Welcome Guest ( Log In | Register )

 
Reply to this topicStart new topic
> Trung Cộng và “văn hóa huy chương”, Đinh Yên Thảo
AnAn
post Aug 30 2016, 10:58 AM
Post #1


Bảo vệ Tổ Quốc
***

Group: Năng Động
Posts: 6,737
Joined: 12-November 08
Member No.: 702
Country




Trung Cộng và “văn hóa huy chương”


Những cái bắt tay, ôm hôn hay chúc mừng hòa ái và thân thiện giữa các đấu thủ Olympic là những hình ảnh đẹp, xiển dương tinh thần thể thao của Olympic và thường thấy tại mỗi mùa tranh tài Thế Vận Hội. Dù khổ công luyện tập hàng năm trời với giấc mơ đem về những tấm huy chương vinh quang, dẫu có chiến thắng hay chiến bại thì các lực sĩ vẫn giữ được tinh thần thể thao đó. Ngoại trừ Trung Cộng, một đất nước luôn xem thể thao và những chiếc huy chương là một yếu tố chính trị và để chứng tỏ quyền lực “nước lớn” của mình. Thứ “văn hóa huy chương” này đã dẫn đến một tinh thần thiếu thể thao, những thái độ thiếu văn hóa và đáng xấu hổ từ các lực sĩ phái đoàn Olympic cho đến truyền thông và người dân Trung Cộng trong mắt của cộng đồng thế giới.

Tại Olympic London 2012, người xem vẫn còn nhớ cảnh một lực sĩ cử tạ của Trung Cộng là Wu Jingbiao khóc nức nở, trả lời trước ống kính truyền hình sau khi vuột mất huy chương vàng rằng, “Tôi cảm thấy quá là xấu hổ đã làm thất vọng đất nước tôi, với đội cử tạ và những người ủng hộ. Tôi thật sự muốn giỏi nhất nhưng đã không làm được, tôi xin lỗi”. Hình ảnh này đã lặp lại tại Olympic Rio 2016 này với tay bơi Sun Yang ôm mặt khóc vì chỉ giành được huy chương bạc, sau khi thua lực sĩ người Úc Mack Horton giành được huy chương vàng trong đường bơi chung kết 400 mét vừa qua. Người ta có thể dễ dàng cảm thông những cảm xúc cá nhân của những lực sĩ thắng hay bại, nhưng với những lực sĩ phái đoàn Olympic Trung Cộng, khi chịu những áp lực và “sứ mạng” quá mức mà một thứ “văn hóa huy chương” của giới lãnh đạo Trung Cộng đặt lên vai, đã ăn sâu vào con người họ, dẫn đến những thái độ, hành xử thiếu tinh thần thể thao, thiếu phép ứng xử văn minh lịch sự tại các cuộc tranh tài thể thao như một điều tất nhiên. Và dễ hiểu.


Wu Jingbiao khóc nức nở, trả lời trước ống kính truyền hình – nguồn coed.com

Nếu tại Olympic 1988, Trung Cộng chỉ giành được 5 huy chương vàng (HCV) và không được lọt vào bảng 10 quốc gia đứng đầu thì trong những kỳ Olympic của khoảng hai thập niên qua, phải thừa nhận Trung Cộng là một “quyền lực” thể thao thế giới, cạnh tranh ráo riết với Hoa Kỳ trong ngôi vị nhất nhì. Olympic 1998 tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Cộng vượt lên đứng đầu bảng xếp hạng chung cuộc với 51 HCV, so với Hoa Kỳ chỉ giành được 36 cái. Ðàng sau những tấm HCV này là những thủ thuật doping tinh vi cùng các cuộc khổ luyện cực hình đặt lên những đứa bé từ năm, bảy tuổi có thể là điều mà thế giới chưa biết hết được, nhưng rõ ràng giấc mộng bành trướng của Trung Cộng không chỉ về kinh tế, chính trị, quân sự mà còn nhắm cả trong lãnh vực thể thao, một phương tiện mà Trung Cộng dùng để đánh bóng tên tuổi và chứng tỏ sự bá chủ của mình. Với Trung Cộng, thể thao chỉ có chiến thắng. Và chiến thắng ở mức cao nhất khi chỉ có những huy chương vàng mới xứng đáng được ngưỡng mộ, những lực sĩ giành HCV mới được xem là “anh hùng dân tộc”.

Quay lại với Olympic 2012 tại London lần trước, hai tuyển thủ bắn súng của Trung Cộng là Yi Siling và Yu Dan cùng giành được huy chương. Chỉ khác nhau là Yi Siling giành được huy hương vàng trong khi Yu Dan chỉ được huy chương đồng. Trong khi Yi Siling được báo chí Trung Cộng tung hô và nhận giấy khen của Trung Ương Ðảng thì Yu Dan hầu như không được ai chúc mừng hay nhắc đến. Ngay tại sân đấu trước đó, Yu Dan đã phải lặng lẽ gạt nước mắt, lủi thủi ra về một mình khi không có huấn luyện viên hay đồng đội nào chúc mừng cô giành huy chương. Nó tương tự như câu chuyện của nữ lực sĩ cử tạ Zhou Jun chỉ mới 17 tuổi khi thi đấu tại London 2012. Ba lần tận sức không nhấc nổi quả tạ quá mức kham của mình nhằm giành huy chương, Zhou Jun bị báo chí Trung Cộng đồng loạt lên án là “nỗi nhục nhã ê chề cho đất nước”, “một thất bại đầy xấu hổ của đội cử tạ”… đến độ một vài người dân của họ cũng cảm thấy xót xa, thông cảm cho các lực sĩ không giành được huy chương (vàng) khi bày tỏ trên trang mạng xã hội Weibo. Câu chuyện về nữ lực sĩ nhảy cầu số một Wu Minxia của Trung Cộng đã làm người ta thấy tính chất phi nhân của TC: tin tức ông bà cô qua đời và mẹ cô ung thư bị giấu kín nhiều năm vì sợ làm “ảnh hưởng” kết quả thi đấu của cô. Ðó là một loại “văn hóa” thể thao của một “nước lớn”, nước luôn ảo tưởng và cao ngạo về truyền thống văn hóa ngàn năm của mình?


Sun Yang khóc vì chỉ giành được huy chương bạc – nguồn dailymail.co.uk

Ðối xử một cách bất công và bất nhẫn ngay với chính những lực sĩ của mình, những câu chuyện đại loại như trên quả không thiếu với một nền “văn hóa huy chương” của Trung Cộng tại mỗi mùa Olympic. Nó tạo nên một áp lực tâm lý nặng nề cho lực sĩ của họ. Nếu chú ý những thái độ đối xử của các lực sĩ Trung Cộng với nhau, người ta cũng dễ dàng nhận ra những điều này. Ở những cuộc tranh tài mang tính đồng đội, trong khi các đấu thủ của hầu hết các quốc gia khác an ủi, khuyến khích nhau nếu đồng đội mình lỡ phạm sai sót hay đánh hụt trái banh thì với các đấu thủ Trung Cộng là điều không tha thứ được. Họ hậm hực, xỉ vả những đồng đội phạm lỗi của mình, hắt hủi những người đã làm vuột mất cơ hội đem về những tấm huy chương. Cao ngạo khi chiến thắng và suy sụp lúc thua, những hình ảnh chẳng mấy gì làm thể thao.


Nữ lực sĩ nhảy cầu Wu Minxia (trái) bị giấu kín nhiều năm tin tức
ông bà cô qua đời và mẹ cô ung thư. nguồn news.nationalpost.com

Mùa Olympic Rio 2016 này thì thế giới lại thêm dịp chứng kiến thái độ phi thể thao và (thiếu) “văn hóa” của Trung Cộng qua câu chuyện tay bơi Sun Yang của họ và Mack Horton của Úc được nhắc bên trên. Trước ngày thi đấu, tại hồ bơi luyện tập, Sun Yang gây hấn, tạt nước vào mặt Mack Horton vài lần vì Mack là một đối thủ có khả năng qua mặt Sun trên đường tranh tài. Khi được hỏi tại sao có thể giữ được một thái độ điềm tĩnh và lịch sự trước những hành động khiêu khích của Sun Yang mà không đáp trả lại như vậy, Mack trả lời rằng anh “không có thời gian cho những kẻ gian lận xài thuốc”. Quả thật là Sun Yang từng bị cấm thi đấu vì bị phát hiện từng dùng thuốc bị cấm trong thi đấu trước đây. Cụm từ “drug cheaters” của Mack như một cú tát vào mặt Trung Cộng về việc các lực sĩ của họ bị phát hiện “doping”, dùng thuốc kích thích tăng lực. Năm trước, sự đột tử bất ngờ của Quing Wenyi – một tay bơi 17 tuổi khỏe mạnh và là một trong những niềm hy vọng của Trung Cộng tại Rio lần này nhưng không được giảo nghiệm và công bố lý do, đã làm người ta nghi ngờ rằng Quing bị cho sử dụng chất doping quá liều. Nhưng báo đảng và truyền thông Trung Cộng luôn ra sức binh vực cho các vụ bê bối như vậy. Với Mack Horton, hàng ngàn dân Hoa Lục vào các trang mạng cá nhân của anh để tấn công mà truyền thông Trung Cộng còn thóa mạ cả nước Úc một cách lỗ mãng khi viết trên tờ báo đảng Hoàn Cầu Thời Báo của họ đại loại rằng, “nước Úc đứng bên lề văn minh thế giới”, “Úc từng là trại tù lưu xứ của nước Anh” và “chẳng ngạc nhiên về những hành động thiếu văn minh bộc lộ từ quốc gia đó”… Ai thiếu văn minh và kẻ nào hành xử du côn thì cả thế giới đều biết và có câu trả lời, khi hình ảnh và những câu chuyện chẳng mấy hay ho gì của du khách Hoa Lục đã được nhắc đến quá nhiều. Ngay cả Bộ Ngoại Giao Trung Cộng cũng nhiều lần hành xử thiếu văn minh, giẫm lên cả nghi thức ngoại giao thế giới. Năm 2012, phi cơ của Ngoại Trưởng Hillary Clinton bị cho chờ đợi tại phi trường Bắc Kinh cả giờ đồng hồ với lý do “trục trặc kỹ thuật”, sau khi Trung Cộng bị Hillary chỉ trích về vấn đề nhân quyền trước đó. Ðại sứ Singapore cũng kể về câu chuyện tại một hội nghị thượng đỉnh Á Châu, Ðại Sứ Trung Cộng đã từng khăng khăng giành khách sạn với một phái đoàn nước khác đã thuê bao trước. Mới nhất là vài tháng trước, báo chí đưa tin Nữ Hoàng Elizabeth phải lắc đầu về thái độ cục súc, lỗ mãng của phái đoàn Tập Cận Bình khi sang Anh. Trung Cộng mới là kẻ cần học hỏi văn hóa phương Tây: cùng chúc mừng những lực sĩ thắng cuộc và không quên tôn vinh, cảm ơn những lực sĩ đã bỏ hàng năm trời khổ luyện để đại diện quốc gia mình đi thi đấu Olympic, cho dù kết quả của họ có như thế nào.


Chen Xinyi dương tính với thử nghiệm chất kích thích tại Olympic Rio 2016 – nguồn blogs.wsj.com

Tuần trước, một nữ lực sĩ bơi lội của đoàn Trung Cộng là Chen Xinyi lại vừa bị phát hiện đã xài doping và truyền thông Trung Cộng lại nhập cuộc, binh vực cho Chen, nghi ngờ những kết quả thử nghiệm của IOC. Không phải không có những lực sĩ phương Tây hay vài nước khác sử dụng doping vì mục đích danh vọng cá nhân mình, nhưng chúng không mang tính hệ thống và gian dối của cả một quốc gia. Còn với Trung Cộng, các phản ứng, hành xử cùng loại “văn hóa huy chương” của cả một guồng máy quốc gia đã cho phép người ta có nhiều lý do để nghi ngờ về các thủ đoạn tinh vi không mang một tinh thần thể thao đích thực. Do đó, cho dù Trung Cộng có được bao nhiêu huy chương và xếp hạng như thế nào, thì những kết quả đó cũng chẳng có gì để hãnh diện một khi lòng tự trọng của cả một quốc gia đã bị đánh mất.

ĐYT



--------------------
***Bình yên một thoáng***
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
1 User(s) are reading this topic (1 Guests and 0 Anonymous Users)
0 Members:

 



Lo-Fi Version Time is now: 18th November 2024 - 09:30 PM