Welcome Guest ( Log In | Register )

> Chuyện kể năm 2000, Bùi Ngọc Tấn
PhuDung
post Dec 20 2014, 01:44 PM
Post #1


Bảo vệ tổ quốc
***

Group: Năng Động
Posts: 2,169
Joined: 17-December 08
Member No.: 1,269
Country







Chuyện kể năm 2000


Chương 1

Có những điều hắn tưởng không bao giờ quên. Thế rồi hắn quên. Dù lúc xảy ra sự việc, hắn tự bảo: Mình sẽ nhớ suốt đời. Làm sao quên được những điều đáng nhớ như thế. Đó là những niềm vui hiếm hoi. Là những sự đau khổ đến tê dại. Không. Không thể nào quên được. Thế mà hắn quên. Thỉnh thoảng hắn muốn ôn lại quá khứ. Hắn không sao nhớ được. Kinh nhất là những đau khổ tột cùng mà cũng quên luôn. Tất cả không hằn được một đường vào nếp nhăn đại não. Có lẽ những nếp nhăn ấy đã bị lấp đầy rồi. Nên nó nhoè. Nó mang máng. Não hắn cứ bi những nhát búa dội vào đều đặn, liên tục. Nó lỳ.
Thế mà hắn vốn là người có trí nhớ tốt. Hắn buồn rầu hiểu rằng đầu óc hắn hỏng mất rồi. Nghĩa là chính hắn hỏng mất rồi.
Có người viết rằng con người ta có thể quên cả ngày sinh tháng đẻ của mình, quên cả cái hôn đầu tiên. Ngày sinh tháng đẻ hắn, hắn không quên. Hắn sinh ngày 3-7- 1934. Đó là ngày ta hay tây, hắn không biết. Mẹ hắn bảo hình như là ngày ta. Nếu vậy hắn sinh vào khoảng tháng 8 dương. Còn năm ta là năm Tuất. Năm con chó.
Cái hôn đầu tiên hắn cũng quên. Làm sao nhớ được. Nghĩ về năm tháng tuổi trẻ và đi ngược lên nữa về tuổi ấu thơ, hắn chỉ thấy một dòng thời gian tươi đẹp đến thắt lòng.
Tóm lại hắn quên nhiều thứ. Nhưng hắn không bao giờ quên cái ngày hắn được ra tù. Đó là một buổi sáng xuân. Chính xác hơn là ngày 3 tháng 4 dương lịch.
Năm đó cũng mưa dầm ghê gớm. Mưa bụi, thứ mưa mịn màng trắng rừng, trắng núi, mịt mở nổi trôi, bồng bềnh tiền sử. Chỉ có những hạt bụi rất nhỏ bay lượn, nhưng tất cả sũng nước. Đụng đến cái gì cũng ẩm kinh người. Đôi giày vải đi rừng của hắn chỉ ba ngày không nhìn đến đã mọc nấm. Thứ mưa trắng những đồi trẩu trên đường bọn hắn đi từ trại đến chỗ làm và ngược lại. Những cây trẩu lá non mềm nhiễm xạ mùa xuân, chỉ một đêm là đồng loạt trổ bạt ngàn những chùm nụ nhỏ hồng hồng.
Nhìn trời, nhìn đất, nhìn cây, hắn hiểu rằng sắp đến mùa chim tu hú kêu đây. Sắp đến mùa hoa gạo nở đỏ rực đây. Hắn nhớ đến một khoảng trời xuân nào đó trong quá khứ. Những luống đỗ mềm trên đất tơi và ẩm. Những vạt cỏ chăng đầy mạng nhện, trĩu những hạt nước. Cành xoan ngoài cửa sổ. Dây tã trắng vợ hắn phơi trong nắng mới. Đó là cuộc sống ở thế giới bên kia. Hắn đi làm cùng anh em tù, mệt mỏi, buồn bã và không nghĩ tới ngày về. Họ là những tù không án. Họ đi tập trung cải tạo. Người một lệnh, người hai lệnh, người ba lệnh. Nhiều người tới sáu, bảy lệnh. Mỗi lệnh ba năm. Theo pháp luật họ chưa tới mức phải xử, chưa tới mức phải truy tố, ra toà. Họ chỉ bị tập trung cải tạo, nghĩa là nhẹ hơn án tù nhiều lắm. Nhưng chưa ai tù một lệnh (ba năm) mà được trở về. Chưa hết bọp này đã được gí thêm bọp khác . Cái án cao-su. Cái án tù mù. Cha mẹ ơi, đừng đợi. Em ơi, dù mùa xuân về, dù mùa xuân đi, em ơi đừng đợi Anh còn chờ dê đực đẻ con như ông Tô Vũ ngày xưa. Một anh tù đã làm bài hát về mình như vậy.
Ngày về của anh tù tập trung cải tạo nào ai biết được. Năm năm sống trong tù, hắn thấy nhiều người thuộc diện được tha, nhưng chỉ vài người tập trung cải tạo và đó là những sự kiện xôn xao cả trại. Còn toàn là tù nặng, tù có án. Năm năm tù hắn không dám kêu lâu, vì ở đây toàn những người kỳ cựu, những xê-ri AM, BM...
Một lính đánh nghẽo bị kết án tù sáu tháng vào trại, được một người tù già bĩu môi:
- Không bằng thời gian tao đi đái, đi ỉa trong tù.
Thời gian của bọn tù tập trung cải tạo được tính bằng lệnh. Họ hỏi nhau:
- Mấy lệnh rồi?
Hắn đã lê chân hết nhà tù này đến nhà tù khác. Hắn mụ mi đi. Nhưng sao mùa xuân vẫn hấp dẫn người ta thế. Hắn lẩm nhẩm một đoạn thơ cứ luẩn quẩn trong óc hắn mấy hôm nay, khi những cây trẩu đồng loạt trổ bông.
Tôi đã quên tên tôi dưới mặt trời
Quên tuổi tôi
Cắm sâu lưỡi dao năm tháng
Thời gian băng hà sọ não tôi
Cuộc đời trước hoang đường tiền sử
Từ thế giới này đã mất thói quen dùng lửa
Tôi hoá đá dần nỗi nhớ về thế giới bên kia...
Trong gần hai ngàn ngày tù dài dằng dặc thành một khúc đông cứng giữa cái sền sệt, đặc quánh của năm tháng cuộc đời hắn, ngoài ngày được tha, hắn côn nhớ rõ cả ngày trước đó, cái ngày cuối cùng hắn ở trong tù.
Chiều hôm trước khi được tha, hắn còn bị lôi thôi. Hắn bị trực trại khám nội vụ
Nội vụ của hắn khá tươm. Nghĩa là đủ mọi thứ. Nó chứng tỏ công lao, sự chăm sóc của vợ hắn. Rất nhiều người khác - đạc biệt là đám tù trẻ - không có được một tài sản như hàn. Một cái hòm gỗ thông sơn xám, nẹp sắt, nguyên là hòm đựng đạn mà một bạn đọc cho vợ hắn để vợ hắn gửi vào cho hắn. Hòm có khoá, một cái khoá Trung Quốc. Khi được gọi ra gặp mặt vợ, trông thấy cái hòm để cạnh chỗ vợ ngồi, mắt hắn sáng lên. Hắn chỉ sợ người ta không cho nhận cái hòm ấy. Cái hòm, đó là một thứ tổng kho, là sự giàu có, đầy đủ tiện nghi trong tù, lại là sự quan tâm của gia đình. Điều đó nâng cao vị trí của hắn ở trong tù, vị trí của hắn trước các bạn tù. Không gì đau khổ và bị xem thường bằng những người quanh năm không được gia đình lên gặp mặt như Nguyên Văn Dự, như Lê Bá Di chẳng hạn. Cái cảm giác bị bỏ rơi và không có một chút gì đáng giá trước mặt người khác thật là cụ thể. Anh chỉ là thứ tù hạng bét. Vả lại những người tù kỳ cựu, cơ chỉ đều có hòm. Điều đó còn nói rằng anh ta đã xác định được, đã chuẩn bị đầy đủ để sống lâu dài trong tù, khi anh ta không có án mà chỉ có lệnh tập trung cải tạo.
Tất cả những gì giá trị, hắn đều cho vào hòm. Mà những cái đáng giá nhất trong tù là thức ăn: muối vừng, ruốc thịt, đường, kẹo bánh, chè, thuốc lá. Chuột hết nhằm. Bọn đểu hết ăn cắp. Hắn đã bị mất hai gói kẹo mà hắn chắt chiu, chỉ khi nào mệt lắm, đói lắm mới dám ngậm, mút một chiếc. Đi làm về hắn thấy cái túi lòi ra phía cửa sổ, cái chiếu xộc xệch, hắn giật mình, lao vội đến, thò tay vào trong túi. Hai gói kẹo không còn nữa. Hắn chết lặng, lường hết được tổn thất. Một nhà buôn mất sạch gia tài cũng không đau khổ bằng hắn.
Khi vợ hắn lên tiếp tế, cái hòm ấy đầy ắp những xôi, bánh mì và thức ăn mặn. Nhưng đã bốn, năm tháng nay vợ hắn không lên. Chỉ còn lại một ít đường. Bù lại hắn có một túi ni-lông to cơm khô. Vừa cơm vừa cháy. Cơm độn ngô vàng vàng, trắng trắng.
Hắn dành dụm được bằng nhiều cách. Nhét được cái gì vào bụng trong lúc đi làm, đến bữa hắn lại bớt một ít ra phơi. Có nắm cơm khô, yên tâm. Cái lệ là: Chủ nhật không đi làm, bị cắt bữa sáng. Nhịn thông từ chiều hôm trước đến trưa hôm sau, dạ dày nhớ bữa. Đói. Bình thường đã đói, lại cắt bữa. Hoa cả mắt. Sáng chủ nhật, hắn bốc một nắm cơm khô cho vào cái ca, bung lên. Thế là có thể cầm cự được đến bữa trưa. Nếu chiều thứ bảy tạt được nắm rau cải hay củ su hào, lại có thêm quả ớt xanh nữa thì cứ gọi là đại tiệc. Cay cay, mặn mặn, mát mát, bùi bùi, nóng bỏng môi, xụp xoạp vã mồ hôi. Phở Hói, phở Tư Lùn Hà Nội cũng chẳng thú bằng.
Cái ca của hắn bằng nhôm đúc, nửa lít, lợi hại lắm. Cái ca theo hắn vào xà lim ngay từ ngày đầu tiên. Hắn kiếm được một cái đinh gỉ cùn trong khi đi đổ bô, đem về xà lim mài nhọn, sáng loáng và khắc vào đít ca, chung quanh ca bao nhiêu chữ số. Đại loại như: 8-12-1968 (ý hắn muốn kỷ niệm tròn một tháng bị bắt), 3-7 (ý nói ngày sinh của hắn và ngày hắn cùng vợ hắn yêu nhau lần đầu tiên), 8-3-69 (ý hắn nói đã hết lệnh tạm giam bốn tháng đầu tiên, hắn hy vọng sẽ được tha)v. . v. . Cái ca dày có thể làm cối giã. Hắn đã giã cành rau sắng nấu canh (lá là thịt, cành là xương, ngọt nước lắm), giã lạc giống ăn cắp được trong khi gieo ở Đồng Mít, cho nước, muối vào, đun lên xăm xắp làm thức ăn mặn, kéo dài cuộc sống được một tuần.
Lỷ Xìn Cắm, dân lò bát Móng Cái, người Hoa mãi võ đã từng thí võ ở Hà Nội, tù trước hắn hai lệnh, suốt mùa hè cởi trần, lưng cánh phản nâu cháy, thích cái ca lắm:
- Ca này của A Tuấn tốt lắm đấy.
Xìn Cắm ngắm nghía cái ca rồi hỏi:
- Không có năp à?
- Không.
Thế rồi một hôm hắn thấy Xìn Cắm chân khuỳnh khuỳnh chữ bát đi lại chỗ hắn, mặt mũi râu tóc bạc trắng như Hemingway cầm trong tay cái nắp ca bằng sắt tráng men mất núm. Xìn Cắm bảo hắn:
- A Tuấn đưa ca đây.
Xìn Cắm cầm ca, ấp cái nắp vào, vừa khít. Đưa trả lại hắn cái ca có nắp, Xìn Cắm nở nụ cười trẻ thơ, nụ cười Hemingway, rồi lại khuỳnh khuỳnh chữ bát về chỗ mình nằm. Thật là một người đôn hậu và tuyệt diệu.
Nhược điểm của cái nắp là sứt núm. Dễ thôi, cuộn giấy lại nút vào là xong. Cương, toán lâm sản, mượn cái ca đi rừng. Khi trả lại, ca đã dược quấn mấy vòng dây điện bọc nhựa, để cách nhiệt, cầm đỡ nóng. Thật là hoàn chỉnh. Cái ca có nắp càng thêm lợi hại. Gọn, xếp được ba khúc sắn nục nạc. Một ngón tay đỡ nắp, rồi dốc ngược, quay đít ca lên trên, vung vẩy đi thì trông hệt cái ca rỗng. Cứ thế mà qua mắt quản giáo, trực trại, mang sắn vào buồng giam.
Nội vụ của hắn còn có cái cặp lồng. Một cái cặp lồng ác chiến. Cặp lồng trong tù giống xe đạp của cán bộ công nhân viên thời đó. Vừa là phương tiện đi làm, kiếm sống, vừa là tài sản. Có cái cặp lồng đi làm tha hồ sột sệt . Đốt đống lửa lên, ninh lá sắn non, luộc mấy cái ngồng cải, nếu tốt số tạt được một con cải bắp nữa thì bành
Có cái cặp lồng, nhiều khi không tạt được gì cũng bành. Bạn tù kiếm được củ khoai, nắm rau sắng, túi hạt gắm, chục con nhái, cần sột sệt mà không có gì dể nấu, thì cặp lồng của mình đây, cứ lấy mà dùng. Tất nhiên người chủ cạp lồng sẽ là khách mời trong danh dự (miếng ăn thật quí, nhưng hắn vốn rất trọng danh dự).
Ngoài việc sột sệt cho mình và cho thuê dịch vụ như cách nói hiện nay, cái cặp lồng còn để đựng nước, một thứ luôn luôn thiếu. Và cuối cùng, khi bí lắm thì chác . Cả một tài sản đấy. Được nhiều thứ lắm. Chỉ những anh có máu mặt, anh em toán lâm sản, toán chăn nuôi, toán nhà bếp mới đủ lực chác cặp lồng.
Cái cặp lồng của hắn lại là ngăn dưới cái cặp lồng Liên Xô. Có nắp, có quai xách. To, cao thành, dày. Rang không sợ cháy. Nấu xong bị nhọ, lấy cát đánh bóng loáng, không sợ mòn thủng. Đúng là loại Pơgiô đờ luých! Đờ luých mante!
Hắn còn có cả một cái bi-đông nhựa. Tất nhiên bi-đông nhôm nhiều công dụng hơn. Cấu búp chè xanh, nhét đầy bi-đông nhôm, cho nước vào, cời than ở đống lửa ra, đặt bi-đông lên. Chóng sôi lắm. Quản giáo cứ tưởng mình đun nước trắng thôi. Chè búp nấu nước uống ngon hơn chè già nhiều. Nước xanh ngắt. Anh em Cầu Giát, Ba Làng cũng gọi là "nạc chạt". Chất lừ đấy. Ngon hơn bất kỳ thứ chè xanh nào.
Nhưng bi đông nhựa cũng có công dụng. Nhất là loại bi-đông nhựa trắng mờ, sần sần như của hắn. Kín kín hở hở rất hay. Hắn đã yểm lạc ở đấy, bồng về. Lần ấy toán gieo lạc. Mỗi người ra lồ xúc một bát men lạc giống rồi đi theo từng luống. Hắn mặc hai quần dài. Quần dài bên trong được chít hai ống vào cổ chân. Chít chặt. Tím cả chân. Thế rồi vừa gieo vừa thót bụng, đổ lạc vào bụng.
Lạc tuồn qua bụng, qua đùi, xuống cái quần bên trong đã bị chít, giống như cách dân mình lấy gạo trong kho của Nhật năm đói 1945 mà hắn đã viết trong một tập sách.
Lần ấy, anh nào cũng kiếm được một hai ki-lô lạc giống. Nhưng tất cả đều bị thu khi về đến cổng trại.
Ai cũng bị khám. Khám cẩn thận, tỉ mỉ. Nắn cả người. Có lẽ anh em đánh hăng quá. Hoặc có ai bẩm . Giắt vào người: mất. Buộc vào khoeo chân: mất. Cho vào ống điếu: mất. Nhiều lạc quá. Đến nỗi ông Quân phải bảo nhà bếp lấy thêm lồ ra đựng lạc.
Hắn yểm lạc trong bi-đông nhựa, khoác tòn ten bên vai. Nhìn kỹ thì thấy bóng hột lạc nâu nâu qua lần nhựa mờ đấy. Nhưng các ông ấy không thể ngờ hắn lại có thể yểm một cách hớ hênh như thế. Các ông ấy không chú ý tới cái bi-đông nhựa, mà lại lục cặp lồng. lục bị của hắn, rồi nắn người hắn.
Hắn thoát. Mang được vào trại một bi-đông lạc giống, hột nào hột ấy tròn căng.
Sau lần ấy anh em khợp lạc ngay tại chỗ làm. Không nghĩ đến chuyện bồng về nữa. Nhưng vỏ quýt dày có móng tay nhọn. Ông quản giáo cho ngâm lạc giống vào nước phân loãng. Đành chịu.
Nội vụ của hắn còn có bộ đồ trà. Nói cho đúng cái ca con pha trà là của già Đô. Hắn chỉ có hai cái chén mắt trâu.
Khác với anh em trong tù toàn đắp chăn sợi, rét thì hai người đắp chung hai chăn, hắn có cái chăn bông to sù. Có lẽ đó là cái chăn bông duy nhất ở trại trung ương. Vợ hắn sợ hắn rét. Cũng phải kể thêm cái áo bông của hắn. Hai ki-lô! Gấp lại to gần bằng cái chăn bông. Thứ áo bông Trung Quốc chính hiệu. Cổ lông. Lần ngoài ka-ki xanh. Bông chần ngay vào lượt vải lót Anh Văn, anh ruột hắn, đi học thủy điện ở Vũ Hán, Trung Quốc, cho hắn. Dạo còn làm báo hắn đã mặc. Hắn gọi là áo ngự hàn. Mặc vào gió mùa đông bắc chỉ có khóc. Những ngày đại hàn chi cực, đi cơ sở lấy tin xong, trở về cơ quan đứng giữa đám phóng viên tím tái vì rét, hắn kéo phía sau áo bông lên bảo Bình:
- Kiếm cái quạt quạt hộ vào lưng với. Nóng quá. Rôm đốt. Ngứa hết cả người.
Cái áo bông vào xà lim với hắn một ngày. Chả là hắn bị bắt vào đầu mùa rét. Khi hắn từ xà lim chuyển sang BD cái áo bông được cả B mến.
Cứ chín giờ tối, kẻng cấm, đi nằm, cái áo bông ấy biến thành của công. Mỗi ca hai tiếng, hai người thức gác, họ mượn cái áo bông của hắn. Ngồi thu lu giữa sàn xi-măng lạnh lẽo, cửa gióng sắt trống hốc, gió thốc vào, khoác cái áo bông của hắn ấm hẳn lên. Cứ thế ca trước chuyền cho ca sau.
Khi lên các trại trung ương, mặc cái áo to rộng ấy, yểm thứ gì vào người cũng dễ. Hắn còn nghĩ được cả cách yểm cải bắp vào áo bông. Chọn cái cải bắp chặt, xinh, to bằng đầu người, xắt đôi ra, đút mỗi nửa vừa khít một tay áo bông. Rồi khoác lên vai (khoác chứ đừng mặc), đi qua trạm gác ngon lành.
Chẳng ai đi tù lỉnh kỉnh như hắn.
Khi nhìn thấy ông trực trại đi vào, theo sau là Chắt, một người tù chuyên làm việc khoá cửa, mở cửa các buồng giam, mọi người dừng tất cả các công việc. Lúc ấy cả toán vừa đi làm về. Hắn cất cặp lồng nước, phơi xong bộ quần áo ướt và nằm ngửa trên giường mệt nhọc. Hắn nhìn lên mái nhà, mắt trống không. Cạnh hắn, già Đô với bộ râu rễ tre dài tới ngực, lốm đốm hoa râm, người nhỏ thó, đang ngồi xổm soạn những ca, những ống bương đựng nước, những gói, những quần áo ướt mới giặt.
Anh em trong buồng giam, người đang phơi quần áo, người quay vào vách, về phía đặt nội vụ, soạn những thứ tạt được hoặc kiếm được trong lúc đi làm, chí ít cũng là vài lít nước múc ở ngoài suối. Người nhanh hơn đã nằm duỗi dài trên sàn. Tiếng lục cục của những phản gỗ kênh, tiếng giũ quần áo ướt, tiếng một anh thử cái nõ điếu mới khoét chóp chóp và cả vài tiếng rì rầm.
Họ đến.
Tất cả im lặng. Những người đã nằm, ngồi nhỏm dậy. Hơn trăm con mắt nhìn người công an áo vàng và Chắt, người tù số một của trại, nghĩa là người tù “thơm" nhất trại.
Hai người đi về phía hắn. Già Đô giấu vội ca rau, làm đổ cả bi-đông nước. Hắn và già Đô cùng quê nên bao giờ cũng nằm cạnh nhau và bao giờ cũng nằm tầng trên, chỗ sát cửa sổ, gần cửa ra vào. Nằm ở những chỗ như vậy, thoáng sạch hơn, lại xa nhà mét Có chuyển buồng bao giờ hắn cũng nhanh chân nhảy lên chiếm chỗ trước cho mình và cho già Đô. Rất nhanh hắn đã kịp ấn con dao mảnh, rộng bằng ngón tay và chiều dài cũng như vậy, xuống cái khe giữa vách và sạp gỗ. Nó rơi xuống tầng sàn dưới không một tiếng động kim loại, bởi vì chỗ ấy cũng lủng củng những nội vụ của Voòng Kỷ Mình, một anh tù tập trung cải tạo, đã ở đến lệnh thứ tư.
Ông trực trại và Chắt nhảy phắt lên tầng trên.
- Vừa giấu cái gì đấy?
Ông ta quát to, nhưng giọng không nhiệt tình.
Hắn lễ phép:
Thưa ông, không.
Mặt hắn tỉnh bơ. Hăn nói dối thần tình. Vào tù hắn đã học được hai điều: ăn cắp và nói dối. Không ăn cắp vẫn sống được đấy. Nhưng khổ. Và buồn nữa.
Nếu không có cái lo lắng hồi hộp của việc ăn cắp và bồng của ăn cắp được về trại, thì buồn lắm, buồn không chịu nổi. Sung sướng biết bao khi mình vẫn lấy cắp và mang được về trại tất cả, vượt qua vòng kiểm soát nghiêm ngặt của các ông quản giáo. Ăn cắp với hắn còn có nghĩa phản kháng, tuy sự phản kháng đó hơi nguy hiểm. Nó dẫn tới kỷ luật, cùm xà lim, ăn cháo loãng.
Và nếu ăn cắp, nếu vi phạm nội qui, họ không bắt được quả tang thì chối. Chối phắt. Con dao, đó là sự vi phạm nội qui nặng đấy, dù chỉ lâ một mảnh sắt tây được mài sắc, dể cắt một cây rau cải nhổ trộm được, hay gọt vỏ một mẩu sắn chạy nhựa xanh lè vớ được trong rừng, chuột, sóc ăn nham nhở.
Ông quản giáo đứng trên tầng trên, đầu gần chạm cái giá dài làm bằng những cây nứa, một kiểu xích-đông chạy suốt phòng giam, trên ấy anh em tù để một phần nội vụ.
Chắt làm nhiệm vụ của mình. Chắt bắt đầu lục, giở tung nội vụ của hắn. ông quản giáo đứng nhìn, mặt nghiêm khắc. Không biết ông quản giáo có nhớ hắn không. Chứ hắn thì nhớ ông. Bởi thế nên hắn rất sợ ông. Với ông mọi việc đều có thể xảy ra


--------------------
-------------
Go to the top of the page
 
+Quote Post
 
Start new topic
Replies
PhuDung
post Dec 20 2014, 02:03 PM
Post #2


Bảo vệ tổ quốc
***

Group: Năng Động
Posts: 2,169
Joined: 17-December 08
Member No.: 1,269
Country



Chương 24

Về lại 75 lần ấy, hắn nhớ tới cái bê dê của hắn. Nó ở phía đằng kia cơ. Cách một cái nhà nữa, một cái bê nữa.
Hắn nhìn những người trong BA này lạ hoắc, chắc ở BD cũng vậy. Đã bao nhiều lớp tù rồi. Chẳng thể nào tìm được một khuôn mặt quen. Hắn nhớ tới Giang, tới Triều Phỉ, tới già Gọi, già Đô. Lớp ấy đã trở thành kỳ cựu ở Q.N. Hắn nhớ tới hai ông Minh trong B. Một ông Minh là máy trưởng, ông Minh máy trưởng về nông thôn chữa máy bơm thuê. Ông lấy tiền nhôm ra đúc piston. Một ông Minh khác là thợ thủ công lấy nhôm lá dập thành xu. Cả hai ông đều phạm pháp. Một ông phá hoại tiền tệ, một ông làm tiền giả. Hai ông gặp nhau ở BD. Giá hai ông gặp nhau trước thì đâu đến nỗi.
Ông Minh máy trưởng mê hắn lắm. Vì những buổi kể chuyện của hắn. Nghe chuyện Cây phong non trùm khăn đỏ ông xuýt xoa: .
- Trời ơi! Cái chỗ chị vợ đánh rơi bó củi, hay quá. Và:
- Đúng. Những rơ-moóc sau này có lắp phanh ấy.
Cứ lúc sắp đi ngủ là hắn kể chuyện cho anh em nghe. Cả B im phăng phắc. Hắn kể Lôi vũ . Hắn kể Người thầy đầu tiên . Dạo ấy hắn còn nhớ. Hắn kể cả câu đối thoại.
Những chuyện kể của hắn làm anh em thích lắm.
Không một tiếng ho. Hút thuốc lào cũng khe khẽ thôi.
Nhưng hắn chỉ kể được mấy chuyện thì bị cấm. Không biết vì sao. Có lẽ người ta không muốn hắn gây ảnh hưởng trong tù. Người ta không muốn phạm nhân quên mất việc phải suy nghĩ về tội lỗi, quên mất sự đau khổ, dù chỉ chốc lát. Chắc ông Minh máy trưởng dược ra rồi. Tội của ông chỉ bị nhiều lắm là sáu tháng.
ở BD hắn đã quen Giang.
Trong tù hoặc là tin tuyệt đối, hoặc là không tin. Và không được nhầm lẫn. Hắn tin Giang ngay, thán Giang ngay. Hắn đã không nhầm lẫn.
Giang cũng yêu hắn, quý hắn. Có thể xả thân vì hắn. Mới mười tám tuổi, Giang đã bị tù lần này là lần thứ hai. Giang là con liệt sĩ. Bố Giang, ông Giang Văn Khoát bước vào cách mạng hồn nhiên như cả lớp thanh niên hồi đó. Cách mạng đúng là một ngày hội. Là cuộc biểu dương ý chí, biểu dương lực lượng. Là những cuộc mít-tinh với hàng trăm, hàng nghìn lá cờ đỏ sao vàng to nhỏ cùng vẫy phất trước cửa Nhà hát Lớn. Là những nắm tay giơ lên hướng về Nam Bộ. Là những bài hát cách mạng đến phố nào, ngõ nào cũng thấy bay lên. Là khát vọng đổi đời đã được thực hiện. Là tiêu diệt bọn thực dân, phát-xít đã gây ra nạn đói khủng khiếp, kinh hoàng: chấm dứt cảnh chết đói vàng bủng, khô quắt, còng queo ở các vỉa hè, các chợ, các ngã tư...
Nhưng khi bọn Pháp trở lại, cách mạng là cầm súng bảo vệ đất nước, bảo vệ chính quyền. Cách mạng là đổ máu.
Anh thanh niên Giang Văn Khoát cầm súng bảo vệ cách mạng cũng hồn nhiên như khi anh tham gia cách mạng. Từ biệt vợ con, anh vào tự vệ và sau này về một đại đội độc lập hoạt động ở ngoại thành. Vợ anh bỏ gánh hàng rong trên vai xuống, từ thành phố dắt con trở về làng, sống với đồng ruộng “Mẹ con cố nuôi nhau. Nó có hỏi, bảo tôi ở lại phải làm ăn. Độc lập tôi về”
Nhưng không phải mãi tới độc lập anh mới về thăm vợ và con gái (khi ấy anh chỉ có một đứa con gái).
Làng anh ở vùng giáp ranh, thỉnh thoảng anh lại có dịp về nhà. Trong một trận chống càn, đơn vị anh đã tham gia bảo vệ huyện ủy. Anh là một trong những người chốt giữ lối đi độc đạo vào làng. Anh cùng một số đồng chí nổ súng, giật mìn, ném lựu đạn, chặn bước tiến của quân Pháp để các đồng chí khác cùng huyện ủy rút an toàn sang bên kia sông. Anh đã ngã xuống và không trở về nữa. Không trở về đơn vị.
Không trở về với con gái, với người vợ đang chửa đứa con thứ hai. Ltíc đó là đầu những năm năm mươi. Cuộc chiến đang bước vào giai đoạn ác liệt nhất.
- Đẻ em thì bố em chết rồi. Em không biết mặt bố.
- Không có bố em thì các ông to chết rồi. Các ông ấy hay đến nhà em lắm. Tết nào cũng lại thắp hương ở bàn thờ bố em.
Trong BD, Giang đã thì thầm với hắn như vậy. Giang không biết mặt bố. Chị Hiên thì biết. Biết và nhớ. Chị Hiên hơn Giang mười tuổi. Ngành họ Giang Văn ở thôn Đại Hòa còn lại mỗi bố Giang. Ông nội Giang cũng chỉ sinh được hai con: Một giai, một gái. Cô Miên và bố Giang. Giống như bố mẹ Giang chỉ sinh được hai con: Chị Hiên và Giang. Có điều khác là cô Miên chỉ hơn bố Giang hai tuổi. . Giang là người nối dõi tông đường duy nhất của dòng họ Giang Văn. Bởi vậy thuở nhỏ Giang được gọi bằng cái tên xấu xí: Cứt. Lên năm vẫn gọi là Cứt. Sau mới nghĩ đến chuyện đặt tên cho Cứt. Tên gì? Cô Miên bảo: Thôi thì gọi nó là thằng Giang. Lấy tên họ Giang mà đặt cho nó. Nó là thằng họ Giang cuối cùng còn lại. Từ đấy đứa con trai dộc nhất của liệt sĩ Giang Văn Khoát có tên Giang. Giang Văn Giang.
Giang Van Giang được quý, được chiều. Mẹ chiều. Chị Hiên chiều. Cô Miên càng chiều hơn. Giang lớn lên. Giang đi học. Và Giang bỏ nhà ra đi. Vì mẹ lấy chồng. Giang không chịu được sự có mặt của người bố dượng. Mẹ Giang quấn quít với hạnh phức mới. Nhưng vẫn đi tìm Giang. Chị Hiên cũng đi tìm. Giang về nhà ít hôm rồi lại đi. Cuộc sống lang thang đường phố thích hợp với Giang. Đám bạn bè kbu phố Bờ Sông thích hợp với Giang. Những cuộc ấu đả của bọn trẻ lêu lổng như nam châm hút Giang tới. Cuộc sống lưu manh đường phố nhận thêm một đứa trẻ vào lòng. Giang không kể Giang đã đi móc túi như thế nào. Nhưng hắn biết Giang đã đi móc túi vì Giang dặn:
- Anh cứ để tiền ở túi phía đùi ấy. ở đấy rất khó đá. Để ở túi quần sau, túi ngực là mất ngay đấy.
Giang giảng cho hắn cách đánh hị . Đồng hồ đeo ở cổ tay mà mất đấy. Lấy đồng hồ đeo tay ctĩng không khó lắm. Đi một đứa lấy cũng được: nhưng tốt nhất là đi hai đứa. Còn đánh nghẽo thì phải đánh lúc người ta mới dựng xe, khi còn biết rõ chủ xe. Xe dựng lâu không biết chủ xe đâu là không dám đánh. Đừng tin ổ khóa. Khóa ăn thua gì. Bọn đánh nghẽo mở khóa xe anh còn nhanh hơn anh mở. Bọn lính mổ, lính đá cũng phân chia khu vực đấy. Xâm phạm vào khu vực của nhau là chiến tranh. Bởi thế nên mới có chuyện băng Yên Dương đánh nhau với băng Cầu Đỏ ầm ĩ cả thành phố “Tức là bọn chúng em đánh nhau với bọn Tùng Cốc đấy".
Giang oán gia dình, oán xã hội, oán hờn số phận. Giang oán cả mẹ. Giá mẹ Giang không đi bước nữa thì có lẽ Giang không đến nỗi. Cô Miên thì càng suy nghĩ như vậy. Cô Miên cũng góa. Nhưng cô ở vậy nuôi con. Giang bảo:
- Mẹ em cao số lắm. Lấy ông này mấy năm thì ông ấy bị uốn ván chết.
Khi ông bố dượng chết, Giang hay về nhà hơn.
Ngủ. Xúc gạo, mỳ đem bán. Lấy trộm tiền của chị Hiên, lúc đó đã đi buôn chuyến.
Cả nhà buồn. Mẹ khóc, chị Hiên khóc. Cô Miên khóc. Một hôm, ông huyện ủy đã được bố Giang cứu sống thời kháng chiến đến chơi nhà. Ông là cốp. Cốp nặng. Ông thắp hương trước bàn thờ bố Giang, thì thầm khấl vái, nói chuyện với cả nhà lâu lắm. Ông hứa với vong hồn bố Giang, quyết giúp đỡ mẹ Giang, cứu Giang, dể Giang khỏi trở thành một thiếu niên hư hỏng. Đó là trách nhiệm của ông với người đồng chí đã mất, lòng biết ớn của ông đối với người đã cứu sống ông. Bằng uy tín và ảnh hưởng của ông, ông đã gửi được Giang vào học tập ở trại cải tạo trẻ em. Cả nhà cảm ơn ông. Thôi, nhà không dạy được thì gửi nó vào đấy. Nhờ Nhà nước dạy. ở đó vừa dạy văn hóa. vừa dạy nghề. Mấy năm sau nó sẽ thành một thanh niên khác.
Năm ấy Giang mới mười bốn tuổi. ở đó Giang đã được học thêm văn hóa. Giang biết giồng rau, vun luống khoai. Giang được biết con người sống bằng lao động, sống phải lao dộng. Mọi của cải trên đời dều do lao động làm ra. ở đó Giang được đưa vào khuôn phép. Nhưng ở đó, Giang từ chỗ chỉ quen biết một số bạn phố Bờ Sông, nay đã quen hầu hết bọn thiếu niên hư ở thành phố. Giang còn học được nhiều điều khác. Có chuyện gì lũ trẻ choai choai hư hỏng không nói cho nhau nghe trong những lúc rảnh rỗi, nhớ nhà, buồn chán. Trong những ngày nghỉ, những đêm buông màn đi ngủ. Những ngón đá. Những thành tích. Những chiến công. Trong câu chuyện được thêu dệt thêm, huyền ảo, anh hùng, lấp lánh, kích thích. Cả những đề tài của người lớn, nhưng nhiều đứa đã trải qua, luôn luôn hấp dẫn và mê hoặc: Đàn bà. Một điều nữa Giang học được là: Phải biết trả giá. Tự mình khẳng định mình trước tụi bạn. Nhất là đối với những người nhỏ con như Giang, mà chúng tưởng nuốt được một cách ngon lành. Cần thì trả giá bằng tính mạng mình.
Giang nổi tiếng là lì, là liều. Bọn trại viên Kim Đồng lớn hơn cũng phải kiêng nể, không dám bắt nạt Giang.
Bọn chúng càng nể Giang khi thấy Giang nhất định không ra gặp mặt, không nhận tiếp tế. Nhà đến thăm, Giang không ra. ông cốp nặng đến xem cháu tiến bộ đến dâu. Giang không ra. Ông đi cả xe com-măng-ca, chở không biết bao nhiêu quà tới. Ông gửi quà lại nhờ ông giám thị chuyển cho Giang, Giang không nhận. Giang căm thù ông, căm thù tất cả.
Hai năm sau Giang ra khỏi trại. Giang càng ít về nhà hơn. Vì Giang đã có thêm nhiều bạn. Băng nào cũng thích Giang. Giang nhanh. Hào phóng. Bất cần. Giang biết cư xử. Giang đánh rất liều.
Giang bảo hắn:
- Em biết là chúng em hư. Nhưng xã hội phải chịu trách nhiệm một phần. Một phần lớn. Chúng em cũng như Tám Bính trong Bỉ vỏ.
Thì ra Giang đã đọc Bỉ vỏ. Đã đọc Những ngày thơ ấu. Giang rất yêu nhà văn Nguyên Hồng, ao ước được gặp nhà vàn. Với Giang, Ngnyên Hồng là nhà văn của Giang, của những người như Giang. Hắn chân thành nói với Giang:
- Không, em ạ. Đứng về mặt xã hội là như vậy. Nhưng ở góc độ em, em phải thấy trách nhiệm của mình là lớn, là quyết định.
Giang có cả một lý luận bào chữa cho việc mình đi ăn cắp:
- Xã hội bất công. Người giàu kề nghèo. Người sang kẻ hèn. Những người giàu do buôn bán, mua rẻ bán đắt, những người giàu có do móc ngoặc, do ăn cắp được của Nhà nước, do có một ngành nghề tốt như mậu dịch viên v. v... Lấy của những người đó chút ít chả sao. Họ vẫn cứ tiếp tực giàu. Họ vẫn sống đàng hoàng hơn mọi người. Đối với họ giá đột vòm lấy hết cũng đáng. Chẳng việc gì phải cắn rứt lương tâm. Bọn Giang chỉ làm giảm bớt sự bất công sẵn có.
Hắn nhìn thân hình còm cõi, nhỏ bè của Giang, khuôn mặt già trước tuổi, xương xẩu của Giang, cảm thấy xót xa. Một tình cảm giống như tình cảm cha con bỗng trỗi dậy trong lòng hắn. Giang cũng vậy. Giang quấn quít lấy hắn, tẩm quất cho hắn.
Hắn nói với Giang những bất công mà cuộc đời bao giở cũng có (hắn thú thật giờ đây mới hiểu sâu sắc). Hắn nói con người phải có một ý tưởng để mà theo đuổi. Hắn cho Giang biết Nguyên Hồng là người bạn vong niên của hắn. Nguyên Hồng rất thân với hắn, hay ăn ngủ ở nhà hắn. Thật là một bất ngờ với Giang. Hắn kể chuyện Nguyên Hồng mua vé xổ số, Nguyên Hồng mua miếng nầm chó về nhà hắn giội nước phích, bắt hắn ăn và đánh thức cả vợ hắn đang ngủ phải dậy ăn như thế nào. Giang cười rinh rích khi hắn bảo cả hai vợ chồng hắn không biết ăn thịt chó, nhưng nể nhà văn cứ cho vào mồm nhai trệu trạo rồi nuốt. Giang bảo:
- Khi nào ra, em đến nhà anh thế nào cũng gặp ông Nguyên Hồng đấy nhỉ.
Vẻ háo hức trong câu nói của Giang khién Giang lại đúng là một cậu bé ngay thơ. Hai anh em quý nhau, nhưng cũng phải cẩn thận lắm. Muốn dặn nhau cái gì phải đưa mắt ra hiệu cùng vào nhà mét, nói thầm trong ấy. Rồi người ra trước, người ra sau. Mặt tỉnh khô. Đừng để lộ ra thân thiết với một ai. Người ta sẽ chuyển một trong hai người đi B khác ngay.
Hồi ở BD, một hôm Giang bị gọi ra với nhiều người. Khi về tất cả đều đen nhẻm mười đầu ngón tay và mười đầu ngón chân. Hắn hỏi Giang đi đâu về. Giang bảo đi chụp ẫnh lăn tay. Triều Phỉ cao lớn múa các ngón tay đen sì nhịp nhàng như gõ vào phím đàn:
- Đánh pi-a-nô rồi!
Thế là biết rằng số anh em đó sẽ chuyển. Mấy tối sau, người ta trả tiền lưu ký. Thế nghĩa là hồ sơ, thủ tục đã hoàn tất. Thế nghĩa là sáng mai sẽ đi. Đi đâu? Trại nào
Tối hôm ấy, hắn và Giang không còn giữ ý gì nữa. Đằng nào mai Giang cũng đi rồi. Giang sang hẳn chỗ hắn ngồi. Hai anh em ăn bánh quy, pha nước cam. Giang ôm lấy cổ hắn.
Sáng hôm sau, Giang đi. Không ngờ hai anh em lại gặp nhau ở Q.N. Khi xe ô-tô dưa bọn hắn đến QN. trông thấy Giang đang làm ở sân trại, hắn mừng... Lúc đó Giang còn làm linh tinh bên ngoài. Về sau Giang về toán quản chế. Toán mộc.
Còn ai ở BD nữa nhỉ? Lê. Lê với hai va-li quần áo ăn cắp. Lê với bài phát biểu thao thao bất tuyệt. Lê bóp cổ Voòng Kỷ Mình. Lê đã được ra rồi. Và già Gọi. Già Gọi vào trại trong dịp trước Tết. Bình thường nhà giam chỉ mở cửa ba lần trong một ngày. Sáng hai lần (một lần đi vệ sinh, một lần đi lấy cơm), chiều một lần đi lấy cơm và lấy quần áo phơi ngoài sân. Gần Tết, cửa mở liên tục cả ngày. Cả đêm. Gióng sắt xoang xoảng. Cửa sắt rầm rầm. Nghe mà ghê người. Những người mới vào ngơ ngác. Những người mới vào bình thản. Những người mới vào bê bết máu. máu khô trên tóc, máu khô trên áo. Đó là những lính mổ bị bắt và bị đánh. Dịp Tết, lính mổ hoạt động mạnh. Những người mới vào còn hoa mắt chưa nhận ra ai giữa cái đám đông ngồi trong buồng giam mênh mông này. Những những người trong buồng nhận ra ngay người cùng hội: Chờ cho bạn bình tĩnh, họ mới đến gặp. Thì thầm hỏi thàm tin tức gia đình, hỏi thăm tin bè bạn. Nhìn lên mái buồng giam cao vút suy nghĩ.
Trong cái đám tứ chiếng giang hồ bị bắt vào dịp Tết ấy có gíà Gọi Đầu cắt bốc, râu lởm chởm, mặt vuông, ráng hơi hô, phúc hậu và quê mùa. Vẻ quê mùa chân chất hiện trên nét mặt, hiện trong cử chỉ, trong cách nói.
Bọn tù trẻ xúm lại trêu già.
- Bố làm sao vào đây? Cứ nói mà, không sợ gì cả. Rồi con bảo giám thị tha cho bố.
- Con gái bố đẹp không? Con làm con rể bố nhé.
- Bố có biết Triều Phỉ là ai không? Chính hắn đang đứng trước mặt bố đấy.
- Triều Phỉ ăn thịt người đấy, bố ạ.
- Mắc tội gì, bố thành khẩn khai đi. Không giấu được đâu. Tội gì người ta cũng tìm ra được. Khai thì được khoan hồng. .
Cả bọn đang nhâu nhâu như vậy, bỗng già hỏi:
- Thế tôi hỏi các chú: Khoan hồng là gì, các chú có biết không đã?
Tất cả ớ ra.
- Chịu chưa?
- Chịu. Khoan hồng là gì, bốnói chúng con nghe nào"
Già nghiêm trang:
- Khoan là thong thả. Hồng là máu. Khoan hồng là thong thả rồi hãy giết.
Tất cả cười ồ. Phục già là bậc “Cao thủ võ lâm ".
Già Gọi giải chiến mắc màn dưới gầm sàn, ngay trên nền xi-màng lúc nào cũng chảy nước vì trời nồm.
Nhiều người phải nằm như già. Đông quá. Cũng may, con già đã kịp gửi vào cho già mảnh nilông. Với lại chỉ đến khi kẻng cấm, mắc màn đi ngủ mới phải chịu xuống gầm sàn, còn vẫn được ngồi ké vào một chỗ bên trên. Già rất ít nói. Chỉ bó gối ngồi trầm ngâm và cười hồn hậu trước những lời trêu chọc của cánh trẻ thành phố.
Nhưng khi lên đến trại Q.N, hắn mới hiểu già. Chỉ một mình già dám đứng lên giữa hội trường, đối thoại với ông Lâm, chính giám thị. Già nói oang oang:
- Thưa ông giám thị. Tôi mắc tội gì? Tôi không mắc tội gì mà phải vào đây. Đề nghị ông giám thị cho xem xét lại. Nếu tôi có tội, tôi xin ông đem tôi lên rừng cho hổ báo ăn thịt. Hay vứt tôi xuống nước để tôi trầm hà dáy biển.
Già nói rành rọt, lễ độ và già ngồi xuống. Tất cả đều kính nể già, vì ông Lâm là người ghê gớm. Da sát xương. Răng trắng nhỏ, khi nói cứ rin rít. Tù chỉ mong có ngày mưa để nghỉ. Lúc sắp đi làm, thấy nổi cơn cớ, ai cũng mong mưa ập xuống. Nhưng đến khi đi làm rồi mới mưa. Toán mộc, toán may... làm trong nhà vẫn phải làm việc.
Bọn hắn được về trại vì làm ngoài trời. Về đến nơi, tưởng được nghỉ, nhưng có lệnh ra hội trường học tập. ông Lâm đã cho đặt cái đài Orionton chạy pin và mắc loa xuống phía dưới. Ông tận dụng thời gian, không cho tù được nghỉ.
Ông đứng giảng bài rất có duyên. ông "cù" phạm cười rinh rích. Vừa chửi vừa "cù". Hơi rẻ tiền nhưng hợp với trình độ chung.
- Các anh phải suy nghĩ nhiều hơn nữa về tội lỗi của bản thân mình. Phải nghiêm khắc với bản thân mình. ăn cắp thì nói ăn cắp. Lại đi nói: Thưa ông tôi, tôi, tôi mắc bệnh tham ô ạ. Hiếp dâm thì nói là tôi mắc bệnh tò mò!
Phạm nhân thoải mái cười. Bỗng ông nghiêm mặt.
- Chúng tôi không đánh các anh như bọn dế quốc. Có anh nào vào đây bị đánh không? Giơ tay lên xem nào. Có thì cứ phát biểu. - ông nhìn bao quát rồi tiếp - Không ai bị đánh, phải không? Chúng tôi không đánh như bọn Pháp. Nó đánh chỉ đau một lúc thôi. Chúng tôi có cách của chúng tôi. Nó êm êm mà đau. Nó ngấm lâu. Ngấm đến cả đời. Ông nói mà không cười. Ông có khuôn mặt lạnh lùng, khinh khỉnh. ông tận tụy với công việc. Ông tin ở công việc ông làm. Thế mà trong lúc ông đang giảng say sưa hào hứng như vậy, già Gọi đứng lên xin được "trầm hà đáy biển nếu như có tội ". Già vững tin ở già như ông giám thị tin ở ông giám thị.





--------------------
-------------
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Posts in this topic
PhuDung   Chuyện kể năm 2000   Dec 20 2014, 01:44 PM
PhuDung   Chương 2 Cách đây khoảng nửa năm, nghĩ...   Dec 20 2014, 01:47 PM
PhuDung   Chương 3 Đã hơn bốn tháng kể từ ngày...   Dec 20 2014, 01:48 PM
PhuDung   Chương 4 Buổi chiều hôm ấy cũng như ba...   Dec 20 2014, 01:50 PM
PhuDung   Chương 5 Mọi người lặng lẽ trở về,...   Dec 20 2014, 01:51 PM
PhuDung   Chương 6 Đêm ấy hắn không ngủ được...   Dec 20 2014, 01:53 PM
PhuDung   Chương 7 Già Đô lúc đó mới dậy hút. ...   Dec 20 2014, 01:55 PM
PhuDung   Chương 8 Cả trại vừa "đánh đồng...   Dec 20 2014, 01:55 PM
PhuDung   Chương 9 Hôm ấy là mồng ba tháng Tư nă...   Dec 20 2014, 01:56 PM
PhuDung   Chương 10 Khu văn phòng trại trong, nghĩa ...   Dec 20 2014, 01:56 PM
PhuDung   Chương 11 Từ hai căn nhà lợp lá cọ hì...   Dec 20 2014, 01:56 PM
PhuDung   Chương 12 Bữa cơm tự do đầu tiên của...   Dec 20 2014, 01:57 PM
PhuDung   Chương 13 Cuối tháng 9 -1954, hắn đã là...   Dec 20 2014, 01:57 PM
PhuDung   Chương 14 Hắn vẫn hình dung ngày trở v...   Dec 20 2014, 01:58 PM
PhuDung   Chương 15 Nằm trên cái giường của Phư...   Dec 20 2014, 01:59 PM
PhuDung   Chương 16 Hắn không ngờ phải đứng ch...   Dec 20 2014, 01:59 PM
PhuDung   Chương 17 Hắn nhớ lại tất cả. Hà N...   Dec 20 2014, 02:00 PM
PhuDung   Chương 18 Hắn thở dài. Hắn thở dài tr...   Dec 20 2014, 02:00 PM
PhuDung   Chương 19 Sớm hôm sau, hắn ra Bến Nứa....   Dec 20 2014, 02:01 PM
PhuDung   Chương 20 Hắn đã về đến P. Tàu hỏa ...   Dec 20 2014, 02:01 PM
PhuDung   Chương 21 Thế là cuối cùng hắn đã v...   Dec 20 2014, 02:01 PM
PhuDung   Chương 22 Lẽ ra hắn đã được về nhà...   Dec 20 2014, 02:02 PM
PhuDung   Chương 23 Hắn lại bước vào 75. Lần th...   Dec 20 2014, 02:02 PM
PhuDung   Chương 24 Về lại 75 lần ấy, hắn nhớ...   Dec 20 2014, 02:03 PM
PhuDung   Chương 25 Buổi chiều định mệnh đã đ...   Dec 20 2014, 02:06 PM
PhuDung   Chương 26 Bữa cơm đầu tiên hắn ăn v...   Dec 20 2014, 02:06 PM
PhuDung   Chương 27 Bữa ăn không ăn cũng no, nhìn ...   Dec 20 2014, 02:07 PM
PhuDung   Chương 28 Buổi tối. Hắn ở nhà hắn bu...   Dec 20 2014, 02:08 PM
PhuDung   Chương 29 Hình như có ai vào màn của h...   Dec 20 2014, 02:08 PM
PhuDung   Chương 30 Họ nằm bên nhau im lặng. Lắn...   Dec 20 2014, 02:09 PM
PhuDung   Chương 31 Cái dốc xoai xoải bến Tắm n...   Dec 20 2014, 02:09 PM
PhuDung   hương 32 Trong tù hắn nghĩ tới căn buồ...   Dec 20 2014, 02:10 PM
PhuDung   Chương 33 Cả nhà đã ngủ. Ngọn đèn tr...   Dec 20 2014, 02:10 PM
PhuDung   Chương 34 Hắn ở nhà ba ngày. Ba ngày ấ...   Dec 20 2014, 02:11 PM
PhuDung   Chương 35 Những ý nghĩ bi quan nhất rồi...   Dec 20 2014, 02:11 PM
PhuDung   Chương 36 Hắn đến đồn đúng giờ. Cá...   Dec 20 2014, 02:12 PM
PhuDung   Chương 37 Đã mấy chục năm trôi qua kể...   Dec 20 2014, 02:12 PM
PhuDung   Chương 38 Cái cảm giác chán ngán của h...   Dec 20 2014, 02:13 PM
PhuDung   Chương 39 Việc gia công ấy khi có khi kh...   Dec 20 2014, 02:13 PM
PhuDung   Chương 40 Ngọc bảo hắn: - Sắp dán túi...   Dec 20 2014, 02:14 PM
PhuDung   Chương 41 Vạn vật biến chuyển. Đúng n...   Dec 20 2014, 02:14 PM
PhuDung   Chương 42 Không ai hiểu được như hắn ...   Dec 20 2014, 02:15 PM
PhuDung   Chương 43 Thỉnh thoảng Len lại cùng vớ...   Dec 20 2014, 02:15 PM
PhuDung   Chương 44 Cái khoản ba mươi đồng, tiề...   Dec 20 2014, 02:16 PM
PhuDung   Chương 45 Hệt như cuộc chiến tranh Tây ...   Dec 20 2014, 02:16 PM
PhuDung   Chương 46 Cái hợp tác xã làm miến chín...   Dec 20 2014, 02:17 PM
PhuDung   Chương 47 Suốt thời gian loay hoay lo tài ...   Dec 20 2014, 02:17 PM
PhuDung   Chương 48 Mỗi nghề đều có chuyên môn ...   Dec 20 2014, 02:18 PM
PhuDung   Chương 49 Cái cơ chế thị trường tự p...   Dec 20 2014, 02:18 PM
PhuDung   Chương 50 Họ ngồi đối diện trong một...   Dec 20 2014, 02:19 PM
PhuDung   Chương 51 Hắn không ngờ đơn của hắn ...   Dec 20 2014, 02:19 PM
PhuDung   Chương 52 Già Đô xuất hiện ở hành lan...   Dec 20 2014, 02:20 PM
PhuDung   Chương 53 Già Đô tự nhận hết về ph...   Dec 20 2014, 02:20 PM
PhuDung   Chương 54 Sau này, ôn lại những kỷ ni...   Dec 20 2014, 02:21 PM
PhuDung   Chương 55 Trước khi gặp già Đô lần cu...   Dec 20 2014, 02:21 PM
PhuDung   Chương 56 Tiếng lành đồn xa. Chuyện h...   Dec 20 2014, 02:22 PM
PhuDung   Chương 57 Hắn không thể chấp nhận đi...   Dec 20 2014, 02:22 PM
PhuDung   Chương 58 Thế là hắn đã bị bịt kín ...   Dec 20 2014, 02:23 PM
PhuDung   Chương 59 Tôi tin lời ông bác sĩ nào đ...   Dec 20 2014, 02:23 PM
PhuDung   Chương 60 Rừng lại đang ở trước mặt...   Dec 20 2014, 02:24 PM
PhuDung   Chương 61 Khi đi qua cây vả mọc bên su...   Dec 20 2014, 02:24 PM


Reply to this topicStart new topic
1 User(s) are reading this topic (1 Guests and 0 Anonymous Users)
0 Members:

 



Lo-Fi Version Time is now: 5th July 2024 - 04:34 AM