Welcome Guest ( Log In | Register )

> Sống chỉ một lần, Mai Thảo
lalan
post Sep 10 2015, 09:23 AM
Post #1


Phố Cũ
***

Group: Năng Động
Posts: 2,691
Joined: 21-April 08
Member No.: 43
Country




Sống chỉ một lần


Chương 1:

Liên tiếp mấy ngày đầu xuân của một tháng 6 dài, buổi sáng nào cũng bắt đầu với cái rào-rạt và trắng xóa đầy trời của một trận mưa lớn. Buổi chiều hôm trước nắng còn rực rỡ, vàng như lụa, chiếu xuống từ một trời xanh biếc và cao vút. Đêm sao, một biển hằng hà sa số lấp lánh. Nhưng từ nửa khuya về sáng, những đám mây đầu mùa lướt thướt lại kéo đến trong im lặng của giấc ngủ. Mây che lấp dần những chùm sao. Mây làm thấp xuống hẳn một vòm trời. Mây đêm đến che khuất hẳn cả một mùa nắng đẹp. Tò mờ sáng, giấc ngủ ngon thường bị đánh thức bởi một trận mưa. Trận mưa thật lớn, thật bàng hoàng, như một bất ngờ thảng thốt.

Buổi sáng hôm nay cũng không ngoại lệ. Một trận mưa lớn đã đánh thức tôi. Trận mưa thật tàn nhẫn, đã cắt đứt một giấc mộng dịu dàng, vào đúng lúc đẹp nhất, đáng kéo dài nhất của một cơn mộng. Những giấc mơ nở hoa trong từng giấc ngủ của tôi trong mấy năm nay nhiều vô kể nhưng phảng phất cùng một khuôn mặt, cùng một bầu không khí. Tôi chỉ có một đời sống, một lối sống. Tôi chỉ có ngần ấy nhớ thương, bấy nhiêu rung động. Tôi không sống với một thế giới nào, mà chỉ sống với một người. Giấc mơ cũng thế. Chỉ có một người, một khuôn mặt hiện ra mà thôi. Đó là Trường.

Trường là tên của chàng, 40 là tuổi của chàng. Những giấc mơ của tôi cao lớn và khỏe mạnh. Vóc dáng chàng cũng như vậy. Chàng đẹp như thông, khỏe như núi. Đôi mắt chàng sâu, lúc nghiêm trang thăm thẳm như biển; lúc nghịch ngợm sáng ngời như nắng. Một đường mũi thẳng, một mái tóc đen nháng, một tiếng cười vang động, một giọng nói trầm ấm... Trường sáng ngời trong giấc mơ tôi, như một đóa mặt trời.

Đêm qua, tôi lại mơ thấy chàng. Trước giấc ngủ, tôi biết giấc mơ sẽ đến bởi vì trong tỉnh thức của ngày hay trong mơ màng của đêm thì cũng vậy: Trường là một hiện hữu tràn đầy trong tâm hồn và tiềm-thức của tôi.

Lần này tôi mơ thấy một con đường. Đó là một con đường thôn dã ở ngoài vùng ngoại ô thành phố. Con đường nhỏ chạy giữa một thành phố bát ngát. Cỏ xanh um từng ngọn... rừng cỏ đuổi nhau tới cuối chân trời. Xa xa là một cây cầu và một con rạch nhỏ. Giấc mơ lặng lẽ thư thái, không nghe thấy dấy động dù là một tiếng nhỏ nào. Tôi đi bên Trường. Tôi ngả đầu vào vai chàng. Chúng tôi không nói nới nhau một lời nào. Cứ như thế thật lâu giữa cánh đồng mênh mông bát ngát...

Nhiều lần Trường cúi xuống, tròng mắt chàng sâu thẳm bảo tôi rằng:

-Im lặng là một tiếng nói kỳ diệu.

Tôi hỏi:

-Anh nghe thấy những gì trong sự im lặng đó?

Chàng trả lời:

-Tất cả! Cuộc đời và chúng ta. Từ những tiếng cười vang động đến những ý nghĩ thì thầm và sâu kín nhất.

Có lẽ là thế thật. Im lặng là một tiếng nói kỳ diệu, và sự im lặng thần thánh này đã trở thành một thứ tiếng nói tôi nghe thấy hơn một lần trong những giấc mơ muôn vàn êm ái như giấc mơ dài của đêm qua. Con đường không cùng. Chân trời lùi xa. Cỏ trong giấc mộng nối nhau thành sóng. Chúng tôi đi mãi cho đến khi trận mưa buổi sáng thình lình đổ xuống con đường, và cánh đồng cỏ biến mất... Tôi giật mình tỉnh giấc, nghe thấy mưa đã ào ạt đổ trên mái nhà mình...

Mọi cánh cửa sổ đều đóng kín với rèm buông che lấp. Bóng tối còn đọng đầy ở nhũng góc xó. Tôi bàng hoàng nằm im nghe mưa, chưa phân định được thực tế chung quanh! Chỉ biết giấc mơ đã tàn và sự họp mặt của tôi và Trường không còn nữa.

Một tiếng đập cửa, tiếp theo là tiếng gọi lớn.

-Chị Tuyền! Dậy chưa, chị Tuyền?

Tiếng gọi lanh lảnh, trong như ánh sáng, vui như chim hót, hồng như tuổi trẻ của Nhã, em tôi. Tôi hơi bực bội như thầm nói:

-“Con khỉ! Làm gì mà nhắng lên thế! Để im cho người ta nằm. Để im cho người nằm!”

Để im cho tôi đang nghe mưa, đang mơ mộng. Trận mưa lớn đã kéo tôi ra khỏi giấc ngủ, nhưng thần trí tôi vẫn còn mông lung, mơ màng... Cái trạng thái chập chờn nửa mơ nửa tình này vẫn còn tạo được cho tôi cái ảo giác là dù giấc mộng khi vỡ tan rồi nhưng từng phiến mơ hồ, từng mảnh khói sương của mộng vẫn còn phảng phất.

Mưa rào rào trên mái nhà. Mưa trắng xóa trên những tầng không gian mênh mông. Có phải là mưa vẫn còn đang lướt thướt trên những sân ga, trên những bến tàu? Giờ này chắc không phải chỉ mưa trong khu phố tôi ở mà còn mưa trên khắp các vòm trời trên khắp thế giới nữa. Tôi hình dung thấy chàng đứng đó, trên sân ga chính của một thành phố lớn. Một chuyến tàu sắp sửa rời nhà ga... Toa máy phì phà thở khói, đường sắt dài thăm thẳm trước mặt...

Chàng đứng đó dưới một hàng hiên, chờ giờ tàu chạy trong mưa bay nghiêng. Chàng đội một cái mũ dạ, vành mũ che nửa vầng trán rộng. Chàng mặc một chiếc áo tơi mưa, cổ áo kéo trùm kín gáy. Bên cạnh chàng là một cái va-li lớn gắn đầy nhãn hiệu những khách sạn của các phi trường và các hải cảng quốc tế mà gót chân lữ hành của chàng đã đi qua.

Trường thường hỏi tôi:

-Cuộc đời một người đàn ông mang cái hình ảnh gì là cái hình ảnh đúng nhất, Tuyền biết không?

Tôi đáp:

-Một bóng núi.

Chàng cười:

-Tại sao một bóng núi?

Tôi trả lời bằng một giải thích thật ‘đàn bà’, thật lãng mạn:

-Vì núi cao và lớn, như một che chở. Đàn ông đẹp như thông, như núi. Đàn bà chúng em mềm yếu, cần sự che chở ấy. Đàn bà là hoa, là liễu.

Trường gật gù. Tuy nhiên, sự tán đồng của chàng chỉ một phần:

-Cũng đúng. Nhưng núi và thông là những hình thể đứng im một chỗ. Cao lớn và bất động. Cái bất động không thể là một hình ảnh một đời sống.

Trường chỉ tay lên một tầng cao trên đầu, trên mây, trên trời và nói về cái hình ảnh và đời sống đàn ông theo ý của chàng:

-Một cánh chim bằng.

Tôi đang nhớ... đang nghĩ... đang thả hồn tôi cho bay theo cánh chim bằng trong buổi sáng mưa lớn này đây. Phải, phút này chắc là chàng đang đứng đó, trên một sân ga... Trong mưa vây bốn phía. Chàng thật đẹp, trước giờ lên đường. Khuôn mặt chàng rắn rỏi. Cái mũi dọc dừa, đôi lông mày rậm, cái cằm đầy nghị lực. Thân hình thoát ra sự vững chãi của một đời sống đã lăn lóc, đã thăng trầm, đã trưởng thành. Tôi nói thầm:

-Anh Trường, anh ở đâu lúc này? Em đang nằm, em vừa thức. Đêm qua em mơ thấy anh. Anh ở đâu? Chân trời nào? Góc biển nào?...

-Chị Tuyền, mở cửa cho em!

Tôi càu nhàu, tung chăn bước ra khỏi giường. Mặt đá hoa nền nhà lạnh buốt làm tôi rùng mình. Tôi còn muốn nằm nữa trong chăn, trong bóng tối lờ mờ. Tôi muốn tiếp tục mơ mộng nữa, mơ mộng cho đến hết buổi sáng...

Cánh cửa vừa mở, bị đẩy toang ra từ phía bên ngoài. Ánh sáng lùa vào làm tôi chói mắt. Tôi gắt lên.

-Làm gì mà phá phách quá vậy!

Nhã đẩu tôi sang một bên. Nó thoăn thoắt đi vào. Và mặc dầu còn mưa lớn, nó mở tung hết nọi cánh cửa sổ. Tôi nhẫn nhục đứng nhìn. Con nhỏ này thật lộng! Nhiều khi tôi cảm tưởng như nó không còn coi tôi ra gì nữa. Nó đụng chạm quá mạnh vào đời sống riêng tư của tôi. Đời sống tôi như một căn buồng đóng kín vừa bị nó tấn công ào ạt vào và mở hết mọi cánh cửa.

Mở hết cửa cho ánh sáng lùa vào xong, Nhã thản nhiên quay trở ra, vừa đi vừa nói như truyền lệnh.

-Ra rửa mặt rồi mặc quần áo!

Cái con nhỏ này to gan thật! Xem chừng nó đang âm mưu đòi điều khiển cuộc sống của tôi đây. Chuyện này không thể để yên như thế được. Tôi liền gọi giật nó lại.

-Nhã!

Nó cũng chẳng vừa, gắt với tôi rằng.

-Em đã bảo chị...

Tôi nói như quát lên.

-Chị bảo em chứ không phải em bảo chị. Mày là mẹ tao đấy à! Đừng có thấy tao hiền mà được đàng chân lấn đàng đầu nghe chưa! Tao đang nghỉ, mày vào phá tao còn bắt tao mặc quần áo để đi đâu mới được chứ?

Nhã tủm tỉm cười.

-Cáu rồi hả?

-Đúng, cáu lắm!

-Tám giờ rồi, bà nội.

-Tám giờ hay mười giờ cũng mặc tao!

-Lúc nào cũng thấy chị nằm! Lúc nào cũng thấy chị ngủ!

-Mày có tự do của mày...

Nhã chợt cướp lời tôi:

-Và chị có tự do của chị? Đốt chọ đi. Lúc khác ngủ. Trưa nay sẽ để yên cho chị ngủ đến chiều. Nhưng hôm qua chị đã hứa đi với em phải không?

Tôi ngẩn ngơ:

-Đi đâu?

Con nhỏ phá lên cười:

-Chị ngơ ngác như một người mất hồn. Đi phố chứ còn đi đâu nữa!

Tôi chợt nhớ ra. Hôm qua tôi có hứa với Nhã rằng tám giờ sáng nay hai chị em đi phố thật. Hứa rồi quên! Mới từ tối qua đến sáng nay đã quên. Đầu óc tôi hồi này lạ lùng thế nào ấy! Những mơ mộng triền miên đắm đuối... Những giờ phút mơ màng đã đẩy tôi xa vời cách biệt hẳn với thực tế quanh mình. Đúng là tôi đang ở trên cung trăng! Đáng là tôi đang đi giữa mù sương! Tâm tưởng tôi bay bổng theo những hình ảnh nào tới những cuối chân trời nào... Thần phách tôi đã bị chiếm đoạt tận cùng và toàn vẹn. Trí nhớ tôi chỉ nhớ riêng một phía và tôi đã lãng quên rằng tôi đang sống với gia đình tôi, một cuộc sống hàng ngày tẻ nhạt nhưng vẫn phải sống chứ không thể nào làm khác.

-Chị quên bẵng mất! Xin lỗi.

Nhã cười:

-Chị thì còn nhớ được gì nữa! Thế nào, có đi không?

Tôi nhìn những dòng nước lước thước bên ngoài cửa sổ, nghe tiếng mưa rào rạt trên mái mà nhăn mặt ngần ngại.

-Mưa thế này!

Nhã dửng dưng:

-Lát nữa hết mưa.

-Được rồi.

Tôi ‘ký yêu’ lên đầu con nhỏ một cái nói:

-Nhưng đừng có hối thúc tao nghe chưa! Tao đánh chết!

Nhã cười lớn đi ra phòng ngoài. Tôi lấy quần áo vào buồng tắm. Nước lạnh chảy ào lên da thịt làm tôi rùng mình, nhưng cũng làm tôi cảm thấy tỉnh táo hơn. Tắm xong, tôi trở vào phòng ngủ, đến trước bàn phấn. Khuôn mặt người đàn bà tôi nhìn thấy trong gương buổi sáng hôm nay có một đôi mắt đẹp. Trường thường bảo mắt tôi u uẩn và sâu thẳm như nền trời ban đêm. Đôi mắt ấy sáng nay tự nhìn ngắm nó bằng một cái nhìn xao xuyến. Nhiều mùa xuân đã đi qua. Nhiều mùa nắng đã tàn, và nhiều mùa mưa đã tới. Tôi không còn trẻ trung, sáng lạng và yêu đời như Nhã được nữa. Tôi đã là một người đàn bà đứng ngỡ ngàng giữa hai lứa tuổi. Tôi đã bắt gặp ở tôi những tiếng thở dài. Những ngón tay hờ hững lùa vào mái tóc. Tai lắng nghe theo tiếng mưa rì rào ngoài trời. Tôi đăm đăm nhìn tôi trong gương, nghĩ đến mọt mùa mưa lại bắt đầu và những mùa nắng đã đi qua. Đời tôi cũng đã có những mùa nắng rực rỡ và chói lọi. Đời tôi cũng đã từng có trời xanh biếc. Đời tôi cũng có những ngày đẹp, những buổi ban mai phơi phới thênh thang. Tôi đã từng là một ngọn suối róc rách, một nhánh hoa hàm tiếu. Tà áo tôi từng là thiếu nữ, mái tóc tôi từng là thanh xuân. Nhưng rồi những mùa nắng qua đi... Trời thôi xanh, mây tới ban đêm che khuất những chùm sao... Và buổi sáng khi thức giấc, mùa mưa đã bắt đầu với những dòng nước lướt thướt trên những lùm cây và những mái nhà thành phố.

Giữa một mùa mưa và một mùa nắng, ngồi trước gương tôi thấy ở tôi những thay đổi buồn rầu. Ánh mắt không còn trong được như ngày hôm trước. Nụ cười kém tươi hơn ngày hôm qua. Da mặt tuy còn mịn màng nhưng sẽ chẳng lâu đâu, những đường nhăn sẽ hiện. Đôi mắt trông buồn hơn. Tròng mắt như đã chứa đựng một tâm sự ưu phiền. Và sự rạo rực, niềm xôn xao trong tâm hồn, tôi nghe thành một khúc hát đầy đặc những âm điệu nhảy nhót đã lắng xuống như một ngọn thủy triều ào ạt dâng lên, bắt đầu rút đi.

Người ta không thể trẻ đẹp được mãi. Hoa nở và tàn trong một buổi sáng. Thời gian đi

qua. Thời gian là một sự tàn phá, tôi biết như vậy. Nhã đã lớn. Mới ngày nào nó còn là một đứa con nít. Mỗi lần Trường tới nó chạy ra đón, nắm tay nắm áo, đòi quà, đòi tiền đi xem chiếu bóng. Bây giờ nó đã trở thành một thiếu nữ dậy thì, đã có tâm sự, đã có tình yêu. Có nghĩa là tuổi trẻ của tôi đã hết! Biết như vậy. Biết mà vẫn ngậm ngùi. Biết, và đã thở dài.

Tôi chải qua mái tóc, thoa một chút phấn hồng lên gò má, dời bàn phấn đứng lên. Phân vân trước cái tủ chừng một phút, tôi chọn một chiếc áo hàng lụa đen.

Áo này hình như Trường mua tặng tôi cũng vào một buổi sáng mưa lớn như sáng nay. Hôm đó chàng nói:

-Hàng lụa đen tôn nước da em lên. Hàng lụa là một nền gấm, và nước da của em là một viên kim cương đặt trên mặt gấm đó.

Cô gái bán hàng cũng góp chuyện:

-Ông khen bà đúng lắm. bà có một nước da thật đẹp.

Chàng khoan khoái gật đầu:

-Phải thế không, thưa cô.

Cô bán hàng chỉ tay vào những hàng áo khác treo sát nhau như một thảm hoa màu sắc lộng lẫy.

-Những hàng này mới về. Hàng nào cũng hợp với bà nhà lắm.

Nhưng hôm đó, tôi đã từ chối không chịu để cho Trường mua thêm, vì chàng đã cho tôi không biết bao nhiêu quần áo, bao nhiêu đồ dùng. Tôi mỉm cười bảo cô bán hàng rằng:

-Chúng tôi chưa lấy nhau.

‘Bà nhà’. Nghe vui thật! Nó bao gồm bao nhiêu ý nghĩa: gia đình, lứa đôi, vợ chồng... Nhưng chúng tôi yêu nhau, đi với nhau mặc dù chưa lấy nhau. Hôn nhân với tôi vẫn là một đợi chờ chưa đến.

Chiếc áo hàng lụa đen mặc vào người ôm sát lấy thân thể tôi tạo nên một cảm-giác ấm áp đặc biệt của một tặng vật, một kỷ niệm. Tôi đeo vào một xâu chuỗi hạt trai, cũng là một tặng vật khác của Trường. Đến bên cửa sổ, tôi ngắm nhìn mưa rơi.

Bầu trời thành phố sáng nay thật thấp như đụng, như chạm những ống khói và những nóc nhà. Khoảng sân sau nước chảy lênh láng. Tiếng nước dồn đổ vào những lòng cống xô đẩy, hối hả. Nhìn mưa, tôi lại nghĩ đến những sân ga, những bến tàu. Và tôi nghĩ đến Trường, với cái áo tơi trùm kín gáy chàng bên cái va-li nặng trĩu. Chàng đứng đó giữa không gian, trong mưa bay, ném mình vào những cuộc hành trình dài thăm thẳm.

Bao nhiêu suy nghĩ của tôi lại bị cắt đứt bởi sự đột nhập ồn ào của Nhã. Con nhỏ thật lạ lùng. Tuy là hai chị em, nhưng tôi với nó hoàn toàn khác biệt, không giống nhau được ở một điểm nào. Tôi thư thái, trầm lặng bao nhiêu thì nó nhấp nhỏm, bồng bột bấy nhiêu. Tôi là một hồ thu lặng khép bên trong và giấu kín. Nó là một mặt biển dâng lên thành tiếng, nổ tung thành sóng; phơi bày hết lên bề mặt, đổ tràn hết ra bề ngoài. Tôi hơi khác thường, chừng như thế. Bất bình thường thì đúng hơn. Nhã lành mạnh, tươi khỏe như cái tuổi 18 của nó. Mỗi bước đi của nó khuấy động không khí chung quanh rất nhiều. Nó hót như chim, bay nhảy liên hồi trên những đầu cành tuổi trẻ. Dậy thì ở nó phơi phới, thanh xuân xanh biếc. Tôi như buổi sáng mưa xám buồn rầu, nó như ban mai nắng vàng với sức sống lấp lánh từng giây từng phút.

Cánh cửa buồng mở toang, Nhã như cơn gió tràn vào. Nó đứng khựng lại.

-Chị không còn cái áo nào khác nữa hả?

Tôi nhìn xuống màu đen đang mặc trên người.

-Em không thích?

-Chị lúc nào cũng mặc đen, nâu, khi thì màu tím nhớ nhung, rồi màu lá chết. Để tang ai mà kỹ vậy?

Tôi cười:

-Chị già rồi, phải mặc sao cho hợp tuổi mình chứ. Những màu sắc rực rỡ bây giờ dành cho Nhã.

Con nhỏ đến đứng trước mặt tôi, hất hàm vênh váo như một bà tướng.

-Bao nhiêu?

Tôi nhăn mặt:

-Con này làm gì mà dữ vậy! Bao nhiêu là bao nhiêu cái gì?

-Tuổi! Mấy trăm? Mấy chục?

-Mày hỏi cung tao đấy à?

Nó gật:

-Cảnh-sát tư-pháp đây. Khai!

Tôi làm bộ sợ hãi:

-Gần 40.

Nó nạt lớn:

-Mới có 34 thì cứ nói là 34! Tại sao lại khai gần 40 cho nó già thêm đi! Và tại sao cứ cái áo đen đưa đám này mặc hoài! Trả lời đi! Để tang ai?

Tôi đặt tay lên ngực:

-Tao.

-Còn sống sờ sờ tại sao lại để tang?

-Sống mà cũng như đã chết!

-Ghê!

Chúng tôi cùng cười rũ. Hai chị em đôi khi đóng với nhau những vở kịch; làm hề, làm tuồng như thế để phá lên cười cho đỡ buồn. Có điều là tiếng cười của Nhã vui thật, hòa tan như pha-Lê. Còn tiếng cười của tôi thì có vẻ gượng gạo, không được hồn nhiên vui vẻ như thế. Lòng tôi vẫn ấm áp vì có lửa của tình yêu. Nhưng vườn tôi chừng như đã có những khoảng tối lạnh lác-đác, những bóng rợp đầu tiên phủ xuống. Tiếng cười của tôi đã len một ý buồn từ một thoáng nhớ thương như một tiếng thở dài dịu nhẹ.

Tôi chỉ ra ngoài trời:

-Còn mưa mà, chưa đi được.

Nhã lắc đầu, không chịu.

-Chờ mưa tạnh thì biết đến bao giờ! Em ghét nhất là chờ đợi. Chúng mình gọi Taxi đi ngay bây giờ!

Tôi hỏi:

-Ăn sáng đã chứ.

-Chỉ có bánh mì và sữa là hai thứ em đã chán ngấy đến cổ. Đi ăn tiệm đi! Chị không bao em được sao?

Hai chị em ra khỏi nhà lúc cơn mưa lớn đã lắng dịu. Chiếc Taxi mờ mờ hơi nước đọng trên mặt kính chở chúng tôi qua những con đường thưa thớt người qua lại. Tiếng bánh xe lăn rào rào. Thành phố trong mưa có một vẻ gì phiền muộn. Những lùm cây lướt thướt... Những hè đường ướt át...

Nơi Nhã đòi ăn điểm tâm là một quán hàng sau chợ Bến Thành. Quán bán những món Bắc thuần túy như bún riêu, bún ốc, bún thang, chả giò, bún chả Thăng-Long... Chủ quán là một người ‘Bắc-Kỳ’ chính hiệu ‘Bà Lang Trọc’ với lối ăn mặc hết sức quê mùa. Bà lão mang một vành khăn đánh đai lấy mái tóc rẽ giữa; một cái áo tứ thân nâu, và một cái ruột tượng màu lam. Bà lão ngồi sau quầy với một cơi trầu trước mặt. Bà ta đang nhai trầu bỏm bẻm khi hai chị em tôi đội mưa chạy ùa vào.

Thấy Nhã, bà lão hấp háy cặp mắt:

-Trời mưa gió thế này mà cô Nhã cũng chịu khó nhỉ?

Cái giọng nói cũng ‘Bắc đặc 100%’ của những làng xóm có những lũy tre và những ao bèo vây bọc; của những con đê chạy dài theo đường chân trời; của những ngôi đình mái cong; của những thửa vườn xinh xắn, là những hình ảnh quá khứ đã nhòa dần trong trí nhớ của tôi. Hóa ra Nhã là một khách hàng quen của tiệm ăn này. Nó rũ mưa, thân mật nói với bà lão.

-Nhớ bún ốc của bà quá. Dù cho mưa nữa cũng đến. Hôm nay đến còn lôi theo cả chị tôi nữa đấy.

Bà lão mỉm cười với thái độ ân cần với khách qúy.

-Qúy hóa quá! Bún ốc hay bún chả?

-Bún ốc. Thật nóng và thật cay.

Mặc cho trời mưa. Cái tiệm bé nhỏ cũng vẫn chật người. Đa số khách là đàn bà. Nhiều bà ngồi một mình lớn tiếng gọi đồ ăn tự nhiên như đàn ông. Tôi và Nhã ngồi ghé vào một bàn còn trống hai chỗ, ngắm nhìn cảnh tượng chung quanh bằng cặp mắt bỡ ngỡ. Rất nhiều nơi chốn đối với tôi xa lạ hoàn toàn, chưa từng đặt chân đến. Tôi không nhớ những tên phố, tôi không thuộc những con đường mặc dù sống tại thành phố này đã lâu. Thường ngày, khi tan sở tôi đi thẳng về nhà thôi chứ ít đi đâu ngoại trừ những lần đi với Trường. Ngay cả những lần ấy, Trường và tôi cũng chỉ lui tới một vài nơi cố định.

Đời sống tôi quả thật là ‘khép kín’. Trường vẫn thường bảo tôi là ‘người đàn bà nội trợ’, lý tưởng cho gia đình chứ không phải cho xã hội. Có lẽ chàng nói đúng. Tôi không thích giao thiệp, rất sợ những chốn đông người, khác biệt hẳn với Nhã.

Món bún ốc của tiệm bà lão Bắc-Kỳ này ngon thật. Thật nóng, thật cay, và thật ‘khoái khẩu’. Ăn uống trả tiền xong ra khỏi tiệm thì may mắn làm sao trận mưa cũng tạnh hẳn. Trời vừa ‘đổ xong một lượng nước’ thật lớn nên mây đã bay đi, nhường chỗ cho nắng sắp lên. Thời tiết miền Nam là như vậy, luôn luôn tạo những cái đột ngột và bất ngờ. Hết mưa lại nắng. Hết buồn lại vui. Không biết thế nào mà lường! Mưa nắng ở đây đúng như tâm hồn con người, mang những biến thái không bao giờ báo trước.

Nhã reo lên:

-Có thế chứ! Nắng sắp lên rồi.

Tôi nói:

-Nắng hay mưa cũng thây kệ! Đừng có lôi tao di lang-thang suốt ngày ngoài đường, tao chịu không nổi đâu. Hôm nay nghỉ nhưng sáng mai tao phải đi làm rồi. Phải nghỉ ngơi.

Nhã cười như muốn chế nhạo tôi:

-Chị lại muốn về nhà?

-Đúng vậy.

-Đóng cửa kín mít lại rồi ngủ hả? Không được! Chị phải đi đi với em ít nhất đến 12 giờ trưa và chiều nay vào Chợ Lớn ăn cơm Tàu với chúng em.

Tôi nghe nói giẫy nẩy:

-Tao không đi.

Nhã phớt tỉnh như không.

-Chị phải đi.

Tôi nghiêm mặt:

-Đừng có đùa. Không có ai bắt buộc tao được hết.

Rồi buột miệng, tôi nói tiếp:

-Ngoại trừ...

Thấy tôi ấp-úng không nói hết câu, Nhã thích chí cười phá lên.

-Ngoại trừ anh Trường? Lúc nào cũng anh Trường! Cái gì cũng anh Trường! Anh Trường vắng mặt mà chị cứ làm như anh ấy đang đứng trước mặt vậy.

Tôi muốn bảo cho Nhã biết là tuy Trường vắng mặt thật nhưng hình ảnh chàng với tôi là một hiện hữu thường trực. Cho dù ở xa hay ở gần cũng vậy thôi. Trường là đối tượng duy nhất đằm thắm của tâm hồn tôi. Tôi nhìn đâu cũng chỉ thấy một mình chàng. Tôi có suy nghĩ đi đâu, ý nghĩ cũng trở lại với chàng. Chàng ở đó, trên những phiến lá xanh tôi nhìn thấy buổi sáng; trên những áng mây hồng tôi nhìn thấy buổi chiều. Hồi nãy, lúc này, lát nữa, và mãi mãi... tôi sống từ chàng sống đi, sống từ chàng sống tới. Tôi như trái đất quay, nhưng dù là quay thế nào đi chăng nữa cũng vẫn ở trong quỹ đạo mặt trời.

Tôi cấu Nhã một cái thật đau. Con bé thét lên. Tôi không tha, cấu thêm một cái nữa.

-Cấm mày nói đến anh Trường.

Nhã làm bộ khiếp đảm:

-Thì thôi! Thì thôi! Nhưng chị phải đi ăn cơm chiều nay với bọn em. Nếu không thì em sẽ nhắc đến tên anh Trường 100 lần, 1000 lần mỗi ngày đó!

Tôi đành chịu thua:

-Đi cũng được. Nhưng Nhã ngu lắm!

-Em ngu?

-Chứ sao!

-Phải cắt nghĩa đàng hoàng à! Không được mạt sát một cách vô lối như vậy.

-Chị không nên đi. Nhã cứ bắt đi bằng được là ngu.

-Em muốn có chị mà.

-Chị là người thứ ba. Thừa!

-Chị cho là em với Thiều chỉ nên đi riêng với nhau?

-Đúng vậy.

-Chúng em lại không muốn thế.

-Thế thì không chỉ riêng nàng ngu mà chàng của nàng cũng ngu quá thể! Đi riêng với nhau mới tình tứ, mới du dương với nhau được. Thêm sự chứng kiến của chị còn ra cái quái gì nữa!

Nhã cười:

-Không sao. Đi ăn chứ có phải hẹn hò gì đâu. Vả lại chúng em cũng sắp lấy nhau rồi. Thiếu gì lúc tay đôi. Thiếu gì lúc tình tứ. Thiều quý chị lắm, anh ấy nói ai có được một người chị gái như chị là một hạnh phúc lớn.

Tôi nhún vai:

-Cám ơn.

Đến lượt Nhã nghiêm trang:

-Em nói thật đấy. Người nào em quen cũng bảo thế chứ không riêng gì Thiều. Ai cũng bảo rằng có được người chị gái như chị là một diễm phúc, một may mắn. Nhưng riêng em thì thấy chị là người độc ác nhất, đáng ghét nhất.

Hai chị em cùng cười. Tôi sau đó nhận lời đi ăn với Nhã và Thiều. Nhã hài lòng, không đem Trường ra trêu chọc tôi nữa. Rải bộ một lúc đã gần đến đường Tự Do thì những tia nắng đầu ngày bắt đầu dấy lên. Những giọt nước mưa vẫn còn nhỏ tí tách lên những lòng mái và những chùm lá. Mặt đường còn nhiều vũng nước, nhưng nắng đã lên. Sau cơn mưa, mặt trời rực rỡ chan hòa thả xuống thành phố thêm một trận mưa khác: mưa kim cương, mưa hào quang.

Chúng tôi nắm tay nhau, bưóc thong dong giữa đám người qua lại. Một vài chàng trẻ tuổi đi qua còn ngoái đầu nhìn lại. Họ xì xào với nhau, có lẽ là về chúng tôi.

Nhã huých nhẹ khuỷu tay:

-Nói chị đấy.

-Nói mày.

-Nói chị.

-Chị già rồi, chẳng ma nào nhìn hết.

Đi chơi với Nhã ngoài đường phố bao giờ cũng có chuyện ‘đổ vấy’ cho nhau như vậy. Mỗi khi có đàn ông nhìn là chị đổ cho em, em đổ cho chị rồi cùng nhau cười khúc khích. Nhã rất xinh đẹp. Một vẻ đẹp tươi tắn phơi mở, rực rỡ như nắng bình minh, như hoa mới nở; vẻ đẹp đặc biệt của những người con gái thời đại bây giờ.

Trường bảo tôi đẹp. Cái đẹp này khác với cái đẹp của Nhã. Chàng nói phải là một người đàn ông có tâm hồn, có một cặp mắt tinh tế mới khám phá được trọn vẹn những vẻ đẹp tế nhị chứa giấu của tôi. Chàng khen quá lời, tôi biết vậy. Nhưng được chàng khen, tôi cũng cảm tưởng là mình đẹp. Chứ còn bình thường đi trên hè phố giữa đám đông, người được những chàng trai trẻ xì xào nhìn ngắm tất nhiên phải là Nhã.

Đi gần tới bùng binh Nguyễn Huệ, trời đã nắng lớn. Một đám trẻ con đứng vây lấy những cây nước chảy ngược trắng xóa như những bông hoa bằng những cái nhìn thích thú và mê đắm nhất của tuổi thơ.

Tôi hỏi Nhã:

-Đên đâu bây giờ?

-Em muốn đi mua áo.

-Cả áo cưới?

-Vâng. Nếu có hàng đẹp cũng mua luôn.

Tôi nghĩ lúc này mới là tháng 6, mới đầu mùa mưa, chuyện vui của Nhã thì mãi đến tháng 10. Còn những bốn tháng. Con nhỏ này đã sống với hạnh phúc của nó ngay từ bây giờ. Tôi cười:

-Làm gì mà gấp quá thế?

-Sửa soạn dần đi thì vừa.

Tôi nói:

-Mua bán như thế này, đáng lẽ người đưa em đi phải là Thiều mới đúng.

Nhã giơ cả hai tay lên trời:

-Anh ấy chẳng biết gì đâu chị ơi! Đi với em, chỉ thích vào tiệm ăn, phòng trà, rạp chiếu bóng thôi. Chẳng có con mắt mỹ thuật gì hết. Anh ấy cho em mấy hàng áo, em cất biệt, có may mặc được gì đâu! Đi với chị mới yên chí. Chị chọn hàng áo nào là hàng ấy đẹp nhất.

Tôi cười:

-Ai nói?

Nhã nịnh:

-Em nói.

Nó trêu thêm:

-Anh Trường nói.

Tôi đấm nó một cái thật mạnh vào lưng:

-Con quỷ! Đã bảo cấm nói đến anh Trường.

Nó lè lưỡi:

-Ghê!

Hai chị em bước vào một tiệm tơ lụa ở đường Tự Do. Đã lâu lắm, tôi không đi phố, cũng không mua sắm gì hết. Cửa tiệm mới mở. Tôi chưa đến đây lần nào. Đây là một cửa tiệm tơ lụa lớn, một biển tơ lụa và một rừng vải vóc bày biện bán khắp trên những giá gỗ, tạo cho người mới dặt chân vào một cảm giác rợn ngợp. Màu sắc lộng lẫy đủ kiểu, đủ hình vây kín lấy làm cho hoa mắt.

Tôi lẳng lặng đi theo Nhã qua những quầy hàng. Người đến mua sắm thật đông. Những tiếng cười nói ồn ào nổi dậy ở khắp các xó góc.

Tới ngăn hàng bày những hàng lụa và gấm thường được dùng để may áo cưới, Nhã đã đứng lại rất lâu. Nó tỏ ý thích hàng này, chê hàng nọ, và bàn đến những kiểu áo cưới đang được yêu thích nhất bây giờ. Nó đồng ý với tôi là mua ngay áo cưới tháng này là hơi sớm. Mua, ngộ nhỡ lại có những hàng mới từ ngoại quốc tới, mà đẹp hơn hàng đã mua thì sao! Với Nhã, cái áo cưới là cả một vấn đề quan trọng. Sao cho phải thật vừa ý, thật hoàn toàn.

Tôi đứng đàng sau Nhã, nghĩ rằng phút này tôi đã 34 rồi, nhưng vẫn chưa được sống những cảm giác rạo rực hân hoan của một người con gái sắp lên xe hoa về nhà chồng như Nhã. Với tôi vẫn là một tình yêu đợi chờ trong nhớ nhung và trong cách biệt.

Phải, tôi chỉ biết chờ đợi. Qua tuần này tháng khác, qua tuần lễ này đến tuần lễ khác. Chàng ở xa. Một ngày nào đó, chàng trở về, nhưng rồi chàng sẽ lại đi nữa. Và tôi, tôi đợi chờ đến bao giờ đây?

-Chị làm gì mà ngẩn người ra thế?

Tôi giật mình, ra khỏi dòng mơ màng:

-Nhiều hàng đẹp quá, nhìn rối cả mắt!

-Chị chưa chọn cho em hàng nào hết.

-Thời trang bây giờ ra làm sao, chị nào có hay!

Nhã thì biết. Biết tháng này, mùa này, những người con gái bằng tuổi Nhã nghiên về những màu áo và những loại áo nào.

-Mấy tháng trước là gấm Thượng Hải.

Tôi gật:

-Cái đó thì chị biết. Gấm Thượng Hải tháng trước đã phủ kín thành phố này.

Đúng thế thật. Đàn bà là một loại người hay bắt chước nhau. Sống thành khuôn, thành nếp, và nhìn nhau mà sống. Một người đàn bà sống khác những người khác, dù chỉ một phút thôi, lập tức bị nhìn ngắm bằng một cặp mắt khác thường ngay. Như tôi chẳng hạn. Chỉ thích một màu đen, chỉ thích những màu buồn, không thích ồn ào, chỉ thích im lặng, thì với Nhã và với mọi người, trong tôi đã có một cái gì bất bình thường. Chỉ là tôi không muốn giống ai. Trường bảo tôi phải sống như thế. Là mình. Hoàn toàn. Tận cùng. Không thời trang, không bắt chước. Tôi cũng muốn sống như thế thật. Tất cả mọi người đều đua nhau mặc bằng gấm Thượng Hải. Không có tôi. Tôi là của những hàng áo màu đen.

Nhã làm bộ thành thạo:

-Tháng này khác rồi.

-Như thế nào?

-Gấm không được thích nữa. Ban nãy đi ở ngoài đường, chị không thấy đó sao? Gấm đã biến mất. Tháng này thịnh hành là màu xanh. Xanh nhạt, xanh thẫm cũng được hết. Và hoa thật lớn.

Tôi cười nói đùa:

-Thế tháng nào thì màu đen?

Nhã đùa lại liền:

-Tháng anh Trường!

Con nhỏ thật tinh quái. Nó biết cứ mỗ lần nó nhắc đến anh Trường là một lần tôi chịu thua mó ngay. Lần này cũng vậy, tôi lại thua nữa. Đành lảng mau sang chuyện khác.

-Em muốn mua mấy cái áo nào?

-Hai, ba thôi.

-Sao không mua một lần cho đủ?

-Không được! Mua hết một lần làm gì còn có cớ để đi dạo phố, vào cửa tiệm nữa. Mua từ từ. Nay cái này. Mai cái khác. Như thế có dịp đi phố luôn luôn.

Tôi nhìn Nhã lắc đầu. Đám con gái bây giờ tinh không quỷ quái và có những dự tính, những cách sống kỳ lạ, tôi không tài nào hiểu được. Thế giới tuổi trẻ bây giờ có những quay đảo, những quẫy lộn, những phá vỡ ngỗ nghịch kinh ngạc. Ở tuổi Nhã, tôi chưa có đời sống. Tôi ghi nhận cho tôi một thức tỉnh muộn màng, chậm chạp, trong khi ở Nhã và đám bạn bè của Nhã là một thức tỉnh trước tuổi.

Thỉnh thoảng, một chiều thứ bảy, Nhã lại tổ chức cuộc họp mặt với đám bạn trai và bạn gái của nó. Chính là một trong những cuộc họp mặt đó mà Nhã và Thiều đã quen nhau, chịu nhau, và đang sửa soạn đi tới hôn nhân. Những buổi họp mặt ấy, ngôi nhà nhỏ của chị em chúng tôi vang động tiếng cười, tiếng nói của tuổi 20 sống ồn ào như một vùng biển động. Họ mở âm nhạc thật lớn. Khiêu vũ. Tranh luận về thời trang. Tôi ngồi im một góc, không làm sao hòa nhập được vào cái thế giới của Nhã. Đành là đứng ngoài nhìn vào.

Phải mất 15 phút tôi mới chọn xong được cho Nhã hai hàng áo. Một hàng màu xanh nhạt, với những bông hoa màu tím than. Một hàng màu vàng tươi với hoa xanh đậm. Nhã chịu là đẹp lắm.

-Chọn áo phải có chị mới được. Đám bạn gái em bảo chị chọn hàng áo là nhất, không ai bằng.

Tôi cười:

-Thiều có thích thế không?

Nó bĩu môi:

-Cần gì anh ấy thích.

Tôi ngạc nhiên:

-Em làm đẹp cho Thiều. Thiều phải thích mới được chứ.

-Mặc! Không thích cũng ráng chịu. Em thích là anh ấy phải thích à!

-Không thì sao?

-Thì chết với em!

Tôi bật cười:

-Con nhỏ này dữ.

-Hiền như chị đâu có được. Em đã nhất định như thế rồi. Đã bảo Thiều và Thiều cũng đã ưng thuận như vậy.

Bị kích thích bởi sự tò mò, tôi hỏi:

-Ưng thuận cái gì?

-Cho em được điều khiển tất cả, quyết định hết thảy. Nghĩa là Thiều phải nghe em.

-Nghe thế nào?

Nhã thản nhiên:

-Nghe thế thôi. Chẳng thế nào hết.

Nó cười, giọng nửa đùa nửa thật:

-Bắt chết phải chết. Cho sống mới được sống. Đàn bà bây giờ phải thế chị ơi! Chỉ có chị mới chịu để cho anh Trường điều khiển như thế. Thiều với em thì còn lâu!

Lần này tôi không cấm nó nói đến Trường nữa. Tôi thấy cần phải bênh vực cho người vắng mặt. Nhã vơ đũa cả nắm về đàn ông như thế không dược. Tôi không phải là nó. Trường càng không phải là Thiều. Mà khác. Khác hẳn. Tôi dịu dàng:

-Anh Trường khác.

-Đàn ông ai cũng vậy.

-Nói bậy.

-Động một tí là chị bênh anh Trường chầm chập à!

Tuy không thể tránh không nói đến Trường, bởi cái lẽ giản dị và luôn luôn Nhã nhắc để tìm cách trêu chọc tôi, nhưng tôi không muốn kéo dài câu chuyện. Về Trường, trước sau, hai chị em bất đồng ý kiến hoàn toàn. Vả lại, về Trường, có hàng nghìn điều kín thầm riêng tư mà tôi không muốn tỏ lộ cùng ai, kể cả với Nhã. Thái độ này của tôi cũng do Trường mà có.

Nhớ một lần Trường từ Thái Lan về, chàng đến đón tôi đi chơi. Chúng tôi ngồi với nhau cả một buổ tối mùa hè trên một tiệm ăn ở tầng cao nhất của một tòa nhà lớn, Trường đã hỏi tôi về Nhã. Tôi nói:

-Nó đã có người yêu.

Trường hỏi:

-Ai Vậy?

-Một người trẻ tuổi. Chúng nó yêu nhau ngay từ lần gặp mặt thú nhất. Tên y là Thiều, con nhà giàu; đã đậu xong hai bằng Tú Tài, đang học Luật. Chúng nó định chờ cho Thiều có bằng cử nhân luật rồi mới lấy nhau. Nhưng rồi hai đứa cùng đồng ý là hông nhân không phải là một cản trở. Thành ra, anh chị làm lễ thành hôn càng sớm chừng nào, càng hay chừng nấy.

Trường cười:

-Em biết rõ quá nhỉ!

Tôi đáp:

-Chuyện! Em là chị ruột của nó mà.

-Chưa đủ là một lý do.

-Nó thích tâm sự với em. Nhiều đêm nó đòi ngủ chung giường, bắt nghe chuyện của nó tới sáng.

Trường hỏi:

-Em thì sao?

Tôi nói tôi không cởi mở được như Nhã. Có những điều tôi muốn giữ bí mật như một tư hữu.

-Vả lại em cũng không nói nhiều như nó được. Mà em có nói, em cũng chẳng có gì để nói. Anh thấy đó, em biết thật ít về anh.

-Như thế tốt hơn.

Tôi ngạc nhiên:

-Em không hiểu.

-Người ta chỉ nên biết về nhau vừa vặn những điều cần biết.

-Như?

-Như anh yêu em là đủ. Tôn trọng đời sống riêng của nhau là cái thái độ đẹp nhất của tình yêu.

Hôm đó, tôi đã muốn cãi lại Trường. Là đời sống của tôi với chàng không có một đất đai riêng tư nào hết. Đời sống tôi chính là chàng. Chàng như không khí tôi thở từng giây từng phút; như mặt trời tôi nhìn thấy ở phương Đông mỗi buổi sáng; như vì sao đêm sáng trên vòm trời; là những biện hữu không rời; những có mặt thường trực.

Vậy mà trên một sự thật khác, tưởng là khó tin mà lại chính là như vậy. Tôi gần như không hay biết gì về đời sống của Trường. Chàng đến với tôi giữa hai chuyến đi dài, sau những lần vắng mặt nhiều khi tới hàng năm, bảy tháng.

-Anh yêu em là đủ. Em chỉ cần biết như vậy.

Nghe không chịu được. Mà nghe cho kỹ, cho cùng, cũng có lý. Liên hệ giữa tôi và Trường bởi vậy cũng thật đặc biệt. Tôi nghĩ nó không giống với bất cứ thể loại liên hệ nào khác của những người yêu nhau khác. Nó thật sâu nặng. Chúng tôi cùng yêu nhau mà. Đã năm, bảy năm yêu. Năm thứ bảy cũng đằm thắm như năm thứ nhất. Nhưng nó cũng thật nhẹ nhõm. Như mây. Như khói. Tưởng như nếu một trong hai người muốn, thì chỉ cần hất nhẹ tay một cái là liên hệ ấy sẽ đứt rời ngay như một sợi chỉ mềm. Nhưng sợi chỉ ấy không bao giờ đứt. Trường là tình yêu đầu tiên và cuối cùng của tôi. Tôi đã quyết định với tôi như vậy.

Ra khỏi tiệm tơ lụa, Nhã kéo tôi đi lang thang hết tiệm này đến tiệm khác, cho tới 12 giờ trưa. Cái tuổi con nhỏ đúng là cái tuổi mua sắm. Nó mua lung tung, sắm dủ thứ. Cái gì cũng thích, cũng đòi mua bằng được. Nó đưa tôi vào hàng lang Eden rồi sang hành lang Tax, càng đi cành nhanh nhẹn, không biết mỏi mệt chút nào.

Gần một giờ, tôi đứng lại giữa bùng binh Nguyễn Huệ gắt lớn:

-Thôi, đi về!

Nhã cười:

-Đâu được. Chưa đến 12 giờ.

Nhã cười, nắm nghiến lấy tay tôi lôi xềnh xệch. Nhiều người đi đường quay lại cười. Tôi ngượng, khiến cho con nhỏ cười lớn hơn. Tiếng cười của Nhã giữa cái bùng binh kín đặc người đi lại cũng là một phần ảnh hưởng khác thường cho cái tâm tính, cái lối sống của đám con gái bây giờ, mà Nhã là một. Họ tự do quá thể. Họ chẳng coi ai ra gì. Họ làm chủ thành phố này. Đám đông là của họ, với những hè đường, những ngã tư, những cửa tiệm, những bùng binh.

Tôi chùn người lại như một con giun la lên:

-Con quỷ sứ! Mày làm cái gì thế?

-Đi nữa!

-Đừng có bắt nạt tao!

-Chỉ có anh Trường mới bắt nạt chị. Em còn nhiều thứ phải mua mà.

-Lần sau mày đi một mình. Cho vàng tao cũng không đi với mày nữa.

Khuôn mặt đang tươi cười đùa nghịch của Nhã chợt buồn hẳn đi khi tôi nói với nó là lần sau tôi không đi với nó nữa. Tôi biết tại sao nó buồn. Tuy còn mấy thánh nữa mới đến ngày nó lên xe hoa về nhà chồng, nhưng cũng đã như chị em sắp sửa xa nhau vĩnh viễn. Tôi biết như vậy. Nhã cũng biết như vậy.

Từ ngày mẹ chúng tôi mất đi, hai chị em nương vào nhau mà sống. Nói đến những người thân yêu ở trên đời, hai chĩ em không còn ai. Nhớ phút lâm chung, mẹ đã gọi chúng tôi lại gần giường người. Bà nói vĩnh biệt chúng tôi, dặn tôi đủ điều, trong đó có điều quan trọng nhất là phải trông coi Nhã thay bà cho đến khi nó khôn lớn, lấy chồng đi ở riêng. Tôi đã hứa với mẹ tôi trước khi người nhắm mắt. Tôi nuôi Nhã thay mẹ. Nhiều lúc nó làm nũng, làm khó tôi, vì biết tôi giữ lời hứa với mẹ, thê nào tôi cũng chịu, cũng chiều nó hết. Bây giờ, chỉ còn vài tháng nữa, lại chị em mỗi người một đời riêng. Trong đoàn tụ đã thấp thoáng mầm ly biệt là thế. Tôi nhắc đến lần sau là gợi cho nó nghĩ đến lúc chia tay. Nó đã buồn. Quả nhiên nó nói ngay:

-Rồi đến lúc chị muốn cho em đi cùng, em cũng không còn đi với chị được nữa.

Con nhỏ này thật dễ xúc động. Một phút trước nó cười đùa như phá. Vậy mà nói xong câu nó vừa nói, tôi ngó đã thấy Nhã nước mắt chạy vòng quanh.

Tôi nắm chặt lấy tay nó:

-Xin lỗi! Chị không định nói thế.

Nhã bùi ngùi:

-Em cũng biết chị không định nói thế. Nhưng chị đã nói, làm em buồn. Chị muốn về thật sao? Thì về!

Đến lượt tôi phải dỗ dành:

-Nói đùa. Nào, thiếu thứ gì nữa thì đi mua nốt. Chị chỉ hơi khát nước một chút.

-Em cũng vậy.

-Chị muốn vào đâu?

-Tùy em.

Nhã chỉ về tay cuối phố:

-Ở đàng kia có một quán nước mới mở, có máy lạnh rất tối tân. Chỗ ngồi cũng lịch sự lắm.

Tôi kéo tay Nhã nói đùa:

-Nào, đi mau kẻo tao thay đổi ý kiến.

Đúng như lời ‘giới thiệu’ của Nhã, quán nước có một hệ thống máy lạnh tối tân thật. Hơi lạnh rất đều trong một không khí rất thoáng. Bàn ghế kiểu mới, đệm thật đầy. Trang hoàng khá mỹ thuật. Chúng tôi kéo ghế ngồi xuống. Bằng một giọng thành thạo, Nhã gọi cho nó và tôi mỗi người một thứ đồ uống làm bằng trái cây. Nhã hỏi:

-Quán được không chị Tuyền?

Tôi gật:

-Được lắm! Em phải đưa chị đến đây luôn mới được.

Vừa khi ấy, một người đàn ông đi qua. Tôi ngạc nhiên khi Nhã cất tiếng gọi:

-Anh Phan!

Người đàn ông đã đứng tuổi, phục sức rất giản dị. Một chiếc sơ-mi trắng cụt tay, một chiếc quần tropical mầu xám nhạt. Dép mỏng ở chân và mái tóc cắt ngắn.

Tuy bị gọi bất ngờ nhưng ông ta từ tốn quay lại, dáng điệu trầm tĩnh. Nụ cười hiền lành, chân thật, gây được cảm tình.

-Cô Nhã! Tưởng ai!

Nhã hỏi:

-Anh đi một mình?

-Vâng.

-Mời anh ngồi cả đây cho vui. Giới thiệu với anh Phan, đâu là chị Tuyền tôi.

Phan cúi đầu chào. Tôi gật đầu đáp lại. Tuy Nhã đã ngồi nhích vào một chút cho Phan có thể ngồi cùng một phía, nhưng Phan chỉ kéo ghế ngồi đối diện. Người đàn ông này biết giữa lễ, đứng đắn, không suồng sã như những người đàn ôn khác, tôi nghĩ thầm. Trông Phan có vẻ quên mùa một chút, không phải là loại người của đàn bà với những cung cách hào hoa phong nhã thường thấy. Mà là loại đàn ông không có hào quang, không tỏa ánh sáng, nhưng có thể tin tưởng được ở lòng chân thành và tâm địa ngay thẳng, ấy là tôi ‘xem tướng’ một cách hàm hồ như vậy. Tôi không tinh lắm về đàn ông. Cũng chưa thấy Phan lần nào. Đây là lần đầu. Nhã hỏi:

-Anh Phan đi đâu đó?

Phan cười:

-Cũng như Nhã, vào đây uống nước.

-Như em thế nào được! Thiều nói có bao giờ anh lui tới phòng trà hay những quán nước đông người đâu!

-Không bao giờ thì cũng hơi quá. Thỉnh thoảng tôi cũng đến chứ. Nhưng tôi thích những chỗ yên tĩnh vắng vẻ hơn.

Nhã nhìn Phan rồi nhìn sang tôi.

-Chị Tuyền đã gặp anh Phan lần nào chưa nhỉ?

Tôi trả lời:

-Chưa, em ạ.

Phan nói với tôi giọng bình thường, lễ độ:

-Tôi đã được Nhã và Thiều nói chuyện về chị nhiều lần.

Tôi hỏi:

-Anh là thế nào với Thiều?

Nhã nhanh miệng đáp thay cho Phan:

-Anh Phan là anh họ của Thiều. Anh Phan làm việc ở ngoài Trung, mới đổi về Sàigòn được mấy tháng nay.

-Anh làm ở sở nào?

-Thưa, ở Nha Điền Địa.

Phan đã đứng tuổi. Tôi đoán ít nhất cũng phải 40-45 gì đó. Phan lại là một công chức. Người đàn ông này không có vẻ gì là một người chơi bời, tôi nghĩ thầm. Chắc đã làm cha, làm chồng từ lâu. Tôi hỏi:

-Anh được mấy cháu rồi ạ?

Phan hơi lúng túng:

-Thưa, hai.

Hai chị em chúng tôi nhìn nhau trong khi Phan nói tiếp:

-Nhà tôi đã mất được mấy năm nay.

Con Nhã quỷ quái, thích nói đùa, thích trêu nghịch thiên hạ, trêu tôi trước nhất, bèn nói luôn:

-Chị Tuyền em thì chưa lập gia đình.

Tôi yên lặng nhìn Phan, anh chàng xem chừng lại không được tự nhiên, mạnh bạo như tôi, không dám nói đùa lại một câu nào. Ngồi chừng 15 phút, Phan xin phép cáo từ sau khi đã gọi bồi bàn lại, nhất định xin phép được trả tiền. Phan đẩy ghế đứng lên:

-Mong sẽ được gặp lại chị.

-Dạ.

Nhã nháy mắt:

-Sáng mai anh lại ra đây nhé.

Phan ngơ ngác:

-Sáng mai? Lại ra đây?

-Chứ sao! Em sẽ có mặt ở đây, anh lại trả tiền như bữa nay.

Trong khi Phan đi ra phía cửa, tôi cau mặt gắt:

-Nhã! Không được hỗn! Mày lếu láo vừa chứ!

-Em thích trêu anh Phan nhất à! Người đâu mà hiền lành quá trời. Hiền nhu Phật ấy.

Chờ cho Phan đã ra tới ngoài đường, tôi mắng Nhã:

-Trẻ không tha, già không thương. Mày không có để cho ai yên là làm sao?

Nhã xua tay:

-Trêu anh Phan như vừa rồi ăn thua gì. Những lần gặp ở nhà Thiều, em trêu anh ấy cả buổi. Chỉ cười khì khì. Lạ lắm, ai muốn nói gì thì nói, làm gì thì làm. Không có tức mình, không có nổi giận. Mong được gặp chị, được quen với chị lắm đấy.

Nhã cười:

-Đến lúc được thấy mặt, được làm quen, thì như ngồi phải ổ kiến lửa, vội vã đứng lên xin đi ngay. Quê một cục.

Tôi thấy cần phải bênh vực cho người vừa đi khỏi:

-Ai dám ngồi với mày? Hỗn như gấu!

-Anh Phan đâu có cần ngồi với em. Chỉ muốn ngồi với chị. Em nói đến chị nhiều lắm. Và anh Phan có vẻ rất thích nghe chuyện em những lúc em nói chuyện đến chị.

Tôi đập vào vai Nhã:

-Mày nói đến tao làm sao?

-Ca tụng ghê gớm. Nói chị là một người đàn bà hoàng toàn, một người vợ lý tưởng cho những ai muốn lập gia đình. Nghĩa là em nhất Việt Nam, chị thì ghê hơn, chị nhất thế giới.

Tôi nghiêm trang thật sự. Con nhỏ này nhảm quá thể. Không có đùa với nó được nữa. Nó nói nhăng nói cuội, mình vạ lây vì nó hồi nào không biết. Tôi thành thật nghĩ tôi chỉ là một người đàn bà tầm thường, mờ nhạt trên mọi phương diện. Nghĩ về mình, tôi không tìm kiếm được cho tôi một điểm đặc biệt nào hết. Những đức tính thường được ngợi ca ở người dàn bà, tôi nghĩ tôi cũng không có. Được Trường để ý tới và yêu, tôi cho là một may mắn tình cờ. Phải, đúng là một sự tình cờ, khi tôi gặp Trường lần đầu tiên buổi chiều hôm đó. Tôi vừa ở sở ra thì trời mưa lớn. Trận mưa đầu mùa thật đột ngột. Trời buổi trưa xanh cao, nắng tới chiều còn rực rỡ, vậy mà mây kéo tới lúc nào không biết. Tôi đang đi lững thững trên hè đường, thì mội vài giọt nước thật lớn lộp bộp ném xuống, và một phút sau, trận mưa đã ào ạt quanh tôi. Không có một chiếc xe nào chạy qua. Tôi lại không mang áo mưa. Dù cũng không có. Đành là cắm đầu đến một hàng hiên gần nhất. Chạy quá nhanh, quá vội, lúc đã đến dưới hàng hiên, tôi đứng lại không kịp nên đâm xầm vào một người đàn ông. Người đàn ông đó là Trường. Chàng đang chăm chú xem một tờ báo trên tay chàng rớt xuống. Tôi đỏ mặt xi lỗi. Chàng nói không sao, mưa lớn thế kia chạy đụng vào nhau ở một chỗ ẩn trú hẹp chặt dưới mái hiên là chuyện rất thường.

Thế là chúng tôi quen nhau. Sau này nhớ lại có thể nói không nhầm lẫn là tôi đã yêu ngay chàng từ buổi chiều mưa hôm đó, ở chỗ trú mưa đó. Người ta thường nói đến cái tiếng sét dữ dội và thình lình không báo trước của tình yêu. Có lẽ trong trận mưa vào mùa đột ngột, cũng đã có một tiếng sét ái tình vừa nổi dậy. Và tôi đã yêu Trường như thế, ngay từ lúc chàng còn nguyên vẹn là môt người đàn ông lạ mặt.

Nhưng thôi, kỷ niệm cũ hãy hãy xếp vào một ngăn trí nhớ. Trở lại hiện tại đã. Với tiệm nước. Với Nhã. Với Phan, người đàn ông công chức hiền lành mà chúng tôi vừa gặp.

-Tao cấm mày không được “bốc láo” về tao như vậy!

-Đã sao?

-Đành là chẳng sao, nhưng taơ không thích! Người ta không biết mày đùa, lại tưởng là thật có phải là nguy hiểm cho tao không?

Nhã lại le lưỡi, làm bộ sợ hãi:

-Xin chừa! Xin chừa!

-Thôi đi ra.

Chúng tôi ra khỏi tiệm nước. Buổi trưa hôm ấy, mãi đến một giờ, hai chị em mới về tới nhà.

Mai Thảo


--------------------
Go to the top of the page
 
+Quote Post
 
Start new topic
Replies
lalan
post Sep 10 2015, 09:34 AM
Post #2


Phố Cũ
***

Group: Năng Động
Posts: 2,691
Joined: 21-April 08
Member No.: 43
Country




Chương kết:

Một cái tết Nguyên Đán đã qua. Đã hết một năm. Đã hết 12 tháng của một năm đem lại cho cuộc đời của tôi nhiều biến chuyển lớn lao nhất. Đúng như tôi đã long trọng hứa lấy Phan, tôi đã nhận Phan làm chồng. Đám cưới được cử hành đúng như dự định, vào một ngày gần Tết.

Như mọi đám cưới, như mọi hôn lễ, ngày một người đàn bà lên xe hoa về nhà chồng là một ngày vui. Tôi muốn nghĩ cho tôi cũng vậy. Ai cũng cho là tôi sung sướng. Chính đứa em gái tôi, chính Nhã, đứa em gái đã sống chung với tôi từ nhỏ, hiểu tôi hơn ai hết, cũng tưởng lầm như vậy, tưởng rằng tôi vui, tôi sung sướng, tôi hạnh phúc hoàn toàn.

Khgi mọi chuẩn bị đã hoàn tất, ngày lành tháng tốt đã chọn xong, những thiệp báo hỷ đã được gửi đi, những đồ mừng và những lời chúc tụng đã được gửi đến thì một buổi trưa, một đoàn xe hơi đã đến đậu trước cửa nhà. Hôm đó, tôi không còn là con Tuyền lặng lẽ, thích đọc những tờ thư cũ, thích nghe mưa, và thích những hàng áo màu nâu buồn rầu, màu đen đơn giản nữa. Mà tôi đã là một cô dâu, chờ một chú rể tới.

Lúc giúp tôi một tay trong buồng ngủ, Nhã cài hoa lên mái tóc cho tôi, đã hỏi:

-Chị thấy thế nào?

-Em hỏi mơ hồ chị không hiểu.

-Cảm giác của chị đó. Đó là điều em muốn biết. Hoang mang hay hồi hộp?

Tôi lảng tránh câu hỏi bằng cách hỏi lại Nhã:

-Trước kia em thấy thế nào?

Nhã cay mày, cố nhớ lại, rồi lắc đầu mỉm cười:

-Buồn vui lẫn lộn à, khó nói lắm!’

-Chị cũng vậy.

-Nhưng chị vui chứ?

-Đã đành là chị vui. Em hỏi lạ không!

-Em rất bằng lòng chị đã nghe em. Chị cứ chờ anh Trường mãi thì lỡ hết một đời. Chị thấy không? Anh ấy đánh điện tín báo tin về nhé, rồi anh ấy về thật. Về thật mà không thèm đến thăm chị. Lạ lùng và kỳ cục như thế là cùng. Anh ấy không yêu thương gì chị hết.

Tôi dịu dàng:

-Đánh dây thép là một chuyện. Anh ấy bận rộn không về được là một chuyện khác.

Nhã tức tối:

-Em đã nói cho chị biết rồi mà sao chị không chịu tin em. Anh ấy có về thật. Có người trông thấy mà. Trông thấy rõ ràng anh ấy đi trên đường Tự Do, uống rượu say, cười nói vang động, khoác tay một con mụ đàn bà.

Tôi điềm đạm:

-Có lẽ họ trông lầm.

Nhã giẫy nẩy:

-Lầm thế nào được!

-Thiếu gì người đàn ông giống anh Trường, mà không phải là anh Trường.

-Bây giờ chị lại nói trái ngược lại. Chị vẫn bảo anh Trường là một mẫu đàn ông duy nhất, không có ai giống hết.

Tôi mỉm cười:

-Thế thì chị lầm.

-Chị lầm là cái chắc. Cũng may mà chị đã nhìn thấy. Hôm nay cưới chị em mới hết lo đấy nhé.

-Lo gì?

-Lo phút cuối cùng chị đổi ý, không bằng lòng lấy anh Phan nữa.

-Làm gì có chuyện đó? Em chỉ nói bậy!

Ở một trường hợp khác, tôi đã cải chính cho Trường, mắng Nhã hồ đồ hỗn láo. Bênh vực chàng. Nhưng hôm đó tôi đã nín thinh. Không phải là tôi không muốn bênh vực, mà không dám lên tiếng bênh vực. Phải, tôi không có quyền, chẳng còn một quyền gì hết, kể cả cái quyền nói tốt, nói hay cho chàng.

Trường đã ra khỏi đời tôi rồi. Vĩnh viễn. Ngay từ buổi tối chàng đưa tôi đi ăn ở Khánh Hội, rồi sau đó tôi đòi chàng đưa về nhà. Buổi tối hôm ấy và cái gì xảy ra sau đó, chắc chắn suốt đời tôi còn nhớ rõ từng chi tiết một...

Khi tôi đẩy cửa bước vào, bật đèn, căn nhà sáng lên trong một im lặng đầy và lớn. Nhưng u già đã ngủ từ lâu, hẳn thế. Tôi cất tiếng gọi, nhưng không thấy u ta trả lời. Tọi mỉm cười nói với Trường:

-Anh ngồi chơi, em vào lấy nước cho anh.

Tôi vừa quay lưng đi vào nhà trong thì cánh tay tôi đã bị bàn tay Trường nắm lại, một nắm lại chặt cứng, quyết liệt.

Tiếng Trường trang nghiêm, rành rọt:

-Tuyền, anh hỏi.

Tôi trả lời, hơi thở đã run run, tuy tôi đã cố gắng bình tĩnh:

-Anh bảo gì em?

-Có chuyện gì thế?

Tôi gượng cười:

-Anh ngồi, em lấy nước cho anh uống đã.

-Không cần lấy nước. Anh không uống, anh cũng không khát. Có chuyện gì cần nói với anh, nói ngay đi.

Tuy giọng Trường dịu dàng và ôn tồn mà tôi đã nghe thành một mệnh lệnh.

-Vâng, có.

-Chuyện quan trọng không?

-Quan trọng.

Trường buông tay tôi ra. Chàng nắm mạnh làm cho cánh tay tôi đau nhói. Hai chúng tôi đứng yên ở chỗ cũ, trong dáng điệu cũ, tôi cúi đầu xuống như muốn né tránh được lâu chừng nào hay chừng nấy cái nhìn, cặp mắt của Trường.

-Chuyện chúng mình phải không?

-Vâng.

-Để em hỏi trước em một điều đã. Em đã suy nghĩ kỹ càng chưa?

-Em đã nghĩ đi nghĩ lại hàng trăm lần.

-Như thế tức là em đã thận trọng và đắn đo lắm. Nhưng, em thấy cần thiết phải cho anh biết ngay bây giờ, như thế này không?

Tôi gật đầu:

-Em thấy là cần thiết.

-Đừng quên là anh đi xa mới về. Đừng quên là anh đi xa một năm, anh mới về chiều nay!

-Em không quên điều đó.

-Thế mà em vẫn cứ nhất định nói ngay?

-Để lâu cũng thế mà thôi. Em quý trọng, em kính mến anh vô chừng. Chính vì thế mà em phải nói ngay, dù là em không muốn nói chút nào.

Trường vòng tay ôm lấy tôi, chàng kéo sát tôi lại gần chàng. Hai cánh tay chàng khép lại, tôi gục đầu vào ngực chàng. Chúng tôi đứng như thế thật lâu, thật im lặng. Cuối cùng Trường buông tôi ra. Chàng nói:

-Chúng mình lại đây.

Trong đêm khuya im lặng hoàn toàn, với Trường ngồi lặng lẽ trước mặt , tôi nhớ tôi đã nhìn xuống những ngón tay tôi, nhìn xuống ly nước để trước mặt và lấy hết can đảm, tôi đã nói, tôi đã nói được. Nói cho Trường biết tất cả những chuyện xảy ra ở nhà trong thời gian Trường vắng mặt. Về đám cưới của Nhã, về những ngày tôi đau nặng phải vào trong bệnh viện. Về bức điện tín nhận được khiến tôi tưởng còn lâu lắm Trường mới về. Rồi là sự xuất hiện của Phan trong cuộc sống hoang mang buồn thảm của tôi. Cuối cùng là tôi đã nhận lời lấy Phan. Áo cưới đã may, thiệp đã in, mọi người đã biết, và ngày cưới đã được ấn định.

Tôi nói bằng một giọng đều đều không vui, không buồn, nói chuyện tôi mà khách quan như nói chuyện một người đàn bà khác. Tôi đã phải cố gắng, một cố gắng phi thường mới có được thái độ đó. Kỳ thực là tôi đã trình bày với Trường về hoàn cảnh mới của tôi, bằng một tâm trạng đau đớn cùng cực muốn che giấu.

Đêm trôi đi từ từ. Thỉnh thoảng một tiếng xe chạy qua ở một phố xa, tiếng xe vọng tới càng làm cho im lặng thêm đầy thêm lớn. Trước mặt tôi, Trường hút thuốc lá, chăm chú nghe, không nói một lời nào. Không, chàng có định nói:

-Để cho anh hỏi.

Tôi lắc đầu:

-Cho em nói hết đã. Anh muốn hỏi gì, em sẽ xin trả lời anh sau.

Tôi nói tiếp cho Trường nghe là tôi đã nhìn thấy tôi thật rõ ràng lần này. Trước kia tôi đã nhìn, nhưng tôi không thấy. Tôi vẫn đinh ninh tôi là một người đàn bà đặc biệt, có đủ điều kiện và tinh thần và tình cảm để sống với một mối tình lớn. Có đủ sức mạnh và niềm tin để tham dự vào cuộc phiêu lưu đến tận cùng. Nghĩa là xứng đáng với tình yêu của Trường. Xứng đáng với con người chàng khác thường, với tâm hồn chàng cao hơn. Nhưng cuối cùng là tôi đã lầm. Tôi chỉ là một con đàn bà tầm thường. Tôi chỉ thích hợp với những cái nhỏ chặt, những cái thấp kém, những cái bình thường.

-“Và em xin anh tha lỗi cho em, cho em được sống với cuộc đời tầm thường hèn mọn của em.”

Khi tôi nói xong, lại một khoảng im lặng kéo dài. Tôi có cảm tưởng Trường đang đăm đăm nhìn tôi. Chàng nhìn tôi, và lần đầu tiên trong đời chàng, chàng khám phá, thấy ở tôi một người đàn bà khác.

Tôi lên tiếng, nhắc lại câu đã nói:

-Bây giờ thì anh đã hiểu tại sao em đòi anh phải đưa em về nhà. Còn giấu anh thêm một phút nào là không phải với anh thêm phút ấy. Anh tha tội cho em. Thật tình em thấy không xứng đáng với anh. Chính vì thế, em đã nhận lời lấy Phan.

Một tiếng ghế động. Một điếu thuốc được dụi cho tắt đi trên cái gạt tàn được đặt ở giữa bàn. Trườn đứng lên. Tôi rưng rưng nhìn theo chàng. Trường cúi đầu, bước mấy bước, cặp lông mày chàng hơi nhíu lại. Rồi chàng quay lưng lại tôi, lững thững ra gần cửa sổ, nhìn ra mặt đường khuya. Qua bờ vai Trường bất động, tôi nhìn thấy một khoảng phố, một phiến trời đêm. Những chùm lá rì rào trong gió. Một gò mái nhà nổi hình sau một thân cây. Một ánh đèn từ trên cao ngó xuống, ánh sáng buồn bã, xanh lạnh...

Những ý nghĩ đã chạy qua đầu óc Trường trong mấy phút chàng đứng quay lưng lại, bất động như thế, tôi không bao giờ được biết. Nhưng lời lẽ tôi vừa trình bày, trong một im lặng như tờ, còn như vang ngân bằng một thứ âm thanh lạ lùng trong không khí.

Một lát rồi Trường hỏi, không quay trở lại:

-Chuyện đó xảy ra từ hồi nào?

-Dăm bảy tháng trước đây. Em không nhớ. Cũng không có gì đáng quan trọng.

Đầu Trường cúi thấp thêm một chút nữa. Tiếng chàng nhỏ hơn, thoáng một chút xa vắng mênh mông:

-Phải! Nghĩ cho cùng, cũng chẳng có gì đáng quan trọng hết. Đời sống bây giờ như thế. Đời anh, đời em, cuộc sống của mọi người... Tình yêu, hạnh phúc, xem chừng đều không còn một ý nghĩa đáng kể nào hết. Tất cả đều có thể coi như đứng đắn. Nhưng tất cả cũng lại có thể coi như một trò đùa!

Tôi hiểu câu nói của Trường như một trách móc nặng nề và cay đắng. Chàng có quyền như thế, hơn thế! Chàng có quyền nói tôi những điều tàn tệ hơn. Tôi nghĩ chàng còn có thể lớn tiếng sỉ nhục tôi hay đánh cho tôi vài cái tát.

Tôi dời ghế đứng lên, lại gần chàng. Tôi gục đầu vào vai chàng. Trường hơi rùng mình. Chàng cứng người lại, những bắp thịt rắn rỏi chuyển động sau làn vải áo. Nhưng chàng vẫn nhìn ra ngoài đường đêm, không quay trở lại.

-Em đã xin anh tha tội cho em.

-Nếu em có tội, tội lỗi của em không thể nào tha thứ được, và có xin cũng vô ích. Tội càng nặng hơn. Nhưng anh nghĩ em không đáng trách. Người đáng trách là anh. Hà, thật tình là có nhiều lúc anh quên em là một người đàn bà. Anh chỉ còn nhớ em là tình yêu của anh, mà quên em là một người đàn bà. Đáng lý ra, anh phải nghĩ đến chuyện này từ lâu. Bằng sự xa cách rồi sẽ làm cho chúng ta xa nhau và mất nhau hẳn.

Trường bật lên một tiếng cười nhỏ:

-Bây giờ nghĩ đến chuyện đó thì đã muộn!

Sau câu nói này, Trường mới quay lại:

-Phải thế không?

Tôi cúi đầu, đứng im không nói. Trường đưa hai tay giữa lấy hai vai tôi, nghiêm trang:

-Ngẩng đầu lên!

Tôi làm theo mệnh lệnh của chàng. Chàng lại nói:

-Nhìn thẳng vào mắt anh.

Tôi nhìn vào mắt chàng, tôi lại làm theo mệnh lệnh của chàng. Tới giờ phút này, trên một ý nghĩa nào đó, thật sự là giữa tôi và Trường cũng chưa có gì thay đổi. Chàng vẫn là người đàn ông ra lệnh cho tôi. Ra lệnh sống. Ra lệnh chết. Ra lệnh đau đớn. Ra lệnh sung sướng. Và tôi vẫn là con đàn bà nhắm mắt nghe theo những mệnh lệnh của Trường.

-Bây giờ cho anh hỏi vài điều.

Tôi nghẹn ngào:

-Em đã thưa với anh hết.

-Anh biết! Anh hiểu. Nhưng còn một vào điều em chưa nói, và anh muốn biết. Em trả lời cho anh được chứ?

-Vâng.

-Điều thứ nhất, Phan là ai?

-Một công chức.

Trường gật gù:

-Một công chức. Có biết anh không?

-Không!

-Đúng như thế?

-Vâng. Phan chưa từng bao giờ thấy anh, nghe ai nói đến anh.

Xem chừng Trường hài lòng về sự Phan với chàng là một người hoàn toàn xa lạ.

Trường buông vai tôi ra. Chàng quay lại nhìn qua khung cửa ra mặt đường khuya như cũ. Phản ứng trầm lặng của Trường trước tin tôi nhận lời lấy Phan ở ngoài dự tưởng của tôi, khiến cho tôi bối rối. Nếu chàng nóng nảy, lớn tiếng hay la lối, không chừng tôi lại dẽ đối phó hơn. Chàng im lặng khiến tôi đứng ngẩn người không biết phải làm thế nào. Tôi đã nói hết cho Trường hiểu. Nhưng nếu đêm nay là đêm cuối cùng, sau đó có thể suốt một đời người không còn đêm nào như đêm nay nữa, thì còn lại hàng nghìn điều tôi chưa kịp nói ra.

-Anh lại ngồi đây với em.

Trường gật, nhưng chành vẫn đứng đó. Bây giờ hướng mắt của Trường trông lên như chàng đang tìm đọc ý nghĩa những vì sao lấp lánh trên nền trời giữa những chùm lá, những mái nhà.

-Bao giờ?

Tôi hiểu ngay chàng định hỏi chuyện gì. Tôi đáp:

-Trước Tết.

-Nghĩa là chỉ còn vài tuần nữa?

-Vâng.

-Nghĩa là mọi người đều đã biết?

-Vâng. Không phải số đông, nhưng một phần.

-Em đau trận ấy có nặng lắm không?

-Em tưởng đã chết!

Giọng Trường trầm trầm:

-Anh rất ân hận.

-Những ngày đó là những ngày đau buồn và đen tối nhất của em.

-Anh biết. Này Tuyền!

-Dạ!

Chàng quay lại:

-Mặc dầu mọi chuyện có thể xem như đã quá muộn, em đã đắn đo và em đã quyết định, nhưng nếu anh yêu cầu em xóa bỏ hết, không có đám cưới, không có hôn nhân nào nữa, em có nghe anh không?

Tôi bối rối đến cực điểm. Câu hỏi, nghĩ cho cùng là một tất nhiên, sớm muộn thể nào chàng cũng sẽ hỏi tôi câu đó, vậy mà Trường đã hỏi một cách thật bất ngờ. Tôi không biết làm gì hơn là đi vòng từ sau lưng tới trước mặt Trường, ngã vào chàng. Lần này thì tôi khóc, khóc thật sự, khóc thả giàn, khóc như mưa như gió.

Tôi vùi đầu vào vai Trường, nước mắt tôi chảy ràn rụa. Tôi vẫn yêu chàng quá chừng. Tôi vẫn yêu chàng trên hết. Người đàn bà nhất định không muốn cứng rắn, muốn ra khỏi một cuộc tình chỉ đem lại cho mình khổ đau hơn là hạnh phúc, người đàn bà đó, ở tôi không còn nữa. Trường ôm chặt lấy tôi, chàng để mặc cho tôi khóc. Khóc quả là một cần thiết. Chưa biết sống chết như thế nào, nhưng tôi phải khóc, phải khóc trước đã.

Tôi nghe thấy tiếng Trường trên mái tóc:

-Nín đi! Chúng mình đang nói chuyện.

Tôi nói giữa hai dòng lệ chảy:

-Em nói hết rồi. Anh nói gì thì nói đi. Trời ơi! Tại sao anh không về! Tại sao anh bỏ em một mình lâu vậy? Người đàn bà không thể sống một mình! Em buồn, em giận anh, em đã đốt hết những thư từ anh gửi cho em rồi đó, anh biết không? Có những lúc tuyệt vọng, em còn mong anh đừng về nữa cho xong! Đừng bao giờ chúng mình thấy mặt nhau nữa cho xong.

Chờ tôi nói xong, Trường lên tiếng:

-Em vẫn chưa trả lời câu hỏi của anh.

-Em không biết trả lời thế nào!

-Em biết!

-Thần trí em bây giờ rối loạn.

Tọi lại khóc:

-Em chỉ muốn chết. Đó, em trả lời anh rồi đó! Em chỉ muốn chết!

Trường dịu dàng:

-Chúng mình lại ghế ngồi.

Mái tóc tôi vẫn đặt trên vai chàng, tôi bước theo Trường. Và khi hai chúng tôi ngồi xuống đi-văng, mái tóc tôi vẫn ở yên trong vị trí cũ. Căn phòng mờ mờ ánh sáng. Đêm cuối cùng đây. Người ta không nói tạm biệt với tình yêu bao giờ. Mà vĩnh biệt. Ngày mai, khi trời sáng, khi ngày dựng, khuôn mặt đời sống thình lình đổi khác. Những dấu chân tôi sẽ đặt trên một con đường mới, mái tóc tôi vĩnh viễn không bao giờ còn được đặt lên vai chàng như đêm này, như phút này, tôi nghĩ vậy, và trong thình lình nẩy sinh một ý tưởng kỳ lạ. Đó là: nếu đêm nay là đêm cuối cùng cho chúng tôi, thì cũng xin là đêm cuối cùng cho tất cả cuộc đời. Xin đừng có ngày mai nữa. Tờ lịch đêm nay, xin là tờ lịch cuối cùng trên cuốn lịch. Khoảng thời gian còn lại của đêm nay, xin là khoảng thời gian cuối cùng, những mái nhà, những hàng cây của thành phố này, trong đêm này, xin nhất loạt đổ sập. Mọi hiện hữu xin xóa bỏ hết, kẻ cả tôi, kể cả Trường. Tình yêu đã tan vỡ thì xin hết thảy cũng biến thành hư không.

Trường nói:

-Trả lời câu hỏi của anh.

Tôi rối loạn:

-Anh hỏi em thế nào?

-Nếu bây giờ anh bảo em vất bỏ hết, đi theo anh, em có bằng lòng không?

Tôi lại khóc. Nhưng lần này tôi trả lời Trường. Tôi trả lời mê sảng và thành thật. Tôi trả lời điên cuồng và nồng nàn. Tôi gật đầu lia lịa. Mái tóc tôi vùi sâu vào vai Trường hơn nữa.

-Em bằng lòng! Em bằng lòng!

Thái độ của tôi chừng như làm cho Trường bàng hoàng. Tôi trả lời chàng một cách thật cuồng nhiệt, nhưng cũng một cách thật đau đớn. Chừng như chàng hiểu như vậy. Sự im lặng kéo dài cho tôi biết là Trường đang suy nghĩ. Chàng suy nghĩ thật lâu, sự suy nghĩ ở chàng có một vẻ gì thật bất thường.

Không biết bao nhiêu thời gian trôi qua. Chợt Trường đẩy nhẹ tôi ra, đứng lên. Tôi níu áo chàng lại:

-Ngồi đây với em.

Trường mỉm cười, dịu dàng:

-Em muốn anh ngồi lại sao?

Tôi gật, ôm chặt lấy chàng, buộc chàng phải ngồi xuống:

-Em muốn, em muốn!

-Muốn anh ngồi đây đến bao giờ?

-Hết đêm nay. Tới sáng mai... Mãi mãi...

Trường gật:

-Anh sẽ ở đây với em mãi mãi.

Chàng lại ngồi với tôi một lát nữa. Chàng lại suy nghĩ nữa trong im lặng, rồi chàng nói:

-Nhưng bây giờ thì anh về.

Thấy Trường đứng lên, tôi ngạc nhiên, ngạc nhiên thành thực:

-Anh bảo anh ở lại đây với em...

Trường mỉm cười:

-Anh đã đi đâu? Anh còn ở đây mà.

Chàng lại đến đứng trước khung cửa mở rộng, tưởng chừng như đêm đó, suốt buổi tối tới nửa khuya đêm đó, khung cửa sổ với những chùm sao và những bóng lá bên ngoài đã có một sức thu hút đặc biệt khác thường đối với chàng. Chàng lại nhìn thật lâu ra trời đêm. Chàng nói, tiếng trầm thấp im lặng:

-Bây giờ anh mới nhìn thấy em, nhìn thấy em một cách rõ rệt không nhầm lẫn. Em không phải là một người đàn bà của những cuộc phiêu lưu, một đời sống gió bão. Mà với em, phải là những ngày tháng êm đềm, một hạnh phúc đơn giản, bình yên. Từ trước đến giờ, anh vẫn chỉ muốn em cùng tham dự với anh vào một cuộc phiêu lưu. Em không phải là người đàn bà của sự tham dự đó.

Chàng ngừng lại một giây rồi mới nói tiếp:

-Phải! Đúng là bây giờ anh mới thấy rõ! Thấy rõ như vậy!

Chàng chợt quay lại. Ánh đèn tỏa nghiêng trên khuôn mặt chàng làm cho cái nhìn của chàng sâu thẳm. Phút này, tôi quên hết. Quên Nhã, quên Phan, quên một ngày cưới đến gần, và đêm nay, mà tôi đã định là đêm vĩnh biệt. Trường đứng đó. Tôi chỉ còn là một sở hữu, một đồ vật của chàng. Vây bọc lấy tôi là một không khí huyền hoặc. Tôi bàng hoàng và tôi chờ đợi.

-Anh nói anh dành cho em một sự bất ngờ trong số những quà tặng anh mang về cho em, em đoán được sự bất ngờ đó là gì không?

Tôi lắc:

-Em chịu!

Tôi cố đoán, cũng vẫn không đoán được:

-Anh không chịu cho em biết ngay. Anh bảo ngày mai anh mới cho em biết.

Trường gật đầu:

-Anh nói thế thật. Nhưng bây giờ thì anh đổi ý kiến rồi. Em có thể biết ngay bây giờ.

Chàng thò tay vào cái túi áo, mắt vẫn nhìn tôi, dịu dàng chàng gọi:

-Lại đây!

Tôi đứng lên, từ từ tiến đến. Trường rút bàn tay chàng khỏi túi áo. Trong tay chàng một cái hộp gấm đỏ.

-Anh mua nó ở một tiệm kim hoàn lớn ở Paris. Buổi chiều hôm đó, anh nhớ là anh đã nhớ em ghê gớm.

Trường từ từ mở nắp hộp. Trong hộp sáng óng ánh một chiếc nhẫn kim cương. Tôi giật mình nhớ đến một chiếc nhẫn đính hôn khác. Chiếc nhẫn của Phan mà tôi đã tháo ra cất đi trước khi ra phi trường đón Trường.

Chừng như Trường đoán được ngay ý nghĩ thầm kín của tôi. Chàng thản nhiên:

-Em đã nhìn thấy một chiếc nhẫn tương tự như thế này rồi phải không?

Tôi ấp úng chưa biết trả lời thế nào. Trường nói tiếp:

-Không sao! Chiếc nhẫn này tới muộn một chút. Nhưng không sao, không sao. Đưa tay em đây!

Chàng lại ra lệnh, và tôi lại nghe theo mệnh lệnh của chàng. Tôi đưa bàn tay ra. Trường nhẹ nhàng nhấc chiếc nhẫn khỏi cái hộp gấm, lồng chiếc nhẫn vào ngón tay cho tôi.

Tôi cúi xuống với chiếc nhẫn đính hôn Trường vừa lồng vào ngón tay. Cử chỉ của chàng vừa dịu dàng vừa trang trọng, chừng như vừa có một vẻ gì tinh nghịch giễu cợt, lại vừa cực ky nghiêm trang buồn bã.

Hai đứa chúng tôi đứng thật gần nhau. Dưới ánh đèn, cái bóng dáng đầy vẻ phong sương ngang tàng của chàng phủ kín lên cái bóng tôi bé nhỏ.

Tôi nghẹn ngào:

-Em không ngờ.

Tiếng Trường:

-Em nhận không?

Tôi gật đầu, nước mắt lại ràn rụa. Trường nói:

-Một người đàn ông khác đã làm như anh vừa làm, đã đeo vào ngón tay em một chiếc nhẫn đính hôn. Nhưng đây mới là chiếc nhẫn đầu tiên, lời đính hôn thứ nhất.

Tôi gật, gật liên hồi:

-Vâng, vâng!

-Ở Ba Lê, ở Đông Kinh, anh đã nghĩ đến lúc này. Chúng ta đứng đối diện thật gần như thế này. Và anh đeo nhẫn này cho em. Anh đã thực hiện được điều anh muốn làm. Thế là đủ.

Chàng hôn nhẹ lên mái tóc tôi:

-Chúc em sung sướng.

Tôi chưa biết nên có thái độ nào, phải nói với Trường như thế nào. Tôi chưa biết tôi nên cười thật lớn, cưới với một hạnh phúc tột đỉnh hay khóc, khóc với một bất hạnh tận cùng, thì Trường đã nâng tay tôi lên, và chiếc nhẫn được tháo ra. Trường bỏ chiếc nhẫn vào cái hộp gấm, đậy lại cho vào túi. Chàng vòng hai tay ôm chặt tôi.

Tôi ngửa mặt lên, và chúng tôi hôn nhau. Những trao hôn nồng nàn mê đắm giữa Trường và tôi đã có thật nhiều lần. Nhưng sau này nhớ lại, tôi chỉ còn muốn nhớ lần trao hôn đêm đó. Tôi tan nhòa vào chàng. Đất trời chung quanh biến mất trên một chỗ đứng nào, giữa không gian và thời gian mãi mãi, mênh mông chứ không phải trong căn phòng khách và gần cửa sổ chúng tôi hôn nhau đã gói trọn trong lần trao hôn đó. Tất cả những giấc mơ, những mộng tưởng, những buồn vui, những tiếng cười, những giọt lệ một đời đã đánh dấu bằng lần trao hôn đó. Tất cả những xâu chuỗi kỷ niệm óng ánh muốn lưu giữ trong đáy cùng trí nhớ. Những kỷ niệm đó sau này lúc nào cũng như một rừng hoa thơm ngát trong một góc vườn kín khuất, mà tâm hồn tôi không ngừng viếng thăm.

Lúc Trường buông tôi ra, chàng nâng cằm tôi lên, nhìn thật lâu vào đôi mắt tôi. Chàng mỉm cười, lắc đầu:

-Em khóc nhiều quá!

Tôi nghẹn ngào:

-Em làm khác được sao?

Trường gật đầu:

-Phải khác. Trong lúc khóc, người ta chết. Anh không muốn cho em khóc. Hứa với anh từ bây giờ trở đi, không bao giờ em khóc nữa.

Tôi quay mặt đi. Điều này, tôi không hứa với Trường được, khó quá! Hứa làm sao nổi! Trong tôi, còn một hồ đầy nước mắt chưa chảy ra. Tôi sẽ còn khóc, còn khóc nhiều lần. Nhưng chàng đã bắt tôi quay lại, cho chúng tôi đối diện, cho chúng tôi nhìn nhau như cũ.

-Hứa đi. Anh muốn em hứa!

Tôi nuốt lệ gật đầu:

-Em xin hứa. Em xin cố gắng.

Trường lại nhìn tôi lại một lần nữa. Thật lâu. Như chàng muốn thu hẳn hình tôi vào trí nhớ và kỷ niệm của chàng. Môi chàng phác một nụ cười. Chàng đặt nhẹ tay lên vai tôi. Rồi quay gót chàng đi ra.

Cánh cửa mở ra tới nửa chừng. Một vệt ánh sáng từ phía ngoài chảy vào. Cái bóng Trường đổ nghiêng trên thềm cửa. Tôi gọi theo:

-Anh!

Trường đứng lại, nhìn tôi không nói.

-Ngày mai anh có trở lại?

-Em muốn anh trở lại sao?

-Vâng, em muốn.

Trường dịu dàng gật đầu:

-Nếu em muốn, anh sẽ trở lại.

Cánh cửa từ từ khép lại sau lưng Trường. Tôi đứng im, nghe tiếng giày chàng bước xuống bực thềm. Chàng đã ra tới ngoài đường. Chàng hiện lên giữa khung cửa sổ vẫn mỏ rộng trong một khoảnh khắc. Tôi chạy ra cửa sổn nhìn theo. Phút đó tôi lại muốn kêu tên chàng thật lớn, kêu chàng trở lại. Nhưng cổ họng tôi cơ hồ bị lấp kín, tôi không kêu lên được một tiếng nào. Phút đó, tôi muốn mở cửa chạy raleo lên xe đi theo Trường, yêu cầu chàng đưa tôi thật xa khỏi ngôi nhà tôi đang ở, thành phố tôi đang sống, tới một chân trời, một thế giới khác. Nhưng sự ước muốn như thét lớn thành tiếng trong đầu mà hai chân tôi lại chôn chặt xuống đất, không tài nào nhúc nhích và cử động được.

Tôi thấy Trường mở cửa xe bước lên. Chàng không quay lại nên không nhìn thấy tôi. Chàng vào ngồi trước tay lái, hai bàn tay đặt song song trên bánh lái, mái tóc cúi xuống như đắm chìm trong suy nghĩ. Tôi theo dõi chàng hồi hộp. Tôi thầm mong chàng mở cửa xe bước xuống, trở lại, đẩy cửa, đi vào, tới gần tôi ôm lấy tôi. Phải, sau này nhớ lại cái đêm cuối cùng lạ lùng đó, tôi biết tôi không hề nhớ lầm. Đích thực là tôi đã muốn chàng bỏ đi, chúng tôi thôi nhau. Nhưng cũng đích thực là tôi muốn chàng ở lại, tôi từ hôn với Phan, mặc cho dư luận chê cười, mặc cho Phan đau khổ, tôi với chàng lại có nhau như cũ...

Hai ước muốn trái ngược cùng có trong một lúc! Ước muốn nào thật hơn? Ước muốn nào mãnh liệt hơn ước muốn nào? Thú thật là không bao giờ tôi trả lời được mấy câu hỏi đơn giản này. Không bao giờ! Tôi chỉ mang máng cảm thấy chừng như trong tôi có hai con người, như hai mặt của một tấm gương. Như mặt này là hình cho mặt kia là bóng. Và tôi thì sống lẫn lộn, lúc với hình, lúc với bóng, không phân định.

Máy nổ, chiếc xe lăn bánh, lìa khỏi lề đường. Tôi vẫn đứng sững, hai mắt trân trân nhìn theo cho đến khi chiếc xe mất, đi về cuối phố. Tôi đứng thật lâu trong đêm mênh mông không còn một tiếng động nào. Rồi những sực việc của buổi tối lần lượt trở về trong trí nhớ. Vậy là Trường đã trở về sau một chuyến đi xa. Chúng tôi đã gặp nhau. Tôi đã lựa chọn, đã quyết định nói ngay cho Trường biết về chuyện tôi sẽ lấy Phan cuối tháng này.

Chàng hỏi tôi nếu chành yêu cầu tôi hủy bỏ hôn lễ, tôi có làm theo không. Tôi trả lời chàng là hôn lễ sẽ hủy bỏ nếu chàng muốn. Rồi chàng đeo vào tay cho tôi chiếc nhẫn cưới, và chiếc nhẫn cưới được thu hồi lại ngay sau đó. Rồi tôi nói là tôi muốn chàng trở về lại ngày mai, và chàng trả lời chàng sẽ trở lại. Thế là thế nào? Thế là tan vỡ hay đoàn viên? Thế là thôi hay vẫn tiếp tục? Mất hay còn? Đoạn tuyệt một cuộc tình hay một cuộc tình vẫn tiếp nối? Tôi trở lại ghế bành ngồi xuống bâng khuâng, bàng hoàng với tất cả những phân vân đó trong đầu.

Câu chuyện đời tôi kể đến đây đã gần như chấm dứt. Trường về, hẹn đến tối mai chàng sẽ lại, nhưng tôi linh cảm rằng chàng gặp tôi đêm đó là lần cuối cùng.

Sáng hôm sau Nhã tới, tôi kể cho Nhã biết là tôi đã mời Trường về nhà, cho chàng biết rõ những gì đã xảy ra cho đời tôi trong khi Trường vắng mặt. Cũng là sự tôi quen Phan trong trường hợp nào, tại sao tôi nhận lời lấy Phan.

Nhã hỏi:

-Phản ứng của anh Trường ra sao?

-Anh Trường lặng im, không nói gì hết.

Nhã lẩm bẩm:

-Lạ thật! Không tức giận? Không hoảng hốt?

Tôi cười buồn:

-Chị chưa đủ để anh Trường phải tức giận. Cũng không có một chuyện nào ở đời có thể làm cho anh Trường hoảng hốt.

Nhã cau mày:

-Mà làm sao chị phải trình bày ngay như vậy?

-Chị không thể để chậm lại. Như thế, chị sẽ có lỗi với anh Trường rất nặng!

-Có gì bắt buộc chị phải ‘khai báo’ tường tận từ đầu đến cuối như thế đâu?

-Tất nhiên, không có gì bắt buộc. Nhưng trước sau và trong bất cứ trường hợp nào chị cũng không muốn giấu diếm anh Trường điều gì hết.

Nhã có vẻ không bằng lòng:

-Qua chuyện chị kể lại, chị nói chị tầm thường không xứng đáng. Tại sao chị phải nói thế? Nói như thế để làm gì?

-Đó là sự thật.

Tôi đưa cho Nhã mấy thứ quà Trường mua cho nó. Tôi giấu, không nói đến chuyện chiếc nhẫn đính hôn mà Trường đã lồng vào ngón tay cho tôi. Giữa tôi và Trường đã đích thực có một lễ cưới. Trời đất làm chủ lễ. Tình yêu làm nhân chứng. Chúng tôi, trên một ý nghĩa nào đã lấy nhau giữa sự im lặng không cùng của đêm khuya. Hôn lễ ấy cuộc đời không bao giờ biết được. Kể cả Phan. Kể cả Nhã. Không nên cho họ biết để làm gì. Tôi và Trường đã có với nhau những cái riêng tây, những cái khác thường mà người đời thường không bao giờ biết được.

Nhã hỏi:

-Anh Trường có hẹn trở lại không?

Tôi gật đầu:

-Có!

Nhã kêu lớn:

-Trở lại? Bao giờ?

-Chiều mai! Tối mai, không rõ. Nhưng anh Trường có hẹn trở lại.

-Ngộ nhỡ đụng đầu với anh Phan thì sao?

Tôi thản nhiên:

-Thì đành!

nhã lại được dịp lắc đầu, kêu lớn:

-Chị không có thái độ gì hết!

Tôi gật đầu:

-Em lầm! Có chứ!

Nhã nhăn nhó:

-Chị còn bảo em lầm nữa! Em đã biết ngay mà! Anh Trường về là bao nhiêu quyết định trước của chị tan thành mây khói ngay. Thái độ là thái độ thế nào?

-Chị để tùy anh Trường quyết định.

-Quyết định cho ai?

-Cho Phan, cho chị, cho anh ấy! Anh ấy muốn thế nào cũng được.

Nhã vùng vằng:

-Thái độ của chị làm em không bằng lòng chút nào!

Tôi nhún vai:

-Chị rất ân hận.

-Như thế là chị không đường hoàng với anh Phan. Với cả anh Trường nữa. Và với cả chính chị. Chưa bao giờ em thấy chị lạ lùng như thế này! Em không còn nhìn thấy chị là chị nữa!

Tôi cười buồn:

-Chê chị lắm lắm!

Nhã nói rất hỗn láo:

-Tất nhiên là không ngợi khen vào đâu được!

Sau đó nó đứng lên bỏ về, mặc dầu tôi đã cố giữa lại. Mấy thứ quà tặng của Trường, không biết là vô tình hay hữu ý, nó cũng bỏ quên luôn, không thèm cầm theo. Cánh cửa đóng sập lại sau lưng Nhã rồi mà tôi còn lặng người trên mặt ghế. Nhã đòi tôi phải có một thái độ đường hoàng. Tôi cũng muốn như vậy. Từ xưa đến giờ, tôi vẫn cố gắng sống thật đường hoàng, với chính tôi, cũng như với người khác, trong tình yêu cũng như trong đời sống hàng ngày. Nhưng cuộc đời có những lúc thật lạ lùng thật khó hiểu, và sống đường hoàng đâu phải là một chuyện dễ dàng như Nhã tưởng.

nhã không có vấn đề nào hết. Cuộc đời của Nhã từ lúc nó lớn lên cho tới lúc nó yêu, lấy chồng, về nhà chồng, có con, là hình ảnh của một con đường thẳng, một con đường một chiều, không có những nẻo ngang, không có những ngã rẽ. Tôi thì trái ngược lại. Nhiều lúc tôi không còn là tôi. Tôi trong tình yêu và cái tôi thật tật là hai con người hoàn toàn khác biệt.

Có điều là Nhã đã giận oan tôi. Tôi nói là chiều mai Trường sẽ trở lại. Chàng có thể đụng đầu với Phan, tôi để mặc cho chàng quyết định, như trong thâm tâm tôi biết, hay là tôi linh cảm thấy chắc chắn như vậy, là điều mà Nhã lo ngại sẽ không bao giờ xảy ra. Bởi cái lẽ giản dị là Trường đã quyết định thật. Lúc chàng mở cửa xe bước lên, không nhìn trở lại, lúc chiếc xe phóng đi trên mặt đường về khuya, từ trong khung cửa nhìn theo, tôi chỉ còn thoáng thấy một mái tóc, một bờ vai của chàng, thì cái hình ảnh đó là Trường, với tôi, đã là cái hình ảnh cuối cùng.

Ngày hôm sau, Phan tới lúc 6 giờ. Phan hỏi tại sao chiều hôm trước tôi không đi ăn cùng Phan được, tôi trả lời Phan là tôi bận giải quyết một vấn đề quan trọng. Phan ngập ngừng mãi rồi mới dám hỏi:

-Anh biết được không?

Tôi nói:

-Anh chỉ nên biết nhu vậy. Việc em phải giải quyết quan trọng đến mức em không thể nào gặp anh được.

Phan không dám hỏi thêm nữa. Tôi ngồi nói chuyện với Phan đến 8 giờ thì đuổi khéo Phan về. Tuy đã linh cảm thấy, nhưng trong tôi vẫn còn hy vọng mong manh là Trường sẽ tới. Hy vọng tan biến. Trường không trở lại. Buổi tối hôm đó cũng như buồi chiều sau nữa. Cho tới ngày tôi lên xe hoa về nhà chồng.

Trường đã ra khỏi đời tôi. Không bao giờ tôi còn được gặp lại chàng. Yêu chàng vĩnh viễn trong tâm hồn, dành cho tình yêu tôi một chỗ đứng không bao giờ mất trong trí nhớ, tôi muốn nghĩ về sự không trở lại của Trường như thế này.

Lý do thứ nhất: riêng chuyện tôi không đợi chờ chàng, hoặc đã tỏ ra giao động trong sự đợi chờ, đã đủ làm cho Trường thất vọng. Như thế là tôi không vững niềm tin. Như thế là đã chớm nở trong tôi một niềm ngờ vực. Đó là cái thái độ mà một người như Trường không thể nào chấp nhận được. Với Trường, như thế là tôi đã có ý định bỏ cuộc mặc dầu ý định đó chưa thực hiện xong xuôi hoặc là đang thực hiện mà huey bỏ đi cũng vậy. Tình yêu tuyệt đối đổ vỡ không cần bằng một hành động nào, mà từ trong ý tưởng. Sự lung lay của tôi, cuối cùng đã không được Trường tha thứ.

Lý do thứ hai: Trường hằng nhìn tôi như người đàn bà của một tình yêu, và của một người. Trường đã yêu tôi qua hình ảnh ấy, chàng đã muốn là hình ảnh ấy. Và cái hình ảnh ấy đã đổ vỡ khi tôi nói tôi đã quen biết một người đàn ông khác. Như thế, không phải là Trường ghen đâu. Chàng không thèm ghen với bất cứ một người đàn ông nào vì, và sự thật đúng là như vậy với tôi, không một người đàn ông nào xứng đáng bắt chàng phải bận tâm tới.

Tôi cũng đã nói với Trường như vậy:

-Anh không cần biết Phan là ai. Phan chỉ là một người đàn ông bình thường như trăm ngàn người đàn ông khác.

Nhưng cái chuyện là đã có người đàn ông thứ hai tới, cuộc đời của tôi với Trường hết đẹp. Con người của tôi với Trường hết hay, vì thế mà chàng bỏ đi.

Sau này, có một vài lần nói chuyện với Nhã, khi tâm sự muốn tỏ lộ không kềm giữa được, chúng tôi nhắc đến Trường. Nhã có đưa ra hai lý do đó. Biết nhận xét như thế, Nhã cũng đã thông minh và hiểu đời lắm. Nhưng Nhã mới hiểu tới một mực nào, chưa hiểu tới cái đỉnh chót vót, cái đáy cùng thẳm tình yêu. Nhất là chưa hiểu được Trường qua cái toàn vẹn tốt đẹp khác thường của con người chàng.

Sự Trường ra khỏi đời tôi, không trở lại ngày hôm sau, không trở lại bao giờ nữa, tôi muốn hiểu là một lý do khác với hai lý do tôi vừa nói. Đó là chàng muốn sống rất thành thật với chàng, với tình yêu của chúng tôi từ phút đầu tiên đến phút cuối cùng.

Trở về sau một chuyến đi xa, điều mới lạ mà Trường khám phá thấy ở tôi là con người tôi thực ra cũng vẫn thu hẹp trong những kích thước hữu hạn. Yêu, tôi cũng chỉ yêu được tới một mức giới hạn nào đó. Buồn vui, đau đớn, đam mê, tôi cũng chỉ vui, buồn, đau đớn hay đam mê được tới một giới hạn nào đó. Cuộ phiêu lưu của tôi ra khỏi cuộc đời, vẫn còn cần thiết một con đường trở về. Tôi không phải là cái khác thường, sự tuyệt đối, là tình yêu mà Trường muốn có. Chàng đã muốn có một cái không bao giờ có được. Chàng đã muốn sống một cái tôi không thể nào cùng sống với chàng được. Khám phá ra sự thật này, chàng đã bỏ đi, cho tôi được sống cuộc đời tầm thường, nhưng cũng là cuộc đời đích thực của tôi. Bỏ đi, Trường biểu tỏ cho tôi hay một lần cuối cùng là chàng vẫn yêu tôi, nghĩa là chàng muốn giữa mãi ở tôi một ảnh hình không bao giờ thay đổi.

Khoảng tời gian về say này, đôi khi tôi được nghe nói đến Trường. Mới tháng trước đây thôi, một người bạn của Phan ăn cơm ở nhà. Người bạn vừa trở về từ ngoại quốc.

Lúc bữa ăn đã xong, tôi vào nhà trong cho hai người đàn ông tự do nói chuyện với nhau, tôi thoáng nghe thấy người bạn của Phan nhắc đến một người tên là Trường mà ông ta gặp ở La Mã .

Tên Trường được nhắc đến làm tôi hồi hộp lắng tai nghe. Phan hỏi:

-Người bạn anh vừa nói làm gì?

-Đại diện cho một số hãng buôn quốc tế. Anh ta đi đây, đi đó quanh năm. Loại người đặc biệt nhất của thời đại này, của trái đất hơn là của một quốc gia. Của tất cả những vùng trời hơn là của một vùng trời nhất định.

Tiếng cười của Phan hiền lành:

-Nghĩa là trái ngược hẳn với loại người đứng yên một chỗ, ở yên một chỗ như tôi?

Tiếng cười của người bạn:

-Đúng vậy! Buổi tối ở La Mã, tôi đã được Trường cho sống một đêm La Mã thật đế vương. Anh đưa tôi đến những nơí chốn ăn chơi thanh lịch nhất. Mà hình như không có gì ở La Mã nơi nào trên thế giới, thủ đô nào, kinh thành nào đối với anh ta cũng quen thuộc như Sàigòn, quen thuộc với chúng mình. Anh ta có hỏi thăm tôi về chuyện Sàigòn, nói lâu ngày chưa về. Không biết Sàigòn thay đổi như thế nào.

Câu chuyện càng nghe càng làm cho tôi hồi hộp. Tôi chờ người bạn nói thêm là Trường hỏi thăm đến một người đàn bà tên là Tuyền, nàng còn sống hay chết, nàng sống sung sướng hay đau khổ, nàng có tìm thấy được cho nàng sự bình yên? Nhưng không, người bạn không nói gì thêm nữa. Câu chuyện giữa Phan và ông ta cũng ngừng lại ở đó. Sau đó ông ta cáo từ. Tôi từ nhà trong ra chào. Lúc người bạn Phan ra cửa, tôi dưa tiễn ra đến hè đường. Tôi định hỏi thêm chuyện ông ta về Trường. Nghĩ thế nào, tôi lại thôi. Hỏi làm gì? Cân gì phải hỏi? Ở một nơi thật riêng tây, thật kín khuất trong tâm hồn tôi, vẫn có một loài hoa nở đẹp, hương thơm dịu dàng mà bay lan cùng khắp cõi đời.

Lúc quay trở vào, tôi muốn nghĩ là Trường đã hỏi thăm người bạn về tôi. Muốn nghĩ, để trả lời Trường, bằng tưởng tượng. ‘Anh yêu dấu, em xin trảo lời bằng tưởng tượng’:

-“Dưới những hàng cây và những ánh nắng của thành phố này, từ hết một mùa mưa tới khởi đầu một mùa nắng, vẫn có một người đàn bà tên là Tuyền tiếp tục sống những tháng ngày phẳng lặng. Nói rằng người đàn bà ấy sung suớng hay đau khổ, cũng đều không đúng hết. Một đời sống có khi tới lúc không còn khổ đau, không còn sung sướng. Đó là đời sống của em hiện nay. Nhưng nhờ anh, em đã có được sự bình yên. Tất cả những điều em có được cho đời em bây giờ, chính là nhờ anh mà có. Vĩnh biệt anh, anh yêu dấu! Em chúc anh sung sướng. Em chúc anh mạnh khỏe. Xin anh đừng quên em”.

HẾT



--------------------
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Posts in this topic


Reply to this topicStart new topic
2 User(s) are reading this topic (2 Guests and 0 Anonymous Users)
0 Members:

 



Lo-Fi Version Time is now: 10th June 2024 - 01:02 PM