Welcome Guest ( Log In | Register )

> Bảo vệ tài sản – bí quyết bảo hiểm, Tìm hiểu luật pháp
AnAn
post Sep 3 2018, 11:13 AM
Post #1


Bảo vệ Tổ Quốc
***

Group: Năng Động
Posts: 6,737
Joined: 12-November 08
Member No.: 702
Country




Bảo vệ tài sản – bí quyết bảo hiểm


Tại Hoa Kỳ bảo hiểm cũng là một phương cách tốt được sử dụng trong mục đích bảo vệ tài sản, nhưng nếu không nắm vững được bí quyết bảo hiểm thì cũng không đạt được kết quả như ý muốn và có khi còn không bảo vệ được gì hết.

Trên nguyên tắc bảo hiểm có ba khả năng bảo vệ tài sản:
- trước nhất là bồi thường liên đới khi bị kiện,
- tiếp đến bảo hiểm đền thay thế cho chính tài sản khi bị tai họa như cháy nhà, lụt lội,
- và sau hết bảo hiểm nhân thọ là phương pháp tạo ra một tài sản bảo vệ cho người thân khi mình qua đời.

Sử dụng bảo hiểm là một yếu tố quan trọng trong mọi kế hoạch bảo vệ tài sản, tuy nhiên cần cân nhắc mua bảo hiểm cho kỹ lưỡng tránh những che chở không cần thiết mà chú trọng đến những hiểm họa lớn lao có thể xảy ra trong đời. Điều cần nhớ tuy bảo hiểm rất quan trọng nhưng không bao giờ tùy thuộc hoàn toàn vào bảo hiểm để coi đó là phương sách bảo vệ độc nhất mà còn phải phối hợp với nhiều phương pháp khác.

Sau đây là chi tiết về các loại bảo hiểm.

- Nhà là tài sản chính cần phải bảo vệ thích đáng trước hết phải mua "bảo hiểm chủ nhà" (homeowner insurance) bao gồm vài loại khác nhau thí dụ "nhà ở" (dwelling) che chở kiến trúc chính của ngôi nhà đó, riêng nhà xe hay kiến trúc phụ được gọi là "kiến trúc khác" (other structures), còn "tài sản cá nhân" (personal property) chỉ đền cho vật dụng trong nhà.
Có loại bảo hiểm bao "mọi thiệt hại" (all loss) nhưng cũng có bảo hiểm chỉ đền cho một loại tai họa chỉ định, dĩ nhiên tùy thuộc vào chủ nhà mua nhiều hay mua ít. Do đó nên cẩn thận để nhận định hiểm họa nào lớn nhất và đừng vì tiếc tiền không đúng chỗ mà để sơ hở rồi sau ân hận lỡ tai họa xảy ra; thí dụ ở California không mua bảo hiểm phòng bị động đất hay ở Florida không mua bảo hiểm phòng chống bão tố. Cũng nên nhấn mạnh mua bảo hiểm phải đọc kỹ "khế ước" (policy) để nắm vững những gì được bao che và tới giới hạn bao nhiêu, có ngoại lệ gì không vì những khoản này thường được in với những hàng chữ rất nhỏ cho nên ít người để ý.

- Ngay chính những người không phải chủ nhà cũng vẫn nên mua "bảo hiểm người thuê" (renter insurance) vì đương nhiên chủ nhà không có trách nhiệm gì về tài sản riêng của người thuê khi gặp tai họa như cháy nhà mà người thuê nhà phải tự gánh lấy. Nếu có những tài sản riêng đắt giá thí dụ như nữ trang trân quí, họa phẩm hiếm hay các phẩm vật quí giá khác thì nên mua "bảo hiểm tài sản liệt kê" (listed property).

- Về xe cộ luật tiểu bang bắt buộc phải có "bảo hiểm xe hơi"(automobile insurance) cũng như các loại xe khác tương tự, và cũng có từng giá tiền bảo vệ "liên đới"(liability) để bồi thường thiệt hại gây ra cho người khác và bảo vệ "đụng xe"(collision) đền sửa chữa hay thay thế xe của mình nếu bị bẹp nát, "bất khiển dụng"(total loss), chưa kể đến rất nhiều loại bao che khác nhau tùy theo đó mà hãng bảo hiểm tính tiền.
Ngoài ra còn một loại bảo hiểm liên đới gọi là "dù che"(umbrella) để bao thiệt hại lớn vượt trên mức bảo hiểm thường lệ, thí dụ một giao kèo có giới hạn bồi thường là $500,000 mà gia sản của người chủ lên đến $1.5 triệu, nếu thua kiện bị đền $1 triệu thì bảo hiểm chỉ trả trước $500,000, phần còn lại người chủ phải chịu; ngược lại nếu có "dù che", đương nhiên hãng bảo hiểm phải gánh hết.

- Tại nhiều tiểu bang, bảo hiểm nhân thọ có đặc điểm bảo vệ được tài sản mà giới tài trợ (chủ nợ) không đụng đến được cho dù "trị giá hiện kim"(cash value) có thể rút ra được. Tuy nhiên cần nhất là phải tìm hiểu xem tiểu bang mình ở có áp dụng luật này không và giới hạn là bao nhiêu để tránh sơ hở vì có nhiều tiểu bang cho "miễn trừ" rất ít. Trong nhiều trường hợp bảo hiểm nhân thọ được ủy nhiệm dưới sự quản trị của một "tín mục" (trust) hay của một "thành viên khác trong gia đình" nên hoàn toàn thoát khỏi tầm tay với của chủ nợ và cũng không bị ảnh hưởng bởi luật tiểu bang, tuy nhiên tầm mức và loại bảo vệ giữa bảo hiểm và tín mục có nhiều khác biệt.

- Cái chết là nguy cơ lớn nhất trong gia đình đặc biệt những ai có nhiều thân nhân đang nương dựa tài chánh. Ngoài việc chuyển những tài sản đáng kể cho người thân thì cũng nên cẩn thận thêm bảo hiểm nhân thọ vào để giúp cho những người này đỡ bị phiền toái trước những thủ tục bảo vệ tài sản phức tạp. Muốn dùng bảo hiểm nhân thọ làm tài sản được bảo vệ thì phải mua loại "bảo hiểm trọn đời"(whole life insurance) thay vì mua "bảo hiểm thời kỳ"(life term insurance) không có trị giá hiện kim.

Chủ quyền một khế ước bảo hiểm nhân thọ ngoài chủ nhân ra cũng có thể ủy nhiệm cho người khác nếu tin cậy được. Nếu được luật tiểu bang bảo vệ tới một giới hạn nào thì người chủ chắc chắn được số tiền đó an toàn, nhưng một khi biết người chủ rút ra được thì chủ nợ cũng chẳng để yên một cách dễ dàng! Do đó ủy nhiệm cho vợ hoặc chồng dĩ nhiên chẳng ai làm gì được và người hôn phối có thể rút tiền ra khi cần. Tuy nhiên đây cũng không phải là giải pháp hoàn hảo thí dụ như sau đó hai vợ chồng ly dị hoặc chính người hôn phối bị kiện vì gây tai nạn thì về phía người này hẳn phải bồi thường thương tích. Còn nếu ủy nhiệm cho đệ tam nhân khác như con cái hay thừa kế, tổ hợp gia đình, hoặc tín mục, phương sách nào cũng có lợi điểm cũng như khuyết điểm nên quyết định giao phó cho ai hoàn toàn tùy thuộc vào lòng tin tường và tín nhiệm của người chủ đối với những nhân vật này.

- Bảo hiểm sức khỏe (health insurance) tối cần thiết để bảo vệ tài sản khỏi bị tiêu hao vì những chi phí y tế khi lâm trọng bệnh. Lúc còn khỏe mạnh nên tính trước để bao che cho mình và người thân vì một khi phải nằm bệnh viện hay trong các nhà nuôi dưỡng dài hạn thì tốn phí sẽ lên mức khổng lồ không kể sao cho xiết được dù núi của nào cũng sập, hơn nữa trễ quá chẳng hãng nào bán bảo hiểm cho người bệnh hay có tiểu sử mắc bệnh tử vong.

Chi phí chạy chữa trọng bệnh có thể lên tới mức vô hạn định nên việc mua bảo hiểm sức khỏe là điều tối cần không thể không có. Thường lệ những người đi làm đều có thể mua tại hãng xưởng nơi làm việc bảo hiểm bao che cả gia đình, thông dụng một trong hai loại là gia nhập HMO (chữ tắt của Health Maintenance Organizations) mỗi khi đau ốm được chỉ định đến y sĩ và bệnh viện của tổ chức này nên tiền đóng mỗi kỳ lương rẻ hơn; còn loại khác là PPO (chữ tắt của Preferred Provider Organizations) thì có quyền chọn bất cứ bác sĩ hay bệnh viện nào trong mạng lưới của tổ chức PPO hoặc các bác sĩ tư khác nhưng phải đóng bảo phí và tiền đầu (deductible) cao hơn.

Những người già trên 65 tuổi có thể xin chính phủ liên bang cho hưởng Medicare gồm có hai phần, Part A cho bệnh viện và Part B để đi bác sĩ. Phần đầu Part A được miễn phí (nếu đi làm đủ 10 năm và có đủ 40 quarters [1 quarter=$1,320 in 2018-Nguồn:https://www.ssa.gov/oact/cola/QC.html]), nhưng phần sau là Part B phải trả tiền bảo phí hàng tháng. Tuy nhiên Medicare chỉ bao hạn chế, có nhiều mục phải tự túc do đó cần mua thêm bảo hiểm phụ Medicare Supplement để bao các mục mà Medicare không trả.

Những người già cả, tật nguyền hay bất túc cần có "bảo hiểm chăm sóc dài hạn" (long-term care insurance) để giúp nhu cầu nuôi dưỡng cần thiết hàng ngày như tắm rửa, cho ăn uống hoặc giúp cử động đi lại hoặc săn sóc tại gia hay tại các dưỡng đường (nursing home). Những tốn kém này không được bảo hiểm sức khỏe bao che cho nên phải tính trước để sau này tài sản không bị tiêu hao vì những chi phí đắt đỏ này.

- Hoạch định "bảo hiểm tàn phế" (disability insurance) cũng quan trọng không kém trong chương trình bảo vệ tài sản vì một khi tai họa đến thì chẳng bao giờ đến một lần. Đừng bao giờ trông mong vào tiền trợ cấp An Sinh Xã Hội (Social Security Income) vì điều kiện gắt gao rất khó xin, hơn nữa số tiền trợ cấp rất ít chẳng đáng là bao. Cũng tương tự như bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tàn phế thông thường có thể mua ở nơi làm việc hoặc mua ở các hãng bảo hiểm thương mại có quảng cáo trên thị trường.

Cũng như thường lệ người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ có mục đích sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.

Tìm hiểu luật pháp


--------------------
***Bình yên một thoáng***
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Posts in this topic


Reply to this topicStart new topic
1 User(s) are reading this topic (1 Guests and 0 Anonymous Users)
0 Members:

 



Lo-Fi Version Time is now: 19th November 2024 - 12:50 PM