Welcome Guest ( Log In | Register )

 
Reply to this topicStart new topic
> Cải lương Hồ Quảng, nghệ sĩ kể chuyện vũ đạo, Băng Huyền
AnAn
post Apr 17 2012, 10:15 AM
Post #1


Bảo vệ Tổ Quốc
***

Group: Năng Động
Posts: 6,737
Joined: 12-November 08
Member No.: 702
Country





Nghệ sĩ Phượng Mai trong vai Natra khi 10 tuổi
- ảnh tài liệu của nghệ sĩ Phượng Mai


Cải lương Hồ Quảng, nghệ sĩ kể chuyện vũ đạo



Từ những bài bản đặc sắc dựa theo ngũ cung cải lương như Văn thiên tường, Phụng hoàng, Xàng xê, vọng cổ, lý… của nền cổ nhạc miền Nam, kết hợp với những bản nhạc bên tuồng kịch Bắc Kinh và tuồng kịch Quảng Đông như Phảnh phá, Cố Lão Mành Bản, Chung Bản Phảnh Xình, Xảo bản, Sách xủi, Nhị hoàng dìa phạng... và những màn vũ đạo công phu của kịch Bắc Kinh và Quảng Đông như múa giáo, múa thương, múa cờ, lia, chạy gối, quăng, cuốn, nhẩy… để người nghệ sĩ diễn giải tâm tình nhân vật và nội dung của những kịch bản theo tích Trung Hoa “Đào Tam Xuân báo phu cừu”, “Về đất Kinh Châu”, “Lưu Kim Đính giải giá thọ châu”, “Hán Sở tranh hùng”, v,v.. Tất cả đã tạo nên nét độc đáo cho nghệ thuật cải lương Hồ Quảng, vốn ra đời tại miền Nam Việt Nam cách nay hơn 50 năm.

Ngày nay dẫu đã qua thời vàng son, nhưng nghệ thuật này vẫn còn hấp dẫn các khán giả mộ điệu, nhất là qua diễn xuất tuyệt vời của những nghệ sĩ cải lương Hồ Quảng giỏi nghề, có tâm huyết gìn giữ và phát triển nghệ thuật này.

Một trong những nghệ sĩ hiếm hoi đó chính là nghệ sĩ Phượng Mai, từng được các báo chí tại Sài Gòn thập niên 1960 gọi là “Siêu Thần Đồng Tiểu Lăng Ba”. Sở dĩ có sự ưu ái này là do tài năng xuất sắc khi cô mới 7 tuổi, đã độc diễn một mình trên sân khấu đại nhạc hội của ông bầu Duy Ngọc tại rạp Hào Huê, vai Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài. Cô đã bắt chước điệu bộ giống y hệt Lăng Ba (nghệ sĩ tài danh trong bộ phim Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài của Đài Loan sản xuất), và cũng nhái hát theo bằng tiếng Phổ Thông.
Vì nhìn thấy năng khiếu và đam mê với nghệ thuật cải lương Hồ Quảng từ cháu gái, mà bà ngoại của cô, nghệ sĩ hát bội tài danh Cao Long Ngà đã gởi cô học cổ nhạc với nhạc sĩ Tư Tân. Sau đó, cô còn được học thêm về tân nhạc với nhạc sĩ Bảo Thu, và học vũ đạo với nghệ sĩ Minh Tơ, Khánh Hồng, được ngoại và nghệ sĩ Phùng Há chỉ thêm các vai kép và bộ võ. Cô còn học thêm với thầy người Hoa, ông Hoàng Hầu Bình (Há Thầu) để càng thêm điêu luyện, xuất sắc khi thể hiện khí chất uy nghi, dũng mãnh và tràn đầy khí phách qua các hình tượng nam nhân được cô biến hóa một cách độc đáo, chẳng thua kém so những nghệ sĩ nam tên tuổi. Đôi khi, cô còn vượt trội hơn các nghệ sĩ khác và tạo được dấu ấn riêng cho mình như vai Triệu Tử Long, vai Chu Du, vai Hạng Võ...

Cô từng là đào chánh khi tròn 15 tuổi tại đoàn cải lương Mùa Hoa Mới của soạn giả Hà Triều-Hoa Phượng, sau đó là các đoàn Minh Tơ, Huỳnh Long…
Khán giả đã từng xem nghệ sĩ Phượng Mai diễn, không thể quên được lối diễn có chiều sâu, động tác vũ đạo điêu luyện, nhuần nhuyễn, và giọng hát ngọt ngào khi thì pha nhẹ hơi Kim, có lúc nghiêng về chất Thổ, với kỹ thuật luyến láy và nhấn nhá chữ độc đáo, mới mẻ ở sự thanh xuân dù nay cô đã bước qua cái tuổi của “con dốc đời người”. Cô thể hiện tâm lý tinh tế, chân thật, tạo được xúc cảm cho khán giả ở tích truyện quen thuộc qua hàng loạt vai diễn: Nữ tướng Đào Tam Xuân, Lý Thần Phi, Hạng Võ…

Đặc biệt, người viết đã có duyên xem cô diễn vài lần vai đào võ Đào Tam Xuân lớp diễn “Đào Tam Xuân đề cờ” trong “Đào Tam Xuân báo phu cừu”. Qua vai diễn này, để càng khâm phục hơn tài năng mà người nghệ sĩ cải lương Hồ Quảng cần phải có, đòi hỏi nghệ sĩ trình diễn phải hát hay, vũ đạo đẹp đồng thời phần diễn xuất lột tả được tính cách của nhân vật, thần sắc của nhân vật một cách truyền cảm đến khán giả. Cô đã thể hiện được sự bi thương, lay động được cảm xúc khán giả trước một nữ lưu anh kiệt giúp chồng bảo vệ quan ải, chung thủy và bất khuất trước thế lực triều đình để chống lại bất công đổ ập xuống gia đình. Từ trạng thái của một người vợ lo lắng cho chồng, Đào Tam Xuân chuyển sang đau khổ cùng cực khi nghe hung tin chồng bị chém, con mất tích, và bà đã gạt nước mắt, sục sôi lửa hận thề báo thù chồng, rồi biến thành nữ lưu anh kiệt giúp chồng bảo vệ quan ải giữ nước, chung thủy và bất khuất trước thế lực triều đình để chống lại bất công đổ ập xuống gia đình bà. Qua lớp diễn này, nghệ sĩ Phượng Mai đã hóa thân trọn vẹn cảm xúc của một người mẹ - người vợ với khí chất kiêu hãnh của một dũng tướng, cùng những vũ đạo công phu tập luyện như vũ đạo “cuốn” khi Đào Tam Xuân đề cờ. Với 4 lá cờ lệnh đeo trên người, bằng vũ đạo cuốn người với tốc độ nhanh từ cờ này sang cờ khác, miệng ngậm bút lông, khán giả chỉ còn nhìn thấy 4 cờ lệnh, còn thân hình nghệ sĩ Phượng Mai như một cái chong chóng đang quay.


Nghệ sĩ Phượng Mai trong vai Hạng Võ - ảnh tài liệu của nghệ sĩ Phượng Mai


Nghệ thuật vũ đạo công phu

Nghệ thuật cải lương Hồ Quảng đòi hỏi người nghệ sĩ công phu vô cùng. Nếu hát giữ vai trò cuốn hút người xem bằng thẩm mỹ thính giác, múa vũ đạo sẽ giữ vai trò cuốn hút người xem bằng thẩm mỹ thị giác. Cả hai đều phải đẹp và hay, phối hợp nhịp nhàng để đưa nghệ thuật đi vào lòng người thưởng thức bằng mắt và bằng tai.

Nghệ sĩ Phượng Mai cho rằng những vũ đạo công phu của cải lương Hồ Quảng đòi hỏi người nghệ sĩ phải luyện tập và khổ luyện từ nhỏ, giống như các diễn viên ballet. Vì lúc này xương cốt còn mềm mại, dễ tập, còn đến lớn mới học, xương sẽ bị cứng, rất khó thực hiện những động tác phức tạp.
Khi xem cải lương Hồ Quảng, khán giả thường thấy có những vũ đạo như lia hay chạy gối. Làm sao phân biệt được vũ đạo của nghệ sĩ đó điêu luyện hay không? Nghệ sĩ Phượng Mai cho biết, khi người nghệ sĩ lia hay chạy gối, khán giả sẽ thấy chân của nghệ sĩ như không hề lay động, mà sẽ nhìn thấy như người nghệ sĩ đó lướt trên mặt nước rất nhanh... Dù là chạy gối, hay là lia thì bước chân phải thật nhỏ, chỉ bước một nửa bàn chân, giã ra thật nhuyễn. Càng nhuyễn chừng nào, thì khán giả sẽ nhìn thấy chân càng lướt chừng đó. Ngày xưa mấy ông thầy Tàu bắt người nữ tập luyện lướt, bằng cách nhét trái cam vào giữa hai đùi và lướt đi. Nếu làm rớt trái cam là sẽ bị đánh đòn.

Ngay cả cách đi của nhân vật cũng khác nhau. Các vai nữ khi đi, gót chân phải luôn luôn chạm đất; các vai quan lại khi đi thì phải nhấc chân, bước kiểu "tứ phương bộ"… Ngồi ghế cũng có những tư thế nhất định, như vai lão ông hay những vai nam dũng mãnh chỉ được ngồi nửa ghế phía trước, thực tế là nửa đứng, nửa ngồi; những vai nữ dũng mãnh, đanh đá và các vai hề có thể ngồi gác chân chữ ngũ, còn lại các loại vai khác đều không cho phép. Những vai quan văn khi xuất hiện phần lớn phải làm động tác sửa mũ, vuốt râu; võ tướng khi ra trò thì phải làm động tác vận giáp, sốc mũ trụ, thể hiện sửa sang nhung y, chuẩn bị cho màn biểu diễn uy vũ…
Các nhân vật cầm cây thương khác cầm cây siêu, cây giáo…, tất cả đều phải học, và khi diễn đều có tốc độ rất nhanh, phối hợp chặt chẽ với tiết tấu của trống, thanh la ban võ.

Để tìm hiểu thêm về những nét diễn của đào võ, kép võ... độc đáo ra sao, những cách thức dàn dựng mới để phát triển nghệ thuật vũ đạo cải lương Hồ Quảng khi kết hợp những động tác ballet, trượt băng… trong vở tuồng là phần chúng tôi sẽ đề cập đến trong một bài viết khác.

Cải lương Hồ Quảng có từ khi nào và hình thành ra sao?

Theo lời nghệ sĩ Phượng Mai và đạo diễn Trần Nhật Phong thì: Những năm 50 thế kỷ 20, sân khấu cải lương phát triển mạnh. Nghệ thuật hát bội thưa vắng khán giả. Gánh hát bội của ông bầu Thắng đóng tại đình Cầu Quan từ những năm 20 cũng gặp nhiều khó khăn. Lúc này, con trai ông là Minh Tơ (cha nghệ sĩ Thanh Tòng) đang phụ trách gánh hát nhận ra rằng nếu không thay đổi theo thị hiếu của khán giả thì khó mà tiếp tục giữ được nghề của gia đình. Ông Minh Tơ cùng những người em đã đưa bài bản cải lương vào hát bội, giản lược bớt các vũ đạo, giảm tính ước lệ của hát bội, để từ đó sản sinh ra lối hát bội pha cải lương.

Các nghệ sĩ Khánh Hồng, Bảy Huỳnh và Minh Tơ đã tìm đến những gánh hát người Hoa, mua lại một số trang phục sân khấu của họ. Những trang phục này rực rỡ, lên sân khấu là đào, kép nổi bật, làm cho sân khấu cũng rực rỡ theo. Khi phim ảnh và tuồng Đài Loan, Triều Châu, Quảng Đông du nhập vào Việt Nam thì những điệu nhạc Đài Loan, nhạc Quảng cũng được tiếp thu đưa vào làm ca khúc trong tuồng hình thành nên cải lương Hồ Quảng. Các nghệ sĩ Khánh Hồng, Minh Tơ đã học từ các gánh hát người Hoa nhịp điệu trống, bắt nguồn từ cách diễn tuồng của phái Bắc Kinh.

Cải lương Hồ Quảng có nhiều ưu thế trên sân khấu. Về y trang rực rỡ và cách diễn bằng “biểu tượng” thì không thua gì hát bội, nhưng hát bội lại khó nghe, khó hiểu vì chữ Nho nhiều, trong khi đào kép trong cải lương Hồ Quảng thì nói ít, diễn nhiều, khi hát thì hát theo lối vọng cổ và một số làn điệu của cải lương rất dễ nghe, có hát theo điệu Quảng Đông thì điệu ấy nghe cũng rất hay. Đặc biệt, cải lương Hồ Quảng lại có “vũ đạo”, những cách đưa tay, đá chân theo nhịp điệu như múa, mà là múa võ, nên gây hào hứng trên sân khấu.


Nghệ sĩ Phượng Mai trong vai Mã Siêu - ảnh tài liệu của nghệ sĩ Phượng Mai

Lúc bấy giờ ông Hoàng Hầu Bình (giới sân khấu gọi ông là ông Há Thầu) vốn là một kép chánh trong sân khấu Hồng Kông, sau lớn tuổi, sang Việt Nam, đánh đàn cho đoàn Minh Tơ-Khánh Hồng. Về sau ông về đầu quân đoàn Huỳnh Long và có công hệ thống hóa các bài hát theo từng loại: Bắc Phái (Bắc Kinh), Quảng Đông, Đài Loan...

Đoàn Huỳnh Long khi diễn tuồng cải lương Hồ Quảng thì nghiêng về khuynh hướng Bắc Kinh, chủ yếu về “vũ đạo” và nhịp trống; còn đoàn Khánh Hồng thì có khuynh hướng Quảng Đông, để ý hơn đến điệu hát. Dàn nhạc của khuynh hướng Bắc Kinh cũng khác dàn nhạc của khuynh hướng Quảng Đông.
Dàn nhạc khuynh hướng Bắc Kinh đồ sộ và cồng kềnh giống như một dàn giao hưởng Tây Phương, còn dàn nhạc khuynh hướng Quảng Đông gọn nhẹ với năm, bảy nhạc khí cổ truyền. Cách hóa trang của hai bên cũng khác nhau: sân khấu Bắc Kinh tô vẽ mặt đào, kép với những nét trắng, đỏ, đen biểu tượng khiến cho khuôn mặt “sân khấu” khác hẳn khuôn mặt đời thường. Sân khấu Quảng Đông giữ khuôn mặt đẹp tự nhiên của đào kép, chỉ tô son, thoa phấn cho đẹp hơn.

Nhưng dù là thu nhận từ văn hóa của người, nhưng nghệ thuật cải lương Hồ Quang đã được biến hóa và phối hợp nhuần nhuyễn với nhau, tạo thành một sắc thái riêng của Việt Nam. Khán giả thưởng thức một vở tuồng diễn theo lối cải lương Hồ Quảng sẽ cảm thấy nghệ thuật này mang tính rất Việt Nam, không lẫn được với ca kịch Trung Hoa. - (BH)


--------------------
***Bình yên một thoáng***
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
1 User(s) are reading this topic (1 Guests and 0 Anonymous Users)
0 Members:

 



Lo-Fi Version Time is now: 27th April 2024 - 01:13 AM