Những cuộc chạm súng tiêu biểu, cùng những giọt máu tôi, (CƠĐĐTT, LTHBVVBH) |
Những cuộc chạm súng tiêu biểu, cùng những giọt máu tôi, (CƠĐĐTT, LTHBVVBH) |
Jul 4 2020, 11:58 AM
Post
#1
|
|
Bảo vệ tổ quốc Group: Năng Động Posts: 7,735 Joined: 8-August 09 Member No.: 4,377 Country |
Những cuộc chạm súng tiêu biểu, cùng những giọt máu tôi Sau cuộc hành quân thứ nhất trong đời binh nghiệp, với tổn thất riêng, một người đồng đội thân tình “đi phép dài hạn”, tôi tưởng chừng như mất đến chín mươi phần trăm nghị lực và ý chí chiến đấu. Nhưng rồi tôi đã chế ngự sự sợ hãi, nỗi chán nản để trở lại chỗ đứng hiện tại của mình. Là một sĩ quan có cấp bậc thấp nhất, cận kề trước cái chết không khác gì một khinh binh, tôi nhìn thấy, va chạm từng giờ những tai họa của cuộc chiến, nên tôi đã có những nhận xét không tốt đẹp về chiến tranh. Không hẳn là một người phản chiến, nhưng trong suốt chặng đời binh nghiệp ngắn ngủi của mình, tôi đã viết những bài thơ có lẽ không có lợi cho hàng ngũ chúng tôi. Rất may, tài năng của mình còn thấp kém, nỗi bi quan nhờ vậy không lây lan đến ai. Và tôi không ân hận về những cảm nhận rất chân thật của mình. Mỗi lần có dịp đọc lại, tôi không những chỉ gặp lại tôi, mà còn thấy được những đồng đội cũ, những hoạt cảnh sinh động một thời. Trong cái thời thật khổ nhọc, rực rỡ đó, tôi được là: anh bây giờ là tên lính mù chỉ huy một trung đội điếc với chiếc còi trên môi và hàng trăm câu chửi tục ... dù còn đủ tâm hồn anh cũng sẽ đốt nhà cũng bắn trâu bò, bắt gà vịt không hổ ngươi như lính của anh phải sống phải ăn phải tàn bạo nữa đó là điều cần trong cuộc hành quân ... Kể từ ngày 10 tháng 11 năm 1967, ngày tôi hiện diện trực tiếp ngoài mặt trận, đến ngày 11 tháng 02 năm 1969, ngày tôi vĩnh biệt một bàn chân trái của mình, thời gian không là bao. Những trong cái chiều dài khiêm nhường ấy, tôi đã tham dự rất nhiều cuộc hành quân, từ Quyết Thắng đến Liên Kết, thường trực được tổ chức mỗi tuần. Tùy theo tính chất của từng mục tiêu, tùy theo cấp số đối phương, những cuộc hành quân có mức độ và lực lượng điều động khác nhau. Nhưng mục đích chính vẫn là tìm và tiêu diệt địch. Trong thời điểm 1967 đến 1969 và về sau tình hình chiến sự tại miền Nam Việt Nam mỗi ngày một khốc liệt hơn. Bộ Binh là chủ lực quân của quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Từng được mệnh danh là Hoa Hậu Chiến Trường, nhưng mãi đến cuối năm 1967 sự trang bị vũ khí vẫn quá thô sơ, so với địch quân cũng như những lực lượng trừ bị khác của miền Nam. Dù vậy, chúng tôi đã tham chiến dũng cảm, hết tinh thần. Mười trận đánh có thể thắng tám một cách thuyết phục. Trong hàng ngũ của Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 4 thuộc Sư đoàn 2 Bộ Binh, tôi đã có mặt tại Sơn Tịnh, Sơn Mỹ, Nghĩa Hành, Nghĩa Hưng, Đức Phụng, Đức Hải, Núi Tròn, Núi Ngang, Mộ Đức, Đức Phổ, Trà Bồng, Quảng Tín, Văn Bâng, Bình Đê, An Mô, Lâm Lộc, Sơn Kim, Phú Sơn... cùng những địa danh không biết tên, không nhớ hết. Mỗi một nơi có nhiều mục tiêu cần phải thanh toán. Mỗi mục tiêu không phải chỉ viếng thăm một lần, mà phải lặp đi lặp lại, đổ máu nhiều lần khác nhau. Những ngọn cây, chồi cỏ, những chõm đất, mô đá ...các nơi này thắm đượm tình người nhờ ngấm máu của cả hai phe tham chiến. Tôi cùng đơn vị tiến chiếm Sơn Kim, một bình địa vừa được một đơn vị Đại Hàn bỏ lại. Không còn một nóc gia nào đứng vững trên những nền đất ngổn ngang phên, mái tan nát. Không còn giếng nước nào có thể sử dụng được. Những anh lính Củ Sâm đã ném xuống đó những độc dược trước khi rút đi. Chúng tôi đã trải qua ba ngày lặn lội chưa gặp dấu đối phương. Những con mồi của chúng tôi thừa khôn khéo và nham hiểm, vẫn đang ẩn núp chực chờ đâu đó, ngay cả dưới mặt đất. Nhưng mục tiêu Sơn Kim hôm ấy suốt nửa ngày vẫn yên tĩnh. Cá nhân tôi thu lượm được một bài Sáu Chữ, “Bữa Cơm Trên Sơn Kim”. Bài thơ này, nhà văn Hoàng Khởi Phong khi viết về thơ tôi có đề cập và trích dẫn. Tôi nhắc lại việc này vì tác giả Cây Tùng Trước Bão, Quán Ven Sông vv...cho rằng câu: “và tìm mượn lưỡi dao” tối nghĩa. Hình ảnh tôi dùng hơi cường điệu, nhưng cần thiết để vẽ đậm nét sự khô đắng của một bữa ăn, cần phải cắt lấy chút máu của mình làm gia vị. Có thể tôi vụng về: nắm cơm nhem nhuốc bùn chợt vui trên tay đói tôi nghĩ đến máu mình vị mặn nồng thân thiết và tìm mượn lưỡi dao (VĐCNTD) Chúng tôi được lệnh rời Sơn Kim tiến chiếm một ngọn đồi sau khi băng qua một cánh đồng hoang. Rồi từ ngọn đồi, Đại đội 2 của chúng tôi, do Thiếu úy Hảo chỉ huy, xuống đồi tiến về một “xóm mồ côi”. “Con cái” của riêng tôi di chuyển đúng chiến thuật. Cấp số đạn chưa hao hụt. Tôi không bị cảnh sắc chi phối mất cảnh giác. Bởi cuộc hành quân liên kết này không đơn giản như những chuyến lục soát quanh khu vực đồn trú, hoặc những cuộc hành quân thường xuyên vào hai ngày cuối tuần, nhằm mục đích tạo khoảng cách an toàn cho tướng “Tư lệnh” và một số sĩ quan trực thuộc sư đoàn nhảy đầm, uống whisky. Ở cuộc hành quân này tôi không thể nhởn nhơ, “Súng lận lưng quần cho có chuyện, / mắt đầy cỏ lá hồn đầy thơ” (CƠĐĐTT...), mà súng cầm tay trong tư thế sẵn sàng chiến đấu đàng hoàng. Dù khẩu carbin lỗi thời, tôi chưa thử bóp cò lần nào. Sau ba ngày thiếu chất tươi, “xóm mồ côi” trước mặt thật là một mục tiêu hấp dẫn đối với mọi binh sĩ. Không con gà, con vịt, ít ra cũng có trái bầu, ngọn rau...tươi xanh đang chờ đợi. Đại đội nào cũng muốn thanh toán mục tiêu này. Đại đội chúng tôi đang dàn hàng ngang để vượt qua một cánh đồng trống cuối cùng, giáp với bìa làng. Nhưng thật không may, lệnh của “đại bàng” bắt nằm lại yểm trợ, cho “thằng 3” của Trung úy Thiện thực thi nhiệm vụ. Có nhiều tiếng chửi thề trong đám “con cái” tôi. Một thoáng ngờ vực vị Tiểu đoàn trưởng trong công việc chia phân nhiệm vụ đến với tôi. Đại đội 3 của Trung úy Thiện, người Nam, hình như thường được “đại bàng”, người Nam, dành cho những miếng thịt nạc, thoáng mát. Trái lại Đại đội 2 của Thiếu úy Hảo, người Trung, thường phải húc đầu vào những cõi âm u, kỳ bí. Tôi chẳng có giờ để suy nghĩ lâu, bởi Đại úy Tiểu đoàn trưởng đã cùng vị Đại úy cố vấn người Mỹ, đến ngay chỗ đám “con cái” tôi bố trí. Ông cùng viên sĩ quan Mỹ dùng ống dòm để thị sát cái “xóm mồ côi” trước mặt. Lúc này Đại đội 3 đã tiến chiếm xong mục tiêu. Ánh nắng khoảng 4 giờ chiều dịu dàng. Lệnh chuẩn bị bữa ăn cuối ngày cũng đã bắt đầu. Giữa lúc hai vị sĩ quan Việt, Mỹ nắm vận mệnh tiểu đoàn, đang cùng nhau trao đổi ý kiến, thì âm thanh của AK nở rộ từ “xóm mồ côi”. Tôi nằm sát mặt đất, đảo mắt nhìn đám “con cái” trong tư thế sẵn sàng tác chiến, rất vững bụng. Ông “đại bàng” của chúng tôi chợt vỗ cánh. Vị sĩ quan người Mỹ vội chụp lấy một cánh tay ông “đại bàng”, rối rít nói bằng tiếng Việt: “Đừng chạy, đừng chạy...”. Tôi hơi bàng hoàng, nhưng chợt đoán ra ý định của vị Tiểu đoàn trưởng. Có lẽ ông muốn trở về ngay bộ chỉ huy và đại đội vũ khí nặng cùng đại đội 1, lực lượng yểm trợ, đang bố trí phía sau chúng tôi. Đạn không ngớt nổ trong “xóm mồ côi”, nhưng không có đường đạn nào qua hướng chúng tôi đang bố trí. Chúng tôi chưa khai hỏa yểm trợ vì đồng đội và địch quân cùng có mặt trong một mục tiêu. Sau chừng bảy phút chạm súng, chúng tôi thấy nhiều binh sĩ xuất hiện ở bìa xóm. Họ chạy về hướng chúng tôi. Đó là những khinh binh của Đại đội 3 và cả một số cán binh Việt Cộng. Để ngăn ngừa sự lợi dụng của địch nhằm mở rộng mặt trận, chúng tôi được lệnh khai hỏa. Tôi linh động cho binh sĩ bắn xuống mặt ruộng thay vì trực diện tác xạ. Đám binh sĩ của Đại đội 3 không dám trở về với tiểu đoàn, Việt cộng do đó cũng không dám theo đuôi. Chừng năm phút sau, Đại đội 2, được lệnh xung phong tiến chiếm mục tiêu và cứu bạn. Nhiệm vụ của chúng tôi được thực hiện hoàn hảo. Quân số của địch không đáng kể, nhưng nhờ lợi thế bất ngờ do lối đánh độn thổ, từ lòng đất chun lên, nên đã gây một số tổn thất đáng kể cho Đại đội 3. Rất may, kế hoạch chờ ban đêm khởi đánh của địch, bất ngờ bị một binh sĩ ta phát hiện nên cuộc chạm súng diễn ra sớm hơn. Một số địch tử trận, một số thoát chạy qua một “xóm mồ côi” kế cận. Chúng tôi không có lệnh truy kích mà phải rút lên một ngọn đồi cách mục tiêu vừa thanh toán không xa. Cơn mưa nặng hạt bất chợt đến cùng với cái chạng vạng, bám sát lưng chúng tôi lên đồi. Súng lại nổ vang dội từ một góc trời. Đơn vị bạn của tiểu đoàn chúng tôi chạm địch. Mặt trận này được nhìn nhận rất rộng. Tình báo đã rất chính xác về sự hiện diện qui mô của địch. Đơn vị chính qui Bắc Việt hình như thuộc Sư đoàn 2 Sao Vàng. Sau khi ổn định vòng đai bố trí, tôi ngửi thấy một mùi ngai ngái khó chịu. Hóa ra trong ba lô của An, người tà lọt của tôi, còn cất một con gà, không biết hắn bắt được lúc nào, trong khi xung phong vào “xóm mồ côi”. Vì thời gian không cho phép, An không kịp làm thịt, sẵn nhà cháy, hắn nướng con gà luôn cả lông. Gà chưa chín đã phải zoulou (di chuyển), gặp mưa lớn, lông chưa cháy hết bốc mùi hôi. Đêm hôm đó ba thầy trò nhịn đói, nằm bên đồng đội, chờ tác xạ. Vào giờ G ta ra mặt trận ngồi trước ca-bin ngủ gật ngủ gà một chút nhớ em, một chút nhớ cái thằng nào đó giống y ta xe bỏ “mắt mèo” qua Châu Ổ chờn vờn trước mắt bóng ma trơi nhìn lâu lại hóa thành đom đóm buồn bã bay khan ở cuối trời ếch nhái ve nhau, loạn thiên hát lạnh lùng hơi đất cuộn hơi sương che tay ngồi kéo dài hơi thuốc nhớ cái...lưng em thật dễ thương nhét cái bản đồ trong áo giáp khẩu colt ngủ mỏi một bên đùi câu thơ chợt đến chợt đi mất mặt trận từ ta nối tới người (CƠĐDTT, LTHBVVBH) Hình ảnh nhiều cuộc hành quân tôi tham dự, được lặp lại nhiều lần như mấy đoạn thơ trên. Đó là những cuộc hành quân thường mở ra các mặt trận ở Sơn Tịnh, Sơn Mỹ, Núi Ngang... hoặc xa hơn, ở nhiều nơi trong địa bàn tỉnh Quảng Tín (thuộc Quảng Nam). Sơn Tịnh là một huyện của tỉnh Quảng Ngãi, gồm một thị trấn và nhiều xã, trên một mặt bằng chừng 321 cây số vuông, với gò, đồi ở phía tây, và cồn cát phía đông. Ngày tôi đến Sơn Tịnh lần đầu tiên trong mùa mưa. Không có cuộc chạm súng nào trong cuộc hành quân hôm đó. Nhưng cái lạnh trên ngọn đồi chúng tôi dừng quân, đã mang lại cho tôi cơn bệnh cảm lạnh đầu tiên tại Quảng Ngãi. Tôi còn trở lại với Sơn Tịnh nhiều lần trong các cuộc hành quân về sau, nhưng con đất lành này không gây cho tôi một thương tích nào. Tiếc rằng không có duyên gặp một đôi mắt nào để nhớ nhung nửa đêm qua thành phố nhà cửa ngủ, rập rình xe chạy về Sơn Tịnh không lạnh mà rùng mình (CƠĐĐTT,LTHBVVBH) Sơn Mỹ nằm trong huyện Sơn Tịnh, tôi cũng từng đặt chân tới vạt đất cách thị xã Quảng Ngãi chừng 13 cây số về hướng đông bắc này. Dĩ nhiên những lần hiện diện của tôi cũng không để viếng thăm và cũng không hề bắn phá. Bởi làng xóm này còn rất an ninh, ruộng đồng xanh tốt, cây lá tươi mượt, dân cư khá đông so với những nơi khác. Không hiểu vì cái chết của một người bạn hay vì tính cuồng sát, trung úy William Calley thuộc Lữ đoàn 11 Hoa Kỳ, đã tạo ở nơi này một vụ thảm sát rất dã man vào ngày 16 tháng 3 năm 1968. Núi Ngang, là tên gọi thời chúng tôi thường hành quân, không rõ núi này còn tên gọi nào khác không. Từ quốc lộ 1, nơi đoàn xe GMC đổ quân, nhìn vào, ngọn núi có hình dáng nằm ngang, gần song song với quốc lộ. Ngoài đôi lần đuổi hươu, đuổi vượn trên sườn núi, chúng tôi thường tảo thanh các chòi nhà ở sát chân núi. Khoảng cách giữa điểm xuất phát đến những vùng ghi đỏ trên bản đồ hành quân khá xa và trống trải, nên chúng tôi thường phải khởi hành từ nửa đêm hoặc 3, 4 giờ sáng. Một lần sau khi vào đến mục tiêu, trung đội tôi có nhiệm vụ mở đầu cuộc lục soát. Khi tạm dừng quân, tôi vào một nhà dân, gặp một người đàn bà trạc tuổi 40 và hai đứa nhỏ. Người đàn bà tỏ ra rất bình tĩnh, nhưng tôi vẫn đọc thấy nỗi lo lắng trong đôi mắt bà. Tôi đi một vòng quanh nhà, dừng một phút trước một cái bàn thờ đầy bụi bặm. Bất cứ nhà dân nào ở những vùng chúng tôi hành quân, dù nghèo đến đâu cũng dành một nơi để thờ phụng. Và nếu hỏi thăm về người đàn ông trong gia đình, đều được trả lời họ đã quá vãng. Hôm đó tôi cũng có hỏi và được đáp như vậy. Nhưng khi tôi bước trở ra, rất tình cờ tôi bắt gặp một cuốn vở học trò, gấp làm đôi, dắt trên đầu cửa. Tôi lấy cuốn vở bỏ gọn vào túi quần trên ống chân tôi, trước sự bối rối của người đàn bà. Sau khi đi một vòng chu vi căn nhà, tôi mở vở đọc. Những trang giấy học trò ghi rõ ràng danh sách những người quyên đóng một số tiền cho một công tác, được điều động bởi những người chống đối chế độ Quốc gia. Căn cứ dòng cuối cùng ghi rõ ngày tháng, tôi biết sự việc thu góp mới vừa cách qua đêm. Dĩ nhiên ở vùng nào phải thờ thổ địa vùng đó, tôi hoàn toàn thông cảm. Mười lăm, hai mươi phút sau, tôi được lệnh tiến thêm, lục soát tiếp xóm nhà khác. Trước khi đi tôi đưa trả cuốn vở cho người đàn bà và không quên căn dặn nên cất giữ cho cẩn thận. Chỉ chừng mười phút sau, tôi thấy khói, rồi lửa bốc lên từ căn nhà tôi vừa dời chân. Chẳng cách xa bao nhiêu, nên tôi quay trở lại xem nguyên nhân. Hóa ra Trung đội 1 của Lập tìm thấy cuốn vở tôi vừa giao lại và phóng hỏa. Tôi bất lực đứng nhìn người đàn bà hốt hoảng, lăng xăng chữa cháy một cách tuyệt vọng. Hai chị em con bé, không giúp mẹ chúng được gì. Con chị đặt hai tay lên hai vai em. Cả hai cùng đứng nhìn lửa cháy thật bình thản. Tôi tiến lại gần chúng, nhỏ nhẹ hỏi. - Các em có biết gì không ? Con chị thản nhiên nói hai chữ “nhà cháy”, mắt nó không rời ngọn lửa, không biểu hiện một xúc cảm nào. Chúng còn quá bé. Tôi bần thần trở về trung đội của mình, tự trách phải chi đừng trả lại cuốn vở cho người đàn bà vùng xôi đậu kia. Cuộc hành quân lần đó của chúng tôi không thu được một chiến lợi phẩm nào, cũng không tổn thất. Riêng tôi thỉnh thoảng vẫn như thấy ngọn lửa ngày hôm ấy, cùng đôi mắt và giọng nói vô tư của con bé xa lạ, ở sát một chân núi. Một trong những cuộc hành quân trên vùng đất Quảng Tín, tôi còn nhớ là cuộc hành quân Liên Kết. Đây là một cuộc hành quân có qui mô lớn với sự tham chiến của nhiều đơn vị. Trung đoàn 4 Bộ Binh, Chi đoàn ba, Chi đoàn 4 Thiết Giáp và một biệt đội trừ bị Biệt Động Quân. Trong cuộc hành quân này, tôi có hai người bạn học cũ, thời Phan Châu Trinh Đà Nẵng. Lê Văn Nghĩa, Chi đoàn trưởng Chi đoàn 4 Thiết giáp và Phan Quảng Chi đoàn trưởng Chi đoàn 3 Thiết giáp. Chúng tôi gặp nhau ngoài mặt trận, cũng rất tình cờ. Với Phan Quảng, địa thế của vùng hành quân khá quen thuộc, nên bất ngờ găp tôi, hắn đùa: - Nếu có chạy, mày nhớ chạy ra hướng này, tao sẽ bốc. Tôi cũng không quên ba lơn: - Tao sẽ chẳng bao giờ đi Tam Quan đâu, mày yên tâm. Có cần tao tặng một bài thơ thay lá bùa để dán lên xe của mày không ? Chúng tôi vui vẻ chia tay, trong cuộc gặp mặt chớp nhoáng bên bìa rừng. (Tam Quan là vùng trồng nhiều dừa, thuộc Bình Định. Hai chữ Tam Quan dùng để nói lóng, rất thông dụng trong binh sĩ vùng I chiến thuật, có nghĩa là tháo chạy chỉ mang được một cái “đầu máu” như cái gáo dừa). Ngay sau đó, một chiếc trực thăng chở đến cho chúng tôi một viên hồi chánh. Cuộc hành quân này được tổ chức để tiếp thu một kho súng đạn lớn Việt Cộng cất giấu trên một đoạn núi thuộc dãy Trường Sơn. Rất xui, trung đội tôi bị chỉ định áp dẫn người hồi chánh cấp cao, mở đường đến mục tiêu. Tôi cẩn thận cho một khinh binh đi trước người hồi chánh, và sau lưng ông ta, chúng tôi di chuyển hàng một trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Viên hồi chánh dẫn chúng tôi qua một số cơ sở của Việt Cộng, khéo léo xây dựng trên sườn núi. Ngoài những địa điểm quan sát, ụ chiến đấu, tôi còn mục kích một căn cứ học tập được đào sâu dưới đất có mái che bằng lá, ngụy trang rất tinh vi. Một số bàn ghế thô sơ được đặt trên một sàn cây. Sàn được hình thành bởi nhiều thân cây rắn chắc, suôn thẳng, ghép sát lại với nhau. Sàn cây này được treo thòng dưới lòng hầm đất lớn, có bắc thang để lên xuống. Khi đi qua vài “kiến trúc” như thế, tôi cảm thấy yên tâm, bớt sợ bị lừa, đồng thời cũng nghĩ ra một câu vè, rủa thầm trong bụng. Thằng cha này quả thật là thứ: “ăn cơm Cộng sản, bỏ đảng thờ Quốc gia”. Leo núi không phải chuyện dễ dàng với ba lô súng đạn cồng kềnh. Nhưng cuối cùng cũng đến. Viên hồi chánh chỉ một đường luồn nhỏ để lên điểm cao cuối cùng. Kho súng đạn được cất giấu trên đó. Một linh tính chẳng lành đến với tôi, khi nhận thấy đường luồn này chỉ có thể bò lên, không đi khom người được. Thay vì cả trung đội leo hàng một theo ông ta như đã đi. Tôi chỉ cho hai khinh binh, để lại ba lô cho đồng đội, một bò trước ông ta, một bò ngay phía sau. Số binh sĩ còn lại, tôi cho bố trí, chĩa họng súng ra chung quanh điểm đứng của chúng tôi. Tiên liệu của tôi thật chính xác. Người khinh binh thứ nhất bò vừa khỏi mút đường luồn, chưa kịp đứng thẳng người, đã bị viên hồi chánh phía sau, xô té nhào. Ông ta bỏ chạy, người khinh binh phía sau, chưa thẳng lưng đã nổ súng về hướng chạy của tên Việt Cộng, nhưng không còn kịp. Rừng núi đã dung nạp ông ta. Tôi lập tức cho khai hỏa để yểm trợ hai binh sĩ của mình trở về. Sau đó tôi ra lệnh tác xạ đều bốn phía dù không thấy bóng địch quân nào. Vừa bắn chúng tôi vừa vội vã xuống núi, không cần xin lệnh của thẩm quyền tôi. Khi bắt gặp lại đại đội, chúng tôi được tiếp tục xuống vị trí an toàn hơn. Cao điểm bao giờ cũng lợi thế, nhưng không hiểu sao buổi chiều hôm ấy và suốt đêm kế tiếp, Việt Cộng im re, không một tiếng AK nào trả lễ. Rạng sáng ngày hôm sau, một tiểu đoàn khác thay chúng tôi lên núi lục soát. Chúng tôi nằm bố trí chờ tiếp viện sát bìa rừng. Cuộc chạm súng ác liệt đã thực sự bắt đầu vào lúc xế chiều. Cho đến chạng vạng súng không ngớt nổ, đồng đội thay chúng tôi cũng trở thành lực lượng cầm chân địch, chờ đơn vị Biệt Động Quân thanh toán chiến trường. Những anh hùng mang đầu cọp làm tắt tiếng AK nhưng kho súng đạn hoàn toàn vô căn cứ. “Đồng chí hồi chánh viên” thật giả chẳng biết về đâu. Mặt trận phía tây thị xã Quảng Ngãi, tôi khó quên nằm trên cao điểm Sơn Hà. Đi lùng giặc trong rừng núi trùng trùng điệp điệp cây lá âm u thật nguy hiểm, nhưng cũng rất thú vị. Tiếng suối, tiếng chim, tiếng cây lá và hàng trăm thứ tiếng lạ tai khác tạo thành một thứ âm thanh của núi rừng thật kỳ bí, vừa quyến rũ, vừa nham hiểm. Len lỏi qua từng gốc cây, tảng đá, tôi có cảm tưởng như được trở về với đất trời Tiên Phước thuở nào. Tôi mong nhìn thấy một con mang, một con nai hay một con chồn vớ vẩn nào đi lạc. Nhưng tuyệt nhiên không gặp. Đang vừa đi vừa suy nghĩ, hồi tưởng, tôi chợt nghe tiếng suối thân mật vỗ vào vách đá thật gần, ngay trước hướng tiến quân của chúng tôi. Không chậm chân, tôi vượt qua người khinh binh đi dầu. Chẳng mấy chốc, tôi phát hiện dòng suối phía dưới chân núi. Một thoáng bàng hoàng khi tôi nhìn thấy ba người lính đang bình yên đứng rửa chân. Đơn vị nào đến trước chúng tôi, khi chính chúng tôi có nhiệm vụ mở đường ? Trong hồi hộp, tôi quan sát kỹ, và giật mình khi thấy một trong ba người có choàng trên vai một tấm vải màu hoa dù. Tôi lập tức báo cáo lên Đại đội trưởng. Chúng tôi được lệnh dừng tại chỗ, tiếp tục quan sát. Ba anh lính “cụ Hồ” không hề hay biết sự hiện diện của chúng tôi. Họ rời dòng suối, từ từ từng người một, đi về hướng một mái chòi nằm trên một vạt đất trống, cách sườn núi không xa. Giữa núi rừng, đất trời vắng lặng, tôi nhìn theo dáng đi từng người, tự dưng cảm thấy thương xót vớ vẩn. Trời đất buồn bã quá. Rừng núi thê lương quá. Sao họ có thể lạc lõng ở nơi thâm u này. Họ là người miền nào của đất nước, lưu lạc đến đây đã bao lâu. “Sinh bắc tử nam” có đúng là mục đích chính của mỗi cá nhân tự do chọn lựa. Thú thật lúc bấy giờ, tôi còn rất mù mờ về Cộng sản. Sự độc tài, đảng trị có thể có thật như một số sách báo tôi đã đọc. Nhưng chủ trương đánh đuổi ngoại xâm, thật hay giả của họ cũng rất đáng suy ngẫm. Đang miên man suy nghĩ linh tinh, tôi được lệnh, chuẩn bị tiếp tay với một nhóm binh sĩ của Chuẩn úy Bảy, đang kín đáo bò về hướng mái chòi. Không hiểu những cán binh Việt Cộng làm gì trong thời khắc ấy. Họ hoàn toàn mất cảnh giác giữa địa bàn hoạt động của họ. Tự tin hay thiu thiu ngủ để đến nổi sau một tiếng lựu đạn vang trời, kéo theo những tiếng AR 15, chỉ có một dáng người nhào ra khỏi chòi, một đoạn ngắn. Tôi và binh sĩ của tôi chạy băng xuống sườn núi. Chỉ với khẩu colt trên tay, tôi chạy thật nhanh. Khi đã đến chỗ người cán binh ngã nằm, không hiểu sao, tôi đá anh ta một cái rõ mạnh. Cú đá làm chính tôi giật mình, ngó lại. Hóa ra anh ta chưa chết. Điều kỳ lạ hơn, anh không bị dính một vết thương nào. Ân hận vì cái đá, có lẽ vậy, tôi hỏi anh ta đau ở đâu. Anh chỉ rên mà không trả lời. Tiếng rên thật xót lòng. Những người lính của tôi xúm lại. Tôi bảo một người lật anh ta qua lại, tìm vết thương, hoàn toàn không có. Nhưng rõ ràng anh kiệt sức. Tôi đề nghị thẩm quyền bắt anh theo. Lời đề nghị được chấp thuận. Nhưng người cán binh chưa đến mười tám tuổi này lì lợm nằm rên. Tôi cho hai người lính khiêng, anh ta trì lại. Dằng co kéo dài đến mấy phút. Đại úy tiểu đoàn trưởng quan sát bằng ống dòm, bực mình chửi tôi qua ống liên hợp. Ông ra lệnh bắn bỏ và tức khắc lên núi. Tôi thi hành nửa khẩu lệnh của ông: lập tức trở lên núi . Những binh sĩ của tôi cũng rất nhân đạo. Một tràng AR 15 xoáy trực tiếp xuống mặt đất cho ông tiểu đoàn trưởng yên tâm. Tiếng rên của người cán binh nhỏ dần, đồng đội của anh có tất cả 4 người đều đã bỏ mạng. Anh sẽ về đâu khi chúng tôi tiếp tục cuộc hành quân. Đây không phải lần đầu tiên tôi tha quân địch. Hồi vào An Mô Đức Hải, chúng tôi tóm được đến ba chàng du kích. Tôi không báo cho đại đội trưởng và thả họ đi khi chúng tôi di chuyển. Trong chuyến quay trở về, ngang qua An Mô, chúng tôi nhận được nhiều tràng đạn, rất may không ai “rách áo” hoặc “đi phép”. Ai đã bắn chúng tôi, ngoài ba người du kích tôi đã thả ? Vì mạng sống của chính mình, của đồng đội, tôi tự nhủ không nên ba lơn, lớ ngớ ngoài mặt trận. Nhưng quả thật tôi chưa hề bắn một ai. Nhiều lần tôi tự hỏi mình đã là kẻ sát nhân chưa ? Có thể lắm, những lần gọi pháo binh dọn trước một chỗ sẽ đến, hay làm ấm một ổ nằm, đã chắc gì không có ai tổn thương bỏ mạng? Vùng đất Tư Nghĩa, nơi sản sinh cảnh sắc Thiên Bút Phê Vân, không xa thị xã Quảng Ngãi bao nhiêu, nhưng không thiếu bóng dáng những người tự cho mình cái bổn phận “giải phóng miền Nam’, dù miền tự do này không có gì cần giải phóng. Đã có hơi thở của “mặt trận” là cần có những cuộc hành quân tảo thanh, bình định. Tôi có mặt trong vài lần hành quân lục soát ở khu vực này. Thật ra chẳng có gì đáng nhắc nếu không có một bữa kích đêm, suýt phạm tội. Đêm hôm đó trung đội chúng tôi có nhiệm vụ nằm tại một trong những xóm nhà dân để giăng một mẻ lưới, bắt vài con cá nhỏ theo tin tình báo. Các xóm nhà dân lụp xụp thường qui tụ năm ba cái lại với nhau một cụm. Vì tính chất một cuộc kích đêm, với quân số ít, điểm nằm nên linh động thay đổi. Trước 4 giờ chiều tôi đã chọn điểm nằm chính, nhưng hơn 6 giờ chúng tôi vẫn lởn vởn ở một điểm phụ. Phần lớn dân trong xóm đều có thân nhân hoạt động cho địch. Đêm tối là thời điểm thuận lợi cho họ trở về sum họp với nhau. Khi có chúng tôi, những chủ nhà thường tìm cách kín đáo thắp lên một ngọn đèn nhỏ trong giây lát để báo hiệu cho người thân của mình đừng xuất hiện. Sau khi bố trí binh sĩ nằm quanh một khu vườn hẹp, tôi theo người lính đàn em vào nơi nghỉ đêm, qua sự sắp xếp trước của cậu ta. Căn nhà quá hẹp, ngoài bộ bàn để sát cửa ra vào, chỗ còn lại chỉ đủ cho hai cái chõng tre, đặt song song và cách nhau vừa một cánh tay vói. Hiện diện trong nhà chỉ hai chị em. Cô chị chưa tới 30. Cô em nhỏ hơn ít tuổi. Trong ánh sáng lờ mờ, tôi không nhìn rõ nhan sắc của hai người con gái. Nhưng ánh mắt của cô em chợt giúp tôi nhìn ra một sự chờ đợi rất lãng mạn. Tôi nằm trằn trọc không chợp mắt sớm được như thói quen. Mùi da thịt đàn bà cứ ngấm vào thân thể tôi không những bằng mũi mà còn qua nhiều cơ quan khác. Lâu ngày xa vợ cứ làm tôi thao thức lưỡng lự. Tôi biết rõ cô chị nằm mé ngoài chõng tre. Mặt mày cô này rõ ràng nghiêm nghị, không nên đụng vào. Cô em với đôi mắt và nụ cười mỉm vừa qua như hẹn hò là cả một cơ hội. Tôi suy tính và phát hiện cả hai cô đều còn thức. Nhất là cô chị có vẻ bồn chồn. Tôi có thể đoán biết nỗi bận tâm của cô, nên thử tạo cơ hội. - Hình như có tiếng động gì lạ dưới bếp, cô nào có thể xuống thử coi. Tôi nói trổng trong bóng tối. Cô chị chỉ chờ có vậy, lật đật mò xuống bếp. Không bỏ lỡ thời cơ, tôi vói tay qua. Rất bất ngờ, cô em đã lăn sẵn ra mé ngoài. Khi chạm tay tôi, cô nắm lấy và cho tay tôi luồn ngay vào áo. Cặp nhũ hoa của cô bé thật săn chắc, tôi xoa nắn nhẹ nhàng vài vòng rồi rút tay về với ý định tìm đến mục tiêu chính. Cũng rất bất ngờ, cô bé quyết liệt đẩy ra. Nhưng cô tiếp tục cho tay tôi lên cặp nhũ hoa. Thật tình, đây là lần đầu tiên, tôi có những hành động sàm sỡ bất chính, nhưng không dẹp được những lo sợ của mình, nhờ vậy mọi háo hức của tôi lắng dịu mau lẹ. Tôi thử cố gắng vươn đến mục tiêu chính vài lần nữa nhưng cô gái vẫn trì kéo, giữ tay tôi cho tự do trên vú của mình. Cô chị đã thắp vội ngọn đèn trong giây lát rồi lặng lẽ trở lên. Tôi hoàn hồn nằm trở xuống. Đêm thanh vắng đắp kín tôi bằng một màn đen tối dày đặc. Tôi tự xấu hổ với chính mình, nhưng không bớt băn khoăn. Rõ ràng cô gái có sự kích thích ham muốn. Hai vú cô săn cứng nhưng sao lại từ chối một bàn tay đặt vào vị trí trọng yếu như vậy. Tôi đồ chừng cô trong giai đoạn treo cờ đỏ hoặc là một ngọn đồi trọc, đúng như lời nhiều người nói về một số cô gái. Giả thuyết đầu có lẽ hợp lý hơn. Cứ nằm lý giải vu vơ như vậy, tôi thiếp vào giấc ngủ. Sáng hôm sau tôi dậy thật sớm, không nhìn lại hai cô gái lần nào nữa. Rừng Lăng nằm gần doanh trại bộ chỉ huy Trung 4 Bộ Binh của trung tá Nguyễn Văn Lãm, người miền Nam. Một trận đánh rất khốc liệt đã diễn ra trong vòng đai thường xuyên tảo thanh, lục soát của các tiểu đoàn 1, 2, 3, 4, khi thay nhau về nằm ứng chiến. Cũng nhờ cuộc chạm súng này, tôi xác định được, việc xích chân xạ thủ bên ổ súng, để chiến đấu đến cùng của Cộng quân là có thật. Không phải chỉ là tin đồn miệng. Nhưng tôi sẽ không nhắc lại diễn tiến trận đánh, bởi riêng tôi, không lượm lại được một kỷ niệm đáng quí nào. Nhớ lại Rừng Lăng, nhắc đến bộ chỉ huy Trung đoàn 4 chỉ để hồi tưởng cái lần tôi phải đổ máu đầu tiên. Chúng tôi được lệnh cắm trại trăm phần trăm để chuẩn bị một cuộc hành quân. Tiểu đoàn 1 của chúng tôi do Đại úy Cẩn chỉ huy, hiện đang được nằm ứng chiến cho trung đoàn. Doanh trại dã chiến của chúng tôi nằm ngay sau lưng doanh trại trung đoàn. Với vài vòng rào kẽm gai lỏng lẻo, hờ hững, doanh trại này quả thật rất dễ bị xóa bỏ, nếu có cuộc tấn công. Từ buổi trưa đoàn xe GMC mười mấy chiếc đã vào sân doanh trại. Nhưng chúng tôi chưa được lệnh xuất phát. Kế hoạch hành quân hình như có sự thay đổi. Đoàn xe ra về không mang theo một anh lính bộ binh nào. Nhưng lệnh cắm trại vẫn được duy trì. Mỗi một lần trước khi hành quân, lệnh bảo mật được dặn kỹ, nhưng thật khó thực hiện. Khi có lệnh cắm trại, binh sĩ đương nhiên biết sắp có hành quân. Họ thường lăng xăng lo nhiều việc lỉnh kỉnh và không ít người ra khu gia binh tạm bợ ngay bên ngoài vòng đai doanh trại. Tình báo địch do đó sẽ nắm chắc được đơn vị có tham dự hành quân hay không. Thậm chí còn có thể biết được những nơi quân Quốc gia sẽ viếng. Riêng tôi trước mỗi cuộc hành quân thường có ít phút buồn buồn. “Xanh cỏ đỏ ngực”, “Sống lâu lên lão làng” là những câu thường được nghe binh sĩ truyền miệng. Với tôi, những mục tiêu trên không mấy quan trọng. Từ nhỏ tôi đã không có cảm tình với bói toán, nhưng tôi lại rất tin mình sẽ có một số tuổi đời đáng kể, sau nhiều lần thoát chết trong gang tấc. Tôi vẫn thường nhớ lại những tai họa mình đã vượt qua. Một lần ngộ độc vì bánh xèo, may nhà gần bệnh viện, súc ruột kịp thời. Một lần, ngày đoan ngọ, về quê ăn mùng Năm cùng anh chín Hiển, xe đò bị lật sát bên đầu cầu Đỏ. Hơn 15 người bỏ mạng. Anh tôi phải nằm viện hơn 3 tháng. Phần tôi, với vết thương ngay trên đầu, vẫn còn được đóng dấu chứng nhận hẳn hoi bằng một cục sẹo tròn tròn. Gần đây nhất, trái mìn ba râu (loại mìn rất mạnh) bên một con lạch ở Đức Hải, xì khói mờ mịt dưới một bàn chân tôi nhưng không chịu nổ. Ông địa của vùng giàu mìn, lựu đạn này đã không mỉm cười với tôi. Chân thành đa tạ. ...”Nhà thơ mà vác súng đi lơ ngơ vào vùng sấm sét, e rằng không khá được” Đây là nhận xét của nhà văn Lâm Chương. Đồng tình với ý nghĩ này, ông bạn tôi, Lê Vĩnh Thọ, một nhà thơ phản chiến, vẫn đinh ninh chuyện tôi sẽ tử trận là điều chắc như đinh đóng, không thể tránh được. Anh nảy ra cái ý viết đưa đám tôi bằng một bài thơ, để tôi có dịp đọc trước khi thực sự vĩnh biệt sân chơi thế gian. Bài thơ quá dài, đến 222 câu, tôi xin phép trích ghi tiêu biểu: mày đã chết hỡi Thiếu úy Lê Ngọc Châu hỡi Luân Hoán mày đã ngã xuống mày đã anh dũng đền nợ nước người ta nói thế tao cũng tin thế chăng anh dũng đền nợ nước tổ quốc ghi ơn nhưng vợ mày chắc oán vợ mày với đứa con trong bụng đứa con sắp ra đời, mùa xuân sắp tới ... và đứa con sắp ra đời không có cha bên cạnh mãi mãi không có cha có cần xin lỗi gia đình mày có cần xin lỗi vợ mày ôi người vợ rất hiền rất trẻ rất ngây thơ bẽn lẽn tuổi vợ mày chưa bằng tuổi chiến tranh người vợ mày thường gọi tên trong những bài thơ dĩ nhiên không phải thơ tình ... được tin mày chết tao chẳng ngạc nhiên việc phải đến đã đến cần gì phải tiên tri trong thâm tao vẫn đợi hòa bình ơi hãy đến trước khi mày ra đi sớm muộn gì cũng chết trở về có mấy khi không khóc bằng nước mắt khóc mày một bài thơ có thể tao tàn ác khi tin mày sẽ chết trong cuộc chiến hôm nay ... hỡi Luân Hoán tao đâu muốn đùa dai tao đâu muốn tàn ác tao tưởng tượng mày đã chết mày còn sống khác chi ... thương mày tôi còn nỗi niềm tin trái tim mày bất diệt trái tim sẽ kết tinh mà nước mắt vợ hiền mà nước mắt bạn thân không làm tan thành nước chỉ có giọt lệ thơ và giọt lệ quê hương mới làm mày xúc động hỡi Luân Hoán tao đã khóc mày khá dài mày có khôn thiêng về đọc bài thơ này ô hô (Lê Vĩnh Thọ, 21-01-1969 trích NHCBCT) Không rõ bài thơ chân tình của Thọ có là một nỗi ám ảnh ? Buồn buồn là chuyện có thật trước mỗi cuộc hành quân tôi tham dự. Hôm đó cũng vậy. Nằm bên cạnh một người lính gác, tôi vẩn vơ nhớ đến vợ, đến cha, đến em trai, đến bè bạn rồi ngủ quên. Khi tôi thức dậy, trời tối như mực. Tôi lên tiếng hỏi - Đứa nào gác đó ? - Dạ em, thẩm quyền. Người lính không xưng tên, nhưng tôi đã biết. Che tay bấm đèn pin, tôi lần mò đi thăm vòng đai một lần. Mặt trung đội tôi bố trí hướng ra một vạt đất trống ngay sau lưng trung đoàn. Trời có sương lạnh lạnh. Tôi vẫn mặc áo giáp thay áo ấm, ngay khi ngủ. Tôi dặn dò người lính gác cẩn thận, đồng thời cũng bày tỏ cái linh tính khác thường của mình. Tôi tin đêm nay sẽ có xảy ra một chuyện gì đó. Tôi nằm trở xuống. Nhưng đầu chưa kịp chạm đất, tôi đã giật mình ngồi dựng dậy, vì một tiếng nổ của trái hỏa châu, từ vọng gác bên trung đoàn bắn lên trời. Tôi lầu bầu chửi thề, chẳng thèm ngó quanh, khi ánh sáng đủ để quan sát. Đêm thanh vắng tịch mịch trở lại. Biết không còn ngủ được tôi lim dim làm thơ trong đầu. Cả trăm đoạn thơ con cóc như sau đã được tượng hình từ nhiều lần thức, ngủ lơ mơ như thế: yêu em yêu biết mấy biết cất giữ chỗ nào mang theo với súng đạn với mấy ngày lương khô giữa trời ngồi ỉa vất lên ngọn cỏ Thu Xà trên tay cầm khẩu súng chĩa mũi gờm bóng ma đêm choàng hơi đá núi sương ướt đẫm poncho chợp mắt mơ chăn gối ọc sữa tự bao giờ ba năm đeo lủng lẳng một khẩu colt 45 khóa an toàn mở sẵn viên đạn vẫn trong lòng.... Thơ thẩn là chuyện không cùng với tôi. Đáng tiếc thay đêm hôm đó...Tiếng hỏa châu thứ hai kéo theo tiếng la lớn của người lính gác, ngay dưới chân tôi: Việt Cộng. Trong tí tắc những tràng đạn AR15 thi nhau nổ. Tưởng chừng như đã hẹn hò trước, những quả đạn súng cối từ đơn vị pháo binh, ào ào chụp xuống ngay sát bên ngoài vòng đai an toàn của chúng tôi. Trời sáng rực rỡ. Tôi đã có mặt hàng ngang với binh sĩ. Bên tôi là Tám, mang máy truyền tin và An, người lính đàn em. Tôi không thấy một bóng giặc nào, ngoài những đường đạn bắn ra. Cũng không có đường đạn nào của địch quân. Cuộc tác xạ một chiều như một cuộc chơi, hình như ai cũng bình tĩnh bóp cò cho thoả thích. Năm bảy phút vãi đạn qua nhanh. Những trái hỏa châu nối đuôi nhau treo lưng lửng giữa trời những ngọn đèn sáng rực. Tôi cầm ống liên hợp, nhận lệnh từ Đại đội trưởng. Truy kích địch, đương nhiên. Sau tiếng hô xung phong của tôi. Binh sĩ vừa bắn vừa nhào ra. Tôi cầm khẩu colt vượt hàng ngang với lính. Một rồi hai rồi ba rồi bốn...tên Việt Cộng vùng dậy chạy. Hóa ra những tên đặc công có nhiệm vụ đi trước cắt bỏ dây rào thép, chướng ngại vật đã nằm trong vòng an toàn của chúng tôi, nên đạn pháo binh không làm họ sứt mẻ. Đạn tránh người, người không tránh đạn có thể là như vậy. Một tên nữa vùng đứng lên chỉ cách tôi mươi bước. Thằng An dương súng, tôi hô lớn “Đừng bắn!”. Liền đó tôi nghe như ai đấm mạnh vào ngực trái của mình. Tôi ngã vật xuống, lơ mơ bên tai một tiếng nổ lớn. Tôi bình tĩnh lại nhanh chóng trong tiếng đạn không ngớt nổ chung quanh. Đưa tay lòn vào ngực áo, tôi mò tìm vết thương, không thấy. Đẩy sâu bàn tay ra sau lưng, tôi cảm nhận cái ươn ướt...Tôi bò vào chỗ nằm cũ. Trái lựu đạn Việt Nam từ tay người tôi không cho lính bắn đã trả ơn tôi bằng một hành động thiết thực khi tham chiến. Không giết người, người giết mình. Không nên có sự nương tay, khi hai bên cùng sử dụng vũ khí. Những người đặc công đêm ấy, không có súng, Họ chỉ có lựu đạn, có lẽ để tự sát hơn dùng trong việc cận chiến. Tôi được đưa về bệnh viện Dã Chiến Quảng Ngãi. Cảm ơn Sương Sông Vệ đã ghé thăm. Cũng đôi lúc tôi tiếc đã không ghi lại nhật ký. Những cuộc hành quân tại Núi Tròn, đèo Bình Đê, Minh Long...do đó chẳng nhớ ra những đặc điểm nào. Hành quân là một công việc tay phải của những người lính, được đặt trong thành phần chủ lực như chúng tôi. Chuyện tham dự hành quân trở thành bình thường như những chuyện ăn, ngủ, làm tình. Và những cuộc hành quân thường na ná giống nhau. Cắm trại. Tập họp. Kiểm tra quân số, đạn dược, lương khô...Rồi im lặng vô tuyến, rồi khai hỏa, tiến chiếm mục tiêu, lục soát, phòng ngự, truy kích, tải thương, báo cáo...cứ đều đều lặp lại như vậy. Riêng tôi may mắn còn có thêm vài phụ mục: ngắm cảnh, nghêu ngao ca hát, làm thơ. Đã giống nhau như vậy, nên tôi xin dành những trang sau cho cái thời lẩn quẩn ở Núi Dẹp, Quán Lác, Thi Phổ, Mỏ Cày, Đức Phụng, Đức Phổ...mỗi nơi một vài nét gọi là một chút tri ân Núi Dẹp, Quán Lác, Mỏ Cày, Văn Bâng liền nhau. Với những địa điểm này tôi nhớ nhất là con rắn lục có bầu, bị chính tay tôi bắn chết khi đột kích lên đồi Văn Bâng. Từ mờ sáng chúng tôi đã lọt vào mục tiêu, không phải bắn một viên đạn nào. Mặt bằng Văn Bâng có nhiều đường hầm chạy loanh quanh. Đây là cao điểm kéo dài đến Mõ Cày, nơi nổi tiếng bắn tỉa của Việt Cộng. Cuộc đột kích của chúng tôi lên Văn Bâng đã không túm được một anh chị du kích rắn mắt nào. Nằm chờ lệnh rút quân trong ánh nắng gắt, tôi chui vào một bụi lá vừa đủ che từ ngực đến mặt. Cơn gió hiu hiu kéo hai mí mắt tôi lại gần với nhau. Chập chờn. Chợt trong một ánh nhìn, tôi phát hiện, ngay gần sát mặt, bụng một con rắn lục bất động. Hoảng hốt tôi lăn ra khỏi bụi. Vài ba người lính chạy tới hỏi dồn: “Gì vậy, gì vậy chuẩn úy?”. Tôi thất sắc đáp gọn: “Rắn...rắn lục!”. Những đôi mắt lập tức xuyên vào các nhành lá theo tay tôi chỉ. Lạ, chẳng anh lính nào tìm ra. Họ về lại vị trí. Tôi băn khoăn, chẳng lẽ mình loạn thị và tại sao sợ rắn đến quá như vậy. Có lẽ do phát hiện bất ngờ và sự cận kề quá sát với con thú có nọc độc. Tôi không chịu bỏ qua. Dòm bên này, ngắm bên kia cuối cùng những ngụy trang khéo léo của con rắn cũng bị tôi phát hiện. Tôi gọi vài binh sĩ nhưng chẳng ông nào chịu nổ súng. Lưỡng lự vài giây, tôi lấy cây AR15 của An, kê gần sát thân con rắn, bắn một viên một. Tiếng nổ giúp ông Đại đội trưởng gọi máy hỏi thăm. Đây chính là lý do những người lính không dám khi không nổ súng. Con rắn chết, đám binh sĩ kéo xác ra ngắm và “báo cáo” con rắn có mang. Tôi nghe trống ngực đập thình thịch. Nhớ ra hôm nay là ngày rằm tôi càng ân hận, lo sợ. Tôi nhờ An đào một cái lỗ chôn con rắn. Nằm gác tay lên trán vẩn vơ. Tôi nhớ đến chuyện con rắn trả báo cụ Nguyễn Trãi thời xưa. Tôi hình dung ra cả chuyện thanh xà bạch xà. Lại nghĩ đến chuyện cấm sát sanh, nhất là ngày rằm, mùng một. Tôi lo sợ vẩn vơ, rồi tự bào chữa. Sát sanh mang tội, nhưng giết một con vật ác lại là một việc thiện. Thiện ác thật ra lẫn lộn vô cùng. Dù sao tôi cũng đã vái thầm trong bụng cho mẹ con con rắn sớm siêu thoát. Tôi buồn và lẩn thẩn có đến vài ngày hôm sau. Núi Dẹp còn để cho tôi vài chuyện không vui khác. Tôi được lệnh chọn một tiểu đội của mình, để đột kích vào một xóm dân. Qua tin tình báo, có một nữ du kích về tổ chức mừng ngày sinh của “cụ Hồ”. Tiểu đội của Hạ sĩ nhất Tý lãnh nhiệm vụ này. Họ được tôi cho Tám mang máy truyền tin theo. Nằm trong hầm cát tại núi Dẹp tôi không yên lòng về những đàn em của mình. Cuối cùng tôi nhận tin tốt đẹp. Cuộc đột kích thành công. Cô nữ du kích chết tại chỗ. Tôi cũng được cho biết cô gái không may ấy tên Tuất, còn rất trẻ. Chẳng hiểu sao tôi cảm thấy nao nao buồn. Chuyện không vui thứ hai với Núi Dẹp vào tết Mậu Thân. Lần đó tôi bỏ đơn vị về Đà Nẵng. Khi trở vào tôi được biết Chuẩn úy Âu, khóa đàn em của tôi, được đổi về tiểu đoàn chúng tôi. Anh đã không có cơ hội ăn cơm nhà binh lâu dài, khi phải thay tôi tạm nắm Trung đội 2 khi tôi vắng mặt Anh ra đi ngay trong căn hầm tôi thường nằm. Cái chết của anh không trực tiếp do tôi gây ra, nhưng rõ ràng có một liên đới. Buồn cho anh, mừng cho tôi, tôi càng trở nên vật vờ hơn trước. Thần chết kêu ai nấy dạ. Biết đâu tôi có mặt nhưng không nằm trong hầm cát ấy, một nỗi nhớ nhung nào đó rủ tôi ra ngoài chẳng hạn. Đùa vậy thôi, những trận đánh trong chiến dịch Mậu Thân của Việt Cộng đâu có giờ để vẩn vơ, họa may tôi bị đày nằm đêm ngoài Mỏ Cày. Địa bàn hoạt động của Bộ chỉ huy tiểu đoàn ở Quán Lát vươn đến Đức Phụng, Đức Hải và nhiều vùng khác. Riêng hai địa danh đẹp này thỉnh thoảng lại gọi một vài binh sĩ đi đầu thai vì mìn và lựu đạn. Chẳng có cuộc chạm súng ra hồn tại Đức Phụng lẫn Đức Hải, ngoại trừ một lần dành tặng cho Chuẩn úy Nam. Cũng là một người đứng ra gánh bổn mạng tôi, khi anh thay tôi chỉ huy Trung đội 2 vào những ngày tôi nghỉ phép. Tiền đồn Đức Hải nằm trên một bãi cát, sát biển. Một đại đội thay phiên nhau đồn trú ở đây trong vòng mười lăm ngày. Nếu không phải đây là vùng kiểm soát của địch, thì cuộc đóng quân hết sức lý thú. Biển trời mênh mông, không khí trong lành. Hơi thở của người lẫn thú rất khiêm nhường. Công việc hàng ngày của binh sĩ là bung ra lục soát cái xóm nhà chỉ mươi nóc gia lân cận. Rồi tha hồ đóng quân ngủ tại chỗ suốt cả ngày. Trong cái cảnh thảnh thơi thanh bình ấy, tôi tìm được một căn nhà khá khang trang, nhất là có một cô bé hay cười, mủm mỉm rất dễ thương. Ngày nào tôi cũng qua mắc võng nằm chơi bên sự quấn quít của cô bé chưa quá 16 này. Chuẩn úy Nam, người Sài Gòn, lon chưa phai bớt màu vàng đã không may thay tạm tôi “bảy ngày về phép”. Nam là một thanh niên đẹp trai vui vẻ, hôm tôi đi phép, chính anh nắm trung đội mở đường. Anh đã vô tình lặp lại những thói quen của tôi. Căn nhà có con bé xinh xắn từng theo tôi về thị xã Quảng Ngãi, đã trở thành cứ điểm cuối cùng của Nam nhìn thấy cuộc đời. Khi tôi trở về đơn vị, xót xa có thêm một bài thơ: Từ đồn Đức Hải ta về phép bạn thế chân ta kích xóm bên chòm xóm tiêu điều năm mái rạ cây cụt đầu ngang ngọn cỏ mềm đâu có chỗ nào vừa mắc võng nằm hoài cũng mỏi cái lênh đênh bạn bắt chước ta vào chái bếp nhà “con bò lạc” của anh em hôm đó nghe đâu trời nóng lắm nắng tràn bốn phía nắng bao vây lâu lâu gió biển vung roi quất muối xác thâm đen cả mặt mày bạn mới ngả lưng lim dim mộng carbin bảy-chín lẫn AK trời xanh thăm thẳm hồn nhiên quá phận số dành riêng mỗi chúng ta ? ta trở lại đồn qua xóm cũ rút colt bắn lẫy cái lu sành nước tràn lu vỡ, trời, ta khóc bóng bạn chập chờn đóm lệ xanh ô hô mới cách mười lăm bữa mà nắng tan hoang vữa cả trời quà mang tặng bạn chia cho lính còn bình đông rượu bạn và ta uống đi em út sao buồn vậy hớp này đãi bạn, hớp phạt ta mực khô dai nhách ? ồ, ngón út máu rỉ hay là mắt ta hoa Nam ơi, Đức Hải trưa nay vắng biển lặng ngồi không xót phận mày ngày mai nhổ trại lùng Đức Phụng đến lượt ta hay đứa nào đây ? (CƠĐĐTT.LTHBVVBH) Trong những ngày đồn trú tại Núi Dẹp, trung đội tôi được thay phiên nằm giữ những yếu điểm trên quốc lộ 1 như cầu Sông Vệ, nằm phía Bắc Núi Dẹp, tiền đồn Thi Phổ, nằm phía Nam Núi Dẹp. Đóng quân giữ Cầu Sông Vệ là thời gian thư giãn lý thú nhất. Tình hình an ninh khá khả quan. Từ bảy giờ sáng đến 4 giờ chiều tấp nập đông vui. Xe lam, xe đò qua lại thông suốt. Đêm đến có phần nặng nề, nhưng chưa có gì đáng tiếc xảy ra trong suốt gian đoạn tôi có mặt tại Quảng Ngãi. Với nhiều lạc quan, tôi thường xuyên theo lính lội vào chợ, không mang ý đồ “trai khôn tìm vợ chợ đông” (ca dao). Người và hàng hóa thật sự giúp tôi vui mắt, vui lòng. Được nhìn, được nghe cảnh sinh hoạt hàng ngày của đồng bào mình trong thanh bình cũng là một hạnh phúc. Ước mong khiêm nhường của tôi đâu ngờ được tặng thưởng một cách xứng đáng. Tôi có một bóng hồng biết thỉnh thoảng ghé hầm cát thăm chơi. Tôi có một nhân vật để vài bài thơ đậm thêm chút duyên sắc. Đóng quân trấn giữ tiền đồn Thi Phổ là đặt mình vào hoàn cảnh trái ngược hẳn với cầu Sông Vệ. Tiền đồn Thi Phổ cũng nằm sát bên quốc lộ 1. Đây lại là giao điểm liên lạc, tiếp tế của Việt Cộng. Tiền đồn Thi Phổ có đầy đủ công sự chiến đấu, hầm cát chỉ huy, dày đặc vòng rào kẽm gai, cùng mìn bẫy. Có cả trụ cờ. Để cho cái yết hầu của mình thông thương, Việt Cộng bằng mọi cách phải nhổ cái chốt Thi Phổ. Trước tôi đã có nhiều đơn vị bị bứng đi. Đồn bỏ trống một thời gian khá lâu thì đến phiên tôi tái trấn giữ. Chỉ qua đêm thứ ba, trung đội của tôi bị tấn công. Hỏa lực của địch rất mạnh. Bằng những quả súng cối 60, đặt hàng ngang trên mặt quốc lộ, họ khai hỏa trực chỉ. “Cái chết hạnh phúc”(chữ dùng sau này của nhà văn Nguyễn Sao Mai) đang cận kề, tôi cùng binh sĩ nằm sát đất bắn trả đũa cầm chừng. Thẩm quyền trực tiếp của chúng tôi chắc đã chọn phương án hy sinh đồng đội, để giết một ít địch quân. Chúng tôi được pháo binh tiếp viện. Nhưng những quả đạn được điều chỉnh rơi ngay vào tiền đồn. Rất may quyết định liều lĩnh, hơi thiếu tình nghĩa “huynh đệ chi binh” của ông Tiểu đoàn trưởng đã cứu chúng tôi. Việt Cộng chỉ cẩn nhổ đồn, không cần tịch thu vũ khí, xác người. Chúng bỏ đi để mặc cấp trên tàn sát cấp dưới. Một phép lạ đã giúp chúng tôi. Tàn trận với ba binh sĩ hy sinh. Mười người khác bị thương, có nặng, có nhẹ. Riêng tôi hoàn toàn vô sự. Rất buồn trước những cái chết của binh sĩ, trong đó có Thị, Bình Định giỏi võ, có Thế, mập mạp luôn được cô vợ rất đẹp lên thăm, nhưng lại mắc chứng kinh phong khá nặng. Xin thắp cho các em những nén hương muộn màng. Từ Núi Dẹp chúng tôi còn tham dự trận đánh ở Nghĩa Hưng. Đây là một trận đánh không thua nhưng chúng tôi đã bỏ chạy một khoảng đường có đến mấy cây số. Mục tiêu là một liên xóm còn rất nhiều cây cao bóng cả. Ranh giới giữa chúng tôi và quân địch chỉ là một bờ đất cao quá đầu người. Không sử dụng được súng. Cả hai bên đều dùng lựu đạn. Chúng tôi chiến thắng nhờ chất lượng của những trái na Mỹ quốc. Khi đã biết Việt cộng rút lui, tôi cho xung phong vượt qua bờ đất. Rất có thể Việt cộng nhử cho chúng tôi “quá giang” thật sâu để làm thịt. Nhưng tôi vẫn còn đủ bình tĩnh khi đọc thấy cái im lặng bất thường của phe địch. Tôi cho lệnh rút quân ngay sau khi vượt qua bờ cát phía địch không quá mười thước. Về lại vị trí chiến đấu cũ, qua liên lạc vô tuyến, tôi chưng hửng biết trung đội mình bị cố tình bỏ lại để lập đầu cầu an toàn, tiểu đoàn và cả đại đội trực tiếp của mình đã rút khá xa. Lập tức, tôi cho lệnh rút, đúng vào lúc ấy có tiếng AK tiễn chân.. Cuộc chạy việt dã của chúng tôi bắt đầu. Vừa mệt vừa tức, Nếu chặng đường không đủ dài giúp tôi bình tĩnh có thể tôi đã phạm tội khi gặp lại đại đơn vị. Tôi có chút ít ba gai, lè phè trong những ngày phép, nhưng rất hết lòng trong các cuộc hành quân. Tôi không bị ký phạt ngày nào, kể cả thời bỏ ngũ trong dịp Mậu Thân, nhưng tôi luôn được hưởng những tình huống khó giữ mạng, nếu không nhờ may mắn và những đấng vô hình nào đó che chở. Cuộc hành quân khép lại đời binh nghiệp của tôi rất khốc liệt. Ghi lại diễn tiến những cuộc chạm súng nối nhau trong sáu ngày liền sẽ rất dài dòng và có thể nhàm chán. Trái mìn thứ hai tôi dẫm phải trong đời lính, không thể không nổ. Âm thanh của khối vô giác này, tôi còn được nghe rõ nên tôi vẫn còn trong cuộc sống. Bốn hay ba giờ chiều ngày 11 tháng 2 năm 1969, con đất Thi Phổ một lần nữa nâng đỡ tôi phần nào. Tôi được đưa đến bệnh viện dã chiến của người Hoa Kỳ trên một ngọn đồi ở Đức Phổ. Bậc sinh thành đưa tôi vào đời với một thân thể lành lặn bình thường. Nay hai chân đã mất một, tôi ghi thế nào về những cảm xúc của mình ? Những ngày nằm điều trị là thời điểm Tết nguyên đán, tôi ứa nước mắt nhận gói mứt bánh cùng những lời chúc mừng từ những người bạn đồng minh da trắng. Buồn bã nghĩ về người cha già. Xót xa, nhói buốt nhớ đến vợ và đứa con đầu lòng sắp ra đời. Tin ngã ngựa của tôi vẫn còn được giữ kín. Nằm cùng những thương binh Mỹ, tôi lo tính những gì cần phải thực hiện khi gặp lại gia đình. Một ca khúc xa xưa của nhạc sĩ Phạm Duy, không ai hát mà vang vọng trong tôi những não nùng. Chẳng có gì gối đầu để tịnh tâm hơn câu “Nam mô bổn sư Thích ca mâu ni Phật”, tôi lặp lại câu kinh linh hiển này trong đầu. Bệnh viện Dã chiến Hoa kỳ tại Đức Phổ chỉ có duy nhất một người Việt Nam, cô Phúc, chuyên lo về vệ sinh phòng trại. Phúc còn trẻ lắm, chắc chừng hai mươi. Phúc đã nhiều lần giúp tôi tập đứng dậy bằng một cặp nạng gỗ. Chỉ đứng im một chỗ cho quen. Cô cũng không e ngại giúp tôi làm vệ sinh thân thể nhiều lần. Cô bé có đôi mắt thật buồn và giàu lòng tử tế này không biết bây giờ ra sao ? Em có phải “đi học tập” sau 1975 vì đã làm cho Mỹ. Dễ gì không được khen tặng mấy chữ CIA. Trong lúc điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Đức Phổ, tôi còn có một kỷ niệm hay hay. Dù có học Anh ngữ, tiếng Mỹ của tôi rất là ú ớ, lại không quen sử dụng thủ thuật, tôi gặp khá nhiều khó khăn. Rất may trong đám bác sĩ chăm sóc tôi, có một người chịu chấp nhận hiểu tôi qua chút ít Pháp ngữ cũng rất què quặt. Không ngờ một đêm, đang chập chờn ngủ, tôi được một binh sĩ Hoa Kỳ bồng xuống một căn phòng với cả dây chuyền cùng chai nước biển. Căn phòng rộng vang dậy tiếng rên la của một người đàn bà. Đó là một nữ cán binh. Bà ta oằn oại với cái bụng thật lớn của mình. Không hiểu cơ duyên nào trực thăng Mỹ lại bốc người nữ địch quân, bụng mang dạ chửa này đến đây trong đêm hôm khuya khoắt. Mấy vị bác sĩ không chuyên về sản khoa cần tôi để biết người đàn bà đã ‘mang nặng’ bao lâu, đã đến ngày khai hoa nở nhụy chưa, và tình trạng đau đớn như thế nào. Sau đó tôi được bồng trở về phòng, chờ sáng hôm sau được biết, có một bé trai ra đời. Từ đó đến nay, đã ba mươi lăm năm qua. Không rõ mẹ con người đàn bà năm ấy ra sao ? Dù ở chiến tuyến nào, bà cũng là một người mẹ Việt Nam khốn khổ. Hy vọng thời gian qua bà đã vượt được mọi khó khăn trong cuộc sống, và cậu bé, ngày nay đã rất trưởng thành. Biết đâu cậu đã rõ hoàn cảnh ra đời của mình và tình cờ đọc được những nhắc kể lẩm cẩm của tôi. Một lá thư như trường hợp một người bạn trẻ, Nguyễn Hùng Phi, ở Tiên Phước lại đến, không chừng. Tưởng đã có thể dứt điểm đoạn hồi thuật lẩm cẩm này, thì chợt nhớ ra chưa giải thích nguyên nhân có hai câu: suýt phá đời em du kích nhỏ,/ giữa gian đại tự Phạm Văn Đồng... trong một bài thơ nhớ về Thi Phổ, tôi xin thòng thêm một chút lẩm cẩm nữa. Cụ Phạm Văn Đồng ra đời ngày 01 tháng 3 năm 1906 tại Quảng Ngãi. Không rõ quá trình đầu thai của cụ ra sao, mà cuộc đời “làm quan” của cụ rất bằng phẳng. Giữ chức Thủ tướng nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa từ năm 1955, kéo lê đến 1975, rồi qua luôn giai đoạn đất nước về một mối, cho đến năm 1987. Có lẽ cụ là vị Thủ Tướng dài lâu nhất thế giới.Không biết những khả năng khác của cụ có được lâu bền như vậy ? Nhà ở trong thời ấu thơ của cụ Phạm thuộc xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, nằm trong địa bàn hoạt động của tiểu đoàn chúng tôi, khi đến phiên dưỡng quân tại Núi Dẹp. Chuyện mang quân lục soát khu vực làng cụ là chuyện bình thường. Chúng tôi phải thực hiện để giữ vòng đai an toàn cho bộ chỉ huy tiểu đoàn. Những cuộc hành quân bỏ túi này không mấy khi đụng trận. Nhà của cụ Phạm không cách xa đường cái quan bao nhiêu, nên mức độ an toàn càng cao. Có một điều khá lạ, so với những căn nhà khác, cùng làng, nhà của cụ Thủ tướng, giữ được vẻ lành lặn rất khả quan. Đó là một căn nhà ngói, không lớn lắm, nhưng khá khang trang và chắc rất bề thế vào những năm nó được dựng lên. Nhà không có ai ở. Ngoài bệ thờ, gần như không có vật dụng, kể cả ghế, giường. Thật ra tôi chỉ được biết đây là nhà của thân sinh cụ Phạm, sau khi vào mục tiêu, và dùng căn nhà này cho nhóm dẫn dắt trung đội dừng chân. Thông tin về sở hữu chủ căn nhà do vài người lính có gốc ở địa phương cho biết. Sai đúng ra sao, đến ngày nay tôi cũng chưa kiểm chứng. Dù có là nhà của cụ Phạm thủ tướng hay không, căn nhà rõ ràng được sự nương tay của cả hai bên đối địch trong vùng xôi đậu. Sau khi dòm suốt lòng ruột căn nhà, tôi ra vườn. Vườn có lẽ thuộc loại vườn của cụ Nguyễn Khuyến ngày xưa. Chỉ khác, ở đây không có hàng rào và cũng không có con gà nào để đuổi. Cây lá tự do xanh tốt nhưng không bừa bãi, mọc loạn, điều này cho biết có bàn tay ngầm săn sóc. Đang lắng lòng nghe một tiếng chim lạ, tôi bị dồn dập vào lỗ tai âm thanh cố tình quyết liệt của một giọng nữ. Hóa ra một anh lính của tôi đang tán tỉnh một cô gái và gặp sự phản đối. Rất ngạc nhiên sự có mặt của con bé. Tôi hỏi qua loa người lính, rồi đưa cô ta vào nhà...cụ Phạm. Qua câu chuyện, kể như trả lời thẩm vấn, tôi được biết cô là học sinh của trường Nữ Trung học Quảng Ngãi, về đây thăm bà con. Nhìn vóc dáng, nét mặt, không có gì đáng nghi ngờ. Nhưng chuyện thăm bà con có lẽ không chính xác, bởi xóm làng chẳng còn người nào cư ngụ. Tôi thân mật hỏi cô có biết thầy Đồng không. Cô bảo biết. Tôi thăm dò tiếp, thầy Đồng lúc này ra sao. Cô cũng cho tin rất chính xác. Đồng là tên thật của nhà thơ Hà Nguyên Thạch, dạy trường Nữ trung học Quảng Ngãi. Trong câu chuyện, cô cũng khôn khéo hỏi sự quan hệ giữa tôi cùng thầy Đồng và nhất là không quên nịnh tôi: “Trông...chú giống như là ông thầy hơn là ông lính”. Cô quên rằng tôi là “ông thầy” thứ thiệt được đám binh sĩ của tôi gọi “ông thầy” hàng ngày. Cô học sinh Nữ trung học Quảng Ngãi, không thể là một du kích, nhưng cô đảm nhiệm một công việc gì đó cho phe địch của tôi, chắc chắn có thật. Không nịnh đầm, không dại gái, nhưng tôi bảo một anh binh nhì đưa cô nữ sinh ra mặt lộ, đón xe cho cô về Quảng Ngãi. Chuyện “Suýt phá đời em du kích nhỏ...” đúng là chuyện phịa của tôi cho đoạn thơ thêm hình ảnh. Dựa vào sự xuất hiện có thật của một cô gái trong lần tôi hành quân, nghỉ chân tại nhà cụ Phạm thủ tướng. Vấn đề quấy nhiễu tình dục, nôm na là cưỡng hiếp, ở đâu thì tôi không rõ, nhưng tại đơn vị tôi, hoàn toàn không hề xảy ra, trong giai đoạn tôi có mặt trong tập thể ô liu của mình. Lính của tôi ít ỏi trên dưới ba mươi người, nhưng không thiếu những anh đa tình, kể cả đa dâm nữa, nhưng tôi biết họ rất đàng hoàng, không vượt qua quân kỷ và luân lý đời thường. Một anh hạ sĩ Tý, trung niên, béo mập, có nụ cười làm những con mắt của mấy bà sồn sồn ở một vài chòi tranh có giây phút ánh lên một chút tinh nghịch nào đó rồi thôi. Một trung sĩ Đặng Ngọc Châu, trẻ trung, đẹp trai như kịch sĩ Vân Hùng không thể không làm cho mấy em nông thôn, mấy em sơn cước của những vùng chúng tôi đi qua, có vài giây tơ tưởng. Đặng Ngọc Châu, ông Trung đội phó trẻ tuổi sau này của tôi luôn luôn hồn nhiên với câu hát thường trực trên môi “ người yêu tôi...tôi mới quen hồi hôm”. Câu hát của người viết nhiều nhạc về lính, Trần Thiện Thanh, cũng được một vài binh sĩ của tôi, dung tục hơn: “ người yêu tôi...tôi mới chơi hồi hôm”. Cái quá đà trong ngôn ngữ của họ cốt để mua vui, làm nhẹ đi phần nào cái nặng nề cuộc sống luôn cận kề với tử thần. Sẽ khó quên khi trên đường hành quân trở về, ngang qua một vạt ruộng có nhiều bóng dáng đàn bà, trong đám lính tráng không thiếu anh bạo miệng dặn dò, thật lớn, thật công khai và cũng thật vu vơ. - Tối nay anh về em nhé. Em không cần nấu cơm, kho cá...anh không ăn đâu, nhưng nhớ phải tắm rửa kỹ đấy , giữ sức nằm chờ anh, anh cho lãnh “ráp bênh”...chết luôn.. Câu dặn dò của họ sống động, linh hoạt hơn câu tôi nhớ và ghi lại rất nhiều. Chữ dùng đi từ cái hồn nhiên, vui tính bẩm sinh ấy mà. Những người bạn lính của tôi đều như vậy. Đó là những anh lính chủ lực quân của Sư đoàn 2 nói riêng, của binh chủng Bộ Binh nói chung. Họ không được mặc quân phục rằn ri hùng dũng. Không mấy anh dám xâm tay “ xa gia đình nhớ chị dâu” vv...Họ thường là những người mở trận, thăm dò địch, cầm chân địch, dĩ nhiên cũng không bỏ sót nhiệm vụ thanh toán mục tiêu. Kỹ thuật và căn bản tác chiến giữa người lính bộ binh Việt Nam Cộng Hòa có lẽ hơi khác biệt với binh sĩ đồng minh Hoa Kỳ trong một vài điểm. Để vào mục tiêu, người lính bộ binh thường phải lấy thân mình cùng hỏa lực cá nhân để xung phong, đôi khi được chiến xa yểm trợ từ phía sau lưng. Trong lúc đó, chiến xa của Hoa Kỳ thường uy hiếp mục tiêu trước, và bộ binh dựa vào chiến xa để tiến vào. Lúc rút, bộ binh của Việt Nam Cộng Hòa phải nằm lại cho những chiếc xe bọc thép ra trước nhằm bảo vệ quân dụng, trong khi Hoa Kỳ thì ngược lại. Trọng lượng thân thể của một người Việt vốn nhẹ hơn người Mỹ khá nhiều. Nhận xét này của tôi chỉ căn cứ vào những cuộc hành quân liên kết tôi có tham dự. Có thể hoàn toàn nhầm lẫn, mong quí vị đàn anh có thẩm quyền, quí vị giàu có chiến tích bỏ lỗi cho những nhận xét non kém trên. Chữ nghĩa Việt dành cho cuộc chiến Việt Nam có lẽ đã khá nhiều, từ truyện ngắn, truyện dài, thơ của những anh hào Hoàng Khởi Phong, Trần Hoài Thư, Bảo Ninh, Nguyên Vũ, Nguyễn Bắc Sơn...đến những phóng sự rồi hồi ký...kể khó hết. Nhưng cái dốt của tôi do đọc không được nhiều đề tài này, nên kể chuyện về những cuộc hành quân đã tham dự thiếu hẳn tính chất hấp dẫn lôi cuốn, cần thiết. Máu cũng không thay màu chữ tôi, làm sao hơn, khi bản thân tôi chưa đi đến đâu trong cuộc chiến buồn thảm của tổ quốc mình. Sao chợt nhớ mặt trận quá thế này mờ sáng quân vào hết mục tiêu tầm tã mưa vây đời hắt hiu đứng nhìn đồng đội bung lục soát mưa tạt lạnh lòng mắt đăm chiêu gác súng lên đùi nghĩ vẩn vơ đầu đêm qua ngủ, nhớ còn mơ mắt em đưa đẩy hai đầu võng ta ngủ giữa lòng em với thơ trời sáng dần dần trong lưới mưa trơ bên nền cháy gốc cây dừa ở đây cây cỏ đều sống thật chỉ có riêng ta có vẻ thừa dựng cổ áo ngăn gió buốt da đi quanh thềm cỏ ngỡ như là có người chống cửa chào thân mật úng cả không gian tiếng thở ra bỗng thấy bình an một đóa hoa vàng nghiêng trước gió mở lòng ra hiển linh thay đóa hoa vạn thọ một thoáng ta đang ở tại nhà bát ngát trời thơm hương sắc xuân bỗng quên đang lặn lội hành quân ta ngồi huýt sáo mừng cây cỏ hứng giọt mưa trong thế rượu mừng... (CƠĐĐTT, LTHBVVBH) Luân Hoán -------------------- “Vì Danh Dự Dân Tộc: Chống giặc Tàu.
Vì tương lai Dân Tộc: khai tử tập đoàn bán nước Việt Cộng” |
|
|
Lo-Fi Version | Time is now: 18th November 2024 - 02:38 PM |