Chuyện kể năm 2000, Bùi Ngọc Tấn |
Chuyện kể năm 2000, Bùi Ngọc Tấn |
Dec 20 2014, 01:44 PM
Post
#1
|
|
Bảo vệ tổ quốc Group: Năng Động Posts: 2,169 Joined: 17-December 08 Member No.: 1,269 Country |
Chuyện kể năm 2000 Chương 1 Có những điều hắn tưởng không bao giờ quên. Thế rồi hắn quên. Dù lúc xảy ra sự việc, hắn tự bảo: Mình sẽ nhớ suốt đời. Làm sao quên được những điều đáng nhớ như thế. Đó là những niềm vui hiếm hoi. Là những sự đau khổ đến tê dại. Không. Không thể nào quên được. Thế mà hắn quên. Thỉnh thoảng hắn muốn ôn lại quá khứ. Hắn không sao nhớ được. Kinh nhất là những đau khổ tột cùng mà cũng quên luôn. Tất cả không hằn được một đường vào nếp nhăn đại não. Có lẽ những nếp nhăn ấy đã bị lấp đầy rồi. Nên nó nhoè. Nó mang máng. Não hắn cứ bi những nhát búa dội vào đều đặn, liên tục. Nó lỳ. Thế mà hắn vốn là người có trí nhớ tốt. Hắn buồn rầu hiểu rằng đầu óc hắn hỏng mất rồi. Nghĩa là chính hắn hỏng mất rồi. Có người viết rằng con người ta có thể quên cả ngày sinh tháng đẻ của mình, quên cả cái hôn đầu tiên. Ngày sinh tháng đẻ hắn, hắn không quên. Hắn sinh ngày 3-7- 1934. Đó là ngày ta hay tây, hắn không biết. Mẹ hắn bảo hình như là ngày ta. Nếu vậy hắn sinh vào khoảng tháng 8 dương. Còn năm ta là năm Tuất. Năm con chó. Cái hôn đầu tiên hắn cũng quên. Làm sao nhớ được. Nghĩ về năm tháng tuổi trẻ và đi ngược lên nữa về tuổi ấu thơ, hắn chỉ thấy một dòng thời gian tươi đẹp đến thắt lòng. Tóm lại hắn quên nhiều thứ. Nhưng hắn không bao giờ quên cái ngày hắn được ra tù. Đó là một buổi sáng xuân. Chính xác hơn là ngày 3 tháng 4 dương lịch. Năm đó cũng mưa dầm ghê gớm. Mưa bụi, thứ mưa mịn màng trắng rừng, trắng núi, mịt mở nổi trôi, bồng bềnh tiền sử. Chỉ có những hạt bụi rất nhỏ bay lượn, nhưng tất cả sũng nước. Đụng đến cái gì cũng ẩm kinh người. Đôi giày vải đi rừng của hắn chỉ ba ngày không nhìn đến đã mọc nấm. Thứ mưa trắng những đồi trẩu trên đường bọn hắn đi từ trại đến chỗ làm và ngược lại. Những cây trẩu lá non mềm nhiễm xạ mùa xuân, chỉ một đêm là đồng loạt trổ bạt ngàn những chùm nụ nhỏ hồng hồng. Nhìn trời, nhìn đất, nhìn cây, hắn hiểu rằng sắp đến mùa chim tu hú kêu đây. Sắp đến mùa hoa gạo nở đỏ rực đây. Hắn nhớ đến một khoảng trời xuân nào đó trong quá khứ. Những luống đỗ mềm trên đất tơi và ẩm. Những vạt cỏ chăng đầy mạng nhện, trĩu những hạt nước. Cành xoan ngoài cửa sổ. Dây tã trắng vợ hắn phơi trong nắng mới. Đó là cuộc sống ở thế giới bên kia. Hắn đi làm cùng anh em tù, mệt mỏi, buồn bã và không nghĩ tới ngày về. Họ là những tù không án. Họ đi tập trung cải tạo. Người một lệnh, người hai lệnh, người ba lệnh. Nhiều người tới sáu, bảy lệnh. Mỗi lệnh ba năm. Theo pháp luật họ chưa tới mức phải xử, chưa tới mức phải truy tố, ra toà. Họ chỉ bị tập trung cải tạo, nghĩa là nhẹ hơn án tù nhiều lắm. Nhưng chưa ai tù một lệnh (ba năm) mà được trở về. Chưa hết bọp này đã được gí thêm bọp khác . Cái án cao-su. Cái án tù mù. Cha mẹ ơi, đừng đợi. Em ơi, dù mùa xuân về, dù mùa xuân đi, em ơi đừng đợi Anh còn chờ dê đực đẻ con như ông Tô Vũ ngày xưa. Một anh tù đã làm bài hát về mình như vậy. Ngày về của anh tù tập trung cải tạo nào ai biết được. Năm năm sống trong tù, hắn thấy nhiều người thuộc diện được tha, nhưng chỉ vài người tập trung cải tạo và đó là những sự kiện xôn xao cả trại. Còn toàn là tù nặng, tù có án. Năm năm tù hắn không dám kêu lâu, vì ở đây toàn những người kỳ cựu, những xê-ri AM, BM... Một lính đánh nghẽo bị kết án tù sáu tháng vào trại, được một người tù già bĩu môi: - Không bằng thời gian tao đi đái, đi ỉa trong tù. Thời gian của bọn tù tập trung cải tạo được tính bằng lệnh. Họ hỏi nhau: - Mấy lệnh rồi? Hắn đã lê chân hết nhà tù này đến nhà tù khác. Hắn mụ mi đi. Nhưng sao mùa xuân vẫn hấp dẫn người ta thế. Hắn lẩm nhẩm một đoạn thơ cứ luẩn quẩn trong óc hắn mấy hôm nay, khi những cây trẩu đồng loạt trổ bông. Tôi đã quên tên tôi dưới mặt trời Quên tuổi tôi Cắm sâu lưỡi dao năm tháng Thời gian băng hà sọ não tôi Cuộc đời trước hoang đường tiền sử Từ thế giới này đã mất thói quen dùng lửa Tôi hoá đá dần nỗi nhớ về thế giới bên kia... Trong gần hai ngàn ngày tù dài dằng dặc thành một khúc đông cứng giữa cái sền sệt, đặc quánh của năm tháng cuộc đời hắn, ngoài ngày được tha, hắn côn nhớ rõ cả ngày trước đó, cái ngày cuối cùng hắn ở trong tù. Chiều hôm trước khi được tha, hắn còn bị lôi thôi. Hắn bị trực trại khám nội vụ Nội vụ của hắn khá tươm. Nghĩa là đủ mọi thứ. Nó chứng tỏ công lao, sự chăm sóc của vợ hắn. Rất nhiều người khác - đạc biệt là đám tù trẻ - không có được một tài sản như hàn. Một cái hòm gỗ thông sơn xám, nẹp sắt, nguyên là hòm đựng đạn mà một bạn đọc cho vợ hắn để vợ hắn gửi vào cho hắn. Hòm có khoá, một cái khoá Trung Quốc. Khi được gọi ra gặp mặt vợ, trông thấy cái hòm để cạnh chỗ vợ ngồi, mắt hắn sáng lên. Hắn chỉ sợ người ta không cho nhận cái hòm ấy. Cái hòm, đó là một thứ tổng kho, là sự giàu có, đầy đủ tiện nghi trong tù, lại là sự quan tâm của gia đình. Điều đó nâng cao vị trí của hắn ở trong tù, vị trí của hắn trước các bạn tù. Không gì đau khổ và bị xem thường bằng những người quanh năm không được gia đình lên gặp mặt như Nguyên Văn Dự, như Lê Bá Di chẳng hạn. Cái cảm giác bị bỏ rơi và không có một chút gì đáng giá trước mặt người khác thật là cụ thể. Anh chỉ là thứ tù hạng bét. Vả lại những người tù kỳ cựu, cơ chỉ đều có hòm. Điều đó còn nói rằng anh ta đã xác định được, đã chuẩn bị đầy đủ để sống lâu dài trong tù, khi anh ta không có án mà chỉ có lệnh tập trung cải tạo. Tất cả những gì giá trị, hắn đều cho vào hòm. Mà những cái đáng giá nhất trong tù là thức ăn: muối vừng, ruốc thịt, đường, kẹo bánh, chè, thuốc lá. Chuột hết nhằm. Bọn đểu hết ăn cắp. Hắn đã bị mất hai gói kẹo mà hắn chắt chiu, chỉ khi nào mệt lắm, đói lắm mới dám ngậm, mút một chiếc. Đi làm về hắn thấy cái túi lòi ra phía cửa sổ, cái chiếu xộc xệch, hắn giật mình, lao vội đến, thò tay vào trong túi. Hai gói kẹo không còn nữa. Hắn chết lặng, lường hết được tổn thất. Một nhà buôn mất sạch gia tài cũng không đau khổ bằng hắn. Khi vợ hắn lên tiếp tế, cái hòm ấy đầy ắp những xôi, bánh mì và thức ăn mặn. Nhưng đã bốn, năm tháng nay vợ hắn không lên. Chỉ còn lại một ít đường. Bù lại hắn có một túi ni-lông to cơm khô. Vừa cơm vừa cháy. Cơm độn ngô vàng vàng, trắng trắng. Hắn dành dụm được bằng nhiều cách. Nhét được cái gì vào bụng trong lúc đi làm, đến bữa hắn lại bớt một ít ra phơi. Có nắm cơm khô, yên tâm. Cái lệ là: Chủ nhật không đi làm, bị cắt bữa sáng. Nhịn thông từ chiều hôm trước đến trưa hôm sau, dạ dày nhớ bữa. Đói. Bình thường đã đói, lại cắt bữa. Hoa cả mắt. Sáng chủ nhật, hắn bốc một nắm cơm khô cho vào cái ca, bung lên. Thế là có thể cầm cự được đến bữa trưa. Nếu chiều thứ bảy tạt được nắm rau cải hay củ su hào, lại có thêm quả ớt xanh nữa thì cứ gọi là đại tiệc. Cay cay, mặn mặn, mát mát, bùi bùi, nóng bỏng môi, xụp xoạp vã mồ hôi. Phở Hói, phở Tư Lùn Hà Nội cũng chẳng thú bằng. Cái ca của hắn bằng nhôm đúc, nửa lít, lợi hại lắm. Cái ca theo hắn vào xà lim ngay từ ngày đầu tiên. Hắn kiếm được một cái đinh gỉ cùn trong khi đi đổ bô, đem về xà lim mài nhọn, sáng loáng và khắc vào đít ca, chung quanh ca bao nhiêu chữ số. Đại loại như: 8-12-1968 (ý hắn muốn kỷ niệm tròn một tháng bị bắt), 3-7 (ý nói ngày sinh của hắn và ngày hắn cùng vợ hắn yêu nhau lần đầu tiên), 8-3-69 (ý hắn nói đã hết lệnh tạm giam bốn tháng đầu tiên, hắn hy vọng sẽ được tha)v. . v. . Cái ca dày có thể làm cối giã. Hắn đã giã cành rau sắng nấu canh (lá là thịt, cành là xương, ngọt nước lắm), giã lạc giống ăn cắp được trong khi gieo ở Đồng Mít, cho nước, muối vào, đun lên xăm xắp làm thức ăn mặn, kéo dài cuộc sống được một tuần. Lỷ Xìn Cắm, dân lò bát Móng Cái, người Hoa mãi võ đã từng thí võ ở Hà Nội, tù trước hắn hai lệnh, suốt mùa hè cởi trần, lưng cánh phản nâu cháy, thích cái ca lắm: - Ca này của A Tuấn tốt lắm đấy. Xìn Cắm ngắm nghía cái ca rồi hỏi: - Không có năp à? - Không. Thế rồi một hôm hắn thấy Xìn Cắm chân khuỳnh khuỳnh chữ bát đi lại chỗ hắn, mặt mũi râu tóc bạc trắng như Hemingway cầm trong tay cái nắp ca bằng sắt tráng men mất núm. Xìn Cắm bảo hắn: - A Tuấn đưa ca đây. Xìn Cắm cầm ca, ấp cái nắp vào, vừa khít. Đưa trả lại hắn cái ca có nắp, Xìn Cắm nở nụ cười trẻ thơ, nụ cười Hemingway, rồi lại khuỳnh khuỳnh chữ bát về chỗ mình nằm. Thật là một người đôn hậu và tuyệt diệu. Nhược điểm của cái nắp là sứt núm. Dễ thôi, cuộn giấy lại nút vào là xong. Cương, toán lâm sản, mượn cái ca đi rừng. Khi trả lại, ca đã dược quấn mấy vòng dây điện bọc nhựa, để cách nhiệt, cầm đỡ nóng. Thật là hoàn chỉnh. Cái ca có nắp càng thêm lợi hại. Gọn, xếp được ba khúc sắn nục nạc. Một ngón tay đỡ nắp, rồi dốc ngược, quay đít ca lên trên, vung vẩy đi thì trông hệt cái ca rỗng. Cứ thế mà qua mắt quản giáo, trực trại, mang sắn vào buồng giam. Nội vụ của hắn còn có cái cặp lồng. Một cái cặp lồng ác chiến. Cặp lồng trong tù giống xe đạp của cán bộ công nhân viên thời đó. Vừa là phương tiện đi làm, kiếm sống, vừa là tài sản. Có cái cặp lồng đi làm tha hồ sột sệt . Đốt đống lửa lên, ninh lá sắn non, luộc mấy cái ngồng cải, nếu tốt số tạt được một con cải bắp nữa thì bành Có cái cặp lồng, nhiều khi không tạt được gì cũng bành. Bạn tù kiếm được củ khoai, nắm rau sắng, túi hạt gắm, chục con nhái, cần sột sệt mà không có gì dể nấu, thì cặp lồng của mình đây, cứ lấy mà dùng. Tất nhiên người chủ cạp lồng sẽ là khách mời trong danh dự (miếng ăn thật quí, nhưng hắn vốn rất trọng danh dự). Ngoài việc sột sệt cho mình và cho thuê dịch vụ như cách nói hiện nay, cái cặp lồng còn để đựng nước, một thứ luôn luôn thiếu. Và cuối cùng, khi bí lắm thì chác . Cả một tài sản đấy. Được nhiều thứ lắm. Chỉ những anh có máu mặt, anh em toán lâm sản, toán chăn nuôi, toán nhà bếp mới đủ lực chác cặp lồng. Cái cặp lồng của hắn lại là ngăn dưới cái cặp lồng Liên Xô. Có nắp, có quai xách. To, cao thành, dày. Rang không sợ cháy. Nấu xong bị nhọ, lấy cát đánh bóng loáng, không sợ mòn thủng. Đúng là loại Pơgiô đờ luých! Đờ luých mante! Hắn còn có cả một cái bi-đông nhựa. Tất nhiên bi-đông nhôm nhiều công dụng hơn. Cấu búp chè xanh, nhét đầy bi-đông nhôm, cho nước vào, cời than ở đống lửa ra, đặt bi-đông lên. Chóng sôi lắm. Quản giáo cứ tưởng mình đun nước trắng thôi. Chè búp nấu nước uống ngon hơn chè già nhiều. Nước xanh ngắt. Anh em Cầu Giát, Ba Làng cũng gọi là "nạc chạt". Chất lừ đấy. Ngon hơn bất kỳ thứ chè xanh nào. Nhưng bi đông nhựa cũng có công dụng. Nhất là loại bi-đông nhựa trắng mờ, sần sần như của hắn. Kín kín hở hở rất hay. Hắn đã yểm lạc ở đấy, bồng về. Lần ấy toán gieo lạc. Mỗi người ra lồ xúc một bát men lạc giống rồi đi theo từng luống. Hắn mặc hai quần dài. Quần dài bên trong được chít hai ống vào cổ chân. Chít chặt. Tím cả chân. Thế rồi vừa gieo vừa thót bụng, đổ lạc vào bụng. Lạc tuồn qua bụng, qua đùi, xuống cái quần bên trong đã bị chít, giống như cách dân mình lấy gạo trong kho của Nhật năm đói 1945 mà hắn đã viết trong một tập sách. Lần ấy, anh nào cũng kiếm được một hai ki-lô lạc giống. Nhưng tất cả đều bị thu khi về đến cổng trại. Ai cũng bị khám. Khám cẩn thận, tỉ mỉ. Nắn cả người. Có lẽ anh em đánh hăng quá. Hoặc có ai bẩm . Giắt vào người: mất. Buộc vào khoeo chân: mất. Cho vào ống điếu: mất. Nhiều lạc quá. Đến nỗi ông Quân phải bảo nhà bếp lấy thêm lồ ra đựng lạc. Hắn yểm lạc trong bi-đông nhựa, khoác tòn ten bên vai. Nhìn kỹ thì thấy bóng hột lạc nâu nâu qua lần nhựa mờ đấy. Nhưng các ông ấy không thể ngờ hắn lại có thể yểm một cách hớ hênh như thế. Các ông ấy không chú ý tới cái bi-đông nhựa, mà lại lục cặp lồng. lục bị của hắn, rồi nắn người hắn. Hắn thoát. Mang được vào trại một bi-đông lạc giống, hột nào hột ấy tròn căng. Sau lần ấy anh em khợp lạc ngay tại chỗ làm. Không nghĩ đến chuyện bồng về nữa. Nhưng vỏ quýt dày có móng tay nhọn. Ông quản giáo cho ngâm lạc giống vào nước phân loãng. Đành chịu. Nội vụ của hắn còn có bộ đồ trà. Nói cho đúng cái ca con pha trà là của già Đô. Hắn chỉ có hai cái chén mắt trâu. Khác với anh em trong tù toàn đắp chăn sợi, rét thì hai người đắp chung hai chăn, hắn có cái chăn bông to sù. Có lẽ đó là cái chăn bông duy nhất ở trại trung ương. Vợ hắn sợ hắn rét. Cũng phải kể thêm cái áo bông của hắn. Hai ki-lô! Gấp lại to gần bằng cái chăn bông. Thứ áo bông Trung Quốc chính hiệu. Cổ lông. Lần ngoài ka-ki xanh. Bông chần ngay vào lượt vải lót Anh Văn, anh ruột hắn, đi học thủy điện ở Vũ Hán, Trung Quốc, cho hắn. Dạo còn làm báo hắn đã mặc. Hắn gọi là áo ngự hàn. Mặc vào gió mùa đông bắc chỉ có khóc. Những ngày đại hàn chi cực, đi cơ sở lấy tin xong, trở về cơ quan đứng giữa đám phóng viên tím tái vì rét, hắn kéo phía sau áo bông lên bảo Bình: - Kiếm cái quạt quạt hộ vào lưng với. Nóng quá. Rôm đốt. Ngứa hết cả người. Cái áo bông vào xà lim với hắn một ngày. Chả là hắn bị bắt vào đầu mùa rét. Khi hắn từ xà lim chuyển sang BD cái áo bông được cả B mến. Cứ chín giờ tối, kẻng cấm, đi nằm, cái áo bông ấy biến thành của công. Mỗi ca hai tiếng, hai người thức gác, họ mượn cái áo bông của hắn. Ngồi thu lu giữa sàn xi-măng lạnh lẽo, cửa gióng sắt trống hốc, gió thốc vào, khoác cái áo bông của hắn ấm hẳn lên. Cứ thế ca trước chuyền cho ca sau. Khi lên các trại trung ương, mặc cái áo to rộng ấy, yểm thứ gì vào người cũng dễ. Hắn còn nghĩ được cả cách yểm cải bắp vào áo bông. Chọn cái cải bắp chặt, xinh, to bằng đầu người, xắt đôi ra, đút mỗi nửa vừa khít một tay áo bông. Rồi khoác lên vai (khoác chứ đừng mặc), đi qua trạm gác ngon lành. Chẳng ai đi tù lỉnh kỉnh như hắn. Khi nhìn thấy ông trực trại đi vào, theo sau là Chắt, một người tù chuyên làm việc khoá cửa, mở cửa các buồng giam, mọi người dừng tất cả các công việc. Lúc ấy cả toán vừa đi làm về. Hắn cất cặp lồng nước, phơi xong bộ quần áo ướt và nằm ngửa trên giường mệt nhọc. Hắn nhìn lên mái nhà, mắt trống không. Cạnh hắn, già Đô với bộ râu rễ tre dài tới ngực, lốm đốm hoa râm, người nhỏ thó, đang ngồi xổm soạn những ca, những ống bương đựng nước, những gói, những quần áo ướt mới giặt. Anh em trong buồng giam, người đang phơi quần áo, người quay vào vách, về phía đặt nội vụ, soạn những thứ tạt được hoặc kiếm được trong lúc đi làm, chí ít cũng là vài lít nước múc ở ngoài suối. Người nhanh hơn đã nằm duỗi dài trên sàn. Tiếng lục cục của những phản gỗ kênh, tiếng giũ quần áo ướt, tiếng một anh thử cái nõ điếu mới khoét chóp chóp và cả vài tiếng rì rầm. Họ đến. Tất cả im lặng. Những người đã nằm, ngồi nhỏm dậy. Hơn trăm con mắt nhìn người công an áo vàng và Chắt, người tù số một của trại, nghĩa là người tù “thơm" nhất trại. Hai người đi về phía hắn. Già Đô giấu vội ca rau, làm đổ cả bi-đông nước. Hắn và già Đô cùng quê nên bao giờ cũng nằm cạnh nhau và bao giờ cũng nằm tầng trên, chỗ sát cửa sổ, gần cửa ra vào. Nằm ở những chỗ như vậy, thoáng sạch hơn, lại xa nhà mét Có chuyển buồng bao giờ hắn cũng nhanh chân nhảy lên chiếm chỗ trước cho mình và cho già Đô. Rất nhanh hắn đã kịp ấn con dao mảnh, rộng bằng ngón tay và chiều dài cũng như vậy, xuống cái khe giữa vách và sạp gỗ. Nó rơi xuống tầng sàn dưới không một tiếng động kim loại, bởi vì chỗ ấy cũng lủng củng những nội vụ của Voòng Kỷ Mình, một anh tù tập trung cải tạo, đã ở đến lệnh thứ tư. Ông trực trại và Chắt nhảy phắt lên tầng trên. - Vừa giấu cái gì đấy? Ông ta quát to, nhưng giọng không nhiệt tình. Hắn lễ phép: Thưa ông, không. Mặt hắn tỉnh bơ. Hăn nói dối thần tình. Vào tù hắn đã học được hai điều: ăn cắp và nói dối. Không ăn cắp vẫn sống được đấy. Nhưng khổ. Và buồn nữa. Nếu không có cái lo lắng hồi hộp của việc ăn cắp và bồng của ăn cắp được về trại, thì buồn lắm, buồn không chịu nổi. Sung sướng biết bao khi mình vẫn lấy cắp và mang được về trại tất cả, vượt qua vòng kiểm soát nghiêm ngặt của các ông quản giáo. Ăn cắp với hắn còn có nghĩa phản kháng, tuy sự phản kháng đó hơi nguy hiểm. Nó dẫn tới kỷ luật, cùm xà lim, ăn cháo loãng. Và nếu ăn cắp, nếu vi phạm nội qui, họ không bắt được quả tang thì chối. Chối phắt. Con dao, đó là sự vi phạm nội qui nặng đấy, dù chỉ lâ một mảnh sắt tây được mài sắc, dể cắt một cây rau cải nhổ trộm được, hay gọt vỏ một mẩu sắn chạy nhựa xanh lè vớ được trong rừng, chuột, sóc ăn nham nhở. Ông quản giáo đứng trên tầng trên, đầu gần chạm cái giá dài làm bằng những cây nứa, một kiểu xích-đông chạy suốt phòng giam, trên ấy anh em tù để một phần nội vụ. Chắt làm nhiệm vụ của mình. Chắt bắt đầu lục, giở tung nội vụ của hắn. ông quản giáo đứng nhìn, mặt nghiêm khắc. Không biết ông quản giáo có nhớ hắn không. Chứ hắn thì nhớ ông. Bởi thế nên hắn rất sợ ông. Với ông mọi việc đều có thể xảy ra -------------------- ------------- |
|
|
Dec 20 2014, 02:02 PM
Post
#2
|
|
Bảo vệ tổ quốc Group: Năng Động Posts: 2,169 Joined: 17-December 08 Member No.: 1,269 Country |
Chương 23
Hắn lại bước vào 75. Lần thứ hai hắn bước vào 75. Những tưởng không bao giờ quay lại. Cánh cửa sắt mở ra cho hắn bước vào và khép lại nuốt chửng hắn. Những ngày mới bị bắt năm nào chàm vào mặt hắn. Nhưng không giống lần trước bỡ ngỡ, hoảng loạn và tuyệt vọng, lần này hắn như một người trở về chốn cũ. Hơn nữa lần này trở về đây lòng hắn phập phồng hy vọng. Anh Chân, anh cả hắn đã vào trại QN thăm hắn, báo cho hắn biết: - Anh đã gặp ông Trần, giám đốc Sở Công an P. , trình bày đề nghị... Ông Trần có nói với anh là chỉ giữ hắn ít ngày nữa cho hắn bớt chủ quan đi thôi, trong năm nay sẽ cho hắn về. ít ngày nữa là nửa năm tù rồi còn gì, từ ngày ông Trần nói với anh Chân. Với lại đến giờ cũng là hết năm rồi. Ông Trần và anh Chân trước đây cùng công tác với nhau. Ông Trần là bí thư huyện ủy, thì anh Chân là huyện ủy viên, trưởng ban quân sự huyện. Hai người đã cùng nhau lặn lội xông pha tổ chức nhân dân, xây dựng cơ sở, đấu tranh vũ trang, đấu tranh chính trị, diệt ác trừ gian... Tên hai người - đều nằm ở những dòng đầu tiên trong sổ đen của Pháp. Hắn được gặp anh Chân ở phòng khách của cán bộ, không có công an ngồi cùng. Chỉ hai anh em với nhau. Anh Chân nói những vất vả của anh trong khi tìm gặp ông Trần. Nhiều lần, người thường trực đều bảo ông Trần đi vắng. Đón ở nhà. Không gặp. Cứ ngồi ở cửa suốt trưa nắng. Anh còn ghé sát tai hắn: - Lâm, chánh giám thị ở đây hứa với tao sẽ cho chú gặp mặt hai bốn tiếng. - Anh nói khẽ hơn. - Tao mới xin cho nó một cái phiếu xe Favorit. Hắn với anh Chân rất thông cảm, yêu quý nhau. Ngoài tình anh em, còn có một lý do riêng nữa. Anh Chân cũng bị ta bắt tù oan mười tám tháng. Anh cùng mấy chục cán bộ đảng viên khác bị bắt vào cuối những năm chống Pháp trong một vụ nhầm lẫn đau xót. Một tỉnh ủy viên (có quen bố hắn và hay lại nhà hắn) tự tử. Anh Chân bị cùm cả hai chân giữa rừng, dưới một cái mái che. Mỗi người một mái che. Riêng biệt, xa nhau. Đó là xà lim dã chiến. Mỗi người được một nắm cơm to bằng quả trứng, có dùi lỗ cho muối vào. Cứ thế bẻ ăn, không có đũa. Sợ tù lấy đũa đóng vào lỗ tai tự tử. Anh bảo: "Rất ấu trĩ vì ở rừng thiếu gì cành cây. Muốn tự tử lúc nào chẳng được". Điều kinh khủng nhất là một buổi chiều anh thấy có tiếng chân người đi tới. Rồi tiếng nói khe khẽ với người lính gác sau một lùm cây: Đêm nay có tin Tây nhảy dù xuống đây để cứu bọn gián điệp. Lệnh trên: Nếu vậy thủ tiêu". “Nghe đúng là tiếng thằng Thuấn bên Doãn Khê". Hắn cũng biết Thuấn. Một thanh niên rất hăng hái, tham gia cách mạng cùng với anh Chân và rất quý anh Chân. Cả hai cùng vào chiến khu Đông Triều một đợt, cùng về cướp chính quyền ở Thanh Nguyên. Thuấn và anh không tư thù gì nhau. Thuấn chỉ truyền đạt lệnh trên với tất cả lòng căm thù anh, căm thù bọn đã làm tay sai cho giặc, phản bội Đảng, phản bội Tổ quốc. (Nhưng thật buồn cười, chỉ ít ngày sau Thuấn cũng lại bị bắt, bị cùm ở một lán xà lim ngay cạnh lán xà lim của anh, anh nghe rõ tiếng Thuấn bị đánh kêu oai oái). Kbi Thuấn đã đi, anh bị người lính gác trói chặt. Dù vẫn bị cùm. Trói hai chân. Trói hai tay. Lại trói chân giằng lên tay. Anh đã vào sinh ra tử, bị Pháp bắt, tra tấn, anh đã chui theo đường cống, trốn từ căng Máy Chai ra... nhưng chưa bao giờ anh sợ như vậy. Tiếng gió ngàn từ xa làm anh toát mồ hôi: Anh tưởng như tiếng máy bay địch. Một ánh đèn pin của đội tuần tra cũng làm anh nghĩ là ám hiệu dón máy bay nhảy dù. Anh không tin được rằng mình sẽ sống đến sáng hôm sau. Tóc anh bạc từ dêm ấy. Những chuyện đó hắn nghe lâu lắm rồi. Hắn nghe, thích thú như một người viết văn có một chi tiết hay. Vậy thôi. Hắn nghe và bỏ qua. Lúc ấy lòng hắn đang phới phới. Anh Chân bị bắt ở chiến khu Đông Bắc thì hắn đang ở Việt Bắc. Hắn đi thanh niên xung phong. Hắn vào tiếp quản Hà Nội, hát ở đường đôi bên Hồ Hoàn Kiếm. Rồi hắn đi làm báo. Hắn đi viết văn. Hắn về nông trường đầu tiên của đất nước: Nông trường bông Gia Lâm. Hắn dự lễ thông xe tuyến đường Hà Nội - Lạng Sơn mà không biết rằng anh Chân đập đá ở công trường Chẹ... Trong tù, hắn nhớ lại những điều anh Chân kể và trách mình vô tình. Hắn nhớ lại chuyện con tò vò của anh. Cùm hai chân, anh rình con tò vò làm tổ trên mái. Nó bay đi rồi nó tha về một ít đất. Nó nhào luyện đất xây tổ. Anh chờ đến ba ngày. Cái tổ đã gần xong. Anh ưỡn người về phía sau, xoài tay ra để đạt tầm với xa nhất, bẻ một cành cây nhỏ. Anh lấy răng tách cànn làm hai, thành một cái kẹp. Anh chờ con tò vò chui vào tổ thò ra cái đít mòng mọng. Anh chỉ đợi có vậy. Anh đưa cái cành nhỗ kẹp đít con tò vò. Anh ăn sống nó. Trải qua những điều như vậy, hẳn anh hiểu tình cảnh hắn đang chịu. Hơn hai người anh khác của hắn. Anh đã vất vả vì hắn. Vào tận trại thăm hắn. Những điều anh nói với hắn đang thành sự thật. Hắn sẽ được tha vì hắn đã được về 75. Hắn không nhớ được một người nào trong cái bê hắn ở. Đông. Rất đông. Mà không nhớ được một tên người, một nét mặt. Lại những gì gợi nhớ đến bê dê bê hắn ở cũ. Cái bể đựng nước uống ở đầu hồi phía cửa ra vào, xây sát tường. Phía trên là nộí quy. Kẻ hẳn vào tường. Nằm ở gần đó chỗ sạch nhất là nhóm trung tâm . Giữa nền xi-măng là một rãnh nước chảy suốt xuống cuối nhà, phía ấy có nhà mét. Anh em nằm trên các ván lim hai bên. ở đây mọi người đều mặc quần áo đời thường vì chưa thành án, còn giam cứu, hoặc đã xử nhưng chưa được chuyển đi. Gần trăm con người nhìn hắn bước vào. Với hòm xiểng, cặp lồng, bi-đông, chăn, ca, điếu và nhất là với bộ quần áo số. Tất cả đều kính nể vị tiền bối. Vị đàn anh, người đã dày dạn tù đày, người đã trải qua tất cả. Người đã biết nhiều điều. Ngày ấy cũng đã có cảnh trùm chăn đánh táp-lô . Cảnh ngầm dúi đồ tắc tế cho nhóm trung tâm dể đút lót. Nhưng hắn hiểu rằng hắn được kính trọng. Vì sau lưng hắn là rừng. Là các trại trung ương. Là sự từng trải. Là những điều anh em ở đây tò mò muốn biết và lo sợ phải tiếp nhận. Hắn được nằm ngay cạnh nhóm trung tâm và trả lời câu hỏi của anh em về trại trung ương bằng một câu. Câu ấy hắn đã được nghe khi hắn chuyển từ xà lim sang bê dê cách mấy năm về trước. Câu ấy làm hắn khi đó lớ ngớ - ớn xương sống: - 75 là thiên đường của nhà tù. Thế mà đúng như vậy. Không trại nào có thể so sánh được với 75. Trước tiên đây là một trại tạm giam. Vẻ mặt con người chưa bị mài nhẵn bởi đau tê. Vẫn quần ka-ki, áo sơ- mi. Cả quần xi-mi-li pha ni-lông nữa (loại quần sang nhất hồi đó mà người ta chỉ cần đổi lấy một gói bánh bích-quy). Nước máy. Chất bột thì cũng chỉ một thỏi hai gạt đấy. Nhưng không có cân, không phải dùng cân. Đã đành ở đây có những chiếc bánh mỳ vét bao một nửa là mọt, bửa cái bánh mỳ ra đỏ hồng màu hoa đào, do con mọt thôi ra. Nhưng ở Q.N thì cũng có những bát mỳ xăng người lái đầy những con sâu mỳ béo núc nổi váng. Rau thì không đâu có thể bì với 75 được. Rau của 75 là rau mậu dịch. Mùa nào thức ấy. Giáp vụ cũng chỉ ít thôi. chứ rau ở Q.N thì quá thể. Rau ở Q.N trông mong vào trại (nghĩa là trông mong vào toán của hắn). Lúc giáp vụ rau, cơm chỉ có muối. Cuối xuân phá bắp cải, su hào, trồng rau muống là chết. Rau muống lên xanh chưa được ăn, còn phải để nhân gióng sang ruộng khác. Rồi đến mùa thu rau muống ra hoa, lại phá rau muống trồng cải thìa. cải xanh. Lại chết đợt nữa. Mỗi đợt gần hai tháng thèm rau. Gần hai tháng đói. Trông mong vào mấy lát bí xanh, mấy lát bí đỏ chìm nghỉm trong bát nước, “phải thuê thợ lặn mò". Nếu được bữa khoai sọ, tỉnh đến hôm sau. Mà chính giữa vụ rau cũng kém đây xa. Thứ rau muống Trung Quốc già nhai toàn xơ, nhưng cứ nuốt cả xơ cho đầy bụng. Theo sách khoa, còn chống táo bón nữa cơ đấy. Thứ rau cải bắp già để cả cây, không rửa, cả lá già, lá xanh vứt vào bể. Bể cao hơn đầu, kín một gian kho, phải vài chục khối. Leo vào bể lấy dưa cân cho nhà bếp, dòi leo lên đến tận bẹn. Dòi trắng thành bể, h lại thành vầng ở góc bể. ở 75 rau lại có mỡ. Dù là mỡ hóa học bám vào bát mất một nửa. ở 75 lại có cả khoai tây bi để cả vỏ nấu muối làm thức ăn rất chắc dạ. ở 75 có nước máy, có điện. ở 75 không phải đi làm. Không phải gánh khoán một ngày bốn tạ phân từ chuồng bò về vườn ngoài, vườn trong, qua bốn suối, leo bảy dốc, xuống bảy dốc, chân chạy huỳnh huỵch, dội lên mang tai. Qua suối là khốn nạn nhất. Phải chạy qua những tảng đá cuội lớn rải rác ngang lòng suối. Họ gánh khỏe, họ gánh quen, họ lướt bàng băng. Hắn chỉ cố được sáu mươi cân, vắt được một chân vào tảng đá giữa suối rồi, nhưng không sao bước nốt chân kia sang được. Hắn cứ choạng hai chân giữa hai tảng đá. Bên dưới nước chảy xiết. Lẽ ra phải lấy đà ngay, nhún người bước tiếp ngay, nhưng đã thở ra mang tai rồi. Đầu gối đã run lập cập rồi. Ngã xuống suối không sợ, nhưng tiếc gánh phân. Đã đi được nửa đường. Nếu không có Lê Bá Di đã sang trước bên kia suối, đặt gánh phân quay lại kéo, không biết hắn còn đứng đến bao giờ. Di cũng chỉ khỏe hơn hắn một tý thôi, chứ không thể bằng những người khác, nên Di vẫn đi tụt lại. Qua được suối, hắn thở. Chỉ vì cố thêm chục cân. Hơi quá sức. Sức hắn, năm mươi cân là vừa. Là dẻo vai. Nhưng như thế phải tám chuyến. Hết cả thời gian đi kiếm. Xuống ruộng khoai, lên nương lạc đã dỡ, lấy đòn gánh đào đào bới bới, nhặt củ lạc, mẩu khoai dỡ sót. Hay ngược lên những nhánh suối cạn tìm ráy. Thật không ngờ củ ráy ăn cũng ngon. Thứ củ hồi bé, hắn vẫn giã ra với cua đồng, để cho thối, nén xuống ao làm mồi nhử cá rô, cá trê. Ném được một lúc, tăm cá cứ ngầu lên. ăn ráy ngứa, cu cậu đớp lung tung. Thả lưỡi câu xỏ mồi tép đúng chỗ ấy, cái phao cứ chổng ngược lừ lừ. Giật cá trê sướng lắm, eng ẻng, eng ẻng, kéo mãi mới lên. Vào tù hắn mới biết củ ráy sột sệt rất hay. Củ ráy sống thì ngứa, chứ luộc chín ăn gần như khoai sọ. Không ngứa lắm đâu. Chả thế mà các cụ vần gọi củ khoai, củ ráy, Bọn Thuận Sứt, Hỉn Sán được đi gánh phân là mừng. Họ gánh những chín mươi cân, một tạ. Nghĩa là buổi sáng ba chuyến, buổi chiều đủng đỉnh một chuyến nữa thôi. Tha hồ đi xa, lang thang kiếm sắn, kiếm củ mài, những thứ cao cấp. Hắn cố gánh sáu mươi cân, để giành lấy một hai tiếng đồng hồ cầu may ở gần gần thôi. Vì quanh đây nghe chừng ít có thứ nuôi sống được người. Ngay củ ráy cũng khó. Hắn rủ Lê Bá Di nghỉ hút thuốc lào. Di vốn rất thích thuốc lào của hắn. Thuốc lào trồng vùng đất chua nó đượm, nó ngọt khói. Hai người không nói một câu, xuống suối rửa phân bò ở chân. Hắn cởi cái điếu vẫn treo một bên đầu đòn gánh, lấy thuốc lào mời Di. Tiện tay hắn véo cho Di một véo. Hai người ngồi im lặng nhả khói, nhìn rừng. Rồi Di nhìn hắn. Hắn cũng nhìn lại Di. Bốn con mắt tù gặp nhau. Cùng cảnh ngộ, thương nhau, nhưng không ai dám cởi mở cùng ai. Hắn chờ đợi Di nói một điều gì đó. Vừa chở vừa sợ hãi. Bởi vì nếu trong lúc hai người ngồi hút thuốc lào bên hai gánh phân giữa rừng này mà Di bộc bạch, mà Di tâm sự, mà Di than thở, thì hắn biết rằng hắn không thể nào giữ dược. Hắn cũng sê bộc bạch, tâm sự, than thở cùng Di. Như vậy thật không nên chút nào. Nguy hiểm cho hắn. Nguy hiểm cho cả Di nữa. Di như cũng chờ hắn nói một điều gì đó và cũng sợ hắn nói. Rồi bằng một động tác dứt khoát, Di móc cái điếu vào một đầu đòn gánh, đứng lên: - Đi hè! Hắn cũng đứng lên. Cả hai đều đã thắng được cái ý định muốn nói, muốn nghe. Mỗi người vẫn giữ được mình nguyên vẹn là một vòng tròn kép kín, không san sẻ giãi bày. Lại huỳnh huych, huỳnh huych. Đòn gánh lẳn vào vai. Lại leo dốc. Lại qua suối. Lại xuống dốc. Ngón chân choãi ra bấm vào một đoạn đường trơn bên suối. Đã tới được cái dốc dài ven trại. Chỉ còn cố lên đỉnh dốc, rồi xuống một cái dốc thoai thoải, một bên sát hàng rào cao vút, một bên sát vực sâu suối thẳm, băng qua chiếc cầu gỗ, quành qua đầu sân trại, khi cán bộ làm việc, qua một cầu bê-tông, rồi leo một dốc không đáng kể là tới vườn ngoài. Đến đó là chỗ cân phân. Khi tới gần đỉnh dốc sát hàng rào trại ấy, thì trờiơi, Hắn không tin ở mắt mình nữa. Một bãi phân trâu mới tinh ở giữa đường. Sao bọn Hỉn Sán đi trước không thấy. Chắc là con trâu kéo gỗ nào mới đi qua đây ỉa một bãi. Đúng rồi. Vết cây gỗ miết xuống đất còn bóng đen lên đây này. Nhưng Lê Bá Di đi trước rồi. Lê Bá Di đã đỗ lại. Lê Bá Di sẽ hót bãi phân ấy. Bãi phân mới đẹp làm sao. Tròn. To. Không khô, không ướt. Thật không chê vào đâu được. Hẳn là cứt của một con trâu khỏe. Kìa, Lê Bá Di vẫn đứng. Lê Bá Di chống đòn gánh chờ hắn. Hắn mồ hôi đầy mặt, mồ hôi dán áo vì chạy gằn. Tiếng huỳnh huỵch dội từ gan bàn chân lên óc. Tới chỗ Di, Di bảo: - A Tuấn hót đi. Đó là món quà tặng tuyệt vời. Hào phóng tuyệt vời lòng tốt tuyệt vời. Hắn cúi xuống bốc bãi phân trâu. ấm cả tay. Nở cả ruột. Đống phân to, dễ đến năm cân. Năm cân chỉ phải gánh một phần tư đường đất. Hắn vét kiệt. Vét tới những hòn sỏi con. Thế này bố thắng Thuận Sứt cũng chẳng làm gì được. Nó đã làm như vô tình lấy đầu đòn gánh bẩy bẩy gánh phân của Hỉn Sán vừa cân xong, đổ sụp xuống nhà phân và bới ra một hòn đá phải đến ba cân. Nó thấy mình gánh nặng hơn bình thường là nó sẽ bới của mình ra cho mà xem. Tha hồ mày bới, chỉ có ít cát và sỏi dính vào phân thôi, con ạ. Hắn quệt tay vào cỏ, gánh phân đi tiếp. ở 75 không có những cảnh ấy. ở 75 lại còn gần. gia đình. Tháng tháng nhận tắc. Được gặp mặt. Những người không có gia đình cũng vẫn hơn. Chẳng nói gì cao xa. Ngay món nước mắm thôi, trại trung ương bao giờ có. ở đây, nếu ăn bánh mỳ nước mắm, mỗi người được những mấy thìa. Loại nước mắm tám hào mậu dịch nguyên chất. Dồn nước mắm thừa được hàng bát chậu giả nhà bếp. Chả bù cho ở Q.N toàn rau nấu muối. Hôm nào nhà bếp lỡ tay nấu canh mặn đắng thì lại rất vui. Chung nhau dồn dịch vào cặp lồng, chưng lên lấy muối cho vào ni-lông để dành sột sệt. Một ưu việt dễ thấy nữa của 75 là ma túy, tức là chất khói. Thuốc lá cũng khan, nhưng không đến nỗi. Còn thuốc lào thì thoải mái. Chỗ nào cũng thuốc lào. Thật đúng thiên đường -------------------- ------------- |
|
|
Lo-Fi Version | Time is now: 24th December 2024 - 10:28 AM |