Welcome Guest ( Log In | Register )

 
Reply to this topicStart new topic
> Luận về 2 chữ Ăn Chơi, Hoàng Lão Tà
lalan
post Dec 18 2017, 11:00 AM
Post #1


Phố Cũ
***

Group: Năng Động
Posts: 2,691
Joined: 21-April 08
Member No.: 43
Country




Luận về 2 chữ Ăn Chơi


Không phải "Con hát Mẹ khen hay" cũng không phải "Mèo khen mèo dài đuôi"và lại càng không phải "Tự ái dân tộc", tôi, dù không phải là một nhà ngôn ngữ học, tôi vẫn bạo mồm , bạo phổi mà tuyên bố rằng thì là tiếng Mẹ đẻ của tôi , tức là tiếng Việt Nam của tôi, của chúng tôi rất chi là phong phú.

Này nhé, nếu có ai đó hỏi bạn:
Sao ! Anh, độ rày như thế nào rồi, công việc làm ăn như thế nào rồi?
Bạn chỉ cần trả lời:
Lu bù!
Hai tiếng ngắn gọn bao hàm hết tất cả những gì bạn muốn mô tả. Chữ "Lu" không phải là cái lu, cái chum, cái vại, cái ghè , cái ché. "Lu" không là cái gì sất! Chữ "Bù" không có nghĩa là bù trừ, bù lỗ, bù đắp, là đánh bài xì dách trên 21 nút. "Bù" không là cái gì hết trơn hết trọi. Hai chữ không có một ý nghĩa gì hết, thế nhưng ghép chung lại với nhau để trở thành một tiếng "tán thán từ"(Interjection) hay một "trạng từ" (Adverbe) thì lại mang một ý nghĩa thật phong phú và trào lộng. Lu bù nghĩa là lung tung xèng, là loạng quạng, là đầu tắt mặt tối, là ngập lút đầu không thở nổi, là nhiều quá sá quà sa, là đủ mọi thứ chuyện trên trời dưới đất, là 36 ngàn cách (trente-six mille facons) theo lối nói của dân Tây. Tôi thú thật chẳng hiểu vì sao dân Tây lại dùng con số 36 để diễn tả một số nhiều có tính cách trào phúng. Tôi chỉ biết lúc tuổi đời đã đến thuở cặp kê thì lũ học trò Trung học chúng tôi đă truyền tay nhau một xấp ảnh thuộc loại "ma bùn" gồm 36 kiểu làm tình và con số 36 kể từ đó đã mang một ý nghĩa xấu.

Lại loạn bàn lung tung! Xin trở về với cái phong phú của những từ ngữ kép trong ngôn ngữ Việt Nam! Ngoài những chữ vốn đứng một mình đơn lẻ thì không mang một ý nghĩa nào hết nhưng khi ghép lại với nhau thì mang một ý nghĩa độc đáo, ngôn ngữ Việt Nam chúng ta lại có những tiếng kép mà cả hai chữ đều có ý nghĩa riêng biệt chẳng hạn như ăn uống, ăn nói, ăn mặc hay ăn chơi. Không biết có phải vì cái "ăn" là đệ nhất khoái trong cõi người ta hay là vì một lý do nào đó mà tôi không biết, chứ tôi thấy chữ ăn đi vào rất nhiều trong ngôn ngữ Việt Nam như: ăn vóc học hay, ăn cây nào rào cây ấy, ăn làm, ăn đoong, chằn ăn trăn cuốn, ăn vụng, ăn chùng, ăn vã, ăn tục nói phét, ăn năn, ăn vạ, ăn như tằm ăn dâu, ăn xổi ở thì vv...

Trước đây tôi đã viết một bài về "Ăn sáng", bạn tôi đã phụ đính một bài về "Ăn trưa" lại thêm một bài nghiên cứu về "Ăn thịt chó" cho phù hợp với năm Bính Tuất. Sau đó thừa thắng xông lên tôi viết thêm một bài về "Ăn tục nói phét" rồi bạn tôi lại viết về "Ăn Tết" Biết bao nhiêu là thứ ăn nhưng tôi chỉ khoái nhất là cái thứ "ăn chơi". Còn nhớ một dạo một cửa hàng ăn của quận Cam nhờ quảng cáo là "Ăn chơi ngon hơn ăn thiệt" mà khách ra vào tấp nập, chủ nhân làm ăn phát đạt, nụ cười luôn nở trên môi. Thì ra ai cũng khoái chơi hơn là thiệt . Chữ "chơi" ở đây là phản nghĩa với chữ "thiệt". Biết rồi, khổ lắm nói mãi! Tôi chỉ muốn nói đến chữ "Chơi" viết hoa trong hai câu thơ:
"Chơi Xuân kẻo hết Xuân đi
Cái già xồng xộc nó thì theo sau"
Thử xem "chơi" nghĩa là gì nhỉ!
Lu bù!
Ôi thôi, loạn xà ngầu! Tiếng Việt Nam ta chữ "chơi" thường đi chung với chữ "đùa". Chơi đùa không mang một ý nghĩa trang nghiêm đứng đắn, chơi đùa là một cái gì phù phiếm, lăng nhăng. Người lớn cũng chơi đùa được mà con trẻ lại càng có thể chơi đùa hơn. Gần như chơi đùa là một thuộc tính của trẻ thơ: Chơi đùa phá phách hay phá phách đùa nghịch thì cũng mắm sốt! Chơi đùa là một hành động thiên về thể xác, một vận động tay chân không cần dùng đến trí óc nhiều. Tuy nhiên cũng có những trò chơi cần phải vận dụng trí óc, đòi hỏi sự thông minh chẳng hạn như "chơi chữ". Những lối chơi này thật là đa dạng và cần nhiều kiến thức. Phạm vi bài viết lăng nhăng này không thể bàn đến cái thứ chơi cao thâm này.

Thuở không còn là con nít nữa, cái thời mà mặt mày tuy vẫn còn non choẹt nhưng ở mép đã bắt đầu thoáng hiện một đường râu mờ mờ, trên đôi gò má đã lấm tấm những nốt mụn của tuổi dậy thì. Thời gian này là lúc mon men muốn làm người lớn, muốn tìm hiểu cái sự đời "đen như mõm chó, chém cha sự đời" Dạo đó tôi cũng như các bạn cùng lứa tuổi đã lén lút tìm đọc những cuốn sách giáo dục sinh lý như "Ái tình bửu giám", như "Người con gái sắp lấy chồng cần nên biết ". Chúng tôi đã lén lút đọc vì những loại sách này thuộc loại sách cấm đối với lứa tuổi chưa trưởng thành của chúng tôi.Chẳng bù với ngày nay, học sinh từ lớp 9 đã được giảng dạy về sinh lý, đã được khuyên bảo nên mang ông "Đại sứ Ca Bốt Lốt" mỗi khi đụng trận để tránh khỏi cảnh phải mang ba lô ngược từ đàng sau lưng ra trước bụng và để tránh các bệnh "Ếch nhái" vv... Thật thời đại văn minh khoa học tiến bộ có khác! Chúng tôi vào giai đoạn dậy thì đó trong đầu óc đã lảng vảng một từ ngữ "phù thuỷ" hấp dẫn như trái cấm trong vườn Địa Đàng. Đấy là chữ "CHƠI" viết bằng chữ hoa, một ám ảnh ngày đêm mà nếu không cao cường nội lực thì sa cơ thất thế, bỏ công đèn sách liền tút suýt. "Chơi" tiếng Pháp gọi là "Jouer" và tiếng Anh là "Play". Khi quân đội Mỹ chưa tham chiến trên quê hưong của chúng ta , chúng tôi chỉ biết chữ "jouer" thường đi chung với chữ "Papa" tức là "Jouer Papa", dịch nôm na từ chữ "Chơi cha" của chúng ta mà ra. "Chơi cha" tức là chơi trội , chơi vượt mức bình thường, có tính cách khác thường, chơi ngông, chơi qua mặt những thằng "con" vì mình là "Cha" mà lị ! Chơi kiểu công tử Bạc Liêu lấy tiền giấy đốt lên để cho người đẹp tìm chiếc kẹp tóc lỡ đánh rơi trong đêm tối. Chiếc kẹp chỉ đáng giá vài xu trong lúc một căn nhà thời bấy giờ chỉ cần vài chục đồng là có thể mua được. Thế mà nở lòng nào đem từng đồng tiền giấy đốt lên thì đúng là chơi ngông , chơi cha thiên hạ, là "Jouer Papa" rồi chứ gì nữa. Sau này khi quân đội đồng minh đến nước ta , bấy giờ chúng ta biết thêm được một từ ngữ nữa thật là hấp dẫn , mê tơi, ấy là "Playboy". Chuyền tay nhau xem say sưa tạp chí Playboy với hình ảnh các kiều nữ sexy, nghèo áo, nghèo quần, thật không có gì thích thú bằng, thuở mới lớn. Còn nhớ thời gian đó các cây viết phóng sự tiểu thuyết thời đại làm mưa làm gió trên các nhật báo và tuần báo. Họ đưa vào các câu chuyện của họ một thứ "sex" nhè nhẹ đủ để lôi cuốn bao nhiêu là độc giả tuổi choai choai trong đó dĩ nhiên có tôi. Tôi không nhớ ông Văn Quang hay ông nhà văn nào đã bắt đầu thiên phóng sự của ông bằng hai câu thơ theo kiểu câu dẫn nhập trong các truyện Tàu chia thành từng "hồi" và cứ mở đầu cho một hồi là có hai câu giới thiệu những gì sẽ xảy ra trong hồi đó như:

Giới Bài quan,Tiết Đinh San đột phá trùng vây
Nữ tướng Phàn Lê Huê, giữa trận tiền mê trai

Tôi thuộc nằm lòng hai câu mà cây bút phóng sự bắt đầu câu chuyện như thế này:

Thanh bình gặp buổi hôm nay
Thử chơi một phát ban ngày xem sao

Ông ta viết như thế thì làm sao mà không mê được! Nội chữ "Chơi" không thôi đã mang đầy đủ bùa phép làm say mê độc giả rồi, ông lại còn thêm "một phát" nữa thì có phải bao nhiêu nội lực trong đan điền phải căng cứng chực vỡ oà, tuôn tràn ra không . Thế vẫn còn chưa đủ hấp dẫn, ông ta lại còn thêm chi tiết thời gian trái cựa là ban ngày, ban mặt, giữa thanh thiên bạch nhật chứ không phải là như thông thường diễn ra "ban đêm, nhà tranh như nhà ngói". Tôi thấy văn chương mà khêu gợi chữ tình đến như thế là nhất ông ta rồi! Vừa thanh lại vừa tục, hay không chịu được! Không thanh sao được khi ông ta bắt đầu bằng chữ "Thanh bình" và "tục" đến mê tơi, đến lịm cả người khi ông xuống giọng "xề" bằng cách cám dỗ, dụ khị "Thử chơi một phát". Hỏi ai có thể cưỡng chống lại lời mời gọi đam mê này ?
Tôi không hiểu trong ca dao của ta khi viết: "Tháng Giêng là tháng ăn chơi" thì chữ chơi có hàm ý như chữ chơi mà chúng ta hiểu ngày nay chăng. Thời xa xưa, ông Tú Xuơng cũng đã dùng chữ chơi như chúng ta hiểu trong thời đại Playboy như khi ông tự mô tả mình:

Vị Xuyên có gã Tú Xương
Giở giở lại ương ương
Cao lâu thường ăn quỵt
Thổ đĩ lại chơi lường

Trong văn chương bình dân, lác đác cũng có vài ba câu đề cập đến chữ "chơi" thời thượng như ngày hôm nay:
Có chồng càng dễ chơi ngang
Đẻ ra con thiếp, con chàng, con ai.
Hay bạo gan, bạo phổi hơn:
Có chồng thì mặc có chồng
Còn đi chơi trộm, kiếm đồng mua rau
Cái món "ăn chơi" mô tả trong 4 câu ca dao trên đây thường được nôm na gọi là "Ăn vụng". Mà ăn vụng thì phải chùi mép cho kỹ để tránh lâm vào cảnh dĩa bay tan tác của chia ly hay là cảnh bị đá văng xuống giường ra nằm chuồng heo hay là nằm trên xô pha xem TV mệt nghỉ vì cái thứ ăn chơi này là một thói hư tật xấu của các đấng liền ông, con trai . Không ngờ trong văn chương bình dân lại có đề cập đến cái pha này mà lại do các thôn nữ diễn xuất. Kể cũng lạ thật! Thôn quê Việt Nam ta nhỏ bé tí teo, ra đường ngoài ngõ gặp nhau thường xuyên , biết mặt nhau ráo trơn, ráo trọi , tôi không hiểu làm thế nào mà các cô gái làng quê lại có thể lăng nhăng, lít nhít ăn vụng được. Thì ra ăn vụng không phải chỉ dành riêng cho tu mi nam tử mà giới "tè không qua ngọn cỏ" ở thôn quê cũng có thể vung vít được. Sau đây là một vài câu ca dao trong đó chữ "chơi" mang ý nghĩa nhẹ nhàng thanh tao nhưng cũng không kém phần hấp dẫn:
Đôi ta lấm tấm hoa nhài
Chồng đây vợ đấy kém ai trên đời
Muốn cho gần chợ ta chơi
Gần sông tắm mát, gần nơi đi về.
Trời mưa thì mặc trời mưa
Chồng tôi đi bừa đã có áo tơi
Chồng tôi đi chơi đã có nón đội
Chồng tôi đi hội đã có dù che
Nghề chơi cũng lắm công phu, muốn chơi cho lăn lóc đá, cho người biết tay hay chơi cho lịch lãm râu mày thì bài loạn bàn này không thể nào bao giàn nổi .Tôi chỉ xin lạm bàn đôi chút về chữ "chơi" để gợi ý các bậc thức giả ngứa nghề mà ra tay đưa một đường nghiên cứu đầy đủ ngọn ngành, rành mạch từng chi tiết, có đầu đuôi tai nheo để bàn dân thiên hạ học hỏi thêm, để cùng trau dồi kiến thức. Để kết thúc tôi xin khuyên các bạn của tôi:
Bạn ơi tuổi đã hoàng hôn
Don't play too much , chờ tròn tuổi trăm .

Hoàng Lão Tà


--------------------
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
2 User(s) are reading this topic (2 Guests and 0 Anonymous Users)
0 Members:

 



Lo-Fi Version Time is now: 18th November 2024 - 01:38 PM