Nơi làm tượng thần linh, Discovery |
Nơi làm tượng thần linh, Discovery |
Apr 27 2016, 02:05 PM
Post
#1
|
|
Phố Cũ Group: Năng Động Posts: 2,691 Joined: 21-April 08 Member No.: 43 Country |
Nơi làm tượng thần linh Nơi đó, chính là ngôi làng mang tên Kumartuli, ngoại vi thành phố Calcutta của Ấn Độ. Người dân sống trong ngôi làng ổ chuột này hằng ngày lao động kiếm sống bằng đôi tay vốc đất sét đắp nặn tượng thần linh trong thần thoại đạo giáo Bà La Môn. Họ làm việc trong sự im lặng, chăm chút từng đường nét tạo ra các tượng thần mang hình dáng con người. Và tuy là nơi tạo thần buôn thánh nhưng dân làng vẫn được người đời xem trọng với triết lý: “Làm việc kiếm sống cũng chính là thờ phụng thần linh”. Hẳn là vậy, bởi người dân làng Kumartuli chuyên nặn tượng đất sét cung cấp cho đền chùa và người dân theo đạo Hindu thờ phụng những vị thần mà họ tôn sùng nhưng chính bản thân họ là những người vô danh. Họ yêu thích công việc mang lại niềm tin tâm linh cho mọi người và để nối tiếp giữ gìn truyền thống thờ cúng thần linh như là một công việc thiêng liêng trong đời sống tôn giáo liên quan đến thần thoại Ấn Độ có rất nhiều vị thần mang hình dáng con người. Tượng thần linh còn thô bày biện khắp nơi trong làng Kumartuli chờ gia công tiếp theo sau công đoạn nặn tượng – Nguồn: Discovery Cũng giống như người Hy Lạp và La Mã cổ đại, mỗi vị thần của người Ấn Độ, đều tượng trưng cho mỗi khía cạnh của cuộc sống. Do đó, chẳng có gì lạ khi ta thấy trong lịch sử Ấn Độ đầy những ngày lễ hội thờ cúng các vị thần. Nghề làm tượng thần ở làng Kumartuli có từ lâu đời gần như cùng lúc với thời gian hình thành thị trấn Calcutta nhỏ bé khi xưa. Hiện nay, nhu cầu thờ tượng ngày càng tăng, nghệ nhân cả làng trẻ già nam nữ làm quần quật suốt ngày cũng không đủ đáp ứng những đơn đặt hàng chồng chất. Tất nhiên có những làng khác trên đất nước Ấn Độ làm tượng thánh thần nhưng làng Kumartuli tập trung các nghệ nhân đông nhất. Chỉ trong cái làng nhỏ bé này thôi, số lượng xưởng làm tượng vượt lên con số 200 nhưng là những nhà xưởng tồi tàn nghèo nàn nhất thế giới. Du khách đến đây sẽ ngạc nhiên khi biết có đến 2,500 người mang chung một họ “Pal”, tất cả đều là nghệ nhân kinh nghiệm với nghề được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Thế hệ con cháu nối tiếp theo sau, sống trong những ngôi nhà nhỏ lớn mà phân nửa diện tích hoặc thậm chí gần hết diện tích sinh hoạt dành cho “xưởng chế tác”. Họ sống, ăn, ngủ, làm việc trong mớ hỗn độn bằng những tấm ván ép, tôn thiếc cột nhau chằng chịt bằng những sợi dây thừng một cách tạm bợ. Mái nhà ghép nhau bằng những tấm tôn hoặc cót đan, ánh sáng lờ mờ. Quạt máy là thứ xa xỉ ở Calcutta có tiếng nóng nực ẩm ướt đến ngột ngạt khó chịu. Những tấm lưng trần đàn ông nhễ nhại mồ hôi, hai bàn tay chai sần nhồi từng đống đất sét dẻo dính như keo. Thế nhưng tâm hồn của họ luôn bay bổng với những đường nét đất sét hình thành dần dần hình thể vị thần có thân thể con người y chang như họ. Tượng nữ thần Kaki biểu tượng tình yêu chờ sơn phết – Nguồn: Discovery Anh Lakkan Chandra Pal là một trong những nghệ nhân nặn tượng bậc thầy, làm việc trong xưởng 10 tiếng một ngày. Trong xưởng anh có đến bảy tám người phụ việc đơn giản như nhồi đất, đắp thô. Vậy mà với diện tích 12 mét vuông nhỏ bé đó, chừng con người đó làm việc một cách hăng say trong các tư thế ngồi xổm, lúc đứng, lúc khòm lưng mày mò từng đường nét của phần đầu tóc trên tượng thần. Anh là nghệ nhân thế hệ thứ ba. Để tạc một tượng Thần Saraswati bằng chiều cao con người thật phải mất 15 ngày với sự trợ giúp của một thợ phụ. Đất sét, nguyên liệu chính được chuyên chở đến bằng thuyền xuôi sông Hooghly. Đất sét ở đây có độ dính thật lý tưởng. Lakkan đang làm một kiện hàng nhiều vị thần trong thần thoại Hindu xuất cảng sang Mỹ. Anh phàn nàn về giá nguyên liệu đang tăng. Anh cố gắng hoàn tất lô hàng này đúng theo hợp đồng vì anh mới vừa mượn được khoản tiền từ một ngân hàng địa phương trợ giúp cho những nghệ nhân thiếu vốn. Mỗi năm làng Kumartuli xuất xưởng 20,000 tượng Thánh Saraswati (nữ thần trí tuệ), khoảng 8,000 tượng Thần Kali (nữ thần biểu tượng tình yêu) và khoảng 6,000 tượng Durga (thiên mẫu). Ngoài ra các nghệ nhân trong làng còn tạc tượng Thần Tagadhatri, Kartick, Annapurna và Vishwakarma (thần lửa) nhưng số lượng ít hơn. Học sinh nhỏ theo học lớp học nặn tượng thần linh – Nguồn: Hinducenter Trong sự sùng bái đạo giáo Hindu, Saraswati là biểu tượng của Thần Nữ Tri Thức và Học Vấn. Có thể nguồn gốc của Saraswati liên hệ đến truyền tích làm khô cạn dòng sông Saraswati ở Rajasthan, nhưng không như Brahma, thần nữ Saraswati vẫn còn đóng vai trò quan trọng trong sự tôn sùng của người Ấn Giáo mãi cho đến ngày nay. Hình ảnh Saraswati thường thấy là màu trắng, cỡi trên lưng con thiên nga, tay cầm một cuốn sách. Saraswati có thể được thấy với nhiều đầu và nhiều tay, biểu tượng cho sự gia hộ tất cả các môn học về khoa học và nghệ thuật, cho nên ngay cả các trường học cũng thờ phụng tượng Thần Saraswati. Tuy tượng Thần Saraswati được làm nhiều nhất nhưng hầu hết đều là tượng nhỏ dành cho người Ấn Độ thờ cúng trong nhà, giá bán để người dân có thể mua được chỉ chừng 18 đến 21 đô la Mỹ. Riêng những tượng lớn dành cho chùa đền thờ mua thỉnh về thờ phụng có giá cao vì đây là tượng to, có tượng liên kết ba bốn mặt. Một tượng thần lớn có thể bán được hơn hai ngàn đô la nhưng thời gian hoàn thành có khi kéo dài hai ba tháng. Cũng như các chủ xưởng, các tay thợ đều phải qua giai đoạn học nghề với tư cách tập sự, phần nhiều theo kiểu truyền nghề trong gia đình. Tuy vậy, ngày nay thành phố Calcutta lập ra các trung tâm nghệ thuật tạc tượng đất sét dành cho các em học sinh yêu thích loại hình nghệ thuật quốc giáo này. Học sinh được đến xem các xưởng thợ, học cách nắn tượng và trang trí. Những nghề thủ công truyền thống khác đang dần bị mai một do đời sống thay đổi nhưng nghề làm tượng thần phục vụ tín ngưỡng Ấn Độ Giáo vẫn tồn tại song song với cuộc sống kinh tế tăng trưởng đầy năng động của đất nước thuộc vùng Nam Á rộng lớn và đông dân thứ nhì thế giới này. Tượng nữ thần Durga tám tay, Thánh mẫu của người Ấn Độ sau khi hoàn thành – Nguồn: Durgahindu Để đắp khuôn mặt một thánh tượng, công việc đầu tiên là làm khung. Khung nâng đỡ bên trong gồm các khúc tre, gốc rạ, vải, mùn cưa. Sau khi “bộ xương” hoàn tất, tượng được đắp dần bằng đất sét, rồi sơn phết. Riêng nữ thần Durga là công phu hơn cả. Nữ thần mặc bộ quần áo thiết kế kỳ lạ làm bằng thứ vải sang trọng nhất và trang điểm thêm các món nữ trang. Trang bị đầy đủ cho một nữ thần đòi hỏi trăm thứ như nữ trang vòng cổ, vòng tay trên thánh tượng. Ở Kumartuli có khoảng 10 cửa hiệu chuyên phục vụ trang sức quần áo cho tất cả các xưởng nắn tượng thần. Cửa tiệm Bhim Chandra Das ra đời cách nay ba mươi năm, chuyên bán các bộ quần áo da hổ dành cho Thiên mẫu Durga, sari và vải, các loại phục sức rườm rà trang điểm cho nữ thần, đặc biệt là kiểu tóc. Cho nên giá trị của tượng nữ thần Durga lúc nào cũng cao, có khi đến vài ngàn đô la. Nhưng đó cũng chỉ là giá trị sản phẩm chứ chưa đạt được giá trị nghệ thuật tượng cổ di sản văn hóa. Chính vì thế hồi Tháng Chín vừa qua, nước Đức đã trao trả lại bức tượng đá nữ thần Durga trị giá 250,000 USD cho Ấn Độ. Bức tượng này có niên đại vào khoảng thế kỷ 10 và được bán cho Bảo tàng Dân tộc học ở Linden hồi năm 2000. Người bán bức tượng là Subhash Kapoor ở New York, vốn nổi tiếng là một nhà buôn các tác phẩm nghệ thuật uy tín. Tuy nhiên, hơn một thập kỷ sau, Kapoor đã bị bắt giữ tại sân bay Frankfurt trước khi bị dẫn độ về Ấn Độ và đối mặt với cáo buộc buôn lậu di sản bị đánh cắp từ ngôi đền ở Tengpona miền Nam Ấn Độ từ năm 1991. Du khách đến làng Kumartuli phải cẩn trọng từng bước đi, vì các xưởng nặn tượng luôn đông nghẹt hàng trăm tượng người đất thô chưa hoàn thành. Các nghệ nhân phải xếp tượng ngoài trời phơi nắng cho đất khô. Trong kinh đạo Hindu có nói rằng, “các vị thần đã tạo ra con người theo hình dáng của mình”. Nhưng với những nghệ nhân làng Kumartuli lại đang sáng tạo ra những vị thần theo hình dáng con người, cho dù người đời gọi đó là nơi tạo bán thần linh. Tượng cổ Thần Durga bằng đá được nước Đức trao trả lại cho Ấn Độ sau khi phát hiện đó là tượng do bọn đánh cắp mua bán – Nguồn: Hinduheritage NL – Theo Discovery -------------------- |
|
|
Lo-Fi Version | Time is now: 19th November 2024 - 07:13 AM |