Welcome Guest ( Log In | Register )

 
Reply to this topicStart new topic
> Trung Quốc vẫn tìm cách nuôi dưỡng Bắc Hàn, Hà Tường Cát
KhoaNam
post Sep 6 2017, 09:46 AM
Post #1


Bảo vệ tổ quốc
***

Group: Năng Động
Posts: 7,735
Joined: 8-August 09
Member No.: 4,377
Country




Trung Quốc vẫn tìm cách nuôi dưỡng Bắc Hàn


Một xe tải chở hàng từ Dandong, Trung Quốc, đi qua cầu Hữu Nghị ngang sông Áp Lục, sang Bắc Hàn, ngày 4 Tháng Chín 2017. (Hình: Getty Images)

Trung Quốc là đối tác mậu dịch chính của Bắc Hàn, một chế độ độc tài bưng bít, chỉ có rất ít quan hệ với các nước khác trên thế giới.

Hồi Tháng Tư, Tổng Thống Donald Trump trong cuộc hội kiến lần đầu tiên tại Mar-a-Lago, Florida, đã bày tỏ thái độ hòa hoãn hữu nghị, hợp tác cùng Chủ Tịch Tập Cận Bình với hy vọng Trung Quốc bằng ảnh hưởng của họ có thể tạo áp lực để Bắc Hàn từ bỏ chương trình phát triển vũ khí nguyên tử và hỏa tiễn. Nhưng cho đến bây giờ người ta nhận thấy kỳ vọng này là hoang tưởng.

Thật ra Trung Quốc vẫn âm thầm sử dụng Bắc Hàn làm một lá bài trên mặt trận ngoại giao và không bao giờ muốn để chế độ độc tài này sụp đổ. Trung Quốc đã mất 200,000 quân tử trận và nửa triệu bị thương, theo tài liệu chính thức của họ, trong cuộc chiến tranh 1950-1953, mà kết quả là tình thế đối đầu ngang ngửa trên bán đảo Triều Tiên và khu vực Ðông Bắc Á Châu từ hơn 60 năm qua.

Về mặt quân sự Bắc Hàn là tiền đồn che chở biên giới phía Bắc, ngăn cách Trung Quốc đối diện trực tiếp với quân lực Nam Hàn cùng đơn vị quân Mỹ đồn trú ở Nam Hàn và xa hơn nữa là Nhật Bản. Biến động xảy ra tại Bắc Hàn cũng sẽ phát sinh một làn sóng dân tị nạn với hàng triệu người tràn qua tạo nên nhiều khó khăn phức tạp cho Trung Quốc.

Mặc dù Trung Quốc chấp thuận thi hành nghị quyết cấm vận ngày 15 Tháng Tám của Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và đã ngưng mua than đá, quặng sắt, chì, hải sản từ Bắc Hàn nhưng trong thực tế quan hệ mậu dịch giữa hai nước chưa hẳn vì thế mà suy giảm. Bù đắp cho thiếu hụt về nguồn lợi xuất cảng quan trọng nhất là than đá, Bắc Hàn đang gia tăng xuất cảng hàng may mặc.

Observatory of Economic Complexity, một cơ quan Mỹ theo dõi mậu dịch quốc tế, cho biết năm 2015, 85% trong tổng giá trị $3.47 tỷ nhập cảng của Bắc Hàn là từ Trung Quốc. Trong ba tháng đầu năm nay, Bắc Hàn bán sang Trung Quốc 2.7 triệu tấn than, với giá $220 triệu, chiếm 43% xuất cảng, qua quý 2 con số này xuống zero.

Nhưng trong quý 2 năm nay, hàng may mặc chiếm 38% tổng trị giá xuất cảng $385 triệu của Bắc Hàn sang Trung Quốc. Ngược lại Trung Quốc bán $35 triệu hàng áo quần cho Bắc Hàn. Hàng may mặc không thuộc những loại hàng trong danh sách bị cấm vận. Ðược sản xuất bởi các công ty liên doanh Bắc Hàn-Trung Quốc hoặc công ty Bắc Hàn có hợp đồng với Trung Quốc, và sử dụng nhân công rẻ, những hàng may mặc nhập từ Bắc Hàn được bán ở Trung Quốc hay qua các nước khác.

Phân tích gia an ninh khu vực Hwang Jae-ho thuộc trường Ðại Học Hankuk ở Seoul, Nam Hàn, nhận định: “Việc Trung Quốc tuân hành lệnh cấm vận than đá, quặng sắt, hải sản chỉ là hình thức làm vừa lòng Washington và chứng tỏ Bắc Kinh cũng không hài lòng với đường lối của Bình Nhưỡng, nhưng không phải là muốn triệt hạ kinh tế Bắc Hàn. Nhanh chóng đáp ứng bằng sự gia tăng trao đổi hàng may mặc chính là một cách làm giảm hiệu quả cấm vận.”

Hải sản thuộc trong danh mục những hàng bị cấm vận. Trung Quốc trên danh nghĩa không mua hàng hải sản của Bắc Hàn nhưng trong thực tế vẫn có hoạt động trao đổi bất hợp pháp bằng nhiều hình thức. Cảnh Sát Biển Trung Quốc chỉ tuần tra vùng duyên hải ngăn chặn ngư dân Bắc Hàn bán hàng vào Trung Quốc vào lúc ban ngày. Do đó mỗi buổi chiều tối hàng chục tàu ở cảng Ðan Ðông, tỉnh Liêu Ninh, bên bờ sông Áp Lục ở biên giới, có thể qua mua hàng của các ngư thuyền Bắc Hàn và trở về trước khi trời sáng. Ngư dân Bắc Hàn và bạn hàng Trung Quốc tuy nhiên đều bị tổn hại vì phải hối lộ cho cảnh sát của cả hai nước.

Ngoài ra có tới 800 mặt hàng đủ loại được trao đổi trong quan hệ mậu dịch Trung Quốc-Bắc Hàn và hầu hết không nằm trong danh sách cấm vận.

Một bài viết trên tờ South China Morning Post ở Hồng Kông nói đến 5 mặt hàng Bắc Hàn nhập cảng từ Trung Quốc ít được mấy ai chú ý.

(1) Trò chơi điện tử: Arirang Meari, một cơ quan truyền thông của nhà nước Bắc Hàn tuần trước cho biết video game mới “Hunting Yankee” (Săn Bọn Giặc Mỹ) là một trong nhiều game sẽ được phổ biến để tuyên truyền tinh thần ái quốc. Những linh kiện điện tử cần có để sử dụng các trò chơi này đều mua từ Trung Quốc. Trong 18 tháng qua, Bắc Hàn nhập cảng $2 triệu sản phẩm loại này, tuy nhiên số lượng hiện nay giảm xuống nhiều, từ 7 triệu máy quý 1 năm 2016 còn 1/2 triệu quý 2 năm nay.

(2) Máy thu hình an ninh: Nhật báo Chosun ở Nam Hàn nói là Bắc Hàn đã mua 85,570 camera của Trung Quốc từ 2009 đến 2011. Trong 18 tháng vừa qua, con số này tăng gấp 20 lần lên tới 1,700,000 đơn vị bao gồm camera, đèn chiếu và antenna. Ðây là các phương tiện được nhà cầm quyền dùng để theo dõi công dân Bắc Hàn. Khu vực biên giới được tăng cường kiểm soát ngăn chặn dân đào tị qua Nam Hàn và Trung Quốc.

(3) Ðiện thoại: Cũng trong mục tiêu kiểm soát dân chúng ở tất cả mọi nơi và do thám qua điện thoại có kết quả sâu rộng nhất, Bắc Hàn đã cho nhập cảng nhiều máy điện thoại thông minh của Trung Quốc để bán cho dân chúng, gần 500,000 trong quý 2 năm nay. Theo hãng tin Reuters, năm 2015 hệ thống điện thoại di động Koryolink có khoảng 3 triệu người sử dụng. Con số này hiện nay cao hơn nhiều. Bắc Hàn là một nước nghèo với 24 triệu dân. Nhưng theo Amnesty International thì còn có một số người mua lậu máy điện thoại để lén lút sử dụng hệ thống điện thoại Trung Quốc tránh sự theo dõi của nhà nước Bắc Hàn và liên lạc ra nước ngoài.

(4) Trang bị công viên giải trí: Trong 40 năm cho đến 1972, Bắc Hàn đã thành lập 4 công viên giải trí với đủ các trò chơi từ vòng quay đến sân bắn cung và xe chạy trên đường sắt. Trước hết đây là hình thức biểu diễn với dân chúng và người nước ngoài về cuộc sống ở Bắc Hàn nhưng đồng thời có tham vọng phát triển du lịch. Bắc Hàn nhắm tới mục tiêu có 1 triệu du khách ngoại quốc trong năm nay, một dự tính viển vông mâu thuẫn với chính sách hung hăng hiếu chiến của chính quyền Kim Jong-un. Theo ước lượng của Nam Hàn, mỗi năm chỉ có chừng 100,000 người nước ngoài, 90% là Trung Quốc, đến Bắc Hàn. Ðể thành lập những công viên như vậy, tất cả các trang bị đều phải nhập cảng từ Trung Quốc.

(5) Nhạc cụ: Ðây cũng là một nhu cầu cho xã hội dù trong tình trạng khó khăn vất vả thế nào. Khoảng 50,000 nhạc cụ các loại nhập cảng từ Trung Quốc trong vòng một năm bao gồm piano chỉ chừng 500, đàn điện, keyboard, đàn dây, phong cầm,… Người ta không rõ loại nhạc cụ nhập cảng nào là phổ thông nhất nhưng theo nhà báo Barbara Demick viết trong cuốn “Không có gì để thèm muốn” thì tất cả các giáo viên đều được khuyến khích chơi phong cầm.

Ban đại hòa tấu Unhasu Orchestra, mà bà vợ Ri Sol-ju của Kim Jong-un là một ca viên, đã từng trình diễn ở nước ngoài, đều dùng nhạc cụ Tây phương.

Bằng những hàng hóa mua bán trao đổi như thế với Bắc Hàn, từ sản phẩm công kỹ nghệ đến các món tiêu dùng thường ngày, Trung Quốc ngấm ngầm trợ lực cho sinh hoạt xã hội tiếp diễn và Bắc Hàn không phải là miền đất chết vì các biện pháp cấm vận của quốc tế.

Hà Tường Cát


--------------------
“Vì Danh Dự Dân Tộc: Chống giặc Tàu.
Vì tương lai Dân Tộc: khai tử tập đoàn bán nước Việt Cộng”


Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
2 User(s) are reading this topic (2 Guests and 0 Anonymous Users)
0 Members:

 



Lo-Fi Version Time is now: 23rd April 2024 - 10:24 PM