Welcome Guest ( Log In | Register )

 
Reply to this topicStart new topic
> Cây nêu ngày Tết - Vũ Ngọc Khánh
M&N
post Dec 14 2008, 07:54 PM
Post #1


Bảo vệ Tổ Quốc
***

Group: Trang Chủ
Posts: 11,665
Joined: 7-April 08
Member No.: 6
Country




Cây nêu ngày Tết


Có nhiều truyền thuyết, ca dao, tục ngữ về tục dựng cây nêu trước nhà của các dân tộc Việt Nam mỗi dịp Tết Nguyên đán, song trong đời sống, nó vẫn lạ lẫm với nhiều người bởi ngày nay tập tục xưa đã không còn nữa. Cây nêu được coi là cây vũ trụ nối liền đất với trời, do tín ngưỡng thờ thần mặt trời của các dân tộc cổ sơ, hàm chứa ý thức về lãnh thổ của người Việt. Dựng nêu ngày Tết là để trừ ma, quỷ, thờ phụng thần linh và vong hồn tổ tiên.

Ngày nay, người Việt Nam đã bỏ thói quen dựng nêu ngày Tết. Nhưng xưa kia, mỗi lần năm mới đến là phải cắm nêu: Cao nêu, kêu pháo, bánh chưng xanh là những biểu tượng đón xuân không thể thiếu được. Nhưng nêu là thế nào? Vì sao phải dựng nêu? Câu chuyện thực ra cũng không đơn giản.

Hãy nói đến cây nêu. Nêu là một cái cây cao, vào dịp năm mới, phải đem ra cắm ở trước sân (hoặc trước cổng, hoặc giữa vườn dóng với cổng chính của nhà). Phải tìm cây cho thích hợp chứ không phải là trồng trước. Nêu dựng vào khoảng chiều ngày 30 tháng Chạp. (Có nhà có thể dựng trước) - cho đến ngày 7 tháng Giêng thì hạ nêu. Các dân tộc đều có nêu:

- Nêu của người Việt là một cây tre, cao hơn nóc nhà, từ gốc đến ngọn phải róc cành cho trơn tru. Cây tre càng thẳng càng quý. Trên ngọn cây, treo một cái giỏ trong có sẵn trầu cau, vàng mã... gắn quanh cái giỏ ấy có thêm một chùm lá dứa, những cái đèn xếp và những tua giấy mầu đỏ, mầu vàng. Cây nêu hiên ngang, cao vút, chiếm lĩnh không gian của cả nhà, cả vườn, gây ấn tượng huy hoàng và cao đẹp.

- Nêu của người Mường cũng là cây tre, nhỏ hơn, có nhiều lá hơn cây nêu Việt một chút. Ngọn nêu buộc một que ngang, treo hai chuỗi vòng, người ta gọi là hoa nêu. Các vòng này đều là vòng tre tiện mỏng, nhiều ít tùy tiện. Người ta gọi đó là chuỗi "của", tượng trưng cho của cải sung túc của gia đình.

- Nêu của người Co (Tây Nguyên) thường cắm trong các đám lễ hội Đâm trâu. Cây nêu phải là một đoạn của cây trò, nối với một đoạn của cây lồ ô. Ngọn nêu treo một lá phướn. Trên lá phướn lại là hình một con chim (đan bằng tre). Con chim ấy phải là chim chèo bẻo, tượng trưng cho sự hùng mạnh.

- Nêu của người Hoa, chịu ảnh hưởng của lý thuyết đạo giáo nhiều hơn. Nêu được gọi là cây phù đào (phù có nghĩa là bùa). Chuyện kể là cung của bà Tây Vương Mẫu có trồng cây đào. Thần ngự ở cây này chuyên bắt các loại quỷ dữ. Có cây phù đào, là có thần trấn giữ, quỷ không dám đến. Vì vậy, mà nhà người Hoa không có điều kiện trồng nêu, người ta có thể bẻ cành đào treo trước cửa.

Có thể kể thêm tập tục nhiều dân tộc nữa. Nhưng có thể thấy một khuynh hướng tâm linh chung. Trồng nêu như vậy là để trừ tà ma quỷ quái.

Thật ra thì trồng nêu chỉ là dấu vết của tín ngưỡng thờ thần mặt trời của các dân tộc cổ sơ. Mặt trời cao vòi vọi, đem lại ánh sáng và sự sống cho nhân loại. Cây nêu là để sùng bái thần mặt trời. Cây nêu cũng là một dạng cây vũ trụ như những cây hoa tượng trưng của các dân tộc trong những ngày lễ hội. Cây nêu là một hình thức tượng trưng khác, gọn hơn, mang ý nghĩa của yên vui hạnh phúc cho cả loài người. Chuyện trồng nêu, từ đầu không có ý nghĩa mê tín như nhiều người lầm tưởng.

Không biết trên thế giới có nhiều chuyện cổ về cây nêu không, chứ câu chuyện Việt Nam thì quả là đặc sắc. Từ những ngày Trời tháng Bụt nào đó, người Việt Nam đã có ý thức về lãnh thổ của quê hương mình. Đất đai này, vườn tược này là của người Việt Nam, không thể để cho lũ quỷ nào xâm phạm. Mỗi năm mới đến là một lần khẳng định lại quyền độc lập của mình. Trời thì có thiên thư (Tiệt nhiên định phận tại thiên thư!). Phật thì có áo cà sa để hỗ trợ cho niềm tin. Còn về mặt ngôn ngữ, từ "nêu" cũng quả là dồi dào ý nghĩa. Nêu là giương cao, là khẳng định. Nêu thì phải nêu cao, chứ không nêu thấp bao giờ. Ngay ở chỗ thấp mà cắm nêu, thì cũng là để rõ cái ý cao! Ngày nay người Việt Nam không theo cái tục trồng nêu nữa, nhưng phải chăng mọi việc làm của chúng ta cũng hướng tới "nêu một thành tựu nhất định". Hải Thượng Lãn Ông quyết tâm "Nêu một lá cờ trong y giới" (Y âm án) là một thí dụ rõ ràng.


Vũ Ngọc Khánh


--------------------
Mmm
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
2 User(s) are reading this topic (2 Guests and 0 Anonymous Users)
0 Members:

 



Lo-Fi Version Time is now: 27th April 2024 - 10:02 AM