Welcome Guest ( Log In | Register )

> Đèn Cù, Trần Đĩnh
Đạt Tử
post Sep 13 2014, 07:15 AM
Post #1


Bảo vệ tổ quốc
***

Group: Members
Posts: 152
Joined: 2-August 09
Member No.: 4,274
Age: 61
Country







Đèn Cù


Hiệu đính và Biên tập:

Ngô Nhân Dụng, Đinh Quang Anh Thái và Võ Ngàn Sông.

Chương 1

Số Phận Việt Nam Dưới Chế Độ Cộng Sản
Tự Truyện Của Người Từng Viết Tiểu Sử Hồ Chí Minh

ôi đến AtêKa, an toàn khu (ATK) để làm báo Sự Thật đầu 1949.
ATêKa, an toàn khu là gì? Là căn cứ địa đầu não của Đảng cộng sản Đông Dương và chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, nằm ở chân hai con đèo tên Re và So của dãy Núi Hồng chia đôi hai huyện Định Hoá tỉnh Thái Nguyên và Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.
Còn Sự Thật?
Tháng 12 năm 1945, Đảng Cộng Sản Đông Dương tuyên bố tự giải tán cùng với tờ báo tiếng nói của nó, Cờ Giải Phóng. Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác (không cõng kèm chủ nghĩa Lê-nin) bèn ra đời cùng báo Sự Thật. Đây là một vận động trái khoáy ngược chiều cực kỳ hiếm mà lúc ấy tôi chưa biết: vừa giành chính quyền để nổi nênh thì Đảng đã lập tức “thoái trào”, phải rút vào bí mật, giấu tiếng, ẩn danh như chưa từng bao giờ. Con ruồi đậu xuống má rồi bay đi ta còn hay thế nhưng nghịch lý tày trời này hầu như ít ai thấy. Đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại, Đảng không hề kỷ niệm cái sự kiện tự nó đánh giá được đủ hết giá trị thật của Đảng ngày mới ra mắt dân này bao giờ. Trong khi nồng nàn tưởng nhớ những Xô viết Nghệ Tĩnh (thất bại), Nam Kỳ Khởi nghĩa (thất bại) v. v… Toà soạn báo Sự Thật lúc ấy vẻn vẹn ba cây bút sắt: (Hà) Xuân Trường, thư ký toà soạn, Quang Đạm, Thép Mới (cựu binh làm từ báo Cờ Giải Phóng trước 1945). Và một cây bút lông: Phan Kế An, tức Phan Kích hay Kịch, con cả cụ Phan Kế Toại, nguyên khâm sai đại thần nay là bộ trưởng nội vụ, người ký tên đóng dấu nổi vào thẻ nhà báo của tôi. Trong thẻ này, tôi đã chữa 19 tuổi thành 23. Vì sao? Thép Mới nói cái thẻ này ngang với coupe-fil, “cắt chỉ”, của Pháp. Được phép vượt qua bất cứ chặn giữ, kiểm soát nào. 19 tuổi thì có lẽ khó, tôi nghĩ. Và ăn gian.
Ai mách Thép Mới cái thẻ báo chí thời Pháp thuộc cắt phăng mọi rào ngăn: Trường Chinh. Trong mắt chúng tôi, Trường Chinh là cây bút luận chiến tài ba và nhà báo lỗi lạc. Tự nhiên nghĩ ngay vậy thì anh sẽ cho chúng tôi cái quyền cắt mạnh hơn cả thời Pháp mọi ràng buộc cảnh sát tại hiện trường điều tra…
Tôi đến báo đảng ngay sau khi nó vừa mở hai cuộc bút chiến lẫy lừng. Một giữa Trường Chinh và Tô Ngọc Vân về văn nghệ có phục vụ chính trị và làm tuyên truyền không. Tô Ngọc Vân phản đối. Một giữa Quang Đạm và Vũ Trọng Khánh về toà án độc lập hay không độc lập. Vũ Trọng Khánh đòi độc lập. (Lúc ấy Quốc tế phân công Đảng cộng sản Pháp giúp đỡ Việt Cộng nên còn đậm ảnh hưởng phong cách cộng sản Pháp, Tổng bí thư hạ cố bút chiến với luật sư ngoài đảng hay mấy vị cầm đầu đảng chỉ đọc tiếng Pháp, không đọc được tiếng Nga và tiếng Hoa).
Cùng một phong trào chính trị rộng khắp đang được phản ánh lên báo: “cả nước lập công chuẩn bị chúc mừng Đại nguyên soái Stalin - Người Cha của các dân tộc, thượng thọ bảy chục. Kẻ vừa đến nương bên bóng Tổng bí thư là tôi ngỡ như mình đang được hưởng ké một vầng hào quang rất đỗi tự hào.
Năm chục năm sau, một hôm tôi hỏi Quang Đạm ấn tượng của anh về tôi hồi tôi mới đến báo đảng. Anh đấm tôi một cái:
- Nhóc!
Nhóc - chưa 19 mà - đã không chút sợ sệt khi bữa đầu bước vào dẫy lán vắng tanh và lành lạnh đặt bị cói xuống một sàn nứa lởm xởm mốc trắng như một cái lưỡi bệnh đầy tưa, những cái tưa sẽ quấn kín lấy người mình sau một đêm nếu mình không cựa quậy. Lại hơi rờn rợn với rừng kín mít bao quanh. Với ngọn Núi Hồng mà những đêm đại hàn, sương tràn về như lũ sền sệt, cuồn cuộn chảy từ một con đập không thấy đỉnh ở tít đen ngòm trên kia. Tôi thích thấy nó là khói hương từ hậu cung thượng ngàn thả xuống. Vô thức tôi đã thánh cung hoá an toàn khu.
Thử thách đầu tiên đến vào tối tiếp xúc Trường Chinh, Tổng bí thư và Chủ nhiệm báo. Tối ấy sương Núi Hồng giấu kín mãi Trường Chinh cho tới khi anh chợt hiện ra ở trước mặt. Lên sau tôi ít bữa nhưng nhiều tuổi hơn, một cán bộ Thái Bình được hỏi trước.
- Dạ, em người Thái Bình…, em lên làm văn thư…
Tôi thấp thỏm có được Tổng bí thư hạ cố bắt tay hỏi không. Nhưng vướng víu nhất lúc ấy lại là tôi sẽ xưng hô bằng gì. Một cảm giác bứt rứt gần như xui tôi lỉnh.
Trường Chinh tươi cười quay sang tôi:
- Vậy anh tre trẻ này là lính mới báo ta chứ?
- Vâng, tôi lên làm phóng viên báo Sự Thật (đúng như nghị quyết điều động của Trưởng ban đảng vụ Lê Văn Lương đánh máy trên giấy bản mỏng tanh nhưng dai.
Năm 1951, “đảng vụ” (gọi theo cộng sản Pháp chưa cướp chính quyền) mới đổi thành “tổ chức” (gọi theo Liên Xô đã có chính quyền và thành trung ương của phong trào cộng sản quốc tế).
Một ánh ngạc nhiên và thú vị trong mắt Trường Chinh. Bởi vẻ cưa đứt đục khoát và cái chữ “tôi” anh ít nghe thấy ở những cái miệng còn hơi sữa chăng?
Thử thách đầu này vượt tốt. Thử thách thứ hai hơi bị yếu. Sắp kỷ niệm ngày sinh Hồ Chí Minh, báo có bài xã luận “Nhân ngày sinh nhật của Hồ Chủ tịch - Phải tăng cường đoàn kết hơn nữa” của Trưởng ban tuyên truyền trung ương Lê Quang Đạo viết. Tôi mang bài báo sang trường Nguyễn Ái Quốc cho Trường Chinh đang lên lớp ở đó duyệt. Anh bảo tôi mệt, anh đọc tôi nghe. Tôi đọc. Được chừng mười dòng, anh bảo tôi đọc lại từ đầu. Từ surtitre (tựa phụ). Anh có biết là gì không Tôi đáp là biết. Rồi đọc đầu đề phụ “Nhân ngày sinh nhật Hồ Chủ tịch…”
Trường Chinh giơ tay bảo ngừng. Rút chiếc Parker 51 ra, anh đưa tôi bảo chữa đi. “Thấy cần chữa đâu cứ chữa”. Tôi ngồi đực nhìn mãi công trình nghệ thuật là cái nắp bút mạ vàng 18 ca ra. Quá sức tưởng tượng. Viết bằng bút Tổng bí thư! Rồi Tổng bí thư bảo chữa bài Trưởng ban tuyên truyền trung ương viết! Mặc dù trưởng ban ghé ngủ đêm ở báo thường đòi nằm chung với tôi rồi sờ sờ, lần lần. Tôi huých gỡ ra thì cười: “Thông cảm, bọn tớ ở tù nó thành ra mất nết như thế rồi!”
Tất nhiên tôi không chiếu cố tù cách mạng khoản này được.
- Làm báo phải mạnh dạn phát hiện vấn đề, đề xuất ý kiến - Trường Chinh nói. Anh thấy gì ở câu này không?
Tôi vẫn im lặng thì nói:
- Sinh nhật là gì?
- Sinh nhật là ngày sinh.
Và thế là thông nguồn, tôi nói tiếp luôn:
- Chữa lại thành nhân sinh nhật.
- Đúng! Có thể thay vào đó nào nhân dịp mừng ngày sinh, nhân lễ sinh nhật, nhân kỷ niệm sinh nhật…
Trường Chinh cầm bút giập đi chữ “nhật” thừa rồi kéo từ đó ra ngoài lề một đường thẳng mà anh cho tận cùng bằng một con ốc sên, nói:
- Chữ tắt này là chữ d của chữ deleitur, tiếng La Tinh có nghĩa là xoá.
Cái gì còn lại của bài học Tổng bí thư trực tiếp dạy tôi buổi ngu ngơ nhập môn cái chiều đầu hạ ngai ngái mùi rừng mới bắt nắng ấy? Tinh thần không sùng bái, tinh thần được nhìn, phê phán, xây dựng y như Tổng bí thư. Dưới ánh sáng của dấu hiệu deleitur. Phủ định, xoá bỏ. Mà nay trẻ con chúng dùng không biết bao nhiêu lần trên máy tính.
Thử thách thứ ba là bài báo đầu tiên. Lúc ấy vừa có cuộc bầu cử hội đồng nhân dân xã xong. Trường Chinh nói báo phải có bài “tươi mát”, tức là có chất văn học, thuật lại sự kiện này. Thép Mới, cây bút ký sự văn học đi Khu 3, tôi bị nhót ra thế mạng.
Không biết bầu cử cụ thể nào, tôi bịa. Nhưng bài báo đặc biệt sinh động, chân thực. Có cả cô gái Tày reo a lúi! trên đầu đẳng nhà sàn. Với tôi lúc ấy a lúi (ớ kìa) là thán ngữ đáng yêu nhất. Ai nói a lúi đều là con gái mặt hoa da ngọc.
Sau đó, Trường Chinh bảo cần một bài về tình quân dân.
Lại tôi. Tôi dựng ra một vùng chiêm trũng giáp vùng địch bị lụt, mùa màng ngập trắng, lúa sắp mọc mầm. Thì bộ đội về. Kỳ tích xuất hiện. Trắng đồng, sạch đồn..
Họp điểm báo hàng tuần, Trường Chinh khen tôi viết lôi cuốn. Nhưng tôi dùng sai chữ: phổng phao lại viết thành phổng phang.
Tôi cãi:
- Địa phương ấy nói thế.
- Viện đến tiếng địa phương thì hết bàn rồi… - Trường Chinh nói.
Chắc anh đã thấy cái sừng dê cỏn trên trán tôi.
Tôi liền rất xấu hổ. Nhận ra sai nhưng không có gan nhận.
Từ Khu ba, mẹ tôi gửi một thư lên. Không tem, nằm trong bị cói giao liên đêm đêm vượt đường 5, đường 6 khát máu. “Mẹ rất yêu cái tên Trần Đĩnh cộc. Con được vinh dự ở bên các vì sao sáng, con phải chịu khó, ngoan, vâng lời. Mẹ cấm hút thuốc lá. Buồn mồm vào rừng bứt lá mà nhấm, nghe không? Kèm một tấm ảnh đề ở lưng: “Xa xôi trăm dặm mẹ gửi lòng yêu thương của mẹ và các em vào bức ảnh này. Ban tặng Trần Đĩnh”.
Tôi nặng lời dặn đầu. Nhẹ lời sau. Thuốc lá mán dầy cộp và nhơm nhớp nhựa tôi quấn hai ba lá thành một điếu xì gà gộc dài hai chục phân tây còn nguyên các cánh hoa cỏ, những cánh hoa li ti trắng như những mã số khói loằng ngoằng một loài chim mật ghi tri thức tông truyền mà tôi nuốt trộm. Còn những “vì sao sáng” thành hết Nam Tào, Bắc Đẩu và tôi thì sẵn sàng hy sinh mình cho các ánh sáng thiêng liêng đó. Đôi khi dựng ra những kịch bản ảo rất hiểm nghèo để tập xả thân.
Một nếp quen gần thành kỷ luật của thời hoạt động chui lủi là mỗi người một bí danh. Cái bí danh hết sức hấp dẫn, ai cũng loay hoay cả tháng kén tìm cho mình một cái: nó cho anh một vận hội mới, nó cho ta sang trang, đổi đời thay phận cơ mà.
Chả hiểu sao tôi dứt khoát không bí bầu gì cho mình cái danh nào cả. Tuy đôi khi cảm thấy bên sườn trống chếnh thật!
Dạo đó ở Ateka, an toàn khu không nói tới giai cấp với chủ nghĩa xã hội. “Giấc ngủ mười năm” của Cụ Hồ mượn tên Trần Lực chỉ viết đến kháng chiến thắng lợi và đất nước hạnh phúc chung chung. Ai rồ mà lại nói chủ nghĩa xã hội, cải cách ruộng đất, thủ tiêu giai cấp? Để cho dân bỏ vào tề hết à? Về danh nghĩa Đảng đã giải tán, hoạt động trong bóng tối che chắn của chính quyền do đảng nắm chặt. Nội san của đảng cũng chỉ nói đến “tổ chức” hay “đoàn thể” và người ta đã đăng lên đó một chuyện vui: khi tuyên thệ trước ảnh Mác, Ăng-ghen, Lê-nin, Xít, “hội viên” bần cố nông vừa thôi chui “cổng mù” và mới được “đoàn thể” kết nạp đã “bẩm thưa mấy ông Tây rậm râu!”
Có thể nói lúc đó, Atêka chưa gò ép dữ. Mà còn cho tôi hưởng một không khí dân chủ, thoải mái nhất định. Dạy triết cho anh em quanh văn phòng trung ương, gồm cả báo đảng, đến quy luật lượng đổi chất đổi, Trường Chinh giải thích bằng cái thực tiễn dễ bập nhất vào đầu, cái thực tiễn đang quá ư khan hiếm và là mơ ước rộn rạo của hầu hết. Tức là giao hợp. Những cái nhún nhảy vào ra (nhiều anh em ở đây chưa có vợ nhưng có thể tưởng tượng ra, cái này không phải học mà). Trường Chinh rào trước, ấy là số lượng, số lượng nhiều đến mức nào thì người khoái rủn tỉ lên và lúc ấy là chất đổi. Mọi người cười rầm. Ngỡ chữ “rủn tỉ” chỉ kẻ phàm mới nói. Riêng cái cười Trường Chinh lúc ấy còn ngụ thêm ý: này, đừng tưởng tôi kém cạnh đâu đấy nhé. Chả lẽ tôi lại kê khai ra?
Đám cưới Võ, người cần vụ Trường Chinh, tôi dự đến trót cho tới khi Trường Chinh bảo hai vợ chồng mới cưới về. “Này, tôi bảo về nhưng mà giữ sức khỏe đấy nhá!”. Cười thú vị xong quay lại bảo tôi, khách còn lại cuối cùng ở “phòng khách” nhà anh: Thì cũng dặn sách vở giáo điều thế thôi chứ tôi ấy à, mai bà Minh đây (chỉ vào vợ) đẻ tối nay tôi vẫn jusqu’ au bout - đến cùng” (giơ ngón tay trỏ lên bấm vào gốc làm chừng). Trường Chinh kể một chuyện khiến tôi cảm thêm anh. Pháp đánh vào căn cứ địa chân Núi Hồng, giữa lúc Trường Chinh ở Bắc Cạn bị Pháp nhảy dù và anh đã bị kẹt trong một hầm “tăng sê” có mái ở giữa thị xã đầy lính Pháp. Lính đã đứng ở miệng hầm gọi xuống: “Ra đi, các quan trông thấy cả rồi…”. Trường Chinh bảo hai mẹ con một bà cùng nấp ở dưới hầm: “Bà ra là chúng hiếp cả hai mẹ con rồi giết…”. Anh đã cho hết giấy tờ trong người nhai nát rồi nuốt, chuẩn bị hô hai khẩu hiệu: Việt Nam độc lập muôn năm! Đảng cộng sản Đông Dương muôn năm. (Lúc ấy chưa phú quý nên chưa có lệ lễ nghĩa hô Hồ Chủ tịch muôn năm!) Đợi đêm tối Trường Chinh xuyên rừng mò về chân Núi Hồng thì Trung ương đã dạt cả sang Bắc Sơn - Đình Cả. Pháp theo sát nút. Linh hồn của kháng chiến thoát trong đường tơ kẽ tóc. Nhưng con chó béc-giê thuộc Tiểu đoàn 51 tiền thân Trung đoàn Thủ đô, con nuôi báo Sự Thật tặng Cụ Hồ đã bị hổ vồ.
Trong khi trên đường sang Bắc Sơn, nơi đã được Văn Cao cho sắc chàm pha màu gió, buồn tình, bọn Phan Kế An bắn súng cao su phá tổ ong rừng và cả đoàn của Thường vụ Trung ương chạy Tây liền bị ong rừng đuổi đánh. Lê Văn Lương - trưởng ban đảng vụ kiêm công việc như thường trực Ban bí thư bây giờ - chui đầu vào một bao tải thoát nạn phần nào. Hoàng Quốc Việt bị nặng nhất. Ông cứ vừa thúc ngựa tế vừa tế đứa nào mất dạy, vô kỷ luật… và ong theo luồng gió hút cứ nhè ông. (Sử sách xưa chép chuyện quân khởi nghĩa Lam Sơn chạy trốn phải rúc vào bụi rậm, quân Minh lao giáo theo chứ nay sử cách mạng cấm ghi mặt trái của chiến thắng…) Qua trận ong, Thường vụ Trung ương đảng vừa sang tới Bắc Sơn thì Pháp nhảy dù tại trận và đổ quân từ Lạng Sơn xuống. Thường vụ lại vội lui giật trở về chân Núi Hồng. Thời gian này, Cụ Hồ gọn nhẹ ra đi cấp tốc, bỏ rơi đại tá hàng binh Đức, Nguyễn Dân được lệnh hộ tống Cụ. Tiểu đoàn trưởng Vũ Lăng ở dưới quyền chỉ huy của viên đại tá nước ngoài này. Thời ấy ý thức “vô sản một nhà” còn mạnh nên hàng binh được phong đại tá và giao trọng trách phò Chủ tịch nước chạy giặc.
Thoát hiểm ở Bắc Cạn về, vừa hay gặp lại Trung ương dạt sang Bắc Sơn quay lui, Trường Chinh ngồi ngay ở bên đường (đầy vết giày đinh Pháp) suy nghĩ. Địch vây lùng như nhìn thấy mọi ngả tung toé chạy giặc của đầu não kháng chiến. Tình hình quá nước sôi lửa bỏng. Nhưng đám Thép Mới, Phạm Văn Khoa, Triện Triệu… vẫn cứ đùa tán ầm ầm. Trường Chinh nghiêm giọng gọi Thép Mới đến:
- Anh Hồng, thích vui vẻ trẻ trung thì anh có thể về Hà Nội!
Thép Mới nghiêm mặt đáp:
- Thưa anh, tôi nghĩ làm cách mạng thì dù tình huống nào ta cũng phải lạc quan vui vẻ chứ anh?
Trường Chinh lặng một lát rồi nói:
- Anh nói đúng nhưng tôi đang cần yên tĩnh, các anh giúp tôi ra xa ngoài kia tán có được không?
Tổng bí thư bớt không gian tư duy chính trị để chia cho cấp dưới không gian du hí. Lúc ấy chế độ trứng nước, người hiếm của kiệm, ngày mai vẫn là ẩn số lớn, lợi ích vật chất không hơn thua nhau mấy, lương lậu chưa có, cơm ăn áo mặc cơ bản bình đẳng, đảng chưa thể ngoài điều lệ lại giấm ớt phụ gia 19 điều cấm với đảng viên. (Và qua việc đảng viên vui nhận 19 khoản cấm đoán vô lý, đủ thấy lợi đã đến với đảng viên lớn tới mức nào).
Tấm áo sang nhất lúc đó ở căn cứ địa là hai chiếc blu-dông Mỹ bằng gabácđin, chiến lợi phẩm Trung đoàn Thủ đô biếu Cụ Hồ và Trường Chinh. Cụ còn có khoản rượu thuốc do Lang Bách, cũng lão thành cách mạng, bạn thân của Kỳ Vân, dưới trướng Nguyễn Lương Bằng pha chế. Lang Bách mang rượu đến tiến Cụ thường hay qua toà soạn báo Sự Thật tán gẫu. Có khi còn hỏi: “Có cậu nào muốn thử không, tớ sớt cho một tí? Một chén thôi là có thể bỏ cơm cả ngày!” Không anh nào dám sớt lấy một ít rượu thiêng.
Cho đến đầu năm 1949 Atêka vẫn chưa có bệnh viện. Trường Chinh đi công việc qua Đại Từ thường mua thuốc chống sốt rét quinacrin dân tản cư bán lẻ trên mẹt ở bên đường rồi về trao cho văn phòng trung ương phát cho người ốm.
Phải nói đến một thiết chế rất đặc biệt: “Nhà hạnh phúc”, một hai gian nhà dành riêng cho người ở cơ quan tiếp vợ hay chồng ở nơi khác đến.
Nhà hạnh phúc ra đời có lẽ là nhờ Trường Chinh. Một hôm anh lắc đầu nói với chúng tôi: “Ai lại anh Dương Đức Hiền, Tổng thư ký đảng Dân Chủ đến thăm vợ ở Phụ Vận (đảng đoàn Hội phụ nữ) mà phải đưa nhau ra rừng, một cụ phụ lão bắt gặp cứ kêu khắp bản lên là ôi thương tụi cán bộ quá, đè nhau ở lưng đồi thế kia. Nghe đâu anh Hiền lại còn ngóc đầu “chào cụ!” nữa chứ, cho đúng kỷ luật dân vận đi thưa gặp chào! Vì thế “Nhà hạnh phúc” bèn xuất hiện.
Một dạo chúng tôi ở Đồi A1, chung với ban kiểm tra của Trần Đăng Ninh và ban kinh tài của Nguyễn Lương Bằng. Tắm giếng, giỡn nhau cách tôi năm mét, Ninh hay bóp vú Sao Đỏ rồi kêu: “Béo nhỉ! Lấy vợ không? Thôi, lấy đi, nằm với vợ mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát”.
Một sáng mưa, trên đỉnh đồi nhìn xuống bếp dưới chân đồi, chúng tôi thấy Dương Đức Hiền đang ngồi xổm sưởi bèn vội xuống mời lên nhưng Hiền từ chối. Hôm ấy có việc thỉnh thị Trường Chinh, anh ghé bếp báo đảng lánh mưa. Tổng bí thư Đảng cộng sản trao việc cho Tổng thư ký Đảng Dân Chủ, còn lương thì tài vụ của Nguyễn Lương Bằng cấp. Cấp cả văn phòng phẩm - bao nhiêu giấy, mấy ngòi bút sắt, bút chì… Chả ai thấy Đảng Dân Chủ là chuyện cây kiểng sất cả.
Thép Mới nổi tiếng ở Atêka về phương châm anh tự đặt ra để răn mình: “mù, què, câm, điếc”. Cưỡng lại kỷ luật đang bắt đầu đi vào nề nếp sau khi cuốn “Bàn về tu dưỡng của người cộng sản” của Lưu Thiếu Kỳ được dịch và học tập rộng rãi. Quyển tu dưỡng đảng viên này dạy đảng viên tuyệt đối trung thành với đảng cùng gìn giữ kỷ luật, tóm lại hãy quên cá nhân đi. Tôi nhớ nhất chuyện một số người hỏi Lê-nin vào Đảng Xã Hội Dân Chủ Nga của Plékhanov rồi phá nó để lập Đảng Cộng sản Bolsevich thì có là chống đảng không, Lưu Thiếu Kỳ giải thích: không, bởi đó là Lê-nin còn anh thì chống đảng vì không là Lê-nin!
Một sáng sớm, Thép Mới và tôi, đứa chai rượu, đứa chai tương (tuột mất nút lá chuối, tôi phải bịt bằng ngón tay cái) đi đến một quán thịt chó trên đường sang Bộ tổng tư lệnh. Chợt có tiếng vó ngựa trước mặt. Thép Mới đánh nhoáng đã rúc vào bụi mua ven đường đầy sương long lanh. Một người cưỡi ngựa đi tới, mắt đen quăng quắc nhìn tôi đứng đực ngó lại ông vì tôi mải để ý đến bộ ria mép chải chuốt đen ánh, hệt một vật trang sức trên mặt. Ngựa khuất, Thép Mới ở trong bụi mua chui ra:
- Xừ Hoàng Quốc Việt… Tổ sư chụp mũ. Hắc lắm. Tao gọi cái điếu cày là ba-dô-ca mà xừ đến đâu cũng đem ra nhiếc: “Giai cấp công nhân đổ máu với nước mắt ra mới chế được thứ vũ khí lợi hại thế mà có người ví là cái điếu cày!”.
Lúc ấy tôi mới thấy ở đầu bản phía trước trắng muốt nguy nga một cây mai đang rộ hoa. Màu mai trắng ngỡ như đang bọc kín lấy cái bản này vào trong một vùng khí riêng thuần khiết. Chợt nghĩ dân bản này chắc phải là nghệ sĩ hết. Mới biết dựng lên bản kỳ, cây cờ của bản, quá đẹp này.
***
Một dạo Phan Kế An ngày ngày đến vẽ Cụ Hồ. Một chiều về sớm hơn, An nói: “À, cái Z tự nhiên mang ba lô, chăn chiếu đến chỗ Ông Cụ, tớ được xua về sớm. Vài tháng sau, An lại về muộn. Hỏi vì sao thì An nói không thấy Z. đến nữa. “Chắc máy Cụ yếu!”, giải đáp thuần túy sinh học. Không tính đến sở thích, gu của cụ.
Hồi đó, nhiều cộng tác viên tên tuổi như Nguyễn Khánh Toàn, Trần Văn Giàu, Xuân Thuỷ, chủ nhiệm báo Cứu Quốc. v.… hay lui tới Sự Thật. Cái tiền sảnh kề bên Tổng bí thư này là nơi các vị được nói năng thoải mái nhất, không sợ lộ bí mật, bô báo. Có mấy vị thường kể chuyện học ở Liên Xô.
Một hôm đi tắt về báo, qua sau dẫy chuồng xí của Văn phòng Tổng bí thư, tôi nghe thấy tiếng Lê Đạt, thư ký văn hoá văn nghệ của Trường Chinh láu táu nói rất to ở trong đó. Lát sau, tôi hỏi Đạt: “Cao đàm khoát luận gì trong chuồng xí thế mày?”. Đạt cười: “À, ngồi cạnh ông Thận, ông ấy hỏi ý kiến về bài Trần Văn Giàu viết về nhất nguyên, nhị nguyên trong triết học ở trên báo chúng mày…”
Nên chú thích: chuồng xí là một dẫy ba ngăn có liếp nứa che chắn từ vai xuống cho nên nếu ai đó cần “lên gân” thì thường phải quay mặt đi cho người ngồi bên không thấy mình đang quá vất vả vận dụng nội lực. Ít nhất đó cũng là chỗ không dung túng cho người ta che giấu hẳn thái độ.
Đầu 1949, Trường Chinh tuyển thư ký phụ trách văn hoá văn nghệ. Lê Đạt học ở trường luật được đưa về. Vừa tới trướng phủ, vừa nhất kiến Tổng bí thư, Đạt đã liền trái ý. Để thử sức thư ký mới, Trường Chinh đưa cho Lê Đạt quyển Le culte de l’ homme của Jacques Ducour, cộng sản Pháp:
- Ông này bàn về thờ phụng con người, anh đọc xong nói lại nhận xét của anh với tôi.
Hai hôm sau Đạt nói:
- Thưa anh, tôi thấy không nên dùng chữ thờ phụng con người.
- Vì sao?
- Tôi cũng chưa nói được rõ nhưng có lẽ nên nói tu dưỡng, vun xới, vun trồng gì đó.
Đang cần thờ phụng con người, Trường Chinh nạp ngay kẻ lần đầu ngỏ lời đã nói trái. Qua mười năm, có kim chỉ nam, ông đánh tơi tả kẻ muốn vun trồng con người, dám nói đến nhân văn.
Lâu về sau, một lần nhắc lại chuyện này, Đạt nói:
- Lúc mình chả có gì giúp nước mấy thì các ông ấy dùng. Lúc mình có nhiều cái để giúp thì các ông ấy nện.
Trở lại chuyện mấy vị lý luận sừng sỏ Trần Văn Giàu, Nguyễn Khánh Toàn… của đảng hay tạt Sự Thật tán. Cán bộ nói chung thường độc thân, vấn đề sinh lý nổi lên ám ảnh.
Một bữa, một vị (cho miễn nói tên) nói chuyện khi học ở Liên Xô cua gái Liên Xô thế nào. Này, tóc màu gì thì lông ở chỗ ấy cũng mầu ấy, thế chứ, có đứa như nghịch đem cả một cái mai cua bể luộc đỏ au úp vào… Rồi lại nói Ông Bác chỉ tìm nạ dòng. “Sao lại thế?” Thấy bác dại, chúng tôi kêu lên. Thì được giải thích: “Thế là Bác khôn, nạ dòng thì đỡ rày rà hậu sự …”
Nhiều vị thèm lấy vợ bé. Nêu cả danh tính các đối tượng trong mơ ra. Rồi kể tiếu lâm. Những chuyện làm giậm giật hết chân tay đã thành một mục giải trí công cộng. Hội nghị hễ nghỉ giải lao lại tán chuyện tiếu lâm. Ngay tại hội trường.
Họp Quốc hội, đại biểu mắc màn ngủ liền nhau trên sạp nứa dài chừng mươi mười lăm mét, khuya Nguyễn Hữu Đang vào lầm màn linh mục T., thân sĩ kháng chiến nổi tiếng. Nguyễn Hữu Đang kêu lên: “Ối giời, thảo nào mời ra làm cố vấn tối cao. Cao quá kìa!” Linh mục cười: “Mấy hôm họp Quốc hội được 'văn hoá cao' có cá thịt vào bụng nó mới vô kỷ luật thế”.
“Văn hoá cao” nghĩa là ăn có thịt cá. Đến mức khốn nạn nào đó, cờ soái văn hoá nhảy sang cắm vào miếng thịt.
Tố Hữu một trưa dậy ra suối giặt quần đùi. Ca cẩm với Kim Lân:
- Xuân Diệu nó mó máy mà tuột bu nó mất xích, mệt quá! Mà hai hôm nay lại cơm ăn toàn với măng.
Hai chuyện trên đây nằm trong danh mục tiếu lâm có thật.
Còn một chuyện không rõ thực hư.
Năm 1950, quân chí nguyện Trung Quốc kháng Mỹ viện Triều (Triều Tiên) với tổng tư lệnh là Nguyên soái Bành Đức Hoài, tên tuổi mấy vị nguyên soái Bát Nhất bỗng nổi như cồn trong an toàn khu. Ca ngợi nức lòng, nhắc đến còn nhiều hơn Mao và Lưu Thiếu Kỳ. Chúng tôi nghe được một chuyện về Chu Đức: cái của ông dài quá xá, trên đường vạn lý trường chinh khi đại tiện, ngài cứ phải lấy tay bưng lên không thì dính bê dính bết các thứ bẩn thỉu. Đúng không? Ai biết! Mà ai ở ta có thể biết? Loại suy dần thì còn hai vị có hoạt động lâu và sâu sát với bạn là Nguyễn Sơn và Bác. Chả hiểu sao đều thiên về khả năng Bác là người phổ biến sự tích kia và thế rồi tin xái cổ…
Đến đây đã có thể rút ra kết luận rằng càng gần sự thật thì càng nhiều dân chủ và ngược lại - càng nhiều dân chủ càng gần sự thật - được chưa? Chưa đánh thông biên giới phía bắc, các cố vấn Trung Cộng chưa sang, còn phong cách dân chủ của cộng sản Pháp…

Trần Đĩnh


--------------------



....
Go to the top of the page
 
+Quote Post
 
Start new topic
Replies
Đạt Tử
post Sep 13 2014, 07:22 AM
Post #2


Bảo vệ tổ quốc
***

Group: Members
Posts: 152
Joined: 2-August 09
Member No.: 4,274
Age: 61
Country






Chương 4

sau chiến dịch Tây Bắc, giải phóng Nghĩa Lộ, một phần tỉnh Sơn La, thôi bao vây Nà Sản. Tôi và Tô Hoài đã dự cuộc họp Võ Nguyên Giáp kết thúc chiến dịch: không đủ sức công kiên vào tập đoàn cứ điểm đầu tiên mà Pháp gọi là “con nhím” này. Tôi thôi tùy quân ký giả, ngồi nhà phụ trách tổ cải cách ruộng đất của báo.
Tôi náo nức, xúc động. Cả nước đang tích cực chuẩn bị cuộc cải cách ruộng đất long trời lở đất giải phóng anh em giai cấp. Cụ Hồ có bài báo tiếng Pháp đăng đầy hai trang tờ “Vì một nền hoà bình lâu dài, vì một nền dân chủ mới”, cơ quan ngôn luận của Kominform, sau khi Stalin và Mao lên cho cụ một bài gân lập trường vô sản. Lúc ấy chưa đọc hồi ký Khruschev, tôi chưa biết: gặp Hồ Chí Minh, Stalin đã chỉ hai cái ghế nói: ghế này của nông dân, ghế này của địa chủ, anh ngồi vào ghế nào? Câu hỏi không giấu vẻ miệt thị và thế là ra đời bài báo Cụ Hồ tự phê bình đã chậm tiến hành cải cách ruộng đất. Tôi (Cụ nói) không nhớ rằng ở Việt Nam, tổ quốc còn gọi là đất nước - đất và nước cho nông dân. Bài báo có nghĩa cụ đã thế chấp bản lĩnh riêng để đổi lấy phe. Cụ rất hiểu: muốn làm cách mạng thì phải được phe cho nắm quyền! Như trước kia được Quốc tế cho phép lập đảng. Và giòng sông vào biển từ nay hoá mặn.
Chuẩn bị cải cách ruộng đất, từ giữa tháng 7 đến cuối tháng 9 - 1953, Trung ương mở một lớp chỉnh huấn cho trí thức trong và ngoài đảng làm việc ở chính phủ và các đoàn thể trung ương. Nhiều tên tuổi như Bùi Bằng Đoàn, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Văn Huyên, Thế Lữ… đã dự học. Mục đích sâu xa là xây dựng lập trường giai cấp, đề cao công nhân, bần cố nông, hạ uy thế chính trị và tư tưởng của trí thức và các giai tầng không lao động chân tay khác. Sau đó, bắt đầu triệt để chỉnh đốn tổ chức, theo phương châm mạnh mẽ đề bạt công nông, gạt bỏ các thành phần “không trong sạch”.
Nhưng nói chung không mấy ai nhìn trước thấy triển vọng tối tăm, mà nếu có nhìn ra thì cũng thấy đó là điều hợp lý…
Mấy tòa nhà lán tre nứa cao rộng vây quanh hai mặt một hội trường lớn. Riêng ở một tòa ở xế trước hội trường là ba hay bốn chi bộ (gồm cả đảng viên lẫn không đảng phái). Chi bộ đầu lán có Nguyễn Cao Luyện, Tạ Mỹ Duật. Liền với nó, trên cùng một sạp giường nứa dài cả hai ba chục mét, một chi bộ nữa và đặc biệt lại có Nguyễn Tư Nghiêm và tôi. Ở sạp đối diện, cách một lối đi là hai chi bộ nữa. Một có Đặng Đình Hưng và một có Vũ Chính, Tổng cục trưởng Tổng cục 2 sau này.
Tố Hữu là bí thư học ủy. Cụ Hồ cách nhật, có khi liền ngày, đến xem điện ảnh, liên hoan với học viên. Cụ có mấy câu nổi tiếng trong hội trường: “Bác Hồ muốn nằm” khi mọi người hô “Hồ Chủ tịch muôn năm”. Rồi tay chỉ vào đầu: “Từ đây thì Bác già, nhưng từ đây (tay chỉ vào bụng) thì Bác trẻ”. Một hôm, Bác nói: “Các chú các cô không sợ người ta kêu mình kém tri thức, ít lý luận. Họ kêu thì bảo họ rằng tôi lú nhưng chú tôi khôn. Chú tôi là Stalin, Mao Trạch Đông…”
Lê Duẩn thường có mặt. Giảng bài chính: Lập trường giai cấp nông dân và cách mạng dân tộc, dân chủ. Duẩn nhấn mạnh trong bước cách mạng này, người cộng sản phải có lập trường giai cấp nông dân để hiểu được nguyện vọng nông dân mà kiên quyết lãnh đạo họ cải cách ruộng đất, lấy lại quyền lợi, làm một cuộc đổi đời.
Tôi ngợ: theo Mác, Lê-nin thì người cộng sản không thể có lập trường nào khác ngoài lập trường giai cấp công nhân. Có điều ý kiến của Lê Duẩn chỉ nói ở trong cái lớp mấy trăm con người này. Vả chăng không ai dám phê phán hay chất vấn sất.
Phải nhận Duẩn nhiều ý độc đáo. Như ta mất nước cho Pháp là vì lúc đó đang là thời đại chủ nghĩa tư bản nó chiến thắng áp đảo phong kiến. Đổ hết tội cho nhà Nguyễn là không thấy xung đột của hai phương thức sản xuất, một đi lên, một tàn lụi.
Duẩn mới ở trong Nam ra với biệt hiệu đơ-xăng bu-gi, hai trăm nến (tiếng Pháp deux cents bougies - BT) chỉ sau có Cụ Hồ xanh-xăng bu-gi, năm trăm nến.
Chúng tôi hay xúm quanh Lê Duẩn để hỏi. Phải nhận ông có những cách giải thích độc đáo mà nay nghĩ lại thì thấy thường là ngụy biện. Chẳng hạn trả lời tại sao chỉ có Đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam chỉnh huấn còn các đảng Âu Mỹ thì không, Duẩn nói, vì ta và Trung Quốc ít công nhân cho nên phải bỏ công ra tỉa gọt từng đảng viên cho đa số có được lập trường giai cấp vô sản.
Một tối kẻng thình lình gọi toàn thể lên hội trường. Tề tựu lâu rồi mà trên sân khấu vẫn vắng tanh. Mọi người bắt đầu nhớn nhác thắc mắc. Thì Tố Hữu ủ rũ đi vào. Theo sau là cụ Hồ và nhiều người khác. Ông Cụ ngồi xuống ở trên cùng hàng đầu. Tôi bỏ chỗ leo lên ngồi ngay đằng sau lưng Cụ. Tố Hữu bước lên sân khấu, cằm đè lên hai tay bưng một vật gì ấp vào ngực, vẻ như cố giấu cái việc anh đang quay lưng lại lúi húi làm trên đó. Rồi cúi đầu đứng lặng một lúc khá lâu nữa. Khi mọi người bên dưới to tiếng hỏi nhau, Tố Hữu mới từ từ quay lại, nước mắt chan hòa trên mặt từ lúc nào. Trên phông mầu đỏ hiện lên chân dung đại nguyên soái Stalin. Bộ quân phục trắng lốp làm nổi bật hơn lên dải băng đen viền quanh rồi thắt nơ túm lại ở bên dưới.
Tôi thấy bàng hoàng hơn là đau buồn. Đúng hơn nữa, tôi vẫn bị khó chịu vì cái kiểu “đánh đố loài người” của Tố Hữu.
Ông ấy hình như tranh hơn thiên hạ cả ở chỗ được biết sớm hơn hung tin, do đó được ưu tiên đau xót trước và nhân thể lại tranh thủ dịp thị phạm cho lớp trí thức ngồi đây thái độ cách mạng đối với cái chết của lãnh tụ…
Trước mặt tôi, Cụ Hồ nức nở. Không ngừng đưa khăn tay mầu trắng lên lau nước mắt và nước mắt thì cứ chảy trên hai má Cụ đỏ bóng vì khóc, vì xúc động. Xong truy điệu, Cụ lập cập đứng lên về gian phòng dành riêng cho Cụ ở đằng sau hội trường, trong dẫy văn phòng học ủy nhìn xuống nhà ăn tập thể. Quên hộp thuốc lá Trung Hoa Bài hình tròn ở trên ghế bên cạnh.
Tôi cầm lấy nó đi men hiên đất cao hẹp rẽ vào phòng Cụ. “Dạ, thưa Bác, Bác để quên ạ!”
Cụ ngửng lên nhìn và tôi bỗng thấy mình lạc lõng quá, vô duyên quá, tọc mạch quá. Mặt Cụ xưng lên, đầm đìa nước mắt, hai mắt húp lại, những nét tôi chợt thấy chỉ cốt để cho mình Cụ được biết, một cái gì hết sức bí mật, riêng tư. Cụ ngơ ngẩn nhìn tôi, nhìn hộp thuốc lá như không hiểu tôi vào làm gì, cái hộp kia là gì và của ai… Tôi vội quay rất nhanh ra ngoài.
Hội trường tắt đèn. Chân dung Stalin chìm trong bóng tối.
Tôi bật nấc lên.
Lúc này nỗi thương đau của Bác Hồ có lẽ mới thấm vào tôi.
Ít lâu sau bài thơ khóc Stalin đăng lên báo, tôi nhận thấy mình đã thành kiến với Tố Hữu. Nhà thơ đã đau đớn thật:
“Thương cha, thương mẹ, thương chồng,
Thương mình có một
còn thương ông thương mười”. (Thơ Tố Hữu)
***
Một tối họp chi bộ nghe và nhận xét các bản tự kiểm thảo của nhau. Sau mỗi bài học cơ bản lại có một cuộc tự kiểm thảo và cuối lớp sẽ có bản tổng kết tư tưởng, gọi ra tên hệ tư tưởng của mỗi người. Tố Hữu xuống dự chi bộ chúng tôi tối đó. Tôi có phần đao to búa lớn phê phán người vừa trình bày xong bản kiểm thảo. Tố Hữu bỗng giơ tay ngăn tôi lại. Rồi từ tốn, nhỏ nhẹ nói “Đồng chí vừa phê phán ai, đồng chí biết không? Phê phán đồng chí của đồng chí đấy, đồng chí phải biết điều ấy! Đồng chí của đồng chí là gì? Là hòn ngọc…, tôi nói lại, là hòn ngọc, hòn vàng của đảng, là người mà chúng ta phải yêu mến nâng niu…”
Tôi phát hiện một chân lý cảm động. Tôi là hòn ngọc hòn vàng của đảng! Nhưng cùng lúc tôi ự ái vì bị “uốn nắn thái độ”. Cùng lúc nhận thấy trong con mắt Tố Hữu nhìn người vừa bị chỉnh đốn kia một ánh trắng xỉn, lạnh lẽo, một cái gì khinh khỉnh.
Định nghĩa đảng viên là ngọc là vàng của đảng cho nên vào tổng kiểm thảo Tố Hữu yêu cầu học viên rất ngặt. Hễ là con em hay liên quan với địa chủ, học viên đều phải thành khẩn tự khai báo với đảng mọi sai lầm tội lỗi của bản thân, chẳng hạn đồng tình, về hùa với gia đình, thậm chí cùng với gia đình trực tiếp đàn áp, bóc lột nông dân… Thứ hai, phải vạch ra mọi thủ đoạn đàn áp, bóc lột nông dân cùng tộí ác của bố mẹ, gia đình, họ hàng địa chủ, cường hào gian ác. Thứ ba trên cơ sở thành khẩn khai báo kia mà tuyên bố là căm thù bố mẹ, tỏ ra đã dứt khoát lập trường vô sản, đoạn tuyệt với kẻ thù giai cấp. Không đạt yêu cầu căm thù bố mẹ, đoạn tuyệt với bố mẹ thì bản tổng kiểm thảo bị “phá sản,” học viên đó phải ngồi học lại cho tới khi nào lập trường vô sản, lập trường nông dân thắng, anh ta công khai tuyên bố căm thù bố mẹ, đoạn tuyệt với bố mẹ mình.
Tố Hữu làm đúng lời Bác Hồ thôi. Sắp vào tổng kết tư tưởng, Bác Hồ đến nói chuyện - thực chất “động viên” học viên dứt khoát với tư tưởng sai và lầm lạc, tội lỗi của cá nhân.
Như thấy làm việc cho thực dân Pháp là nhục nhưng vẫn chưa triệt để, phải tiến lên một bước nữa là thấy tội của mình… Bữa ấy Bác lôi cả nhục và tội của cụ Bùi Bằng Đoàn ra.
Tôi nhớ chi tiết này vì tôi đã ái ngại cho cụ thượng thư cũ. Nhất là khi Bác Hồ nói “Xin lỗi cụ Bùi” thì cụ Bùi rất ôn tồn đáp lại: “Không dám, xin cụ cứ nói.” Tôi có phần thiện cảm với chữ “Không dám” mà từ khi lên ATK trên rừng bây giờ mới lại nghe đến. Cũng thương cụ Bùi chỉ được gọi là Cụ!
Lúc ấy tôi chưa biết Mao bày mẹo chỉnh huấn bắt khai tội cốt để hạ nhục bề dưới để dễ thu phục sai khiến - tao bắt mày khai cái thối tha nhất của mày ra mà mày nghe tao là mày hàng tao, tao nắm được ruột gan mày thì mày còn hòng thoát đi đâu.
Ở chi bộ chúng tôi, Nguyễn Tư Nghiêm là học viên duy nhất rơi vào cảnh gay go phải làm hai bước nhận nhục và có tội. Mẹ anh năm ấy đã già, có hơn hai mẫu ruộng cho cấy tô, một mình nuôi người em của Nghiêm bị điên. Nguyễn Tư Nghiêm nhất định không khai “tội ác” của mẹ. Chi bộ thuyết phục, răn đe, anh vẫn khăng khăng nói không thể căm thù mẹ, không thể coi mẹ là kẻ thù giai cấp, là có tội ác, không thể đoạn tuyệt mẹ mà trái lại anh biết ơn mẹ đã nuôi nấng anh thành người, cho anh được học mỹ thuật.
Tóm lại, đảng coi anh là ngọc là vàng để anh nghe đảng nhưng anh lại coi mẹ anh, kẻ thù giai cấp, hơn cả ngọc cả vàng. Và Nghiêm đã đơn thương độc mã nhỏ nhẹ, ấp úng chặn đứng một mầm văn hóa ác bắt đầu ló mòi mà người ta toan vun trồng nhân giống trên đất nước.
Cuối lớp học, xong phần tổng kết tư tưởng từng người, học ủy chọn đưa ra toàn thể hội trường ba báo cáo điển hình.
Một của Thế Lữ. Anh đã phạm sai lầm tham gia Việt Nam Quốc Dân Đảng, Tự Lực Văn Đoàn, lại làm thơ kêu gọi nhân dân ta, nhất là thanh niên, đi vào con đường thoát ly chính trị, lờ đi tiếng kêu cứu của đất nước nô lệ tủi nhục. Rồi đời sống sa đoạ, đĩ điếm, thuốc phiện…
Một của Tô Ngọc Vân. Anh là tiêu biểu rõ nét nhất của tư tưởng văn nghệ thoát ly chính trị mà tiêu biểu nhất là cuộc tranh luận kéo dài của anh với Trường Chinh năm 1948 ở trên báo Sự Thật về “nghệ thuật là tuyên truyền hay không là tuyên truyền?” Anh thẳng cánh bác bỏ nghệ thuật phải tuyên truyền.
Và một của Th. Lên tự nhận mắc chứng hủ hoá trai gái gần như bệnh lý mà có lẽ do, anh công khai thú nhận, “cái của tôi nó to quá!”. Truy nguồn gốc tư tưởng đến thế, nhân tiện phô diễn tính dục bằng lời - verbal exhibitionism thay cho hàng thật. Một dạo dài, tôi sinh hoạt chi bộ ghép với vợ chồng Th.
Đầu những năm 90, giỗ 49 ngày Trịnh Kính thổi clarinet ở cạnh nhà tôi, Song Kim, dì họ của anh đến. Chị buồn rầu nói:
- Báo cáo điển hình của anh Thế Lữ ở cái lớp ấy tôi vẫn còn giữ… Xấu hổ anh ạ…
- Chính bọn chúng tôi mới xấu hổ, - tôi khẽ nói. Đã xúm lại nghe… Nhưng có lẽ xấu hổ hơn cả là người đã đặt ra cái trò cho nhòm hội đồng vào đời tư người khác qua lỗ khoá.
Tôi đã giữ lại không nói tiếp:
- Chẳng lẽ hễ nhân danh cách mạng là có quyền đánh trống ghi tên cho đến nhòm lỗ khoá vào đời người khác hay sao chị ơi.
Thời đánh Nhân Văn, Song Kim đã từng phải che chắn cho Thế Lữ. Người ta đòi anh viết kiểm thảo cái tội không nhận rõ sai lầm của bọn phản động Nhân Văn. Nguyễn Khải được phân công đến động viên Thế Lữ viết. Chả biết thật hay giả, Thế Lữ liền nhờ Khải viết hộ bản tự kiểm điểm lệch lạc của mình. Kể lại cho tôi chuyện này, Khải còn đỏ mặt ngượng.
Làm nhục và sợ là yêu cầu sâu kín của “tự kiểm thảo”. Nhiều người đã tự sát. Bảo là vì nhục cả thì không chắc. Có thể là một cách phản kháng chăng? Người đầu tiên tự sát trong chỉnh huấn là Thân Mỡ, người đảng viên do Kỳ Vân kết nạp đầu tiên ở Đình Bảng, lúc học ở trường Mác-Lê Bắc Kinh rồi treo cổ chết khi tổng kết tư tưởng.
Ở lớp chỉnh huấn Lưu Động, Chính Yên báo Cứu Quốc dự, có Thướng, biên tập viên cùng báo với hai anh. Thướng treo cổ bên ngòi Thia, sông Đáy. Hai anh đã phải lặn lội tìm xác kẻ “phản bội,” lời của bí thư học ủy Nguyễn Chương. Học viên phải họp mít tinh ở hội trường rầm rầm hô đả đảo tội ác của tên Thướng mưu phá hoại chỉnh huấn, một phương thức quan trọng của xây dựng đảng. Chính Yên bảo tôi là trước đó Thướng ngồi trong hội trường một mình rất lâu. Bước ra thấy Chính Yên, Thướng quay đầu lại sau chửi:
- Mẹ chúng nó cao cao tại thượng. Trên cao chỉ có ảnh Mác, Ăng-ghen, Lê-nin, Stalin, Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh.
Chính Yên nói anh không nghĩ Thướng chửi mấy cụ đó.
Động cơ nào khiến một số anh em tự thủ tiêu. Nhục rồi tự xoá bỏ? Hay mượn diệt bản thân mà hy vọng diệt chính cái kẻ đã đưa mình tới nông nỗi tuyệt vọng này?
Tự sát biết đâu chẳng phải là muốn lẩn trốn một cách sống kinh hoàng? Đời thuở nào ngồi trước chi bộ lại lôi việc bố đi nhà thổ, mẹ ngủ với đày tớ ra trình báo?
À, lại còn tế nhị cho phép là nếu việc xấu xa quá thì sẽ được báo cáo riêng với học ủy. Tại lớp học tôi theo có người đau đớn khai ra việc mình ngủ cả với mẹ vợ và em gái vợ, có khi một đêm riêng rẽ với cả ba người. Khai rõ đủ thủ đoạn dụ dỗ, lừa bịp và cách tiến hành “tội ác” để lôi được tận gốc rễ của tư tưởng địa chủ nó ích kỷ, đểu giả, tàn bạo đến thế nào.
Chăm chú ghi từng câu hỏi của tập thể để trình bày cụ thể động cơ, địa điểm, thủ đoạn phạm tội. Có đồng chí khai mắc sai lầm thủ dâm. Năm chục tuổi mà còn mắc cái đó thì tư tưởng chiếm hữu và hưởng thụ của địa chủ ở đồng chí lớn quá thật. Nào đồng chí nói cho biết khi phạm tội đó đồng chí nghĩ chiếm hữu ai?
- Báo cáo (người trong chi bộ tôi và Nghiêm vừa tự thú bỗng nghẹn ngào) … báo cáo, tôi… Báo cáo…, cả chi bộ lắng nghe. Báo cáo tôi nghĩ đến cô con gái nhà chủ ở địa phương.
“Thành phần gia đình?”
“Có lẽ phú nông…”
“Đấy, ngưu tầm ngưu mã tầm mã, tư tưởng bóc lột gặp nhau đấy”.
Cứ thế nghiêm chỉnh xây dựng tư tưởng vô sản cho nhau. Đấu tranh tư tưởng là phải truy lùng triệt để như thế!
Nhưng có những người khóc vờ cho qua cầu. Thí dụ Dương Bích Liên. Anh bảo tớ có cách. Tớ nghĩ đến thuở bé tớ lấy lửa đốt các tổ kiến cho cháy xèo xèo thế rồi tớ chảy nước mắt thật. Sau này đi cải cách Liên luôn thủ một hộp sữa bên mình, đêm mút trộm. Tự bào chữa: cái này mình có mời thì nông dân cũng lắc.
Xin trở lại chuyện Nguyễn Tư Nghiêm.
Thương anh, kẻ bị Tố Hữu “uốn nắn thái độ” không yêu thương đồng chí là tôi đã xui bậy anh khai bừa đi là căm thù cho xong chuyện. Bảo anh là nói vâng, tôi căm thù trống không như kiểu Galilée nhận quả đất đứng nhưng miệng lẩm bẩm cho một mình mình nghe là nó vẫn quay ấy!
Nhưng Nghiêm cứ đau khổ lí nhí bảo tôi:
- Không…, không căm thù mẹ được.
Nghiêm cũng không căm thù được cả các địa chủ khác.
Một xẩm tối, chờ lên hội trường nghe giải đáp, Nghiêm bảo tôi:
- Tớ biết thế nhưng tớ không theo nổi. Tớ đọc Marx-Engels thấy nói Cách mạng Xã hội Chủ nghĩa là sự đoạn tuyệt triệt để nhất với chế độ tư hữu; như thế tất nhiên nó phải đoạn tuyệt triệt để nhất với các tư tưởng truyền thống “Table rase” cơ mà, xóa sạch… Tớ biết thế nhưng tớ không theo thế được…
Lúc ấy cố nhiên Nghiêm chưa nghe Cụ Hồ nói đại ý giữa nhà to là nước với nhà nhỏ là gia đình riêng thì cái to là nặng, cái nhỏ là nhẹ, vậy nên người cách mạng chọn gia đình to.
Nhưng có nghe thì Nghiêm cũng không theo. Marx còn chả làm gì nổi được Nghiêm mà.
… Lần tham gia cải cảch ruộng đất ở Đức Lân, gần kè Úc Sơn, Thái Nguyên, sau một cuộc phát động quần chúng đấu tố địa chủ, Nghiêm mất tích. Tiêu tan đi như một cái bóng. Đội đã nghĩ tới phản động thủ tiêu. Ai hay quá kinh hãi về sự độc ác của con người với con người, anh bỏ trốn đội. Lủi ra ẩn ở giữa đồng lúa đang cữ trổ đòng. Bạch Mao nữ trốn địa chủ còn có rừng sâu, Nghiêm trốn đội cải cách chỉ còn có cánh đồng và những đòng lúa non cho anh bứt nhá thay cơm nhiều ngày. Phát hiện ra anh, người ta chỉ có thể kết luận là anh điên.
Và Nghiêm đã vào nhà thương điên Bạch Mai. Chung phòng với một anh lính điên. Kim Lân lúc đó là chi ủy viên phải đến thăm Nghiêm.
- Chả hiểu sao lại cho mình chui vào cơ quan lãnh đạo như vậy chứ? - - Kim Lân lè lưỡi bảo tôi
Cậu lính khen Nghiêm tốt lắm nhưng hễ lên cơn anh ta lại cứ nhè đầu Nghiêm mà nện. Tài, - Kim Lân nói, đau thế, ngày hai ba trận đòn điên thế mà nhất định không chịu ra nhá. Sau nhiều lần vào, tớ cứ dỗ cu cậu. Nào về với anh em đi, Nghiêm… Về…, về vẽ với anh em cho vui nhỉ…
Về một thời gian được đặt hàng minh hoạ Truyện Kiều.
Trường Chinh cho xổ toẹt. Phê rằng truyện Kiều là của Trung Quốc mà lại vẽ ăn mặc kiểu Việt Nam? Thật ra ông ấy không xài được những nét vẻ run rẩy mà mọi người kinh hãi lên vì đẹp và gọi là phong cách “thời kỳ điên”.
Sau đó, Trường Chinh muốn an ủi Nghiêm, ba lần mời Nghiêm đến
gặp. Nghiêm từ chối. Rúc vào đồng im lặng. Nay những bức vẽ Kiều được săn lùng ngang đồ sứ Minh - Thanh…
Bây giờ, thế kỷ 21, Nghiêm vẫn hoàn toàn rúc vào tranh và im lặng. Tây Tàu đến tìm gặp người đàn bà sống chung với anh nói anh đi vẽ xa. Bao giờ về? Không biết… Mà có khi chết giữa đường, ông ấy dặn trước như thế.
Khoảng 2009, 2010, một tối ở nhà Trần Lưu Hậu tôi gọi cho Nghiêm. Vợ anh, người đàn bà hay từ chối khách nói ông ấy ốm. Tôi nói xin bà nói giúp với ông ấy tôi là thế này. Ba phút sau Nghiêm ra.
- Ốm thật… Ừ, đến chơi nhé… Nhớ đến nha. Có tránh nhưng tránh ai thôi… Vẫn thoáng cái giọng Nghệ từ tốn, thấp trầm.
Tôi hài lòng. Có thế chứ. Rủ tôi bỏ cộng sản từ rất sớm cơ mà. Tết Quý Dậu, 1957. Giữa thoái trào dữ dội của phong trào cộng sản trên toàn thế giới…


--------------------



....
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Posts in this topic
Đạt Tử   Đèn Cù   Sep 13 2014, 07:15 AM
Đạt Tử   Chương 2 Khi người ta còn sống thật,...   Sep 13 2014, 07:17 AM
Đạt Tử   Chương 3 háng 10-1949, nước Cộng Hoà ...   Sep 13 2014, 07:19 AM
Đạt Tử   Chương 4 sau chiến dịch Tây Bắc, gi...   Sep 13 2014, 07:22 AM
Đạt Tử   Chương 5 Mỗi số báo tôi được hai t...   Sep 13 2014, 07:24 AM
Đạt Tử   Chương 6 Cùng thời gian bao vây Điện ...   Sep 13 2014, 07:34 AM
Đạt Tử   Chương 7 Bốn ngày đêm ngược Trung Hoa....   Sep 13 2014, 07:36 AM
Đạt Tử   Chương 8 Mồng tám Tết Bính Dậu 195...   Sep 13 2014, 07:39 AM
Đạt Tử   Chương 9 Một sáng Nhân Dân nhật bá...   Sep 13 2014, 07:41 AM
Đạt Tử   Chương 10 Hè 1958, tôi đi thực tập ...   Sep 13 2014, 07:44 AM
Đạt Tử   Trần Đĩnh Chương 11 Tháng 5 năm 195...   Sep 13 2014, 07:46 AM
Đạt Tử   Chương 12 Du học năm năm được nh...   Sep 13 2014, 07:47 AM
Đạt Tử   Trần Đĩnh có nhiều cơ hội tiếp cận c...   Sep 13 2014, 07:49 AM
Đạt Tử   Trần Đĩnh (thứ năm, trái sang) từng đư...   Sep 13 2014, 07:51 AM
Đạt Tử   Chương 15 Đầu 1960 tôi theo Cụ ra M...   Sep 13 2014, 07:53 AM
Đạt Tử   Tô Hoài (trái) và Trần Đĩnh (hình trang 5...   Sep 13 2014, 07:55 AM
Đạt Tử   Chương 17 Sau Đại hội đảng 1960, t...   Sep 13 2014, 07:57 AM
Đạt Tử   Chương 18 Tôi muốn nói hai bài báo t...   Sep 13 2014, 07:59 AM
Đạt Tử   Chương 19 Một sáng tháng 6 năm 1962, ...   Sep 13 2014, 08:00 AM
Đạt Tử   Chương 20 Gặp nhân vật này cứ đê...   Sep 13 2014, 08:03 AM
Đạt Tử   Chương 21 Rồi chúng tôi thở phào. C...   Sep 13 2014, 08:13 AM
Đạt Tử   Chương 22 Chế Lan Viên và tôi một d...   Sep 13 2014, 08:30 AM
Đạt Tử   Chương 23 Trong Hội nghị trung ương 9 k...   Sep 13 2014, 08:34 AM
Đạt Tử   Chương 24 ghị quyết 9, thông báo dù...   Sep 13 2014, 08:35 AM
Đạt Tử   Chương 25 Nó là viết Nguyễn Đức T...   Sep 13 2014, 08:36 AM
Đạt Tử   Chương 26 Con gái tôi ra đời lúc 3 g...   Sep 13 2014, 08:37 AM
Đạt Tử   Chương 27 Đi từ nửa đêm ở Chợ ...   Sep 13 2014, 08:37 AM
Đạt Tử   Chương 28 ơ hồ vì như đã nói: tôi...   Sep 13 2014, 08:38 AM
Đạt Tử   Chương 29 Khoảng cuối năm, Lê Đức...   Sep 13 2014, 08:39 AM
Đạt Tử   Chương 30 Đầu tháng 8 -1968, giấy m...   Sep 13 2014, 08:40 AM
Đạt Tử   Chương 31 Tôi đã cơ bản nói hết ...   Sep 13 2014, 08:41 AM
Đạt Tử   Chương 32 Tôi về Hà Nội. Nhưng con ...   Sep 13 2014, 08:41 AM
Đạt Tử   Chương 33 Lê Đức Thọ không bắt t...   Sep 13 2014, 08:42 AM
Đạt Tử   Chương 34 Xong hạn cải tạo lao độ...   Sep 13 2014, 08:43 AM
Đạt Tử   Chương 35 Rèm sân khấu vén lên thậ...   Sep 13 2014, 08:44 AM
Đạt Tử   Chương 36 Trần Đức Thảo, nhà tri...   Sep 13 2014, 09:08 AM
Đạt Tử   Chương 37 ười sáu năm sau Đại hộ...   Sep 13 2014, 09:09 AM
Đạt Tử   Chương 38 1975. Tháng 4. Đại thắng m...   Sep 13 2014, 09:09 AM
Đạt Tử   Chương 39 Trên kia tôi nói tôi dửng ...   Sep 13 2014, 09:10 AM
Đạt Tử   Chương 40 oà bình, lần đầu tiên Li...   Sep 13 2014, 09:12 AM
Đạt Tử   Chương 41 Xin vượt thời gian gần ha...   Sep 13 2014, 09:14 AM
Đạt Tử   Chương 42 Sau Nguyễn Trung Thành tôi c...   Sep 13 2014, 09:16 AM
Đạt Tử   Xin thông cảm Gồm nhiều chuyện, th...   Sep 13 2014, 09:19 AM
Đạt Tử   Trần Đĩnh 1998 Phỏng vấn ông Trần Đ...   Sep 13 2014, 09:21 AM


Reply to this topicStart new topic
1 User(s) are reading this topic (1 Guests and 0 Anonymous Users)
0 Members:

 



Lo-Fi Version Time is now: 30th June 2024 - 01:02 AM