Welcome Guest ( Log In | Register )

 
Reply to this topicStart new topic
> Duy Quang và Nguyễn Tất Nhiên, hai chàng khờ đáng yêu của thế kỷ, Huyền Chiêu
lalan
post Jan 13 2017, 07:01 PM
Post #1


Phố Cũ
***

Group: Năng Động
Posts: 2,691
Joined: 21-April 08
Member No.: 43
Country




Duy Quang và Nguyễn Tất Nhiên,

hai chàng khờ đáng yêu của thế kỷ





Tôi nhìn thấy Duy Quang lần đầu trên màn hình TV đen trắng khoảng năm 1971.
Chàng con trai đầu của nhạc sĩ lừng lẫy Phạm Duy đang nghêu ngao hát khúc Bình Ca của cha mình:

“mang giày vớ tốt
mang khăn áo lành
tôi chào đất nước tôi nay thái bình
tôi cúi lưng tôi chào anh
tôi đứng lên tôi chào em
tôi vói lên cao chào đức tin
……………………………..”

Bổng dưng tôi thấy tồi tội cho chàng trai này.
Chàng quá lu mờ trước cái bóng quá lớn của người cha Phạm Duy, người Bác Phạm Đình Chương, người cô Thái Thanh.

Vóc dáng chàng gầy yếu, khuôn mặt buồn bã , giọng hát không hay, không dở.
Tôi nghĩ ông bố Phạm Duy chắc phải khổ công lắm mới “gò” được chàng hát được đến mức đó.

Phạm Duy không là người chồng chung thủy nhưng là người chủ gia đình rất có trách nhiệm. Những nghệ sĩ thực sự thường quá mơ mộng và hay lâm vào cảnh nghèo túng.
Phạm Duy thì không. Thuở ấy ông là một nhạc sĩ biết cách kiếm tiền và có xe hơi riêng.

Các con ông được nuôi dạy đầy đủ. Chỉ tiếc rằng vợ ông thì đẹp mà con thì không xinh bằng mẹ, không tài bằng cha (cảm nhận riêng của người viết).

Dù sao, làm con Phạm Duy sung sướng thật. Được đi học ở những trường danh tiếng, được học viết nhạc, học hát và được bố sắm sửa nhạc cụ, tập dợt để thành lập ban nhạc trẻ The Dreamers. Rồi bố lại còn sáng tác những ca khúc dành cho các cô gái tuổi mới lớn cho con cái cưng Thái Hiền .Có lẽ khi phổ nhạc thơ Nguyễn Tất Nhiên Phạm Duy cũng muốn cùng con trai sống lại những cảm xúc tuyệt đẹp của tình yêu thuở mới lớn.
Tình yêu thương của Phạm Duy dành cho các con thật mênh mông.
Nhưng trông Duy Quang vẫn cứ buồn bã và yếu đuối.

Sau năm 1975, nhạc Phạm Duy bị cấm hát. Rồi tôi không còn nhớ gì về Duy Quang và cũng chẳng biết đại gia đình Phạm Duy đi đâu, về đâu. Lịch sử đang nhấn chìm người dân Việt xuống vũng bùn của cái đói và dần mất đi những nhu cầu tinh thần.
Cho đến một hôm tôi nghe lại giọng ca Duy Quang ở hải ngoại qua một băng cassette.

“năm năm rồi không gặp
Từ khi em lấy chồng
Anh dặm trường mê mãi
Đời chia những nhánh sông”(****)

Không ngờ bây giờ giọng Duy Quang chửng chạc và hay đến vậy. Ngoài bài “Lời Tình Buồn” do Phạm Duy phổ thơ Phạm Văn Bình, giọng ca nhũn nhặn, thủ thỉ của Duy Quang như được sinh ra để kể lể tâm trạng của những chàng trai mới lớn, hoang mang, tuyệt vong vì những mối tình đầu đầy bất trắc trong những ca khúc phổ thơ Nguyễn Tất Nhiên.
“Em bây giờ có lẽ
Toan tính chuyện lọc lừa
Anh bây giờ có lẽ
Xin làm người tình thua” (**)

Duy Quang mang dáng vẻ hiền lành, nhút nhát. Chàng gần với Nguyễn Tất Nhiên hơn người cha tự tin, mạnh mẽ.
Và chắc Phạm Duy cũng không ngờ rằng cuộc đời của Duy Quang, tâm trạng bi thương của Duy Quang dường như cũng bị thơ của Nguyễn Tất Nhiên vận vào.

Trong ca khúc Kiếp Đam Mê, Duy Quang đã thố lộ :

“tôi không cần và nghi ngại chi
Ai chê bai thân tôi khờ dại” (*).


Công nhận chàng “khờ dại” là rất thương Duy Quang . Thực ra người đàn ông này “ngu” lắm và cũng chân thật lắm mới dám nói rằng:

“Tôi xin người cứ gian dối
Khi tôi hỏi người có yêu tôi
May ra còn được thấy đời vui
…………………………………
Tôi xin người cứ gian dối
Nhưng xin người đừng lìa xa tôi” (*)

Mà đâu có sao.

“Khôn đường cờ bạc là khôn dại
Dại chốn yêu đương ấy dại khôn”
(nhại thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Ca sĩ Duy Quang


Cái “ngu” dễ thương của Duy Quang chỉ có thể sánh với cái “khùng” của Nguyễn Tất Nhiên.
Duy Quang sinh năm 1950, Nguyễn Tất Nhiên sinh năm 1952. Tuy là vai đàn em nhưng Nguyễn Tất Nhiên cuồng si, khùng điên vượt xa đàn anh.
Đọc thơ của Nguyễn Tất Nhiên ai cũng hiểu được câu chuyện lòng vòng của một cậu học trò ở Biên Hòa yêu một cô Bắc di cư .
Cô rất ngây thơ, trong sáng, chưa biết yêu và chẳng để ý gì đến chàng thi sĩ “vô đạo” (***).

Nàng kính yêu Chúa, siêng đi nhà Thờ.
Vậy là chàng thi sĩ ghen với Chúa.
Ghen quá phát rồ.
Chàng hùng hồn phân tích:

“dù sao thì Chúa cũng
Một thời làm trai tơ
Dù sao thì Chúa cũng
Là đàn ông…dại khờ”(**)

Cũng giống như họa sĩ Đinh Cường thích vẽ nhà thờ hơn vẽ chùa, hình ảnh liên quan đến nhà thờ , tượng chúa, thánh giá được nhắc nhiều trong thơ Nguyễn Tất Nhiên dù các cô gái mà chàng si mê không phải cô nào cũng có đạo. Chàng thích nhìn người yêu của mình trong hình ảnh một ma soeur và Nguyễn Tất Nhiên có lúc là linh mục.

“Vì tôi là linh mục
Tưởng đời là hạnh phúc
Nên tin vào thiếu nữ”(**)

Linh mục “khùng” này chỉ có một tín đồ và tín đồ ác ôn đó đã giam hãm chàng trong tín đồ.:

“Tín đồ là người tình
Có ngờ đâu người tình là ác qủy”(**)

Làm linh mục chưa vừa ý chàng lại đòi trèo lên làm :

“cây thánh giá
Trên nóc cao nhà thờ”(**)

Trong bài thơ “Duyên Tình Con Gái Bắc” Nguyễn Tất Nhiên đã làm cho chúng ta phải bật cười vì tính trẻ con của một chàng trai đang chịu đựng nỗi đau của một tình yêu vô vọng.

Chàng không dấu được vui mừng khi nghe nàng thi rớt trường luật (vì chàng đã thi hỏng tú tài 2):

Nghe nói em vừa thi rớt luật
Môi trâm anh tàn héo nụ xa vời
Mắt công nương thầm khép mộng chân trời
Xin tội nghiệp lần đầu em thất vọng

(Dù thật sự cũng đáng đời em lắm
Rớt đi Duyên , rớt để thương người)
Ta-thằng ôm hận tú tài đôi
Không biết tìm ai mà kể lể.


Nhưng đằng sau những khùng điên, dại dột và trẻ con, Nguyễn Tất Nhiên đã làm ta kinh ngạc về một cõi hồn ngập tràn cô đơn , bi thiết và hoảng loạn.

“người từ trăm năm
Về qua sông rộng
Ta ngoắc mòn tay
Trùng trùng gió lộng” (**)

Sau khi ngoắc mòn tay mà chẳng ai dừng lại, chàng bèn chạy theo :

“ta chạy lòng vòng
Ta chạy mòn hơi
Qụy té trên đường đời
Sợi tóc vương chân người. (**)

Tưởng tượng cảnh chàng thi sĩ chạy té lên, té xuống mà thương.
Để xem chàng sẽ làm gì sau khi té rất đẹp, rất khôn, té mà để tóc quấn lấy chân người ấy như các nam diễn viên chuyên nghiệp trong kịch của Shakespeare.

Nhưng chàng không chịu đứng dậy, chàng nằm vạ và khao khát được nàng đâm mình một nhát cho xong đời.:

“người từ trăm năm
Về như dao nhọn
Ngọt ngào vết đâm
Ta chết âm thầm
Máu chưa kip đổ.(**)

Nhiều nam ca sĩ hát “Thà Như Giọt Mưa”, “Hai Năm Tình Lận Đận” do Phạm Duy Phổ thơ Nguyễn Tất Nhiên nhưng với tôi chưa ai hát hay như Duy Quang.

Hai chàng “khùng” này làm tôi nhớ đến tác phẩm “Tình Sầu Của Chàng Werther” của Goethe. Chìm đắm trong cơn mê tình yêu, chàng Werther cuối cùng quyên sinh trong buồn đau, tuyệt vọng.


Nhưng tôi không nghĩ rằng Werther hay Nguyễn Tất Nhiên quá bi lụy vì tình đến không đứng vững nổi trong cuộc đời này. Nổi đau vì tình chỉ là một cửa sổ nho nhỏ cho ta nhìn vào trái tim dư thừa cảm xúc của họ.
Tôi cho rằng kiếp người không phù hợp với một số người. Và họ chọn ra đi sớm để được trở về một tinh cầu bình yên hơn.

Còn Duy Quang , chàng vẫn muốn sống cuộc đời bình thường được mãi hát ca cùng trái tim yếu đuối.

Vì vậy, khi Duy Quang gĩa biệt cõi đời, chắc chắn Phạm Duy, ông già chẳng biết sợ ai, đã suy sụp. Tôi tin rằng nếu Duy Quang chưa ra đi, Phạm Duy vẫn còn rán sống để nâng đỡ đứa con trai mà ông yêu thương nhất.

Bây giờ, chỉ còn lại chúng ta và những tác phẩm âm nhạc là sự kết hợp tuyệt vời của Phạm Duy, Nguyễn Tất Nhiên và Duy Quang.

Huyền Chiêu, Tháng Giêng 2016

(*) Trong Kiếp Đam Mê của Duy Quang
(**) Thơ Nguyễn Tất Nhiên
(***) Chữ dùng của Nguyễn Tất Nhiên
(****) Trong Chuyện Tình Buồn Ca khúc Phạm Duy phổ thơ Phạm Văn Bình


--------------------
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
1 User(s) are reading this topic (1 Guests and 0 Anonymous Users)
0 Members:

 



Lo-Fi Version Time is now: 15th November 2024 - 05:32 PM