Welcome Guest ( Log In | Register )

2 Pages V  < 1 2  
Reply to this topicStart new topic
> Những ngày tươi đẹp, Đoàn Thạch Biền
Đông Nhi
post Nov 21 2013, 10:53 AM
Post #13


Bảo vệ tổ quốc
***

Group: Năng Động
Posts: 2,835
Joined: 9-October 09
Member No.: 5,482
Country



CHƯƠNG 13:

Suốt buổi sáng Ngọc nghỉ trực bệnh xá. Ở nhà, tôi chẳng nhận được một quyết định nào của nàng về lá thư của Minh, cũng như chẳng nhận được một chén chè nào, mặc dù nàng đã chịu lấy ký đường.
Buổi chiều, Minh đến thăm và hỏi kết quả của lá thư. Tôi phải tường thuật lại chi tiết buổi nói chuyện với Ngọc cho Minh rõ và nói em hãy kiên nhẫn đợi chờ. Khi người con gái chịu nhận quà tặng của mình, nhất làquà tặng đó là một ký đường cát trắng tinh, họ đã hơi chấp nhận tình yêu mình rồi.
Minh nói
- Anh không an ủi em chứ?
- Anh không thích người khác an ủi mình, nên anh cũng không thích an ủi người khác. Chúng ta cần sự an ủi khi thất bại, nhưng đã bị thất bại rồi có được an ủi cũng bằng thừa.
- Anh muốn nói "Ai chết cho chết luôn" phải không?
Tôi cười.
- Đâu phải vậy. Nếu anh đã hết sức giúp người ta mà vẫn không thành công thì anh nín luôn. Vì an ủi người khác thật quá dễ dàng. Tự mình chưa thắng được sự đau buồn khi thất bại thì đừng bày đặt đem "gương danh nhân" ra dạy người khác. Nhưng em đã thất bại đâu mà cần đến sự an ủi.
- Nếu Ngọc không yêu em, như vậy em chưa thất bại sao?
- Trong tình yêu thất bại hay không là do mình. Mình yêu được người ta là thành công rồi. Nếu người ta đáp lại tình yêu đó là một sự đền bù. Không cần phải có sự đền bù chúng ta mới biết được tình yêu.
- Vậy theo anh thất tình cũng sung sướng lắm?
- Chứ sao. Như sự ngon miệng của một trái me chua.
- Anh đã thất tình chưa mà nói nghe ngon quá vậy?
- Anh thất tình thường xuyên, có ngày hai hoặc ba lần.
- Kẻ thất tình nhiều như anh, đâu có phải là người chung tình?
- Đúng. Nếu em hiểu chung tình là suốt đời chỉ yêu một người dù người đó có phản bội ta. Anh không thích cảnh suốt đời ngồi ôm giữ một mối tình đã đổ vỡ, để than van, để cay cú người và cay cú đời. Anh không phải là một người trung thành suốt đời với một người tình duy nhất nhưng anh là người trung thành suốt đời với Tình yêu.
- Anh không chấp nhận câu "tình đầu là tình cuối"?
- Không, anh yêu dài dài, đến khi sắp chết vẫn còn yêu.
Minh bật cười.
- Anh đúng là con dê chúa. Sắp chết anh còn yêu ai được nữa?
- Sắp chết anh yêu cái chết của mình.
Nhờ ngồi quay mặt ra cửa sổ, tôi đã thấy bóng Ngọc thấp thoáng sau những tàng cây ngoài vườn. Tôi chỉ cho Minh thấy và mặt em hơi biến sắc. Minh đứng dậy.
- Để em trốn ra sau nhà.
Tôi nắm tay Minh giữ em ngồi yên trên ghế.
- Can đảm lên nào. Ngọc đâu có phải là con cọp mà em sợ quá vậy. Dù cho nàng có là con cọp cái đi nữa, em đã lỡ yêu nàng thì hãy rán chịu đựng cho nàng ăn thịt.
Minh nhăn nhó.
- Thấy em lâm nguy mà anh còn chọc quê hả?
Tôi cười.
- Nguy cái quái gì. Tình yêu đang nhẹ nhàng như cánh bướm đến với em, em hãy mở rộng trái tim đón nó. Nếu em bỏ chạy, Ngọc sẽ buồn vì nàng có cảm tưởng tình yêu của nàng nặng nề như con voi, khiến kẻ khác phải hoảng sợ.
Minh phì cười. Khi phì cười người ta không còn sợ hãi nữạ tôi mong lần này tôi sẽ không "suy bụng ta ra bụng chuột".
Minh ngồi khuất sau vách nên khi vào nhà Ngọc mới thấy em. Nàng chưng hửng nhìn Minh giây lát rồi cuí đầu e thẹn đặt chén chè lớn xuống bàn.
- Có hai người mà Ngọc chỉ cho một chén vậy ai ăn ai nhịn?
Nàng nói:
- Ngọc không biết có Minh ở đây, để Ngọc về lấy thêm chén nữa.
Minh kéo ghế đứng dậy.
- Thôi khỏi phiền chỉ. Ngọc, Minh no rồi. Mời chị Ngọc ngồi.
Nghe cậu em nói "no rồi" tôi mừng quýnh. Vậy là chén chè đậu xanh ngon lành kia tôi độc quyền khai thác. L’amour cést pour rien. Tình yêu có "cho không biếu không" cái quái gì đâu mà cậu em tôi "no" mau quá vậy hả? Tôi bưng chén chè đúng dậy, Minh nói:
- Anh đi đâu đây?
- Tôi đi ra ngoài kia ăn chè, để cho hai người tâm tình.
Ngọc nói:
- Anh cứ ngồi tự nhiên. Để Ngọc về.
Tôi nói:
- Đâu được. Ngọc hãy bỏ chút thì giờ "vàng bạc châu báu" ngồi lại đây, nghe cậu em tôi nói chuyện rất quan trọng.
Tôi nói với Minh.
- Em hãy rót nước lọc mời Ngọc uống và pha cho anh một tách cà phê.
Minh cười.
- Chưa gì mà anh đã 'lợi dụng" hoàn cảnh của em.
Ngọc lúng túng ngồi xuống ghế. Tôi bưng chén chè ngồi xuống giường nylon húp sùm sụp. Một lúc, Minh ngồi xuống bên cạnh tôi. Đợi mãi chẳng thấy Minh nói gì, tôi thúc.
- Có chuyện gì thắc mắc khiếu nại em nói đi chứ. đùng làm mất thì giờ "vàng bạc châu báu" của Ngọc.
Minh ấp úng.
- Chị Ngọc... chị Ngọc... chị Ngọc...
Đang húp chén chè một cách ngon lành, nghe Minh lập đi lập lại điệp khúc "chị Ngọc" tôi đâm sặc, nên nổi sùng hét:
- Chị Ngọc, chị Ngọc, chị Ngọc cái quái gì. Bộ tình em là "tình ngọng" hay sao nói chẳng ra câu.
Ngọc bật cười. Khi bật cười người ta không còn e thẹn nữa. Giúp một người hết sợ hãi và một người hết e thẹn, vậy nhiệm vụ của tôi đến đây chấm dứt. Tôi cần phải "vù" ra khỏi căn nhà đang đầy ấp tình yêu này càng sớm càng tốt. Một người bảnh bao như tôi chẳng dại gì để mình thành "kỳ đà cản mũi".
Buổi chiều không còn những chuyến xe đò chạy bạt mạng để dành khách dọc đường, một mình trên quốc lộ tôi phóng xe hết ga. Cây kim vận tốc vọt lên đến 80 km rồi đứng yên. ở Sàigòn, thỉnh thoảng tôi vẫn đem chiếc xe Honda 90 phân khối của mình ra xa lộ chạy thả giàn. Khi phóng xe thật nhanh người ta đã bị say tốc độ và có cảm giác lâng lâng hệt như người say rượu. Đấy chính là lý do khiến những người mê phóng xe không còn sợ hãi cái chết.
Các nhà phân tâm học cho rằng những kẻ mê tốc độ là những người nhút nhát. Ý kiến đó có đúng với người khác không, nhưng nó rất đúng đối với tôi.
Những lúc cảm thấy mình bất lực trước một chuyện gì, chính những lúc đó tôi thèm phóng xe nhanh như người uống rượu tiêu sầu. Nhưng trong buổi chiều này có nguyên do gì khiến tôi phải nhút nhát? có lẽ tôi đã bị nghiện tốc độ như người nghiện rượu, không cần phải có mối sầu mới uống rượu.
Chiếc xe lao đi vùn vụt. Hai hàng cây bên đường liền nhau như một bức tường màu xanh. Gió quật vào mặt tôi ran rát và làm nước mắt chảy dài trên mặt. Tôi buồn cười và nghĩ rằng mình đã khóc. A! Nếu người ta luôn luôn khóc được một cách dễ dàng và vui vẻ như vậy, đời sống sẽ dễ chịu biết bao.
Phố huyện hiện ra rõ dần. Nơi đây có nhiều người qua lại nên tôi giảm tốc độ xe chạỵ tôi rất sợ hãi nghĩ đến cảnh mình gây ra cái chết cho kẻ khác dù không cố ý. Có lẽ suốt đời tôi sẽ là một người nhút nhát vì không thể nào chấm dứt được mạng sống của một người khác.
Đảo vài vòng quanh phố huyện thấy chẳng có gì thích thú, tôi lái xe đến nhà cô bé. Nắng vàng sẫm tràn ngập ở phía balcon và tôi thấy cô bé đang ngồi đọc sách ở ghế mây. Tôi bóp còi xe kêu inh ỏi. Cô bé đúng dậy vẫy tay chào rồi bỏ chạy xuống nhà dưới. Tôi tắt máy, dựng xe trước cửa. Cô bé chạy ra khỏi nhà.
- Ông làm gì mà mặt mày lem luốc như "ông hề" vậy?
Đưa tay vuốt mặt, thấy bụi đen bám đầy hai lòng bàn tay, tôi cười:
- Định đến rủ em đi dự hội hóa trang.
- Em không thích hóa trang thành "cô hề". Em thích hóa trang thành nữ sinh.
- Vậy tôi sẽ hóa trang thành ông giáo.
- Không. Em thích ông hóa trang thành nam sinh. Ông chịu không?
- "Xong dồi”.
Cô bé vỗ tay reo.
- Ông đã hứa thì ông phải làm nghe. Nếu không em sẽ nghỉ ông ra.
Tôi chưng hửng hỏi ;
- Bộ em tính tổ chức dạ hội hóa trang tại nhà em thật sao?
- Đâu có, ngày mốt em đi học. Em muốn ông đi học cùng lớp với em cho có bạn.
Chúa ơi, vậy tôi sắp thành "hề" thật rồi.
Cô bé mời tôi lên balcon. Có một bộ bàn ghế bằng mây ở đó. Cô bé nói tôi ngồi chơi đợi em đi pha hai ly chanh Rhum. Trong lúc chờ đợi tôi cầm quyển sách trên bàn lên xem. Đó là tập thơ Paroles của Jacques Prévert. Thơ với thẩn. Tôi ngáp luôn ba cái, ném quyển sách xuống bàn rồi đúng dựa lan can nhìn khắp nơi.
Nhà cửa nơi đây đều nằm giữa những lùm cây dừa trĩu trái, lá khua động lào xào vì gió biển thổi vào. Trên những mái nhà đó có những cột ăngten trắng bạc nhấp nháy trong ánh nắng buổi chiều. Ở phía tay phải tôi, bên kia sông nước mặn, có một dãy đồi cát đỏ lốm đốm những vạt cỏ màu xanh. Mặt trời sắp lặn, vàng óng như màu trái cam chín trong tranh tĩnh vật của cézanne.
- Mời ông uống nước.
Tôi quay lại, cô bé đưa tôi ly đá chanh cao cổ màu xanh trong suốt. Tôi khuấy nhẹ những hạt đường chưa tan rồi uống một hơi dài đến hết nửa ly. Mùi rượu thơm mát trong cuống họng khiến tôi uống luôn một hơi nữa cạn ly. Đưa chiếc ly không cho cô bé, tôi nói:
- Em pha chanh Rhum ngon lắm.
Cô bé cười.
- Thường thôi. Nếu ông còn khát, ông uống thêm ly của em.
Tôi vốn là người rất thành thật nên chẳng ngại ngùng tí nào khi thành thật cầm ly chanh Rhum của cô bé. Em chỉ dãy đồi cát bên kia sông và hỏi tôi:
- Ông thích đồi cát kia không?
- Thích lắm. Tôi ước ao vẽ được màu sắc của nó trong buổi chiều nay vào một bức tranh.
- Em cũng thích nó lắm. Mỗi chiều em đều đứng nhìn nó cho tới khi bóng tối phủ đầy. Đố ông biết nó trông giống cái gì?
- Một con ngựa ngã quỵ giữa lối đi. Như câu thơ của Prévert em đã đọc tôi nghe.
- Không phải đâu. Nó chính là nấm mồ.
- Một nấm mồ?
- Phải. Nấm mồ của mặt trời. Ông nhìn kìa, nó đã chôn mặt trời ở dưới.
Đúng như lời cô bé nói: Mặt trời khuất sau dãy đồi cát, ánh nắng vàng úa còn hắt lên trông thật thê thảm. Dãy đồi kia chính là mấm mồ chôn mặt trời rạng rỡ. Nhưng nói chuyện chết chóc là quái gì cơ chứ. Tôi hỏi lảng sang chuyện khác.
- Má em có ở nhà không?
- Má em bận việc phải trở lên Đà Lạt rồi.
- Sao em không trở lên Đà Lạt học tiếp?
- Khí hậu trên đó không hợp với sức khỏe của em. Má định cho em vào Sàigòn học, nhưng em đã chán cảnh ồn ào náo nhiệt. Em xin má ở lại đây học trường huyện. Học ở đâu cũng có chữ vậy, phải không ông?
- Nhưng em vào học trường Việt có theo kịp không?
- Em không biết nữa, nên định học dự thính vài ngày xem sao. Em sẽ vào học lớp 12A.
- Vậy em sẽ học chung một lớp với Minh.
Cô bé cười.
- Với ông nữa.
- Sức mấy mà người ta chịu cho tôi vào học.
- Những ngày đầu niên khóa chắc họ không kiểm soát kỹ đâu. Ông cứ vào học với em vài buổi cho vui, giúp em khỏi bỡ ngỡ giữa các học sinh chưa quen.
Tôi cười nói
- "Xong dồi". Tôi sẽ hóa trang thành một nam sinh, bạn em.
Cô bé mời tôi ở lại ăn cơm tối với em, nhưng tôi từ chối vì phải về trả xe cho Minh. Tôi hẹn sẽ đến rủ em đi học vào sáng mốt. Tôi phóng xe như bay chạy trở về. Gần đến nhà tôi sang số hai chạy băng qua những rẫy đậu phụng, đậu xanh đã nhổ hết, làm cát bụi bay mù. Bóng tối đã nhập nhòa ở những tàng cây táo rậm rạp trong vườn. Minh đứng đợi tôi ở cửa thấy tôi em chạy ra đón.
- Em cứ tưởng anh bị tông xe vì anh cứ hay chạy bạt mạng.
- Anh còn yêu đời mà. Sao chuyện của em có khá không?
Minh mỉm cười nói:
- Hy vọng đã vươn lên.
Tôi nói:
- Vậy là được rồi. Cứ từ từ mà tiến.
Rồi tôi kể cho Minh biết chuyện cô bé sẽ đi học cùng trường, cùng lớp với em và thêm cả tôi nữa. Minh trợn mắt nói:
- Anh không đùa chứ?
- Thật thế quái nào được. Anh chỉ học đùa ít buổi thôi. Em hãy cho anh mượn một chiếc quần xanh nào mới nhất, anh không muốn bị đuổi ra khỏi lớp trong ngày khai giảng vì tội không mặc đồng phục. Nhưng em nhớ đừng nói cho ai biết chuyện này nghe.


--------------------
Mùa nào cũng buồn ...
Go to the top of the page
 
+Quote Post
Đông Nhi
post Nov 21 2013, 10:54 AM
Post #14


Bảo vệ tổ quốc
***

Group: Năng Động
Posts: 2,835
Joined: 9-October 09
Member No.: 5,482
Country



CHƯƠNG 14:

Khi đến đón cô bé đi học, tôi đã đứng ngây người như phỗng đá nhìn em trong chiếc áo dài màu trắng. Đây là lần đầu tiên tôi thấy cô bé mặc y phục Việt Nam và trông em rất "ngộ". Cô bé hơi đỏ mặt, em hỏi:
- Em có gì khác lạ mà ông nhìn kỹ vậy?
- Trông em giống y chang một... nữ sinh.
Cô bé chun mũi.
- Em không giống nữ sinh thì giống y hệt cô giáo à? còn ông hóa trang khéo lắm, trông ông giống y hệt một nam sinh.
- Một nam sinh ngu đần nhất lớp. Vì mặt mày già khằn như tôi mà còn ngồi học lớp mười hai, chứng tỏ đã thi rớt ít nhất hai chục keo.
Cô bé cười. Em mở cặp vải có những ô vuông xanh đỏ, lấy ra một quyển vở đưa cho tôi.
- Ông hãy cầm lấp một quyển vở, vào lớp chịu khó ghi chép học hành đàng hoàng để sang năm thi đậu.
- Thôi dẹp. Cầm sách vở ghi chép mỏi tay lắm. Vào lớp chỉ cần nhìn cô giáo là tôi đủ thuộc bài.
Nhìn đồng hồ đeo tay thấy còn sớm, tôi rủ cô bé đi uống cà phê trước khi đến trường. Chúng tôi vào một quán ăn của người Tàu. Buổi sáng quán đông nghẹt khách, chúng tôi phải ngồi ngoài hiên trên những chiếc ghế thấp. Tôi gọi cho cô bé một ly "xây chừng", tôi một ly "pạc xỉu" và một đĩa "pánh bao". Những người ngồi ở bàn bên cạnh trố mắt nhìn chúng tôi như một hiện tượng lạ. Chắc huyện lỵ này chẳng bao giờ họ thấy có một đôi học sinh nào, dám cặp kè ngồi uống cà phê và hút thuốc tỉnh bơ như chúng tôi.
Trên viả hè đã có nhiều cô cậu học sinh mặc quần áo mới náo nức đến trường. Tự dưng tôi cảm thấy náo nức đến trường như họ. Dời xa mái trường trung học cách đây sáu năm, tôi đã quên hết những cảm giác bừng nở trong ngày khai trường. Ở đại học người ta không còn bắt gặp được những cảm giác ấy. Cảm giác náo nức được mặc quần áo mới, được gặp lại bạn cũ, được ngồi trong lớp học tường vôi mới quét thơm nồng, được chiêm ngưỡng những thầy giáo, cô giáo mới.
Tôi uống vội ly "pạc xỉu", ăn nhanh ba cái "pánh bao". Tôi nắm tay cô bé hòa nhập vào đám đông học sinh đang lũ lượt đến trường.
Buổi sáng hơi lạnh. Ngôi trường đông như ngày hội. Rộn rã tiếng cười nói: Một vài nữ sinh mặc áo len ngắn tay, màu sắc nổi bật trên những chiếc áo dài trắng tinh. Những cây Phượng, me tây, cây muồng hình như cũng mặc áo mới, màu lá mướt xanh. Dãy lầu, ngày tôi mới đến, còn xây cất dở dang, hôm nay đã xây xong. Nước vôi mới quét vàng tươi rạng rỡ.
Cô bé giật mạnh tay tôi.
- Ông quăng điếu thuốc đi. Học sinh gì mà phì phà luôn miệng coi chừng bị đuổi ra khỏi trường bây giờ.
Tôi bật cười quên vai trò của mình là một nam sinh đi học ké. Tôi búng điếu thuốc xuống sân cát và dùng mũi giày dụi tắt đốm lửa.
- Anh Thanh.
Tôi giật nảy người khi thấy bé Phượng cùng mấy cô bạn đang bước đến gần. Trong chiếc áo dài màu trắng, trông em cao và lớn hơn khi mặc áo bà ba ở nhà. Cô nhỏ cười hỏi:
- Anh đi đâu mà lạc vào đây?
- Anh đến đây xin... dạy học.
- Xạo. Đi xin dạy học mà mặc quần xanh áo trắng như học trò. Anh định vào đây chọc mấy cô nữ sinh phải không? Để em đi "méc" ông Tổng giám thị.
Tôi níu tay cô nhỏ đứng lại.
- Thôi mà. Để anh "làm ăn" một chút mà.
- Không được. Nhà trường không chấp nhận học sinh bê bối như anh.
- Bê bối gì đâu. Anh mặc đồng phục đàng hoàng. Anh cũng có giấy vào lớp như mọi học sinh khác vậy.
- Giấy vào lớp của anh đâu?
Kẹt quá tôi nói đại.
- Giấy của anh, Minh giữ rồi.
May thay, Minh đã lù lù đi đến. Là học sinh đàn anh trong trường nên trông em rất hách. Minh hất cằm hỏi bé Phượng.
- Lộn xộn gì vậy nhỏ. Tao "mời" anh Thanh đi học với tao cho vui.
Bé Phượng gục gục đầu nói:
- Được rồi, em về "méc " ba tội anh rủ anh Thanh đi học.
Minh bật cười.
- Trời đất ơi! Tưởng mày "méc" rủ đi đánh billard tao mới sợ, chứ rủ đi học thì tốt quá rồi. Dám ba còn thưởng cho tao nữa.
Một hồi kẻng vang lên chát taị tiếng kẻng như tiếng réo gọi của tuổi thơ khiến tôi xúc động. Đã từ lâu rồi, tôi không còn được nghe tiếng kẻng quê mùa đáng yêu đó nữa. Ngay những năm cuối ở trung học, trường tôi đã thay tiếng kẻng bằng những hồi chuông điện reo vang như báo hiệu giờ chiếu phim ở các rạp ciné.
Tiếng kẻng có mãnh lực kỳ lạ, nó khiến tất cả học sinh răm rắp tuân theo mệnh lệnh. Bé Phượng thôi cãi cọ. Em vội vàng cùng bạn bè đến xếp hàng trước lớp. Tôi và cô bé cùng theo Minh đến xếp hàng dưới tàng một cây me cành lá rập rạp, không để một tia nắng xuyên qua.
Vào lớp, tôi và Minh ngồi bên nhau trên chiếc ghế ngay sau lưng cô bé. Và chúa ơi, giờ học đầu tiên tôi bị bắt buộc phải học chính là giờ "Triết". Một cô giáo mặc áo dài màu xám rêu, tóc cắt ngắn đúng trên bục gỗ thao thao giảng "Triết lý là gì?".
Cũng câu hỏi đó, tôi đã thắc mắc nhiều năm nhưng vẫn chưa giải quyết xong, có lẽ tại những người dạy tôi toàn là các giáo sư già. Hôm nay, nhờ cô giáo trẻ tuổi, xinh đẹp giảng dạy, tôi đã hiểu được chút chút.
Cô nói, triết lý chỉ là thái độ tra hỏi đến nền tảng sự việc, triết lý không nằm ở trong những câu trả lời mà nó nằm ở trong những câu hỏi: Ví dụ đặt câu hỏi: con người từ đâu mà có? Đó là một câu hỏi triết lý. Các anh chị hiểu không?
Cả lớp đồng thanh đáp:
- Hiểu.
Cô giáo chỉ Minh.
- Anh hãy đúng dậy, cho tôi một câu hỏi có tính cách triết lý.
Minh lúng túng đứng dậy. Tôi nhắc nhỏ cho em nghe và Minh lập lại.
- Thượng đế có thật hay không?
- Đúng rồi. Cám ơn, anh ngồi xuống.
Cô giáo chỉ sang tôi.
- Anh này, hãy cho tôi một câu hỏi khác.
Minh lấy tay che miệng cười và nói nhỏ.
- Oan gia lại gặp oan gia.
Tôi đứng dậy đáp.
- Thưa cô, ví dụ em hỏi "cô có yêu em không? "
Cả lớp cười ồ lên như thác đổ. Cô giáo đỏ mặt mím chặt môi gõ mạnh tay lên bảng gỗ. Lớp học im lặng dần. Cô giáo quắc mắt nhìn tôi, gằn từng tiếng.
- Anh phải xin lỗi tôi. Nếu anh không muốn tôi gọi anh là học sinh mất dạy.
- Thưa cô, chính nhờ cô gọi em là một học sinh mất dạy, nên câu hỏi của em mới có tính cánh triết lý vì nó đã đụng chạm đến vấn đề đạo đức.
Cả lớp vỗ tay reo vang. Đúng. Đúng.
Cô giáo mím chặt môi gõ mạnh lên bảng gỗ. Khi lớp học im lặng, cô giáo nói nhỏ nhẹ.
- Anh nói cũng có lý. Nhưng câu hỏi của anh không phải là câu hỏi tốt nêu ra trong lớp học.
- Thưa cô, một câu hỏi liên quan đến vấn đề đạo đức không phải là một câu hỏi tốt và cần thiết sao?
Cô giáo có vẻ hơi lúng túng vì lời ngụy biện của tôi. Đùa với một người đồng môn học với mình như vậy là đủ rồi nên tôi nói:
- Thưa cô. Cho em đặt câu hỏi khác rõ ràng hơn. ví dụ: Chết rồi con người đi về đâu?
Như gỡ được nước cờ bí, cô giáo mỉm cười nói:
- Cám ơn anh đã đưa ra một câu hỏi tốt.
Đấy có phải là một câu hỏi tốt?
Mãi đến khi tan học về, tôi mói biết mình đã ngu đần nêu ra một câu hỏi xấu, vì câu hỏi đã gây cho cô bé thắc mắc về cái chết.
Trên đường về, cô bé không còn vui tươi như lúc đến trường. Em cúi đầu im lặng đi bên tôi mặc cho tôi đã nhiều lần gợi chuyện. Khi chúng tôi sắp chia tay nhau để ai về nhà nấy, cô bé mới nhìn tôi hỏi:
- Ông có biết, chết rồi con người đi về đâu?
Tôi nói:
- Em hãy dành câu hỏi đó cho cô giáo dạy triết của em.
- Em không có thì giờ để hỏi cô giáo. Em muốn biết câu trả lời của ông.
Nhìn đôi mắt đầy lo âu của em, tôi lúng túng tìm cách nói dối cho em được an lòng.
- Chết rồi em sẽ lên Thiên Đàng.
- Chắc không?
- Chắc. Vì chúa đã phán những cô gái khi chết còn quá trẻ đều phải được lên Thiên Đàng.
- Còn ông, chết rồi ông đi đâu?
- Tôi phải xuống Địa Ngục.
- Tại sao vậy?
- Vì tôi đã nói xạo quá nhiều.
- Đáng kiếp. Em sẽ lên Thiên Đàng một mình.


--------------------
Mùa nào cũng buồn ...
Go to the top of the page
 
+Quote Post
Đông Nhi
post Nov 21 2013, 10:54 AM
Post #15


Bảo vệ tổ quốc
***

Group: Năng Động
Posts: 2,835
Joined: 9-October 09
Member No.: 5,482
Country



CHƯƠNG 15:

Người báo tin cho tôi cô bé bị đau nặng phải chở vào bệnh xá, chính là Ngọc. Tôi ngạc nhiên hết sức vì sáng qua tôi vừa cùng em vui vẻ đến trường. Hôm nay, nhà trường cho nghỉ và chúng tôi định sẽ tiếp tục đi học vào ngày mai. Không ngờ cô bé đã ngã bệnh dễ dàng. Tôi hỏi Ngọc.
- Cô bé bị trúng gió à?
Nàng lắc đầu.
- Không phải đâu. Bệnh nội thương từ lâu rồi. Tối qua cô bé ngất xỉu ở nhà, được chở vào bệnh xá. Chính Ngọc giữ phần chăm sóc cô nhỏ. Hồ sơ bệnh trạng của cô nhỏ do người nhà đem đến dày lắm. Nghe đâu đã được chữa trị từ bên Tây nhưng không khỏi:
Tôi lo lắng hỏi:
- Ngọc thấy bệnh cô bé có nặng không?
- Ngọc chịu thua. Chính bác sĩ nói với Ngọc là ông cũng không biết rõ.
- Phiền Ngọc dẫn tôi vào bệnh xá thăm cô bé.
- Đến chiều Ngọc mới dẫn anh vào thăm được. Cô nhỏ còn mê man.
Buổi chiều, tôi và Ngọc đi bộ ra quốc lộ đón xe lam đến bệnh xá. Tuy ở huyện lỵ nhưng bệnh xá cũng khá lớn, Ngọc dẫn tôi đi vòng quanh một sân rộng đến khu nội thương. Ngọc nói tôi đúng chờ ngoài hành lang đợi nàng vào phòng xem cô bé đã tỉnh dậy chưa.
Hút gần tàn một điếu thuốc lá, tôi mới thấy Ngọc đi ra. Nàng nói:
- Cô nhỏ chưa tỉnh dậy. Anh hãy về sáng mai đến.
- Tôi nôn nóng nói:
- Ngọc hãy dẫn tôi vào nhìn cô bé cũng được.
Nàng lắc đầu:
- Bác sĩ không cho phép. Vả lại, anh không nên vào thăm một cô gái đau ốm khi người đó chưa cho phép mình vào.
Ngọc nói cũng có lý. Tôi đành lủi thủi đi về.
Sáng hôm sau chưa ăn điểm tâm, tôi đã đi bộ dọc theo bờ biển đến bệnh xá. Chưa đến giờ làm việc, cổng chính của bệnh xá còn đóng kín và tôi phải đi vào bằng cổng phu. Tôi đến phòng trực hỏi thăm Ngọc. Trong khi đợi người ta tìm nàng, tôi ra ngồi trên một ghế đá đặt ngoài sân.
Ngọc như mới ngủ dậy. Mái tóc nàng được chải vội vàng nên nhiều chỗ còn rối và khuôn mặt nàng chưa trang điểm. Tôi hỏi thăm bệnh tình của cô bé. Nàng nói:
- Tối qua, cô nhỏ đã tỉnh dậy. Ngọc có nói anh đến thăm. Cô nhỏ lắc đầu nói nhất định không cho anh vào.
- Gia đình cô bé có ai ở trong đó không?
- Có bà ngoại. Nghe đâu mẹ cô nhỏ sẽ ở Đàlạt xuống vào trưa nay.
Tôi hỏi xin Ngọc một tờ giấy và tôi viết vài dòng cho cô bé nhờ nàng trao lại.
Nhỏ.
Em đỡ mệt chưa. Tôi vào thăm được chứ? Đừng ngại ngùng gì cả. Hãy xem tôi như một người thân trong gia đình.
Tôi.
Không thể ngồi yên trên ghế đá chờ đợi. Tôi đứng dậy đi lòng vòng trong sân. Tôi không biết mình đã châm nối bao nhiêu điếu thuốc cho đến khi Ngọc đi ra, đưa tôi lá thư cô bé viết trả lời ngay dưới những chữ của tôi.
Ông,
Em đã cảm thấy đỡ mệt. Nhưng không muốn ông vào thăm. Em đang đánh nhau với thần chết. Chẳng nên nhìn em lúc này. Trông em ghê gớm lắm. Ông hãy tin là em sẽ thắng. Chúng ta sẽ đi học lại ngày mai.
Em.
Tôi vội viết trả lời
Nhỏ,
Hãy để tôi vào giúp em một tay. Tôi sẽ khện lão Thần chết một phen cho lão tởn đến già, khỏi quấy phá em. Khi chiến đấu với Thần chết trông em oai hùng lắm. Chẳng ghê gớm đâu.
Hãy cho tôi vào thăm nghe nhỏ.
Tôi.
Quán ăn của bệnh xá đã mở cửa. Tôi mời Ngọc vào ăn sáng. Nàng nói:
- Để Ngọc đi đưa lá thư cho anh đã.
Tôi nói:
- Vậy tôi vào đó trước đợi Ngọc.
Trong quán đã có vài ba bệnh nhân đàn ông mặc đồng phục màu xanh ngồi uống cà phê. Tôi kéo ghế ngồi ở một chiếc bàn gần cửa ra vào. Tôi gọi cà phê sữa và bánh mì hột gà ốp la. Có thêm một vài y tá vào quán. Họ vừa đổi phiên trực nên còn mặc áo khoác màu trắng. Tôi uể oải ăn xong bữa điểm tâm rồi khuyấy đều ly cà phê sữa.
Thấy Ngọc từ xa đi đến, tôi đứng dậy ra đón nàng vào quán. Tôi hỏi Ngọc ăn gì. Nàng nói uống sữa nước sôi. Tôi đi đến quầy gọi cho nhanh rồi trở về ghế ngồi. Ngọc để lá thư cô bé trên bàn, và tôi cầm lên đọc.
Ông,
Cám ơn sự giúp đỡ của ông. Em và Thần chết thông cảm với nhau rồi. Không còn đánh nhau nữa. Thần chết đã hứa sẽ dẫn em đến thăm một nơi tuyệt vời. Em không muốn có ông trong cuộc đi chơi đó. Ông hãy rán chờ đợi. Em sẽ kể lại mọi chuyện cho ông nghe.
Em.
Tôi biết những lá thư nhảm nhí này chẳng giúp tôi được vào thăm cô bé, nhưng tôi vẫn cần phải trả lời em. Cần giữ cho cô bé có một mối giây liên lạc với đơì sống bên ngoài giường bệnh. Cần giúp em có một trò đuà giải khuây. Tôi viết
Nhỏ.
Đừng nghe lời dụ dỗ của lão thần chết gớm ghiếc đó. Nơi em đi đến chẳng tuyệt vời đâu. Nơi đó chẳng có mặt trời, biển cả, bàn billard hay trường học. Nơi đó chỉ toàn cây xương rồng. Hãy để tôi vào kể cho em nghe nhiều chuyện tuyệt vời hơn.
Tôi.
Khi Ngọc uống xong ly sữa. Tôi nói ý định tại sao tôi viết thư cho cô bé để nàng hiểu và xin lỗi đã làm phiền nàng. Ngọc cầm lá thư nói:
- Anh đừng áy náy quá vậy. Giúp cho anh vui là Ngọc vui.
Lần đưa thư này chẳng phải chờ đợi lâu, tôi đã thấy Ngọc trở lại ngay. Nàng nói:
- Cô bé ngất xỉu rồi.
Tôi bỏ chạy thật nhanh đến phòng cô bé nằm mặc cho Ngọc kêu gọi. Trong hành lang chật hẹp và trơn trượt, tôi đã đụng phải một người đi ngược chiều súyt ngã. Chẳng thèm nói xin lỗi, tôi lao nhanh đến phòng cô bé gõ cửa. Cánh cửa hé mở, một khuôn mặt đàn ông nhô ra hỏi:
- Ông là ai?
- Tôi là thân nhân của cô bé.
- Bác sĩ đang làm hô hấp nhân tạo, ông ta dặn không cho ai vào.
Tôi hét lên.
- Thây kệ bác sĩ. Tôi có quyền vào.
Cánh cửa đóng ngay lại.
Tôi tức mình đấm thình thình vào cửa chính. Có hai bàn tay giữ chặt cánh tay tôi, tôi nổi sùng hất mạnh ra định đấm người đó, nhưng tôi đã kịp nhận ra Ngọc. Giọng nàng nhỏ nhe.
- Anh đừng làm vậy. Hãy để bác sĩ cứu cô ấy.
Tôi buông xuôi hai tay, thở dài.
- Phải. Tôi không nên làm vậy.
Và bước ra khỏi hành lang.


--------------------
Mùa nào cũng buồn ...
Go to the top of the page
 
+Quote Post
Đông Nhi
post Nov 21 2013, 10:55 AM
Post #16


Bảo vệ tổ quốc
***

Group: Năng Động
Posts: 2,835
Joined: 9-October 09
Member No.: 5,482
Country



CHƯƠNG 16:

Cũng chính Ngọc là người báo tin cho tôi biết, cô bé đã đỡ bệnh và được người mẹ đem về nhà. Tôi lật đật đi đón xe lam đến thăm em.
Người mẹ tiếp tôi ở phòng khách. Trong ánh sáng buổi chiều, tôi thấy bà khác hẳn trong lần tôi gặp dưới ánh đèn điện vàng đục. Bộ quần áo màu mỡ gà làm nổi bật nước da màu trắng của bà, nhưng đồng thời cũng làm nổi rõ những gân xanh trên khuôn mặt. Tôi không còn lầm lẫn bà là một thiếu nữ nữa. Tuổi bà phải trên bốn mươi.
Bà hỏi tôi uống gì. Tôi nói chanh Rhum và bà gọi người làm pha hai ly. Khi bà đã ngồi xuống chiếc ghế nệm màu huyết dụ đối diện, tôi hỏi:
- Thưa bà, cô bé đã khỏe chưa?
- Nó đã đỡ. Nhưng bệnh vẫn có thể trở lại bất cứ lúc nào.
- Xin phép bà cho tôi được vào thăm cô bé.
- Tôi rất muốn cậu vào thăm nó, nhưng nó đã dặn rõ ràng không cho cậu vào thăm. Tôi rất tiếc phải chiều theo lời yêu cầu của nó.
- Cô bé có chuyện gì giận tôi?
Người đàn bà khẽ lắc đầu.
- Đừng nghĩ vậy. Nó rất mến cậu và vẫn luôn miệng nhắc đến cậu khi có tôi ngồi bên. Nó không muốn tiếp cậu có lẽ tại mặc cảm bệnh hoạn, không thích người khác biết đến sự yếu đuối của nó.
- Cô bé vẫn xem tôi là một người xa lạ?
- Không. Nó trọng cậu. Muốn trọng ai người ta phải giữ một khoảng cách.
Phải cần một khoảng cách người ta mới trọng nhau được? Tôi cóc cần được trọng. Tôi muốn cô bé khinh tôi, để tôi được gần em trong lúc bệnh hoạn. Nhưng làm thế nào để em khinh tôi bây giờ? Tôi thở dài hỏi người đàn bà:
- Thưa bà, bệnh của cô bé hy vọng chữa khỏi chứ?
- Tôi đã nói với cậu các bác sĩ bên Tây đều chịu thua.
- Thưa bà, tôi nghĩ có thể cô bé chỉ là người bệnh tưởng tượng.
- Cậu muốn nói nó là một maladie imaginaire như trong kịch của Molière? Không phải đâu. Các bác sĩ đã chứng nhận nó bị bệnh nội thương rõ ràng, nhưng không chữa trị được. Nó kéo dài sự sống lâu hay mau không phải nhờ thuốc thang mà nhờ sự kháng cự của cơ thể và tâm hồn nó. Cái chết đã ám ảnh nó quá nặng nề nên lúc nào nó cũng có tâm trạng của một người sắp sửa ra đi. Một người sắp ra đi thường có hai thái độ. Hoặc vội vã sống vì quí những giây phút còn lại, hoặc họ ngồi yên chờ đợi vì nghĩ làm gì cũng vô ích. Cô con gái tôi đã gần gũi cậu. Tôi biết nó đã sung sướng vào những dịp ấy. Nhưng chính những giây phút sung sướng ấy càng làm cái chết đè nặng trên tâm hồn nó hơn. Những buổi chiều tôi vào phòng chăm sóc giấc ngủ của nó, tôi đã thấy nước mắt lăn trên má nó từ khi nó quen cậu. Nó tiếc nhớ những ngày tươi đẹp đã qua nên nó càng lo sợ cho những ngày sắp đến.
- Thưa bà, vậy tôi đã có lỗi.
- Lỗi gì?
- Làm cô bé lo sợ cái chết khi so sánh nó với đời sống.
Người đàn bà đưa tay bóp trán, những vết nhăn hiện rõ trên cái trán cao của bà.
- Lúc đầu tôi cũng nghĩ như cậu. Càng ham thích đời sống, người ta càng sợ hãi cái chết hơn. Tôi đã có ý định ngăn cấm nó gặp cậu. Nhưng sau suy nghĩ lại tôi thấy cần phải để cho nó có những giây phút sung sướng bên cậu, những giây phút mà nó không còn tìm gặp được trong gia đình này từ khi ba nó mất. Những giây phút đó đã tạo cho nó có những ngày tươi đẹp, dù cho chúng có làm cho đời sống của nó ngắn ngủi đi, nhưng nó sẽ không còn nghĩ đời sống hoàn toàn buồn thảm. Chính cái chết của chồng tôi đã cho biết, người ta luôn luôn phải trả giá hạnh phúc bằng những giọt lệ.
- Thưa bà, tôi còn có thể giúp gì được cho cô bé?
Người đàn bà thở dài.
- Cám ơn lòng tốt của cậu, nhưng rất tiếc tôi và cậu đều không thể giúp cho nó được gì nữa. Bệnh nó đã nặng hơn xưa. Tôi không còn tin vào y học, nhưng còn nước còn tát. Ngay khi nó có thể đi lại được, tôi sẽ đem nó về Sàigòn chữa trị. Tôi mong sẽ gặp cậu ở trong đó.
Tôi nghĩ nói chuyện với người đàn bà như vậy đã đủ. Tôi hỏi xin bà một tờ giấy viết thư cho cô bé.
Nhỏ,
Tôi rất tiếc đã không gặp được em trong buổi chiều nay. Thành thật cầuchúc em mau khỏe mạnh. Trước khi em dời khỏi nơi đây, tôi ước mong chúng ta sẽ gặp nhau một lần nữa. Gặp nhau một lần nữa trong suốt một phần đời còn lại, đâu phải là quá nhiều, phải không nhỏ? chào em.
Tôi.
Tôi xếp lá thư nhờ người đàn bà trao lại cho cô bé. Khi tôi đúng dậy chào bà ra về, tôi nhìn thấy trên bàn hai ly chanh Rhum vẫn còn đầy.


--------------------
Mùa nào cũng buồn ...
Go to the top of the page
 
+Quote Post
Đông Nhi
post Nov 21 2013, 10:56 AM
Post #17


Bảo vệ tổ quốc
***

Group: Năng Động
Posts: 2,835
Joined: 9-October 09
Member No.: 5,482
Country



CHƯƠNG 17:

Rồi một tuần trôi qua, tôi nghĩ cô bé đã từ chối gặp tôi một lần nữa trước khi em vào Sàigòn. Trong những ngày chờ đợi, tôi đã đem tập tiểu luận ra viết tiếp để quên sự buồn rầu và nôn nóng gặp mặt cô bé. Nhưng tôi đã chẳng viết thêm được một dòng nào.
Trên tờ giấy trắng luôn luôn thoáng hiện lờ mờ khuôn mặt cô bé và tôi đưa bút tô vẽ khuôn mặt đó, cho hiện ra rõ ràng hơn. Nhưng chúa ơi! Khi khuôn mặt đó hiện ra rõ ràng trên mặt giấy, tôi đã nhận ra nó chính là khuôn mặt khó thương của cô gái chê đồng hồ tôi cũ ở tiệm cầm đồ bình dân Sàigòn, chứ không phải là khuôn mặt dễ thương của cô bé và tôi đã xé nát tờ giấy ném ra ngoài cửa sổ.
Cũng việc làm tô vẽ như vậy, tôi đã xé nát ba tờ giấy trong buổi chiều nay. Thối chí. Nản lòng. Buồn rầu. Chẳng biết làm gì hơn tôi mở cassette nghe bản nhạc phải gió Somewhere My Love. Đã buồn cho buồn luôn. Đã rầu cho rầu luôn. Thử xem buồn rầu có vật tôi chết không. Tôi nghĩ vậy và leo lên giường nằm chờ chết.
You ‘ll come to me out of along ago. Warm as the wind. Soft as the kiss of snow...
- Ông lại lười biếng rồi. Không chịu học hành gì cả.
Tôi giật mình nhổm dậy như bị điện giật và hét lên.
- Cô bé! Trời ơi là cô bé!
Tôi nhào đến ôm chặt em trong đôi tay. Mắt nhắm lại, tôi thầm thì:
- Chúa ơi! con không mơ đấy chứ?
Dụi đầu vào ngực tôi, cô bé nói:
- Ông đúng là người đang ở trong giấc mơ.
- Cũng được. Cần quái gì đời sống khi không có em ỏ bên. Tôi đang mơ giấc mộng đẹp!
- Không đẹp lắm đâu, vì ông sắp vỡ mộng rồi.
- Bố khỉ! Ai làm tôi vỡ mộng, tôi đánh y vỡ đầu.
- Chính ông làm cho ông vỡ mộng chứ còn ai nữa.
- Chính tôi thế nào được. Tôi sẽ kéo dài giấc mộng đến một triệu năm nữa.
Cô bé đẩy tôi ra.
- Ông leo lên giường mà nằm mộng. Em đi về.
- Giỡn nhỏ. Em đi về thì tôi còn nằm mộng với cái búa à?
Cô bé cười.
- Vậy ông hãy thức dậy đi. Em không thích nói chuyện đứng đắn với một người buồn ngủ.
- Tôi hết buồn ngủ rồi. Chuyện đứng đắn là chuyện gì?
- Ông không mời em ngồi.
Tôi kéo ghế mời cô bé và hỏi:
- Em uống cà phê không?
- Cám ơn ông. Lúc này em không uống cà phê được. Nhờ ông tắt giùm máy hát.
Tôi tắt máy cassette, kéo chiếc giường nylon đến gần cô bé và ngồi xuống.
- Nào chuyện đúng đắn là chuyện gì, em nó tôi nghe.
Nhìn thẳng mặt tôi, cô bé chậm rãi nói:
- Em đến chào ông lần cuối.
Tôi hét lên.
- Đấy mà là chuyện đứng đắn à. Đấy là chuyện khốn kiếp nhất.
Cô bé nhăn mặt.
- Em muốn ông nói chuyện đàng hoàng, nếu không em đi về.
Tôi lẩm bẩm.
- Ở thì đàng hoàng. Em đã khỏe hẳn chưa.
- Hôm nay em đã khỏe.
- Vậy chúng ta còn gặp nhau dài dài.
- Nhưng em không biết ngày mai còn khỏe nữa không. Em muốn khi chia tay ông, em cũng phải khỏe mạnh như lúc gặp ông nên hôm nay em mới đến đây.
- Em khỏe mạnh mãi mãi. Khỏe mạnh suốt đời. Khỏe mạnh muôn năm.
Cô bé lắc đầu.
- Không đâu. Em đã bắt đầu cảm thấy mệt.
Tôi chột dạ hỏi:
- Em mệt thật sao? Hãy nằm nghỉ đỡ ở giường này.
- Em hơi chóng mặt mà thôi. Để em ngồi yên một lát sẽ đỡ.
Cô bé gục đầu xuống bàn. Lúc này, tôi mới để ý khuôn mặt em trắng xanh, dù cho chiếc khăn quàng ở cổ em màu đỏ rực, cũng không giúp nước da bớt xanh chút nào. Đau ốm hơn một tuần trông em gầy sút hẳn.
Nghỉ một lát, cô bé ngước đầu lên nhìn tôi.
- Em muốn dẫn ông đi đến một nơi
- Em đã khỏe chưa mà đòi đi.
Cô bé đứng dậy.
- Cần đi ngay, nếu không em phải về nhà.
Theo lời cô bé chỉ dẫn tôi dìu em đi dọc theo bờ biển đến một bãi dương nằm giữa quãng đường từ rẫy đến phố huyện. Bãi dương này tôi và em đã có dịp nghỉ chân khi đi picnic.
Những cây dương cao, lá xanh ngắt được người ta trồng để giữ cát và cản bớt sức gió thổi vào các rẫy ở gần biển, để khỏi là hư hoa màu. Đi quanh giữa các cây dương một hồi, cô bé dẫn tôi đến cây dương to nhất, cánh lá phủ sát mặt đất. Đứng ở đây tôi có thể nhìn thấy mặt trời đỏ lưng chừng dãy núi màu lam xanh. Cô bé nói:
- Đây là nơi an nghỉ của em.
Tôi nghiêm mặt nói:
- Đừng nghĩ nhảm, nhỏ.
- Ông không thấy ngôi mộ của em sao?
- Mộ của em? Má em mua đất ở đây à?
- Không. Ông nhìn đây này.
Theo tay cô bé chỉ, tôi mới nhìn thấy một nấm đất cát nhỏ như bị phủ kín bởi những nhánh dương thấp. Phía trước nấm cát có đóng một cây thánh giá làm bằng hai nhánh dương màu nâu đen tuốt hết lá. đứng giữa nơi hoang vắng thêm lá dương kêu vu vu buồn thảm.
Tự dưng tôi nổi da gà vì trò chơi quái gở của cô bé. Tôi cằn nhằn.
- Em làm cái quỉ đó để làm gì vậy?
- Em muốn được thấy ông dự đám tang của em ở đây, ngay bây giờ. Mai sau, em chết đi ông có dự đám tang, em cũng không biết.
- Đừng có điên, nhỏ. Trò chời này chẳng vui tí nào.
- Chẳng phải lỗi tại em. Có cái chết nào vui đâu.
- Em còn sống nhăn răng, bày đặt trò đám tang làm gì. Chúng ta chơi trò đám cưới đi. Em làm cô dâu, tôi làm chú rể được không?
Cô bé lắc đầu.
- Đấy không phải là trò chơi thích hợp với một người sắp chết ông ạ. Em muốn biết khi em đã nằm trong lòng đất, đứng trước mộ em, ông sẽ nói những gì?
Nhìn thẳng vào mắt cô bé, tôi nói:
- Nhỏ, tôi yêu em.
Cô bé run rẩy ôm chầm lấy tôi.
- Không. Ông đừng nói vậy. Ông sẽ làm em chết không nhắm mắt.
- Tại sao?
Giọng cô bé tức tuổi như sắp khóc.
- Vì em đã nợ ông. Ông hãy nói ghét em để em được an nghỉ nghe ông.
Tôi nổi khùng hét.
- Ghét cái búa. An nghỉ cái búa. Em không thể nào chết được!
Cô bé ngước mắt nhìn tôi, đôi mắt em đỏ hoe.
- Vâng, em không thể nào chết được. Nhưng ông hãy hứa sẽ nói ghét em cho em vui lòng nghe ông.
Tôi thở dài.
- Ừ tôi hứa. Tôi ghét em như tôi ghét tôi.
Tôi đứng lặng im, ôm cô bé trong tay.
Tôi còn biết nói gì khi mình phải ghét một người mà không muốn ghét. Tôi ước ao lúc này chúng tôi cùng tan biến đị tan biến đi đến đâu cũng được. Thiên đàng. Địa ngục. Hư vô. Nơi có những hoa. Nơi chỉ toàn những cây xương rồng. Nơi không có gì cả. Nơi nào cũng đẹp miễn chúng tôi cùng tan biến đi.
Đã sinh ra tất phải hủy diệt. Đã hủy diệt rồi sẽ lại sinh ra. Vậy không nên đau buồn cho những gì không thể tránh được.
Tự dưng một câu trong chí Tôn ca tôi hằng ưa thích, hiện rõ trong đầu óc khiến tôi nổi sùng. Không nên đau buồn cái búa. Tạo sao lại không nên đau buồn cho những gì không thể tránh được? Nếu tránh được thì còn phải đau buồn làm quái gì nữa. Bố khỉ! Những tư tưởng cao siêu.
Và tôi ứa nước mắt.
Cô bé nhẹ gỡ vòng tay tôi. Em nói:
- Đừng khóc ông. Em muốn chúng ta vui vẻ như lúc gặp nhau.
Tôi càu nhàu.
- Ừ thì vui vẻ.
- Vậy ông hãy cười lên cho em vui.
- Cười thế nào được, khi chẳng có điều gì đáng cười.
- Ông chiều em một lần cuối đi mà.
- Khì khì... khì khì... khì khì...
Cô bé bật cười.
- Cám ơn nụ cười như khỉ của ông. Em sẽ không quên nụ cười đó khi trở lên ĐàLạt.
- Sao má em nó đem em vào Sàigòn chữa bệnh?
- Em không muốn làm phiền các bác sĩ nữa. Chẳng lợi ích gì. Em muốn về Đà Lạt chăm sóc vườn hoa marguerite của em. Mùa đông sắp đến rồi.
- Em hãy cho tôi biết địa chỉ ở Đà Lạt, một ngày nào đó tôi sẽ lên thăm em.
- Còn thăm hỏi gì nữa, hôm nay ông đã dự đám tang của em rồi thôi.
- Đừng quá bi quan quá nhỏ. Hãy cầu nguyện chúa. Ngài luôn luôn giúp đỡ những người nhỏ bé như em.
Cô bé lắc đầu.
- Lúc này. Thần chết gần với em hơn. Em chỉ cầu mong sao ông ấy thương hại cho em chết êm dịu như khi rơi xuống.
Để cô bé vững lòng tin, tôi nói:
- Đại diện Thần chết, tôi chấp nhận lời cầu mong của em.
- Cho em gơỉ lời cám ơn Thần chết. Còn riêng ông, em cầu mong ông đừng kể lại cho ai nghe những ngày tươi đẹp của chúng ta. Kể lại chúng sẽ thành những ngày cải lương ngay. Em rất ghét cải lương, ông nhớ chưa?
- "Xong dồi".
- Thôi chào ông em về.
- Để tôi đưa em về đến nhà, lỡ em ngất xiủ ở dọc đường thì nguy.
Cô bé cười.
- Có sao đâu. Em sẽ được lên thiên đàng sớm.
Mặt trời đã lặn.
Sương mù trắng đục phủ che những bụi cây thấp.
Cô bé đi vào giữa những lùm cây và bóng em cũng sắp tan biến trong sương mù.
Tôi gào lên.
- Vĩnh biệt nhỏ.
Cô bé quay người lại đưa tay vẫy.
- Đừng nói vĩnh biệt. Chúng ta còn gặp nhau.
Tôi mùng rỡ hỏi:
- Chúng ta sẽ gặp nhau ở ĐàLạt?
- Không. Chúng ta sẽ gặp nhau ở cõi chết.
Tôi tức mình dậm chân và đưa nắm đấm lên
- Cõi chết cái búa!
Đêm tối đã xuống đầy. Bóng cô bé đã khuất sau những bụi cây. Tôi buồn bã ngước nhìn trời cao lấp lánh sao. Lạy chúa, xin Ngài đừng cho cô bé lên Thiên đàng sớm. Chắc Ngài cũng hiểu cô bé còn quá nhỏ để phải lên Thiên đàng sớm.

... Như thế,
Những ngày tươi đẹp của chúng tôi có lẽ chẳng tươi đẹp chút nào vì đã long lanh những giọt lệ thầm. Những giọt lệ thầm như những giọt sương khuya rồi sẽ tan đi rất nhanh. Nhưng tôi vẫn yêu chúng tha thiết vì biết rằng trong những ngày sắp đến, chẳng bao giờ tôi có dịp gặp lại những giọt lệ đắm say kia.
"Người ta chỉ thật khóc được một lần trong đời, những lần trước người ta tập khóc, còn những lần sau người ta khóc vì thói quen".
Cô bé nói thế và tôi tin em chẳng nói sai.

Đoàn Thạch Biền


--------------------
Mùa nào cũng buồn ...
Go to the top of the page
 
+Quote Post

2 Pages V  < 1 2
Reply to this topicStart new topic
1 User(s) are reading this topic (1 Guests and 0 Anonymous Users)
0 Members:

 



Lo-Fi Version Time is now: 28th April 2024 - 04:35 AM