Welcome Guest ( Log In | Register )

 
Reply to this topicStart new topic
> Malala: ‘Giải Nobel Hòa Bình của tôi dành cho tất cả trẻ em không có tiếng nói’, TH
Tulip
post Oct 13 2014, 07:12 AM
Post #1


Hoa cô đơn
***

Group: Năng Động
Posts: 5,417
Joined: 28-October 08
Member No.: 516
Country





Malala nhận hoa tặng sau khi nói chuyện tai một cuộc họp báo, 10/10/14

Malala: ‘Giải Nobel Hòa Bình của tôi dành cho

tất cả trẻ em không có tiếng nói’


Nhà hoạt động giáo dục người Pakistan, cô Malala Yousafzai, nói Giải Nobel Hòa Bình 2014 cô được nhận không phải dành riêng cho cô, mà cho tất cả những trẻ em không có tiếng nói.
Phát biểu với báo giới hôm nay sau khi giải thưởng được loan báo, cô Malala cho biết thông điệp cô muốn gửi tới trẻ em trên toàn thế giới là các em nên đứng lên vì quyền của mình. Cô nói cô mong muốn tất cả trẻ em đều được đến trường.


Cô Malala cũng ca ngợi người cùng đoạt Giải Nobel Hòa bình năm nay với cô, ông Kailash Satyarthi, một nhà hoạt động Ấn Độ cổ súy cho quyền trẻ em. Malala nói công việc của ông Satyarthi chống lại nạn nô lệ trẻ em hoàn toàn khơi nguồn cảm hứng cho cô.

Chỉ mới 17 tuổi, cô Malala làm nên lịch sử khi trở thành Khôi nguyên Giải Nobel trẻ nhất và ông Satyarthi trở thành người Ấn Độ đầu tiên thắng giải thưởng Nobel Hòa bình này.
Cô Malala nói việc chọn ra một người Hồi giáo Pakistan và một người Ấn Độ theo Ấn giáo cùng chia sẻ giải thưởng này là một thông điệp của tình thương yêu giữa hai quốc gia và hai tôn giáo.
Giải thưởng được công bố sau 1 tuần giao tranh giữa Ấn Độ và Pakistan xuyên biên giới vùng tranh chấp Kashmir.

Cô Malala cho biết cô đã điện đàm với ông Satyarthi và hai người quyết định cùng làm việc với nhau không chỉ về vấn đề giáo dục mà còn trong lĩnh vực thúc đẩy hòa bình giữa hai quốc gia. Cô cho hay đã nhờ ông Satyarthi đề nghị Thủ tướng Ấn, Narendra Modi, tham dự lễ trao giải ở Oslo (Na-uy) vào ngày 10/12 tới đây và cô hứa sẽ gửi lời đề nghị tương tự tới Thủ tướng Pakistan, Nawaz Sharif.
Malala và Satyarthi sẽ chia đôi giải thưởng trị giá 1,1 triệu đô la.


Loan báo người thắng giải hôm nay, Ủy ban Nobel Na-uy nói Malala và Satyarthi cùng nhận giải này vì công cuộc tranh đấu chống lại nạn đàn áp trẻ em cũng như những người trẻ và sự nghiệp tranh đấu cho quyền của tất cả trẻ em được đi học.
Bị phe Taliban bắn vào đầu trên chiếc xe bus của trường học hồi năm 2012, Malala đã cống hiến cuộc đời của mình để cổ súy cho quyền được học hành của nữ giới.

Trong khi đó, ông Satyarthi đã có hơn 30 năm tiên phong trong phong trào nhằm giải phóng tất cả trẻ em khỏi nạn lao động nô lệ.


Trong cuộc phỏng vấn với đài VOA, ông Satyarthi nói giải thưởng này là sự ghi nhận những nỗi đau và sự chịu đựng của hàng triệu trẻ em phải làm việc như những người lao động bị cầm giữ.
Malala nói cô hay tin về giải thưởng khi đang trong giờ học hóa tại trường ở Anh. Cô chuyển tới đây sinh sống sau khi được đưa sang Anh chữa trị vết thương trên đầu.


Nhiều người đã nhanh chóng hoan nghênh việc tuyển chọn Malala và Satyarthi cho giải Nobel Hòa bình năm nay, trong số đó có Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Ông mô tả đây là một tin rất tuyệt. Ông Kerry nói với đài VOA rằng hai nhân vật này là một sự biểu hiện lớn lao về tầm quan trọng để các chính phủ trên thế giới tập trung đến phụ nữ và trẻ em.


Tổ chức bảo vệ nhân quyền Ân Xá Quốc tế cũng lên tiếng hoan nghênh sự kiện này. Một trong những chuyên gia hàng đầu về Nam Á trong tổ chức, ông Mustafa Kadri, từ London nói với đài VOA rằng ‘không thể coi ngày hôm nay là đích đến cuối cùng hoặc là thời điểm chỉ để ghi nhận các nỗ lực của họ tính tới lúc này.’ Ông nói hiện nay quyền của trẻ em đang bị đe dọa nghiêm trọng và mọi người phải nhận thức được nhu cầu cần tăng đôi các nỗ lực toàn cầu.



--------------------

*******
Go to the top of the page
 
+Quote Post
Tulip
post Oct 13 2014, 07:12 AM
Post #2


Hoa cô đơn
***

Group: Năng Động
Posts: 5,417
Joined: 28-October 08
Member No.: 516
Country







Malala Yousafzai: nguồn cảm hứng của giới trẻ




Ở tuổi 17, Malala Yousafzai là người nhận giải Nobel hòa bình trẻ nhất trong lịch sử hơn trăm năm của giải thưởng có uy tín nhất thế giới này.
Ngày 9 tháng 10 năm 2012, trên một chiếc xe buýt, Malala Yousafzai (sinh năm 1997) và các bạn cùng nhau chuyện trò và hát hò với các thầy cô giáo. Vừa mới thi cuối học kỳ, ai cũng vui vẻ. Nhưng khi chiếc xe vừa ra khỏi thành phố Mingora, Pakistan thì có hai người đàn ông cầm súng chận lại. Chúng bước lên xe, hỏi: “Đứa nào là Malala Yousafzai?” Mọi người đều im lặng, nhưng một cách tự phát, một số em quay nhìn Malala. Theo hướng mắt ấy, hai tên sát thủ nhận diện ra ngay được Malala. Không nói không rằng, một tên giơ súng lên, chĩa thẳng vào em. “Đoành! Đoành”. Hai phát súng vang lên khô khốc. Một phát trúng đầu và một phát trúng cổ. Sẵn trớn, tên sát thủ bấm cò, bắn thêm hai phát nữa vào đám bạn của Malala khiến hai em bị thương. Xong, chúng xuống xe. Và tẩu thoát.


Hai tên sát thủ ấy thuộc nhóm Hồi giáo cực đoan Taliban vốn hoạt động rất mạnh trong khu vực Mingaro, Pakistan.
Vấn đề là: Tại sao các tên Hồi giáo quá khích lại muốn giết một nữ sinh mới 15 tuổi như vậy? Lý do: Taliban ra lệnh cấm toàn bộ phụ nữ đến trường và tham gia các hoạt động xã hội. Với chúng, phụ nữ, từ trẻ em đến người lớn, không cần biết chữ và chỉ được phép quanh quẩn trong nhà. Mà Malala lại không chấp nhận điều đó. Em vẫn bướng bỉnh đến trường, hơn nữa, còn cổ vũ các bạn nữ của mình đến trường.
Việc cổ vũ của Malala có tầm ảnh hưởng rất rộng, khi em, vào năm 2009, lúc mới 12 tuổi, nhận viết blog cho đài BBC tại Anh. Trong các bài viết, Malala mô tả cuộc sống tại quê nhà của em, Swat Valley, nơi Taliban đang chiếm đóng.


Em hô hào việc phổ cập giáo dục cho phụ nữ, một điều trái với chủ trương của Taliban. Năm sau, báo New York Times cử phóng viên Adam B. Ellick sang Pakistan làm một bộ phim tài liệu về cuộc đời của em, từ đó, tên tuổi em vang dội khắp nơi như một nhà hoạt động nhân quyền, đặc biệt nữ quyền trong một quốc gia Hồi giáo. Chính vì thế, Taliban xem em như một kẻ thù và ra lệnh phải hạ sát em. Bản án tử hình em được đăng tải rộng rãi trên báo chí địa phương, thậm chí, còn được nhét dưới cửa nhà em. Cảnh giác, nhưng Malala không hề sợ hãi. Em vẫn tiếp tục đến trường và tiếp tục vận động các bạn gái của mình đi học. Hậu quả là em bị bắn trên chuyến xe buýt của trường.


May, dù bị trọng thương nhưng em vẫn không chết. Các bác sĩ Pakistan đã tận tình cứu chữa cho em qua khỏi cơn nguy hiểm ban đầu. Nhiều bệnh viện lớn ở Tây phương hứa sẽ điều trị cho em. Gia đình em chọn bệnh viện Queen Elisabeth Hospital Birmingham ở Anh, nơi nổi tiếng điều trị các quân nhân bị thương tật. Sau mấy tháng nằm viện, sức khoẻ của em được khôi phục. Đầu năm 2013, em đi học trở lại tại Birmingham. Hơn nữa, em lại tiếp tục cuộc vận động cho quyền được đi học của phụ nữ.


Tháng 7 năm 2013, Malala được mời nói chuyện tại trụ sở Liên Hiệp Quốc về vấn đề phổ cập giáo dục; tháng 5, 2013, em được nhận bằng Tiến sĩ danh dự của trường University of King’s College tại Halifax, Canada; mấy tháng sau, nhận được giải Sakharov về tự do tư tưởng của Quốc hội Âu châu. Dần dần em trở thành một thiếu niên (teenager) nổi tiếng nhất trên thế giới. Khẩu hiệu “Tôi là Malala” (I am Malala) xuất hiện trong hầu hết các cuộc vận động giáo dục cho nữ giới, kể cả chiến dịch phổ cập giáo dục do Uỷ ban Giáo dục Toàn cầu của Liên Hiệp Quốc tổ chức. Báo Times, số ra ngày 29 tháng 4 năm 2013 xếp Malala vào danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới, ở đó, hình của em được đăng ngay trên trang bìa.


Và bây giờ, em nhận được giải Nobel Hoà bình (cùng với Kailash Satayarthi, người Ấn Độ). Ở tuổi 17, em là người nhận giải Nobel trẻ nhất trong lịch sử hơn trăm năm của giải thưởng có uy tín nhất thế giới này.

Qua báo chí Tây phương, người ta nhận thấy phản ứng đối với Nobel Hòa bình năm nay khá tốt. Hầu hết đều cho Malala (và Kailsh Satayarthi) xứng đáng. Em không những thông minh và dũng cảm mà còn là người có viễn kiến về một tương lai nhân loại bình đẳng, nơi mọi trẻ em, bất kể nam hay nữ, giàu hay nghèo, đều có cơ hội học tập. Nhưng quan trọng hơn hết, qua việc trao giải thưởng này, tấm gương của Malala càng sáng rực, trở thành nguồn ý thức và nguồn cảm hứng cho nhiều người thuộc nhiều tầng lớp khác nhau.

Thứ nhất, nó nhắc nhở mọi người về tội ác dã man của Taliban, nhóm Hồi giáo cực đoan lâu nay vẫn gieo rắc kinh hoàng ở khắp nơi. Thường, người ta vẫn biết tội ác của nhóm này. Nhưng cũng thường, bận bịu với những lo toan trong đời sống hàng ngày, người ta dễ quên bẵng đi. Taliban dường như thuộc về một thế giới khác. Cách đây hai năm, trước sự việc một cô bé ngây thơ, mới 15 tuổi đầu, bị bắn một cách tàn nhẫn như vậy, người ta mới sững sờ và thấm thía hơn về tính chất man rợ của những kẻ cuồng tín.

Càng thương Malala bao nhiêu, người ta càng căm ghét Taliban cũng như các lực lượng Hồi giáo cuồng tín bấy nhiêu. Lần đầu tiên tại Pakistan, tất cả các đảng phái chính trị cũng như các tôn giáo đều thống nhất với nhau trong việc lên án hành động vô nhân đạo của Taliban và cùng cầu nguyện cho em Malala. Phát biểu trước bệnh viện Birmingham ở Anh trong chuyến thăm viếng Malala đang được điều trị, ông Yousafzai, bố của Malala, tuyên bố: “Khi Malala ngã xuống, nước Pakistan đứng dậy và cả thế giới trỗi lên.”


Bây giờ, với giải Nobel hòa bình dành cho Malala, người ta càng nhận ra nhu cầu đoàn kết với nhau để chống lại những kẻ cuồng tín và chà đạp lên những quyền căn bản của con người.

Thứ hai, tấm gương của Malala khuyến khích giới phụ nữ lên tiếng để tranh đấu cho quyền lợi và phẩm giá của họ. Ở vào thời điểm đầu thế kỷ 21, ở khá nhiều quốc gia, phụ nữ vẫn bị bóc lột và áp bức không khác gì thời trung cổ. Sự đàn áp phụ nữ, ở nhiều nơi, mang màu sắc tôn giáo. Người ở ngoài lên tiếng phê phán dễ bị cho là kỳ thị. Malala thì khác: Em theo đạo Hồi. Tiếng nói của em là tiếng nói của người trong cuộc, do đó, dễ có sức thuyết phục hơn.



Cuối cùng, không chừng quan trọng nhất, tấm gương của Malala cổ vũ cho những người trẻ tuổi tự tin hơn trong việc dấn thân vào các hoạt động làm thay đổi xã hội, thậm chí, thế giới. Malala hiện nay mới 17 tuổi. Em tham gia vào hoạt động tranh đấu cho quyền đi học của nữ giới lúc mới 11, 12 tuổi. Dạo ấy, có lẽ hiếm có người tin tưởng là em có thể làm nên được việc gì. Vậy mà em lại làm được.
Hơn nữa, em hoàn toàn không có điều kiện thuận lợi nào cả. Sinh ra ở một miền quê nghèo khổ, để tranh đấu, em phải đối diện với bao nhiêu nguy hiểm. Vậy mà em vẫn vượt qua được.


Cùng với tấm gương của Josua Wong trong cuộc biểu tình tại Hong Kong mấy tuần qua, Malala Yousafzai là nguồn cổ vũ lớn cho giới trẻ ở khắp nơi trên thế giới, trong đó, có cả Việt Nam.



Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc


--------------------

*******
Go to the top of the page
 
+Quote Post
NamQuoc
post Dec 11 2014, 09:24 AM
Post #3


Bảo vệ tổ quốc
***

Group: Năng Động
Posts: 5,513
Joined: 22-September 09
Member No.: 5,173
Age: 53
Country





Malala Yousafzai

Malala Yousafzai :

Thiếu nữ giành giải Nobel Hòa Binh muốn làm thủ tướng


Trả lời phỏng vấn BBC, Malala Yousafzai – cô gái trẻ tuổi nhất người Pakistan nhận được giải Nobel Hòa Bình năm 2014 đã thổ lộ rằng cô hi vọng sẽ trở thành thủ tướng Pakistan.

Malala – biểu tượng của nữ quyền nói rằng sau khi hoàn tất việc học tại Anh, cô hy vọng sẽ bước chân vào giới chính trị, thậm chí có thể tranh cử chức Tổng thống Pakistan để phục vụ đất nước.

"Tôi mong muốn phụng sự đất nước mình và ước mơ của tôi là Pakistan sẽ trở thành một quốc gia phát triển, và mọi trẻ em đều được học hành", cô nói với phóng viên BBC trước khi lễ trao giải diễn ra ở Oslo (Na Uy) hôm nay 10-12.

Cô cũng cho biết mình được truyền cảm hứng bởi bà Benazir Bhutto - người hai lần giữ chức thủ tướng Pakistan trước khi bị ám sát năm 2007.

"Nếu có thể phục vụ đất nước tốt nhất thông qua con đường chính trị và thông qua việc trở thành thủ tướng, tôi chắc chắn sẽ chọn nó", cô nói.

"Giải thưởng hòa bình này rất quan trọng với tôi, nó thực sự mang lại cho tôi nhiều hi vọng, can đảm hơn. Tôi cũng cảm thấy mạnh mẽ hơn trước khi thấy có nhiều người cùng chí hướng với tôi.

Sẽ có nhiều trách nhiệm hơn nhưng tôi cũng tự đặt trách nhiệm cho bản thân... Tôi sẽ giúp cộng đồng của mình. Đó là nhiệm vụ của tôi", cô chia sẻ.

Đồng phục đi học của Yousafzai mặc vào ngày cô bị Taliban bắn đang được trưng bày tại Oslo - Ảnh: AP

Malala nói việc cùng giành giải thưởng với nhà vận động Kailash Satyarthi là một vinh dự lớn, nhưng cũng bày tỏ "rất thất vọng" khi Thủ tướng Ấn Độ và Thủ tướng Pakistan không dự lễ trao giải.

Theo phóng viên BBC, bất chấp thời tiết lạnh giá, hàng trăm người đã tụ tập xuống đường phố ở Oslo để được nhìn thấy Malala và nhà vận động Kailash Satyarthi.


BBC


--------------------
Trăn trở
Go to the top of the page
 
+Quote Post
Đông Nhi
post Jul 20 2015, 09:44 AM
Post #4


Bảo vệ tổ quốc
***

Group: Năng Động
Posts: 2,835
Joined: 9-October 09
Member No.: 5,482
Country




Malala Yousafzai kỷ niệm sinh nhật 18 tuổi

của mình như thế nào?



Cô sử dụng tiền của nhiều nơi quyên góp cho quỹ từ thiện của mình để mở các trường học cho người tỵ nạn Syria ở Lebanon. Cô coi đó là món quà sinh nhật ý nghĩa nhất mà cô tặng cho chính mình.

"Tôi ước mong các nhà lãnh đạo trên thế giới đầu tư vào sách thay vì đạn", Yousafzai cho biết trong một bài phát biểu thay mặt cho trẻ em trên thế giới.

Khi cô 15 tuổi, Yousafzai bị bắn và bị thương nặng do Taliban Pakistan vì cô lên tiếng ủng hộ việc giáo dục cho trẻ em gái. Sau khi hồi phục, cô tiếp tục cuộc vận động ngoan cường của mình. Chính vì lẽ đó, năm 2014 cô trở thành người đoạt giải Nobel trẻ nhất trong lịch sử.

Malala Yousafzai nói với Reuters rằng cô chọn việc mở các trường học ở Bekaa Valley, Lebanon "bởi vì tôi tin rằng tiếng nói của những người tị nạn Syria cần được lắng nghe, họ đã bị bỏ quên quá lâu."

Lebanon là nơi lưu trú của một phần tư, trong số 4 triệu người Syria phải đi lánh nạn khỏi cuộc nội chiến của nước này, trong đó có khoảng 500.000 trẻ em đang độ tuổi đi học.

Các trường học, gần biên giới Syria, có thể chứa đến 200 em gái tuổi từ 14 đến 18. Nó đã được xây dựng nên bởi Quỹ Malala Yousafzai.

Các học sinh có mặt trong buổi khai trường đã chia sẻ chiếc bánh sinh nhật và hát những bài hát cảm tạ, khiến người đoạt giải Nobel trẻ tuổi rơi nước mắt.

Cha của cô, ông Ziauddin, bày tỏ niềm tự hào với sự kiên trì của con mình.

"Đây là trách nhiệm, chúng tôi đã thực hiện từ tám đến chín năm qua," ông nói. "Khởi đầu nhỏ này, dành cho việc giáo dục các trẻ em gái ở Swat Valley: và công việc này hiện nay đang lan rộng trên toàn thế giới."

Các tay súng Hồi giáo cực đoan đã bắn vào đầu Malala Yousafzai trên một chiếc xe buýt. Sự kiện này làm xúc động toàn thế giới. Nhưng vào năm ngoái, tin tức cho biết 8 trong 10 người tham gia việc tấn công Malala Yousafzai đã được tha bổng.

Tuấn Khanh (Tổng hợp)


--------------------
Mùa nào cũng buồn ...
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
2 User(s) are reading this topic (2 Guests and 0 Anonymous Users)
0 Members:

 



Lo-Fi Version Time is now: 23rd April 2024 - 09:27 PM