Welcome Guest ( Log In | Register )

 
Reply to this topicStart new topic
> Đối diện cùng con cái tuổi tiền dậy thì, Đinh Yên Thảo
Tulip
post Nov 8 2016, 03:10 PM
Post #1


Hoa cô đơn
***

Group: Năng Động
Posts: 5,417
Joined: 28-October 08
Member No.: 516
Country




Đối diện cùng con cái tuổi tiền dậy thì


Từ những đứa bé ngoan ngoãn, vâng lời của mới đôi năm trước, một ngày nào đó những người cha, người mẹ bỗng nhận thấy con cái của mình có những thay đổi từ cơ thể, giọng nói cho đến suy nghĩ và thái độ. Xin chúc mừng! Con cái của bạn đang bước vào giai đoạn tiền dậy thì, trở thành những đứa trẻ bắt đầu ý thức về không gian riêng và đang hình thành sự nhận thức về con người và thế giới chung quanh một cách độc lập. Các em sẽ có thái độ “quay lưng” với cha mẹ, bắt đầu chịu ảnh hưởng từ bạn bè và môi trường nhiều hơn. Đón nhận sự thay đổi và chuyển tiếp của các em một cách bình tâm, kiên nhẫn trong sự có chuẩn bị suốt khoảng thời gian này sẽ giúp cho bạn phần nào giảm bớt những nỗi nhức đầu khi phải đối diện với sự “nổi loạn” tuổi dậy thì trong vài năm sau.

Sự phát triển tâm sinh lý giữa mỗi trẻ em có thay đổi khác nhau, nhưng thông thường các nhà tâm lý giáo dục xem tuổi tiền dậy thì (tween hay pre-teen) là độ tuổi từ 9 đến 12, là độ tuổi đã đi qua tuổi thơ và chuẩn bị bước vào tuổi dậy thì (teen). Ðây là độ tuổi mà không ít các phụ huynh thường ít chú ý vì các em chưa đến tuổi quá bướng bỉnh, khó bảo hay thay đổi nhiều như độ tuổi dậy thì. Nhưng để làm nhẹ bớt những nỗi nhức đầu khi đối diện với con cái trong độ tuổi teen thì việc quan tâm, theo dõi và hướng dẫn các em tuổi trong giai đoạn chuyển tiếp này cũng không kém phần quan trọng.

Ðặc tính một trẻ tuổi tiền dậy thì bao gồm một số điểm sau:

– Bắt đầu hình thành khả năng nhận thức độc lập của mình và về người khác.

– Bắt đầu bị ảnh hưởng từ bạn bè trong suy nghĩ, trang phục, sở thích, vật dụng ưa thích…

Bị ảnh hưởng bởi bạn bè


– Thường hỏi lại các ý kiến, giá trị của cha mẹ đưa ra và so sánh các điều đó với các nhóm bạn bè của mình.

– Ðã bắt đầu biết chống chế trước các lời khiển trách và mức độ tăng dần theo độ tuổi.

– Là độ tuổi có suy nghĩ rạch ròi, trắng đen rõ ràng, chưa nghĩ hay phân biệt những điều lập lờ.

– Bắt đầu đã có và giữ lại các “bí mật” của riêng mình, đã qua độ tuổi thấy gì kể nấy.

– Các em có thể vừa mới nói, hành xử như một thiếu niên hay người lớn, thì ngay tức thời sau đó, có thể lại trở về với tính cách con nít của mình dễ dàng.

– Hiếu động, dễ bị kích động và hay có thái độ bạo lực hơn so với vài năm trước và sau giai đoạn này.

– Có thể bắt đầu bắt nạt, chọc ghẹo người khác hay là nạn nhân của sự chọc ghẹo, bắt nạt tại học đường.


Tâm lý tuổi tiền dậy thì – nguồn psychologytoday.com

– Tính khí thất thường , rất nhạy cảm và dễ sợ hãi một số điều, các em cũng nhanh cười mau khóc, dễ vui dễ giận, dễ bỏ qua những việc vui buồn vừa mới xảy ra tức thời cho mình.

– Có cảm giác độc lập nhưng thái độ dễ hợp tác, dễ nghe lời hơn tuổi teen.

– Lười biếng, ít nói, ngủ và tự chơi một mình nhiều.

– Ngoại trừ game, máy điện toán, các thứ giải trí… còn lại các em chẳng bày tỏ sự hứng thú gì ở hầu hết mọi chuyện.

– Hết còn hào hứng với các phim hoạt hình trên truyền hình như vài năm trước, các em bắt đầu nghe nhạc, xem phim hay vài sô truyền hình nào đó và bị ảnh hưởng bởi các quảng cáo, các trang mạng xã hội, xu hướng internet …

– Có sự thay đổi lớn tùy theo mỗi em trong tuổi này, có em trổ mã, cao to nhưng vẫn trẻ con và ngược lại, có em đã nhận thức, quan tâm và tò mò về thế giới chung quanh nhiều hơn.

– Ðây là độ tuổi mà các em gái sẽ phát triển sớm và nhanh hơn những em trai cả về thể chất và tâm lý, sự chênh lệch thông thường tương đương đến cả hai tuổi.

Thái độ và hành xử của cha mẹ với con cái tuổi tween:


Một số phụ huynh thường ít để ý độ tuổi này như nói trên vì hoặc con cái đã đi qua tuổi này, hoặc con cái chưa đến độ tuổi này, hay là họ đối diện với tuổi này bằng câu trả lời “không” một cách dễ dàng hơn con cái tuổi teen, độ tuổi thường bày tỏ thái độ “trứng đòi khôn hơn vịt”, xem cha mẹ không biết nhiều bằng mình. Tuy nhiên đây là độ tuổi định hình và dự báo cho tính cách và suy nghĩ cho tuổi mới lớn và trưởng thành về sau. Sự chuẩn bị, cách đối xử, và mối quan hệ giữa cha mẹ với các em ngay giai đoạn này có thể giúp các em phát triển tính cách theo chiều hướng tích cực, tạo ra nền tảng về mối quan hệ cha mẹ-con cái gắn bó, thông hiểu hơn. Một số điều không đầy đủ mà chúng ta có thể lưu tâm như sau:

– Hướng dẫn và chuẩn bị cho các em kiến thức của những thay đổi về cơ thể, gìn giữ vệ sinh theo các thay đổi sinh lý tự nhiên đó.


Hướng dẫn và chuẩn bị cho các em kiến thức

– Dù nhiều khi vẫn còn thái độ rất “con nít” nhưng không nên đối xử theo cách các em vẫn còn là những đứa bé năm, bảy tuổi của vài năm trước.

– Bắt đầu cho phép và lắng nghe ý kiến của con cái, để có thể bất ngờ khám phá là các em có thể có ý kiến đúng, khác lạ và chín chắn hơn những lúc hành xử như trẻ con.

– Hết sức kiên nhẫn với tính khí thất thường và mau thay đổi của các em khi ở độ tuổi này.

– Ðây là độ tuổi các em có thái độ và hành động dễ bị la mắng, cha mẹ cần kiềm chế và hạn chế sự la mắng này để không trở thành một thói quen “la và bị la” không hay từ hai bên.

– Ðừng phản ứng một cách thái quá khi các em phạm lỗi, nên khuyến khích, khen ngợi những điều các em làm tốt nhiều hơn.

– Hướng dẫn các em kiểm soát trạng thái xúc cảm của mình một cách tích cực và phải cách. Một đứa em tuổi tween đánh anh hay chị thì việc trừng phạt bằng cách phát mông, đánh đòn để dạy cho các em tránh lặp lại thái độ bạo lực, hung dữ, mất kiềm chế với người khác không phải là cách tốt nhất.

– Chỉ cho các em biết trách nhiệm và hậu quả của việc mình làm, thông qua các phương pháp kỷ luật như không cho các em chơi đồ chơi ưa thích, iPad, máy điện toán hoặc vui chơi cùng bạn bè trong thời hạn nhất định nào đó.


Không cho chơi đồ chơi ưa thích trong thời hạn nhất định nào đó

– Bắt đầu giao cho các em một trách nhiệm nhỏ nào đó, ví dụ lấy thư, lượm báo, các công việc lặt vặt trong nhà để các em quen dần với trách nhiệm cao hơn khi bước vào tuổi lớn hơn.

– Chậm chạp trong quyết định và sắp xếp, cha mẹ cần kiên nhẫn và thêm thời gian dự phòng khi các em cần thay áo quần, rời nhà, hay làm điều gì đó theo yêu cầu cha mẹ.

– Ðừng quá căn vặn trực tiếp các em mọi chuyện, hoặc sẽ buộc các em nói dối hoặc sẽ làm các em hình thành thái độ thủ thế, né tránh cha mẹ khi bước vào tuổi teen. Ðóng vai trò người nghe thay vì căn vặn, cha mẹ có thể nghe các em giãi bày nhiều điều hơn.

– Tránh dùng các câu hỏi có thể trả lời gật hay lắc đầu mà nên có các câu hỏi mở và gián tiếp để kéo dài cuộc trò chuyện.

– Cùng nghe nhạc hay xem phim, xem sô truyền hình, chương trình thể thao mà các em thích nghe hay xem để cùng cười, bàn luận là cách dễ tạo sự gần gũi nhất, nhằm hướng dẫn, phân tích sự hay-dỡ, tốt-xấu với các em về các xu hướng truyền thông và giải trí đại chúng.

– Ưu tiên dành thêm những khoảng thời gian riêng với con cái ngoài việc thấy mặt, ăn uống trong sinh hoạt hàng ngày ở nhà như cùng đi xem phim, tham gia các hoạt động thể thao, dã ngoại, cắm trại. Ðây là những lúc các em thấy được yêu thương, được gần gũi và dễ thố lộ suy nghĩ.

– Chú ý và hạn chế những lời nói, hành động và thái độ mang tính tiêu cực của mình với người khác, vì các em sẽ quan sát và bắt chước theo đó.

– Dù “dân chủ” và muốn gần gũi con cái như thế nào, cha mẹ vẫn có thái độ rõ ràng rằng, chúng ta là cha mẹ, là người ra quyết định vì các em đang trong giai đoạn cần sự hướng dẫn, giúp đỡ rất nhiều.

– Dù việc cha mẹ ly dị có thể ảnh hưởng đến con cái trong bất cứ độ tuổi nào nhưng theo các chuyên gia tâm lý, đây là độ tuổi sẽ bị ảnh hưởng khá nặng nếu cha mẹ ly dị trong thời gian này vì mức độ mẫn cảm và sự thay đổi, hình thành tính cách rất lớn của các em.

Dù có thay đổi cách này hay cách khác một cách rõ nét hay chưa định hình, đây là một giai đoạn phát triển của con cái trong bốn hay năm năm mà hầu hết các cha mẹ sẽ cảm thấy ít lo lắng, buồn phiền hay phản ứng thiếu kiềm chế. Mọi việc thường diễn ra suôn sẻ và thông thường trong hầu hết các gia đình, bởi vì các em chưa đến độ tuổi mà cha mẹ sẽ không chỉ mất kiên nhẫn về thái độ của các em mà còn lo lắng thêm các vấn đề liên quan như xe cộ, bia rượu, tình dục, chuẩn bị vào đại học… trong những năm kế tiếp. Càng lưu tâm và dành nhiều thời gian với các em ở độ tuổi này bao nhiêu, thì cơ hội đối diện với những khó khăn mà nhiều phụ huynh thường gặp phải với con cái tuổi mới lớn sẽ càng nhẹ nhàng hơn bấy nhiêu. Và trước khi quá muộn.

ÐYT


--------------------

*******
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
1 User(s) are reading this topic (1 Guests and 0 Anonymous Users)
0 Members:

 



Lo-Fi Version Time is now: 23rd June 2024 - 08:37 PM