Welcome Guest ( Log In | Register )

 
Reply to this topicStart new topic
> Mười Điều Luật Chúa Và Gia Đình Chúng Ta - Minh Nguyên
VanAnh
post Jan 12 2009, 04:07 PM
Post #1


Hạnh ngộ
***

Group: Năng Động
Posts: 5,776
Joined: 25-October 08
Member No.: 480
Country




MƯỜI ĐIỀU LUẬT CHÚA VÀ GIA ĐÌNH CHÚNG TA


Người ta thường nói, “Con hơn cha là nhà có phước,” nhưng gần đây có một trường hợp con giống cha và có lẽ hơn cha nữa nhưng không có phước gì cả. Đó là trường hợp của gia đình ông Curtis Connor, sống tại thành phố Los Angeles. Ông Curtis Connor có một cách làm ăn không ngay thẳng và ông đã chỉ dạy, dẫn dắt các con trai, con gái, cháu nội, cháu ngoại của ông trong con đường giống như ông. Nhưng vào ngày 6 tháng 3 năm 2008, những đứa con đứa cháu theo bước chân sai lầm của cha ông mình đã bị bắt. Theo nhật báo Los Angeles Times, số ngày 7/3/2008, người ta đã bắt giữ 20 người trong một nhóm chuyên khai báo tai nạn lưu thông giả, và trong đó đa số là con cháu của ông Curtis Connor. Người ta cho biết, ông Connor chuyên đi mua những chiếc xe cũ, rẻ tiền, ở chỗ bán đấu giá, rồi dùng tên và lý lịch giả để mua bảo hiểm với nhiều hãng bảo hiểm khác nhau. Sau đó ông nhờ con, cháu, bạn bè, nói dối là họ đi trên xe ông và đã bị tai nạn, rồi ông khai báo những tai nạn không có thật đó để lấy tiền của các hãng bảo hiểm. Từ năm 2000-2008, với những báo cáo dối và những nhân chứng dối, gia đình ông Connor đã được trên 10 hãng bảo hiểm bồi thường một số tiền tổng cộng hơn 500 ngàn mỹ kim. Người ta cho biết, ông Connor và con cháu sống trong gian dối như thế trong suốt hai mươi năm qua.

Trong những Câu Chuyện Gia Đình trước đây chúng tôi trình bày đề tài “Mười Điều Luật Chúa và Gia Đình Chúng Ta,” nói về những Giới Răn Đức Chúa Trời ban cho con người, được ghi lại trong Kinh Thánh. Chúng tôi giải thích ý nghĩa và trình bày những phương cách giúp chúng ta tuân giữ các giới răn của Chúa, vì đây là bí quyết giúp chúng ta có một đời sống bình an, hạnh phúc.

Trong Mười Giới Răn Chúa ban, bốn điều đầu tiên dạy về bổn phận của con người đối với Thiên Chúa. Giới răn thứ 5 đến thứ 10 dạy về bổn phận của con người đối với nhau. Trước đây chúng tôi có trình bày Giới Răn thứ I đến thứ VIII nên hôm nay xin nói về giới răn thứ IX.

Giới răn thứ 9 Chúa phán dạy: “Ngươi chớ nói chưng dối cho kẻ lân cận mình” (Xuất Ai-cập ký 20:16). Một bản Kinh Thánh khác dịch là: “Ngươi không được làm chứng dối nghịch người khác.”

Làm chứng hay làm nhân chứng là nói lại hay kể lại những điều tai nghe mắt thấy. Làm chứng dối là nói lên hay khai ra những điều tai không thật sự nghe, mắt không thật sự nhìn thấy. Nói cách đơn giản, “làm chứng dối” hay “nói chứng dối” là nói lên lời chứng không đúng sự thật. Làm nhân chứng là điều chúng ta đối diện hằng ngày, trên những bình diện khác nhau: trong gia đình, trong sở làm, giữa bạn bè và người chung quanh, khi chúng ta cần nói lên điều mình biết và thấy để giúp giải quyết một nan đề nào đó. Chúng ta cũng có thể được mời làm nhân chứng trong một vụ kiện hay khi có một tai nạn xảy ra mà chúng ta chứng kiến. Giới răn thứ 9 dạy rằng, khi làm nhân chứng, dù là trước tòa án, trong gia đình hay ở bất cứ nơi nào, chúng ta không được nói dối nhưng phải nói đúng sự thật về những gì mình đã nghe và thấy. Làm nhân chứng là điều quan trọng và là một trách nhiệm lớn, vì nếu chúng ta làm chứng dối, cán cân công lý sẽ thiên lệch và có thể gây thiệt hại cho người vô tội. Chính vì tầm quan trọng của lời chứng mà Đức Chúa Trời đã đề cập đến vấn đề làm nhân chứng trong bảng Mười Giới Răn. Quý vị có được mời làm nhân chứng bao giờ không? Khi một người mời ta làm nhân chứng, có thể người đó muốn ta nói thật những gì ta nghe hoặc thấy, nhưng cũng có khi người đó muốn ta nói lên những điều không thật để họ không bị buộc tội hoặc được một điều lợi nào đó. Tuy nhiên, khi làm nhân chứng chúng ta cần nhớ rằng mình phải nói thật, vì nếu nói những điều không đúng sự thật là chúng ta đã phạm giới răn của Chúa. Dù người liên hệ có thể không biết, nhưng chính chúng ta biết và Chúa biết.

Trong đời sống tại đây, chúng ta có nhiều cơ hội làm nhân chứng, không những đứng trước tòa án làm chứng những điều liên quan đến người khác nhưng chúng ta thường xuyên làm chứng những điều thuộc về chính mình, chẳng hạn như khi điền các giấy tờ về lý lịch cá nhân, về lương bổng, thuế má, về tình trạng sức khỏe, về công ăn việc làm, về tình cảnh gia đình, v.v… Chúng ta rất dễ bị cám dỗ làm chứng dối, tức là khai ra những điều không thật. Nhiều người viết vào văn kiện những điều không thật nhưng vẫn ký tên và xác nhận những điều đó là đúng sự thật mà không một chút áy náy, tất cả chỉ vì để được lợi cho mình. Khai báo những tai nạn không có thật để lãnh tiền bồi thường như gia đình ông Connor đã làm là điều rất nhiều người đã và đang làm hôm nay. Nhật báo Times cho biết, vụ gian lận bảo hiểm của gia đình ông Connor chỉ là một trong hằng ngàn trường hợp khác. Riêng tại bang California, số tiền hãng bảo hiểm phải đền cho những tai nạn không có thật tổng cộng lên đến hơn 500 triệu mỹ kim mỗi năm, thật ra số tiền này do chính chúng ta, những người mua bảo hiểm đóng vào. Trong cả nước Mỹ, tiền bồi thường cho những thiệt hại về nhân mạng và tài sản của những tai nạn không có thật trung bình khoảng 30 tỉ mỹ kim mỗi năm. Điều này cho thấy, khi có cơ hội làm nhân chứng cho mình, cho người khác, rất nhiều người làm chứng dối, tức là rất nhiều người phạm giới răn thứ 9 mà Thiên Chúa đã ban. Khi làm chứng dối, người ta chỉ nghĩ đến cái lợi tạm bợ trước mắt mà quên đi cái hậu quả lâu dài và kinh khiếp của tội lỗi.

Đối với tác giả Thánh Vịnh ngày xưa, bị người khác làm chứng dối để hại mình là điều rất khổ tâm. Ông cầu xin Chúa: “Xin chớ phó tôi cho ý muốn kẻ cừu địch tôi; vì những chứng dối và kẻ buông ra sự hung bạo đã dấy nghịch cùng tôi” (Thi Thiên 27:13). Sách Châm ngôn trong Thánh Kinh Cựu Ước, nhiều lần lên án việc làm chứng dối. Châm Ngôn 16:16-19 nói về 6 điều mà Đức Chúa Trời ghê tởm, một trong 6 điều đó là lời chứng dối. Tác giả viết: “Có 6 điều Đức Giê-hô-va ghét và bảy điều Ngài lấy làm gớm ghiếc: Con mắt kiêu ngạo, lưỡi dối trá, tay làm đổ huyết vô tội; lòng toan những mưu ác, chân vội vàng chạy đến sự dữ, KẺ LÀM CHỨNG GIAN VÀ NÓI ĐIỀU DỐI, cùng kẻ gieo sự tranh cạnh trong vòng anh em.” Trong những chỗ khác, tác giả viết: “Kẻ nào nói thật rao truyền sự công bình, song kẻ làm chứng gian phô sự giả dối” (Châm Ngôn 12:17); “Người chứng trung thành không hề nói dối, còn kẻ làm chứng gian buông lời dối trá” (14:5). Châm ngôn 25:18 mô tả người làm chứng dối bằng những hình ảnh thật cụ thể: “Kẻ nào đối chứng giả dối cho người lân cận mình khác nào một cái búa, một cây gươm, một mũi tên nhọn.”

Có bao giờ quý vị làm nhân chứng cho người khác mà phải nói dối để giúp họ không? Chúng ta cần cẩn thận khi làm chứng bất cứ chuyện gì, dù lớn hay nhỏ, vì Lời Chúa dạy rõ ràng rằng, làm chứng dối là có tội, là phạm giới răn của Chúa và sẽ không tránh được những hậu quả tai hại. Có le quý vị có lần đã gặp khó khăn vì lời chứng dối của người khác. Chúng ta đã thấy, biết bao nhiêu người vô tội vì một lời chứng dối mà trở nên người có tội và phải chịu tù đày gian khổ. Trong những xã hội mà quyền sống của con người không được tôn trọng, người dân nhiều khi bị bắt buộc làm chứng dối để nhà nước có cớ lên án người vô tội. Chẳng hạn như họ buộc trẻ con làm chứng dối để tố cáo cha mẹ, bắt học trò làm chứng dối để buộc tội thầy giáo, cô giáo. Những người cố tình làm chứng dối cũng như những người bắt người khác làm chứng dối đều sẽ phải chịu trách nhiệm về việc làm của mình. Lời Chúa dạy: “Chớ làm chứng vô cớ nghịch kẻ lân cận mình; con há muốn lấy môi miệng mình mà phỉnh gạt sao? (Châm Ngôn 24:28). Tác giả sách Châm Ngôn cho biết, người làm chứng dối không những bị lên án nhưng sẽ không tránh khỏi hình phạt của Chúa: “Chứng gian nào chẳng bị phạt, và kẻ buông điều giả dối không sao thoát khỏi. Chứng gian sẽ chẳng thoát khỏi bị phạt và kẻ buông lời giả dối sẽ bị hư mất” (19:5&9). Nếu chúng ta không muốn người khác nói lời chứng gian dối để gây tổn hại cho chúng ta, chúng ta cũng không nên làm chứng dối hay nói lên những điều không đúng sự thật để được lợi. Thực tế là, khi chúng ta nói những điều không có thật để được lợi, dù lợi lộc đó là tiền bạc, tài sản, danh tiếng hay bất cứ điều gì thì sự dối trá đó sẽ gây tổn hại cho người khác, và về lâu về dài, chính chúng ta là người bị thiệt hại. Một ví dụ cụ thể là nhiều người ngày nay bị thiệt thòi về nhiều mặt vì số tuổi trong giấy tờ nhỏ hơn tuổi thật.

Khi chúng ta thiếu chân thật trong lời chứng của mình, không chỉ một mình chúng ta hay một vài người bị tổn hại nhưng lắm khi gây thiệt hại cho hãng xưởng nơi chúng ta làm việc; thiệt hại cho cả một tổ chức, một hội đoàn, hay hội thánh, nơi chúng ta là một thành viên. Cũng có những lời chứng dối có thể gây tổn hại cho xã hội hay đất nước nơi chúng ta sinh sống. Những điều gian dối đem lại lợi lộc cho người này luôn luôn gây tổn hại cho người khác, trong một phương diện khác. Vì vậy chúng ta cần suy nghĩ lại trước khi làm chứng những điều không đúng sự thật để được lợi cho riêng mình.

Minh Nguyên




--------------------

Cõi mơ
Go to the top of the page
 
+Quote Post
VanAnh
post Jan 12 2009, 04:08 PM
Post #2


Hạnh ngộ
***

Group: Năng Động
Posts: 5,776
Joined: 25-October 08
Member No.: 480
Country




Giới Răn IX: Ngươi Chớ Làm Chứng Dối (Bài 2)


Năm 2006, văn phòng thành phố Philadelphia, thuộc bang Pennsylvania nhận được một ngân phiếu mà mọi người đều vô cùng ngạc nhiên. Đó là ngân phiếu của một người trả số tiền đã bị cảnh sát biên phạt 52 năm trước đó. Năm 1954, ông John Gedge, từ Anh Quốc sang Hoa kỳ du lịch. Khi lái xe trong thành phố Philadelphia, ông bị biên phạt 15 mỹ kim vì chạy quá tốc độ ấn định. Sau đó ông Gedge trở về Anh quốc và quên luôn giấy phạt đó. Đến năm 2006, tức là 52 năm sau, ông vô tình tìm thấy cái giấy phạt của cảnh sát trong một túi áo vét cũ. Lúc đó ông John Gedge đã 84 tuổi và đang sống trong viện dưỡng lão. Khi thấy cái giấy phạt, ông thầm nhủ: “Mình phải trả số tiền này để lương tâm được trong sạch, không có gì phải áy náy,” và ông đã gởi đến thành phố Philadelphia 15 đồng tiền phạt đó. Đây là việc làm chân thật của người có tấm lòng chân thật, dù không ai nhớ hay biết.

Có lẽ quý vị đều đồng ý rằng đây là một chuyện hi hữu, nếu không nói là khó có thật, vì hằng ngày chúng ta thấy quá nhiều những điều gian dối trong xã hội mình đang sống, người chân thật như thế thật hiếm có. Đức Chúa Trời, Người Cha Thiêng Liêng, Đấng đã tạo dựng nên con người, muốn chúng ta kính yêu Chúa hết lòng và yêu người lân cận như chính mình. Để giúp chúng ta sống trong tiêu chuẩn đó, Chúa ban cho chúng ta Mười Giới Răn. Bốn giới răn đầu dạy những điều chúng ta cần làm để hết lòng kính yêu Chúa. Giới Răn thứ 5 đến thứ 10 dạy chúng ta cách sống thế nào để thật sự yêu người chung quanh như chính mình.

Giới Răn thứ 9 Chúa phán: “Ngươi chớ làm chứng dối cho người lân cận.” Đức Chúa Trời đặt ra Giới Răn thứ 9 để bảo vệ người cô thế trước những việc làm tàn ác và bất công trong xã hội. Biết bao nhiêu người vì lời chứng gian của người khác mà phải chết oan ức hay phải chịu đày đọa đau khổ suốt cả cuộc đời. Riêng trong Thánh Kinh Tân Ước có ít nhất hai trường hợp người làm chứng dối đã đưa bị cáo đến chỗ bị tử hình. Trường hợp thứ nhất xảy ra trong phiên tòa xử Chúa Cứu Thế Giê-xu. Phúc Âm Mác ghi: “Các thầy tế lễ cả, cùng cả tòa công luận đều tìm chứng gì để nghịch cùng Đức Chúa Giê-xu đặng giết Ngài, song không kiếm được chi hết. Vì có nhiều kẻ làm chứng dối nghịch cùng Ngài; nhưng lời họ khai chẳng hiệp nhau. Bấy giờ có mấy người đứng lên làm chứng dối nghịch cùng Ngài rằng: Chúng tôi có nghe người nói: Ta sẽ phá đền thờ này bởi tay người ta cất lên, khỏi ba ngày, ta sẽ cất một đền thờ khác không phải bởi tay người ta cất. Song về điều này lời chứng của họ cũng chẳng hiệp nhau nữa. Khi ấy, thầy cả thượng phẩm đứng dậy giữa hội đồng, tra hỏi Đức Chúa Giê-xu mà rằng: Ngươi chẳng đối đáp chi hết về những điều các kẻ này cáo ngươi sao? Nhưng Đức Chúa Giê-xu làm thinh, không trả lời gì hết” (14:55-64). Kết quả vụ xử án bất công đó là Chúa Giê-xu bị tuyên án tử hình và bị đóng đinh trên cây thập tự. Ví dụ thứ hai là trường hợp của ông Ê-tiên, một chấp sự trong hội thánh đầu tiên. Kinh Thánh ghi: “Ê-tiên được đầy ơn và quyền, làm dấu kỳ phép lạ rất lớn trong dân. Nhưng có mấy hội viên của nhà hội ... nổi lên mà cãi lẫy cùng Ê-tiên. Song chúng không chống lại nổi với trí khôn người cùng với Đức Thánh Linh, là Đấng người nhờ mà nói, bèn xui xiểm mấy người đặng nói rằng: Chúng ta đã nghe người nói ra những lời phạm đến Môi-se và Đức Chúa Trời... Chúng đặt ra những kẻ chứng dối, nói rằng người này hằng nói những lời phạm đến nơi thánh và luật pháp” (Sách Công vụ 6:8-11,13). Vì những lời chứng dối đó, người ta đã kéo chấp sự Ê-tiên ra ngoài thành Giê-ru-sa-lem và xử tử bằng cách ném đá.

Thánh Kinh Cựu Ước cũng ghi lại nhiều trường hợp những người vô tội bị trừng phạt oan ức vì lời chứng dối của người khác. Chẳng hạn như sách I Các Vua chương 21 ghi lại trường hợp một anh nông dân có một cái vườn nho đẹp ở gần cung điện của vua. Vua muốn mua nhưng anh không chịu bán vì đó là đất của tổ tiên để lại. Bà vợ ông vua liền tìm hai người gian hùng đứng ra làm chứng dối, tố cáo anh nông dân tội nói phạm đến Đức Chúa Trời và nói phạm đến vua. Kết quả là anh nông dân vô tội vì lời chứng gian bị án tử hình. Đó là trường hợp làm chứng dối về những chuyện lớn lao. Trong đời sống hằng ngày, nhiều người chung quanh chúng ta, hoặc lắm khi chính chúng ta, đã làm chứng dối những chuyện nhỏ nhặt nhưng cũng gây tổn hại cho người khác. Ngày xưa, có những nước trước khi tử tội nhận bản án tử hình, những người đã làm nhân chứng phải đặt tay lên đầu tử tội để cho mọi người thấy rằng lời chứng của họ là chân thật. Nếu sau đó người ta khám phá ra lời chứng đó không đúng sự thật thì người làm nhân chứng sẽ phải lãnh án phạt giống như người đã bị tuyên án.

Như đã nói, Giới Răn thứ 9 không chỉ dạy chúng ta phải nói thật khi đứng trước tòa án hay khi được mời làm nhân chứng cho một điều gì hay một người nào. Giới Răn này dạy chúng ta phải luôn luôn chân thật trong lời nói. Trong gia đình, chúng ta nên làm gì để dạy con cái vâng giữ Giới Răn của Chúa? Trước hết, là cha mẹ chúng ta phải luôn công bằng khi các con kiện cáo nhau. Đừng thiên vị đứa con nào, dù đó là đứa con trai duy nhất hay đứa con gái duy nhất trong gia đình, dù đó là con đầu lòng hay con út, là đứa con ngoan ngoãn nhất, hay đứa con ốm yếu nhất. Cha mẹ phải đối xử công bằng trong mọi trường hợp, khi ban thưởng cũng như khi trừng phạt. Đừng bao giờ nghe lời chứng dối hay lời phao vu của đứa con này về đứa con khác. Có người thương đứa con giống mình, hoặc thương đứa con học giỏi mà không thương những đứa khác. Có người thương con ruột và ghét con ghẻ. Thương con trai mà ghét con gái, thương con rể và ghét con dâu. Khi chúng ta đã thương hoặc ghét một đứa con nào, nếu có ai nói điều gì không đúng với ý chúng ta về đứa con đó, chúng ta sẽ không tin. Và một khi đã thiên vị hay có thành kiến, chúng ta dễ nghe theo những lời vu cáo hay lời chứng dối. Trong gia đình, con cái luôn luôn quan sát và bắt chước những điều cha mẹ làm. Nếu cha mẹ sống trong giả dối, con cái cũng sẽ trở nên người giả dối. Nếu cha mẹ đối xử với người chung quanh với lòng thành thật, bao dung và độ lượng, con cái sẽ bắt chước và trở nên những người chân thật, yêu thương, biết nghĩ đến phúc lợi của người khác. Không những chúng ta cần đối xử công bằng với những đứa con còn nhỏ mà với những đứa con đã lớn chúng ta cũng phải công bình, không thiên vị. Chúng ta thường nghe lời than phiền của các nàng dâu thường hay bị mẹ chồng, vì thành kiến, nghe những lời nói không đúng sự thật của người khác mà ghét con dâu, đối xử không tốt với con dâu. Anh chị em trong gia đình cũng có khi nói với cha mẹ những điều không tốt và không có thật của những anh chị em khác để hạ danh dự của người đó hay để khiến cha mẹ không thương người đó nữa. Trong bất cứ khung cảnh nào hay xã hội nào, việc làm nhân chứng cũng rất quan trọng. Một lời chứng không đúng sự thật có thể gây tổn hại không những cho một người, một gia đình nhưng có thể gây tổn hại cho cả một nhóm người hay nhiều thế hệ.

Trong gia đình lắm khi người lớn làm điều lầm lỗi nhưng vì sợ trách nhiệm nên đổ lỗi cho con cháu. Khi được gọi đến làm chứng, những người này sẵn sàng nói dối để con cháu bị la mắng hoặc bị đánh đòn. Chúng ta có lẽ cũng đã nhiều lần nghe nói hay chứng kiến những trường hợp bà chủ làm chứng dối để hại người giúp việc, mẹ ghẻ làm chứng dối để hại con chồng, hoặc mẹ chồng làm chứng dối để hại con dâu, v.v... Đây là những điều chúng ta cần phải tránh, để không gây tổn hại cho người khác và chính chúng ta cũng không phải gánh chịu những hậu quả tai hại về sau vì những lời không thật mà chúng ta đã nói. Kinh Thánh dạy: “Chớ hề dối mình, Đức Chúa Trời không chịu khinh dể đâu, vì hễ ai gieo giống chi lại gặt giống ấy” (Thư Ga-la-ti 6:7). Gieo gì gặt nấy là quy luật của Thiên Chúa mà con người không thể tránh, vì vậy cầu xin Chúa giúp chúng ta luôn luôn gieo sự chân thật để sẽ gặt lấy chân thật và bình an cho chính mình cũng như cho mọi người chung quanh.

Minh Nguyên



--------------------

Cõi mơ
Go to the top of the page
 
+Quote Post
VanAnh
post Jan 12 2009, 04:09 PM
Post #3


Hạnh ngộ
***

Group: Năng Động
Posts: 5,776
Joined: 25-October 08
Member No.: 480
Country




Giới Răn IX: Ngươi Chớ Làm Chứng Dối (Bài 3)


Một thiếu phụ kia đi mua quà sinh nhật cho chồng nhưng không muốn chồng biết nên nhờ một người bạn đưa đi. Khi đã mua quà xong, bà đến ngồi ở một nơi bán thức ăn để chờ người bạn đến đưa về. Người chồng của thiếu phụ đang đi làm nhưng có việc bất ngờ phải xuống phố và vô tình đi vào khu buôn bán đó. Thấy vợ ngồi trong tiệm ăn một mình, ông chồng rất là ngạc nhiên. Ông hỏi bà đi đâu mà ngồi đây thì người vợ lúng túng không trả lời. Ông chồng nổi giận, nghi là vợ hẹn hò với một người nào. Người vợ giải thích với chồng rằng bà cần đi mua một món đồ gấp nên không cho ông biết và đang ngồi chờ một người bạn đưa về. Thấy chồng không tin, bà bảo ông chịu khó chờ khi người bạn trở lại thì sẽ biết sự thật. Bà tin rằng khi chồng gặp bạn của bà thì sẽ không nghi ngờ gì nữa. Nhưng khi người bạn đến, vì tính hay bông đùa, người đó nói rằng chị không có có hứa đưa đón ai cả. Nghe vậy, người chồng càng tin điều ông nghi là đúng. Vì không nói thật, dù chỉ là bông đùa, người bạn kia đã khiến hai vợ chồng này giận nhau suốt mấy ngày. Trong Câu Chuyện Gia Đình gần đây chúng tôi có trình bày giới răn thứ 9, là một trong Mười Giới Răn Đức Chúa Trời ban cho con người. Giới Răn thứ 9 Chúa dạy: “Ngươi chớ làm chứng dối cho người lân cận” hoặc: “Chớ làm chứng dối nghịch cùng người khác.” Giới Răn này có nghĩa là mỗi khi được gọi làm nhân chứng cho một người nào hay một việc gì, chúng ta phải nói thật. Ở Mỹ đây mỗi khi đứng trước mặt quan tòa để khai điều mình biết, các nhân chứng đều phải tuyên thệ câu: “Xin Chúa giúp tôi nói lên sự thật, tất cả sự thật và không nói gì ngoài sự thật.” Lời tuyên thệ này rất nghiêm trọng nhưng dần dần đã trở thành một thông lệ, một nghi thức chứ không còn ý nghĩa, vì trong thực tế bao nhiêu người tuyên thệ như vậy trước tòa án nhưng lời chứng của họ không nói đúng sự thật.

Căn bản của giới răn thứ 9 là sự chân thật. Đức Chúa Trời muốn con người trân quý sự thật; tìm kiếm sự thật; nói thật và sống trong chân thật. Làm chứng dối chỉ là một trong muôn ngàn cách nói dối. Không chỉ việc làm chứng dối bị Thánh Kinh lên án nhưng tất cả những hành động hay lời nói không thật đều bị Kinh Thánh lên án. Có thể chúng ta chưa làm chứng dối cho ai bao giờ nhưng còn nói dối thì sao? Nếu thành thật với chính mình, chúng ta phải nhận rằng mình đã nói dối nhiều lần. Trong xã hội đầy gian dối ngày nay, nhiều người xem gian dối là điều bình thường. Có người chủ trương rằng cứ nói dối cho được việc rồi hậu quả thế nào tính sau. Nhiều người còn nói rằng dối trá là cách khôn ngoan để sống còn trong xã hội, và phải gian dối mới thành công, mới có thể vượt hơn người khác. Dù chúng ta chủ trương hay lý luận thế nào, đối với Chúa nói dối là tội, và người cố tình phạm tội sẽ nhận lấy hậu quả dù có cố gắng biện hộ hay bào chữa cho việc gian dối mình làm. Kinh Thánh dạy: “Chớ hề dối mình, Đức Chúa Trời không chịu khinh dể đâu; vì ai gieo giống chi lại gặt giống ấy” (Thư Ga-la-ti 6:7). Dối trá là tội mà con người ở bất cứ nơi nào, trong thời đại nào cũng có thể mắc phải.

Lời Chúa cho biết, người phạm tội nói dối cũng bị hình phạt như người phạm tội giết người hay tội tà dâm. Sách Khải Huyền trong Kinh Thánh dạy như sau: “Còn những kẻ hèn nhát, kẻ chẳng tin, kẻ đáng ghớm ghét, kẻ giết người, kẻ dâm loạn, kẻ phù phép, kẻ thờ thần tượng và PHÀM KẺ NÀO NÓI DỐI, phần của chúng nó trong hồ có lửa và diêm cháy bừng bừng: đó là sự chết thứ hai” (21:8). Nhiều khi vì công việc làm ăn sinh sống hoặc vì hoàn cảnh, chúng ta thấy phải nói dối để không bị thiệt thòi. Rồi vì nói dối thường xuyên và vì thấy hầu như mọi người chung quanh đều nói dối nên chúng ta không còn áy náy nhưng xem đó như là một phương cách để tiến thân, để sống còn. Tuy nhiên, nếu là người tin Chúa, đã được Chúa thay đổi và có Đức Thánh Linh ngự trị trong lòng, chúng ta sẽ không thể nào bình an khi phạm tội, dù là một tội nói dối nhỏ chỉ một mình ta biết. Người tin Chúa khi phạm tội, dù là tội gì, cũng sẽ thấy khó chịu và không bình an cho đến khi nào xưng tội với Chúa và Chúa hứa Ngài tha thứ cho những ai xưng nhận và từ bỏ tội mình đã phạm. Thánh Giăng viết: “Nếu chúng ta xưng tội mình thì Ngài là thành tín, công bình để tha tội cho chúng ta và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác” (Thư I Giăng 1:9). Người tin Chúa thường kinh nghiệm điều này, đó là khi hoàn cảnh dường như buộc phải nói dối, nhưng nếu chúng ta quyết tâm sống chân thật, Chúa sẽ mở cho ta lối thoát. Cũng lắm khi vì chân thật, chúng ta bị thiệt thòi, nhưng sau đó Chúa sẽ bù đắp lại bằng cách ban ơn lành cho chúng ta trên những phương diện khác.

Có một thanh niên kia, kính yêu Chúa và luôn sống theo Lời Chúa dạy trong Kinh Thánh. Anh làm việc dưới quyền một người thiếu chân thật, người đó buộc anh phải nói dối khi làm bản tường trình hằng tháng cho cấp trên. Thanh niên này lo lắng không biết phải làm thế nào. Nếu anh làm theo lời chủ thì phải nói dối, là điều anh không muốn, nếu không làm tường trình dối theo ý chủ thì anh có thể bị mất việc làm. Người đàn ông này biết Lời Chúa dạy và không muốn làm điều sai quấy nhưng nghĩ đến vợ con, anh không thể làm cách nào khác hơn. Tháng thứ nhất anh làm báo cáo dối như cấp trên bảo. Sau khi gởi bảng báo cáo đi, anh thấy trong lòng bồn chồn, không yên, nên về nhà anh liền xưng tội với Chúa và xin Chúa giúp anh không phạm tội nữa. Đến tháng thứ hai, trong khi anh lo lắng chưa biết phải tính thế nào thì Chúa đã giải quyết vấn đề cho anh một cách lạ lùng: anh được thuyên chuyển đến làm việc trong một văn phòng khác và không còn phải làm tường trình hằng tháng nữa.

Trong gia đình, chúng ta phải làm gì để hướng dẫn con cái sống ngay thẳng, thành thật? Trước hết, chúng ta phải nói cho con biết nói dối là sai quấy là điều phải tránh. Nhưng quan trọng hơn hết là cha mẹ chúng ta phải sống ngay thẳng, thành thật với mọi người chung quanh, trong mọi hoàn cảnh để làm gương cho con. Sống ngay thẳng giữa một xã hội gian dối là điều không những khó mà còn có thể mang lại cho chúng ta nhiều thiệt thòi. Nhưng dù thế nào đi nữa, chúng ta cũng phải sống theo Lời Chúa dạy. Nếu dạy con đừng nói dối mà chúng ta lại nói dối thì lời dạy đó sẽ không có kết quả gì. Con cái thường không làm theo điều cha mẹ nói nhưng bắt chước những gì chúng thấy cha mẹ làm. Một cách khác nữa để giúp con cái chừa bỏ tội nói dối là đừng bao giờ làm ngơ hoặc không sửa phạt khi con nói dối. Dù các em nói dối chuyện nhỏ và dù đó là đứa con nhỏ nhất hay là đứa con được cưng chiều nhất, cha mẹ cũng phải sửa dạy. Nếu cha mẹ không chữa trị tính nói dối của con khi các em còn nhỏ hoặc khi các em bắt đầu biết nói dối thì các em sẽ tiếp tục nói dối và về sau thành một thói quen rất khó loại bỏ. Lần đầu tiên bắt gặp con nói dối, cha mẹ nên đem con vào phòng riêng giải thích cho các em biết nói dối là một tội nghiêm trọng phải tránh. Sau đó chúng ta hướng dẫn con cầu nguyện xưng tội với Chúa và hứa sẽ không nói dối nữa. Một điều khác cha mẹ có thể làm để khuyến khích con cái nói thật là khi các em lầm lỗi, nếu thành thật nhận lỗi thì sẽ được tha không bị phạt hay bị đòn.

Thiếu chân thật là điều chúng ta rất dễ vấp phải trong đời sống hằng ngày, trong mọi hoàn cảnh và với mọi người. Nhiều khi chúng ta bị cám dỗ nói dối một cách thật dễ dàng, nhẹ nhàng, qua một cái gật đầu, nháy mắt hoặc chỉ im lặng không nói một lời nào. Điều nguy hiểm là tội nói dối dễ ngày càng gia tăng. Khi nói dối một chuyện nhỏ thấy không sao, không ai biết mà mình còn được lợi, chúng ta sẽ nói dối những chuyện lớn hơn và dần dần dối trá trở thành bản chất của con người. Lúc đó sự gian dối khiến chúng ta mất lòng tin cậy của người chung quanh và có thể đem đến cho chúng ta những hậu quả nghiêm trọng khác. Kinh Thánh dạy rất nhiều về sự khác nhau giữa người chân thật và người giả dối cũng như dạy về sự xét xử của Chúa đối với người thiếu chân thật. Sách Châm Ngôn trong Kinh Thánh Cựu Ước dạy như sau: “Môi chân thật được bền đỗ đời đời, song lưỡi giả dối chỉ còn một lúc mà thôi” và: “Môi miệng dối giả lấy làm gớm ghiếc cho Chúa Hằng Hữu, song ai ăn ở trung thành được đẹp lòng Ngài” (Châm Ngôn 12:19 & 22). Cầu xin Chúa giúp chúng ta luôn chân thật, trong lời nói cũng như việc làm, với mọi người, mọi lúc, để không phạm Giới Răn của Chúa và được hưởng ơn lành của Ngài.

Minh Nguyên



--------------------

Cõi mơ
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
2 User(s) are reading this topic (2 Guests and 0 Anonymous Users)
0 Members:

 



Lo-Fi Version Time is now: 2nd May 2024 - 08:54 AM