Welcome Guest ( Log In | Register )

 
Reply to this topicStart new topic
> Hai “khuôn mặt” của Facebook, Nguyễn Ngọc Chính
AnAn
post Aug 28 2014, 09:04 AM
Post #1


Bảo vệ Tổ Quốc
***

Group: Năng Động
Posts: 6,737
Joined: 12-November 08
Member No.: 702
Country





Mark Zuckerberg


Hai “khuôn mặt” của Facebook


Mark Zuckerberg [1], sinh viên năm thứ hai Đại học Harvard là một chàng thanh niên si tình. Anh yêu cô bạn gái gốc châu Á, Priscilla Chan, và suốt ngày chỉ nghĩ quanh nghĩ quẩn đến cô, đi đâu cũng cũng thấy khuôn mặt của cô hiện ra trước mắt và lúc nào cũng thấy cô chập chờn trước mặt…

Priscilla Chan và Mark Zuckerberg gặp nhau lần đầu tại một bữa tiệc của trường Đại học Harvard năm 2003. Bạn của Zuckerberg là chủ nhân bữa tiệc, còn Chan, lúc đó cũng là sinh viên năm thứ hai cùng trường, đến dự với tư cách khách mời. Điều đáng nói, Priscilla Chan là người Mỹ gốc Hoa, với khuôn mặt không có gì nổi bật, nhiều người thậm chí còn cho điểm nhan sắc cô thuộc loại… “dưới trung bình”.


Priscilla Chan

Zuckerberg thể hiện sự say mê Chan qua những bài viết trên blog nhưng anh thấy mình cần nghĩ ra một hình thức gì đó mới lạ hơn. Thế là anh thiết lập một mạng xã hội mang tên Facemash vào ngày 18/10/2003. Khởi đầu, Facemash giới hạn trong phạm vi đại học Harvard với một phiên bản mang tên “Hot or Not”. Zuckerberg dùng hình ảnh “lưu bút” trực tuyến của Harvard đặt bên cạnh hình của anh sưu tầm và hỏi ý kiến mọi người hình nào “hot” hơn.

Theo tờ Harvard Crimson [2], trang Facemash được chuyển đến máy chủ trong campus nhưng chỉ vài ngày sau, Harvard ra lệnh “đóng cửa” vì các “tội” vi phạm an ninh, xâm phạm bản quyền và xâm phạm quyền tự do cá nhân. Nhà trường còn tính đuổi học nhưng “án” này đã được… “ân giảm”.

Không chịu “bó tay”, Zuckerberg thiết lập "The Facebook" tại địa chỉ “thefacebook.com” vào ngày 4/2/2004, Chan là một trong những người đầu tiên gia nhập mạng. Việc đăng ký thành viên của website ban đầu cũng chỉ giới hạn cho những sinh viên Harvard, sau đó đã được mở rộng sang các trường đại học khác tại khu vực Boston, Ivy League và Đại học Stanford. Bước kế tiếp Facebook được mở rộng cho sinh viên thuộc bất kỳ trường đại học nào, rồi đến đối tượng học sinh phổ thông và cuối cùng là bất cứ ai trên 13 tuổi.


Hồ sơ trên “Thefacebook” năm 2005

Chan là người đồng hành bên cạnh Zuckerberg trong những quyết định khó khăn. Căng thẳng nhất là khi Yahoo đề nghị mua đứt FB với giá 1 tỷ đô la năm 2006. Chan kể lại với The New Yorker trong một cuộc phỏng vấn:

"Tôi nhớ lần đó chúng tôi đã có một cuộc nói chuyện dài về lời đề nghị của Yahoo. Chúng tôi cố gắng nghĩ về những mục tiêu từng đặt ra, về những gì chúng tôi tin và muốn làm trong đời".

Kết cục, Zuckerberg từ chối đề nghị “béo bở” của Yahoo vì muốn giữ lại FB. Tháng 9/2010, Chan dọn đến sống cùng Zuckerberg và anh viết trên trang cá nhân của mình: "Priscilla Chan sẽ chuyến đến vào cuối tuần này. Hiện cái gì cũng đang có gấp đôi nên ai cần đồ gia dụng, bát đĩa, cốc, vân vân thì hãy đến và khuân về nhé".

Tháng 3/2011, hai người chính thức thông báo tình yêu của họ trên FB bằng cách thay đổi “trạng thái” (status), anh cho biết Chan "đang trong mối quan hệ với Mark Zuckerberg". Cuối cùng, cuộc tình đẹp của Mark Zuckerberg và Priscilla Chan sau thời gian kéo dài suốt 9 năm đã đi đến một đoạn kiết “có hậu”: họ cưới nhau khi Chan tốt nghiệp bác sĩ vào tháng 5/2012.


Đám cưới Mark Zuckerberg & Priscilla Chan

Địa chỉ “thefacebook.com” được đổi thành “facebook.com” sau khi Mark Zuckerberg mua được tên miền vào năm 2005 với giá $200.000. Facebook ra mắt phiên bản dành cho học sinh trung học vào tháng 9/2005, Zuckerberg gọi nó là “một bước logic tiếp theo”. Vào thời điểm đó, các mạng của trường trung học bắt buộc phải được mời mới được gia nhập FB.

Sau đó, FB mở rộng quyền đăng ký thành viên cho nhân viên của một số công ty lớn, trong đó có Apple Inc. và Microsoft. Kể từ ngày 26/9/2006, Facebook mở cửa cho tất cả mọi người với điều kiện phải trên 13 tuổi và có một địa chỉ email hợp lệ. Website này hiện có hơn 500 triệu thành viên trên khắp thế giới. FB trở thành mạng xã hội phổ biến nhất, tiếp theo sau là MySpace và Twitter.

Giữa Facebook và MySpace có sự khác biệt về mức độ tuỳ biến, hơn nữa, FB yêu cầu người sử dụng dùng danh tính thực của mình trong khi MySpace thì không. MySpace cho phép người dùng trang trí hồ sơ của họ bằng cách sử dụng HTML và Cascading Style Sheets (CSS), trong khi FB chỉ cho phép bằng văn bản (plain text).

FB còn một số tính năng mà người dùng có thể tương tác. Chẳng hạn như Wall, một không gian trên trang hồ sơ của mỗi thành viên cho phép bạn bè họ đăng các tin nhắn cho thành viên để xem hoặc Pokes cho phép người dùng gửi một "cái hích" ảo với nhau (một thông báo cho thành viên là họ đã bị chọc)…

Photo là nơi người dùng có thể tải lên (upload) album và hình ảnh; Trạng thái (Status) cho phép thành viên thông báo cho bạn bè mình biết họ đang ở đâu và đang làm gì. Tùy thuộc vào cài đặt riêng tư, bất cứ ai cũng có thể xem hồ sơ của người dùng và cũng có thể theo dõi tính năng Wall của người dùng đó. Từ tháng 7/2007, FB bắt đầu cho phép người dùng gửi file đính kèm với Wall, trong khi trước đây Wall chỉ giới hạn nội dung văn bản.


Tranh vui diễn tả người tiền sử dụng Wall trên FB

Trong suốt thời gian qua, FB đã thêm nhiều tính năng mới. Năm 2006, tính năng News Feed được đưa vào trang chủ của thành viên sử dụng để làm nổi bật thông tin bao gồm thay đổi hồ sơ, các sự kiện sắp tới, và ngày sinh nhật của bạn bè của thành viên đó.

Tuy nhiên, News Feed cũng cho phép những người gửi thư rác (spammer) và người dùng khác thao tác những tính năng này bằng cách tạo ra sự kiện ảo hoặc đăng ngày sinh giả để thu hút sự chú ý đến hồ sơ của họ. Ban đầu, News Feed không làm hài lòng một số người sử dụng FB, một số khác lại phàn nàn là nó quá lộn xộn và đầy những thông tin “không mong muốn”.

Zuckerberg đã đưa ra lời xin lỗi cho lỗ hổng của trang web và bổ sung các tính năng bảo mật thích hợp. Kể từ đó, người dùng đã có thể kiểm soát những loại thông tin được chia sẻ một cách tự động với bạn bè. Thành viên hiện nay có thể ngăn chặn những người trong danh sách bạn bè mà thành viên đó không muốn họ nhìn thấy thông tin cập nhật về một số loại hoạt động, bao gồm thay đổi hồ sơ, bài trên Wall, và bạn bè mới thêm vào.

Một trong những ứng dụng phổ biến nhất trên FB là ứng dụng Hình ảnh (Photos), nơi thành viên có thể upload album và hình ảnh. Trong những năm đầu tiên, người dùng FB bị giới hạn 60 hình ảnh cho mỗi album. Đến tháng 5/2009, giới hạn này đã được tăng lên đến 200 bức ảnh mỗi album. FB cho phép người dùng tải lên không giới hạn số hình ảnh, so với các dịch vụ lưu trữ hình ảnh khác như Photobucket và Flickr, trong đó áp dụng giới hạn số lượng các bức ảnh mà người dùng được phép tải lên.

Một tính năng của ứng dụng hình ảnh là khả năng "tag", hay đánh nhãn một thành viên trong một bức ảnh. Ví dụ, nếu một bức ảnh có một người bạn của thành viên, sau đó thành viên này có thể "tag" người bạn trong bức ảnh. Điều này sẽ gửi một thông báo cho người bạn rằng họ đã được gắn thẻ, và cung cấp cho họ một liên kết để xem bức ảnh.

Facebook Notes được giới thiệu vào năm 2006, một tính năng viết blog cho phép “nhúng” các thẻ và hình ảnh. Thành viên sau đó có thể nhập blog từ Xanga, LiveJournal, Blogger và các dịch vụ blog khác.

Bản thân người viết có một trang trên Blogspot mang tên “Hồi ức một đời người”, mỗi khi post bài trên Blogger tôi đều có thể chia sẻ trên FB và nhờ đó tăng thêm lượng người đọc. Như vậy, có một sự phân định rõ ràng giữa Blogspot, là nơi đăng các bài viết, và FB là nơi phổ biến bài viết đã đăng đến bạn bè FB. Hoạt động “tương tác” này rất hữu ích cho những người viết Blog có một tài khoản trên FB.

Năm 2008, FB đưa ra ứng dụng nhắn tin dựa trên ngôn ngữ lập trình Comet gọi là "Chat", cho phép người dùng giao tiếp với bạn bè và nó có chức năng tương tự ứng dụng tin nhắn của máy tính để bàn hay điện thoại di động. Tiếp đến, năm 2010 FB đưa ra dịch vụ "Facebook Messages", Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg cho biết, "Sự thật là mọi người sẽ có thể có địa chỉ email: an@facebook.com, nhưng nó không phải là email". Việc ra mắt tính năng như vậy đã được dự đoán trước, một số người còn gọi đó là "sát thủ của Gmail và Yahoo”.

FB đã gặp phải một số vấn đề gây nhiều tranh cãi trong thời gian qua. Một số công sở, công ty cấm nhân viên của mình vào Facebook trong giờ làm việc để tránh việc sử dụng giờ “công” cho chuyện “tư”.

Quyền riêng tư trên FB cũng là một vấn đề gây nhiều hệ lụy và website này cũng đang đối mặt với một số vụ kiện từ một số bạn cùng lớp của Zuckerberg, những người cho rằng FB đã ăn cắp mã nguồn và các tài sản trí tuệ khác của họ. Đã có một thời gian FB bị cấm tại một số quốc gia, trong đó có Syria, Trung Quốc, Iran và Việt Nam.

Ngoài lý do chính trị “nhạy cảm”, tại những quốc gia ngăn chặn FB còn có những yếu tố khác được nêu lên, chẳng hạn như tranh cãi về bản quyền cũng như nguy cơ lây lan các loại virus như Trojan (phần mềm gián điệp), Phishing email (thư rác lừa đảo) qua mạng xã hội này.

Giáng sinh năm 2011, Mark Zuckerberg và Priscilla Chan đã đến Việt Nam trong một chuyến đi mà báo chí gọi là “bí mật với nhiều hỏa mù”. Ngày 22/12, cộng đồng mạng xôn xao bởi thông tin người sáng lập ra Facebook đến Hà Nội và Priscilla Chan xác nhận gián tiếp qua FB. Sau khi chọn khách sạn Sofitel Metropole là điểm nghỉ ngơi tại Hà Nội, ông chủ của FB cùng bạn gái đã đi thăm nhiều địa điểm nổi tiếng như nhà tù Hỏa Lò, dạo quanh Hồ Gươm…

Sáng 24/12, nhiều tờ báo đưa tin, chuyến bay riêng xuất phát từ sân bay Gia Lâm đã đưa Mark và bạn gái đến điểm đáp khu vực phà Bãi Cháy (Quảng Ninh). Trước khi bay đến Vịnh Hạ Long đón Giáng sinh, để đánh lạc hướng dư luận, Mark đã đặt phòng tại một loạt khách sạn nổi tiếng ở Quảng Ninh như Hòn Gai, Novotel... Cuối cùng, chiều 24/12, cả đoàn đã dừng chân tại du thuyền Hạ Long Phoenix Cruiser. Mark đã thuê thuyền kayak tự mình chèo đi tham quan trên vịnh. Sau đó, cả đoàn còn tiếp tục đi thăm một số hạng động nổi tiếng của vịnh Hạ Long.

Sáng 25/12, sau vài lần chơi trò “ú tim”, Mark mới chịu xuất hiện chính thức trước báo giới, truyền thông qua cuộc gặp gỡ ngắn ngủi. Rời Quảng Ninh, ông chủ Facebook tiếp tục “tung hỏa mù” trong chuyến đi tới Sa Pa, Lào Cai bằng “chiêu” cũ, đặt phòng tại nhiều nhà nghỉ, khách sạn.

Trưa 25/12, Mark đã đáp trực thăng thuê riêng về lại Hà Nội để chuẩn bị hành trình lên Sa Pa. Và thay vì nghỉ đêm tại những khách sạn ở ngay trung tâm, đoàn của Mark chọn khu sinh thái To Pas Ecolodge cách Sa Pa 18km vừa để nghỉ ngơi, vừa để… trốn các tay săn ảnh paparazzi.

Tại đây, ngày 26/12, Mark và bạn gái đạp xe thăm thị trấn Bản Hồ và xã Thanh Phú - nơi nổi tiếng với vẻ đẹp trong lành, nguyên sơ, khám phá các bản làng của các dân tộc như Dao, Mông, Dáy… Không ai ngờ rằng, người đứng thứ 9 trong danh sách những nhân vật quyền lực nhất thế giới lại gần gũi và thân thiện đến thế: anh cưỡi trâu, lại còn chơi trò “bịt mắt bắt dê” với các em nhỏ.


Báo Mỹ đưa tin Mark Zuckerberg cưỡi trâu ở Việt Nam


Facebookers ở Việt Nam đã nhiều lần than phiền về các nhà mạng như Viettel, VNPT, FPT thường ngăn chặn FB, thậm chí còn có tin FB sẽ ngừng hoạt động tại Việt Nam sau ngày 25/6/2013. Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc phát triển FB tại Việt Nam, đã tỏ ra bất ngờ trước thông tin này và cho rằng: “Đây chỉ là tin vịt, hoàn toàn không chính xác”.

Một trong số những lý do FB bị nhiều người sử dụng và nhiều nhà mạng “xa lánh” là do trên mạng xã hội FB thời gian gần đây xuất hiện nhiều cá nhân, hội, nhóm thành lập tài khoản và đưa ra ý kiến bình luận nhằm mục đích bêu xấu cá nhân hoặc tổ chức.

Về vấn đề này, ông Tước cho rằng, FB cũng là một xã hội thu nhỏ, trong đó mọi người chia sẻ thông tin, đưa ra ý kiến bình luận theo quan điểm cá nhân. Ông phân tích: “Nếu không có Facebook thì cũng sẽ có một mạng xã hội khác hoặc một dạng trang thông tin khác để người ta đưa ra quan điểm ý kiến chia sẻ, vì nhu cầu trao đổi thông tin có từ khi con người xuất hiện”.

Một số người lại cho rằng FB cần “nhặt sạn” để bớt đi những bình luận không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, ông Tước cho biết việc đó là “không thể” bởi FB là trang mạng xã hội đa phương tiện thông tin, số lượng truy cập tham gia tới hơn 1 tỷ người trên toàn thế giới, không thể có chương trình nào sàng lọc phù hợp để “nhặt” sạn cho ngôn ngữ từng quốc gia được.

Cũng xung quanh chủ đề FB tại Việt Nam thời gian qua, ông Huỳnh Kim Tước cho rằng mạng xã hội FB đang chứng tỏ ưu điểm về trao đổi thông tin và độ tương tác. Nhiều doanh nghiệp hiện nay đang sử dụng FB làm nơi tiếp thị maketing sản phẩm. Những trang Fanpage trên FB có số lượng khách hàng gấp 81 lần so với một thương hiệu...

Trước đó, trong “Hội thảo Công nghệ xử lý ngôn ngữ và phát triển thị trường nội dung số Việt Nam ra thế giới” do Viện CNTT – Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức năm 2012, ông Nguyễn Lâm Thanh, Giám đốc công ty Viễn thông và Dịch vụ truyền hình VTC đã giải thích lý do Facebook bị chặn tại Việt Nam:

“Đường truyền quốc tế đắt hơn hẳn đường truyền quốc nội. Khi các nhu cầu sử dụng dịch vụ có thể sinh ra tiền như Voice, IP… gia tăng thì nhà mạng sẽ “bóp” ngay đường truyền của những dịch vụ không tạo ra tiền mà tiêu tốn băng thông như Facebook, YouTube. Theo thống kê, hiện có tới 70 – 80% băng thông quốc tế chạy qua 2 cổng Facebook và YouTube mà không tạo bất cứ đồng tiền nào cho nhà mạng”.

Theo ông Thanh, việc chặn FB không xuất phát từ lý do chính trị mà chỉ đơn thuần vì lý do kinh tế, hiện tượng FB bị chặn không bao giờ diễn ra đồng loạt và liên tục trên phạm vi toàn quốc, chỉ thỉnh thoảng tắc nghẽn ở đâu đó khi các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông cân nhắc về việc tạm dẹp những dịch vụ không sinh lời để thông đường cho những dịch vụ có tính ưu tiên, sống còn hơn.


Poster yêu cầu đưa FB trở lại Việt Nam

Mới du nhập vào Việt Nam không lâu nhưng FB với những tính năng giúp chuyển tải thông tin nhanh đến chóng mặt nên đã thổi bùng lại làn sóng sử dụng mạng xã hội ảo sau khi Blog 360 bị đóng cửa vào ngày 13/7/2009.

Trong thời gian qua có nhiều ý kiến trái chiều về FB khi nhiều người cho rằng việc sử dụng FB và những ứng dụng của nó gây lãng phí quá nhiều thời gian làm việc trong công sở và tính riêng tư của mỗi cá nhân cũng không được đảm bảo. Gần đây ở Việt Nam, nhiều phần tử xấu đã lợi dụng tính năng phát tán thông tin nhanh chóng của FB để phát đi những hình ảnh, bài viết, video clip có nội dung “tiêu cực”.

Hàng trăm độc giả của BBC cũng xác nhận trên FB về chuyện họ phải dùng thủ thuật để vượt rào. Trước đó một quan chức của Tổng công ty Bưu chính Viễn thông VNPT nói với BBC họ chỉ có chức năng "thu tiền" còn Bộ Thông tin Truyền thông mới là cơ quan quyết định chính sách về internet. Một số ý kiến bình luận cũng nói Việt Nam có thể sẽ tăng cường chặn mạng nước ngoài nhằm củng cố cho các trang web nội địa.

Rõ ràng là FB mang hai “khuôn mặt” tương phản lẫn nhau. Ngoài bộ mặt “tiêu cực” như đã đề cập đến ở phần trên, FB còn là nơi người sử dụng được tiếp cận với các nhân vật nổi tiếng để tìm hiểu và học hỏi từ họ.

Trang FB của Bill Gates đã đăng một tấm ảnh trên fanpage với thông điệp: “Join us in building a Better World for children” (tạm dịch: Hãy cùng chúng tôi xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho trẻ em). Bức ảnh chụp các em bé tung tăng nhảy nhót trên đường làng. Chỉ sau 11 giờ đăng tải, hình ảnh đã được 14.000 người “like” (thích), 1.286 lượt “share” (chia sẻ) và 841 “comment” (bình luận).


FB Bill Gates: “Join us in building a Better World for children”


FB giúp đoàn tụ hai chị em ruột người Bosnia sau 72 năm mất liên lạc dù họ chỉ sống cách nhau 200km. Cụ Tanija Delic, 88 tuổi, và cụ Hedija Talic, 82 tuổi, đã không gặp nhau kể từ năm 1941. Bà Talic lúc đó mới 11 tuổi, bị lạc khỏi gia đình khi họ đang chạy khỏi làng ở phía tây bắc Bosnia trong giai đoạn đầu của thế chiến thứ hai.

"Sau chiến tranh, mọi người kể cho tôi về đủ thứ chuyện", bà Talic nói. "Vài người cho rằng gia đình tôi bị giết, một số lại bảo họ đã đi Mỹ. Tôi mất hết hy vọng sẽ gặp lại bất kỳ ai trong số họ một lần nữa".

Nhưng cuối cùng họ được gặp lại nhau sau khi con trai bà Talic bắt đầu quan tâm đến phả hệ gia đình và liên lạc với người sau đó được nhận ra là con gái của bà Tanija qua FB. Trong ngày đoàn tụ đầy cảm động, hai chị em vừa đầm đìa nước mắt vừa không tin vào sự thật. Họ chỉ chia sẻ cùng nhau những ký ức về "các sự kiện nhỏ nhất thời ấu thơ". Hai cụ cho biết sẽ cố gắng tìm lại thành viên còn lại hoặc gia đình ông, được cho là sống ở Mỹ.


Cụ Tanija Delic, 88 tuổi (trái) và cụ Hedija Talic, 82 tuổi.

Tại Việt Nam cũng có tin “Tìm được cha thất lạc sau 5 ngày nhờ Facebook”. Thông tin người cha bị mất trí nhớ đi lạc đã được 1.464 lượt “share” (chia sẻ) trên FB, chưa kể những trang mạng khác, và cuối cùng đã tìm được bố nhờ tấm lòng của cư dân mạng. Theo VnExpress, một bạn đọc có nickname James Dao kể lại:

“Cách đây mấy ngày một người bạn của tôi là Nguyễn Quốc Anh gọi điện hẹn đến có việc gấp. Đến nơi nghe bạn sụt sùi kể mà tôi buồn quá. Bố bạn (tên là Nguyễn Xuân Thắng) không may bị tai nạn nên đôi lúc bị mất trí nhớ, có dấu hiệu của tâm thần và gần đây sức khỏe suy yếu và bị ho ra máu. Do bạn phải làm thuê cho một cửa hàng nước giải khát ở quận 10 nên không có điều kiện về quê thăm bố được, mà phải nhờ một người bạn đưa bố vào TP HCM để khám, chữa bệnh.

16h ngày 30/11, sau khi đón bố từ bến xe về nhà trọ của hai vợ chồng đang thuê ở Cách mạng tháng 8, quận 10, bạn bảo bố tắm rửa sạch sẽ rồi nghỉ ngơi. Người cha chắc do nóng bức nên ở trần, đi chân đất nói với con trai: “Bố ra đầu hẻm mua thuốc lá một lát về liền”.

Lúc này thấy bố cũng khỏe mạnh bình thường nên bạn tôi để bố tự đi. Chờ 10 phút, 15 phút không thấy bố về nên bạn gọi điện thì thấy bố không đem điện thoại theo. Lúc này bạn vẫn nghĩ bố mình uống cà phê đầu hẻm nên đi bộ ra kiếm thì không thấy đâu cả. Hỏi bà con thì họ bảo có thấy một người đàn ông cao và gầy chừng ngoài 50 tuổi ở trần, chân đất vừa đi vừa chạy rất nhanh trên đường Cách mạng tháng 8...

Lúc này anh bạn tá hỏa chạy đi các hướng, hỏi thăm cánh xe ôm và điện cho người thân bạn bè tìm giúp nhưng do giờ cao điểm mà đường thì kẹt xe nên 1 giờ, 2 giờ, rồi 3 giờ trôi qua mà thông tin về bố vẫn biệt tăm… Một ngày, rồi 2 ngày dài như cả tháng trôi qua trong vô vọng, cậu phải mượn tiền bạn bè để đăng tin lên báo và truyền hình. Nhưng đến ngày thứ tư do không đủ tiền để đăng tiếp mà tin tức về bố thì vẫn biệt tăm nên cậu gọi cho vài người bạn nhờ hỗ trợ.

Nghe bạn kể đến đây tôi chạnh lòng và nghĩ nếu mình rơi vào hoàn cảnh của bạn không biết mình sẽ thế nào. Tôi đã kêu gọi cộng đồng mạng dành một giây nhấn “share” tin này trên Facebook và các diễn đàn khác để cùng chung sức giúp bạn tìm bố về chữa bệnh.

Nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình của cư dân mạng và cuối cùng điều kì diệu cũng đã xảy ra. 10h sáng ngày 5/12, bạn tôi đã tìm được bố. Do bố của bạn đi bộ về quê Hà Tĩnh theo Quốc lộ 1 nên đã có một người phụ nữ nhìn thấy ông ở Biên Hòa, Đồng Nai. Con gái của bà lên Facebook biết được chuyện của bạn tôi và đã gọi điện báo. Bạn tôi tức tốc lên đường và bố con đã gặp nhau trong nước mắt.
Người cha cho con biết lý do bỏ về quê: "Vì bố thấy Sài Gòn quá đông đúc, ngột ngạt". Ngay sau đó bạn tôi đã bắt xe đưa bố về quê Hà Tĩnh. Xin cảm ơn tấm lòng của các cư dân mạng!


Thông tin đã được 1.464 lượt share (chia sẻ) trên FB

Facebook quả là kỳ thú. Từ hai “khuôn mặt thật” của Mark Zuckerberg và Priscilla Chan với câu chuyện tình dẫn đến kết cục “có hậu” chúng ta lại khám phá thêm hai “khuôn mặt ảo” vừa tốt lẫn xấu của một mạng xã hội thu hút hàng tỷ người truy cập. Thế giới ảo chẳng khác gì đồng tiền có hai mặt trái phải và việc nhận diện đâu là mặt trái, đâu là mặt phải thuộc về mỗi cá nhân trong đó.

“Khuôn mặt” tốt của cộng đồng mạng nói chung và FB nói riêng là không thể phủ nhận nhưng những “khuôn nặt” xấu cũng cần phải nhìn nhận để tìm cách sàng lọc. Người ta không thể và cũng không nên đi ngược lại với hướng phát triển của công nghệ thông tin nhưng nếu một khi đã xác định những khía cạnh tiêu cực của “không gian ảo”, trách nhiệm của tất cả mọi người sử dụng là phải ý thức được những cái xấu đó để tránh và cũng để giúp thế hệ trẻ đừng đi lạc vào những "con đường mòn" xấu đó.

***

Chú thích:

[1] Mark Elliot Zuckerberg (sinh ngày 14/5/1984) là một lập trình viên máy tính và là một chủ doanh nghiệp người Mỹ. Lúc đang là một sinh viên của Đại học Harvard, anh đã thành lập website mạng xã hội Facebook với sự trợ giúp của các bạn học tại Harvard, Andrew McCollum, cũng như của những người bạn ở chung phòng ở ký túc xá Dustin Moskovitz và Chris Hughes.

Hiện nay anh đang là tổng giám đốc điều hành của FB. Năm 2008, Zuckerberg xếp thứ 785 trong bảng xếp hạng doanh nhân giàu có của tạp chí Forbes, với số tài sản của anh lên đến 1,5 tỷ USD. Năm 2011 tài sản cá nhân của Mark Zuckerberg ước tính khoảng 17,5 tỷ USD, xếp thứ 14 trong bảng xếp hạng 400 người giàu nhất Hoa Kỳ của tạp chí Forbes.

Zuckerberg sinh ra trong một gia đình Mỹ gốc Do Thái và lớn lên tại Dobbs Ferry, quận Westchester, New York. Anh đã bắt đầu lập trình máy tính từ lúc học lớp 6. Zuckerberg học tại trường Trung học Ardsley và tốt nghiệp Phillips Exeter Academy năm 2002.

Năm 2008, Zuckerberg được tạp chí Forbes xếp hạng người giàu ở thứ 321 tại Hoa Kỳ, với một giá trị của các mạng khoảng $16.6 tỷ. Anh là người trẻ nhất xuất hiện trên Forbes 40. Năm 2010, Zuckerberg được tạp chí Time bình chọn là “Nhân vật của Năm”.

[2] The Harvard Crimson: tờ báo hàng ngày của sinh viên của Đại học Harvard, thành lập từ năm 1873. Đây là tờ báo hoàn toàn do sinh viên điều hành, nhiều cựu sinh viên Crimson đã đi vào nghề báo sau khi ra trường và một số đã giành được giải thưởng Pulitzer. Tổng thống John F. Kennedy khi học tại Harvard cũng đã từng làm biên tập viên của tờ The Harvard Crimson.



--------------------
***Bình yên một thoáng***
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
2 User(s) are reading this topic (2 Guests and 0 Anonymous Users)
0 Members:

 



Lo-Fi Version Time is now: 28th March 2024 - 06:00 PM