Printable Version of Topic

Click here to view this topic in its original format

PLEIKU PHỐ NÚI FORUMS _ CHÚC MỪNG _ Happy Thankgiving 2011

Posted by: Trongtuyen Nov 17 2011, 02:29 PM







Hằng năm, cứ đến ngày 24 tháng 11 trên toàn thế
giới theo thông lệ nước Mỹ, làm ngày lễ tạ ơn những
người cưu mang bậc tiền nhân, tạ ơn hồn thiêng sông
núi. Gà Tây là biểu tượng cho ngày Thanksgiving, nuôi
gà Tây chỉ để dùng cho riêng ngày này. Chúng ta là hậu
bối, được may mắn ăn gà Tây là để cảm ơn cho sự tồn tại
con người đến ngày hôm nay. Tiền nhân được ăn gà Tây là
để sống qua cơn đói lạnh, được sưởi ấm bên đống lửa bập bùng
bằng củi khô, được cứu giúp bằng tình nhân loại của người bản xứ.
Riêng phận người Việt tha hương sống trên đất khách, hãy cảm nhận
thật đầy đủ hương vị bản sắc của gà Tây, chúng ta chẳng những cảm ơn
tiền nhân mà còn phải tạ ơn hậu bối nơi ta tạm dung đang sống hòa mình
và từng cưu mang chúng ta qua cơn bi loạn.Gà Tây kính chúc tất cả người Việt
trên khắp 5 châu đoàn kết thương yêu nhau. Kính chúc một mùa lễ tạ ơn an bình hạnh phúc.



Posted by: TốTâm Nov 17 2011, 03:50 PM





Cám ơn anh Trọng Tuyên đã post nhắc nhở ngày lễ tạ ơn.
Vậy là mùa lễ tạ ơn năm nay, Tố Tâm sẽ đi nhà thờ, trước đấng
chúa, Xin Chúa chứng lời Tạ ơn. Trước tiên tạ ơn Thượng Đế, trong
lúc quê hương mịt mù tâm tối, đã dẫn đưa Tâm đến chốn này. Trước Thiêng
Chúa lần đầu tiên thốt lời Tâm yêu nước Mỹ vì nước Mỹ cưu mang tâm. Vậy là
Tâm sẽ cố quên “cái góc Sàigòn níu kéo” - *Goodbye Sàigòn, welcome to the USA*

Posted by: Tiểu yêu Nov 17 2011, 05:47 PM








Cứ đến ngày Thanksgiving không ai lại không nghĩ đến
những chú gà Tây được nướng lên vàng óng ả! Thịt gà Tây
đã từng là ân nhân giúp cho đoàn người di dân qua cơn đói và
có đủ sức chống cái lạnh mùa đông băng giá.Tiểu kính chúc cô bác
anh chị mùa lễ tạ ơn an khang hạnh phúc, hãy làm bạn với gà tây và
hãy ăn nhiều để có sức chống chèo qua cơn khủng hoảng kinh tế hiện nay.

Posted by: M&N Nov 17 2011, 06:42 PM


beer.gif



rose4.gif Cầu chúc thầy, cô, anh, chị và tất cả các bạn

một mùa lễ tạ ơn nhiều may-mắn, hạnh-phúc.
rose4.gif

Posted by: BichDu Nov 18 2011, 10:07 AM








Kính chúc quí ân nhân, chúc toàn thể các bạn 5 châu mùa lễ tạ ơn

Như Ý!

Posted by: Tống Trung Nov 19 2011, 07:36 AM








Chúc toàn thể các bạn mùa lễ Tạ Ơn
Đầy hồng ân Thánh Chúa!


Posted by: Hoainiemchonxua Nov 19 2011, 09:42 AM







Mừng lễ tạ ơn


Hoài Niệm không biết phải chọn lời chúc nào tốt đẹp nhất cho ngày lễ tạ ơn năm nay. Một năm có quá nhiều biến động trong cuộc sống, chiến tranh chết chóc đau thương, kinh tế bất ổn gây tan thương, mất mát tình cảm và tài sản cho hàng triệu triệu người trên toàn thế giới..Xin hãy gắng lòng cùng một ý niệm chung, là chúng ta còn được sống, dẫu có như thế nào chăng, mùa tạ ơn đã đến cho kẻ kém may mắn và người mai mắn, cùng nhau bày tõ lời tạ ơn cho sự cưu mang để chúng ta còn sự hiện hữu trong cuộc sống này.

Các bạn hãy cùng Niệm chia sẻ một bát Mì trong: "Câu Chuyện Bát Mì" dưới đây. Sau khi dùng xong ta sẽ có cùng cảm nhận đẹp cho ngày lễ tạ ơn. Chúc tất cả qua cơn khốn khó dù có phải khốn khó mươi năm xin nhớ cùng quay lại với câu chuyện bát mì, và mong rằng mọi người sẽ nhận lại mọi sự tốt đẹp như ba mẹ con trong câu chuyện .








Câu chuyện bát mì


Trong cuộc sống ngày nay, xin đừng quên rằng còn tồn tại lòng nhân ái. Đây là một câu chuyện có thật, chúng tôi gọi là "Câu chuyện bát mì". Chuyện xảy ra cách đây năm mươi năm vào ngày 31/12, một ngày cuối năm tại quán mì Bắc Hải Đình, đường Trát Hoảng, Nhật Bản.

o O o


Đêm giao thừa, ăn mì sợi đón năm mới là phong tục tập quán của người Nhật, cho đến ngày đó công việc làm ăn của quán mì rất phát đạt. Ngày thường, đến chạng vạng tối trên đường phố hãy còn tấp nập ồn ào nhưng vào ngày này mọi người đều lo về nhà sớm hơn một chút để kịp đón năm mới. Vì vậy đường phố trong phút chốc đã trở nên vắng vẻ.

Ông chủ Bắc Hải Đình là một người thật thà chất phát, còn bà chủ là một người nhiệt tình, tiếp đãi khách như người thân. Đêm giao thừa, khi bà chủ định đóng cửa thì cánh cửa bị mở ra nhè nhẹ, một người phụ nữ trung niên dẫn theo hai bé trai bước vào. Đứa nhỏ khoảng sáu tuổi, đứa lớn khoảng 10 tuổi. Hai đứa mặc đồ thể thao giống nhau, còn người phụ nữ mặc cái áo khoác ngoài lỗi thời.

- Xin mời ngồi!

Nghe bà chủ mời, người phụ nữ rụt rè nói:

- Có thể... cho tôi một... bát mì được không?

Phía sau người phụ nữ, hai đứa bé đang nhìn chăm chú.

- Đương nhiên... đương nhiên là được, mời ngồi vào đây.

Bà chủ dắt họ vào bàn số hai, sau đó quay vào bếp gọi to:

- Cho một bát mì.

Ba mẹ con ngồi ăn chung một bát mì trông rất ngon lành, họ vừa ăn vừa trò chuyện khe khẽ với nhau. "Ngon quá" - thằng anh nói.

- Mẹ, mẹ ăn thử đi - thằng em vừa nói vừa gắp mì đưa vào miệng mẹ.

Sau khi ăn xong, người phụ nữ trả một trăm năm mươi đồng. Ba mẹ con cùng khen: "Thật là ngon! Cám ơn!" rồi cúi chào và bước ra khỏi quán.

- Cám ơn các vị! Chúc năm mới vui vẻ - ông bà chủ cùng nói.

Công việc hàng ngày bận rộn, thế mà đã trôi qua một năm. Lại đến ngày 31/12, ngày chuẩn bị đón năm mới. Công việc của Bắc Hải Đình vẫn phát đạt. So với năm ngoái, năm nay có vẻ bận rộn hơn. Hơn mười giờ, bà chủ toan đóng cửa thì cánh cửa lại bị mở ra nhè nhẹ. Bước vào tiệm là một người phụ nữ dẫn theo hai đứa trẻ. Bà chủ nhìn thấy cái áo khoác lỗi thời liền nhớ lại vị khách hàng cuối cùng năm ngoái.

- Có thể... cho tôi một... bát mì được không?

- Đương nhiên... đương nhiên, mời ngồi!

Bà chủ lại đưa họ đến bàn số hai như năm ngoái, vừa nói vọng vào bếp:

- Cho một bát mì.

Ông chủ nghe xong liền nhanh tay cho thêm củi vào bếp trả lời:

- Vâng, một bát mì!

Bà chủ vào trong nói nhỏ với chồng:

- Này ông, mình nấu cho họ ba bát mì được không?

- Không được đâu, nếu mình làm thế chắc họ sẽ không vừa ý.

Ông chủ trả lời thế nhưng lại bỏ nhiều mì vào nồi nước lèo, ông ta cười cười nhìn vợ và thầm nghĩ: "Trông bà bề ngoài khô khan nhưng lòng dạ cũng không đến nỗi nào!"

Ông làm một tô mì to thơm phức đưa cho bà vợ bưng ra. Ba mẹ con ngồi quanh bát mì vừa ăn vừa thảo luận. Những lời nói của họ đều lọt vào tai hai vợ chồng ông chủ quán.

- Thơm quá!

- Năm nay vẫn được đến Bắc Hải Đình ăn mì thật là may mắn quá!

- Sang năm nếu được đến đây nữa thì tốt biết mấy!

Ăn xong, trả một trăm năm mươi đồng, ba mẹ con ra khỏi tiệm Bắc Hải Đình.

- Cám ơn các vị! Chúc năm mới vui vẻ!

Nhìn theo bóng dáng ba mẹ con, hai vợ chồng chủ quán thảo luận với nhau một lúc lâu.

Đến ngày 31/12 lần thứ ba, công việc làm ăn của Bắc Hải Đình vẫn rất tốt, vợ chồng ông chủ quán bận rộn đến nỗi không có thời gian nói chuyện. Đến 9g30 tối, cả hai người đều cảm thấy trong lòng có một cảm giác gì đó khó tả. Đến 10 giờ, nhân viên trong tiệm đều đã nhận bao lì xì và ra về. Ông chủ vội vã tháo các tấm bảng trên tường ghi giá tiền của năm nay là “200đ/bát mì” và thay vào đó giá của năm ngoái “150đ/bát mì”. Trên bàn số hai, ba mươi phút trước bà chủ đã đặt một tờ giấy "Đã đặt chỗ". Đúng 10g30, ba mẹ con xuất hiện, hình như họ cố chờ khách ra về hết rồi mới đến. Đứa con trai lớn mặc bộ quần áo đồng phục cấp hai, đứa em mặc bộ quần áo của anh, nó hơi rộng một chút, cả hai đứa đều đã lớn rất nhiều.

- Mời vào! Mời vào! - bà chủ nhiệt tình chào đón.

Nhìn thấy khuôn mặt tươi cười của bà chủ, người mẹ chậm rãi nói:

- Làm ơn nấu cho chúng tôi... hai bát mì được không?

- Được chứ, mời ngồi bên này!

Bà chủ lại đưa họ đến bàn số hai, nhanh tay cất tờ giấy "Đã đặt chỗ" đi, sau đó quay vào trong la to: "Hai bát mì".

- Vâng, hai bát mì. Có ngay.

Ông chủ vừa nói vừa bỏ ba phần mì vào nồi.

Ba mẹ con vừa ăn vừa trò chuyện, dáng vẻ rất phấn khởi. Đứng sau bếp, vợ chồng ông chủ cũng cảm nhận được sự vui mừng của ba mẹ con, trong lòng họ cũng cảm thấy vui lây.

- Tiểu Thuần và anh lớn này, hôm nay mẹ muốn cảm ơn các con!

- Cảm ơn chúng con? Tại sao ạ?

- Chuyện là thế này: vụ tai nạn xe hơi của bố các con đã làm cho tám người bị thương, công ty bảo hiểm chỉ bồi thường một phần, phần còn lại chúng ta phải chịu, vì vậy mấy năm nay mỗi tháng chúng ta đều phải nộp năm mươi ngàn đồng.

- Chuyện đó thì chúng con biết rồi - đứa con lớn trả lời.

Bà chủ đứng bên trong không dám động đậy để lắng nghe.

- Lẽ ra phải đến tháng ba năm sau chúng ta mới nộp hết nhưng năm nay mẹ đã nộp xong cả rồi!

- Hả, mẹ nói thật đấy chứ?

- Ừ, mẹ nói thật. Bởi vì anh lớn nhận trách nhiệm đi đưa báo, còn Tiểu Thuần giúp mẹ đi chợ nấu cơm làm mẹ có thể yên tâm làm việc, công ty đã phát cho mẹ một tháng lương đặc biệt, vì vậy số tiền chúng ta còn thiếu mẹ đã nộp hết rồi.

- Mẹ ơi! Anh ơi! Thật là tốt quá, nhưng sau này mẹ cứ để con tiếp tục nấu cơm nhé.

- Con cũng tiếp tục đi đưa báo. Tiểu Thuần chúng ta phải cố gắng lên!

- Mẹ cám ơn hai anh em con nhiều!

- Tiểu Thuần và con có một bí mật chưa nói cho mẹ biết. Đó là vào một ngày chủ nhật của tháng mười một, trường của Tiểu Thuần gửi thư mời phụ huynh đến dự một tiết học. Thầy giáo của Tiểu Thuần còn gửi một bức thư đặc biệt cho biết bài văn của Tiểu Thuần đã được chọn làm đại diện cho Bắc Hải đảo đi dự thi văn toàn quốc. Con nghe bạn của Tiểu Thuần nói mới biết nên hôm đó con đã thay mẹ đến dự.

- Có thật thế không? Sau đó ra sao?

- Thầy giáo ra đề bài: “Chí hướng và nguyện vọng của em là gì?” Tiểu Thuần đã lấy đề tài bát mì để viết và được đọc trước tập thể nữa chứ. Bài văn được viết như sau: "Ba bị tai nạn xe mất đi để lại nhiều gánh nặng. Để gánh vác trách nhiệm này, mẹ phải thức khuya dậy sớm để làm việc". Đến cả việc hàng ngày con phải đi đưa báo, em cũng viết vào bài nữa. Lại còn: "Vào tối 31/12, ba mẹ con cùng ăn một bát mì rất ngon. Ba người chỉ gọi một tô mì, nhưng hai vợ chồng bác chủ tiệm vẫn cám ơn và còn chúc chúng tôi năm mới vui vẻ nữa. Lời chúc đó đã giúp chúng tôi có dũng khí để sống, khiến cho gánh nặng của ba để lại nhẹ nhàng hơn".
Vì vậy Tiểu Thuần viết rằng nguyện vọng của nó là sau này mở một tiệm mì, trở thành ông chủ tiệm mì lớn nhất ở Nhật Bản, cũng sẽ nói với khách hàng của mình những câu như: "Cố gắng lên! Chúc hạnh phúc! Cám ơn!"

Đứng sau bếp, hai vợ chồng chủ quán lặng người lắng nghe ba mẹ con nói chuyện mà nước mắt lăn dài.

- Bài văn đọc xong, thầy giáo nói: anh của Tiểu Thuần hôm nay thay mẹ đến dự, mời em lên phát biểu vài lời.

- Thật thế à? Thế lúc đó con nói sao?

- Bởi vì quá bất ngờ nên lúc đầu con không biết phải nói gì cả, con nói: "Cám ơn sự quan tâm và thương yêu của thầy cô đối với Tiểu Thuần. Hàng ngày em con phải đi chợ nấu cơm nên mỗi khi tham gian hoạt động đoàn thể gì đó nó đều phải vội vả về nhà, điều này gây không ít phiền toái cho mọi người. Vừa rồi khi em con đọc bài văn thì trong lòng con cảm thấy sự xấu hổ nhưng đó là sự xấu hổ chân chính. Mấy năm nay mẹ chỉ gọi một bát mì, đó là cả một sự dũng cảm. Anh em chúng con không bao giờ quên được... Anh em con tự hứa sẽ cố gắng hơn nữa, quan tâm chăm sóc mẹ nhiều hơn. Cuối cùng con nhờ các thầy cô quan tâm giúp đỡ cho em con."

Ba mẹ con nắm tay nhau, vỗ vai động viên nhau, vui vẻ cùng nhau ăn hết tô mì đón năm mới rồi trả 300 đồng, nói câu cám ơn vợ chồng chủ quán, cúi chào và ra về. Nhìn theo ba mẹ con, vợ chồng ông chủ quán nói với theo:

- Cám ơn! Chúc mừng năm mới!

Lại một năm nữa trôi qua.

Bắc Hải Đình vào lúc 9g tối, bàn số hai được đặt một tấm giấy "Đã đặt chỗ" nhưng ba mẹ con vẫn không thấy xuất hiện.

Năm thứ hai rồi thứ ba, bàn số hai vẫn không có người ngồi. Ba mẹ con vẫn không thấy trở lại. Việc làm ăn của Bắc Hải Đình vẫn như mọi năm, toàn bộ đồ đạc trong tiệm được thay đổi, bàn ghế được thay mới nhưng bàn số hai thì được giữ lại y như cũ.

"Việc này có ý nghĩa như thế nào?" Nhiều người khách cảm thấy ngạc nhiên khi nhìn thấy cảnh này nên đã hỏi. Ông bà chủ liền kể lại câu chuyện bát mì cho mọi người nghe. Cái bàn cũ kia được đặt ngay chính giữa, đó cũng là một sự hy vọng một ngày nào đó ba vị khách kia sẽ quay trở lại, cái bàn này sẽ dùng để tiếp đón họ. Bàn số hai "cũ" trở thành "cái bàn hạnh phúc", mọi người đều muốn thử ngồi vào cái bàn này.

Rồi rất nhiều lần 31/12 đã đi qua.

Lại một ngày 31/12 đến. Các chủ tiệm lân cận Bắc Hải Đình sau khi đóng cửa đều dắt người nhà đến Bắc Hải Đình ăn mì. Họ vừa ăn vừa chờ tiếng chuông giao thừa vang lên. Sau đó, mọi người đi bái thần, đây là thói quen năm, sáu năm nay. Hơn 9g30 tối, trước tiên vợ chồng ông chủ tiệm cá đem đến một chậu cá còn sống. Tiếp đó, những người khác đem đến nào là rượu, thức ăn, chẳng mấy chốc đã có khoảng ba, bốn chục người. Mọi người rất vui vẻ.
Ai cũng biết lai lịch của bàn số hai. Không ai nói ra nhưng thâm tâm họ đang mong chờ giây phút đón mừng năm mới. Người thì ăn mì, người thì uống rượu, người bận rộn chuẩn bị thức ăn… Mọi người vừa ăn, vừa trò chuyện, từ chuyện trên trời dưới đất đến chuyện nhà bên có thêm một chú nhóc nữa. Chuyện gì cũng tạo thành một chuỗi câu chuyện vui vẻ. Ở đây ai cũng coi nhau như người nhà.

Đến 10g30, cửa tiệm bỗng nhiên mở ra nhè nhẹ, mọi người trong tiệm liền im bặt và nhìn ra cửa. Hai thanh niên mặc veston, tay cầm áo khoác bước vào, mọi người trong quán thở phào và không khí ồn ào náo nhiệt trở lại. Bà chủ định ra nói lời xin lỗi khách vì quán đã hết chỗ thì đúng lúc đó một người phụ nữ ăn mặc hợp thời trang bước vào, đứng giữa hai thanh niên.

Mọi người trong tiệm dường như nín thở khi nghe người phụ nữ ấy nói chầm chậm:

- Làm ơn... làm ơn cho chúng tôi ba bát mì được không?

Gương mặt bà chủ chợt biến sắc. Đã mười mấy năm rồi, hình ảnh bà mẹ trẻ cùng hai đứa con trai chợt hiện về và bây giờ họ đang đứng trước mặt bà đây. Đứng sau bếp, ông chủ như mụ người đi, giơ tay chỉ vào ba người khách, lắp lắp nói:

- Các vị... các vị là...

Một trong hai thanh niên tiếp lời:

- Vâng! Vào ngày cuối năm của mười bốn năm trước đây, ba mẹ con cháu đã gọi một bát mì, nhận được sự khích lệ của bát mì đó, ba mẹ con cháu như có thêm nghị lực để sống. Sau đó, ba mẹ con cháu đã chuyển đến sống ở nhà ông bà ngoại ở Tư Hạ. Năm nay cháu thi đỗ vào trường y, hiện đang thực tập tại khoa nhi của bệnh viện Kinh Đô. Tháng tư năm sau cháu sẽ đến phục vụ tại bệnh viện tổng hợp của Trát Hoảng. Hôm nay, chúng cháu trước là đến chào hỏi bệnh viện, thuận đường ghé thăm mộ của ba chúng cháu. Còn em cháu mơ ước trở thành ông chủ tiệm mì lớn nhất Nhật Bản không thành, hiện đang là nhân viên của Ngân hàng Kinh Đô. Cuối cùng, ý định nung nấy từ bao lâu nay của chúng cháu là hôm nay, ba mẹ con cháu muốn đến chào hỏi hai bác và ăn mì ở Bắc Hải Đình này.

Ông bà chủ quán vừa nghe vừa gật đầu mà nước mắt ướt đẫm mặt. Ông chủ tiệm rau ngồi gần cửa ra vào đang ăn đầy miệng mì, vội vả nhả ra, đứng dậy nói:

- Này, ông bà chủ, sao lại thế này? Không phải là ông bà đã chuẩn bị cả mười năm nay để có ngày gặp mặt này đó sao? Mau tiếp khách đi chứ. Mau lên!

Bà chủ như bừng tỉnh giấc, đập vào vai ông hàng rau, cười nói:

- Ồ phải... Xin mời! Xin mời! Nào bàn số hai cho ba bát mì.

Ông chủ vội vàng lau nước mắt trả lời:

- Có ngay. Ba bát mì.

o O o

Sưu Tầm


Thật ra cái mà ông bà chủ tiệm bỏ ra không có gì nhiều lắm, chỉ là vài vắt mì, vài câu nói chân thành mang tính khích lệ, động viên chúc mừng. Với xã hội năng động ngày nay, con người dường như có một chút gì đó lạnh lùng, nhẫn tâm. Nhưng từ câu chuyện này, tôi đi đến kết luận rằng: chúng ta không nên chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh xung quanh, chỉ cần bạn có một chút quan tâm dành cho người khác thì bạn có thể đem đến niềm hạnh phúc cho họ rồi. Chúng ta không nên nhỏ nhoi ích kỷ bởi tôi tin trong mỗi chúng ta đều ẩn chứa một tấm lòng nhân ái. Hãy mở kho tàng ấy ra và thắp sáng nó lên dù chỉ là một chút ánh sáng yếu ớt, nhưng trong đêm đông giá rét thì nó có thể mang lại sự ấm áp cho mọi người.

Ngày mai này, Hoài Niệm sẽ mua một con gà Tây vừa và đủ để nấu thành một bát mì, trong lúc ăn Hoài Niệm sẽ có thêm điểu nghĩ ngợi kế tiếp là ngày 24, tức còn 3 ngày nữa, Hoài Niệm sẽ có một khoảng không gian và thời gian mênh mang đầy ý niệm TẠ ƠN.


Posted by: tuyet_le Nov 19 2011, 01:35 PM







Happy Thanksgiving

Kính chúc quí anh chị một mùa Thanksgiving tràn đầy hạnh phúc!

Posted by: ĐiềmĐạm Nov 19 2011, 07:06 PM








Diềm Dạm mến chúc tất cả anh chị mùa lễ tạ ơn thật ấm áp tình hồng bên người thân và láng giềng,
sống tốt cho những tháng ngày nơi xứ lạ mà tình không lạ.

Posted by: Sơn Hà Nov 20 2011, 09:19 AM





Kính chúc toàn thể người Việt 5 châu một ngày gà Tây thật thú vị
tràn đầy hạnh phúc.


Posted by: Đông Nhi Nov 21 2011, 04:56 PM




bday19.gif Kính chúc anh, chị và bạn bè khắp năm châu, một ngày lễ tạ ơn đoàn tụ bday19.gif

Posted by: Quốc Biến Nov 21 2011, 07:08 PM








Kính chúc toàn thể đồng hương nơi hải ngoại một ngày lể tạ ơn thật ấm, thật vui.
Nhớ mỗi người chỉ 1 lon bia thôi, nếu bị gà Tây rượt còn thấy đường mà chạy.

Posted by: mviet Nov 23 2011, 09:47 AM




idea01.gif


Tôi chỉ có mỗi điều tha thiết muốn nói lên nơi đây rằng:

Cám ơn đất nước và con người Mỹ.

Posted by: bkim Nov 23 2011, 11:03 AM




Bkim tạ ân đất nước và con người đã và đang cưu mang những người Việt tị nạn cộng sản.
Chúc mọi người VN một đêm bên mái ấm thật hạnh phúc, nhắc nhau chớ quên những ngày lạc loài đói khổ.



Posted by: HoangHacQuan Nov 23 2011, 06:11 PM






America, the Beautiful - tạ ơn mảnh đất này

Trong chuyến du hành nội địa, tình cờ tôi được ngồi cạnh hai thanh niên. Sau vài câu xã giao tôi được biết người anh tên Mike và người em tên Jack. Jack có mái tóc vàng như tơ và mái tóc đó được cắt và chải giống y mái tóc của Justin Bieber – một nghệ sĩ rất trẻ và đầy tài năng của nền nhạc trẻ Canada. Mike có khuôn mặt tương tự như khuôn mặt của cựu phó Tổng Thống Hoa-Kỳ, Dan Quayle, và màu mắt của Mike xanh như màu nước của hồ Diablo.

Tôi không hiểu vì cả hai anh em đều có nụ cười vô tư và nói chuyện rất lễ phép hay là vì bộ quân phục rằn ri của Mike mà tôi cảm thấy có rất nhiều thiện cảm với hai cậu thanh niên này. Tôi hỏi hai anh em đi về đâu? Jack bảo Jack muốn tiễn Mike một đoạn đường. Tôi hỏi tiễn Mike đi đâu? Jack quay nhìn Mike, dường như Jack không muốn nhắc đến địa danh nào đó mà Mike sẽ phải đến. Như hiểu ý cậu em, Mike đáp lời tôi: “Tôi đi Iraq.” Tôi bàng hoàng nhìn Mike. Như nhận ra niềm xúc động trên mặt tôi, Mike vói tay sang phía tôi, vỗ vỗ trên cánh tay của tôi: “Không sao đâu, bà đừng lo. Tôi đã tham chiến tại Iraq hai lần rồi, đây là lần thứ ba.” Tôi muốn nói với Mike nhiều điều nhưng sao tôi cứ nghẹn lại như sắp khóc, nói không thành lời!

Để nén xúc động, tôi quay mặt ra cửa sổ phi cơ. Chờn vờn trong những áng mây trắng như bông gòn, tôi tưởng như tôi có thể thấy lại tấm ảnh và bản tin về sự “trở về” của First Lieutenant Paul Magers! Paul chết khi chàng chỉ 25 tuổi và mới đến Việt-Nam có hai tuần! Paul biết quê tôi chỉ có hai tuần nhưng thân xác của Paul thì ở lại đó đến gần bốn mươi năm! Trong ảnh, nụ cười của Paul cũng rạng rỡ, vô tư như nụ cười của Mike. Nụ cười đó mà biết hận thù ai! Ánh mắt đó mà muốn bắn giết ai! Bởi vậy mới có một chiến binh Hoa-Kỳ – James Lenihan – trong trận Thế Giới Đại Chiến II, đã bắn kẻ thù xong thì gục đầu bên xác kẻ thù mà khóc:

I shot a man yesterday
And much to my surprise,
The strangest thing happened to me
I began to cry.

He was so young, so very young
And Fear was in his eyes.
He had left his home in Germany
And came to Holland to die
……
I knelt beside him
And held his hand
I begged his forgiveness
Did he understand?

It was the War
And he was the enemy
If I hadn’t shot him
He would have shot me.

I saw he was dying
And I called him “Brother”
But he gasped out one word
And that word was “Mother.”…

Đang chìm đắm trong dòng suy tư, tôi choàng tĩnh khi tiếng của trưởng phi hành đoàn thông báo phi cơ sẽ đáp xuống phi trường trong vài phút.

Khi chia tay tại nơi lãnh hành lý, tôi nắm tay Mike, nói với Mike những lời biết ơn rất thành thật và sâu xa. Mike cười: “Đó là bổn phận của chúng tôi.”

Nhìn dáng Mike xa dần tôi cảm nhận được nỗi lo âu, niềm thương cảm đang dâng lên chất ngất trong hồn tôi. Khung cảnh này và trạng thái tình cảm này khiến tôi nhớ lại những giờ phút xốn xang, hoang mang, lo sợ của tôi tại phi trường Frankfurt.

Lý do đưa tôi vào trạng thái tình cảm phức tạp đó khởi nguồn từ một chuyến du lịch xa…

* *

*

Vừa rời chiếc xe buýt của công ty du lịch Trafalgar, tôi chú ý ngay đến một nhóm đàn ông lớn tuổi, người Nga, ngồi bên trái lối đi, cạnh con kinh đào. Mỗi ông mang một nhạc cụ nhà binh như saxophone, trumpet, clarinet, v.v. Không hiểu có phải vì nghe những tiếng thầm thì bằng Anh ngữ của du khách hay không mà bỗng nhiên ban nhạc đều đứng lên, cử hành Quốc Ca Hoa-Kỳ.

Nhóm du khách và tôi đều dừng bước, ngạc nhiên, vì đây là lãnh thổ của Nga. Du khách Mỹ để tay phải lên lồng ngực bên trái. Nhìn các nhạc công, tôi nghĩ, có lẽ họ là những người lính trẻ nhất của trận thế chiến thứ II. Tôi cảm thấy nao nao buồn. Những người lính già nua, yếu đuối đang cố kéo chút hơi tàn để tìm sự sống qua bản Quốc Ca của kẻ thù xưa, vì lương hưu của cựu chiến binh Nga rất thấp!

Bản nhạc dứt. Du khách vui vẻ lấy tiền cho vào cái xắc nhỏ được đặt trước mặt các nhạc công. Các nhạc công ngồi xuống, đồng tấu tiếp bản America, the Beautiful. Tôi đứng lặng, lòng đầy xúc động.

Niềm xúc động trong tôi lần này cũng dạc dào như năm 1977, khi đứa con gái lớn của tôi, Xuân-Nguyệt, lúc đó là học sinh lớp 8, được trao tặng giải nhất toàn tiểu bang Arizona về bài luận văn “What Makes America Beautiful?”

Gia đình tôi được giúp phương tiện để đưa Xuân-Nguyệt từ Yuma đến Phoenix nhận phần thưởng trong một buổi lễ vô cùng long trọng. Ðó là lần đầu tiên tôi nghe bản America, the Beautiful được cả hội trường đồng ca. Tự dưng tôi khóc. Nhưng rồi âm điệu và lời ca của bản nhạc khiến lòng tôi lắng xuống. Tôi trầm tĩnh lại để nhận những vòng tay thân ái và những lời chúc mừng của những người Mỹ quanh tôi. Theo những lời chúc mừng của những người chưa quen này, tôi hiểu những người này nghĩ rằng tôi xúc động vì thành quả của con gái tôi. Ðiều đó chỉ đúng một phần; vì, ngoài sự hãnh diện của một người Mẹ, những giọt nước mắt của tôi còn mang nặng niềm âu lo và sự lạc lõng trước một tương lai đầy thử thách mà tôi không hiểu tôi có thể vượt qua được hay không!

Hơn 26 năm qua, với tất cả hy sinh và nỗ lực, gia đình tôi đã vượt được nhiều trở ngại. Những đứa con, dâu và rể của tôi hiện đang đem tất cả khả năng và kiến thức đã học hỏi, đã hấp thụ tại đất nước này để góp công xây dựng một nơi mà ai cũng hơn một lần ước mơ được nhìn tận mắt sự văn minh và phồn thịnh.

Riêng tôi, ngoài sự văn minh và phồn thịnh, nước Mỹ còn có những công dân với trái tim rất vỹ đại.

Chỉ có những trái tim vỹ đại mới có thể thực hiện những chuyến máy bay đầy thực phẩm, thuốc men cùng những phái đoàn y tế tình nguyện sang Phi-Châu cứu đói. Chỉ có những trái tim vỹ đại mới sáng tác và hát say sưa nhạc bản We Are The World để quyên góp hiện kim gửi sang Phi-Châu cứu đói. Chỉ có những trái tim vỹ đại mới đưa nhiều phái đoàn y dược sỹ, dụng cụ y tế sang Nga cứu giúp khi lò nguyên tử của Nga, tại Chernobyl, bùng nổ. Chỉ có những trái tim vỹ đại mới có thể thực hiện những chuyến bay khẩn cấp để di chuyển hằng mấy trăm em bé mồ côi ra khỏi Việt-Nam vào cuối tháng Tư năm 1975. Chỉ có những trái tim vỹ đại mới cứu giúp hết đợt di dân này đến đợt di dân khác. Trong số triệu triệu di dân đó có gia đình tôi. Gia đình xin tôi biết ơn:

*- Cựu Thiếu Tá Thủy Quân Lục Chiến và bà Michael Z. Smith, người đã bảo trợ chúng tôi từ Camp Pendleton. Ông bà Smith có ba người con: Michael, hiện là Ðại-Úy Không Quân Hoa-Kỳ và cô con gái nuôi, người Nhật, Kristin cùng với bé Heather. Hiện nay ông Smith là một mục sư ở California.

*- Ông bà Collins. Ông Collins từng tham chiến tại Việt-Nam. Ông được một gia đình Việt-Nam che chở trong khi Việt-Cộng ruồng bắt. Ông Collins bảo vì Ông mang ơn người Việt cho nên Ông thương và muốn giúp đỡ người Việt với tất cả nhiệt tình. May mắn cho chúng tôi, vì chúng tôi là gia đình Việt-Nam duy nhất tại thành phố Yuma.

*- Ông bà Collard, người đã thật lòng thương yêu gia đình tôi như ruột thịt. Ông bà thường vui vẻ và hãnh diện giới thiệu với mọi người rằng chúng tôi là con và cháu của ông bà.

Tôi không hề biết ông Collard là một cựu chiến binh thế chiến thứ II; vì không bao giờ Ông nhắc nhở hoặc đề cập đến cuộc chiến khốc liệt đó. Ðến khi Ông Collard qua đời, người bạn đồng ngũ của Ông đọc điếu văn, tôi mới biết ông Collard có mặt trong trận Trân-Châu-Cảng. Chính ông Collard đã cứu giúp nhiều người, kể cả người đang đọc điếu văn, rời khỏi chiến hạm... và Ông là người sau cùng.

Sự hiểu biết của tôi về quân nhân Hoa-Kỳ trong trận Trân-Châu-Cảng hoặc Normandy chỉ căn cứ theo sách vở và phim ảnh nên rất mơ hồ, rất hạn hẹp. Nhưng sự hiểu biết của tôi về sự hy sinh và lòng quả cảm của người lính Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt-Nam thì khá tường tận - tường tận hơn cả những cuốn sách viết về chiến tranh Việt-Nam mà tác giả chưa bao giờ có mặt tại chiến trường Việt-Nam. Do đó, tôi nhận thấy, dù cuộc chiến kết thúc một cách tức tưởi, thiếu công bằng, nhưng cũng phải chấm dứt; vì máu của người Việt - cả hai miền Nam Bắc - và máu của người Mỹ đã chan hòa trong từng thước đất nơi quê hương nghèo khó của tôi.

Sau khi miền Nam bị bức tử, hạm đội Hải-Quân Việt-Nam Cộng-Hòa đã di tản cả trăm ngàn người Việt thoát khỏi hiểm họa Cộng-sản. Nhưng nếu không có sự hiện diện của Ðệ-Thất Hạm-Ðội Hoa-Kỳ tại Thái-Bình-Dương cũng như không có sự giúp đỡ vô điều kiện của nhân dân Hoa-Kỳ thì số người tỵ nạn khổng lồ của chúng tôi sẽ về đâu?

Nương vào lòng nhân ái của người Mỹ, chúng tôi vào Mỹ với thái độ biết ơn và lòng tự tin để vươn lên.

Người Việt, qua bao thử thách cam go, đã vươn lên, đã góp công xây đắp và bảo vệ đất nước này.

Khi cuộc chiến Trung-Ðông bùng nổ, năm 1992, tôi đã đau buồn và lo sợ khi đưa tiễn một độc giả trẻ và thân thiết nhất của tôi, Hải-Quân Ðại-Úy Hoàng-Quốc-Tuấn, tòng sự trên hàng không mẫu hạm USS Independence, ra khơi, tiến về vùng lửa đạn của Persian Gulf. Trong lá thư gửi về từ vùng Vịnh, Tuấn viết: “... Người lính Hoa-Kỳ được huấn luyện để bảo vệ Hòa-Bình chứ không phải để gây chiến ...” Theo tinh thần cao cả đó, biết bao thanh niên nam nữ Vietnamese-American đã tốt nghiệp hoặc đang thụ huấn tại các quân trường lừng danh của Hoa-Kỳ như West Point Academy, Naval Academy, Air Force Academy, v. v...

Ngoài những tham gia đáng kể về quân sự, giới trẻ Việt-Nam cũng đã và đang xây đắp đất nước này trong tất cả mọi lãnh vực như truyền thông, giáo dục, y tế, khoa học, khoa học không gian, v. v.

Giới trẻ Việt-Nam có những đóng góp lớn lao như vậy thì những nỗ lực của thế hệ di dân Việt-Nam đầu tiên cũng không nhỏ. Thử nhìn bản đồ của các thành phố lớn như Los Angeles, San José, Houston, v. v... thì sẽ thấy: Từ những vùng đất hoang tàn cách nay 20 năm, bây giờ đã trở thành những vùng thương mại sầm uất do người Việt khai thác. Và trong các hãng, xưởng, văn phòng, biết bao người mang họ Nguyễn, Lê, Trần ...

Khi những đóng góp của người Việt vào đất nước này mỗi ngày mỗi thăng tiến thì bỗng dưng sự phá hoại từ đâu ùa đến, phủ chụp xuống ngay lòng đất nước mà gia đình tôi đã âm thầm nhận là quê hương thứ hai.

Tin Nữu-Ước và Hoa-Thịnh-Ðốn bị máy bay tấn công đến với tôi trong lúc tôi cùng nhóm du khách dùng cơm trưa sau những giờ thăm viếng thành phố Minks. Tôi ngồi bất động, lòng đầy phẫn uất. Nếu bảo rằng tôi không lo sợ thì không hẳn đúng; nhưng niềm lo sợ trong tôi bây giờ khác hẳn với sự hãi sợ của đứa bé gái, giữa thập niên 40, theo Cha Mẹ tản cư và thấy những chiếc máy bay mang cờ tam tài (cờ Pháp) bắn phá những làng mạc xác xơ. Những chiếc máy bay đó bắn vào tất cả những vật thể nào di động; vì vậy nông dân không giám ra đồng, súc vật bị giết hại, sinh sản không kịp và con người thì đói và thiếu thốn mọi bề.

Hơn hai mươi năm sống yên lành tại miền Nam nước Việt và hơn hai mươi năm sống thanh bình trên đất Mỹ, tôi cứ ngỡ rằng bom đạn đã xa tôi, không còn cơ hội làm tôi sợ hãi nữa. Nhưng không! Trên màn ảnh TV, một tòa nhà của The World Trade Center bốc khói và một chiếc máy bay lao thẳng vào tòa nhà thứ hai. Cả hai tòa nhà lần lượt sụp xuống trong khi niềm phẫn uất trong tôi dâng cao như những cuộn khói đen ngòm thoát ra từ The Twin Towers. Tình cảm trong tôi chẳng khác gì nỗi đau xót của tôi cách nay hơn một phần tư thế kỷ, khi Việt-Cộng pháo kích ồ ạc vào Saigon.

Là một phụ nữ được giáo dục chỉ để nuôi con và phục tòng chồng, ngày đó, trước thảm trạng của quê hương Việt-Nam, tôi chỉ biết viết những dòng ca ngợi tinh thần chiến đấu can cường của Người Lính Việt-Nam Cộng-Hòa và tôn vinh lòng hy sinh vô bờ của những người Mẹ, người vợ và người con.

Bây giờ, trước sự đổ nát và thiệt hại nhân mạng một cách phi lý và tàn bạo tại Nữu-Ước và Hoa-Thịnh-Ðốn, tâm hồn tôi bị chấn động mạnh và tôi muốn viết ra những ý nghĩ thầm kín của tôi về một nơi chốn mà gia đình tôi âm thầm thọ ơn. Ý nghĩ này làm cho cuộc du lịch giảm thiểu nhiều phần thích thú. Cuộc du lịch này chỉ vì sự tò mò của tôi, muốn tìm hiểu về một nước Nga rộng lớn.

Nước Nga rộng lớn nhưng môi người Nga không đàn hồi cho nên người Nga không biết cười. Thức ăn của người Nga thường là những miếng thịt dai dừ, mà không ai đoán được và cũng không ghi trong thực đơn là thịt gì, được tẩm trứng hoặc bột rồi chiên, không mùi vị, ăn đệm với khoai tây. Lâu lắm, may ra mới có một bữa thịt gà. Thức ăn của Mỹ như các loại kẹo, ice cream và sản phẩm của hãng Coca Cola được bày bán khắp nơi. Tôi cũng thấy vài nhà hàng McDonald’s và Pizza Hut. Sản phẩm tiểu công nghệ của Nga như thủy tinh và đồ gỗ thì tuyệt đẹp, vì được làm bằng tay. Hệ thống Metro của Nga tại Moscow rất tối tân, dù đã được hoàn tất cách nay nửa thế kỷ. Cứ 30 giây, (vâng, 30 giây) thì một chuyến tốc hành đến và một chuyến đi ngược lộ trình với chiếc kia. Trong sinh hoạt hằng ngày, người Nga không ăn mặc giản dị, xềnh xoàng như người Mỹ. Những buổi trình diễn ballet, skate on ice làm tôi say mê bao nhiêu thì những màn vũ dân tộc và những bản dân ca cũng khiến hồn tôi giao động bấy nhiêu. Âm hưởng dân ca của Nga mang nặng niềm thống thiết của dân du mục.

Dân Nga rất kiêu hãnh về Red Square, vì đó là biểu tượng của thủ đô. Khi thấy trong hình và phim ảnh, tôi cũng nghĩ Red Square rất vỹ đại. Nhưng sau khi thấy tận mắt, tôi nghĩ, không phải vì định kiến chính trị, Red Square không là gì cả, vì thiếu sự hài hòa giữa thiên nhiên và nhân tạo. Khu vực Red Square được lát bằng gạch, trên triền đồi thoai thoải, diện tích khoảng một phần ba của công trường Thiên-An-Môn. Phần cao nhất của Red Square là tòa nhà của chính phủ và mộ của Lenin. Chân đồi bên này là ngôi nhà thờ với những chóp cao hình tròn, chạm trổ và sơn phết rất rực rỡ. Chân đồi bên kia chỉ là một lối đi rộng lớn. Lối đi này, vào những dịp diễn hành để phô trương lực lượng, được Hồng Quân Nga cũng như thiết giáp và các cơ giới nặng dùng làm lối ra. Bây giờ, trên lối ra này, người ta xây một ngôi nhà trên cao, phía dưới để trống vừa đủ cho bộ hành và xe hơi nhỏ ra vào. Lối vào Red Square, phía nhà thờ, cũng được chận lại bằng nhiều dãy trụ xi-măng, với mục đích không cho thiết giáp và cơ giới nặng vào điện Cẩm-Linh.

Trước điện Cẩm-Linh, ban đêm, trong khi những cặp tình nhân thủ thỉ bên nhau những lời mặn nồng thì những người Nga lớn tuổi lại chậm bước, lòng hướng về một thủ đô đã đổi tên: St. Petersburg.

St. Petersburg là một thành phố mang nặng di tích lịch sử của Nga-Hoàng. St. Petersburg không chinh phục được cảm tình của tôi nếu không có ngôi nhà thờ cổ còn hằn vết đạn của thời Hitler xâm lược và những bức tranh đầy sinh động của Ivan Aivazovsky, Wassily Kandinsky, Pavel Filonov, v. v... Những dòng sông ở St. Petersburg đã để lại trong hồn tôi rất nhiều lưu luyến. Những dòng sông im lìm, nhẫn nhục, chỉ biết len lõi trong từng ngõ ngách của thành phố trước sự kiêu căng thách đố âm thầm nhưng lố bịch của từng dãy lâu đài nguy nga. Lúc xuôi theo giòng Neva, trong khi mọi người lưu ý đến mấy chiếc cầu dựng đứng, vào những giờ nhất định, để tàu thủy có thể đi qua, thì tôi chỉ nghĩ đến những gì tôi đã thấy trên đoạn đường sau khi vào biên giới Nga.

Trên đoạn đường loang lở đó tôi đã thấy những xóm nhà lụp xụp. Thỉnh thoảng tôi mới thấy một chiếc xe hơi cũ thật cũ đậu dưới tàng cây, không biết xe còn xử dụng được hay không. Nơi khoảng sân hẹp, mỗi nhà thường cất một cái chòi nhỏ, mái và chung quanh được bọc ny-lông, để trồng hoa màu. Tôi cũng thấy người dân quê canh tác bằng tay chứ không bằng máy.

Những hình ảnh nghèo khó này cứ theo tôi mãi. Nhưng khi đến Minsk, mọi hình ảnh đều bị đẩy lùi về quá khứ, chỉ còn trong tôi nỗi xót xa của một người vừa biết nơi mình nương náu hơn hai mươi năm qua đang bị xâm phạm nặng nề! Từ Minsk đến Riga, tôi thấy các thành phố đều treo cờ rũ và mọi người dân địa phương có vẻ sốt ruột, dán mắt vào TV hoặc ngóng tin tức từng giờ. Ðiều làm cho tôi xúc động nhất là hôm 14-09, lúc 12 giờ trưa, tại khách sạn Scandic thuộc thành phố Helsinki của nước Finland, ban giám đốc đã yêu cầu mọi người đứng nghiêm, dành năm phút mặc niệm để tưởng nhớ những nạn nhân của khủng bố tại Hoa-Kỳ.

Trong khi đứng nghiêm tôi vẫn bị những lời tường trình của xướng ngôn viên đài truyền hình CNN, từ chiếc TV lớn treo nơi góc phòng khánh tiết, chi phối. Tôi đau đớn, xốn xang trong lòng như ngày xưa, năm 1968, hay tin Việt-Cộng tấn công và cưỡng chiếm thành phố Huế, quê Ngoại của tôi.

Sau khi Huế được quân lực Việt-Mỹ giải tỏa, tôi nôn nóng muốn trở về để nhìn sự tan thương và đổ nát của quê Ngoại. Bây giờ, tại phi trường Helsinki đợi máy bay để sang Frankfurt, tôi cũng nôn nóng muốn trở về một nơi mà tôi gọi là nhà – Home. Nhưng bà nhân viên hãng hàng không Lufthansa, sau khi nhìn vé máy bay và thấy rõ ràng tôi không phải là một người da trắng, tóc màu, đã khẳng định:

- Bà có vé. Tôi sẽ ghi tên bà vào danh sách, nhưng sẽ không có chỗ cho bà. Bà phải chờ, vì đây là chuyến phản lực 747 đầu tiên từ Ðức vào lục địa Hoa-Kỳ.

- Vé của tôi mua từ lâu, tại sao bây giờ tôi phải chờ? Và chờ đến bao giờ?

- Rất tiếc, tôi không biết bà phải chờ đến bao giờ. Khi nào có chỗ chúng tôi sẽ thông báo cho bà. Hiện tại, chúng tôi có rất nhiều hành khách ứ đọng từ mấy ngày qua. Và chuyến bay này, từ Helsinki đến Frankfurt để về Nữu-Ứớc, chỉ dành ưu tiên ...

Không đủ kiên nhẫn chờ bà ấy nói hết câu, tôi cắt ngang:

- Tại sao tôi mới rời nhà chỉ có hai tuần mà nay tôi không thể trở về, hả?

Bà ấy ngạc nhiên, nhìn tôi, gằn giọng:

- Nhà?

Tôi đáp với giọng nghèn nghẹn như sắp khóc:

- Vâng. Nhà của tôi.

- Cho tôi xem thẻ thông hành.

Chỉ nhìn thoáng qua Passport, bà ấy thay đổi thái độ ngay:

- Vâng. Bà là công dân Mỹ. Bà ưu tiên đi chuyến bay này.

Tôi cúi xuống xách hành lý, lòng âm thầm tạ ơn nước Mỹ, nơi đã cho tôi hiểu thế nào là giá trị thực tiễn của tự do, dân chủ và công bằng. Và trên tất cả mọi điều, nước Mỹ đã cho tôi cơ hội thể hiện tinh thần tự lập của một phụ nữ./.

ĐIỆP-MỸ-LINH

WITH LOVE
AND APPRECIATION
FOR AMERICA

ĐIỆP-MỸ-LINH


Posted by: TrungKhâu Nov 24 2011, 08:27 AM





HAPPY THANKSGIVING





Nhân ngày Lễ Tạ Ơn
Trung Khâu thân mến chúc Quý Ông Bà , Anh Chị Em kekhopk.com một ngày vui vẻ & hạnh phúc bên
gia đình và những người thân yêu.

Trung Khâu



NGƯỜI VIỆT VÀ NGÀY LỄ TẠ ƠN Ở HOA KỲ



Ngày nay, hàng năm cứ đến Thứ Năm của tuần lễ thứ tư trong tháng Mười Một, Người Việt cùng vui với dân chúng Hoa Kỳ lại cử hành Thanksgiving Day hay Thanksgiving.



Tỏ lòng biết ơn là một hành vi đạo đức cao quý của con người có văn hóa tốt. “Thank You” là câu nói phải có của những người lịch sự. Từ thuở xa xưa chưa có lịch sử, loài người đã cử hành các cuộc tế, lễ để tỏ lòng biết ơn về những gì mà Trời đất ban cho con người. Phong tục này có trên khắp hoàn cầu và bộ tộc lâu đời nào cũng cử hành ít nhất là một lần trong năm với những tiệc thịnh soạn để ăn mừng mùa màng đã thu hoạch tốt.

Sử chép rằng giống nòi Việt vốn dòng dõi Vua Thần Nông (vị vua giúp dân phát triển việc trồng lúa để giải quyết vấn đề thực phẩm cho dân chúng mà dân số càng ngày càng tăng theo cấp số nhân) hàng năm tổ chức nhiều ngày hội hè ăn mừng được mùa. đặc biệt là ngày Tết Nguyên đán, nhà vua cử hành lễ Tế Trời đất và dân gian nấu bánh chưng và bành dày làm lễ Cúng Trời đất.

Những bộ lạc da đỏ ở Châu Mỹ cũng có truyền thống tạ ơn đấng Tạo Hóa về tất cả những gì họ có. Hàng năm họ tổ chức ăn mừng 4 lần hoặc 6 lần với thịt hươu chứ không phải là gà lôi (turkey).

Ở Âu Châu, truyền thống tạ ơn Chúa về những thu hoạch mùa màng đã được thực hiện rất phổ biến tại nhiều nơi với những tiệc tùng, khiêu vũ, và đốt pháo bông vào Mùa Thu từ Những Thời Trung Cổ.

Ở Anh Quốc, Ngày Lễ Tạ Ơn xưa kia có tên là Harvest Festival (Hội Mừng được Mùa) được các nhà thờ cử hành trên khắp nước vào ngày Chúa Nhật để đánh dấu mùa gặt hái tại địa phương chấm dứt. Tập tục này lan qua Mỹ Châu bởi những di dân đầu tiên và tới năm 1863, Harvest Festival được đổi tên là Thanksgiving hay Thanksgiving Day được tổ chức vào thời điểm công việc mùa màng đã xong.

Hiện nay, ở Canada, Lễ Tạ Ơn được tổ chức vào Thứ Hai của tuần lễ thứ nhì trong Tháng Mười. Ở Mỹ, Thanksgiving được chính thức cử hành trên toàn quốc vào Thứ Năm của tuần thứ tư trong Tháng Mười Một.

Thanksgiving Day còn có tên là Turkey Day và được Tổng Thống Roosevelt ký thành luật vào ngày 26 tháng Mười Một năm 1941.

Nguồn Gốc Khác Nhau về Lễ Tạ Ơn ở Hoa Kỳ

Trước đây, dân chúng Hoa Kỳ mỗi tiểu bang đều có một ngày cử hành Lễ Tạ Ơn Trời và cũng để nhớ ơn những thổ dân đã chỉ cách trồng trọt cho những người di dân tới Mỹ Châu.

Ngày nay, hàng năm cứ đến Thứ Năm của tuần lễ thứ tư trong tháng Mười Một, dân chúng Hoa Kỳ lại cử hành Thanksgiving Day hay Thanksgiving. đó là Ngày Lễ Tạ Ơn vào dịp mùa màng chấm dứt tại Hoa Kỳ.

Có nhiều nhân vật thời di dân ghi chép lại những ngày lễ tạ ơn ở Mỹ Châu. Trải qua thời gian dài xây dựng Hợp Chủng Quốc, các vị tổng thống đã ấn định những ngày Lễ Tạ Ơn vào những ngày khác nhau và thường với mục đích là để hàn gắn vết thương của Cuộc Nội Chiến. Mãi đến năm 1941, Ngày Lễ Tạ Ơn mới được áp dụng chung trên toàn quốc Hoa Kỳ.

Nhóm Hành Hương Tị Nạn Tôn Giáo: The Pilgrims

Vào thời gian đầu mới tới Mỹ Châu, Nhóm Hành Hương (The Pilgrims) dành riêng một ngày để ăn mừng sau mùa gặt hái vào năm 1621 tại Plymouth Plantation, Massachusetts.

Sự tích là vào ngày 6 tháng Chín năm 1620, từ thị trấn Plymouth, Anh Quốc, 44 người ly khai Giáo Hội Anh Cát Lợi dẫn một nhóm 66 người di tản sang Tân Thế Giới Mỹ Châu) trên con tầu tên là The Mayflower. Bốn mươi bốn người ly khai tự mệnh danh là “Thánh” (Saints), còn những người khác thì họ gọi là “Người Lạ” (Strangers). Cuộc hành trình vất vả, có nhiều bất đồng, và kéo dài tới 65 ngày. Khi trông thấy đất liền vào ngày 10 tháng Mười Một thì đã có một người chết. Lúc sắp sửa cặp bến, họ ký kết với nhau một bản hợp đồng gọi là Mayflower Compact bảo đảm sự bình đẳng và thống nhất hai nhóm. Họ kết hợp lại và tự mệnh danh là The Pilgrims.

Họ dự tính định cư tại Virginia, nhưng sau đó, vì bão tố, họ phải đổ bộ lên một nơi nay gọi là Plymouth, Massachusetts và định cư ở đó. Mùa đông năm ấy, nhờ sự giúp đỡ của thổ dân Wampanoag cho thức ăn và chỉ dẫn cách trồng trọt và săn bắt nên đoàn người mới sống sót.

Năm sau, vào Mùa Thu, 1621, mùa màng thu hoạch tốt, Thống đốc William Bradford tuyên bố một ngày tạ ơn. Khoảng 50 di dân tổ chức Harvest Festival (Hội Mùa Gặt) đầu tiên kéo dài ba ngày và họ mời khoảng 90 thổ dân Wampanoag tới cùng chung vui và bày tỏ lòng biết ơn.

Ngày Thanksgving đầu tiên:


Thống đốc William Bradford ghi lại ngày ăn mừng này trong tập Of Plymouth Plantation và dưới đây là vài hàng trích dẫn:

Bấy giờ mọi người bắt đầu thu hoạch số hoa màu nhỏ đem chất chứa trong nhà hay kho để dành cho mùa đông. Tất cả mọi người đều đã phục hồi sức khỏe và mọi thứ đã có đủ. Một vài người đi xa; số ở lại thì đi câu cá và chia phần cho mọi nhà. Suốt mùa hè đó, họ không có thiếu thốn gì. Và bây giờ thì họ kiếm thêm chim chóc chứa vào kho vì mùa đông sắp tới và nơi này thì chim chóc có rất nhiều. Ngoài chim chóc, còn có rất nhiều gà rừng và nai v.v. Hơn nữa, họ lại có một số lượng thực phẩm thu hoạch như là bắp (Indian corn).

Edward Winslow viết Mourt’s Relation và vài hàng trích dẫn sau:

Mùa màng của chúng tôi đang được thu hoạch, vị thống đốc của chúng tôi phái bốn người đi bắt chim chóc để chúng tôi ăn mừng sau mùa thu hoạch do công lao của chúng tôi. Nhóm bốn người đã bắt được chim chóc thật là nhiều có thể dùng hầu như cả tuần cho mọi người. Vào lúc đó, trong những trò giải trí, chúng tôi thực tập bắn súng và có khoảng 90 thổ dân được mới tới tham dự trong đó có cả Vua Massasoit. Chúng tôi vui chơi ăn uống suốt ba ngày; một nhóm thổ dân ra ngoài săn bắt 5 con hươu (deer) đem về tặng cho thống đốc và các đội trưởng. . .

Nói tới buổi Lễ Hội được Mùa năm 1621 này, cũng nên nhắc lại chuyện một thổ dân tên là Tisquanto hay còn gọi là Squanto. Có lẽ Squanto là một trong số ít người đầu tiên được tiếp xúc với văn minh Âu Châu. Rồi, sau khi trở về quê hương để làm gạch nối giữa người da trắng và da đỏ, thì anh lại bị đồng bào anh coi là kẻ thù vì không chấp nhận sự hợp tác của anh với người da trắng. Tuy nhiên, anh vẫn kiên trì với thiện chí làm bớt đi những cuộc chém giết giữa người di dân và người da đỏ.

Khi người Âu Châu mới tìm ra Mỹ Châu, đoàn thám hiểm đã tổ chức bắt cóc một vài trẻ em bản xứ trong đó có Squanto đem về Anh quốc với mục đích để dạy dỗ cho nói tiếng Anh làm thông dịch viên sau này. Squanto được trao cho một giáo sĩ nuôi rồi được theo các tầu buôn trở về Mỹ Châu.

Trở về Mỹ Châu, Squanto đã tìm cách vượt trốn khỏi vòng tay người da trắng, nhưng rồi bị bắt và bị bán làm nô lệ trôi nổi khắp đó đây kể cả Tây Ban Nha và các bến cảng Châu Phi. định mệnh xui khiến, một ngày nào đó Squanto lại xuất hiện ở quê hương của mình. Khi đoàn người di dân đổ bộ lên Plymouth, Massachusetts và đang sắp bị chết đói thì Squanto xuất hiện cùng với một số thổ dân người Wampanoag. Họ mang theo thức ăn cho người di dân và dạy người di dân cách trồng trọt và săn bắt. Nhờ đó mà đoàn di dân đã sống sót qua mùa đông băng giá năm đó và có thu hoạch tốt vào Mùa Thu năm sau. Chẳng bao lâu sau đó, Squanto bị lây bịnh sốt rét và qua đời. Hiện nay người da trắng và da đỏ vẫn còn nhớ ơn Squanto.



Những Buổi Tiệc Tạ Ơn Khác Trên Mỹ Châu

Ngày 23 tháng Năm, 1541, Francisco de Vásquez de Coronado cùng thổ dân Tejas tổ chức Hội Tạ Ơn tại Palo Duro Canyon, Texas để ăn mừng cuộc hành trình của Francisco đi tìm thấy thực phẩm. Trong ý nghĩa tiệc mừng của người Âu Châu tạ ơn Chúa, ngày này cũng được nhiều người cho là đích thực Ngày Lễ đầu Tiên Tạ Ơn Chúa ở Bắc Mỹ.

Một tiệc mừng kế là tiệc mừng do Pédro Menéndez de Avilés tổ chức tại St. Augustine, Florida, ngày 8 tháng Chín, năm 1565. Tiệc mừng này cũng được cho là Thanksgiving đầu tiên tại Mỹ.

Một buổi tiệc khác cũng được cho là Lễ Tạ Ơn đầu Tiên ở Mỹ Châu là bữa tiệc của Don Juan de Onate tổ chức ngày 30 tháng Tư năm 1598 tại gần San Elizario, Texas.

Quốc Hội và Tổng Thống Ấn định Ngày Tạ Ơn

Đêm Thứ Tư trước ngày Thansgiving là một trong những đêm bận rộn nhất cho các quán ăn và quán nhậu bởi vì đó là đêm đầu tiên của các sinh viên trở về tỉnh nhà trong học kỳ.

Ngoài tiệc tùng, nhiều thành phố như New York, Philadelphia, Houston, Detroit có tổ chức các trận đấu túc cầu (footblall) và các toán diễn hành thường kết thúc bằng toán diễn hành của các Ông Già Noel cho biết là Lễ Chrismas đã khởi đầu.

Trong Cuộc Chiến Cách Mạng Mỹ Châu (Cuộc chiến chống Anh Quốc để thành lập ra Hoa Kỳ), theo thường lệ, Quốc Hội hàng năm ấn định một hay nhiều ngày lễ tạ ơn. Riêng tháng 12 năm 1777, George Washington đã tuyên bố một ngày tạ ơn nhằm vinh danh trận đánh thắng Anh Quốc ở Saratoga.

Vào những năm lên làm Tổng Thống, Goerge Washington ấn định lại những Ngày Lễ Tạ Ơn.

Tổng Thống John Adams ấn định Thanksgivings vào các năm 1798 và 1799

Tổng Thống Madison ấn định Thanksgiving vào lúc kết thúc cuộc chiến, 1812.

Tại bang New York, thanksgiving hàng năm được Thống đốc ấn định kể từ năm 1817.

Có một số tiểu bang ở miền nam không nhìn nhận những ngày tạ ơn như các tiểu bang khác. Tới năm 1858 mới có 25 bang và 2 lãnh thổ nhìn nhận Ngày Lễ Tạ Ơn.

Trong Cuộc Nội Chiến, Tổng Thống Abraham Lincoln tuyên bố ngày Thứ Năm cuối cùng trong Tháng 11 năm 1863 là Thanksgiving cho toàn quốc. Từ 1863, hàng năm toàn quốc Hoa Kỳ đều cử hành Lễ tạ Ơn vào ngày Thứ Năm cuối cùng của Tháng Mười Một. Nhưng tới năm 1939 thì T.T. Roosevelt lại tuyên bố rằng Thanskgiving nên là ngày kế ngày Thứ Năm cuối cùng trong tháng 11 hơn là ngày cuối cùng với mục đích giúp cho thời gian mua sắm vào dịp Christmas được kéo dài hơn. đề xuất này không có tính bắt buộc nên chỉ có 23 bang theo khuyến cáo này còn 22 bang khác không theo. Còn các bang khác, như Texas, đã ấn định cả hai tuần lễ là ngày Tạ Ơn.

Tới năm 1941 thì Quốc Hội HK quyết nghị lấy ngày Thứ Năm của tuần lễ thứ tư trong tháng 11 là ngày Thanksgiving. Ngày 26 tháng 11 năm 1941, T.T. Roosevelt ký ngày Tạ Ơn toàn quốc đó thành luật.

Tổng Thống Truman nhận một gà lôi biếu tại trước Tòa Bạch Ốc

Khi Lễ Tạ Ơn chấm dứt thì mùa nghỉ lễ mùa đông truyền thống lại bắt đầu. đó là mùa mua sắm cho Lễ Giáng sinh được khởi sự vào ngày Thứ Sáu đen "Black Friday" ngay sau Ngày Lễ Tạ Ơn. Truyền thống này được thành lập ít nhất là vào những năm 1930. Trong khi ngày nhộn nhịp nhất về mua sắm vẫn là ngày Thứ Sáu sau ngày Thanksgiving thì ngày có số lượng hàng bán ra lớn nhất là ngày Thứ Bẩy hay là ngày 23 Tháng 12. Hầu hết các cửa hàng đều tăng số hàng tồn kho cho mùa nghỉ tháng Mười Hai vào ngay sau Ngày Halloween, thậm chí có khi còn trước cả ngày vui đùa đó. Thứ Sáu sau Lễ Tạ Ơn hay là Black Friday còn được coi như là ngày Không Mua Gì Hết mà những người phản đối không mua sắm gì vì họ cho đó là những thói quen tiêu thụ phí phạm của những nước Số Một trên Thế Giới.

Dầu sao thì Lễ Tạ Ơn mở ra ở Mỹ Châu vẫn mang đầy ý nghĩa biết ơn Thượng đế và Những Thổ Dân đã cứu giúp những vị Tiền Bối Hành Hương "The Pilgrim Fathers" những người đã đặt nền móng cho Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.



Những hoạt động trong ngày Tạ ơn

Lễ Tạ ơn là một dịp để những người trong gia đình và bạn bè gặp gỡ, cùng chia sẻ niềm vui. Ở Mỹ, đây là một ngày lễ quan trọng của gia đình và mọi người có thể đi từ đông sang tây để gặp gỡ các thành viên trong gia đình. Kỳ nghỉ Tạ ơn thường rơi vào "4 ngày" cuối tuần. Dịp này phần lớn được tổ chức ở phạm vi gia đình, không giống như ngày 4/7 hay lễ Noel, tổ chức rầm rộ với sự tham gia của công chúng.

Ở Canada, lễ Tạ ơn diễn ra trong 3 ngày cuối tuần và không được coi trọng như ở Mỹ. Vào dịp này, các gia đình Canada khó có thể tụ họp với nhau, thay vì thế họ coi ngày Noel là dịp để thành viên trong gia đình đoàn tụ. Thêm vào đó, lễ Tạ ơn tại Canada lại rơi vào ngày thứ 2, nên người Canada có thể ăn bữa tối Tạ ơn vào bất kỳ ngày nào trong số 3 ngày cuối tuần trước đó. Điều này có nghĩa, họ sẽ ăn tối cùng một nhóm họ hàng trong 1 ngày và một bữa khác với nhóm khác vào ngày hôm sau.

Bóng hình ngôi sao in dòng chữ của tập đoàn siêu thị Macy's.
Một hoạt động không thể thiếu vào dịp Tạ ơn là mua sắm. Bắt đầu từ những năm 1930, mùa mua sắm nhân dịp Giáng sinh bắt đầu khi lễ Tạ ơn kết thúc. Tại thành phố New York, cuộc diễu hành nhân ngày Tạ ơn của Tập đoàn Macy's được tổ chức hàng năm tại khu trung tâm Manhattan. Cuộc tuần hành được tổ chức theo các chủ đề đặc biệt nào đó, hoặc mô phỏng các cảnh trong những vở kịch trên sân khấu Broadway kèm theo những chùm bóng lớn vẽ nhiều nhân vật hoạt hình hoặc diễn viên truyền hình nổi tiếng. Diễu hành nhân dịp Tạ ơn cũng diễn ra ở một số thành phố khác như Plymouth, Houston, Philadelphia và Detroit.

Dù ngày mua sắm lớn thứ hai trong năm tại Mỹ là ngày Thứ Sáu đen tối sau lễ Tạ ơn, hầu hết các cửa hàng đã bắt đầu dự trữ hàng ngày sau lễ Halloween, đôi khi từ trước nữa.

Một hoạt động chính khác trong dịp lễ Tạ ơn tại Mỹ là đá bóng. Theo truyền thống, hai đội chuyên nghiệp sẽ giao đấu vào ngày Tạ ơn, song đến gần đây, các trận bóng được tổ chức vào ngày trong tuần, không phải vào chủ nhật.

Happy Thanksgiving

Posted by: ĐiềmĐạm Nov 24 2011, 08:42 AM


Video cách nướng gà Tây

http://dinersjournal.blogs.nytimes.com/2011/11/23/how-do-you-roast-a-turkey/




HAPPY THANKSGIVING, EVERYONE!