07:30 AM