Welcome Guest ( Log In | Register )

 
Reply to this topicStart new topic
> Tony Bennett – Tiếng hát vượt thời gian, IB
lalan
post Sep 15 2016, 11:33 AM
Post #1


Phố Cũ
***

Group: Năng Động
Posts: 2,691
Joined: 21-April 08
Member No.: 43
Country




Tony Bennett – Tiếng hát vượt thời gian


“Cheek to Cheek” – Tony Bennett & Lady Gaga

Ngày 3 tháng 8 năm 2016 là sinh nhật 90 tuổi của nam ca sĩ Mỹ Tony Bennett, nổi tiếng với bài “Bỏ Quên Con Tim Tại Cựu-Kim-Sơn” (I Left My Heart in San Francisco). Các nghệ-sĩ cỡ tuổi này thường đã về hưu. Nhưng Tony Bennett thì khác, vẫn còn ra dĩa và vẫn còn đi hát. Hát mạnh nữa là khác. Và đặc biệt là hát vẫn còn hay.

Mới mấy tháng trước đây ông đến Dallas trình diễn tại khán trường của đại học SMU. Khán giả đêm ấy đa số lớn tuổi, nhưng cũng có khá nhiều người trẻ, cỡ 20-30 tuổi trở xuống. Ðiều này cho thấy sức thu hút của ông khá bền bỉ, và thể loại jazz của ông vẫn còn được nhiều người ưa chuộng mặc dù nó thuộc về một thời điểm trước cả nhạc rock.

Hiện tượng này không mấy khó hiểu nếu ta nhớ lại rằng năm 2006 Tony Bennett đã cho ra đời một dĩa CD mang tên “Duets: An American Classic”, trong đó ông song ca một số các bản nhạc kinh điển của thời 40-50 với các ca/nhạc sĩ pop thượng đẳng đương thời như Celine Dion, Paul McCartney, Barbara Streisand, Sting, Stevie Wonder, Elton Johnv.v… Ngay tuần đầu tiên khi mới phát hành, dĩa “Duets” đã nhảy lên hạng #3 trên bảng Billboard, và nằm luôn trong top 10 năm tuần liên tiếp. Năm ấy Tony Bennett chỉ vừa lên tám… mươi (80)!


Duets An American Classic (2006) – nguồn losslessflac.com

Năm năm sau, nhân sinh nhật thứ 85, ông lại cho ra dĩa “Duets II” và liền lập tức đứng hạng #1 trên Billboard trong tuần lễ đầu, đoạt kỷ lục nghệ sĩ lớn tuổi nhất làm được chuyện này. Lạ một điều, “Duets II” cũng là dĩa #1 đầu tiên trong sự nghiệp ca hát hơn 70 năm của Tony Bennett. Ngoài ra, dĩa “Duets II” còn thắng giải Grammy năm 2012 cho “Ca Sĩ Pop Cổ Ðiển Xuất Sắc Nhất” (Best Traditional Pop Vocal Album). Ðồng thời, bài song ca cùng Amy Winehouse (1983-2011) mang tên “Body and Soul” (Hồn và Xác) còn đoạt giải Grammy “Song Ca Pop Xuất Sắc Nhất” (Best Pop Duo), và cũng là bài nhạc cuối cùng của cô ca sĩ đoản mệnh đang lên này.

Nhưng đình đám nhất trong dĩa “Duet II” là bài “The Lady Is A Tramp” (Cô Nàng Là Một Ả Giang Hồ), Bennett song ca cùng Lady Gaga. Không ai ngờ một ca sĩ jazz cổ điển như Tony Bennett lại mời một cô pop diva lập dị, quái chiêu như Lady Gaga cùng hát với mình. Bài “The Lady is a Tramp” (sáng tác năm 1937) tuy không được chính thức phát hành như một dĩa đơn (single) nhưng lại được khán giả khắp nơi trên thế giới mến mộ. Sau khi làm việc với Lady Gaga, Tony Bennett nhận xét: “Cô ta là một nhạc sĩ jazz đúng nghĩa và một thiên tài về nhạc kịch. Rất có thể sau này cô ấy sẽ trở thành một Picasso của Hoa Kỳ và thành công không thua gì Elvis Presley.”

Quả nhiên, Lady Gaga hiện nay không chỉ là một pop diva hái ra tiền mà còn là một hiện tượng âm nhạc hiếm có. Gần đây nhất, trong giải Super Bowl vào tháng 2 đầu năm, bài quốc ca Mỹ do cô thể hiện đã được nhiều người chấm là một trong những phiên bản xuất sắc nhất từ xưa đến nay. Bài song ca của Lady Gaga với Tony Bennett hẳn nhiên đã làm cho giới phê bình âm nhạc nhìn cô bằng cặp mắt khác so với các pop diva khác như Taylor Swift hay Adele. Thậm chí, nhiều người còn tỏ vẻ mong muốn thấy Lady Gaga hát nhạc jazz nhiều thêm nữa.

Và như để thỏa mãn yêu cầu đó, năm 2014 Lady Gaga tái xuất hiện cùng Tony Bennett để làm một dĩa nhạc riêng của hai người mang tên “Cheek To Cheek” (Má Kề Má), gồm những bản nhạc lấy từ kho tàng nhạc kinh điển của Mỹ tục gọi là The Great American Songbook (tương tự như ta gọi Tuyển Tập Nhạc Tiền Chiến vậy). Những bài nhạc này đã từng được thể hiện bởi các giọng hát lẫy lừng như Frank Sinatra, Nat King Colev.v…. Ngay tuần đầu phát hành, “Cheek to Cheek” đã chiếm ngôi vị #1 trên bảng Billboard, và Tony Bennett lại phá kỷ lục nghệ sĩ lớn tuổi nhất đạt được thành tích này do chính mình tạo nên ba năm trước. Về phần Lady Gaga, đây cũng là đĩa nhạc thứ ba của cô trong thập niên 2010 đạt được vị trí #1 trong tuần lễ đầu.


Tony Bennett tại McFarlin Auditorium, Dallas – nguồn The Star-Telegram

Ngay sau khi đĩa nhạc phát hành, Bennett và Gaga đã đi lưu diễn khắp thế giới. Nhờ đó vô số khán giả trẻ từng quen thuộc với Lady Gaga đã tiếp cận dòng nhạc jazz cổ điển và khám phá Tony Bennett. Thế là ông già 88 tuổi được “hồi xuân” và thu hút một lượng khán giả mới. Nhưng cuộc đời ca hát của Tony Bennett cũng lên voi xuống chó chứ không phải hoàn toàn suôn sẻ, thậm chí có lúc suýt chết vì nghiện ngập, những tưởng sự nghiệp đã tan tành theo “mây khói”.

Sinh năm 1926 tại New York trong một gia đình di dân người Ý, cha ông là chủ một tiệm tạp hóa còn mẹ ông làm nghề may đồ. Từ nhỏ cậu bé tên thật là Anthony Dominick Benedetto đã có thiên khiếu ca hát. Nhưng năm lên mười cha cậu mất và gia đình trở nên nghèo túng. Lên 13 cậu bé bắt đầu hát rong để kiếm tiền tại các nhà hàng Ý tại thành phố Queens, nơi cộng đồng Ý di dân quy tụ. Ðồng thời, cậu được cho đi học tại trường Nghệ Thuật Kỹ Nghệ (School of Industrial Art) và là một học sinh giỏi về hội họa và âm nhạc. Nhưng đến năm 16 tuổi thì Anthony quyết định bỏ học để đi làm phụ giúp gia đình, làm bất cứ việc gì miễn kiếm ra tiền. Ban ngày làm việc tay chân, ban đêm chàng đi hát cho các night club và làm “ca sĩ hầu bàn” tại các nhà hàng để phục vụ giấc mộng xướng ca.

Năm 1944, khi Ðệ Nhị Thế Chiến đến hồi nóng bỏng, Anthony Benedetto bị bắt quân dịch và đưa sang chiến trường Âu Châu. Ðầu năm 1945 ông theo Sư Ðoàn 63 Bộ Binh tiến vào Pháp để tiếp viện cho Ðồng Minh sau trận đánh đẫm máu “Battle of the Bulge”. Ðại đội 255 của ông đã giao tranh ác liệt với quân Ðức, nhiều trận phải đánh xáp lá cà trên đường phố. Sau khi Ðức Quốc Xã đầu hàng, đơn vị của ông đã giải phóng một trong các trại tập trung của Hitler. Khi nhắc về kinh nghiệm chiến tranh của mình, Tony Bennett nói “Tôi đã được ngồi hàng ghế danh dự nơi địa ngục.”

Giải ngũ, Anthony Benedetto trở về New York, vừa đi học vừa tiếp tục làm “ca sĩ hầu bàn” với nghệ danh Joe Bari. Sau một thời gian, Joe Bari được Bob Hope phát hiện và mướn vào ban nhạc kịch của mình. Bob Hope (từng sang Việt Nam nhiều lần) chính là người đã khuyên anh đổi tên thành Tony Bennett. Không bao lâu sau Tony Bennett ký được hợp đồng với hãng dĩa Columbia, sự nghiệp ca hát của ông chính thức bắt đầu.

Từ 1950 trở đi, tên tuổi Tony Bennett được nhiều người biết đến. Năm 1951, bài “Because of You” của ông lên đến #1 và giữ vị trí đó 10 tuần lễ liền. Tiếp theo đó là một loạt top hit trong những năm 1951-1955. Ngoài nhạc jazz cổ điển ra, Tony Bennett cũng bắt đầu hát những bản nhạc nổi tiếng của các chương trình ca nhạc kịch trên Broadway. Từ đó đến nay nhạc kịch luôn chiếm một chỗ đứng quan trọng trong đời ca hát của Tony Bennett.

Ðến giữa thập niên 1950 thì nhạc rock’n’roll ra đời. Dù vậy, nhờ có giọng hát vàng và cách trình diễn độc đáo Tony Bennett vẫn tiếp tục ăn khách. Nhưng khi ban Beatles xâm chiếm thị trường thì nhạc jazz bắt đầu mất chỗ đứng, và Tony Bennett cũng từ từ tuột dốc theo. Năm 1962 Tony Bennett cho ra bài “I Left My Heart In San Francisco” nhưng không mấy thành công, mặc dù sau này nó chính là bài nổi tiếng nhất của ông. Phải nói 1965 đến 1979 là thời kỳ đen tối nhất cuộc đời Tony Bennett. Ðĩa bán không được, ly dị vợ, mất hợp đồng với hãng dĩa, làm ăn lỗ lã, cuộc hôn nhân thứ nhì lung lay, nghiện ngập, bị sở thuế vụ (IRS) đòi xiết nhà vì nợ thuế. Mãi đến khi Tony Bennett xém chết vì cocaine ông mới quyết định “làm lại cuộc đời”. Và người giúp ông gầy dựng lại sự nghiệp không ai khác hơn con trai của ông, Danny Benedetto, một người có đầu óc thương mại và thực tế.

Kế hoạch PR và Marketing của Danny khá đơn giản: mang ông già ra khỏi thế giới showbiz cũ mèm của Las Vegas, đưa cha mình trở lại New York, giới thiệu dòng nhạc Mỹ cổ điển đến giới trẻ bằng cách lăng xê cha mình trên các chương trình TV được thanh niên ưa chuộng như David Letterman, Tonight Show, v.v. Sau khi thương lượng với IRS để trả dần số nợ thuế và ký một hợp đồng mới với hãng dĩa Columbia, Tony Bennett bắt đầu làm lại cuộc đời. Khác với khi xưa, Tony Bennett tạo cho mình một chỗ đứng riêng biệt và độc đáo bằng cách thu hút khán giả trẻ với các nhạc phẩm xưa trong phong cách trình diễn nửa cổ nửa tân. Ông xuất hiện thường xuyên trên các chương trình nhạc của MTV, hát chung với các nghệ sĩ nổi tiếng như Michael Jackson, Red Hot Chili Peppers… Có thể nói trong giới âm nhạc thời bấy giờ không một ai làm được như Tony Bennett, và hình ảnh ông già “hip & cool” này đã gắn liền với Tony từ đó đến nay.

Bởi vậy cho nên khi Tony Bennett đến Dallas trình diễn ta thấy có rất nhiều gương mặt trẻ. Ðêm hôm ấy Tony Bennett hát gần 90 phút đồng hồ. Ban nhạc của ông toàn những nghệ nhân jazz thượng thặng cho nên chương trình đã dành ra nhiều đoạn cho ban nhạc biểu diễn solo (và cũng để ông cụ có thì giờ nghỉ ngơi). Lâu lắm mới được nghe nhạc jazz kiểu này ở Dallas, làm tôi tưởng chừng mình đang ngồi trong một night club nào đó ở New York, chỉ thêm một ly martini trên tay nữa là đủ bộ.


Phòng vẽ của Tony Bennett – nguồn damnuglyphotography.wordpress.com

Nghe Tony hát những bài nhạc bất hủ như “Rags to Riches” (Từ Bần Tới Sang), “Boulevard of Broken Dreams” (Ðại Lộ Của Những Ước Mơ Không Thành), “Shadow Of Your Smile” (Bóng Nụ Cười), ta có cảm giác như được đưa về một thế giới xa xưa nào đó không còn nữa. Mà thật sự là vậy, bởi những nghệ sĩ cùng thời với Tony Bennett như Frank Sinatra, Nat King Cole, đều đã ra người thiên cổ. Khi Tony hát bài “Smile” (Cười Lên) của Charlie Chaplin (người Việt ta hay gọi là hề Sạc Lô) cả khán trường như bị thôi miên. Và để kết thúc chương trình, Tony Bennett đã làm tất cả ngạc nhiên và nể phục khi ông bỏ microphone và hát một mình. Giọng ông cất lên cao vút và mạnh mẽ, nếu không được nghe tận tai thấy tận mắt thì chắc không ai tin một ông già 90 tuổi có thể hát khỏe đến cỡ đó. Sau khi ông dứt tiếng hát mọi người đồng loạt đứng dậy hoan hô ầm ĩ. Tôi nhìn xung quanh hàng ghế mình, thấy có vô số thanh niên và trung niên. Cậu con 10 tuổi thì vừa vỗ tay vừa khen ông già đánh trống hết mực.

Có một điều ít người biết, là ngoài tài ca hát Tony Bennett còn là một họa sĩ. Ông vẽ nhiều và rất đều tay. Ngay cả khi đi lưu diễn ông cũng hay mang theo đồ nghề để vẽ. Những bức tranh của ông bán rất được giá, và ông dùng số tiền đó để tài trợ cho trường nhạc Frank Sinatra tại New York, giúp các trẻ em nghèo hiếu học.

Tony Bennett không có dự tính về hưu. Ông tuyên bố sẽ đi hát đến khi hơi tàn lực kiệt mặc dù ông không cần tiền. Ông quan niệm nghệ thuật không có biên giới, và người nghệ sĩ chân chính là người sống với nghệ thuật của mình trọn đời. Ngày nay nếu có ca sĩ nào xứng đáng với danh hiệu “Tiếng Hát Vượt Thời Gian”, người đó chính là Tony Bennett.

IB


--------------------
Go to the top of the page
 
+Quote Post
lalan
post Sep 15 2016, 11:36 AM
Post #2


Phố Cũ
***

Group: Năng Động
Posts: 2,691
Joined: 21-April 08
Member No.: 43
Country






--------------------
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
2 User(s) are reading this topic (2 Guests and 0 Anonymous Users)
0 Members:

 



Lo-Fi Version Time is now: 29th March 2024 - 07:36 AM